7. Một lá thuyền đơn trong sóng cả

Trong đám đông chúng sinh bị Cách mạng văn hoá quăng quật xô đẩy, số phận của gia đình tôi cũng chẳng phải là thê thảm nhất. Cha mẹ tôi, tạm thời không tính, bởi vì ông bà là những nhân vật chính trị, là vai chính trên vũ đài chính trị nên sự chìm nổi trên chính trường vốn đã là “cái mệnh” của ông bà rồi. Nhưng, đối với chúng tôi, là những đứa bé con mới mười mấy, đôi mươi tuổi mà nói, chúng tôi đã bị rơi đột ngột từ tuổi học trò ngây thơ trong trắng xuống vực sâu vạn trượng, bị đấu tố bôi bẩn, thì quả thật là một sự thử thách quá gian nan trong cuộc đời.
Sau khi bị đuổi ra khỏi Trung Nam Hải, Văn phòng trung ương cũng đã tìm được cho chúng tôi một chỗ ở trong một ngõ nhỏ tên là Phương Hồ Trai, nằm bên ngoài cửa Tuyên Vũ. Đó là một khu nhà, ngoài một số nhà một tầng đơn giản, còn có một dãy nhà hai tầng nho nhỏ nghe nói đã được xây dựng từ thời Nhật - Nguỵ. Chúng tôi được nhận hai phòng nơi tầng một ở trong cùng dãy nhà. Những người ở trong khu nhà này đều là công nhân viên làm việc trong Trung Nam Hải và một số gia đình cán bộ mắc “sai lầm” trong Văn phòng trung ương. Sau khi chúng tôi dọn đến đó, bà tôi và em trai Phi Phi ở một phòng, còn một phòng dành cho ba chị em tôi và một người chị họ đang theo học ở Bắc Kinh cùng ở. Ngôi nhà lầu này đã rách nát lắm, ván sàn cứ vang lên cót két, cót két mỗi khi đặt chân lên. Phòng chúng tôi ở chỉ cách phòng bên cạnh có một bức vách gỗ: bên kia chỉ ho một tiếng là bên này đã nghe thấy hết. Ngoài sân có một vòi nước máy, có thể lấy nước dùng từ đó, nhà xí nằm ở ngoài ngõ bên ngoài khu nhà. Trên lối đi, chúng tôi đặt một cái bếp lò mới mua, dùng dăm bào khói mù mịt để mồi than, bà tôi nấu nướng bữa cơm đầu tiên cho chúng tôi ở nhà mới.
Sau khi thu xếp nhà cửa xong, chúng tôi cảm thấy vô cùng may mắn. May vì chúng tôi không bị đuổi tới trường như đám con Lưu Thiếu Kỳ. May vì chúng tôi còn có một chỗ gọi là để an thân, may vì chúng tôi còn có một nhà gọi là để đi về, nhưng có được như thế cũng chẳng đề dàng, mà phải đấu tranh mới có được. Khi mọi việc đã ổn thoả, những đêm vắng về, tĩnh lặng, chúng tôi nằn chen nhau trên những tấm ván gỗ kê làm giường, trằn trọc không sao ngủ được. Chúng tôi nhớ cha, chúng tôi nhớ mẹ. Chúng tôi biết rằng, cũng vào đêm nay, giờ này chắc cha mẹ tôi cũng chẳng sao chợp mắt được, nhất định cũng đang thương nhớ chúng tôi. Muốn nói thế nào thì nói, Trung Nam Hải vẫn là “chốn đào nguyên”. Đến Phương Hồ Trai mới thực sự là bước vào xã hội. Trong khu nhà, toàn là những người làm việc ở Văn phòng trung ương cư trú cùng với gia đình họ, hình như họ cũng đã được cấp trên dặn dò thế nào đấy, nên họ cư xử với chúng tôi cũng chẳng đến nỗi nào. Khi chúng tôi mới dọn tới, nhiều người đến hỏi xem chúng tôi có thiếu thốn gì không, hoặc mang cho chúng tôi nắm hành, chén xì dầu...v.v. Chúng tôi dọn nhà từ Trung Nam Hải tới đây, xem ra có vẻ nhếch nhác, nghèo hèn, nhưng những người công nhân viên cùng gia đình họ cũng đã sống như thế ở đây từ lâu rồi và chưa hề thấy nó kém cỏi.
Sau khi tới đây, chúng tôi mới biết thế nào là đời sống của trăm họ. Thời đó, lương bổng của công nhân viên rất thấp, thấp nhất một tháng chỉ có 20 đồng bạc, nhiều cũng chí ngót nghét bốn chục đồng, mà phải nuôi sống cả ba đời già trẻ lớn bé. Nhiều công nhân viên chức phải sống nhờ vào việc làm thêm, như dán hộp giấy, dán hộp diêm. Có nhiều gia đình dọn một cái giường cho ra cái giường cũng chả có, giường chỉ là hai chiếc ghế dài, kê những tấm gỗ lên đó, tối cả nhà ngủ chung, cơm nước cũng chỉ là những nắm mì hấp ăn với dưa muối, đĩa mì xào với mấy sợi thịt đã gọi là của ngon vật lạ. Quần áo cũng vá chằng vá đụp, nhất là lũ trẻ con có cái gì khoác lên người cho ấm được là khoác cái đó. Nhìn những cảnh đó, chúng tôi còn kêu ca, oán thán cái nỗi gì, còn phàn nàn, bực bội cái nỗi gì nữa.
Chúng tôi học sống cuộc sống bình dân của những người công nhân viên chức bình thường ở đây. Chúng tôi ra sân xách nước, vào nhà xí công cộng ở ngoài phố, cầm tem phiếu đi mua lương thực ở cửa hàng gạo, cầm sổ đi mua than ở chỗ bán than, ngày lễ ngày tết cũng đi xếp hàng mua mộc nhĩ, rau kim trâm, ngũ vị hương, mỗi tuần một lần dậy từ bốn năm giờ sáng ra chợ rau xếp hàng mua đậu phụ. Khi cửa hàng thực phẩm có bán xương xẩu, đầu chối, hô một tiếng, cả khu nhà nườm nượp kéo nhau đi cùng với rổ rá. Chúng tôi đã làm quen được với cuộc sống ấy rất nhanh, và sống chung với nó. Con người là như thế, chỉ cần trong đầu, trong dạ chịu đi theo mình, thì rồi ngày tháng nào cũng qua được hết, hoàn cảnh nào cũng thích ứng được cá. Hơn nữa cán bộ công nhân viên nhà nước cũng chỉ sống có thế, so sánh ra, xem chừng chúng tôi còn có vẻ “sung túc” hơn.
Khi đó, nhìn bề ngoài, lương bổng của cha mẹ tôi vẫn cấp phát hàng tháng như thường lệ, nhưng lại do “tổ chức” giữ hộ, đâu có đến tay ông bà, dùng bao nhiêu, mỗi lần đều phải có lời xin. Chúng tôi sống ờ bên ngoài, trong tay chẳng hề có một khoản thu nhập nào, nên Văn phòng trung ương quy định, mỗi đứa trẻ mỗi tháng được phát 25 đồng sinh hoạt phí, bà tôi mỗi tháng chỉ được 20 đồng, tiền đó đều là tiền xén từ lương của cha mẹ tôi ra. Hàng tháng cứ đến “kỳ hạn”, Văn phòng trung ương cho người mang xuống cửa Tây Trung Nam Hải, chúng tôi cứ tới đó mà lĩnh. Ở trong Trung Nam Hải cha mẹ chúng tôi biết rằng cuộc sống lang thang bên ngoài của chúng tôi chẳng dễ dàng gì, cho nên luôn luôn tìm mọi cớ, mọi cách cho chúng tôi được nhận thêm tiền. Khi bà nói, đông sang rồi, cần phải có áo bông cho bọn trẻ, khi lại bảo, khi đi chúng mang đủ chăn bông nên cần phải mua thêm, khi lại nói, thằng con trai ăn theo khẩu phần tem phiếu là không đủ được, nên tháng nào bà cũng bằng mọi cách, biến báo, đưa thêm được cho chúng tôi khi là tiền, khi là tem lương thực. Sống bên ngoài Trung Nam Hải, cứ hàng tháng, đến ngày là chị Đặng Nam tôi và tôi đến cửa Tây lĩnh tiền và tem phiếu. Có những lần, chúng tôi còn được thấy những tờ kê khai là những mẩu giấy kẹp trong đơn do chính tay mẹ tôi viết. Cầm mẩu giấy, nhìn những nét chữ đẹp đẽ bay bướm, quen thuộc của bà, tôi có cảm giác như được nắm bàn tay nóng hổi của mẹ, khiến tôi cảm động và càng thêm khôn nguôi nhớ mẹ. Thời gian dài dài một tý, lá gan của chúng tôicũng to lên, chúng tôi bắt đầu tìm mọi cách để lấy thêm được tý tiền, và đặc biệt là lợi dụng cơ hội nào để lấy được ít sách trong thư viện của gia đình. Chuyện này, lúc mới đầu, thái dộ của đối phương không tốt. Họ không thèm nhắc nhở gì tới, thế là chị tôi với tôi cứ kêu toáng lên ở bên ngoài cửa Tây Trung Nam Hải, ở lỳ đó dứt khoát không đi, làm cho đối phương cũng chẳng biết xoay xở ra sao. Do chúng tôi không sợ, cứ cãi nhau om sòm, rồi mẹ tôi ở bên trong, bọn tôi ở bên ngoài, hai bên phối hợp, cuối cùng ngoài tý tiền và tem phiếu mà chúng tôi được lĩnh, chúng tôi còn lấy được rất nhiều sách từ trong nhà đưa ra. Số sách này đã theo cùng chúng tôi, giúp chúng tôi sống qua được những ngày ngày đêm đêm cô độc gian nan sau đó.
Trong hai năm, cha mẹ tôi và chúng tôi chỉ có một cách thức gián tiếp duy nhất đó, giữ được một chút liên hệ từ bên trong và bên ngoài bức tường cao dầy của Trung Nam Hải.
Đến đây tôi đặc biệt dành một số dòng viết về bà tôi.
Bà tôi tên là Hạ Bá Can, là kế mẫu của cha tôi,, mẹ đẻ ra hai cô tôi, bà là con gái một người thuyền chài trên sông Gia Lang ở Tứ Xuyên, ông tôi tục huyền lấy bà và bà trở thành một thành viên duy nhất cho công việc lao động cũng như chèo chống gia đình. Ở quê hương tôi, trong vòng mười dặm, bà tôi nổi tiếng là một người năng nổ giỏi giang, bà biết nấu nướng, biết công việc đồng áng, biết vá may, biết chăn lợn chăn gà. Ông tôi mất sớm để lại một đống cô nhi quả mẫu, tất cả đều chỉ trông vào một bàn tay bà chống đỡ. Thời Quốc Dân đảng thống trị, bà đã phải mang trên đầu tội danh “Cả nhà là cộng sản”. Bà cất giấu tài liệu, sách báo cách mạng mà cha tôi và các đồng chí của ỏng mang về nhà. Bà nuôi dưỡng thương binh của đội du kích cộng sản ở núi Hoa Oanh, giúp đỡ con gái tham gia hoạt động bí mật của dáng ở địa phương. Trong lòng bà chỉ nghĩ có một điều: cộng sản là tốt. Năm 1940, khi Tứ Xuyên vừa được giải phóng, bà liền khoá nghiến cửa lại. xách một chiếc tay nải nhỏ bé từ quê lần thẳng Trùng Khánh, từ đó bà trở thành một thành viên quan trọng trong gia đình tôi. Bà tôi tới đã giúp cho mẹ tôi bao nhiêu công việc. Vì bận công tác, nên mẹ tôi đã giao tất cả trăm công nghìn việc trong nhà vào tay bà. Tôi và em trai Phi Phi đều do ) một tay bà nuôi lớn, sau này bốn đứa con của hai cô tôi cũng đều chỉ có một tay bà chăm sóc. Bà không những chi nuôi lớn chúng tôi mà còn nấu nướng, khâu giày dép, may vá quần áo cho chúng tôi.
Bà tôi với đôi chân nhỏ bé, không có văn hoá chữ nhất bẻ làm đôi cũng không biết, nhưng lại đặc biệt thông minh, bà tính nhẩm rất nhanh, hàng ngày nghe phát thanh tin tức, những việc lớn trong thời sự quốc tế và trong nước, hầu như bà nhập tâm hết. Khi chúng tôi đã nhớn nhao hơn một chút, bà dậy chúng tôi khâu nẹp áo, thùa khuyết đính khuy, bà dậy chúng tôi muối củ cải làm ca la thầu, bà đã dậy cho chúng tôi biết rất nhiều những điều thường thức trong đời sống. Ngày một ngày hai, mọi việc cứ tự nhiên ngấm vào trong đầu óc, chúng tôi đã học được ở bà tôi nhiều thứ, có thể kể không hết, nói không cùng. Bà tôi, nuôi ngần ấy đứa trẻ khôn lớn, làm bao nhiêu công việc gia đình, cha tôi, mẹ tôi vẫn thường hay nói: “Bà là “đại công thần” của gia đình chúng tôi”.
Lần này ra khỏi Trung Nam Hải, cha mẹ chúng tôi không ở bên mình, nhưng trong cái không may lại có cái may, chúng tôi còn có bà. Bà tôi vốn xuất thân từ một gia đình lao động, vốn sống già nửa đời người trong khốn khó, cái gì cũng đã trải qua, cái gì bà cũng không sợ, cái gì cũng chẳng quật ngã nổi bà. Tuy bà chẳng hiểu biết gì về chính trị, nhưng dù gặp phải cảnh biến động, xô dập bà cũng chẳng hoảng loạn. Ở Phương Hồ Trai, tổ chức của đường phố đấu tố bà, bà nhẫn nhịn chịu đựng sự chửi bới sỉ nhục, nhưng bà vẫn không hề sợ. Với cái gan dạ, cứng cỏi của bà, trong lòng bà chỉ có một ý nghĩ duy nhất: “Để chờ xem xem cái kết cục ra sao”. Có bà, những đứa trẻ chúng tôi, đặc biệt là tôi và Phi Phi có được điểm tựa trong cuộc sống. Có được bà, chúng tôi mới đủ khả năng vượt qua được cửa tử tương đối nhanh chóng, tương đối dễ dàng. Xung quanh chúng tôi đã không biết bao nhiêu con cái “băng đen” bị đuổi ra khỏi nhà, trong đó có rất nhiều đứa giống y như chúng tôi vậy, không có cách kiếm sống, không có kinh nghiệm sống, không biết nhóm bếp, không biết thổi cơm, không biết giữ gìn tiền nong, vật dụng. Có đứa được bữa sáng mà chưa có bữa tối, có đứa quần áo sờn rách không biết vá khâu, có đứa phải ở trong những gian nhà dột nát, xiêu vẹo, bẩn thỉu, bé bộn. Nhưng chúng tôi, chúng tôi có bà, có được chỗ dựa cuối cùng. Thực ra, bà không chỉ là chỗ dựa trong sinh hoạt của chúng tôi, mà còn là một cây cột vô giá, chống đỡ cho tinh thần chúng tôi. Thử nghĩ mà xem, nếu không có bà tôi, lũ chúng tôi làm sao có thể thuận lợi mà thích ứng với cuộc sống? Rất có thể là bữa cơm đầu tiên sau khi cút khỏi Trung Nam Hải chưa biết sẽ loay hoay ra làm sao. Bà tôi không những chăm lo đời sống cho cả gia đình tôi mà trong con người bà còn mang đầy lòng trắc ẩn, đồng cảm. Ngọc Điền, Đoá Đoá, Điểm Điểm con của gia đình La Thuỵ Khanh, rồi Kỳ Kỳ... con cái của gia đình Ô Lan Phu, đều rất yêu quý bà. Bọn họ đều là những đứa trẻ bị tống cổ ra khỏi nhà, đôi khi qua lại nhà tôi hoặc ở lại nhà tôi, đều được bà cơm nước tử tế. Trong lòng những đứa trẻ “không cha không mẹ” ấy, bà là bà chung của tất cả.
Sau khi tới Phương Hồ Trai, mặc dù chúng tôi còn được lĩnh ở chỗ cha mẹ chúng tôi một ít tiền, nhưng không biết tình trạng ấy còn kéo dài được bao lâu nữa, không biết rồi ra chúng tôi còn gặp những vướng mắc khó khăn gì nữa, vì thế, chúng tôi phải dè xẻn hết sức mình đức độ nhật. Bà biết làm cơm ngon mà lại không tốn kém, xào rau tuy chẳng có thịt mà chỉ có tý dầu, nhưng bà chỉ thêm chút ít tương đậu tự bà làm là đã thơm nức mũi. Các thứ xương xẩu mua về bà ninh một chảo to, có thể nấu rau, nấu mỳ và cũng có thể làm canh. Xào bát mỳ, ít thịt thôi, nhiều xì dầu một chút, rồi bỏ mỳ thái vào (loại mỳ sợi tươi, thường bán ở các cửa hàng lương thực), thêm chút tương ớt tự làm, mùi vị của bát mỳ xào đã khác hẳn. Phi Phi mười sáu tuổi, chạy nhảy, đang sức ăn sức lớn bà thương cháu, có lần muốn rằng tý thịt cho cháu ăn, nhưng Phi Phi không chịu ăn, bảo rằng thích ăn mỳ xào, đã có lúc, cậu ta cố ý ngày nào, bữa nào cũng ăn mỳ xào, ăn liên tục một tuần lễ liền.
Bà, Phi Phi và tôi ở nhà, có thể coi như được yên ổn. Còn các anh chị lớn đều phải đến trường đại học mà mình theo học để tiếp nhận đấu tố và quản chế, sống những ngày đầy bất trắc khốn khổ.
Chị cả Đặng Lâm bị phái tạo phản ở Học viện mỹ thuật trung ương đem nhốt lại. Khi trong viện, ngoài viện có bất kỳ sự kiện nào xảy ra, không kể là có liên quan tới chị hay không, chị đều bị lôi ra đấu tố, đấu tố người khác, chị cũng bị mang ra làm “bồi đấu”. Chị cả tôi vốn là người chân chất thật thà, đối với những lời thẩm vấn và nhục mạ của bọn tạo phản, chẳng bao giờ chị tôi cãi lại cũng chẳng tranh luận, chỉ kiên trì một điều, tức là bất kể vấn đề gì, đều chỉ nói: “Tôi không biết là tôi không biết”. Bọn tạo phản bắt chị “lao động cải tạo”, chị phải đi quét dọn tất cả các nhà xí trong Học viện mỹ thuật. Mỗi ngày một mình chị, quét dọn, lau chùi chu đáo đâu ra đấy, tất cả các nhà xí đều sạch bóng lên. Chị nhớ nhà lần, chị lo lắng cho em trai, em gái và bà ở nhà. Mỗi lần tôi đi thăm chị, chị hỏi hàng thôi hàng hồi, hỏi không biết mệt, chị luôn luôn muốn hỏi thêm điều này điều kia, chẳng muốn buông tha cho tôi về.
Anh Phác Phương ở trường cũng bị bọn tạo phản hạn chế tự do, không được về nhà. Anh thương nhớ người thân, anh đã tìm được cách hẹn với em gái Đặng Nam của mình đang ở trường đại học Bắc Kinh, hàng tuần anh em lại lẻn ra hồ Vô Danh gặp nhau một lần, bên hồ Vô Danh, nhân trời tối, không nhìn rõ mặt người, né tránh được sự giam giữ canh gác của bọn tạo phản, ra đây, hai anh em chuyện trò tâm sự, trao đổi tin tức cùng những suy nghĩ của mình. Anh tôi có nhiều hiểu biết về lịch sử và chính trị, và tương đối nhạy bén với tình hình, anh giảng giải và phân tích cho em tình thế nhiều mặt. Còn em gái anh lại có thể ra ngoài trường học, có thể về nhà, nên tình hình bên ngoài cũng nắm được nhiều, nên nhân lúc gặp được anh, cũng đem kể hết cho anh nghe. Chẳng còn nhớ nổi hai anh em đã gặp nhau trên bờ hồ Vô Danh bao nhiêu lần, chỉ nhớ được một điều rằng, từ bé đến lớn, giữa hai anh em chưa bao giờ từng có sự trao đổi, cảm thông về tư tưởng sâu sắc như thế.
Chị Đặng Nam tuy bị phê phán ở trường học, nhưng phái tạo phản lại cho phép chị được về nhà vào những chiều thứ bảy. Chị giỏi toán, lại biết cả tính toán ghi chép sổ sách, cho nên cái gia đình ở Phương Hồ Trai, việc nhà, việc tiền nong đều đo một tay chị quản. Có thể nói, trong hai năm đó, người quan tâm bậc nhất đến việc nhà, đến chị gái em trai phải tính là chị. Mỗi khi từ trường về nhà, bao giờ chị cũng kiếm mua được một thứ gì đó mang về theo. Muốn mua tý hoa quả cho các em, nhưng lại sợ đắt không mua nổi. Bình thường, chuối tiêu ba hào hai xu một cân (nửa ki-lô - N.D), đôi khi gặp chuối thứ phẩm, giá chỉ một hào hai một cân, chị sướng lắm, có giập nát một tý cũng chẳng làm sao, vội mua ngay một ít cho cả nhà “đỡ thèm”. Có một lần chị thấy người ta bán những thanh gỗ cũ nát, chị liền mua ngay một bó to, đường lại xa, về được đến nhà mệt bở hơi tai. Đừng có chê gỗ cũ nát, mua được về nhà là đắc dụng lắm, sau này anh tôi đã mang những tấm ván nát ấy ra, đóng cho gia đình một chiếc chạn bát.
Bà tôi chỉ lo việc nấu nướng hàng ngày, còn chị tôi quản tiền nong các thứ, còn tôi và Phi Phi, tuy cũng đã mười sáu, mười bảy tuổi, vẫn chẳng phải lo một cái gì, suốt ngày nằm khoèo đọc sách. Khi đó bên ngoài xã hội loạn kinh khủng, từ khi chúng tôi dọn nhà đến đây, gần xa đều biết rằng “lũ chó con” nhà Đặng Tiểu Bình ở đấy, nên nếu chúng tôi ra khỏi cửa, không bị bới móc thì cũng ăn gạch củ đậu, nhẹ nhất cũng là bị chỉ chỉ chỏ chỏ, thầm thì. Do chán ngán cái thế sự ấy, nên không có việc gì phải ra ngoài thì chúng tôi chỉ ngồi ru rú trong nhà, dứt khoát không ra đường. Như thế mà lại hay, nằm khoèo ở nhà có thể tĩnh tâm mà đọc sách, chúng tôi đọc bất kể sách gì chỉ cần tìm được, mượn được là đọc. Quả thật hồi ấy, chúng tôi đọc được không ít sách. Trường học đóng cửa, chúng tôi tự học bằng sách giáo khoa. Khi Cách mạng văn hoá bùng nổ. Phi Phi đang học năm thứ hai sơ trung, cậu ta rất thích toán lý hoá, thì trong thời gian ấy cũng đã tự học được hết chương trình sơ trung (cấp hai - N.D), Phi Phi còn rất thích đánh cờ vây, nên thường hay đặt chiếc bàn cờ bằng nhựa lên giường, tay cầm cuốn sách dạy đánh cờ vừa bày, vừa học, vừa đánh, gặp được những nước cờ hay, cậu ta xuýt xoa khoái trí lắm. Còn tôi, tôi lai thích văn hơn lý hoá, tất cả các sách văn học, lịch sử, chính trị, có gì đọc tuốt, đặt hết cả tâm tư đầu óc mình vào cái biển trí thức. Thật là:
Lánh trong gác xép thành nhất thống,
Mặc đời xuân hạ với thu đông.
Trong cái vòm trời nhỏ bé ở Phương Hồ Trai, được bà chăm sóc, được các anh chị thương yêu, dù có túng bấn hơn nữa, đói khổ hơn nữa, chúng tôi đều không sợ. Ý nguyện duy nhất của chúng tôi là có được một cuộc sống yên lành, ổn định. Nhưng, trong làn sóng cuồng nộ của Đại cách mạng văn hoá, kiếm đâu ra một đào nguyên tiên cảnh? Có một số phái tạo phản nghe nói lũ con cái nhà Đặng Tiểu Bình “đen” ở đây, nên ào ào xô tới. Bọn tạo phản tới đây còn làm những gì khác nữa nhỉ? Không đấu tố thì khám nhà, chúng muốn đánh đổ Đặng Tiểu Bình nhưng lại chẳng lục ra Đặng Tiểu Bình, thì đành đổ tức khí vào lũ con cái ông ta vậy. Bọn chúng đã tới, bất kể giờ giấc nào, bất kể ban ngày hay đêm tối, tuỳ thời tuỳ lúc, thích đến là đến. Khi chúng đến, là lại một hồi khẩu hiệu với đại phê phán, và bắt lũ “chó con” chúng tôi đứng cúi đầu mà nghe. Mỗi khi chúng đến là chúng gầm gừ, sỉ nhục bà tôi, một bà lão gần bảy chục tuổi trời, lại còn động chân động tay xô đẩy ấn giúi. Một khi chúng đến, là khám nhà, là lục lọi hòm xiểng, tiện tay chúng vứt đồ đạc tanh bành khắp nơi, giày xéo lên để tỏ vẻ “tinh thần tạo phản”. Một khi chúng đến, là dán đầy tường biểu ngữ và báo chữ to, đập vỡ cửa kính, sau đó lại hô khẩu hiệu dương dương tự đắc rút lui. Mới đầu, khi bọn tạo phản kéo tới, chúng tôi thường tức giận đến không giữ nổi mình, thậm chí còn cãi cọ, tranh luận với chúng. Có một lần thấy chúng đầy vẻ dã man, tàn bạo, Phi Phi tức điên người, bắt chúng phải nhặt những thứ chúng vất bừa bãi ở dưới đất lên. A! “Lũ chó con” của “băng đen” lại dám chống đối hử? Mấy tên to lớn, tay đeo băng đỏ định xông tới đánh Phi Phi, Phi Phi cũng đỏ mặt tía tai định liều chết với chúng. Tôi thấy lôi thôi quá, vội vàng ôm chặt Phi Phi lại, gào lên khóc lóc. Bọn tạo phản thấy những người hàng xóm đổ xô ra, đứng vây quanh xem, nên chúng cũng chẳng dám ra tay nhưng vẫn không ngớt miệng chửi bới om xòm. Sau đó nghĩ lại, thật may mà tránh khỏi được một tai hoạ, bởi Phi Phi có thể bị chúng đánh chết tươi như không. Trong Cách mạng văn hoá, tính mạng con người chẳng được lính là cái gì hết, huống hồ chúng tôi lại là “con cái của băng đen”.
Về sau, khám xét càng nhiều, chúng tôi cũng quen đi, nên cũng chả thèm tranh, thèm cãi với bọn chúng làm gì. Sau khi khám nhà, nhìn đống đồ đạc bị vứt ngổn ngang trên mặt đất, nhìn đống biểu ngữ, báo chữ to kín trời kín nhà, chúng tôi lại từng thứ, từng thứ một nhặt lại, dọn lại, biểu ngữ với báo chữ to cũng cứ từng tờ, từng tờ giật xé đi, trong lòng chúng tôi chứa chất đầy bi thương, đầy thê thảm, và cũng đầy thù hận với bọn tạo phản.
Chúng tôi ở nhà phải luôn luôn đối diện với sự khám xét lục lọi vào bất cứ giờ nào, lúc nào, các anh chị tôi ở trường học lại phải đối diện với những vạch tội, kiểm thảo không ngừng, không nghỉ, vô cùng, vô tận của bọn tạo phản. Chúng tôi là gia đình của tên đầu sỏ lớn thứ hai trong toàn quốc “đi theo đường lối tư bản”, là “lũ con cái băng đen”, đen sì đen sịt, là người để cho kẻ khác tuỳ tiện chửi bới, sỉ nhục bất kể giờ nào, lúc nào. Trên con người chúng tôi, không có chuyện nhân đạo, không có chuyện công lý, mà phê phán, nhiếc móc, khám nhà, là cơm ăn nước uống hàng ngày. Tất cả những cái đó, chúng tôi đều nín lặng mà chịu đựng. Nhưng chúng tôi không ngờ được rằng, những tai họa to lớn hơn vẫn còn đang chờ đợi chúng tôi ở phía sau.
Mùa thu năm 1967, nó vẫn chẳng khác gì thu trước, rồi nó lại ra đi y như năm trước. Xuân đi thu tới, thu đi đông tới, bước chân của thiên nhiên bao giờ cũng đến, đi như thế. Thiên nhiên cũng có những phép tắc cố định của nó, và cái loại phép tắc ấy không thể chuyển dịch, thay đổi bằng ý chí con người. Thế giới thiên nhiên đều có quy luật quy tắc của mình, vậy mà cái xã hội loài người bên cạnh chúng tôi đây, lại chẳng có quy luật, quy tắc nào cả? Không có những điều phải tôn trọng, nói gì đến những quy tắc cần tôn trọng. Xã hội loài người, lẽ nào lại chỉ có sự phóng túng, tuỳ tiện như thế? Lẽ nào lại chỉ nên hỗn loạn và tranh chấp như thế? Lẽ nào giữa những ngày thái bình thịnh trị như thế lại có những kẻ chỉ thích đấu tranh, nổi loạn không ngừng không nghỉ như vậy? Tại sao cái số phận con người lại trở nên nhu nhược, vô giá trị giữa cơn đại hồng thuỷ hỗn loạn thế ấy? Tại sao cái chính nghĩa, cái nhân đạo, cái công bằng, tôn nghiêm mà nhân loại vốn tôn sùng, tin tưởng, trong phút chốc bỗng bị đạp phá đến tan tành, nát bét? Tại sao những tín điều và công lý mà xã hội loài người tự đặt ra cho mình bỗng nhợt nhạt và phờ phạc ra như thế?
Trong gian phòng nhỏ tối tăm ở Phương Hồ Trai, tia nắng mùa đông rọi qua khe vách, cận kề với bức tường hậu cao ngất phía sau lọt vào nhà, ngọn gió bấc gào thét với những thanh âm nhọn hoắt ùa qua song cửa gỗ mọt nát thổi vào nhà. Chúng tôi mặc áo bông, quần bông, giầy bông to xù, ngồi vây quanh chiếc lò than nhỏ bé. Tôi đọc sách, Phi Phi lắp ráp máy vô tuyến điện, bà tôi với cặp kính lão vẫn mũi kim mũi chỉ vá vá víu víu. Hòn than trong lò cháy đỏ rực, chiếc ấm đun nước lặng lẽ nằm trên bếp than vang lên những tiếng xì xì. Cái lò than nhỏ bé ấy, có thể phát ra sức nóng tối đa của mình, đã đem tới cho chúng tôi chút ít hơi ấm giữa cõi thế gian mênh mang này. Năm 1967 trôi đi như thế, năm 1968 cũng như thế tới gần.
Mùa đông, mùa đông dài dằng dặc, mùa đông hàn lạnh. Ngày giá ngày rét, lòng con người còn giá rét hơn. Mọi người mong mỏi cho mùa đông mau chóng qua đi, ước ao mùa xuân sớm đến. Xuân sang, xuân đến bằng những bước chân lững thững, khoan thai. Đó là xuân sớm, đó là xuân sớm nơi phương bắc. Ngọn gió bấc lạnh thấu xương cũng đã qua đi, nhưng cỏ còn chưa xanh, mầm còn chưa nhú, giữa đất và trời vẫn là cảnh tiêu điều hiu hắt, tiết trời sẽ lạnh mùa xuân vẫn thấm sâu vào đáy lòng người.

Truyện Cha tôi Đặng Tiểu Bình những năm tháng Cách mạng văn hóa 1. Năm 1966 lắm chuyện 2. Tai hoạ từ trong nhà mà ra 3. Nã pháo vào Bộ tư lệnh 4. Phê phán Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình 5. Tổng tiến công vào “kẻ cầm quyền đi theo con đường tư bản chủ nghĩa” 6. Đánh đổ Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, Đào Chú 7. Một lá thuyền đơn trong sóng cả 8. Thành lập Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình 9. Đại hội toàn trung ương mở rộng lần thứ 12 của khoá VIII 10. Tháng năm khủng khiếp 11. Tai hoạ từ ngang trời giáng xuống 12. Thanh la não bạt diễn trò Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình 13. “Đại hội 9” và “tiếp tục cách mạng” 14. Sơ tán, chuẩn bị chiến tranh 15. Chuyến bay đơn độc về phương nam 16. Giang Tây, những ngày đầu 17. Lao động 18. Về nhà rồi đây! 19 Phi Phi về đây rồi 20. Biến số trong bất biến 21. Sóng gió ở hội nghị Lư sơn 22. Những ngày bình lặng không yên ổn 23. Cảnh ngộ Phác phương 24. Trời chẳng phụ lòng người 25. Vật đổi sao dời 26. Giang nam, xuân đến sớm 27. Uốn nắn lại những cung cách cực tả 28. Giải toả giam cầm, lên tỉnh Cương Sơn 29. Thăm lại đất xưa 30. Chào nhé trường bộ binh 31. Trở lại làm việc 32.Đại hội khoá 10 của Đảng, kiên trì đường lối Cách mạng văn hoá 33. Vào quân uỷ, bộ chính trị 34. Sóng gió trong chuyến đi dự hội nghị đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc 35. Cuộc đấu tranh về “tổ chức nội các” 36. Ý vị sâu xa của Đại hội đại biểu nhân dân khoá IV 37. Màn giáo đầu của chỉnh đốn toàn diện 38. Cuộc đọ sức chỉnh đốn ngành đường sắt 39. Mao Trạch Đông phê bình “bè lũ bốn tên” 40. Chỉnh đốn toàn diện 41. Ba văn kiện chỉnh đốn toàn diện 42. Thành tựu vĩ đại 43. “Bình Thuỷ Hử” và những ngày cuối cùng của Chu Ân Lai 44. Kẻ ác đi kiện trước 45. Thời buổi khó khăn 46. Cuộc tuẫn nạn bi tráng 47. Phê phán Đặng Tiểu Bình 48. Phong trào ngày 5 tháng tư vĩ đại 49. “Hai nghị quyết” 50. Sóng gió không sờn 51. Mao Trạch Đông, vĩ nhân một đời, ra đi 52. Đập tan hoàn toàn lũ bốn tên 53. Sự phục hồi trong vòng sáng huy hoàng 54. Lời kết & 55 Lời cảm tạ