"Cô đã chết rồi, tất nhiên thế. Mới chín tuổi và cô đã chết. Đó là một khối u trong não. Cô sống qua mùa hè và đến đầu tháng chín thì chết." Tim O’Brien – "Những cuộc đời sau khi chết" Tôi cũng có một khối u trong não. Và ngày lại ngày tôi cố đoán xem tôi sẽ sống qua bao nhiêu mùa hè nữa. Tôi còn cố đoán xem có ai tặng cho tôi một cuộc đời sau khi chết không, có ai đó còn yêu tôi cả sau khi tôi chết, có ai đó vì tôi mà tự sáng chế ra những giấc mơ, có ai tự cứu rỗi đời mình bằng một câu chuyện mà tôi là nhân vật chính trong câu chuyện đó? Đầu tháng chín khi tôi từ Paris trở về mang theo một khối u mà tôi không biết nó vốn đã ở trong đầu từ lúc nào, giống như Linda của Timmy, tôi nghĩ đến một cuốn sách nằm mốc meo trên giá thư viện, chẳng bao giờ được mở ra, chẳng có ai đọc. Thay vì hy vọng có ai đó sẽ cầm cuốn sách lên và bắt đầu đọc thì tôi lại sợ có ai đó giở nó ra vì trong đó chẳng có gì để đọc, và tôi nghĩ đến chuyện lấp đầy ruột cuốn sách đó. Cuốn sách bắt đầu bằng cái ngày người phụ nữ mang trong đầu một khối u có thai. Thông báo của cô làm bùng nổ niềm hạnh phúc kịch phát của mọi thành viên trong gia đình. Bên nội hân hoan chờ kẻ nối dõi tông đường, bên ngoại tự hào chờ một người kế tục ưu tú của giòng họ. Còn cô gái, cô chờ đợi cái sinh thể sẽ làm thay đổi bản chất của cô, sẽ biến cô từ một cô gái thành một bà mẹ. Tháng mười, phố sâu hơn. Đường chân trời, trong thành phố không có đường chân trời, như xa hơn nếu cô có thể nhìn thấy nó. Vì cô không nhìn thấy nó nên có thể coi như cô không nhìn thấy ranh giới giữa cõi tục và cõi tiên, giữa thiên đường và hạ giới. Cô không nhìn thấy chỗ tiếp giáp giữa nơi kết thúc và bắt đầu. Trong đầu cô không có những băn khoăn, những câu hỏi siêu hình. Cái đó có cần cho ai đâu. Khi người ta cứ phải vục mặt (vục mặt, một nhà văn đã viết như vậy) vào bát cơm của mình thì thế giới chỉ còn nằm gọn trong bát cơm đó, những gì bên ngoài bát cơm là vô nghĩa. Nếu có ai đó nói với cô như vậy hẳn cô sẽ phì cười, sắc thái của cái cười này cũng chẳng khác chi mấy với cái cười cũng là của cô nếu có ai đó nói với cô về siêu hình học. Đối với cô, một kẻ suốt đời chỉ biết vục mặt vào bát cơm, dưới hình thức này hay hình thức khác, và một kẻ suốt đời phóng Spacy lượn qua các phố, tiêu thời gian ở những chốn sang trọng nhất trong cái thủ đô này, về bản chất chẳng khác gì nhau. Họ cũng giống cô, không quan tâm đến siêu hình học. Nhưng cô muốn nhìn thấy đường chân trời. Từ khi có thai đường chân trời trở thành một thứ tiếng gọi không nguôi trong cô. Cô sống ở một nơi bụi bặm và chật hẹp trong thành phố, xung quanh là nhà, nhà và nhà, trời cũng như đất được chia theo khẩu phần và cô nhận được, cùng với các thành viên trong gia đình, cái khẩu phần năm mươi mét vuông ngay trên đầu ứng với năm mươi mét vuông dưới chân cô. Ở đây mọi thứ phân chia quá rành rọt chính xác, không có một milimét nào dành cho sự mơ mộng hão huyền. Mọi thứ mơ mộng đều bị coi là hão huyền và một khi đã bị coi là hão huyền thì người ta thôi không mơ mộng nữa. Kể từ khi có thai cô không còn sợ phải nghe từ hão huyền như một lời ca thán trách cứ nữa. Nhưng sự mơ mộng lớn nhất của cô cũng chỉ hướng về một đường chân trời mà thôi. Cô muốn nhìn thấy nó, cô muốn sở hữu nó nhưng cô chưa bao giờ tự hỏi mình tại sao lại là đường chân trời chứ không phải là một cái gì khác. Cô tiếp tục nghĩ về nơi kết thúc của đất và khởi đầu của bầu trời. Cô biết đó là một hư ảo. Đường chân trời là một ảo giác lừa mị vì không bao giờ chạm được vào điểm giao nối đó. Nó sẽ mãi ở đó, phía trước, lùi xa và phía trước. Cũng có lúc cô thấy nó nằm vắt ngang như một que củi, một que củi khô queo dưới ánh nắng mặt trời. Và cô nằm vắt ngang qua cành củi đó để rồi thấy rõ chẳng có cành củi nào cả. Cô đã tin rằng chỉ cần vượt qua nhánh củi khô nọ là cô sẽ đến được một thế giới khác hẳn với thế giới cô đang sống. Vậy mà thậm chí cả một nhánh củi khô cũng là điều không thật. Mơ mộng về đường chân trời lớn dần cùng với bầu thai. Có lẽ đứa con của cô sau này sẽ là người lữ hành không ngừng dấn thân vào những phương trời xa lạ. Tương lai của con cô sẽ là những chuyến đi, những chuyến đi không bao giờ tới đích. Sự vẫy gọi (từ này có vẻ đẹp đẽ vì cô không rõ đã lúc nào nghe thấy một sự vẫy gọi chưa) của một sức mạnh vô hình cuốn nó đi. Cô thử nghĩ xem liệu cô có muốn giữ nó lại bên mình không, tất nhiên việc cô muốn hay không muốn đối với nó không quan trọng, vì không gì có thể ngăn cản ý thích phiêu du của nó, nhưng với cô mong muốn đó hẳn có một ý nghĩa nhất định. Nhưng rồi cô, trong một giây phút loé sáng của nhận thức, lại thấy rằng nó càng xa cô càng gần cô. Khoảng cách địa lý mở rộng sẽ thu hẹp khoảng cách tâm linh giữa cô và nó. Nói cách khác nó sẽ đưa cô đi cùng với nó đến những chân trời bất định kia. Cô lúc đó sẽ nhẹ như một lông ngỗng và nó là gió mang cô đi đó đây trong không trung. Nhưng rồi một giây phút loé sáng của nhận thức khác, cô chợt hiểu rằng gió sẽ không chịu trách nhiệm gì về chiếc lông ngỗng cả, nó có thể rơi rụng bất cứ chỗ nào trong lúc gió vẫn tiếp tục đi. Rồi cô về quê để có thể đối diện trực tiếp với đường chân trời. Cô ngồi sau luỹ và nhìn nó hàng giờ. Cô muốn đi về phía nó nhưng giờ đây cô đã quá nặng nề với cái thai ở tháng thứ bảy. Suốt bảy tháng qua cô đã cùng con cô đẩy lùi chân trời không biết bao nhiêu dặm. Giờ đây chính thức nhìn thấy nó trước mắt, cô không có thêm được ý tưởng mới mẻ nào cũng không đẩy nó đi được một ly nào. Cô dùng mắt ôm lấy nó, lưu lại đó cái nhìn cuối cùng của cô, rồi trở về thành phố không một lời tạm biệt. Ngày sinh hạ đã đến. Cho tới tận lúc đó, cô hoàn toàn lãng quên cái u, mặc cho bác sĩ liên tục nhắc nhở về tính chất nguy hiểm. Sự phát triển đột biến của nó trong thời kỳ mang thai và những rối loạn do nó gây ra đã bị cô đồng nhất với mộng mơ về đường chân trời. Phương pháp ấy đạt được hiệu quả không ngờ vì cô hầu như trút bỏ mọi lo âu không cần thiết, hơn nữa còn có hại, cho một sản phụ. Bác sĩ bảo rằng cô là một ca đặc biệt, sẽ phải thực hiện một phẫu thuật kép, đứa trẻ và khối u sẽ được mổ để lấy ra cái này liền sau cái kia. Thực ra người ta đã đề nghị cô phẫu thuật khối u từ trước nhưng cô không muốn bất kỳ một rủi ro nào cho con cô. Vì không ai có thể biết chắc điều gì sẽ xảy ra với cái phương pháp mổ thủ công, là phương pháp duy nhất áp dụng ở nước cô hiện nay. Mỗi lần lên cơn đau đầu dữ dội cô lại thấy giông bão xuất hiện trên con đường mà con cô đang dấn bước. Nó kiên quyết không chịu lùi, cho đến khi trời quang mây tạnh và đường chân trời lại xuất hiện trước mặt. Cứ thế cô và con cô đã ở bên nhau để vượt qua cơn đau đầu kịch phát đó. Rồi một hôm bầu trời trong đầu cô vỡ tung. Những mảnh vỡ tan tác nhào lộn trong khối hỗn mang và cuối cùng rơi xuống xếp thành một đường chân trời ngoằn ngoèo. Cô đứng giữa đống đổ nát, chân dẫm lên những mảnh vụn, tóc xoã tung bay khắp mọi hướng. Cô dang rộng vòng tay muốn ôm trọn cả khối hỗn độn tan nát ấy. Cô muốn ghép những mảnh vụn để tạo dựng lại vòm trời, nhưng cô biết công việc đó đòi hỏi quãng thời gian của một đời người. Cô nhìn thấy đời người phía trước, cái cuộc đời lẽ ra sẽ thuộc về cô giờ đây vĩnh viễn ở phía trước, nơi cô không đến được. Cô nằm duỗi dài theo đường chân trời, tóc xếp gọn quanh thân hình cô, lúc này cô cũng là một đường thẳng. Cô nằm im chờ đợi giây phút lao qua phía bên kia chân trời, chờ đợi cảm giác nhẹ nhõm của sự giải thoát, nhưng cơn đau ghì cô xuống sát mặt đất, cô đã gắng không cảm nhận sự tồn tại của nó. Cô nhìn vào cơn đau như nhìn vào một ống kính vạn hoa, những sắc màu liên tục xáo trộn. Từ màu đỏ chuyển sang màu xanh rồi màu tím, một hỗn hợp các màu di động không ngừng. Và những sắc màu ấy nhạt dần nhạt dần cho đến lúc tất cả hoà vào nhau trong một màu trắng, trắng tinh, lạnh và khô. Cơn đau phủ lên cô màu trắng của tấm vải liệm. Nếu cô có thể đứng lên được thì cô sẽ rũ bỏ tấm vải liệm kia và lao vào khoảng không nơi tự do đang chờ đón cô. Nhưng cô vẫn nằm lại đó, bị cầm tù trong nỗi đau. Cô đã sẵn sàng đối diện với ca mổ, đó là cách duy nhất để cứu cô. Nhưng cuối cùng người ta đã không cần phải mổ não cho cô, vì sau khi nhìn thấy cậu bé đỏ hỏn trong tay bác sĩ đang gào khóc như gió trong một cơn giông bão, sau khi bác sĩ mang cậu ra khỏi phòng thì cô toại nguyện vì đã chạm được vào đường chân trời của cô, một đường chân trời có thực, không hề là ảo giác lừa mị, nó là điểm giao nối giữa nơi kết thúc sự sống và khởi đầu cái chết. Cô băng qua cành củi khô, dấn mình vào một thế giới khác hẳn cái thế giới cô đang sống, ở đó thời gian chỉ dành cho những cuộc viễn du. Phút đầu tiên của cuộc hành trình cô nhận thấy mình rất nhẹ. Dễ hiểu thôi vì cô không còn trọng lượng nữa, trọng lượng là sự ràng buộc giữa các sinh vật và trái đất, giờ đây cô đã thoát khỏi mọi ràng buộc. Nơi cô đang đứng chính là đường chân trời, hoá ra không phải là một đường thẳng như cô vẫn nhìn thấy, chỉ là một điểm, một điểm hết sức mong manh, khi cô nhấc chân lên khỏi mặt đất thì nó cũng tiêu tan. Cô lao vào khoảng không vô tận không có ranh giới, không có gì chắn tầm mắt cô, mọi thứ trôi tuột trong một mặt phẳng trơn trống trải. Bất kỳ một hành trình nào cũng vô nghĩa lý nếu thiếu cả đích đến lẫn những cản trở, vậy mà cô đang lao vào một hành trình như thế, lao vùn vụt nhưng cô cảm thấy chẳng hề tiến lên phía trước, không có mốc và mọi điểm trên hành trình đều giống hệt nhau thì làm sao đo được quãng đường đã di chuyển. Cô quyết định quay trở lại ngôi nhà nơi cô đã từng có khẩu phần năm mươi mét vuông bầu trời. Cậu bé của cô giờ đã gọi một người phụ nữ khác là mẹ. Cô nghe thấy con cô nói với mẹ nó: -Mẹ ơi đường chân trời là gì? Ở đó người ta có thể lên trời phải không mẹ? -Không con ạ, vì đó là một đường thẳng không có thật. -Con muốn nhìn thấy đường chân trời. -Được, nếu con ngoan. Chủ nhật bố mẹ đưa cậu bé ra ngoại thành, chỉ cho cậu cái vạch màu xanh xa tít tắp ở phía cuối cánh đồng. Họ ngả lưng xuống cỏ và quay sang nhìn nhau. Ngày thường họ ít có dịp nhìn vào mắt nhau. Người đàn ông dịu dàng hơn và người đàn bà ngay thẳng hơn. Họ để cậu bé một mình với vạch màu xanh đang dần dần trở nên tím thẫm. Với họ đó chỉ là một cái vạch màu xanh không hơn không kém. -Bố ơi con có đến đó được không? -Không được đâu con ạ, mẹ cậu trả lời. -Nếu đến được đó người ta có lên trời được không bố? -Không bao giờ và không ai có thể đến đó đâu, con ơi nằm xuống đi nào. Lại là mẹ cậu trả lời. -Người ta có thể tới đó trong tưởng tượng, bố cậu thêm vào. -Nhưng nó kia kìa, bố, con nhìn thấy nó rồi, lúc nào lớn lên con sẽ tìm được nó. -Ừ, chờ lúc nào lớn lên... Bố cậu nhìn cậu ngạc nhiên và hy vọng. Người bố không biết gì về nỗi ám ảnh của người mẹ thực sự của cậu bé. Cô vẫn không ngừng nhìn họ, cả ba người bọn họ. Cậu bé được bảo vệ trong vòng ôm của bà mẹ, nằm nghiêng trên cỏ, mặt hướng về phía cô. Cô dang tay vẫy nó. Giờ đây nó vẫn chưa biết gì về sự tồn tại của cô. Mọi người đều thống nhất rằng lúc này chưa thích hợp để cho nó biết sự thật. Với nó chỉ có một người mẹ duy nhất vẫn hàng ngày kề cận chăm sóc. Khoảng cách giữa cô và nó chính là khoảng cách giữa nó và đường chân trời. Cô đứng lại ở điểm giao nối giữa trời và đất để chờ cậu bé lớn lên, vì nếu cô lao lên trên kia, thì khi quay lại cậu bé đã trở thành cụ già mất rồi. Nhưng đến chín tuổi cậu không lớn nữa. Cậu cũng có một khối u trong não.