(Tặng con gái yêu và mẹ của con)Ngày xửa ngày xưa, ở một làng quê nhỏ cạnh bờ sông xinh đẹp, có gia đình hai mẹ con dê trắng sống rất đầm ấm. Dê mẹ thường dặn dê trắng: “Con nhớ không được đi vào rừng kiếm ăn nhé, ở đó nguy hiểm lắm đấy”. Mỗi lần như thế dê trắng đều bảo: “Con biết rồi, con biết rồi”.Nhưng một hôm cậu dê đen hàng xóm rủ:- Này cậu ăn mãi cái thứ cỏ úa này mà không thấy chán à, tớ biết một chỗ có cỏ xanh ngọt lịm.Dê trắng thích quá vội hỏi:- Ở đâu thế, cho tớ đi với.- Ở trong rừng ấy, đi không?- Khiếp, mẹ tớ bảo trong ấy nguy hiểm lắm!- Nguy hiểm gì, tớ đã từng vào đấy rồi, mà bọn mình lớn rồi còn gì, chỉ trẻ con mới không được vào rừng thôi.- Nhưng mẹ tớ không cho đâu - Dê trắng lưỡng lự.- Mẹ cậu không phải lúc nào cũng đúng. Cậu có sống cả đời với mẹ được đâu, mình phải tự lập chứ.Dê trắng nghe bùi tai liền đồng ý. (Từ đó trong truyện cổ tích màu đen thường đại diện cho cái xấu, nghe thế đã biết dê đen là đứa hư, dê trắng là đứa ngây thơ).Sáng hôm sau hai đứa dậy từ sớm, len lén ra đi. Chạy mỏi chân thì cũng đến bìa rừng, hai đứa nghỉ chân nhìn lại, thấy làng mình bé tí tẹo. Dê trắng phấn khởi lắm vì chưa bao giờ đi xa đến thế, nó thấy lòng tràn ngập tự hào. Nghỉ ngơi xong hai đứa bắt đầu vào rừng, trong rừng hoa lá sặc sỡ thật lạ mắt. Dê đen dẫn dê trắng đến một bãi cỏ xanh mướt, hai đứa hăm hở đánh chén roàn roạt. Bỗng dưng ở đâu nhảy bổ ra một lão sói. Dê đen và dê trắng hoảng quá chạy tóe ra mỗi đứa một ngả, rất may lão sói già yếu nên đuổi không kịp, tuy vậy dê đen thì chạy hướng về làng còn dê trắng lại chạy tuốt một mạch vào sâu trong rừng. (Từ đó trong truyện cổ tích người ta hay bảo rằng sói là loài độc ác). Dê trắng chạy mãi, đến khi gặp một dòng suối thì dừng lại, và nó chẳng còn nhận ra mình đang ở đâu nữa. Nó sợ lắm, nghĩ đến chuyện bị lạc trong rừng không về nhà được nữa ôm mặt khóc thút thít. Nhưng hồi lâu sau nó bình tĩnh lại, thấy bụng đói cồn cào, lúc ấy nó mới để ý xung quanh. Cảnh vật đẹp vô cùng, suối chảy róc rách, cỏ non thơm ngát. Dê trắng gặm mấy cọng cỏ - trời ơi cỏ ngọt làm sao, uống một ngụm nước suối - nước suối mát lạnh. Dê trắng sung sướng: “OWR làng mình làm gì có thức ăn ngon như thế này, cỏ vừa cứng vừa khô, nước sông thì lẫn cả cát. Ôi, mình sex sống ở đây!” Nhưng nó chợt nghĩ: “Mình đi như thế này chắc mẹ lo lắm”. Rồi nó tặc lưỡi: “Không sao, chỉ vài ngày là mẹ sẽ quên mình, mình sẽ tự lập, mà bây giờ đằng nào cũng lạc rồi, tìm đường về có khi còn nguy hiểm hơn”. Nó lại nghĩ thêm: “Bao nhiêu động vật gia cầm suốt đời chỉ biết cái làng nhỏ, chỉ biết đến bãi cỏ úa ven sông”. Nghĩ đến đó nó thấy thương hại bọn họ lắm. (Vậy đó, giờ này cả làng đang thương hại dê trắng trong khi dê trắng lại thương hại cả làng, chuyện đời nhiều khi kỳ cục). Ở nhà dê mẹ đợi đến tối vẫn không thấy con về, dê mẹ chạy hỏi khắp làng, chẳng ai biết dê trắng đi đâu. Còn dê đen, lúc về làng nó giấu tịt chuyện rủ dê trắng, nó sợ nói ra thì bị đánh đòn. Vừa lúc đó bác vịt đi bơi về, bác này bịa chuyện ngay:- Sáng tôi thấy dê trắng bị ngã xuống sông chết đuối rồi, tôi bơi theo nhưng nước cuốn nhanh quá không kịp.Nghe vậy dê mẹ liền òa khóc nức nở. Quả thật sáng bác vịt có thấy cái gì đó trôi dưới sông, cũng có thể là một thân gỗ, nhưng biết tin dê trắng mất tích bác liền đoán mò. Dê đen nghe bác vịt bầu bốc phét như thật tức lắm cãi:- Làm gì có chuyện đó, sáng nay dê trắng đi vào rừng chứ.Thế là mọi người túm chặt lấy dê đen truy hỏi, dê đen đành phải lòi ra chuyện bị lão sói đuổi. (Từ đó người ta mới nói rằng tin vịt là tin không đáng tin). Thấy dê mẹ vẫn nức nở khóc, bác trâu an ủi:- Rồi dê trắng sẽ thoát được tay lão sói, nó sẽ về nhà thôi.Dê mẹ càng khóc to:- Làm sao nó thoát khỏi tay lão sói được, nó bị ăn thịt mất rồi.(Ấy vậy, đôi khi không muốn điều gì xảy ra nhưng người ta lại cứ nói ngược lại). Bác trâu điềm tĩnh bảo:- Tôi sẽ cố gắng đi tìm dê trắng.Cô lợn thấy ầm ĩ cũng chen vào:- Cái nhà chị dê này hay chửa, con chị bị sói ăn thịt chứ có phải chị bị sói ăn thịt đâu mà khóc lắm thế.- Nhưng nó là con tôi, đó là tương lai của tôi.- Thì chị đẻ thêm vài tương lai nữa là được chứ sao? - Nói rồi cô lợn ụt ịt thêm mấy câu, xong lăn kềnh ra ngủ luôn. Tiếng ngáy ồn ào và vô tư của lợn càng làm dê mẹ thêm đau lòng. Lại kể tiếp chuyện dê trắng, nó cũng hơi nhớ nhà, nhưng mà nó cũng thích phiêu lưu. Ở đây rõ ràng hơn hẳn ở nhà, thức ăn ngon lành hơn, cảnh vật đẹp hơn, tại sao phải quay về. Muông thú ở đây rất ít, chủ yếu là bọn sóc. Cũng chẳng sao, sóc chỉ ăn quả cây, chúng không tranh cướp cỏ non với dê trắng, nó cứ việc ăn thỏa thích. Nhớ lại ở nhà, có lần dê trắng tìm được cụm cỏ non bỗng chị bò đi tới, thế là nó phải nhường. Nhưng lâu dần bọn sóc đến là hư đốn, chúng thấy dê mới đến nên thường hay bắt nạt. Chúng cậy đông ném hạt cây túi bụi vào dê trắng, có đứa còn táo tợn chạy tới cắn trộm chân nó nữa. Dê trắng bực mình lắm, nó nghĩ nếu có thêm mẹ nó ở đây thì bọn sóc đố dám chọc phá. Mọi lần bọn sói lảng vảng đến gần mẹ nó chỉ cần huơ cặp sừng to lên là chúng bỏ đi ngay.Thế rồi sống một mình cũng chán, nó được ăn ngon mà chẳng biết khoe với ai. Mùa đông đến, mùa này bãi cỏ ven sông ở nhà cằn cỗi, nghĩ tới dê mẹ phải ăn uống khổ cực, nó bỗng buồn bã. Dê trắng nghĩ bụng: “Phải đi tìm mẹ, dẫn mẹ tới đây để hai mẹ con cùng sống sung sướng”. Nhưng nó vẫn băn khoăn là không biết đường về, vừa may gặp được ả chim bìm bịp. Dê trắng gọi:- Này chị bìm bịp, chị có biết cái làng ven bờ sông ở đâu không?- Cậu này hỏi lạ nhỉ. Thiếu gì làng ven bờ sông - Bìm bịp cười ồ.- Cái làng rất nhỏ ấy, cái làng mà có mẹ tôi ở ấy.- À, thế ra cậu bị lạc đường à? - Bìm bịp giễu cợt.- Không phải lạc đường - Dê trắng ức quá cãi - Lạc đường có nghĩa là ta muốn đi về nhưng không tìm thấy đường, còn tôi không muốn về mà chỉ muốn tìm đường tới làng tôi thôi, để đón mẹ tôi tới đây thôi. Đó là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau.- Ờ, ờ, thế thì tôi có biết đấy - Bìm bịp toe toét - Cậu đi về phía Đông cho đến khi gặp một cái cây Bao báp rất to, sau đó cậu rẽ phải, đi thẳng là về tới nhà, chúc cậu đừng lạc đường nhé - Nói xong bìm bịp bay vụt đi, làm dê trắng chẳng kịp cảm ơn.Vậy là dê trắng lên đường, nó đi mãi về phía Đông, đến tối quả nhiên gặp một cái cây Bao báp vĩ đại. Nó tìm một hốc cây để ngủ. Sáng hôm sau nó tiếp tục đi về hướng ả bìm bịp chỉ, đi mãi mà chẳng thấy nhà đâu, cảnh vật mỗi lúc càng lạ lẫm. Dê trắng đang hoang mang thì đến một đầm lầy rộng mênh mông. Dê trắng vừa thò chân xuống thì bị thụt xuống bùn, nó hoảng hốt vùng vẫy loạn xị. May quá, cuối cùng cũng leo được lên bờ, nhưng cả người dính bùn đen ngòm. Mệt mỏi, dê trắng ngồi xuống một gốc cây nghỉ, bỗng dưng gốc cây cựa quậy, dê trắng nhảy bật dậy vừa may thoát được hàm răng trắng nhởn của cá sấu. Hóa ra nó vừa ngồi lên lưng cá sấu. Bọn cá sấu lừ lừ bò tới nhăm nhe ăn thịt, dê trắng vội chạy thục mạng. Bỗng nghe có tiếng leng keng, rồi từ sau một bụi cây bác trâu đi ra, dê trắng mừng rỡ reo ầm:- A, bác trâu, cháu là dê trắng đây.- Ồ, dê trắng, ngày nào bác cũng đi tìm cháu, thế là bác tìm được cháu rồi.- Cháu tìm được bác chứ có phải bác tìm được cháu đâu - Dê trắng hiếu thắng cãi.- Mẹ cháu mong cháu lắm, về thôi cháu.- Vâng, cháu cũng nhớ mẹ cháu lắm, thế nên cháu định về đón mẹ cháu vào rừng ở.- Cái gì, cháu phải về nhà chứ, nhà của chúng ta là ở làng chứ không phải ở trong rừng, trong rừng rất nguy hiểm - Bác trâu nóng nảy quát cho dê trắng một trận.Dê trắng nghĩ bụng: “Bác này già cả bảo thủ lắm, không thể tiếp nhận cái mới được”, nó lại nghĩ: “Bao lâu nay không ai nghĩ ra chuyện ở trong rừng, nó là đứa đầu tiên nghĩ ra, thật tự hào! Mình có thể rủ thêm các con vật khác vào rừng sống cho vui, mình sẽ rủ anh chó, anh này khỏe, mình sẽ là giám đốc khu rừng, phong cho anh chó làm bảo vệ, có anh này khỏi lo bọn sóc phá đám”. Chợt nó bảo bác trâu:- Ơ, chị bìm bịp chỉ đường cho cháu về phía này cơ mà, sao bác lại đi hướng ngược lại.- Cháu tin gì con bé bìm bịp, nó bịp cháu đấy.Dê trắng giận dữ, hóa ra bìm bịp dám lừa mình, đã thế lúc mình làm giám đốc mình sẽ sai anh chó đi trị tội. (Cũng từ đó người ta bảo “bịp” có nghĩa là lừa đảo) Về tới đầu làng bác trâu đã kêu ầm ĩ, động vật gia cầm ùa ra chào đón dê trắng. Dê mẹ lao tới, hai mẹ con ôm chầm lấy nhau mừng rỡ. Rồi dê mẹ dẫn dê trắng về nhà để chuẩn bị một bữa tiệc thịnh soạn mời hàng xóm. Cô lợn luôn miệng eng éc rất đắc thắng:- Thấy chưa, tôi đã bảo là dê trắng sẽ về mà.Vừa nói cô lợn vừa lon ton chạy theo để đợi ăn tiệc. Còn bác trâu có công nhất thì lại lặng lẽ ra bờ sông kiếm thêm cỏ về cho hai mẹ con dê. Về tới nhà dê trắng thấy có thêm mấy đứa dê nhóc nữa, dê mẹ giới thiệu:- Đó là các em con đấy, mẹ mới sinh chúng.Nói rồi dê mẹ tất tả chuẩn bị tiệc rồi lại cho bọn dê nhóc bú. Dê trắng đứng chơ vơ, tự dưng cảm thấy buồn buồn, bây giờ mẹ cũng chẳng của riêng nó nữa. Bây giờ dê mẹ có tất cả bốn đứa con, có nghĩa là mẹ nó chỉ còn yêu nó bằng một phần tư ngày xưa. (Dê trắng học toán rất giỏi, đã học đến phần số thập phân, nhưng chỉ có điều nó lại đem tình cảm đem tính toán).Trong bữa tiệc, dê trắng đem chuyện rủ các con vật vào rừng ở thì ai nấy đều ngần ngại. Bác trâu thì gạt phắt: “Rừng rất nguy hiểm” - đó là tất cả những gì bác nói. Anh chó thì nói chẳng bao giờ anh đi đâu xa, cứ đi đâu một ngày là anh lại nhớ nhà không chịu nổi. (Từ đó người ta thấy loài chó rất nhớ nhà, dù bị mang đi rất xa nhiều con chó vẫn cố tìm về nhà). Hội gà vịt thì khỏi phải nói, nghe đến chuyện vào rừng là sợ rúm ró cả lại. Đến lúc hỏi dê mẹ thì dê mẹ ân cần:- Mẹ không muốn xa con một lần nữa. Ở đây cỏ không ngon nhưng mẹ thấy hạnh phúc, mẹ không cần đi tìm hạnh phúc nào khác. Ngày ngày mẹ được sống bên làng xóm nơi mẹ sinh ra và có những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu. Ở đây bà cũng từng nuôi dạy mẹ như mẹ chăm sóc con. Mẹ còn phải nuôi các em con, cho các em con được an toàn trưởng thành. Mẹ có đầy đủ các con, thế là mẹ rất hài lòng, con đừng đi vào rừng nữa nhé.Dê trắng thất vọng chán nản, nhưng nó nghĩ nó phải tìm hạnh phúc cho bản thân nó chứ, hạnh phúc của nó khác của mẹ nó, và nó không cảm thấy hạnh phúc khi sống tù túng như vậy. May thay cuối bữa tiệc cô lợn ghé tai nó hỏi:- Có thật ở đấy thức ăn vừa ngon vừa nhiều hay không?- Chắc chắn rồi - Dê trắng thì thào - Cô chỉ việc vừa nằm vừa ăn, ăn mãi cũng chẳng hết.Thật ra dê trắng biết ở đó chỉ có toàn cỏ, lợn không thích ăn cỏ lắm, nhưng mà để có bạn đi cùng nó đành bốc phét. Nhưng lợn nào có biết, nghe thấy ăn là thích rồi, gật đầu ưng luôn. (Từ đó người ta nghĩ rất xấu về lợn, nào là ngu như lợn, nào là chết vì ăn...) Đêm hôm đó nó mò sang gọi cô lợn. Hai cô cháu lò mò đi vào rừng. Bây giờ thì dê trắng đã thuộc đường lắm rồi, nó đi băng băng. Hai ngày sau thì tới nơi. Lợn xục vào ăn cỏ, cỏ ngon thật, nhưng ăn một lúc là chán, lợn còn thích ăn giun đất, ăn cua, ăn những thứ động vật chứ không chỉ thực vật. Ngày nào nó cũng cố đi tìm thứ gì ngoài cỏ nhưng không hề có, đi tìm vất vả làm lợn gày đi trông thấy. Được một tháng thì lợn chịu không nổi, nó quyết định bỏ về. Trên đường về nó gặp một người thợ săn, anh ta reo ầm:- A, bắt được con lợn mán, con này bán cho hàng đặc sản được khối tiền.Thế là lợn đi đời. (Từ đó người ta cũng gọi lợn nhà thả rông là lợn mán). Lợn bị bắt đi mất thành ra chẳng còn ai biết dê trắng ở đâu. Hàng ngày bác trâu vẫn đi tìm, hàng ngày dê mẹ vẫn hy vọng con về. Mỗi lần hoàng hôn, trước khi trở về nhà, dê mẹ lại nhìn về phía cánh rừng một lần cuối, xem có bóng dáng dê trắng ngoài xa không. Đến bây giờ tôi cũng không biết kết cục câu chuyện ra sao, liệu dê trắng có trở về hay không, các bạn hãy tự tưởng tượng đoạn kết cho mình nhé.