Bóng đêm giăng lờ mờ. Cánh đồng lúa trải rộng thăm thẳm. Bờ ruộng loằng ngoằng một màu trắng phếch. Ngọc, áo quần lấm lem bùn sình, đầu cúi xuống đường, chân bước đi lụi đụi. Vừa đi, Ngọc vừa nhìn trời. Cô nhìn đau đáu vào bóng đêm, miệng lầm bầm:
- Mưa thử một đám cho khỏe chút coi!
Mấy ngày nay, ngày nào cũng vậy, Ngọc hay cầu trời mưa. Trời lại không linh thiêng. Ông chẳng chịu mưa. Đám cà chua khô héo, đất nứt nẻ. Một ngàn chiếc gàu sồng múc nước đổ xuống lênh láng. Ngày sau, đám cà chua vẫn không còn chút nước tưới. Chiều nào cũng vậy, Ngọc và anh Hai lại lủi thủi ra bờ kênh. Hai anh em nó đứng lên, ngồi xuống, trông đợi con nước lớn. Chuyện nước lớn nước ròng hai anh em Ngọc thuộc làu như trở bàn tay. Giờ đây không cần nghe con bìm bịp kêu, Ngọc chỉ cần ngóng gió, cô cũng biết con nước đang lớn.
Bóng đêm, trăng đã lặng, sao cũng mờ. Hai anh em Ngọc, đứa thì ở bờ bên kia, đứa lại ở bờ bên đây. Mỗi đứa, hai tay cầm hai sợ dây nối liền với chiếc gàu. Chiếc gàu đung đưa. Nước múc tận dưới kênh, trút xuống dòng mương máng đều đều. Ngọc mắt nhắm nghiền. Có lẽ, con bé đã thạo nghề tát nước gàu vai. Khi vứt gàu xuống nước, tay trái nó nhấc đáy gàu lên, tay phải nó thả lỏng miệng gàu chìm xuống nước. Khi múc nước lên thì ngược lại, tay trái nó thả lỏng đáy, tay phải nó ra sức giật mạnh gàu nước lên khỏi bờ kênh. Sau đó, tay phải nó hạ xuống, tay trái nó đưa lên, nước đổ ào ạt xuống dòng kênh máng. Dù tát nước gàu vai nhiều công đoạn như vậy, nhưng đêm nào hai anh em Ngọc cũng tát trên ngàn gàu. Mỗi gàu chứa khoảng hai chục lít nước chứ đâu ít. Vậy mà, một ngàn gàu chỉ đủ tưới cho đám cà có một ngày. Cho nên, Ngọc hay nghĩ quẩn. Cô trông đợi đám cà chết khuất đi cho xong. Chỉ có như vậy, Ngọc mới ngủ sớm được vài đêm. Thế nhưng, đám cà vẫn đủ nước đủ phân. Tuổi thọ chúng vẫn ngon lành. Chúng tồn tại hơn ba tháng mới lụi tàn. Nhờ vậy, gia đình Ngọc thoát cảnh túng thiếu mùa khô năm đó. Xóm làng bàn ra tán vào. Họ nói gia đình Ngọc trúng thời vụ xen canh. Ngọc chẳng hiểu xen canh hay thâm canh gì cả. Cô chỉ thấy ruộng nhà mình mùa khô không trồng lúa, lại trồng hoa màu. Mỗi năm, nhà Ngọc trồng mỗi loại hoa màu khác nhau, năm trồng cà chua, năm trồng dưa leo, năm trồng đậu đũa. Ngọc thấy trồng bất cứ loại hoa màu nào chúng đều cần nước. Cô cũng tát gàu sồng sao đêm sao hôm.
Tuổi thơ anh em Ngọc rất cơ cực. Đám con nít tay lấm chân bùn quanh năm. Dù gì, anh em Ngọc vẫn sống phơi phới. Đám trẻ trong xóm làm gì, anh em Ngọc đều làm chuyện đó. Mùa nắng, hai anh em đi kéo lưới dọc theo  kênh máng. Cá lồng tông, cá trắng, cá sặc, tép bạc, tôm sú… đầy một giỏ đệm. Về nhà, mẹ Ngọc kho một nồi. Cả nhà quây quần bên mâm cơm chỉ độc nhất món đó. Mùa mưa, hai anh em Ngọc lại đi soi. Đêm xuống, tiếng huềnh hoang, tiếng ễnh ương, tiếng bù tọt, chúng kêu rền vang. Ngọc tay này cầm đèn măng-sông, tay kia nắm chặt miệng bao bố. Anh Ngọc thì tay cầm chỉa. Mắt lại láo lia theo ánh đèn. Con ếch ngồi như thần thừ, mắt nheo nheo nhìn đèn. Ngọc la chói lói. Anh Ngọc phóng chỉa. Con ếch giãy dụa. Nó nhảy lung tung trong bao bố. Hai em Ngọc lại lăm le tiến đến con cá lóc đang nổi lờ đờ trên mặt nước.
Xóm làng Ngọc, người nào cũng sống như vậy. Họ ra đồng làm quần quật suốt ngày. Ngọc thấy họ vẫn tỉnh bơ. Người già cũng như con nít, ít ai đau bệnh. Vậy mà càng lớn, anh em Ngọc lại càng ngao ngán. Chúng rất sợ ra đồng gặt lúa, nhổ cỏ. Cho nên, anh em Ngọc cùng tìm cách thoát khỏi ruộng đồng. Ngày cũng như đêm, cả hai đứa đều tranh thủ học. Trong khi ở xứ đó, Ngọc muốn đi học lại rất khó. Cô phải qua cánh đồng, đến thị trấn mới có trường để học. Ngày nào cũng như ngày nấy, đến trường, anh em Ngọc phải chạy cho kịp giờ. Đến trường, anh em Ngọc lại lén lút. Bởi vì, Ngọc rất ái ngại, cô sợ chòm xóm biết mình đi học. Họ sẽ chê cười ba mẹ cho con cái làm chuyện tào lao. Học hành chi cũng nhuộm bùn, nhuộm phèn. Còn đến lớp học, anh em lại bị đám bạn trêu chọc. Chúng bảo cua ốc đến trường. Anh em Ngọc không chút nề hà. Cả hai vẫn cặm cụi học. Ngọc càng học hành lang bang, anh Ngọc càng học giỏi.
Dù Ngọc là nông dân chính hiệu, nhưng mẹ Ngọc lại khác. Bà được sinh ra trong một gia đình trí thức. Thế nhưng, cuộc đời mẹ Ngọc lại đi từ khổ cực này đến cùng cực khác. Tuổi thơ sống thiệt thòi, tuổi trẻ lại cơ cực. Bởi vì, mẹ Ngọc là chị lớn trong một gia đình đông con. Bà phải giã từ lớp học sớm để trông nom các em. Không học hành đến nơi đến chốn, mẹ Ngọc lại là người không nghề không nghiệp. Thế là, số phận và tương lai mẹ Ngọc chỉ có đánh đổi bấy nhiêu. Để rồi, chính quan điểm của người đời và giai cấp của gia đình, mẹ Ngọc trở thành người đơn thân độc mã. Bà trở thành người không có người thân và bị gia đình lãng quên.
Ngọc trưởng thành. Tuổi mười sáu, Ngọc xinh tươi vành vạnh như trăng rằm. Cô không hề hay biết. Cho nên, đến trường cũng như ra đồng, Ngọc ăn mặc rất luộm thuộm. Áo quần của mẹ đã có tuổi hàng chục năm. Ngọc cắt nhỏ lại cho mình. Mặc vào, Ngọc vẫn tự tin đi khắp nơi. Một vài người khen ngợi Ngọc xinh xắn. Ngọc không cần thiết. Vì Ngọc cũng từng nghe một số người to nhỏ, người ta bảo mẹ Ngọc ngày xưa còn hơn thế nữa. Mái tóc dài chấm gót. Nét mặt mặn mà sắc sảo. Mắt đen láy đượm buồn. Hai tay lại nắm chặt giấc mơ. Một giấc mơ tươi đẹp như bao cô gái khác. Vậy mà, mẹ Ngọc giờ đây chỉ là người đàn bà lam lũ, cằn cỗi. Mái tóc không còn một sợi đen. Chân tay lấm lem bùn phèn quanh năm. Chính vì vậy, Ngọc có xấu có đẹp, cô không cần thiết. Vì đối với Ngọc, người đẹp và người xấu đều khổ như nhau. Người xấu có cái khổ riêng. Người đẹp lại có cái khổ khác. Điển hình như ở xóm Ngọc, người đẹp thiếu gì. Thế nhưng, Ngọc vẫn thấy họ chân lấm tay bùn quanh năm. Có điều, Ngọc vẫn may mắn. Ngọc được đến trường lớp học đàng hoàng. Cô thấy mình hơn hẳn bạn bè cùng trang lứa trong xóm. Họ làm gì có thầy cô như Ngọc.
Mặc dù không giống y chang mẹ, nhưng Ngọc vẫn thừa hưởng được ở bà nhiều đức tính, một người phụ nữ rất chăm lao động. Tờ mờ, mẹ Ngọc đã có mặt ngoài đồng. Trời chạng vạng tối, mẹ Ngọc còn phải tưới cho xong đám hành. Đám hành mênh mông giữa đồng trơ trọi, đất nứt nẻ. Cũng tại gia đình Ngọc đèo bồng, đất ruộng ai lại chuyển sang làm rẫy cố định. Hành thiếu nước, nó sẽ héo úa ngay. Cho nên, mẹ Ngọc rất lo lắng. Bà không dám bỏ tưới cữ nào. Mương nước cạn diệu vợi, mẹ Ngọc lấy sức quăng thùng xuống. Hai tay ra kéo lên chỉ được nửa thùng. Ngọc nhìn mẹ vất vả. Cô xót xa. Thế nhưng, Ngọc nghĩ đi nghĩ lại. Xóm mình có ai sung sướng đâu. Cũng giống như mẹ, Ngọc phải tảo tần quanh năm. Chính vì vậy, gia đình Ngọc có đủ miếng ăn. Mẹ Ngọc lại là người phụ nữ biết hy sinh. Bao nhiêu mồ hôi nước mắt trong cuộc sống mẹ đổ dồn cho chồng, cho con. Vậy mà, Ngọc vẫn thấy chán chán. Đôi lúc, cô thấy thiếu thiếu cái gì đó. Ngọc lại không tìm ra nguyên nhân. Mẹ Ngọc vẫn cứ thế. Bà rất thương con. Ngọc lại có suy nghĩ khác. Cô thấy mẹ mình không hiểu con cái. Nuôi dưỡng con, mẹ Ngọc chỉ mong sao cho chúng ăn no, ngủ yên. Con cái khỏe mạnh, mẹ Ngọc cười tíu tít suốt ngày.
Anh em Ngọc lại không sống theo mong mỏi của mẹ. Anh Ngọc chính là kẻ đầu đảng. Tốt nghiệp trung học phổ thông, anh Ngọc âm thầm vào đại học. Anh thi gì, học gì, cả nhà không hề hay biết. Mà nếu anh Ngọc có nói ra, gia đình cũng chẳng để ý. Gia đình Ngọc là vậy. Mấy chuyện ấy ai để ý làm gì? Trong khi đó, gia đình Ngọc có đến trăm chuyện ngàn thứ để lo. Nắng ít mưa nhiều. Sâu rầy không có cách diệt trừ. Mùa màng thất thu. Ruộng rẫy khô cháy… Bấy nhiêu đó, cả nhà Ngọc lo còn không xuể.
Năm đó, cả trường anh Ngọc chỉ có hai người vào đại học. Cho nên mỗi khi Ngọc ra đường, Ngọc đi đến đâu cũng nghe người ta đồn đại chuyện nhà mình. Người con trai lớn vừa đậu đại học. Ngọc thích thú. Bỗng dưng, Ngọc thấy ngưỡng mộ anh Hai mình vô cùng. Thế là, Ngọc cũng âm thầm nuôi dưỡng giấc mộng. Ngọc quyết tâm hai năm nữa cô cũng phải vào được đại học như anh Hai. Thế nhưng, ba ngày sau, Ngọc bỏ ý định ấy ngay. Ngọc chới với. Cô sống trong nỗi đau đớn tột cùng. Xóm làng lại xầm xì chuyện khác. Một chuyện động trời động đất không ai ngờ. Anh Ngọc đã đánh đổi cả sinh mạng mình để được tiếp tục học. Ngọc khóc lóc than ngày trách đêm. Anh Ngọc đã đạp phá lên tất cả mong mỏi quá ư bình thường của mẹ. Nhà Ngọc phải lâm vào cảnh sống không yên, chết không được. Mấy ngày cả nhà Ngọc không ai dám ra đường. Vì đi đến đâu, người ta nhìn theo đến đó. Đau khổ một, gia đình Ngọc sống trong tủi nhục mười.
Anh Ngọc kết thúc cuộc đời ở ngưỡng cửa đại học. Độ tuổi hừng rực sức sống. Anh Ngọc ra đi mang theo bao giấc mơ, những giấc mơ đối với gia đình Ngọc, toàn là chuyện viển vông. Xóm làng, ai nhắc đến cũng thương tiếc chen lẫn chê trách. Họ bảo anh Ngọc có tài canh điền, cày giỏi, gặt lúa cũng giỏi, thanh niên cả xóm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sống làm ruộng còn hơn chết chẳng làm được gì? Ngọc nghe mà lòng tê buốt. Cô lại tủi nhục. Ngọc thấy mơ mộng lắm điều, cuối cùng, tất cả cũng chỉ là bùn sình. Anh Ngọc chết chôn giữa ruộng. Khi đồng khô cỏ cháy, Ngọc rất bứt rứt. Lúc ruộng nước lênh láng, nước mắt Ngọc lại đầm đìa. Chính vì vậy, Ngọc hay kêu gào than trách. Ngọc trách anh mình. Nằm sâu dưới lòng đất, anh còn đang trong cơn đói cồn cào. Vậy mà, anh mơ anh mộng những chuyện không đâu. Ngọc hình dung ra tờ giấy báo nhập học. Ngọc nhớ như in dòng chữ tiền học phí. Ngọc ngồi xuống võng. Hai chân đánh đung đưa. Chiếc võng lao hày hạy. Ngọc bải hoải. Cô nghĩ đến tiền học phí. Cái quái quỷ gì mà lớn lao như vậy? Trong khi đó, gia đình lại nghèo. Quanh năm suốt tháng, Ngọc thèm miếng thịt với cơm vẫn không có. Ngọc thấy anh mình quá nông nổi. Học hành chi cho lắm chứ? Học không xong thì ở nhà làm ruộng. Làm ruộng, đóng thuế vẫn nhẹ hơn đóng học phí kia mà! Lúa gạo làm ra bồ nào hết bồ nấy. Học ra trường, đôi lúc phải thất nghiệp. Sống cảnh long đong ấy, chẳng lẽ anh Ngọc lại vác xác trở về đây làm ruộng? Nếu như vậy, xóm làng này sẽ có một trận cười hả hê.
Ngọc trách cứ anh mình. Hai năm sau, ai trách Ngọc? Ngọc cũng chính là đứa con ngổ nghịch. Cô cũng không vâng lời mẹ. Mẹ khuyên nhủ cách nào Ngọc cũng im lặng. Mẹ Ngọc vẫn kêu ca. Chuyện đồng áng, ông bà Ngọc gắn bó bao đời vẫn sống được. Con gái lớn phải gả chồng. Mười chín hai mươi tuổi đầu, Ngọc thuộc loại hũ mắm treo đầu giường. Ngọc vẫn tỉnh bơ. Chuyện chồng con, Ngọc không hiểu gì cả.
Mẹ Ngọc chạy đôn chạy đáo. Bà cậy nhờ mai mối, nhờ người giới thiệu xóm trên xóm dưới. Lẽ ra, Ngọc chưa đến nỗi nào. Mẹ Ngọc không phải lo lắng như vậy. Vì đối với trai làng, Ngọc được xếp vào hàng gạo cội. Ngọc ra đồng vẫn có lắm thằng chọc ghẹo. Ngọc đến trường cũng có nhiều đứa trêu chọc. Dù mang tiếng đi học, nhưng Ngọc rất giỏi chuyện đồng áng. Con gái ở đồng, Ngọc lại trắng da dày tóc. Trai tráng xứ nào chẳng khoái. Ngược lại, Ngọc ghét cay ghét đắng đám con trai trong làng. Ngọc thấy chàng trai nào cũng khó ưa. Anh thì đi đứng lủng đủng, nói năng lại vô duyên. Anh thì cao lêu nghêu, da dẻ lại đen đúa. Thế là, Ngọc nuôi dưỡng giấc mơ vào đại học. Ngọc nghĩ ngợi. Chẳng lẽ, đời Ngọc chỉ biết ruộng đồng thôi sao? Ngày này tháng nọ, Ngọc chỉ nhìn thấy hình ảnh đám trai làng xứ mình?
Cuối cùng, Ngọc cũng lên được thành phố. Năm đầu, Ngọc chẳng học hành gì cả. Cô làm đủ mọi thứ nghề với bao nỗi đắng cay. Trong đó, những công việc lao động bần hèn nhất xã hội Ngọc cũng không hề câu nệ. Năm sau, Ngọc trúng tuyển vào đại học kinh tế. Tiền bạc ki cóp cả năm trước, Ngọc đổ vào chuyện học phí. Những ngày đầu đến giảng đường, Ngọc thấy mình cũng như ai. Dần dần về sau, Ngọc đuối sức. Nhiều lúc, cô cứ ngỡ mình đang sống trong những giờ phút tận cùng của cuộc đời. Ký ức quê nhà, Ngọc không ngớt nguôi ngoai. Ngọc mơ màng thấy đủ chuyện. Cô có cảm giác đất trời nông thôn ưu đãi hơn trời đất của thành thị. Dần dà, Ngọc ngán ngẩm cảnh sống ở thành thị. Mỗi thứ đều tính bằng tiền, chứ không như quê hương xứ sở mình, Ngọc thèm ăn rau, ra đồng vào vườn hái cả rổ. Còn ở trên đây, Ngọc xối một ca nước. Cô phải trả tiền ngay.
Một hôm, Ngọc ra chợ về. Tài sản cả giỏ chỉ có mười bịch mì gói. Vậy mà đám bạn cùng phòng xúm nhau nài nỉ Ngọc bán lại. Chẳng mấy chốc, mười gói mì của Ngọc sang tay đám bạn. Ngọc ngồi bực mình bực mẩy. Thế nhưng, trong phút chốc, Ngọc đã nghĩ ra một cách kiếm tiền khá hay. Cô nghĩ có người mua thì phải có người bán. Ngọc chạy ngay ra chợ. Cô hổn hển mang về một thùng mì gói. Hai ngày, đám bạn lại xúm nhau mua ráo trọi. Tiếng đồn đại ngày một xa. Cả ký túc sá đều biết phòng Ngọc có bán mì gói, trứng gà, trứng vịt, bánh trái… Nhờ vậy, Ngọc có thu nhập đều đều mỗi ngày. Vừa học vừa có thu nhập, Ngọc ra trường hồi nào cô chẳng hay.
Ra trường, Ngọc lại bắt đầu cuộc đời lênh đênh. Đầu tháng, Ngọc làm kế toán cho công ty này. Cuối tháng, Ngọc lại chuyển đến làm tạp vụ cho công ty kia. Đôi khi, một tháng chỉ có bốn tuần lễ, Ngọc phải ra vào đến năm, bảy công ty. Những công ty Ngọc tìm đến đa số nhân viên ở đó đang tìm lối thoát. Nhiều lúc, Ngọc ao ước được sống trong ký túc xá. Cô sẽ buôn bán đắp đổi qua ngày. Sống lây lất như vậy, Ngọc sẽ có thời đi tìm việc chính chắn. Việc gì cũng được, Ngọc không cần thiết phải làm đúng chuyên môn.
Ngọc sung sướng cầm được tháng lương đầu tiên. Thế nhưng, tháng thứ hai cô lại thất nghiệp. Thế là, Ngọc chạy loanh quanh tìm việc. Cô tìm kiếm việc làm với mọi cách. Báo mua về vung vãi khắp phòng. Trang báo tìm kiếm việc làm bèo nhèo. Ngọc thấy vô vọng. Cô chuyển sang đọc báo. Những thông tin cũ rích làm Ngọc thích thú. Thời gian sau, Ngọc quên ngó ngàng đến những báo tìm việc. Cô sốt sắng bắt tay vào công việc viết lách. Toàn là những bài viết tầm phào, Ngọc vẫn tự tin gửi khắp nơi. Đọc báo nào, Ngọc đều viết bài cho báo nấy. Số lượng bài vở gửi đến các tòa soạn, Ngọc không còn đếm xuể. Cô vẫn cứ viết. Cho đến một ngày, Ngọc được mời lên tòa soạn. Cô ngồi run lẩy bẩy, mồ hôi toát ướt khắp người. Ngọc cầm lấy bài viết của mình mang về sửa chữa. Ngày hôm sau, Ngọc gửi lại đúng theo yêu cầu của biên tập.
Bài viết xuất hiện trên trang báo. Ngọc mừng quýnh quáng. Cô tiếp tục viết bài khác. Bài này được đăng rồi đến bài kia. Ngọc quên ngay chuyện đi tìm việc. Những con số của tháng ngày dưới mái trường đại học, chúng đã biến mất nhường chỗ cho chữ nghĩa. Giờ đây, Ngọc chỉ loay hoay với câu cú. Những từ ngữ như hạch toán, định khoản, chứng từ… Ngọc lại thấy lạ lẫm.
Cuộc đời cứ bôn ba khắp nơi. Ngọc thường xuyên đi đây đi đó. Thế nhưng, cô thấy không nơi nào bằng xứ sở mình. Sống giữa lòng thành phố, Ngọc lại khát khao mùi khói đốt đồng, một làn khói chỉ xuất hiện vào cuối mùa vụ. Màn khói dày đặc, hòa lẫn trong hương cốm lúa mới. Càng nghĩ ngợi, Ngọc càng nhớ đến xóm làng. Ruộng lúa nhà mình đang vào mùa thu hoạch. Những đêm trăng tát nước gàu sồng. Tiếng huềnh hoang kêu trong mưa, bầy cá trắng lượn lờ dưới dòng mương máng… Nhớ đến đây, bỗng dưng miệng Ngọc ngòn ngọt vị cua đồng nướng lửa rơm. Ngọc không chút đắn đo. Ngọc quyết định mờ mờ sáng ngày mai, cô sẽ về thăm quê mình.
Ngọc nằm trông đợi thời gian qua nhanh. Suốt một đêm dài, Ngọc cứ  chập chờn. Trong cơn ngủ miên man, Ngọc mơ về quê nhà. Ngọc nghe tiếng gà gáy đánh thức canh năm. Ngọc choàng tỉnh giấc, chiếc điện thoại di động bên cạnh đổ chuông inh ỏi. Ngọc cầm lấy đặt vào tai. Đầu dây bên kia, giọng sếp rời rạc: "Vào tòa soạn ngay để đi công tác khẩn cấp".

Xem Tiếp: ----