Ngày 16.5.1966, hội nghị Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung quốc mở rộng thông qua “Thông cáo của Ban thường vụ Trung ương Đảng cộng sản Trung quốc”, tức là Thông cáo 16-5. Việc này đánh dấu cho sự bùng nổ cuộc Đại cách mạng văn hoá của giai cấp vô sản chưa từng có trong lịch sử.Cách mạng văn hoá bùng nổ, chẳng phải chuyện ngẫu nhiên, mà nó là sản phẩm tất yếu của sai lầm tả khuynh, phát triển tới chỗ cực đoan trong nội bộ đảng.Sau ngày lập quốc, qua hơn bảy năm thực tiễn xây dựng, cải tạo thành công của xã hội chủ nghĩa, với sự ánh hưởng của rất nhiều nhân tố trong nước, ngoài nước, trong nội bộ đảng ta đã bắt dầu lan tràn triền miên một loại siêu thắng lợi và tự mãn, cùng với cái đầu nóng hổi chứa đầy những hớn hở và kiêu ngạo. Đã đánh giá hiện thực và thành tựu quá cao, nóng lòng bước vào chủ nghĩa cộng sản, đã làm nảy sinh, phát triển những biện pháp không thiết thực, nên đã có những hành động mạo hiểm, tai hại, vi phạm quy luật kinh tế. Sau nhiều lần vật vã, lý luận “tả” đã dần dần được nâng cấp, cuối cùng đã chiếm được thượng phong trong nội bộ đảng. Đồng thời với điều đó, trên cơ sở tình hình dân chủ trong nội bộ đảng ngày càng sút kém, sùng bái cá nhân, độc đoán chuyên quyền ngày càng phát triển, sinh hoạt trong nội bộ đảng cũng thất thường. Việc đánh giá sai lầm tình hình quốc tế, quốc nội, đặc biệt là lình hình đấu tranh giai cấp, khiến lúc đó Mao Trạch Đông đã tạo dựng được một uy quyền tuyệt đối, khiến Mao Trạch Đông càng ngày càng gay gắt và không chấp nhận những ý kiến bất đồng, nên đã chọn lựa những hành động vô cùng sai lầm, mà bắt đầu từ mặt chính sách, mặt tổ chức, cuối cùng đặt quyết lâm vào mặt nhân sự, trừ khử tất cả những trở lực và chướng ngại để bảo đảm đường lối cách mạng mà ông ta cho rằng hết sức chính xác được thực thi một cách không thuận và suôn sẻ.Mở đầu năm 1966, tưởng chừng như chẳng có gì khác năm xưa. Vẫn ngày “Tam Cửu” nghiêm hàn, vẫn gió ấc ào ào quét thổi. Nắng mùa đông chiếu rọi trên mặt đất, làm cho vạn vật sinh sôi nảy nở. Sau khi trải qua thời kỳ vất vả khó khăn, do sự nỗ lực nhiều mặt từ trung ương đến địa phương, tình hình kinh tế đã có chuyển biến lớn, rất tốt. Những khó khăn khổng lồ do thiên nhiên cũng như những nguyên nhân khác đem tới đã được khắc phục. Gánh nặng nhọc nhằn trong lòng mọi người đã được giảm nhẹ, những cái nhíu mày cau có đã được giãn ra. Trung ương đảng cũng đang phóng tầm mắt nhìn vào tương lai, hội họp, bàn bạc về kế hoạch năm năm lần thứ ba. Tuy ăn uống vẫn phải theo định lượng, vật tư hàng hoá thiếu thốn, nhưng dù sao, về cơ bản, mọi người đã được ăn no, có thể sinh sống, làm việc với tâm tình tương đối thanh thản. Mọi người, với trái tim thiện lương của mình, hy vọng vào một năm tới có những ngày tháng yên ấm hơn, cuộc sống càng có thêm ý nghĩa, xây dựng một tổ quốc xã hội chủ nghĩa tốt đẹp hơn. Nhưng sự tiến triển của mọi việc luôn luôn vượt ra ngoài dự liệu của mọi người, hơn thế, nó còn thường vượt ra ngoài ước nguyện của những người lương thiện và chất phác.Mọi người hình như không chú ý rằng, một năm trước đó, lức là vào cuối năm 1965 đã từng xảy ra mấy sự kiện chẳng ai ngờ tới. Ngày 10.11.1965 trên báo Văn hối xuất bản ở Thượng Hải có in một bài viết của Diêu Văn Nguyên(1): “Bình vở kịch lịch sử mới viết lại: Hải Thuỵ bãi quan” đã phê bình nhà sử học Ngô Hàm (2), người đã soạn và sáng tác lại vở kịch Hải Thuỵ bãi quan, đồng thời nhân đó phê phán cung cách gọi là “đòi lật án” của Bành Đức Hoài (3).Bài này chính là do Giang Thanh(4) và Trương Xuân Kiều (5) âm mưu bàn bạc vạch ra, rồi do Diêu Văn Nguyên chấp bút.Tháng 2.1965, Giang Thanh tới Thượng Hải, được sự hỗ trợ của Kha Khánh Thi, Bí thư thứ nhất của thị uỷ Thượng Hải cùng với Trương Xuân Kiều bàn tính, rồi do Diêu Văn Nguyên dồn sức viết ra bài báo phê phán trên. Bài đó trước sau sau đã được Mao Trạch Đông đọc duyệt ba lần, mới cho phép in ra. Bài báo đó nhằm mục đích phê phán chính trị cực kỳ mạnh mẽ, nó đã có ảnh hưởng rất to lớn đối với cuộc bùng nổ Cách mạng văn hoá sau này. Sự tính toán cho bài báo “xuất chuồng” đã trải qua một quá trình cẩn mật rất dài đồng thời nó được tiến hành trong tình trạng bí mật tuyệt đối đối với tất cả mọi người trong Bộ chính trị Trung ương đảng cộng sản Trung quốc.Bài báo đó sau khi được tung ra ở Thượng Hải, các vị lãnh đạo trung ương chủ trì công tác ở Bắc Kinh, vì chẳng hiểu đầu cuối ra sao, nên cũng chẳng ai ai chú ý. Đối với bài báo này, Ban bí thư trung ương giữ thái độ trung dung và thận trọng. Cha tôi là tổng bí thư, ông không tán thành việc phê phán Ngô Hàm, khi Bành Chân (6) nói cho ông biết về tâm trạng nặng nề của Ngô Hàm, ông đáp:- Vở Hải Thuỵ bãi quan do Mã Liên Lương(7) diễn tôi đã xem qua rồi, có gì là sai đâu. Có một số người luôn luôn muốn đạp lên đầu người khác mà bò lên. Đối với mỗi người, họ mới chỉ biết lỗ mỗ, nửa vời mà đã phê phán tung hoăng, tự đề cao mình. Đối với loại người như thế tôi coi khinh. Ông hãy nói với giáo sư rằng, chẳng có gì ghê gớm lắm đâu, ta cứ đánh bài với nhau như cũ. Chính trị là học thuật cần phải phân định cho rõ ràng ra, đem trộn lại làm một là điều tối nguy hiểm, và sẽ làm tắc đường ngôn luận.Cha tôi vẫn đánh bài (8) với Ngô Hàm như thường lệ, và nói với Ngô Hàm:- Giáo sư ạ đừng có thở vắn than dài như thế, việc gì cũng đòi hỏi sự lạc quan. Sợ cái gì, trời có sụp xuống được không?. Năm nay tôi đã sáu mươi tuổi rồi, kể từ khi tôi tham gia cách mạng tới nay, kinh nghiệm của tôi đều nằm trong hai điều này: thứ nhất, không biết sợ, thứ hai là lạc quan, nhìn về phía trước, nhìn ra xa, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Có chúng tôi đẩy ông lên phía trước, ông cứ yên tâm!Cha tôi không tán thành cái kiểu phê phán như thế, nên đã an ủi Ngô làm, định bảo vệ Ngô Hàm, nhưng không ngờ rằng, tình thế lại phát triển một cách mau lẹ, thoát hẳn ra khỏi quỹ đạo bình thường. Ban bí thư trung ương, sau khi nắm bắt được những ẩn ý nằm sau bài báo của Diêu Văn Nguyên, đành phải để tất cả báo chí ở Bắc Kinh đăng lại. Nhìn bề nổi mà nói, đây chẳng qua chỉ là một việc làm sơ suất, nhưng chính sự kiện này đã là sợi dây cháy chậm, dẫn tới nỗi bất bình của Mao Trạch Đông, rồi dần dần biến thành một cơn giông bão chính trị to lớn.Cũng vào tháng 11.1965, Dương Thượng Côn, chủ nhiệm Văn phòng trung ương Đảng, bí thư dự khuyết Ban bí thư trung ương Đảng cộng sản Trung quốc, bị miễn chức, tội danh là “tự đặt thiết bị nghe trộm lừa dối trung ương”. Gia đình nhà Dương Thượng Côn và gia đình nhà tôi vốn là chỗ đi lại rất thân thiết. Khi Mao Trạch Đông đưa ra quyết định xử lý Dương Thượng Côn, cha tôi lại nhận định rằng, Dương Thượng Côn chẳng có vấn đề gì lớn cả. Sau này, khi bị bức phải “kiểm điểm”, cha tôi đã từng nói rằng: Ông đã từng có thời kỳ dài không nhận thức được hành vi “đặc vụ” này, là một Tổng bí thư, sự xử lý của ông đã không kịp thời, lại không thực tế. Kiểu “kiểm điểm” đó chứng tỏ rằng, đối với việc phê phán Dương Thượng Côn, cha tôi không tán thành và cũng chẳng cho chuyện đó là đúng. Dương Thượng Côn từ trung ương bị điều về công tác ở Quảng Đông, cha tôi còn đưa con gái ông, còn lưu lại Bắc Kinh học tập, về nhà tôi ở một thời gian.Nếu như nói, việc phê phán Dương Thượng Côn còn có thể tính là một sự kiện tương đối riêng rẽ, thì những sự việc xảy ra sau đó, ý nghĩa của nó đã trở thành bất thường. Đó là tháng 12 năm ấy, Lâm Bưu, phó chủ tịch trung ương Đảng cộng sản Trung quốc, phó chủ tịch Quân uỷ trung ương phụ trách công tác quân đội, vốn ôm ấp một mục đích không thể thổ lộ cùng ai, đã vu cáo La Thuỵ Khanh, bí thư Ban bí thư trung ương Đảng cộng sản Trung quốc, tổng tham mưu trưởng Giải phóng quân, có ý đồ lật đổ trong quân đội. Mao Trạch Đông đã tin lời vu cáo đó của Lâm Bưu, nên đã đích thân triệu tập hội nghị mở rộng Ban thường vụ Bộ Chính trị trung ương Đảng cộng sản Trung quốc tại Thượng Hải để vạch tội và phê phán vắng mặt La Thuỵ Khanh.Theo hồi ức của mẹ tôi, lần ấy ở Thượng Hải, không khí của hội nghị vô cùng căng thẳng, tất cả những người có mặt ở hội nghị đều đã mất hết sự hoà hợp và cười nói vui vẻ trước kia. Văn kiện của hội nghị ngay đến bí thư cũng không được xem. Mẹ tôi hiểu ngay rằng chắc chắn phải có chuyện gì dấy, nhưng không dám hỏi. Cha tôi lại chẳng nói điều gì, suốt ngày trầm ngâm, nghiêm túc hiếm thấy. Ngày 10.12, sau khi trung ương dùng chuyên cơ đón vợ chồng La Thuỵ Khanh tới Thượng Hải, Mao Trạch Đông liền phái Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình đến gặp và nói chuyện với La Thuỵ Khanh.Hôm đó, cha tôi nói với mẹ tôi rằng: Hôm nay chúng tôi đi gặp La Thuỵ Khanh. Bà cũng nên đi thăm Hách Trị Bình, khuyên giải bà ấy.Trên ô-tô, mẹ tôi thấy nét mặt cha tôi và Chu Ân Lai đầy vẻ âm thầm, chẳng nói năng câu nào, bà chẳng biết lý do vì sao, nhưng trong lòng cũng đầy lo lắng căng thẳng. Đến nơi, La Thuỵ Khanh đang bị cách ly, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình và La Thuỵ Khanh nói chuyện với nhau ở tầng dưới, mẹ tôi cùng với Hách Trị Bình lên trên gác.Mẹ tôi chỉ nói với bà Hách Trị Bình được mỗi một câu:- Chị cứ bình tĩnh...Đến đây mẹ tôi không thể giữ mình được nữa, và bắt đầu thút thít. Sau này, khi phê phán Đặng Tiểu Bình, phái tạo phản thường nắm lấy chuyện này, bảo rằng Đặng Tiểu Bình bao che cho La Thuỵ Khanh và bịa ra rằng: Trác Lâm và Hách Trị Bình ôm đầu khóc rống. Cha tôi đã từng nói, ông xưa nay chẳng có một chút cảm tình nào với Lâm Bưu, về căn bản không bao giờ tin vào những vu cáo ác ý của Lâm Bưu. Nên đối với việc phê phán La Thuỵ Khanh, ông giữ thái độ tiêu cực và chống đối. Sau này, khi bị kiểm điểm trong Cách mạng văn hoá, ông nói: “Tính chất nghiêm trọng của cuộc đấu tranh này, tôi vẫn không sao hiểu ra được”, nhưng rồi lại nói: Trên thực tế là làm cho La Thuỵ Khanh thoát tội”.Sau đó, khi quân đội Bắc Kinh mở hội nghị phê phán La Thuỵ Khanh, Mao Trạch Đông đã chỉ định Đặng Tiểu Bình và một số người khác chủ trì hội nghị. Thái độ của cha tôi vẫn là thứ thái độ tiêu cực đó. Sau này ông nói:- Tôi bị chỉ định là một trong những người chủ trì hội nghị, nhưng sau khi khai mạc, tôi lập tức đi khảo sát tuyến ba ở Tây Bắc, giao hội nghị cho Bành Chân điều khiển. Điều đó chứng tỏ rằng, tôi đã không tích cực, không nhiệt tình với lần tranh đấu này.Việc phê phán La Thuỵ Khanh là do Lâm Bưu chế tạo ra.Đối với hành động tội ác này của Lâm Bưu, cha tôi tỏ ra căm ghét và ác cảm. Ông thông cảm với La Thuỵ Khanh, nhưng không đủ sức lực để cứu vãn, nên bỏ đi thị sát công tác ở tỉnh xa, đó là phương thức né tránh duy nhất mà ông có thể lựa chọn lúc bấy giờ.Phê phán Dương Thượng Côn, phê phán La Thuỵ Khanh, đã làm cho khá nhiều cán bộ cao cấp trong đảng cảm thấy khó hiểu và kinh sợ. Nhưng khi đó, những người ấy vẫn còn chưa biết rằng, một cuộc phê phán mang đầy tai họa còn to lớn hơn nhiều đang ấp ủ, nung nấu và chuẩn bị, đang gấp gáp, khẩn cấp nổ ra, khiến cho mọi người không kịp suy tính, không kịp né tránh.Vừa bước vào năm 1966, hàng loạt sự việc, hàng lô sự kiện liên tục diễn ra không ngừng không nghỉ. Tháng giêng, Lâm Bưu triệu tập hội nghị chính trị toàn quân, gào thét “chính trị hàng đầu”, coi như một thứ lý luận chuẩn bị cho việc tiếm đoạt quyền lực.Tháng 2.1966, dưới sự hỗ trợ của Lâm Bưu, Giang Thanh triệu tập “Hội nghị toạ đàm về công tác văn nghệ trong bộ đội” tại Thượng Hải. Tháng ba, “kỷ yếư” của cuộc toạ đàm này được đích thân Mao Trạch Đông sửa chữa, rồi tụng ca mở ra toàn quốc, đặt nền móng ban đầu cho việc dùng lực lượng quân đội tiến hành cuộc Đại cách mạng văn hoá.Tháng 3.1966 La Thuỵ Khanh bị tước bỏ mọi chức vụ, sau đó bị tống giam vào ngục.Cũng tháng đó, khu vực Hình Đài tỉnh Hà Bắc xảy ra động đất dữ dội, hơn 300.000 người bị tai nạn.Vẫn tháng ấy, Mao Trạch Đông nhiều lần bàn bạc với Khang Sinh, Giang Thanh và một số người khác, nói rằng: nếu như các cơ quan trung ương làm hỏng việc, thì cần phải hiệu triệu các địa phương nổi dậy làm tạo phản. Đồng thời còn nói: cần phải giúp đỡ phái tả, thành lập đội ngũ, tiến hành Đại cách mạng văn hoá.Cho đến hôm nay, hơn ba mươi năm sau, ngoảnh đầu nhìn lại có lẽ bất cứ một người nào, chỉ qua bản thời gian biểu giản đơn đó, cũng cảm giác hết sức đầy đủ cái không khí nồng nặc mùi thuốc súng ấy. Nhưng khi đó, tuyệt đại bộ phận lãnh đạo trong đảng lại không từ đó ý thức ra được trận cuồng phong sắp tới với đầy trời gió rít. Ngay cả đối với những người không tỏ ra tán thành, hoặc đầy lòng nghi vấn, cũng tuyệt đối không thể tưởng tượng ra được sự tiến triển của nó về sau sẽ dẫn tới một mức độ điên cuồng, hỗn loạn để cuối cùng không làm sao điều khiển nổi nữa.Đặng Tiểu Bình khi đó là uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị trung ương đảng, là Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương, hầu như hoàn toàn giống với tất cả cán bộ lãnh đạo cao cấp trong đảng. Đối với tất cả những sự kiện đã xảy ra trước đó, tuy bất đồng ý kiến và cách nhìn nhận, nhưng lại thiếu một sự cảnh giác cao, và đối với cục diện sẽ xảy ra mà mình phải đối diện sau này lại càng không có sự chuẩn bị tư tưởng thực đầy đủ để ứng phó.Ngày 8.4.1966, Khang Sinh(9) gọi điện thoại cho Đặng Tiểu Bình về Bắc Kinh ngay lập tức. Khi đó, Đặng Tiểu Bình cùng với Lý Phú Xuân(10), Bạc Nhất Ban(11), một số cán bộ lãnh đạo các bộ của Quốc vụ viện đi thị sát công tác vùng Tây Bắc. Suốt dọc đường, mọi cuộc thảo luận, tính toán của họ chỉ là những vấn đề phát triển kinh tế vùng Tây Bắc ra sao, và xây dựng tuyến ba này như thế nào. Nhận được điện thoại, cha tôi vội vã đi chuyên cơ từ Diên An trở lại Bắc Kinh, đến nhà mới biết rằng: Bành Chân lại gặp chuyện rắc rối.Nguyên nhân của sự việc là do Bành Chân không tán thành bài báo của Diêu Văn Nguyên đang trên báo Văn hối ở Thượng Hải cùng một số người phê phán mang tính chính trị với Ngô Hàm. Ngô Hàm là một nhà sử học nổi tiếng, lại là phó thị trưởng thành phố Bắc Kinh, đối với Bành Chân, là bí thư thứ nhất của thị uỷ Bắc Kinh là thị trưởng thành phố, đương nhiên cần phải hỏi. tại sao khi cho in bài báo của Diêu Văn Nguyên lại không hỏi qua Bắc Kinh tý chút. Giang Thanh, Khang Sinh, Trương Xuân Kiều giấu diếm Trung ương, xuống Thượng Hải báo cáo đầy ác ý với Mao Trạch Đông rằng: “soi mói đến cả chủ tịch rồi”, làm cho Mao Trạch Đông nổi cơn thịnh nộ, phê phán Bành Chân.Từ ngày 9 đến ngày 12.4.1966, Ban bí thư trung ương họp ròng rã mấy ngày liền. Tại cuộc họp, Khang Sinh truyền đạt ý kiến phê phán Bành Chân của Mao Trạch Đông tại Thượng Hải, bảo rằng chính Bành Chân là người chủ trì và khởi thảo cái gọi là: “Đề cương báo cáo về thảo luận học thuật hiện nay” (Đề cương tháng hai), để lộn sòng giới tuyến giai cấp, không phân biệt đúng sai, đó là một sai lầm. Bộ Tuyên truyền của Trung ương Đảng do Lục Định Nhất (uỷ viên dự khuyết Bộ chính trị trung ương Đảng cộng sản, bí thư Ban bí thư trung ương, bộ trưởng Bộ tuyên truyền trung ương) phụ trách là một “điện Diêm Vương”, đồng thời khiển trách thị uỷ Bắc Kinh và bộ Tuyên truyền bao che cho kẻ xấu (chỉ Ngô Hàm).Khi ấy chẳng có ai ngờ ràng, cơn thịnh nộ của Mao Trạch Đông không dừng lại ở đó mà còn đi xa hơn.Từ ngày 16 đến ngày 22.4.1966, tại Hàng Châu, đích thân Mao Trạch Đông triệu tập, chủ trì hội nghị Bộ Chính trị mở rộng để tiến hành phê phán cái gọi là tội phản động của Bành Chân.Phê phán La Thuỵ Khanh, cha tôi đã không chấp nhận. Phê phán Bành Chân cha tôi cũng không chấp nhận như cũ. Cha tôi với La Thuỵ Khanh và Bành Chân không những có quan hệ mật thiết trong công tác, mà trong quan hệ riêng tư cũng rất thân tình. Song cuộc phê phán này lại diễn ra quá mãnh liệt, hung hãn, cơn thịnh nộ của Mao Trạch Đông đã lên tới mức không sao ngăn cản được nữa.Trong tình trạng sinh hoạt dân chủ trong nội bộ Đảng đã trở thành cực đoan, mất bình thường lúc bấy giờ, những cán bộ cao cấp trong đảng giống như cha tôi, nếu có những ý kiến bất đồng, cũng không có khả năng đề xuất công khai.Sau này, trong hồi ký của cha tôi, có nói:- Vấn đề của Bành Chân vốn chẳng có gì là to lớn, tôi không phụ hoạ theo, chỉ gửi biếu Bành Chân nửa giỏ cam để tỏ bày thái độ.Không phụ hoạ theo, biếu cam, với tình thế lúc bấy giờ, cha tôi chỉ có thể dùng cách thức ấy để biểu thị thái độ của mình. Ông nói:- Trong điều kiện như thế, tôi thực tình khó có bề mà phản đối được.Từ ngày 4 đến ngày 26.5.1966, hội nghị mở rộng Bộ Chính trị trung ương Đảng cộng sản Trung quốc được triệu tập họp ở Bắc Kinh. Hội nghị tiến hành theo sự bố trí của Mao Trạch Đông, đem gom Bành Chân, La Thuỵ Khanh, Lục Định Nhất, Dương Thượng Côn vào làm một đám, nhất loạt phê phán họ là “hoạt động phản đảng” và “giữa họ có những quan hệ cá nhân không bình thường”. Trong hội nghị, Lâm Bưu, con người này, đã đại ngôn nói về vấn đề chính biến nghe đến rợn người. Hắn tung tin giật gân rằng, có người trong nội bộ Trung ương đảng đang âm mưu làm đảo chính. Trong hội nghị này đã thông qua Thông cáo 16-5 do Trần Bá Đạt(12) và một số người nữa khởi thảo và đã được Mao Trạch Đông sửa chữa nhiều lần.Thông cáo 16-5 đã triệt để phê phán những tư tưởng phản động của giai cấp tư sản nằm trong giới học thuật, giới giáo dục, giới báo chí, giới văn nghệ giới xuất bản, định cướp đoạt quyền lãnh đạo trong những lĩnh vực văn hoá đó, đồng thời cũng phê phán luôn những nhân vật đại biểu của giai cấp tư sản chui vào trong đảng, trong chính phủ, trong quân đội, và trong lĩnh vực văn hoá, cần phải tẩy trừ cho hết những nhân vật này. Bản Thông cáo còn cảnh cáo với đầy tính dự rằng: những “nhân vật đại biểu của giai cấp tư sản” chui vào trong đảng, trong chính phủ, trong quân đội và trong các lĩnh vực văn hoá chính là một đám xét lại phản động, một khi thời cơ đã chín chúng sẽ chiếm đoạt chính quyền, biến nền chuyên chính của giai cấp vô sản thành nền chuyên chính của giai.cấp tư sản, đám nhân vật này, có một số đã bị chúng ta vạch mặt, một số vẫn chưa bị vạch mặt, còn một số vẫn được chúng ta tin dùng và được bồi dưỡng thành những người kế tục sự nghiệp, thí dụ như cái nhân vật Khơ-rút-sôp(13) đó, bọn họ hiện nay còn đang nằm ngủ bên mình chúng ta, các cấp đảng uỷ phải hết sức chú ý tới điểm này.Thông cáo 16-5 dùng những lời lẽ nghiêm khắc mạnh mẽ để thức tỉnh lòng người, tuyên bố, một cuộc báo động chính trị to lớn bao trùm đại địa sắp ập tới rồiSau khi hoàn thành cả loạt chuẩn bị chính trị và dư luận nói trên, “Cuộc Đại cách mạng văn hoá của giai cấp vô sản” chính thức vén màn, với thanh thế ào ạt, lấy việc phê phán chính trị, phê phán nổi loạn làm yếu tố cơ bản.Chú thích: (1) Diêu Văn Nguyên khi đó làm việc tại phòng Nghiên cứu chính sách của Thành uỷ Thượng Hải(2) Ngô Hàm: nhà sử học nổi tiếng, khi đó là phó thị trưởng thành phố Bắc Kinh(3) Bành Đức Hoài: Nguyên soái của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, đã từng là uỷ viên Bộ chính trị đảng cộng sản Trung quốc, phó thủ tướng Quốc vụ viện kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Năm 1962, tại hội nghị Lư Sơn, Mao Trạch Đông đã phát động cuộc phê phá Bành Đức Hoài. Nàm 1962 Bành Đức Hoài đệ trình lên Trung ương bản tường trình minh oan khá dài. Mao Trạch Đông cho rằng đây là hoạt động đòi lật đổ lại bản án cũ, không thể sửa sai cho ông được. Sau khi kết thúc Cách mạng văn hoá, trong Đại hội toàn thể lần thứ Ba khoá 11 đảng cộng sản Trung quốc đã sửa sai, minh oan, phục hồi danh dự cho ông.(4) Giang Thanh, vợ Mao Trạch Đông. Về danh nghĩa là Cục trưởng Cục điện ảnh thuộc Bộ tuyên truyền của Trung ương đảng cộng sản Trung quốc, trên thực tế thường ốm đau không làm việc(5) Trương Xuân Kiều: Bí thư Ban bí thư thành ủy Thượng Hải(6) Bành Chân là uỷ viên Bộ chính trị trung ương đảng cộng sản Trung quốc, bí thư Ban bí thư trung ương, bí thư thứ nhất thị uỷ thành phố Bắc Kinh kiêm thị trưởng thành phố Bắc Kinh(7) Mã Liên Lương, diễn viên kinh kịch nổi tiếng(8) Kiều bài, một lối đánh bài của Trung quốc. Bốn người chơi bằng cỗ bài tú-lơ-khơ chia hai người một phe - ND(9) Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị trung ương Đảng cộng sản Trung quốc, bí thư Ban bí thư trung ương Đảng(10) Uỷ viên Bộ chính trị trung ương đảng cộng sản Trung quốc, phó thủ tướng Quốc vụ viện, kiêm chủ nhiệm Uỷ ban ban kế hoạch nhà nước(11) Uỷ viên dự khuyết Bộ chính trị Trung ương đảng cộng sản Trung quốc, phó thủ tướng Quốc vụ viện kiêm chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế nhà nước(12) Trần Bá Đạt: uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị trung ương Đảng cộng sản Trung quốc, chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính trị trung ương đảng, tổng biên tập tạp chí Cờ đỏ, bí thư của Mao Trạch Đông(13) Khơ-rut-sôp: từng là uỷ viên Đoàn chủ tịch Đảng cộng sản Liên xô, là bí thư trung ương. Sau khi Stalin qua đời, tháng 9.1953 được cử làm bí thư thứ nhất. Tháng 3.1958 lại kiêm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên xô. Tại đại hội Đảng cộng sản Liên xô lần thứ XX, đã phản đối Stalin đem lại những ảnh hưởng tiêu cực nhất định cho phong trào cộng sản quốc tế lúc bấy giờ