Dịch Giả :Nguyệt Trinh

Nguyên tác The Prisoner của Ed McBain từ tuyển tập The McBain Brief

Khi Randolph dắt tội phạm vào phòng điều tra thì mọi người đang đấu láo. Cũng vẫn câu chuyện ngàn năm bất biến. Ngoài khung lưới sắt, nắng tháng mười vàng vọt nghiêng bóng trên thềm. Thời tiết bắt đầu thay đổi, nhưng câu chuyện của họ vẫn cứ thế qua năm này tháng nọ. Không khí trong phòng nồng nặc mùi thuốc lá và mồ hôi đàn ông. Chàng mệt mỏi tột cùng, tưởng chừng như thời gian ngừng lại, và trước mắt chàng chỉ là những khuôn mặt ấy, bên tai chàng là các câu chuyện nhàm chán ấy… cho đến khi chàng trở nên ông lão lụ khụ.
Chàng dẫn người con gái vào khu vực cấm, ngang qua quả địa cầu màu xanh treo lơ lửng. Qua chiếc bàn ngay cửa, chàng chào một cách máy móc tên cảnh sát ngồi ngay đó, đoạn bước dưới tấm bảng trắng có hàng chữ đen Phòng điều tra và bàn tay vẽ, chỉ dẫn trên đầu, rồi leo thêm vài bậc thang lên lầu. Suốt cả buổi chàng chẳng hề quay lại nhìn người con gái, nhưng chàng biết nàng đang sợ hãi tột cùng và không biết đi theo chàng làm gì. Đến tấm vách ngăn phòng điều tra và hàng lang chàng nghe tiếng Burroughs đang kể câu chuyện cười cũ rích. Câu chuyện nhàm chán khiến chàng vô cớ gắt người con gái.
- Ngồi xuống đó!
Người con gái co rúm nghe chàng nạt nộ. Nàng thật mảnh mai trong chiếc váy suông đuột và áo len bạc mốc màu xanh lá. Chân tóc nâu bắt đầu lấp ló ra ngoài những sợi vàng óng. Mắt nàng thật biếc, nó là trung tâm điểm trên toàn khuôn mặt khó làm người khác chú ý. Môi son đỏ loè loẹt lem luốt vụng về. Nghe lời chàng, nàng líu ríu đến ngồi xuống chiếc băng gỗ ngay hành lang, đối diện nhà vệ sinh nam. Chàng liếc nàng, đoạn đẩy tấm vách ngăn bước thẳng đến bàn Burroughs, hất hàm.
- Có ai gọi không?
- Khoẻ không ông? Chẳng ai gọi cả. Ông cắt câu chuyện vui của tớ.
- Ừ vui lắm, tao biết mà.
Burroughs cố cãi.
- Thật đó, chuyện này tếu lâm lắm.
- Tao biết tếu lâm lắm rồi. Trăm lần đều như nhau.
Chàng đứng sừng sững ngay bàn Burroughs. Hắn to cao với mái tóc nâu sáng và đôi mày u ám. Mũi gẫy gập sau cuộc ấu đả, nhiều vết nhăn trên môi bướng bỉnh gan lì, tất cả tạo nên khuôn mặt hắc ám. Chàng mến hắn, nhưng cóc cần. Gần như còn mong hắn nổi giận, đứng dậy để cả hai choảng nhau bằng ghế. Chưa có điều gì khiến chàng thích thú hơn là tung cho hắn vài cước.
- Nếu ông không thích chuyện tếu của tớ thì đừng nghe.
- Cám ơn! Chuyện hay quá để mày nghe.
Ngay bàn bên cạnh, Dave Fields ngẩng lên. Gã là tên cảnh sát to xác có đôi mắt thật sắc và nụ cười thân thiện. Nụ cười bao hàm niềm tin rằng gã có thể trở thành viên cảnh sát bản lĩnh nhất trong đội nếu gã muốn. Gã mĩm cười.
- Ông bị ai xực vậy? (What's eating you, Frank?)
- Ai đâu. Còn mày, ai xực mày?
Gã vẫn cười thật tươi.
- Muốn gây?
Chàng nhìn gã dò xét. Chàng đã thấy gã ra tay nên không muốn khiêu khích. Chàng muốn mở miệng bảo, “Đâu phải vậy. Tao đang bực bội, - hoặc lời lẽ nào đó khiến gã đừng nghĩ chàng muốn gây sự. Song, có điều gì khoá mồm khoá miệng chàng. Trước nay chàng chưa hề như thế, cứ nghĩ sao thì nói vậy. Chàng nhìn vào mắt gã, môi mím chặt.
- Muốn chơi khi nào thì chơi, tuỳ mày.
- Nổi điên rồi. Tháng nào ở đây cũng có ngựa chứng. Đụng chạm với đám ma bùn tội phạm hằng ngày không điên sao được.
Chàng hiểu ngụ ý trong câu nói ấy nên thầm cảm ơn và nễ phục gã. Thật sự gã chẳng muốn xé to chuyện nên mới khéo léo đưa đẩy như thế. Dù biết gã là kẻ to con nhất trong đám, chàng vẫn hả dạ khi không chịu nhượng bộ. Song, chàng lại ray rứt vì sự ngang ngược của mình. Gã lên tiếng.
- Nè, để tôi cố vấn dùm cho. Lúc nào có vấn đề rắc rối thì cứ kiếm tôi.
- Cố vấn gì?
- Đừng để bị mất tinh thần như thế. Là cảnh sát trong đội hình sự khiến ông cứ nghĩ cả thế gian là cuộc lừa đảo. Thật ra không phải vậy đâu.
- Ở đó mà không.
- Tin tôi đi. Đừng đa nghi đố kỵ thái quá.
- Cám ơn! Tao ở đây tám năm trời, không cần ai dạy khôn.
- Đâu có. Tôi chỉ muốn giúp ông làm thế nào để trở thành người đàn ông đúng nghĩa khi rời khỏi môi trường này mà thôi.
Chàng lặng yên, nghĩ ngợi. Đoạn vặn gã.
- Trước đến giờ có ma bùn nào kêu ca gì tao đâu?
Gã nhỏ nhẹ.
- Bạn tốt không bao giờ nói ra, ông hiểu chứ?
- Thế thì đâu phải bạn tốt. Bạn mình sai thì phải nói để hắn sửa.
Thình lình có tiếng quát.
- Vào trong mau!
Chàng quay về phía có tiếng quát, nhận ra Boglio và người đàn ông theo sau hắn. Tên đàn ông nhỏ thó, ốm o, có hàm ria mép mỏng dính. Mắt gã nâu và tóc tai bù xù cũng màu nâu. Gã sợ sệt cứ lè lưỡi liếm hàm ria mép. Boglio nạt nộ.
- Đến đằng kia! Sát vào tường.
Chàng xen vào.
- Chuyện gì đó Rudy?
- Tôi bắt được thằng ma bùn này.
Boglio trả lời xong quay qua tên đàn ông.
- Nghe nói không? Đến sát tường đằng kia!
Fields tò mò.
- Y làm gì mà bị bắt?
Boglio không trả lời. Hắn xô tên đàn ông và ấn gã vào
sát tường dọc hàng tủ đựng hồ sơ. Hắn hò hét.
- Tên gì?
- Arthur.
- Arthur gì?
- Arthur Semmers.
- Say phải không?
- Đâu có.
- Hít phải không? (Are you high?)
- Sao? Tui không hiểu ông nói gì.
- Xì ke, ma tuý đó. Trả lời đi, có không?
- Xì ke ma tuý hả? Không đâu, tui chưa bao giờ biết. Thề đó.
Boglio quay qua chàng.
- Frank, ông muốn hỏi chuyện tên này không?
- Không được, tao còn một đứa ngoài kia.
- Con nhỏ ngồi trên băng đó hở? Cho nó chờ được không? Chuyện này quan trọng hơn.
- Cũng được.
Chàng rút quyển sổ sau túi quần và đến ngồi trên chiếc ghế nơi Semmers đứng cúm núm như muốn núp vào tường. Boglio bảo.
- Nó tên Arthur Semmers, ghi xuống chưa?
- Đánh vần coi!
- S-E-M-M-E-R-S
- Bao nhiêu tuổi?
- Ba mươi mốt.
- Sinh đẻ ở đây hở?
- Chứ sao. Bộ tưởng tui là di dân lậu hở? Thiệt tui sinh đẻ ở đây đó.
- Cư trú ở đâu?
- Mười-tám mười-hai đường South Fourth.
- Nói tôi biết tại sao anh chém thằng bé?
- Thiên địa ơi! Tui chém ai đâu?
- Semmers, để tôi đi thẳng vào vấn đề. Anh đang ở trong phòng điều tra hình sự, hiểu rõ chưa? Không phải ở ngoài kia mà anh muốn chơi trò gì với tôi thì chơi. Đây là đất của tôi, tôi muốn anh chơi trò gì anh phải chơi trò ấy, không thì tọng cây này vào họng anh.
- Thiệt tình tui đâu có chém ai.
- Tôi hỏi một lần nữa, anh có đi qua đường Ashley Avenue hay không?
- Có. Bộ luật cấm không cho đi đường đó hả?
- Có đến con hẽm gần số nhà bốn-mười-sáu không?
- Có.
- Semmers. Tại đó có thằng bé mười sáu tuổi bị chém bốn nhát. Chúng tôi đã mang nó vào bệnh viện, thoi thóp sắp chết đến nơi. Anh biết án mạng là gì không?
- Giết người chứ gì? Vậy cũng hỏi. Làm như tui khùng vậy.
- Anh biết cảnh sát truy tầm thủ phạm là gì không?
- Không biết! Rồi sao?
- Anh cũng sẽ ngã chết ra đó nếu bị án mạng. Nhưng cám ơn Trời cho anh ở đây. Tôi kiên nhẫn lắm rồi, đừng giỡn mặt nữa nhé.
- Tui gặp thằng nhỏ nào ở ngõ đó bao giờ đâu. Tui cũng chẳng chém giết ai.
Không nói thôi lôi, Boglio tung quả đấm nện thẳng vào mặt tên đàn ông. Gã lảo đảo ngã vào tường rồi vụt bật ra như quả bóng, tay giữ chặt vành môi đứt.
- Sao uýnh tui?
- Câm mồm!
Từ bên này, Randolph có thể thấy máu phọt từ miệng tên đàn ông khốn khổ. Boglio ong óng.
- Thằng bé như thế nào, nói cho tôi biết.
- Tui biết gì mà nói.
Boglio nhào đến nện thêm cho gã vài đòn. Hắn thét như điên.
- Nói!
Boglio lại đấm đá túi bụi. Chàng chịu hết nổi.
- Nè, cần tao nữa không?
- Không!
- Thôi mày, muốn giết người sao?
- Tôi không ưa mấy thằng ma bùn này.
Chàng đứng dậy, xé tờ giấy vừa ghi chép đặt lên bàn Boglio, đoạn bước ra ngoài. Fields chận lại.
- Thấy thế nào?
- Thấy gì?
- Phải a tòng bất đắc dĩ.
- Tao không hiểu mày muốn nói gì.
- Không hiểu?
- Không.
- Ông suy nghĩ về thái độ của thằng Boglio đối với tội phạm.
- Tao nghĩ sao đó là chuyện của tao. Đừng xía vô.
- Thằng Boglio nghĩ sao cũng là chuyện của nó.
- Nó hỏi cung một tên chém người. Mày muốn nó phải làm sao?
- Nó thẩm vấn một kẻ có thể hoặc không có thể chém người. Kẻ ấy cũng là người mà ông.
- Rồi sao? Động lòng hở?
- Tôi tởm. Tôi ghê tởm nhà tù.
- Tao cũng vậy. Khác gì đâu.
- Mình phải nhận xét tìm hiểu tội phạm cho kỹ chứ đâu cứ nhào vô đấm đá dã man vậy.
- Tao biết tự lo, không cần mày dạy.
Fields thở dài, hỏi chàng.
- Con bé ngoài kia ông tính thế nào?
- Cũng là rác rưới mà thôi, tính toán gì.
- Vậy thì sao?
- Sao là sao? Mày muốn sao? Chuyện của mày chất đống kia không lo. Chuyện tao để tao lo.
Chàng quay lại người con gái, đốt điếu thuốc, đoạn bước ra ngoài. Người con gái ngẩng lên khi chàng đến gần. Mắt nàng thật xanh, nổi hẳn giữa gian phòng mờ tối. Thật xanh và thật sợ hãi. Chàng lên tiếng.
- Cô tên gì?
- Betty.
Chàng lạnh lùng.
- Cô gặp chuyện rắc rối rồi đó.
- Tôi… biết…
- Bao nhiêu tuổi?
- Hai mươi bốn.
- Trẻ chán.
Người con gái bẽn lẽn.
- Tại tôi ốm…
Chàng nạt ngang.
- Cô mà ốm o gì? Đừng làm bộ làm tịch bé bỏng với tôi.
- Đâu có. Tôi làm bộ làm tịch gì đâu. Tôi ốm thiệt đó, đâu cần nói láo với ông.
Giọng nàng thật nhỏ nhẹ, khe khẽ như đứa trẻ, đứa trẻ đang run sợ. Chàng nhìn nàng, tự bảo “mủ mỉ thuỳ đĩ đây”. Nàng rụt rè.
- Con gái… nhiều người gầy nhom à. Tôi biết nhiều cô…
Chàng cộc lốc.
- Dẹp chuyện mập ốm qua một bên! Cô hai mươi bốn tuổi phải không?
Nàng nhoẻn miệng thật nhẹ trên đôi môi son.
- Dạ. Còn ông?
- Ba mươi hai.
Chàng bực bội ném tàn thuốc xuống sàn nhà, dậm chân lên.
- Cho tôi hỏi cô vài câu được không?
- Dạ được.
- Cô hành nghề bao lâu rồi?
Người con gái trố mắt.
- Hành nghề?… gì?
- Tai nghe không rõ hở?
Dứt câu chàng thở phì.
- Cưng à, thành thật với nhau đi nhé. Mình làm việc dễ
dàng hơn.
- Nhưng tôi không…
Chàng lên giọng gần như quát.
- Hành nghề là… làm gái! Hiểu chưa?
- À!
Chàng mĩa mai.
- À, à… bao lâu rồi?
- Đây là… là lần đầu.
- Vậy sao!
Người con gái khổ sở, bối rối.
- Thiệt đó. Trước giờ tôi chưa hề ra đường tìm… ai. Đây là lần đầu thiệt đó.
Chàng trợn mắt.
- Lần đầu… và bắt trúng tôi? Cưng à, lần đầu mà bắt lộn người.
- Tôi đâu biết ông là cảnh sát.
- Bây giờ thì biết rồi đây.
Người con gái tiu nghỉu.
- Dạ, tôi biết.
- Coi chừng còn biết mùi tù nữa đó.
Người con gái cúi đầu cam chịu.
- Dạ.
Chàng lườm.
- Tốt!
Thật ra, trước đây người con gái chẳng hề tưởng tượng nổi sự việc rắc rối mà cô sẽ gặp phải. Lúc ấy nàng chận chàng ngay trên đường, “Anh ơi, đi chơi với em nghe?” Nàng vừa dứt câu liền bị chàng tóm cổ. Song, tại thành phố chàng đang làm việc, bắt tội phạm là một chuyện, mà bắt chúng nhận tội hay không lại là một chuyện khác. Chàng đã gặp bao trường hợp tình huống thật điên đầu, bắt cho đã rồi để chúng thoát, như cóc bỏ đĩa. Chàng từng trải, khi bắt người con gái này chàng biết mình sắp đau đầu nhức óc nữa đây. Nhưng dễ gì chàng để vuột. Chàng ngồi trước mặt, lạnh lùng nhưng nhìn nàng đầy thú vị. Thú vị nhìn đôi tay nàng vặn vẹo bối rối trên đùi.
- Nói thế, nhưng biết điều lại khác.
Người con gái nôn nóng.
- Cách nào?
Chàng xuống giọng như thì thầm.
- Phải gặp đúng người biết chuyện kia.
Nàng giương mắt trân trân. Ấp úng.
- Nhưng… tôi đâu có tiền. Nếu có tiền… tôi đâu làm vậy.
- Còn cách khác chứ.
Nàng nhìn mặt chàng dò xét.
- Thiệt hả?
- Chứ sao!
- Vậy… ông muốn sao?
- Đi theo tôi!
Chành nhanh nhẩu bước đi, đoạn quay lại nói trống không.
- Chừng một giờ thôi.
Họ xuống thang lầu. Ngang qua cửa, một tên cảnh sát đang giữ thằng lỏi khoảng mười bảy tuổi tai bị đứt bê bết máu. Máu chảy dài xuống cổ và loang đỏ áo. Người con gái nhìn cảnh tượng sợ rúm người, nàng quay đi thật vội, chạy nhanh ra cửa. Chàng lên tiếng.
- Tóm được một thằng. Chẳng biết thằng kia ra sao?
Người con gái không trả lời. Nàng bước thật mau, chàng chạy đến bên.
- Muốn đi đâu?
Nàng thẳng thắn.
- Nhà tôi nhé.
Họ bước êm lặng. Chung quanh đường phố chật chội. Già trẻ lớn bé, trẻ con chạy nhảy với quả bóng hoặc vẽ nghuệch ngoạc trên tường. Các bà nội trợ tay mang tay xách. Từ trạm cảnh sát về đến nhà nàng mất mười phút, suốt đoạn đường chàng đếm cả thảy mười bốn tên ma bùn. Trước khi trời tối hẳn, chúng phải kiếm chác chút đỉnh. Có thể là trộm cắp hoặc móc túi. Về đêm chúng như lũ điếc. Vừa nhận ra chiếc áo khoác xanh lá tươi và vàng chói của băng đảng “The Marauders, - chàng liền hiểu nếu có chiếc áo xanh màu trời và vàng choé trên địa phận này của chúng thì tức có đổ máu. Chung quanh chàng là gái điếm, ma cô, trộm cắp, dân lường gạt, và cả trẻ con tụ tập đánh bài mà món hàng đánh đổi là rượu bia, bờ rào vắng vẻ, hoặc mấy món hàng vụn vặt. Đám người không ra người, ngợm không ra ngợm giương mắt nhìn chàng một cách khả ố gây cho chàng cảm giác muốn lục lạo, muốn nghiến nát vì chàng đã lạc đâu đó trong cái thô bỉ ấy.
Thuở xưa có chàng cảnh sát trẻ phá vỡ đường dây rượu lậu và được thăng lên Điều Tra Viên/Cấp Ba. Chàng cảnh sát ấy là Frank Randolph, không ngừng hoạt động. Mắt cú vọ nhắm mục tiêu thật chính xác, quả đấm nhanh như gió, bước chân mèo thận trọng trên từng góc hang ngõ hẽm đầy nguy hiểm, và máu căm thù sục sôi trong lòng. Thế mà giờ đây, chàng bước cạnh người con gái mảnh mai không quen không biết về nhà nàng, và dùng tấm chiêng che đậy bề ngoài của mình để lên giường nàng, vào thân xác nàng. Chàng đã dùng tấm chiêng ấy từ lâu, đã tiêm nhiễm, đã nghiện ngập như lũ ma bùn ngoài phố nghiện chất trắng.
Một số người đứng tụ tập trước toà mặt tiền tối tăm. Toà nhà như ủ rủ thương nhớ một thời nguy nga tráng lệ đã qua. Lối thoát phòng khi hoả hoạn ngang dọc chất đầy chăn mền, chậu hoa, gối nệm, vỏ chai, gạt tàn thuốc, và cả đàn guitare. Năm nay thu đến muộn, muà hè chết tiệt cứ nấn ná kéo dài khiến thiên hạ kéo nhau nằm dài trên sân thượng. Dù sao, cái chu vi bé nhỏ bao bọc bằng chấn song sắt sù sì cũng mang cho họ mảnh trời nho nhỏ và chút không khí.
- Tới rồi.
Chàng theo tiếng nàng bước lên bậc thềm, ngang mụ đàn bà chình ình một đống, tay đan thoăn thoắt. Mụ liếc nhìn khi chàng bước qua, đánh hơi bằng trực giác của mình biết chàng là cớm. Trực giác chàng cũng tự bảo “Làm gì phải sợ con mụ này”. Thùng rác nghẽn hành lang. Đã có người đi bốc rác từ sớm, nhưng chẳng bao giờ hốt sạch hết nên nó cứ ở đó bốc mùi. Bóng đèn không chụp treo lơ lửng ngay lối vào, nhưng phải đợi sập tối mới được mở sáng. Người con gái tiến lên trước chàng để dẫn đường. Chàng đi phía sau nhìn kỹ đôi chân mới công nhận nàng thật gầy ốm. Họ bước chậm rãi, nghe tiếng vọng sau từng cánh cửa đóng chặt. Đó là tiếng hỗn độn mà chàng đã tông cửa khi đi bố ráp. Chẳng bao giờ chàng gõ cửa ai, cũng chẳng hề cho gia chủ đủ thời gian để mở chốt, chỉ tung ngọn cước thần sầu để ngăn ngừa viên đạn bắn ra từ trong.
- Nhà tôi trên tầng thứ ba.
- Cứ đi đi.
Chàng bước sát, nhìn đôi chân nàng không chớp.
- Ông coi chừng mảnh chai!
Chàng men dọc theo đống mảnh chai màu nâu, mùi whisky bốc lên từ sàn gỗ thấm khô rượu. Người con gái dừng trước cánh cửa đóng im ỉm cuối hành lang. Nàng mở ổ khoá cho chàng vào trước. Khi đã vào trong, nàng lấy thanh sắt nặng chấn ngang cửa. Gian bếp nhỏ nhưng sạch sẽ. Bàn tròn đặt giữa phòng, bên trên đặt chiếc tô, trong ấy là quả táo. Người con gái đến nâng tấm bạt che cửa sổ. Phòng sáng lên, nhưng không còn nắng nữa. Ánh sáng èo uột phản chiếu từ bức tường gạch của căn chung cư cách đó vài mét. Nàng quay người, ngập ngừng.
- Tôi… không biết làm gì bây giờ? Trước đến giờ tôi
chưa hề…
- Chưa hề?
Chàng ngờ vực, mĩa mai. Nàng liếc chàng, đoạn cúi đầu.
- Chưa bao giờ. Mình… mình nói chuyện một tí được
không?
- Nói chuyện gì?
- Tôi không biết. Bất cứ chuyện gì cũng được.
Căn phòng im lặng như tờ, chàng kiên nhẫn đợi chờ.
- Xin lỗi, nhà cửa lôi thôi quá.
- Không sao.
Nàng nhún vai.
- Ông uống bia không? Trong tủ lạnh có vài chai.
- Thôi. Trong giờ làm việc chúng ta không được phép uống rượu.
Người con gái không bắt được lời đùa của chàng, nàng chỉ biết gật đầu và đến ngồi đối diện chàng. Gian phòng lại bao trùm sự yên lặng.
- Ông làm cảnh sát lâu chưa?
- Tám năm.
- Chắc ghê gớm lắm. Ý tôi… làm cảnh sát ở khu vực này chắc ghê gớm lắm.
Chàng ngạc nhiên nhìn nàng dò xét, đoạn hỏi.
- Ý cô muốn nói…
- Ở đây dơ bẩn.
Chàng vẫn nhìn nàng dọ hỏi.
- Cô quen rồi phải không?
- Không bao giờ.
Nàng chực khóc. Bối rối khiến chàng muốn rời bỏ căn phòng. Chàng ngồi thừ bên bàn, trong lòng có tiếng nói - Căn phòng này đâu tệ, được lắm chứ”. Nàng nhìn chàng.
- Ông đừng nghĩ vậy nghe.
- Không đâu.
Nàng muốn mở miệng kể chàng nghe về gian phòng, về khu chung cư. Song, muôn nghìn lời để nói, để kể cứ dính chặt nơi đầu lưỡi. Nàng chỉ thốt.
- Tôi không có phòng riêng, kín đáo.
- Không sao, mình có thể dùng…
Chàng chợt nghẹn họng vì dường như nàng suy nghĩ điều gì hoàn toàn khác hẳn khiến chàng hơi ngạc nhiên, hơi lo lắng. Nàng hỏi.
- Ông ở đâu?
- Khách sạn.
- Sướng quá.
Chàng muốn bảo, “Sướng gì đâu, cô đơn lắm”. Song, chàng chỉ buột miệng.
- Tạm được.
- Tôi chưa hề ở khách sạn bao giờ. Ở đó có người phục vụ ông phải không?
- Không. Tôi mướn dài hạn nên khác.
- Ồ.
Nàng ngồi bên bàn, chàng nhìn nàng chăm chú khiến nàng run rẩy. Chàng hỏi.
- Sao vậy?
- Tôi sợ.
- Sợ gì?
- Tí nữa tôi đã…
- Đã sao?
- Cũng may ông bắt được tôi. Cũng may mới lần đầu đã bị bắt. Tôi không muốn làm…
Nàng oà khóc. Chàng nhìn nàng xót xa, bối rối khôn cùng.
- Nè, việc gì mà cô bù lu bù loa?
- Tôi chịu hết nỗi.
- Thì nín đi.
- Xin lỗi ông.
Nàng bật dậy, chụp chiếc khăn ngay bồn rửa mặt, chậm nước mắt.
- Xin lỗi ông. Mình làm ngay đi.
Chàng ngớ người.
- Lần đầu… của cô thật hở?
- Dạ.
- Sao cô… Tôi không hiểu nổi.
- Vì tôi mệt mỏi. Tôi mệt mỏi không chống nổi nữa.
- Chống gì?
- Mọi việc dơ bẩn ở nơi này.
Nàng thở dài thườn thượt, giơ tay ra.
- Đến đây!
Nàng dậm chân.
- Đến đây mau!
Cơ thể toát đầy sức mạnh, nàng ngẩng cao đầu. Nhìn thân hình mảnh mai bất động đầy kiên quyết kia, chàng nhận ra nó là của mình từ dạo nào. Chàng đứng dậy, đầu óc hỗn độn, vươn người ra cầm lấy tay nàng. Chàng biết rõ một điều, nếu chàng cầm tay để dắt nàng vô phòng ngủ, lập tức chàng sẽ huỷ hoại đời nàng như một lần tự huỷ hoại đời mình. Chàng hiểu rõ, có điều gì lôi cuốn thúc đẩy chàng phải bảo vệ nàng, từ nhà tù của trạm cảnh sát. Trong bốn bức tường tối tăm ẩm thấp nơi ấy, đôi khi kẻ bị giam giữ không hẳn là tội phạm. Chàng quặn đau nghĩ đến mấy chậu hoa nằm ở lối thoát phòng khi hoả hoạn ở chung cư này. Chàng giật tay.
- Thôi đi, tha cho cô.
- Tại sao?
- Thôi, tôi tha đó.
Biết nàng ngỡ ngàng nhưng chàng chẳng buồn giải thích cho nàng hiểu. Chàng quay gót ra cửa, bước xuống bậc thang, lại đi qua thùng rác chất đống ngay hành lang và ra khỏi căn chung cư. Chàng bước nhanh dưới ánh hoàng hôn, qua đám ma bùn say sưa, đám ma cô, gái điếm, đống hàng vụn vặt, bờ rào vắng vẻ. Khi về đến trạm cảnh sát, chàng lại gật đầu chào tên cảnh sát ngồi gác trên chiếc bàn ngay cửa ra vào, đoạn leo lên lầu vào phòng điều tra. Chạm trán tên đồng nghiệp ngay tấm chắn chia hai ngăn, bốn mắt nhìn nhau. Hắn ngoác miệng.
- Có làm ăn gì không?
Không do dự, chàng liền đáp:
- Ngon chưa từng thấy.
Tên đồng nghiệp quay đi, còn hỏi vọng.
- Càfé nhé đại ca?

Nguyệt Trinh

(August 16, 2001)

Xem Tiếp: ----