(hay là Một chiều nắng đẹp)

Tôi bị một công an đưa vào trại tâm thần cuối một ngày nắng đẹp. Tại sao lại là công an thì chỉ vợ tôi mới biết. Và tại sao tôi lại vào trại tâm thần cũng chỉ vợ tôi mới biết. Cô ấy luôn biết phải làm gì vào những ngày nắng đẹp. Nhưng không hẳn đâu, vợ tôi chắc cũng không biết rõ lắm (từ rất lâu rồi cô ấy không rủ tôi làm những trò thú vị nữa, đã nhiều ngày nắng đẹp trôi qua một cách nhạt nhẽo, vô vị) cùng lắm cô ta chỉ biết là cần phải làm như vậy, và cần phải làm như vậy là để phục vụ cho một chỉ thị tối cao nào đó. Lúc bị người ta lôi đi tôi còn không kịp nhìn lần cuối cùng con người đã từng là cục cưng hai mươi năm qua của tôi.
“Nhưng tôi không điên,” tôi nói với tay công an.
“Có thằng điên nào tự nhận mình điên đâu.” Hắn đánh tôi một phát vào đầu. “Mày sẽ điên, con ạ. Đi mà gặp bác sĩ của mày.” Hắn đẩy tôi vào phòng một vị mặc áo blu trắng.
“Của ông đấy. Làm tốt nhiệm vụ vào.”
Một cái đầu cứng đơ nổi lên trên hai ve cổ blu trắng nằm dẹt trên vạt áo. Hai con mắt nhìn thẳng phía trước, hai tay đặt vững chắc trên mặt bàn, tay phải chồng lên tay trái, mu bàn tay mỏng, ngón tay xương, hai bàn tay trung thành với nghề nghiệp và với chế độ.
“Tôi hoàn toàn bình thường mà, thưa bác sĩ.”
“Thằng điên nào mà chẳng nhận mình hoàn toàn bình thường. Đã bị đưa vào đây thì hẳn phải có lý do nọ chồng lên lý do kia.”
Lý do nọ chồng lên lý do kia. Như vậy là tôi có một chồng lý do để phải vào cái trại tâm thần này. Tôi nhìn cái lưng của tay công an khuất sau khung cửa sổ, tự nhiên thấy nhẹ nhõm. Xưa nay lương y như từ mẫu, có thể tôi sẽ được cứu, ông ta sẽ hiểu và tìm cách giúp tôi. Chỉ cần ông ta nhìn vào mắt tôi, hãy nhìn vào mắt tôi, ông sẽ hiểu và sẽ nhân từ hơn cả mức bình thường, nhìn vào mắt tôi đi, nhìn vào mắt tôi đi… Lời nói của tôi đã bất lực từ bao lâu nay rồi, không ai tin lời tôi cả. Nhưng còn đôi mắt, tôi có thể nói bằng mắt. Trong mắt tôi ông có thể thấy trí não tôi bình thường, thậm chí còn có thể nói là thông minh nữa. Ông sẽ hiểu thế nào sự trung thực và thẳng thắn, mắt tôi mở to ở mọi giác độ, không có một góc khuất nào, một góc tối nào, con ngươi đen và sáng, lòng trắng đều, hơi xanh, rất hiếm ở tuổi tôi, nó chỉ có ở những người không tính toán và không hiểm độc, những người suốt đời chỉ biết đặt lòng tin lên trên hết. Chẳng hạn như lúc này đây tôi đang đặt lòng tin vào ông. Hãy nhìn tôi. Ông sẽ thấy một nỗi oan ức cần được minh giải, gánh nặng của nó đủ nhấn chìm cả một con tàu xuống đáy đại dương, ông hãy chìa một cái phao cho kẻ đắm tàu, ông có cả một kho phao. Suốt đời tôi đã tin, cho dù có những chuyện không đáng tin, có những chuyện không thể tin được. Có những chuyện chỉ có thể tin khi người ta mù hoặc đần độn. Ở xứ này, lúc này những người thông minh là những người mù và đần độn. Chỉ có những bọn đần mới lúc nào cũng tỏ ra thông minh mà thôi. Tôi thực sự thông minh vì lúc nào cũng biết tỏ ra ngoan ngoãn và đần. Óc phê phán càng bị triệt tiêu thì càng có nhiều cơ hội để phát triển và thăng tiến. Mức độ thăng tiến tỷ lệ thuận với cái gọi là sự thông minh trong cuộc sống. Tất nhiên là tôi biết trong dân gian cái đó được gọi là khôn lỏi, quả thật nó mọc ra như răng chuột. Và tất nhiên tôi cũng biết rằng còn một loại thông minh khác không thể mọc ra như răng chuột được. Đó là sự thông minh của những kẻ ngố, dại dột, hay hoài nghi, và lắm điều.
Luồng ánh mắt của tôi và của ông ta tạo thành hai cạnh góc tù. Giới hạn của một cạnh chính là đôi mắt tôi đang tập trung hết nhãn lực vào ông ấy, còn cạnh kia là một đường thẳng vô tận. Tôi nhìn không chớp vào ông ta, còn ông nhìn không chớp vào khoảng tường phía bên trên cửa sổ, ở đó một con gián già to đùng nằm bất động. Ông ta nhìn xuyên qua nó đến một nơi không có giới hạn. Tôi chỉ thấy một bên mắt, con mắt kia bị sống mũi che lấp. Tôi cầu mong cuối đường thẳng vô tận kia ông sẽ tìm thấy y lý và y đức, như vậy tôi sẽ được cứu, có lẽ ông hiểu mà không cần nhìn vào mắt tôi, như vậy thì tốt biết bao, và tôi sẽ chờ, chờ đến bao lâu cũng được.
Sao bệnh nhân này không nói gì cả? Đằng nào thì ông ta cũng phải điên. Ông ta đã bị đưa vào đây, như vậy chỉ có một kết cục duy nhất chờ đợi ông ta. Có thể ông ta đã hiểu ra rồi chăng? Thái độ im lặng này thật kỳ cục. Chỉ nói một câu rồi thôi. Mà câu ấy đã chứng tỏ ông ta không bình thường, vì một người bình thường trong hoàn cảnh này hẳn không bao giờ nói một câu ngớ ngẩn như vậy, với một sự ngây thơ ngớ ngẩn như vậy, với một niềm tin ngớ ngẩn là người ta sẽ nghe mình như vậy. Ông ta mong rằng mình được hiểu ư? Thế thì ông ta điên thật rồi. Bởi vì ông ta phải tự hiểu rằng tại sao mình không điên mà bị đưa vào đây chứ, ông ta phải hiểu tại sao người ta muốn cho mình điên chứ? Hay có lẽ ông ta đã hiểu ra nên mới im lặng. Cần phải cảm ơn ông ta về sự im lặng này, sợ nhất là những người vào đây mà lại kêu ca oan ức, càng sợ hơn vì đúng là họ oan thật. Nhưng có thể làm gì cho họ đây? Họ không biết rằng chính bác sĩ của họ cũng sắp phát điên. Vì không điên mới là điều lạ. Họ đâu biết rằng bác sĩ của họ nhìn mà không thấy gì cả, không được phép thấy gì cả. Bác sĩ của họ được trả lương để không thấy gì và không làm gì. Nhiệm vụ ấy được gọi là cao cả. Để thực hiện được nhiệm vụ ấy mà không phát điên, bác sĩ của họ không bao giờ nhìn họ. Con gián già sụ kia nằm ở đấy bao lâu rồi, và nó để mắt vào đâu để tránh cái nhìn xoáy chặt vào nó như để tìm một sự giải thoát?
Tôi thích cái góc trên cửa sổ này, sạch sẽ và có thể nhìn bao quát cả gian phòng chật, đồng thời có thể hít thở không khí từ phía ngoài cửa sổ, đôi khi đó là một thứ không khí khác, nhưng thường thì trong hay ngoài cửa sổ cũng chỉ có một loại khí ấy thôi, ẩm mốc lưu cữu từ rất lâu, vì căn phòng này nằm kẹt trong một góc khuất, hầu như không bao giờ gió thổi tới. Tôi thích cái góc này còn bởi vì nó biến tôi thành trung tâm của vũ trụ, thỉnh thoảng, trong một vài buổi chiều tôi trở thành điểm ngắm của một luồng mắt bất động. Tôi cũng bất động và khoái trá soi mình vào đôi con ngươi thiếu sinh khí, nhưng thực ra khoảng cách hơi xa nên tôi cũng chẳng thấy rõ hình hài tôi trong đó như thế nào, đôi khi tôi động đậy mấy cái chân, nhưng cũng không thể nhận thấy chuyển động đó trong hai con ngươi mờ đục ấy. Những buổi chiều như vậy trong phòng bao giờ cũng chỉ có hai nhân vật. Người ngồi phía sau cái bàn, ngập giữa đống giấy tờ hầu như không nói gì, chỉ làm mỗi một việc là nhìn tôi, đến mức dễ có cảm tưởng là ông ta say mê tôi. Nhưng tôi còn đủ tỉnh táo để tự biết mình chẳng có chút hấp dẫn khỉ khô nào. Vậy nên đầu tôi cứ quay cuồng với những câu hỏi liên quan đến cái nhìn kỳ cục ấy. Lâu dần tôi quen với nó đến nỗi không hình dung nổi đời tôi mà thiếu nó. Dường như cái nhìn đó đã xác lập nên tôi, đem lại cho đời gián của tôi một ý nghĩa, dù rằng tôi không hiểu đó là ý nghĩa gì. Còn người kia, ngồi trên cái ghế tróc sơn, kê đối diện cửa ra vào, thường nói rất nhiều, đôi khi còn khóc nữa, và hầu như chẳng bao giờ biết đến sự hiện diện của tôi. Tôi khoái nhìn nước mắt, vì đó là thứ xa lạ với tôi, chẳng bao giờ tôi khóc. Với lại hình như nước mắt giúp làm ẩm không khí.
Chắc là bác sĩ đang tìm giải pháp để cứu mình. Nhưng thực ra đâu cần phải tìm giải pháp gì, ông ta cứ khám cho mình một cách bình thường, cứ làm tất cả các loại xét nghiệm và trắc nghiệm cần thiết, kết quả sẽ cho biết ngay mình là người bình thường. Nhưng phòng khám này trống trơn, chẳng có gì ngoài cái bàn giấy một chân cập kênh, phải chèn bằng nửa viên gạch, gỗ sần sùi, cáu bẩn, cặn trà đóng thành vảy, lớp lớp chồng lên nhau. Thực ra có khi ông này không phải là bác sĩ mà chỉ là người làm thủ tục để chuyển mình vào phòng khám. Nhưng trên bàn chỉ có hai loại giấy tờ, một là mẫu giấy xác nhận không bị tâm thần và cho ra viện đặt ở bên phải con dấu, hai là mẫu giấy xác nhận bị bệnh và phải nhập viện. Không có loại giấy tờ nào giới thiệu đi làm xét nghiệm cả. Hình như con gián động đậy mấy cái chân, nhưng tôi không thể phân biệt một cách chính xác. Làm sao nó có thể chịu đựng một cái nhìn như vậy. Tôi mà là nó có lẽ đã rơi xuống đất từ lâu rồi. Tôi hạ mắt xuống thấp hơn một chút để nhìn qua cửa sổ. Những ngày tươi đẹp của tôi. Chúng ở đâu? Chúng sẽ ở phía trước tôi hay đã ở sau lưng tôi? Cũng có thể chúng ở trong một vở kịch phi lý mà một lần tôi có giở ra nhưng không đọc hết vì lời lẽ trong đó chẳng có nghĩa lý gì cả. Tôi không quen thưởng thức loại văn học kiểu ấy. Nhưng tôi nhớ mấy từ đó: những ngày tươi đẹp, vì trong lúc này đây, hơn bao giờ hết chúng ám ảnh tôi. Thế nào là một ngày tươi đẹp? Là ngày tôi và vợ tôi đạt tới một sự hoà hợp hiếm hoi bằng những trò lý thú mà đầu óc hiếu động của nàng có thể nghĩ ra? Ngày mà tôi không còn phải chơi trò nước đôi trong niềm tin của mình nữa? Ngày mà những bệnh viện như thế này luôn ở trong tình trạng sạch sẽ, sáng sủa với những ông bác sĩ làm việc theo đúng chuyên môn được đào tạo? Ngày mà người ta thôi nói với nhau bằng thứ đối thoại theo kiểu người điếc? Có lẽ đó là ngày tôi biến thành con gián kia, nằm ung dung phía trên cửa sổ, tự do bất động, tự do bẹp dí ở một chỗ ấy, tự do chịu đựng cái nhìn nặng như chì nhưng rỗng không và không chạm tới đích.
Ở đây lúc nào cũng có đủ cả hai loại: giấy chứng nhận sức khoẻ bình thường và giấy xác nhận phải điều trị tâm thần. Nhưng loại thứ nhất hầu như không bao giờ phải dùng đến, đúng hơn là không được dùng đến. Cái ông này vẫn không chịu nói gì. Nếu vậy chỉ còn cách là lẳng lặng viết giấy cho ông ta nhập viện. Như thế càng tiện hơn vì phải nói chuyện mà không nhìn mặt người đối thoại cũng chẳng dễ dàng gì. Cái con gián ấy thật kỳ cục, hình như rất ít khi nó rời chỗ ấy. Mày cứ nằm yên đấy, tao làm việc một lát. Nhưng còn kỳ cục hơn, nó đung đưa mấy cái chân như tỏ vẻ đồng ý. Nó đã chứng kiến những ngày khốn nạn của tôi ở đây. Những ngày chết giẫm, chúng khiến đời tôi thành ra một chuỗi xám xịt, thảm đạm. Nó không hề khó chịu vì mánh lới của tôi đã biến nó thành một cái đích ảo. Nó cùng tôi hít thở cái thứ không khí lưu cữu ô nhiễm nặng nề này mà không làm sao cả, không hề bị làm sao, cả tôi và nó.
Cuối cùng ông ta cũng thôi nhìn ra cửa sổ và bắt đầu lục lọi đống giấy tờ. Sao vậy, ông ta chọn một tờ ở đống giấy bên trái con dấu và cúi đầu xuống để viết. Tôi không nhìn rõ ông ta viết gì vì tầm mắt bị chồng giấy chặn lại. Nhưng ông ta có thể viết gì đây khi trên bàn chỉ có hai loại giấy đó, và đối tượng chỉ có mình tôi. Ông ta viết rất nhanh dường như để không phải ghi nhớ những thứ mình đang viết.
Ông ta thôi nhìn tôi để quay về với công việc thường ngày, ngoáy bút trên mấy tờ giấy. Thực ra tôi cũng muốn thử xem giấy có mùi vị như thế nào, có phải là một loại thức ăn không. Trông chẳng có gì hấp dẫn. Giấy tờ trong căn phòng này không hiểu sao nặng mùi bất minh. Một chú bạn tôi nhận xét vậy. Tôi tự nhủ sẽ tìm hiểu xem mùi bất minh là mùi thế nào, nhưng rồi chẳng có thời gian cho việc đó, đành chấp nhận mà không chứng minh vậy. Vả lại đối với họ nhà gián chúng tôi, chứng minh làm gì cho rách việc. Đằng nào những phương pháp tư duy cũng chẳng có nghĩa lý gì đối với một đời gián. Chúng tôi nhìn nhận sự việc như chúng đang tồn tại, không cần đến mọi suy luận lằng nhằng. Nhưng quả tình có những việc tôi nhìn thấy mà không hiểu. Những lúc đó tôi tự hỏi liệu sự suy luận hay phân tích có giúp tôi hiểu được sự việc không? Và lúc đó tôi muốn đánh đổi những giờ bất động trên khung cửa sổ này lấy một chỗ trong lớp học. Thực sự là có những ngày tôi đã chết gí trên khung cửa sổ của một vài lớp học, rồi tôi cũng biết một vài điều hay hay. Tỉ như, bây giờ tôi có thể phân biệt được bi kịch với hài kịch, thơ với truyện. Sau khi xem những trích đoạn bi kịch và hài kịch do bọn nhóc học trò tập diễn, tôi thấy chúng chẳng khác gì mấy với những thứ tôi vẫn xem hàng ngày trong gian phòng này, trừ việc chúng gượng gạo hơn và giả tạo hơn. Có lẽ vì lũ nhóc không phải là những diễn viên giỏi.
Tôi không nhớ mình đã viết bao nhiêu giấy nhập viện loại này. Thực ra so với số lượng những tờ giấy nhập viện chính xác và lương thiện thì loại này không nhiều lắm. Tôi không bao giờ ghi nhớ một cái tên nào, cũng như không bao giờ nhìn vào một khuôn mặt nào. Những người bị bệnh thì người nào chẳng giống người nào, và họ cũng chẳng nhớ họ tên là gì; còn những người không bị bệnh, tốt nhất không nên biết mặt họ và không nên nhớ tên họ. Rút cục, ở cái cổng ra vào bệnh viện này, tôi lúc nào cũng như ở chỗ không người. Tên và mặt là cái gì vô nghĩa lý nếu không muốn nói là thật đáng sợ.
Tờ giấy ông ta chọn ở bên trái con dấu, tôi hiểu điều đó nghĩa là gì. Tôi chồm lên, đằng nào người ta cũng đã coi tôi là điên rồi, không cần phải giữ lễ nghĩa nữa. Không cần phải tỏ ra đần độn một cách thông minh nữa. Đồ đểu, hắn không nói gì, không làm gì, cứ thế bắt tôi vào viện. Tôi giật lấy tờ giấy hắn đang viết giở, định xé tan tành cho hả cơn tức thì chợt khựng lại rồi cười ngất, đúng kiểu người điên.
“Đây không phải tên tôi, giấy này không phải cho tôi. Trả ông đây. Ông viết cho tôi giấy khác chứ. Xin lỗi đã hiểu nhầm ông.”
Tội nghiệp ông ta. Không phải tên ông ta thì có sao đâu, hồ sơ của ông ta sẽ nằm lại trong phòng này, không bao giờ được mở ra, cho đến ngày ông ta được rời viện vì lý do này hoặc lý do khác. Ông ta thuộc loại tâm thần đặc biệt, chỉ cần biết ông ta nhập viện ngày nào là sẽ có ngay hồ sơ. Việc nhầm lẫn này có thể đã xảy ra vài lần rồi mà chẳng sao cả.
Cảnh tượng hôm nay có vẻ không giống thường ngày. Chưa bao giờ xảy ra một vụ giằng co theo kiểu như vậy. Tôi bắt đầu chống chân lên để nhìn cho rõ, mọi thứ giống như trên sân khấu bi kịch. Nhân vật kia im lặng từ lúc mở màn đột nhiên hét rống lên:
“Tôi là Lê Đại Thắng, Lê Đại Thắng, Lê Đại Thắng, ông nhớ chưa? Ông nhớ đi! Nhớ đi! Nhớ đi!”
“Câm ngay. Câm! Câm!”
Tôi phát điên hay sao. Điều tệ hại nhất đã xảy ra: tôi đã phải nghe một cái tên trong những cái tên đáng sợ ấy, vì một khi nó đã vào đầu tôi, nó sẽ không thể nào ra khỏi đó. Nó sẽ cắm rễ vào những đường rãnh não, những cái rễ sẽ mọc dài ra ăn sâu thêm, chúng sẽ huỷ hoại trí não tôi, chúng sẽ đẩy tôi vào nỗi sợ hãi tối tăm, chúng sẽ xô đổ bức tường bình yên để lập nên cái trật tự rối loạn hãi hùng. Cái đồ điên ấy không có quyền hành hạ tôi như vậy. Phải tống khứ hắn đi ngay lập tức. Tôi giật một tờ giấy khác, viết lia lịa. Cái tên Lê Đại Thắng hằn lên trên tờ giấy nhập viện với những nét đậm, gai góc, tức tối. Những nét chữ sắc như lưỡi kiếm chọc vào mắt tôi. Máu chảy tràn khắp tờ giấy, máu đỏ khoanh tròn như con dấu hằn lên chữ ký của tôi ở dưới trang giấy. Chết tiệt.
Hay thật. Ông ta đánh mất vẻ bình tĩnh bất động cố hữu từ bao lâu nay. Nhìn tôi đây, ông sẽ bình tĩnh trở lại. Tôi đánh chân vào tường liên tục để lôi kéo sự chú ý về phía mình. A! Quả thật tôi muốn giúp ông ta. Nhìn tôi đây, ông sẽ bình tĩnh trở lại. Khỉ thật! Không biết nói tiếng người trong những trường hợp như thế này quả là bất tiện. Lòng tốt của tôi lẽ nào lại đâm ra vô ích như vậy. Hoài của. Tôi cử động thật nhanh, cứ như đang khiêu vũ theo một điệu nhạc dồn dập, hối thúc. Tôi cố hét rống lên với thứ ngôn ngữ gián của mình nhưng vô hiệu. Đúng ra thì tôi mới thật là điên. Làm sao tôi dám tin là tôi, một con gián, lại có thể giúp ông ta lấy lại bình tĩnh? Phải chăng tôi hy vọng ở vẻ từng trải do tuổi tác mang lại cho tôi, hay sự bất động có khả năng làm xói mòn mọi cơn kích động. Cũng có thể nhìn thấy tôi thói quen cũ của ông ta sẽ tái lập. Sự bất động này kêu gọi sự bất động kia và hoà bình thế giới sẽ được lập lại. Ông ta vẫn không ngừng bị kích động. Tôi đang tính xem có nên nhảy xuống bàn không. Nhưng tôi hãi. Ông ta cũng đang hãi. Thực ra lúc nào ông ta cũng sợ. Nỗi sợ nhảy tưng tưng trên đầu mấy ngón tay đang mải miết viết. Nỗi sợ làm ông ta trở nên nguy hiểm, đáng sợ. Nhưng đáng sợ hơn là có thể từ nay ông ta không nhìn tôi nữa.
Ông ta làm gì vậy? Ông ta điên rồi. Bình tĩnh lại đi, tôi cần phải bình tĩnh lại nếu không người ta sẽ cho mình điên thật. Phải làm gì đây? Não tôi quay cuồng và trong một phần nghìn giây, tôi chợt tìm ra một giải pháp. Ông ta phải nhìn vào mắt tôi. Nếu không tôi sẽ thua, hãy nhìn vào mắt tôi.
“Ông nhìn tôi đây.”
“Cái gì.”
Đôi mắt đen thông minh, đờ ra vì oan ức, lòng trắng ngả màu xanh như mắt trẻ con mang nặng nỗi buồn của một người không có tuổi. Tôi nhìn thấy khuôn mặt nhoè nhoẹt máu của tôi trong con ngươi vừa thông minh vừa đần độn ấy. Nó biểu hiện một niềm tin được rèn luyện rất kỹ. Nét môi đậm vành môi cũng hằn rõ niềm tin dành cho tôi. Đồ điên! Một bên má ông ta hõm xuống thành chữ y, má bên kia chạy dài một vài nếp nhăn, tôi nhìn lờ mờ giống như là chữ đức. Đồ điên! Sẽ rất nhanh thôi, niềm tin vờ vĩnh của hắn sẽ phải tắt, hắn sẽ đụng phải một thực tế mà hắn không thể lợi dụng. Hắn sẽ rơi vào một thế giới ở đó thông minh và ngu đần có cùng một thang giá trị. Hắn không phải dùng cái này để đánh tráo cái kia, và rút cục cả hai thứ đều sẽ không còn tồn tại, hắn sẽ có một giấc mơ dài; tóm lại hắn sẽ được giải thoát. Và tôi, nhất là tôi, cũng sẽ được giải thoát. Một con dấu nữa được cộp thêm vào phần dưới của tờ giấy lênh láng máu. Cái chuông ở trên bàn nhảy vào bàn tay tôi, rung liên tục. Tờ giấy được giúi cho người đàn ông xuất hiện ở khung cửa. Hắn lôi ông ta đi.
“Đồ điên!”
“Đồ điên!”
Những ngày tươi đẹp của tôi ở đâu? Kẹt cứng giữa hai cánh tay lực lưỡng, tôi chỉ còn một ý nghĩ duy nhất ấy. Trong khi tự hỏi như vậy tôi đã quên mất sự kháng cự cần thiết, sự kháng cự mang tính chất bản năng mà bất kỳ kẻ nào trong hoàn cảnh tôi cũng sẽ làm. Bản năng ấy đã khước từ tôi, chối bỏ tôi. Hoặc cũng có thể tôi biết là mọi kháng cự đều vô ích. Hoặc tôi cho rằng tốt nhất là không nên chống lại, tuân phục đôi khi, thường khi đem lại cảm giác dễ chịu cho những người thi hành công vụ, và tôi hy vọng mọi chuyện được cải thiện nhờ cảm giác dễ chịu ấy chăng? Hay tôi tin rằng chẳng đến nỗi trầm trọng việc người ta lôi tôi đi đến một chỗ nào đó? Rằng trong mọi trường hợp chỉ có niềm tin là đáng kể. Dù sao cũng vẫn có ngày mai và không việc gì phải sợ hãi. Tôi nhích lên trong hai cánh tay của người đàn ông, hắn đi hơi lùi về phía sau một chút so với tôi, khoảng cách giữa chúng tôi hầu như không đáng kể. Nhẹ nhàng và nhịp nhàng như trong một bài thể dục thẩm mỹ ở các câu lạc bộ thể hình, như tôi và vợ trong một điệu van thời son trẻ. Tôi không bị kéo hay bị lôi đi, mà đúng hơn là bị đẩy từ phía sau. Tôi để cho người ta đẩy về phía những ngày tươi đẹp như thế đấy! Không hiểu như vậy là đần độn hay thông minh nữa. Đồ điên!
Lạ thật, hắn để cho người ta đưa đi như vậy sao, sau khi đã đánh bật tôi ra khỏi giới hạn? Tôi hình dung cảnh hắn chống trả kịch liệt với một sự khoái trá phải nhận là hơi thấp hèn. Tôi đã thấy trước những cử chỉ cuồng loạn, tiếng la hét bừng bừng kích động cho thấy sự điên rồ của hắn khi tuyệt vọng cưỡng lại việc người ta đưa hắn vào cái chỗ mà hắn biết rõ là không phải dành cho hắn. Hắn sẽ phải hiểu thế nào là một cơn điên. Và tôi sẽ có bằng chứng về bệnh điên của hắn. Và có nghĩa là tôi đã làm đúng. Tôi không còn phải áy náy băn khoăn gì. Nhưng hắn khiến tôi cụt hứng vì sự thụ động không thể hiểu nổi. Tôi ngột thở trước tất cả những thứ đó: tên hắn, mặt hắn, sự đầu hàng bất ngờ của hắn. Tất cả nhộn nhạo xung quanh tôi. Cơn đau bất thần bóp nghẹt tôi. Trí não trống rỗng, hơi thở đứt quãng, giác quan tê liệt và các bộ phận trên cơ thể nặng trĩu. Tôi muốn ra ngoài, ngoài kia trời nắng đẹp, vòm trời cao và sâu không biết đến tận đâu, tại sao tôi chịu chết gí ở đây, trong cái giới hạn chật hẹp này. Tôi muốn nhưng tôi không thể. Đồ điên!
Tôi rướn người nhìn hồi kết của tấn kịch và… Bộp! Ối! Tôi rơi bịch xuống nền nhà. Đau đớn, hấp hối, nát bấy dưới một gót giày to bự, nặng trịch, hôi hám, tôi vẫn còn kịp tự hỏi tại sao cái kết này không giống với những cái kết khác, và có thể gọi đó là bi kịch không. Và còn cái kết của tôi nữa, tại sao lại phải kết thúc như thế này dù tôi chẳng dính dáng gì đến tấn kịch mà tôi chưa bao giờ là một nhân vật trong đó, tôi chỉ là một khán giả của nó mà thôi. Mấy cái chân vẫn khua khoắng trong cái đống lầy nhầy là tôi, như còn muốn tiếp tục thắc mắc. Đồ điên!

Xem Tiếp: ----