Lịch sử có những khi lặp lại trong quá trình phát triển. Cũng như ông cha ta trong đêm trước những cuộc tổng công kích chiến lược cuối cùng chống ngoại xâm, các chiến sĩ ta trên mặt trận Sài Gòn đêm 29 rạng sáng 30-4 sục sôi khí thế quyết thắng thần tốc. Trong giờ phút thiêng liêng này, trong ngày cuối cùng này của thời hạn giải phóng Sài Gòn do Bộ Chính trị ấn định, các chiến sĩ viết trên mũ, trên tay, trên báng súng lời hịch bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta! Tiếng súng ầm vang toàn mặt trận. Nhìn những chớp sáng từ các cánh quân ta đang tiến, những ánh lửa hắt lên từ các căn cứ địch quanh Sài Gòn bốc cháy, mọi người đã thấy hửng đông của ngày toàn thắng đang đến. Đồng chí Lê Ngọc Hiền đang phiên trực chỉ huy nghe điện từ các đơn vị báo về: mũi tiến sâu nhất trong đêm của Quân đoàn 3 đã tới Bà Quẹo; của Quân đoàn 1 đã tiến sát Lái Thiêu của Quân đoàn 2 tới sát cầu xa lộ sông Đồng Nai; của Quân đoàn 4 là vùng ven Biên Hoà; của Đoàn 232 là vùng Bà Hom. Như vậy các mũi đột kích của ta chỉ còn cách trung tâm Sài Gòn một cự ly ngắn từ 10 đến 20km. Đấy là những cây số cuối cùng để nối đất nước lại liền một dải, nối đường Hồ Chí Minh đến trung tâm thành phố mang chính tên Người. Những đường tiến quân ấy diễn ra rất đúng với kế hoạch chiến dịch và đang thể hiện cách đánh mưu trí của chúng ta mà đến những ngày cuối cùng vẫn còn dành nhiều sự bất ngờ cho địch. Chúng vẫn hy vọng dựa vào những sư đoàn còn lại của chúng để chặn quân ta, hy vọng con bài chính trị mới lật lên có khả năng "thương lượng" với ta hòng duy trì cơ cấu chính quyền và quân đội của chúng. Một số tướng tá nguỵ đã về hưu lúc này cũng nhảy ra để bày mưu, bày kế cho nguỵ quyền cứu vãn tình hình. Vào lúc 2 giờ sáng, phái đoàn quân sự của ta ở trại David trong Tân Sơn Nhất điện về Bộ chỉ huy chiến dịch báo cáo: "Có ba người do chính quyền Sài Gòn cử đến gặp chúng tôi để thăm dò việc ngừng bắn. Đồng chí Võ Đông Gíang tiếp họ và nói rõ lập trường, quan điểm của ta trong Tuyên bố của Chính phủ ngày 26 tháng 4. Sau đó họ xin ra về. Ta nói pháo của quân ta đang bắn mạnh vào sân bay, rất nguy hiểm, không nên về. Cuối cùng, cả ba người đồng ý ở lại. Hiện giờ họ đang ở hầm với chúng tôi". Lúc này những người cầm đầu nguỵ quyền nóng ruột ngồi chờ ba "sứ giả" của họ mãi không thấy về, gọi hỏi nhau rất bối rối, lúng túng. Vài giờ trước khi cho ba người nói trên đến gặp ta ở Tân Sơn Nhất, họ đã cử bốn "sứ giả" khác đến thăm dò phái đoàn ta cũng về chuyện "ngừng bắn". Cán bộ ta mời họ ăn chuối của anh em ta tự trồng rồi giới thiệu cho họ biết tuyên bố của Chính phủ ta ngày 26 tháng 4. Phái đoàn quân sự ta những ngày cuối tháng 4 này chứng kiến sự tất tưởi, bối rối cùng đường của Mỹ, nguỵ. Trước đây, trụ sở phái đoàn ta nhiều lần bị chúng vây hãm, khiêu khích, gây nhiều khó khăn như cắt điện, cắt nước, không cho tiếp xúc với người ngoài. Vào những ngày này, đây lại là nơi chúng đến cầu cạnh nhiều nhất. Matin, "đại sứ" Mỹ, xin được gặp đại diện phái đoàn ta. Ta từ chối. Nguỵ quyền còn xin phái đoàn ta cho phép chúng cử người đáp máy bay ra Hà Nội để "thương lượng" ngừng bắn. Ta cũng bác. Bức điện của đồng chí Nguyễn Duy Trinh gửi chúng tôi cho biết những thủ đoạn ngoại giao xảo quyệt của Mỹ, nguỵ đang diễn ra dồn dập đi đôi với những lời bắn tin doạ dẫm ta nhằm ngăn chặn cuộc tổng công kích của quân ta vào Sài Gòn, càng cho thấy chúng ta phải chiến đấu khẩn trương hơn, đánh nhanh hơn, tranh lấy từng giờ, từng phút cho toăn thắng. Vào lúc gần sáng, các hãng thông tấn. Mỹ báo tin: Matin, "đại sứ" Mỹ, đã chuồn khỏi Sài Gòn bằng máy bay lên thẳng. Viên quan thái thú, viên toàn quyền Mỹ cuối cùng ấy ở miền Nam Việt Nam chạy trốn khá hấp tấp và thảm hại. Số là cho đến ngày hắn rời Sài Gòn, Matin vẫn đinh ninh rằng nguỵ quyền có thể tồn tại, một cuộc "ngừng bắn" có thể dàn xếp được, cho nên y lừng chừng trong việc di tản, ngồi chờ xem tình hình. Matin ra tận sân bay Tân Sơn Nhất quan sát. Trận ném bom và các trận pháo kích dữ dội của quân ta làm cho sân bay yết hầu này gần như tê liệt, máy bay có cánh cố định dùng để di tản không hoạt động được nữa. Vòng vây Sài Gòn ngày càng thắt chặt. Con bài Dương Văn Minh đưa ra quá muộn không có tác dụng. Những tình hình đó Matin báo cáo về Oasinhtơn. Tổng thống Mỹ Giêrôn Pho bèn ra lệnh mở cuộc di tản bằng máy bay lên thẳng thay phiên nhau bay liên tục 18 giờ, chở hơn 1.000 người Mỹ và hơn 5.000 người Việt Nam tay sai Mỹ cùng người trong gia đình chúng ra khỏi miền Nam. Pho còn bắt Matin phải di tản ngay "không được chậm trễ phút nào". Cuộc di tản của Mỹ tiến hành tại 13 nóc nhà cao được Mỹ chọn làm sân đỗ máy bay. Số sân này mỗi buổi thu hẹp dần do lưới lửa quân ta tiến đến gần. Ở "sứ quán" Mỹ, nơi đáp máy bay di tản là một cảnh tượng hết sức hỗn loạn, bọn tay sai Mỹ chen lấn, phá cửa, leo tường, trèo dậu, giằng co, xô xát, đạp lên nhau để tìm đường chạy. Đến nỗi Matin muốn về nhà riêng lấy valy để chạy phải đi ngách cửa sau của sứ quán. "Cốttu" mật danh của Matin và "Lêđi 09" - tên chiếc máy bay lên thẳng chở Matin, rời sứ quán Mỹ ra biển Đông, đánh dấu thất bại thảm hại của đế quốc Mỹ sau 30 năm can thiệp và phiêu lưu quân sự ở Việt Nam. Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam lúc cao nhất là 60% bộ binh của toàn nước Mỹ, 58% lực lượng thuỷ quân lục chiến, 32% lực lượng không quân chiến thuật, 50% lực lượng không quân chiến lược, 15 trong số 18 tàu sân bay, 800.000 quân Mỹ (kể cả số quân Mỹ đóng ở các nước chư hầu của Mỹ tham chiến ở Việt Nam), hơn một triệu lính nguỵ tay sai, động viên tới sáu triệu lượt binh sĩ Mỹ, ném hơn 10 triệu tấn bom, tiêu hơn 300 tỷ đô la, mà cuối cùng "đại sứ" Mỹ phải bò lên sân thượng để tìm đường chạy. Hôm nay, nhìn lại những lực lượng khổng lồ mà địch đã huy động, xem lại những ý đồ nham hiểm mà chúng đã thú nhận, nhớ lại những tình huống cực kỳ éo le và phức tạp mà con thuyền cách mạng đã vượt qua, chúng ta càng thấy chiến dịch giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam là vô cùng vĩ đại. Trời hửng sáng, trong mát và đẹp một cácn lạ thường. Buổi phát tin sớm nhất của Đài Tiếng nói Việt Nam đọc xã luận trong ngày 30 tháng 4 của báo Nhân Dân: "Quân và dân Sài Gòn - Gia Định đang gánh vác trước lịch sử một sứ mạng vô cùng nặng nề nhưng hết sức vẻ vang là đẩy mạnh tiến công và nổi dậy, đập tan trung tâm đầu não và hang ổ cuối cùng của nguỵ quyền tay sai Mỹ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng đất nước. Đồng bào cả nước ta hướng về Sài Gòn - Gia Định, chờ đón tin thắng trận oanh liệt và tỏ lòng tin tưởng vững chắc rằng quân và dân thành phố anh hùng này nhất định làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đối với Tổ quốc". Buổi họp giao ban của Bộ chỉ huy chiến dịch hôm nay đông đủ, náo nhiệt, không ai bảo ai, mọi người đến phòng họp từ sớm và tất cả những đồng chí nào có máy thu thanh đều mang theo người. Chúng tôi nhìn nét vẽ đường tiến quân của ta trên bản đồ chiến dịch: năm cánh quân như năm cánh sao lớn hợp điểm ở thành phố mang tên Bác. Năm quân đoàn không chỉ là con số cộng giản đơn mà đã thành một chất lượng khác rất mới, rất mạnh. Chúng tôi biết các đồng chí trong Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, các đồng chí đã lãnh đạo và chỉ đạo rất sát và tài tình cuộc chiến đấu hơn 50 ngày qua, lúc này chắc cũng đang tập trung theo dõi mọi diễn biến trên tấm bản đồ Sài Gòn. Chúng tôi cũng được biết trên khắp đất nước ta, vào giờ này, nhân dân các địa phương đang quây quần bên tấm bản đồ Tổ quốc chờ đón tin thắng lợi để trân trọng tô màu cờ cách mạng lên Thành phố Sài Gòn. Chúng tôi nghe một số tin của địch vừa thông báo cho nhau. Biệt khu thủ đô nguỵ báo cho địch ở Long An như sau: "Thủ Đức đã bị quân cộng sản tràn ngập. Quân cộng sản, có cả xe tăng T-54, đang từ Hóc Môn tiến về Sài Gòn. Tại sao mình không thấy lệnh gì của bên trên cả". Chúng chưa biết tên Tổng Tham mưu trưởng của chúng đã bỏ chạy từ sáng sớm rồi. Hạm đội nguỵ báo cho các đài trực thuộc của chúng là Bộ Tư lệnh hải quân đã chạy rồi, đừng liên lạc gì nữa, có gì thì liên lạc trực tiếp với hạm đội ngoài khơi. Tình hình diễn biến càng cho thấy thế trận ta bày ra rất hiểm mà địch thì hoàn toàn ở vào thế chết. Chúng có biết hướng tiến công chủ yếu của ta là bắc và tây bắc Sài Gòn cho nên chúng đặt ở đây hai sư đoàn nguỵ số 5 và số 25. Địch loay hoay với hai ý định: phòng ngự bên ngoài Sài Gòn từ xa hay co cụm lực lượng về Sài Gòn? Giữ bên ngoài thì bên trong sơ hở vì không còn lực lượng. Còn bỏ bên ngoài lui về giữ bên trong thì bài học Tây Nguyên cho chúng thấy, sẽ là một sự hỗn loạn và càng chóng đến chỗ diệt vong. Đằng nào cũng chết, không cách gì gỡ được, cái thế của địch là thế chết. Nhưng thế trận sáng 30 tháng 4 là các Sư đoàn 5 và 25 nguỵ dù muốn co về Sài Gòn cũng không được nữa rồi, vì ta đã vây chặt chúng ở vòng ngoài trong khi đó ta phóng những mũi đột kích rất mạnh thọc thẳng vào nội thành. Sư đoàn 25 nguỵ đóng ở căn cứ Củ Chi, còn gọi là Đồng Dù. Căn cứ này do Sư đoàn 25 "Tia chớp nhiệt đới" của Mỹ từ Hawaii đến lập ra năm 1966 để chặn đường tiến quân của ta về Sài Gòn và phá các cơ sở địa bàn đứng chân của ta ở đây. Bọn chỉ huy Sư đoàn 25 dùng dây thép gai chặn các cổng ra vào đã khoá chặt để ngăn bọn lính nguỵ chạy trốn và nêu khẩu hiệu "tử thủ". Từ sáng 29 tháng 4, Quân đoàn 3 dùng xe tăng đánh thẳng vào vị trí, xông thẳng về phía căn hầm tên Tư lệnh sư đoàn. Bọn tham mưu địch bỏ chạy tán loạn. Cổng chính đã mở và sĩ quan, binh lính địch nhảy qua mọi vật chướng ngại, kể cả dây thép gai và bãi mìn để chạy. Quân ta bắn chỉ thiên để buộc chúng đứng lại đầu hàng. Tên Tư lệnh sư đoàn lẩn trốn nhưng rồi cũng bị bắt. Mất Đồng Dù địch rất hoang mang dao động. Lực lượng địch án ngữ hướng tây bắc không có đường rút về Sài Gòn. Nắm vững thời cơ đó, Sư đoàn 316 của Quân đoàn 3 bố trí chốt chặn cắt đường, bao vây địch từng đoạn kịp thời chuyển sang tiến công, đánh chiếm trận địa pháo Lập Tảo, phát triển đánh Phước Hiệp, Suối Sâu, Trà Võ, Bến Mương, Bầu Nâu, Cẩm Giang, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ Trung đoàn 46 nguỵ, bắt 600 tên. Sư đoàn 10, sư đoàn thọc sâu của Quân đoàn 3, ngày 29 tháng 4 đánh chiếm Hóc Môn, trại Quang Trung, Bà Quẹo, thừa thắng sáng 30 tháng 4 đánh thẳng tới Ngã tư Bảy Hiền, chiếm cổng số 5 của sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tư lệnh dù địch. Sang ngày 30 tháng 4, Sư đoàn 10 bắt đầu tiến công sân bay Tân Sơn Nhất và một bộ phận lực lượng phối hợp với Quân đoàn 1 đánh sang Bộ Tổng Tham mưu nguỵ. Từ 8 giờ đến 8 giờ 30 phút, pháo ta bắn cấp tẩp vào sân bay. Lửa khói bốc ngút trời. Tiếng pháo vừa dứt, bộ binh Trung đoàn 24 ngồi trên xe tăng, xe bọc thép nhanh chóng xông lên đánh chiếm Ngã tư Bảy Hiền, thừa thắng phát triển vào cổng số 5 của sân bay. Ở đây địch chống cự quyết liệt dùng cả máy bay oanh tạc vào đội hình chiến đấu của ta. Quân ta tăng thêm lực lượng đột kích liên tục, đến 9 giờ 30 phút thì chiếm được cổng sân bay. Cùng thời gian đó một cánh quân khác đánh chiếm Bộ Tư lệnh sư đoàn dù nguỵ, bắt liên lạc với phái đoàn quân sự ta ở trại David. Một cánh quân thứ ba đánh thẳng vào khu truyền tin, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 5 không quân và Bộ Tư lệnh không quân nguỵ. Phối hợp chặt chẽ với Trung đoàn 24, lúc 9 giờ 30 phút, Trung đoàn 28 cũng bắt đầu đánh thẳng vào cổng chính của Bộ Tổng Tham mưu nguỵ. Sư đoàn 5 nguỵ giữ căn cứ Lai Khê trên đường số 13 cách Sài Gòn hơn 50km về phía bắc cũng bị Quân đoàn 1 tiến công dữ dội. Đây cũng là một căn cứ do Sư đoàn 1 "Anh cả đỏ" của Mỹ lập ra năm 1965. Khi mất liên lạc với Sở chỉ huy Quân đoàn 3 nguỵ và thấy tình hình chung ở Sài Gòn hết sức ng!!!8057_2.htm!!!
Đã xem 210222 lần.
http://eTruyen.com