Trên cây trẩu sau nhà bà lão Nhân có tổ chim ô thước, từ trong sân hễ ngước ngước nhìn lên cây là bà thấy nó.Bà lão Nhân mê tiếng líu lo của chim ô thước. Những sáng xuân ẩm ướt như thế này, tiếng hót của đôi chim ô thước nghe giòn giã sướng tai. Bà lão Nhân quả quyết những con chim ô thước trên cây trẩu mới kết đôi. Cây trẩu đâm nụ, rồi hoa nở rộ. Đó cũng là lúc đôi chim ô thước tán tỉnh nhau, là thời đoạn tràn trề cảm xúc và âu yếm. Không lâu sau, kết quả tình yêu của đôi chim ô thước xuất hiện: bốn quả trứng tròn màu xanh lơ điểm xuyết bằng những chấm nhỏ nâu nâu. Tiếp theo sau là khoảng thời gian yên tĩnh, không tiếng hót cũng không nhảy nhót, không ăn và không uống. Đôi chim ô thước tỏ ra già dặn, nghiêm trang, cử động cẩn trọng. Đây là thời gian ấp trứng, là cuộc thử thách kéo dài 21 ngày đầy cam go đối với chim mái. Đôi chim ô thước nhắc bà lão Nhân nhớ tới con gà mái của bà. Từ đầu xuân tới giờ, nó đẻ lang ở chổ kín nào không ai biết. Úp miệng chiếc sọt xuống đất và dằn thêm tảng đá lên trên, bà làm sẵn cho con gà mái một cái ổ. Bị dồn ép, con gà đành chịu thua và nó đẻ vài trứng trong cảnh giam cầm. Và, sau đó nó lại đi đâu mất! Gà qué lá món tiền quan trọng nhất đối với gia đình bà lão Nhân. Bà nảy ra ý mới: bà sẽ cầu phước từ đôi chim ô thước. Bà lão đem năm quả trứng con gà mái đẻ dạo đầu năm ra trước nắng, lần lượt soi xem xem ở trong có những đường chỉ ngoằn ngoèo hình nấm hay không. May thay, cả năm quả trứng đều có trống và có thể nở ra gà con. Tin này làm dịu đi nỗi lo lắng của bà lão Nhân và bà lão nở một nụ cười. Vào một buổi sáng mùa xuân sáng sủa, bà lão phát hiện con chim ô thước mái bắt đầu ấp trứng. Bà bèn dùng phẩm bôi vẽ cho năm quả trứng gà có màu xanh lơ chấm nâu hệt như trứng chim ô thước và đòi chồng leo lên cây tráo trứng chim bằng trứng gà mái. Lão Nhân là ông chồng dễ sai bảo. Lão bỏ năm quả trứng gà vào chiếc túi vải, cột chặt nó vào dây lưng. Nhổ bãi nước bọt lên lòng bàn tay, lão Nhân bắt đầu trèo cây. Khi lão Nhân tới giữa thân cây, con chim trống nhìn thấy lão và lập tức lên tiếng báo nguy. Nghe tiếng, con chim mái đang ấp trứng không thể ở yên trong tổ nữa. Nó nhảy ra ngoài phụ họa với chồng cất tiếng chíp chíp đe dọa. Hai con chim đậu trên cành trẩu thấp nhất được dùng làm chiến lũy bảo vệ pháo đài nhỏ bé của chúng. Không muốn bỏ phí dù chỉ một phút, lão Nhân nhón lấy bốn quả trứng chim còn ấm hơi mẹ và bỏ chúng vào chiếc túi đeo ở dây lưng. Để cho đồng số lượng, lão dặt bốn quả trứng gà vào tổ chim, thay vì năm trứng. Làm xong việc gian trá, lão Nhân thậm chí không dám liếc mắt nhìn hai con chim ô thước, cứ thế tụt xuống thật nhanh, với vẻ lén lút của một gã trộm. Đúng như dự đoán, lão Nhân vừa mới rút lui được hai bước, vợ chồng chim ô thước sực tỉnh, hướng về phía lão la hét ầm ĩ. Thằng chồng bay vút lên cao, lượn xéo trước khi lao như một trái bom xuống đầu lão Nhân. Bà Nhân đứng coi dưới đất lên tiếng cổ vũ: "Ổn rồi. Nó không dám mổ ông đâu. Xuống nhanh lên ". Hai con chim ô thước tới tấp thay nhau tính sổ với lão Nhân. Lão càng xuống gần mặt đất, chúng càng nhanh hơn và dữ tợn hơn. Chân đụng đất, lão thấy mình run rẩy và nhợt nhạt. Lão Nhân móc bốn trứng chim ô thước ra khỏi túi vải và đặt chúng lên bậu cửa sổ. Những tia sáng mặt trời vàng nhạt xuyên qua cửa sổ tưới lên vỏ trứng khiến chúng lấp lánh rực rỡ, vừa đẹp đẽ vừa gợi lòng trắc ẩn. Lão Nhân vừa khuất dạng, đôi chim ô thước lao vào tổ coi lại con. Chúng ngỡ ngàng thấy những quả trứng vẫn còn ở đó, và dù không biết đếm nhưng bản năng mách bảo chúng biết không mất quả trứng nào. Tuy vâỵ, vợ chồng chim ô thước vẫn chưa hết bối rối. Chim mái tiếp tục công việc của mình, nó xòe đôi cánh ôm lấy đống trứng, nhưng rồi ngay lập tức, nó nhổm dậy, cẩn thận rà lại trứng lần nữa. Chừng nào những quả trứng còn đó, hai vợ chồng chim ô thước còn hy vọng. Con mái rút cục đã yên lòng tiếp tục sứ mệnh ấp trứng thiêng liêng. Hai cánh nó xòe rộng, bụng nó áp chặt vào mặt vỏ trứng, liên tục truyền hơi nóng cho chúng. Rồi một chiều nọ, tiếng sấm vang rền nơi chân trời xa trước khi những giọt mưa trút xuống, làm vấy bẩn ranh giới giữa mặt đất và bầu trời. Dông gió nổi lên, vặn vẹo tấm màn mưa. Tiết trời dông bão là cuộc thử thách đối với cặp chim ô thước. Đong đưa cùng tán lá trẩu trong mưa, tổ chim trông giống như chiếc thuyền nhỏ xíu bị ném qua hất lại trên đầu sóng. Không thể mở mắt ra trong mưa như rót nước, bộ lông bị gió xốc rối bời, chim mái nằm vững vàng trên đống trứng. Mọi sự chú ý của nó tập trung bảo vệ tổ. Con trống liếc nhanh bầu trời đang mưa rót nước, lắc đầu trước khi nhảy vào tổ. Nó sải hai cánh che chắn cho vợ. Bằng cách đó, những quả trứng được bảo vệ hai lần, bởi cả vợ lẫn chồng. Gió và mưa cuối cùng đã dịu, vầng thái dương lại bao trùm bầu trời. Và rồi vào một đêm ngắn ngủi trời quang mây tạnh, tiếng gõ đầu tiên ấy đã xuất hiện, rất khẽ, đến độ người khác dễ bỏ qua nó. Nhưng với chim mái, tiếng động ấy khá lớn. Nó mổ lên vỏ trứng như muốn đáp lại: " Con của mẹ, bé con của mẹ. Yên nào. Mẹ ở đây! ". Tất cả lại chìm vào im lặng sau hai tiếng gõ. Chim mái tiếp tục đợi những tiếng gõ khác vì nó biết chúng sẽ có nhiều hơn. Quả vậy, những tiếng ồn ào mơ ước bấy lâu đã xuất hiện sau đó chừng một giờ. Đến giữa trưa, sau những cố gắng lặp lại nhiều lần, một cái lỗ nhỏ xíu, giống như cánh cổng vào đời, được mở. Tuy vậy, sinh linh nhỏ bé vẫn chưa vội chui ra. Nó nán lại trong ngôi nhà ấm áp và yêu thương thêm nửa giờ nữa. Cuối cùng, dường như nhận ra ngôi nhà quá chật hẹp hoặc do đã tích lũy đủ sức mạnh, nó duỗi cẳng đạp vỡ vỏ vôi. Theo sau chú chim non đầu tiên, ba sinh mệnh khác lần lượt oằn oại chui ra. Bước vào thế giới, chúng bỗng hoảng sợ, ép mình sát nhau để tự bảo vệ, miệng kêu chiêm chiếp không thôi. Đôi chim ô thước tràn ngập niềm vui với lũ con mới chào đời. Tuy vậy, sau cơn ngây ngất ban đầu, cảm giác nghi ngại chợt nhen nhúm trong con tim chúng. Mối ngờ vực của đôi chim ô thước càng lớn khi chúng mớm cho con ăn sâu xanh. Một con chim ô thước non sẽ ngoác mỏ lên trên trời để cha mẹ đút mồi. Một khi thức ăn đã vào trong miệng, nó sẽ nhanh chóng nuốt chửng xuống diều. Thế nhưng bốn sinh vật nhỏ vừa chào đời dường như không ưa món khoái khẩu của chim ô thước. Chúng lấy mỏ gắp con sâu nghịch chơi, nhặt lên, quăng xuống. Chúng say mê bộ dạng uốn éo của con sâu hơn là muốn ăn nó. Đôi chim ô thước không dám tin rằng chuỗi ngày cực nhọc của chúng rốt cục chỉ để nuôi con của kẻ khác. Nghĩ tới đó, lửa giận dữ thiêu đốt chúng. Nhưng là những kẻ tốt bụng, đôi chim ô thước vẫn ấp ủ hy vọng dành cho bốn sinh vật nhỏ, mong ước chúng lớn đủ lông cánh để bay cùng cha mẹ trên bầu trời xanh. Một hôm đã xảy ra điều mà bà lão Nhân chưa bao giờ dám mơ ước. Con gà mái của bà quay về nhà sau hơn hai chục ngày vắng mặt. Nếu chỉ mình nó về bà lão không ngạc nhiên lắm, nhưng bà sung sướng, sửng sốt thấy đàn gà con mũm mĩm đáng yêu theo sau nó. Té ra, con gà mái của bà đẻ ít trứng trong căn lều xiêu vẹo ở góc vườn. Lúc này, bà lão Nhân bỗng nhớ tới đôi chim ô thước. Bà lão thấy mình không phải với đôi chim ô thước. Bà ước cho lũ gà con mọc lông cánh và bay cùng với đôi chim ô thước, tuy bà biết đó chỉ là mong muốn không tưởng. Vả lại, bà từng nghe nói rằng một khi chim ô thước phát hiện ra sự thật, chúng sẽ túm cổ từng đứa con nuôi quăng từ trên cây xuống đất. Nếu thế chúng chắc chắn không sống nổi. Vậy thì, bà lão nghĩ, tốt hơn cả là đem lũ gà con về cho mẹ thực của chúng. Lần nữa, lão Nhân lại vào việc theo lệnh bà vợ cả nghĩ. Bà lão chụp cái giỏ tre lên đầu chồng, khiến lão trông như con quỷ, nhưng có thể tránh được đòn của vợ chồng chim ô thước. Một sáng kiến rất khôn ngoan, bởi nếu không có cái giỏ, chắc chắn lão sẽ bị thương tím tái mặt mày. Khi lão Nhân thò tay định sờ vào đám gà con, đôi chim ô thước làm bộ cho lão thấy rằng chúng sẽ liều mạng cứu con. Chúng xáp lá cà tấn công kẻ xâm lược, đập cánh của chúng vào chiếc mặt nạ tre của lão. Mối căm thù vì bị cướp con khiến cho bà mẹ quên phức mọi nguy hiểm. Với đôi mắt sáng quắc tựa đại bàng, đôi cánh quất liên hồi, bộ móng vuốt sắc của nó, chim mái rủa xả inh ỏi " con quỷ to đầu ". Ngậm được một sợi nan, con chim chúi đầu về trước, ngửa người ra sau, cố kéo để moi được một lỗ thủng hòng mổ lên cái đầu trọc của " con quỷ ". Nó biết lũ con đang ở đó nên vội sà cạnh chiếc túi và mổ điên dại vào đó khiến lũ gà con kêu hoảng loạn. Tuột xuống hết cây trẩu, ngay lập tức lão Nhân đem món chiến lợi phẩm thả vào bầy gà con cùng mẹ chúng. Thoạt tiên, bốn con mới tới cảm thấy xa lạ với cả bầy, chúng ngó quanh lo lắng. May mắn cho chúng là sau một thoáng dò xét thận trọng, gà mẹ chấp nhận và coi chúng như con mình. Điều này giúp chúng nhanh chóng quen với cuộc sống trên mặt đất. Cuối cùng, chúng đã thành một phần của bầy gà. Đến bà lão Nhân cũng không thể nói nổi con nào mới, con nào cũ. Thế nhưng đôi chim ô thước phân biệt được. Một chiều nọ, chim ô thước mái ngậm con châu chấu trong miệng bay xuống sân. Nó cất tiếng gọi và bốn chú gà con nhảy bổ ra khỏi đàn chạy nước rút tới tranh giành miếng mồi từ miệng " mẹ " chúng. Tất nhiên, con gà mái không chịu để chim ô thước xẻ đàn của nó. Nó xù lông, điên tiết xông tới đuổi đối thủ ra xa. Nhưng chim ô thước mái lá kẻ láu cá. Hễ thấy gà mái buông lơi sự đề phòng là nó lại lẻn tới. Lần này, nó không chỉ tập họp được lũ gà con mà còn thử dạy chúng tập bay. Chim ô thước mái nóng lòng chờ đợi, mắt nó tràn ngập hy vọng. Bốn chú gà con hiểu ý " mẹ " liền đập liên hồi đôi cánh nhỏ mập mạp của chúng, cố liều lĩnh nhấc mình khỏi mặt đất, nhưng thân thể nặng trĩu của chúng làm tiêu tan mọi cố gắng. Có hai con mất thăng bằng và ngã chổng kềnh trên mặt đất trong tư thế nực cười. Giờ thì đôi chim ô thước đành nhìn nhận sự thật và buông trôi mọi hy vọng. Từ hôm đó, đôi chim ô thước biến mất khỏi cây trẩu nhà họ Nhân và sang năm sau chúng không quay trở lại. Ở vùng này người ta nói một đôi chim ô thước dù sinh bao nhiêu con đi chăng nữa, cũng chỉ để lại hai con, một trống, một mái, ở lại tổ lập gia đình mới. Tất cả những con chim ô thước còn lại bay tới sông Ngân Hà lấy thân làm cầu đưa Chức Nữ gặp Ngưu Lang. Sông Ngân Hà vốn đầy sóng dữ nên với cái cách cắn đuôi nhau lấp khoảng cách giữa đôi bờ, những con chim ô thước đến sông Ngân Hà vào dịp hè ắt không bao giờ trở về. Tương truyền, màn sương trắng óng nuột trên những cánh đồng bao la vào cuối thu là hiện thân của những con chim ô thước đó. Đôi chim trên cây trẩu nhà bà lão Nhân chắc chắn đã tới sông Ngân Hà bởi vì năm đó chúng không nuôi được đứa con nào. Truyện ngắn của Lưu Khánh Bang ( Trung Quốc ) Người dịch: Tiểu Bảo ( dịch từ tạp chí Văn Học Trung Quốc )