Chương 11
CHẾT THEO NHAU

Ông Hai Cường ngồi trầm ngâm một hồi rồi ông kêu Diệp biểu lo nấu cơm ăn đặng ông ra cho quan Quận hay và mua hòm liệm mà chôn em cho an thân nó.
Hai bà mẹ năn nỉ biểu Xuân Sơn để em nằm xuống ván đặng đắp mền cho em. Xuân Sơn không khóc nữa, nhưng cứ ôm Thu Thủy mà nhìn mặt hoài không chịu rời ra. Cô Lê phụ với Diệp mà nấu cơm. Cô Thiên Hương ngồi khoanh tay hết muốn cựa quậy.
Cơm dọn rồi, ông Hai biểu Xuân Sơn để em nằm xuống đặng đi ăn cơm. Bây giờ chàng mới chịu nghe lời, kép gối để Thu Thủy nằm, vén tóc, kéo áo, sửa tay tử tế. Thiên Hương lấy mền đấp cho con, rồi ép Xuân Sơn phải đi ăn cơm. Xuân Sơn ráng ăn một chén rồi trở qua nằm bên Thu Thủy, cặp mắt lim dim, không khóc mà cũng không nói.
Ông Hai lấy bộ đồ tây với bộ đồ lụa của ông mà bỏ ra ngoài, dặn Sáu Thiện khi nào muốn thay đồ thì lấy đồ của ông đó mà bận đở. Ông biểu cô Lê đưa tiền cho ông đi mua hòm và đồ liệm, cậy Sáu Thiện ở nhà với mấy cô, rồ ông xách gậy mà đi. Ông ra cho quan Quận hay và cậy viết thơ dùm cho Khải Quang.
Quan Quận kêu ông Xã trưởng cậy giúp với ông Hai mua đồ và cho người đem vô tẩn liệm giùm. Ông hỏi ông Hai có tiền hay không. Ông nói tiền của Khải Quang gởi vô mấy lần còn nhiều.
Ông Hai đi với ông Xã mua đồ đủ rồi, ông về trước, đến xế người ta mới khiêng hòm và vác đồ vô mà liệm.
Lúc liệm, Xuân Sơn chống cự không cho để Thu Thủy vô hòm. Ông Hai với Thiên Hương phải năn nỉ cắt nghĩa rất lâu. Chàng chun vô hòm nằm trước rồi biểu ẳm Thu Thủy để vô đặng chôn luôn một lượt.
Thiên Hương khóc nói: „Thu Thủy chết rồi thì con phải sống mà nuôi hai má, chớ con chết nữa rồi hai má sống với ai“. Ông Xã với ông Hai tiếp mà khuyên giải đến chiều Xuân Sơn mới chịu cho liệm. Nhưng chừng liệm xong rồi thì chàng nhắc ghế ngồi ôm cái hòm hoài, không chịu nới xa.
Ông Xã hỏi tính chôn chỗ nào đặng sáng mai cho dân vô đào huyệt. Ông Hai dắt hết mấy người ra chỉ cái đồi mà nói ông muốn chôn trên đó, dựa bên vườn tiêu, phía sau cây dầu lớn, hễ đào huyệt xong thì khiêng ra chôn liền.
Ông Xã đem dân về, hẹn sáng mai sẽ trở vô sớm.
Chiều hai mẹ năn nỉ hết sức mà Xuân sơn cũng không chịu ăn cơm, chàng nói để đói đặng mà chết theo Thu Thủy. Ông Hai phải làm giận mà rầy chàng mới ráng ăn một chén. Nhưng ăn rồi chàng lấy chiếu trải mà nằm một bên quan tài, ai nói gì chàng cũng không thèm kể.
Sáng bữa sau, ông Xã đem dân vô đào huyệt. Đến trưa quan Quận vô thăm rồi ở dự cuộc tống táng.
Chừng động quan, Xuân Sơn cản trở níu xô đạo tỳ không cho khiêng quan tài ra. Chàng làm tưng bừng, hai mẹ với ông ngoại nói hết sức không được. Quan Quận phải can thiệp chàng mới kiêng mà để cho khiêng. Nhưng chàng đeo theo quan tài, không chịu rời.
Chừng hạ rộng, Xuân Sơn gây một trận nữa. Chàng nhào xuống huyệt nằm ôm quan tài, không cho lấp đất. Quan Quận phải can thiệp nữa, ông với ông Hai nắm mỗi người một cánh tay mà kéo chàng lên mà chàng còn cự nự, biểu lấp đất chôn luôn chàng đặng chàng theo Thu Thủy.
Lấp đất, đấp núm xong rồi, Xuân Sơn gác cánh tay trên núm mã mà ngồi đó. Hai mẹ biểu hết sức mà chàng không chịu vô nhà. Quan Quận lắc đầu khuyên ông Hai với Sáu Thiện phải thay phiên mà coi chừng, đừng cho chàng đi đâu hết. Ông hứa sẽ viết thơ cho Khải Quang rồi từ giả theo làng với dân mà về.
Bây giờ cả nhà tựu ra mã mà an ủi, biểu Xuân Sơn vô nghỉ. Chàng cương quyết nằm đó mà chết theo Thu Thủy bởi tại vì chàng bỏ Thu Thủy mà vô Sài Gòn nên Thu Thủy mới chết. Chàng có lỗi với Thu Thủy nhiều. Chàng phải chết theo mà xin Thu Thủy tha lỗi và dìu dắt nàng chớ không phép bỏ nàng bơ vơ. Càng lại nói Thu Thủy đã có dặn trước, dặn đừng có đi đâu mà bỏ nàng vì nàng nhớ, nàng buồn, nàng phải chết chớ sống không được. Đã có dặn mà chàng không kể, nên nàng chết. Rõ ràng lỗi tại chàng.
Hai bà mẹ cãi mà dành lỗi về hai bà, bởi vì tại hai bà muốn phân rẽ hai trẻ một vài năm nên mới sanh họa.
Ông Hai Cường nghe ai cũng giành lỗi thì ông chịu không được. Ông nói lỗi tại ông không nghe lời sư huynh An Viên, ông ham giàu sang, ông đem Xuân Sơn đi nên sanh chuyện.
Sáu Thiện cũng chen vô mà nói tại số mạng khiến cho cậu cháu khỏi chết, thì biết làm sao. Anh khuyên cậu làm nguôi, rước hai mẹ về Sài Gòn theo lời ông cụ căn dặn, chớ ở lâu quá sợ ông với cụ trông.
Xuân Sơn trợn mắt nói: „Tôi vì Thu Thủy nên vô Sài Gòn. Bây giờ Thu Thủy chết thì tôi muốn theo Thu Thủy. Tôi vô Sài Gòn làm sao được.“
Diệp thấy Xuân Sơn không chịu vô nhà, cô mới lấy một chiếc chiếu trải dựa mã cho Xuân Sơn ngồi, may mấy chỗ có tàn cây che nên mát.
Hai mẹ khuyên giải con không đựoc thì rủn chí, bỏ đi vô nhà mà nằm. Một lát thấy Sáu Thiện vô uống nước, hai cô mới khuyên anh coi có ghe thì quá giang vô Hà Tiên mà về báo tin cho Khải Quang biết, đi tốn tiền bao nhiêu, hai cô sẽ đưa cho.
SáuThiện nói: „Ông dặn đưa cậu ra đây rồi ở chờ rước cậu với mấy bà mấy cô về. Ông cụ ân cần dặn phải rước cho đủ và về cho mau. Tôi về một mình bị rầy chết, tôi đâu dám về. Tuy họ nói bận vô Hà Tiên thì gió xuôi nên dễ đi, song tôi mới bị một trận, bây giờ tôi ghê quá. Chừng nào cậu với hai bà đi thì tôi phải ráng mà đi theo “.
Hai cô không biết liệu lẽ nào nên cậy Sáu Thiện ráng dụ dỗ giùm Xuân Sơn nguôi lòng mà đi.
Xuân Sơn cứ nằm dựa bên mả, chiều cũng không chịu vô ăn cơm. Diệp phải bưng ra đó cho chàng ăn. Tối chàng cũng ở đó chớ không chịu vô nhà. Sáu Thiện phải chịu khó ngủ chung với chàng mà gìn giữ. Ông Hai vái trời mưa cho Xuân Sơn lạnh phải vô. Mà lúc đó trời không mưa làm cho ông ban đêm cũng đem nóp ra ngủ dựa gốc cây dầu cho có bạn.
Trong mấy bữa sau cũng vậy, nhưng ban đêm thì Xuân Sơn ngủ như giữ mả, còn ban ngày chàng đi thơ thẩn kiếm mấy chỗ thường hay ngồi nói chuyện với Thu Thủy hồi trước mà ngồi đặng tưởng nhớ nàng. Có bữa đi vô rừng phía sau ngồi cả buổi, có khi di lần qua tới Giếng Tiên. Mà chàng đi đâu cũng có Sáu Thiện theo luôn luôn, không dám rời xa một bước.
Xuân Sơn sống với chuỗi ngày u sầu, lang thang vất vả như vậy, làm sao mà phục sức khỏe lại được, bởi vậy chừng mười bữa thì hình vóc tiều tụy, nước da mét xanh. Rồi một buổi sáng Sáu Thiện thức dậy, anh kêu la om xòm ngoài mả. Ông Hai tốc nóp chun ra. Mấy cô trong nhà cũng túa ra hỏi.
Sáu Thiện cứ kêu la: „Cậu Sơn! Cậu Sơn! Trời đất ơi! Sao vầy nè “.
Ôn gHai chạy lại trước, ông rờ Xuân Sơn thì thấy tay chưn lạnh ngắt, mặt mũi xanh dờn. Ông la: „Chết rồi còn gì đâu!” Mấy cô khóc ré lên, xúm lại bồng Xuân Sơn, khóc kể nghe thảm thiết.
Ông Hai Cường ngồi khoanh tay ngó sở vườn của ông, không nói được một tiếng nào.
Sáu Thiện khóc mà nói: „Mấy bữa rày, giữ ngày giữ đêm, không dám rời mà giữ không khỏi, sao mà chết vậy không biết. Ông cha giàu sang, tưng tiu như trứng mỏng, có sẵn xe hơi cho đi chơi, có nhà lầu cho mà ở, tiền bạc muốn bao nhiêu cũng được, sao đành phủi hết để chết theo người yêu!”.
Ông Hai nghe than như vậy ông chịu không nổi, nên vụt đứng dậy bước lại nói: „Thôi tránh chỗ cho ta bồng nó vô nhà đặng lo chôn cất. Tự ý nó muốn chết theo con Thu Thủy chớ có phải mình xúi sao nên ăn năn mà khóc. Tại Trời khiến hai đứa nó nặng tình nên quyết sống thác với nhau. Khóc than nó cũng không sống lại được.“
Ông xốc bồng Xuân Sơn vô nhà, để nằm trên ván biểu cô Lê đưa tiền bạc rồi ông bận áo ra đi.
Cô Thiên Hương biểu Diệp múc nước, mượn sáu Thiện phụ đỡ Xuân Sơn cho cô rửa sạch mặt mũi tay chưn, mở tủ lấy bộ đồ lụa mà bận cho chàng, rồi để chàng nằm ngay thẳng, gương mặt sáng lòa, giống như người thơ thới đang nằn ngủ.
Quá nửa buổi ông Hai trở về nói mua đồ xong hết, trưa người ta sẽ đem vô mà liệm rồi đào huyệt, sáng mai chôn. Quan Quận cũng hay rồi nữa.
Cả ba người đàn bà trong nhà dều thối tâm rủng chí, hết khóc được nữa. Trưa ông Xã vô với dân khiêng hòm, vác đồ, rồi phân nhau: Tốp lo tẩn liệm, tốp đào huyệt. Cô lê với cô Thiên Hương chỉ đào dựa bên mộ của Thu Thủy đặng hai trẻ nằm khít nhau cho phỉ tình mà an giấc ngàn thu.
Xế mát quan Quận vô phân ưu. Ông kiếm lời khuyên giải cho hai cô Lê và Thiên Hương bớt buồn. Ông mượn cái thuyết lạc thiên an mạng mà nói rằng ông nghi Thu Thủy té xỉu đập đầu vô đá, có lẽ bể sọ, nên nàng mê man không tỉnh lại được. Lẽ thì nàng phải chết dầu có bác sĩ cao tài cũng khó mà cứu được. Nhưng vì mang nặng chung tình với Xuân Sơn, nên Trời khiến cho nàng nuối mà kéo dài sự sống đợi Xuân Sơn về đặng thấy mặt nhau rồi mới chết. Đó không phải là thiên mạng hay sao? Còn Xuân Sơn bị sóng gió nhận chìm ghe giữa biển, mười phần đã thấy chết hết mười, mà cũng vì mang nặng chung tình với Thu Thủy nên Trời mới cho người ta cứu sống đặng về cho Thu Thủy vui lòng rồi nhắm mắt. Thu Thủy chết Xuân Sơn chết theo, không đành chia rẻ kẻ dương gian người âm phủ. Sự đó ai cũng ngó thấy, nhờ giữ gìn lắm nên Xuân Sơn mới sống thêm được mươi bữa, sống mà đêm ngày vẫn có bạn chung tình trong trí hoài. Hôm nay chàng chết, nằm ngủ bên mồ của bạn rồi chết luôn, không cần phải tự vận theo mấy cách thường. Đó cũng là mạng trời nên mới vậy. Làm mẹ ai cũng thương con. Nhưng hai trẻ đã quyết sống thác với tình, khi sống vui chung hằng ngày, chừng chết nằm chung một chỗ. Hai trẻ đã thỏa chí trọn tình, hai mẹ chẳng nên buồn lắm.
Quan Quận an ủi rồi về, hứa sáng bữa sau trở vô tống táng.
Về phần Khải Quang ở trong Sài Gòn được liên tiếp đủ mấy bức thơ của quan Quận. Đến bức thơ chót nói Thu Thủy chết rồi mà Xuân Sơn cương quyết chết theo, đêm ngày cứ nằm mãi bên mộ Thu Thủy không chịu vô nhà thì cha con Khải Quang lo sợ hết sức. May ông Phán Cao đã hết bịnh, Khải Quang mới cậy ông ngồi xe hơi nhà vô Hà Tiên rồi ông để xe hơi ở đó mà chờ.
Ông kiếm ghe ra Phú Quốc rước Xuân Sơn và cả nhà đem về Sài Gòn giùm, đêm nay ghe ông Phán Cao ra tới. Gần sáng ông lên kêu cửa Quận, quan Quận thức dậy tiếp rước và nói cho ông Phán hay Xuân Sơn Đã chết rồi. Ông Phán ngẩn ngơ.
Đến sáng quan Quận dạy người dọn đồ cho chủ khách ăn no rồi dắt nhau vô thăm ông Hai Cường với hai cô.
Hai cô thấy ông Phán Cao thì cảm động, nên khóc mà thuật rõ mọi việc cho ông nghe. Ông Phán cũng thuật chuyện cha con Khải Quang hay tin thì buồn rầu lo sợ, nên cậy ông ra rước Xuân Sơn với các bà con vô Sài Gòn đặang lo thuốc men. Xe còn đậu ở Hà Tiên mà chờ. Rủi Xuân Sơn đã chết rồi. Vậy chôn cất xong thì hai cô với ông Hai lên Sài Gòn mà ở, trước tiếp dưỡng sức khỏe, hàn gắn vết thương tâm, sau khỏi phụ thạnh tình của Khải Quang, nhứt là khỏi phụ hão ý của ông cụ ân cần muốn một nhà xum hiệp.
Ông Hai Cường nói ông quyến luyến vườn tược là công nghiệp của ông gây dựng mười mấy năm nay, bây giờ lại có mồ mả của hai trẻ nằm đây nữa, ông không nỡ bỏ đi. Còn Thiên Hương với cô Lê phải trở về Sài Gòn, trước xa lánh chỗ mình bị tai họa, đặng nguôi buồn mà sống, sau khỏi phụ thạnh tình củ ông cụ với Khải Quang ân cần nâng đỡ. Nhứt là cô Lê phải về đặng đáp tình nặng nề của Khải Quang, đền ơn quảng đại của ông cụ, dầu ông cụ mất đứa cháu nội cũng còn được con dâu săn sóc cho cụ. Hơn nữa bà mẹ của cô Lê đã hỉ xã tội lỗi của cô ngày trước rồi, cô không phép xa mẹ già với anh em nữa.
Cô Thiên Hương nói phận cô thì cha mẹ, anh em, cương quyết không chịu nhìn cô, bởi vậy cô là người không gia đình, cô phải kể ông Hai là cha và cô Lê là em. Cô khuyên em phải trở về Sài Gòn đặng vợ chồng sum hiệp, mẹ con vui mừng, để cô ở lại đây, trước săn sác cho cha lúc tuổi già, sau sửa sang mồ mả của hai con nơi hẻo lánh. Chừng nào cha trăm tuổi già, rồi cô sẽ trở về sau mà nương dựa với em.
Cô Lê không còn lý gì mà từ chối được. Huống chi ông Phán với quan Quận đồng cho lời của ông Hai Cường và cô Thiên Hương nói là phải, bởi vậy chôn cất Xuân Sơn xong rồi, ông Phán Cao đưa một ngàn dồng bạc cho ông Hai, nói Khải Quang dặn nếu ông không đi thì để số bac đó cho ông, rồi quan Quận kiếm được ghe, cô Lê mới theo ông Phán với Sáu Thiện vô Hà Tiên mà về Sài Gòn.