Gần chục năm nay rừng mường Sến đã xanh trở lại, ấy là nhờ có Nhà nước triển khai dự án phủ xanh đất trống, đồi trọc, dự án đem lại nhiều thứ lợi cho người dân, người trồng rừng được cấp gạo ăn, được cấp cho cây giống. Khu rừng trong thung Vang, thung lũng phía sau mường Sến được chia lô cho các hộ dân khoanh nuôi, bảo vệ, hàng năm chủ rừng được Nhà nước chu cấp tiền. Có rừng, thú lại về, tiếng chim muông ríu rít vang lên từ khi đất trời còn mờ tỏ trong làn sương sớm cho đến tận chiều hôm. Đêm đêm tiếng chim Đốk-clộc, tiếng tắc kè kêu râm ran. Cánh đồng mường Sến nhờ có rừng nên nước suối không bao giờ cạn, dọc theo suối người mường Sến đắp bai đưa nước lên mương, máng dẫn ra ruộng đồng. Nhờ đủ nước nên cộng với sự chăm bón của con người nên lúa đồng mường Sến tốt bời bời. Mùa hè ở mường Sến dường như mát mẻ hơn các mường khác, bởi màu xanh của rừng, có những cơn gió rì rào từ trong rừng, trong thung Vang thổi ra mát rười rượi. Trong thung Vang độ này xuất hiện dấu chân hoẵng, ai cũng nói là có một con, thực hư vậy thôi chứ ở mường này chỉ có lão Sầm là biết tỏ. Lão là tay thợ săn lão luyện, các tay chủ quán đặc sản dưới phố huyện cả trên thị xã tôn lão như một chuyên gia siêu hạng, tài nghệ trong việc đánh bẫy bắt sống thú rừng. Lão thông thuộc rừng xung quanh mường Sến như lòng bàn tay. Trong thung Vang còn bao nhiêu con cầy, con sóc, nhìn dấu chân thú đi trên đất, lão biết ngay là có mấy con, to hay nhỏ… Những năm trước lão chuyên cung cấp nai, hoẵng, cầy hương, nói chung là thú rừng cho các quán hàng đặc sản, cho bọn chuyên buôn bán động vật trái phép. Nhà lão vốn có bí quyết truyền đời nghề chế tên nỏ tẩm độc. Mũi tên độc của lão bắn ra chỉ cần xước ra là con vật không chạy được quá mười bước, kể cả đó là con hổ. Tên độc của lão có cái hay là cực độc giết chết thú rừng, song người ăn thịt thú lại không bị làm sao cả, nó chỉ độc ở một đời. Thú đã chết làm sao có giá đắt như thú còn đang sống, do đó lão ít khi săn bắt thú bằng tên độc, lão chuyển sang làm các loại bẫy. Lũ khách hàng của lão rất khoái, những con thú sa vào tay lão thường chỉ bị thương chứ ít khi có con chết. Chúng có các thực khách lắm tiền, nhìn thấy các con vật bị nhốt trong cũi sắt, họ sẵn sàng trả giá gấp năm, gấp mười lần giá bọn chủ mua từ lão Sầm. Càng về sau nghề săn, bẫy thú của lão Sầm càng sa sút bởi rừng bị phá đi để lấy đất làm nương, rẫy, thú rừng không còn chỗ để ở, thêm vào nữa Nhà nước cấm ngặt nghèo việc săn bắn thú rừng trái phép, lão cũng sợ, nếu sơ sểnh để bị bắt dễ đi tù như chơi. Lão biết trước mọi người về sự xuất hiện của hoẵng, xem dấu chân lão biết phải có hai con hoẵng, chứ không phải một con đang ở rừng thung Vang. Lão biết, từ xa xưa tổ tông nhà lão và cả dân mường Sến này có một lời thề nguyền kiêng kị không săn bắt, không ăn thịt hoẵng, lão bỏ ngoài tai, không quan tâm đến lời thề nguyền ấy, lão biết đôi con hoẵng trong rừng thung Vang là một gói tiền biết đi. Lão bí mật giấu vợ, giấu con chuẩn bị bẫy vào rừng thung Vang đi đặt. Làng mường Sến ở lưng núi cao là nơi đón gió, đón mưa cho cả dải vùng ba xã rẻo cao. Gió ở mường khác chỉ nhẹ nhàng rung lá, ở mường Sến gió đã ào ào thổi thốc tháo. ở mường khác có mưa phùn song ở mường Sến mưa đã nặng hạt. Người trong mường còn truyền đời kể lại từ thuở xa xưa có những cơn lốc thổi nhấc hẳn một bụi tre từ trong mường quăng ra tận ngoài ruộng lúa phía trước mường, gió lốc còn thổi lăn cả cối đá ra ngoài ngõ. Người mường Sến thời nay chưa thấy việc đó, những ngày đất núi trơ trụi chưa chồng lại rừng, gió lốc, mưa lở đất, đá là chuyện thường thấy. Những trận mưa to, gió lớn, sấm sét chớp loé vang rền, đá lăn, núi lở ầm ầm như thiên binh đánh trận trong thung Vang, nước suối sủi bọt ngầu bùn đất như máu núi chảy ào ra, tràn lên làm lấp ruộng, vùi lúa, vùi hoa màu, thiệt hại khôn xiết. Nắng là của trời, mưa gió là việc thiên nhiên, song người mường Sến rất quan tâm, nhà nào cũng mua đài để nghe, mấy năm nay có điện về mường nên cả xóm lại mua ti-vi để xem, nghe tin tức, song quan trọng hơn cả là để nghe dự báo thời tiết. Lúa tháng năm đang chín rộm ngoài đồng, người mường Sến đang thu hoạch ngô ngoài bãi, xong rồi mới quay sang gặt lúa. Trời cao xanh lồng lộng, nắng chói chang như giúp người mường Sến phơi ngô mau khô, cho cây lúa thêm vàng bông. Mế Hừm cùng cái Hon, đứa cháu nội đang ngồi tẽ ngô trên cửa voóng nhà sàn, ngoài kia ánh nắng chiều tà màu vàng nghệ còn như cố muốn vương đọng lưu luyến trên những ngọn cây cau, cây tre đang lay lay cành lá trước gió. Trên trời cao một vài đám mây vàng rộm như màu mỡ gà nhàn nhã, lững lờ trôi, tiếng mõ trâu lốc cốc, rộn rã dồn cùng bước chân rầm rập đi về mường. Bỗng từ trên núi cao trong thung Vang có tiếng kêu: - U… u… oác… oác… Tiếng kêu dài, vang động cả khung trời chiều yên ả. Mế Hừm buông bắp ngô đang tẽ dở, kêu lên: - Chết rồi, trời sắp mưa, kéo gió về mường Sến ta rồi… Cái Hon ngơ ngác hỏi bà nội: - Sao Mế biết?(1) Mế Hừm bảo cháu nội: - Ngày mai cháu tạm dừng việc ôn học một, hai buổi để ra đồng với bố, mẹ cháu mau gặt lúa chuyển về nhà. Cứ để chậm khéo mà có làm, không có ăn, mưa, gió, quăng quật lúa hỏng rụng hết hạt. Cái Hon vẫn chưa hiểu sao bà nội nó lại nói vậy, nó gặng hỏi, mế Hừm như sực nhớ ra: - Cháu không nghe thấy tiếng kêu lúc nãy à, đó là tiếng hoẵng kêu báo cho mường ta đấy. Thật đúng là phúc ấm tổ tiên để lại, có rừng hoẵng lại về. Từ lâu rồi, người mường Sến ta có lời thề nguyền với loại hoẵng, hễ có tiếng hoẵng kêu là trời đang mưa sẽ tạnh, đang nắng trời sẽ chuyển sang mưa to, gió lớn đấy cháu ạ. Cái Hon hồ nghi, nó không tin, mới buổi trưa nay đài báo khu vực phía Tây Bắc Bộ có mưa giông vài nơi. Mà phía Tây Bắc Bộ có hàng nghìn, hàng vạn mường như mường Sến này chỉ có mưa giông vài nơi, chắc gì đã đúng vào mường Sến. Song lời thề nguyền của người mường Sến xưa đối với con hoẵng, đã kích thích trí tò mò của Hon. Chiều ý cháu nội, mế Hừm kể lại truyền thuyết cho cháu nghe: - Ngày xưa, từ lâu lắm rồi, khi ấy làng mường Sến còn ở dưới mường Bưa Bằng dưới chân núi. Trong một năm trời đại hạn, có người thợ săn trong mường đi chăng bẫy, nghe nói người đó là tổ tiên, dòng họ nhà lão Sầm bây giờ. Một con hoẵng chẳng may sa vào bẫy nó tìm mọi cách mà không sao thoát ra được. Thương con đực, con cái không nỡ bỏ bạn tình, nó cứ quẩn quanh canh chừng. Sáng tinh mơ, người thợ săn vào rừng thăm bẫy, thấy cảnh trên, anh ta cả mừng, lắp tên, giương ná nhằm con cái bắn. Mũi tên đi không trúng đích, cả đôi hoẵng hoảng hốt vội van xin người thợ săn đừng giết mình, đổi lại nó sẽ báo cho người thợ săn biết thiên cơ việc trời đất sắp xảy ra, nó có thể cứu sống cả làng mường Sến khỏi một cái tai hoạ đang sắp ập tới. Nghĩ đến dân Mường, đến tai hoạ, người thợ săn buông ná, tháo tên, hỏi vợ chồng nhà hoẵng có tai hoạ gì sắp xảy ra. Con hoẵng cho biết trời sắp nổi cơn đại mưa, đại gió làm trận lụt lớn để phạt loài người nhân gian phá rừng, giết hại vô tội vạ các loài thú dưới gầm trời. Việc đó chắc chắn sẽ xảy ra, khi nào thì hoẵng chưa biết, song có tin hoẵng sẽ báo tin ngay cho con người. Người thợ săn đồng ý thả cả đôi con hoẵng, đôi bên cùng lập lời thề nguyền: - Từ nay về sau người Mường Sến sẽ không săn bắt, không ăn thịt hoẵng, đổi lại hễ trời sắp mưa, sắp nắng hoẵng phải kêu báo cho con người biết. Ba tháng sau vào một ngay trời quang, nắng nóng, bỗng từ trên ngọn đồi phía sau mường Sến có tiếng hoẵng kêu rống riết. Biết là tai hoạ sắp xảy ra, người thợ săn vội báo cho cả mường Sến biết. Các nhà vội bế con, gồng gánh thóc lúa, dắt trâu bò leo ngược lên núi. Mưa bắt đầu ập tới, những hạt mưa to như quả ổi, hạt nhỏ cũng bằng ngón chân cái. ầm ầm, ào ào từ không trung trút xuống. Nước dâng lên trắng xoá nhấn chìm hết rừng rú, nương rẫy, các mái nhà sàn ở mường Bưa Bằng. Thây người, thây súc vật chết nổi lềnh bềnh, trôi dạt khắp mọi nơi. Nước dâng quá ngọn cây cổ thụ trong rừng vậy mà nước vẫn chưa ngừng dâng, mưa vẫn tuôn. Sau ba ngày, ba đêm người mường Sến dắt díu nhau chạy lũ đến tận lên núi cao là làng mường Sến bây giờ nước cũng đã ngấp nghé theo bước chân, thật may là trời ngừng mưa nên nước không dâng lên được nữa. Người mường Sến thoát chết là ơn nhờ có con hoẵng báo trước. Từ đó cả mường tuân thủ lời nguyền, cư trú trên vùng đất mới, họ dành hẳn thung lũng phía sau mường cho hoẵng về sinh sống, tất cả mọi người cùng canh chừng cấm các thợ săn ở mường khác đến săn, bắn hoẵng. Về sau hoẵng nhiều lên thành lũ, thành đàn và thung lũng hoang tự nhiên có tên là thung Vang. Rừng với hoẵng với người làm bạn với nhau, dựa vào nhau để tồn tại bao đời qua... Chỉ mới gần đây khi rừng bị phá đi nhiều, bọn săn bắn có cả người trong mường tiếp tay, chúng đánh bẫy, săn bắn không run tay tiêu diệt hoẵng, số sống sót cũng đành phải bỏ thung Vang đi vào rừng sâu mong hòng thoát chết, thung Vang không còn hoẵng nữa, hơn chục năm nay tai ương do mưa, gió gây ra liên tiếp giáng xuống mường Sến ta. Nay rừng đã được trồng, được bảo vệ, hoẵng đã lại về trong thung Vang, lại báo trước cho dân mường biết trước mưa gió để phòng tránh, thật là phúc đức, người mường ta cũng nên lập giữ lại, tuân theo lời thề nguyền. Giọng mế Hừm lâm râm như tự nói với chính mình, đưa đứa cháu nội vào không gian truyền thuyết thực hư, huyền mặc. Đầu óc non nớt của Hon cũng cảm nhận được sự vọng tâm thành tín của bà nội đối với chuyện xưa. - Cháu là người đang sắp trở thành người có học, hãy nên lắng nghe, tìm trong các câu chuyện xưa của người mường ta, không phải mọi thứ đều là mê tín, là của đáng vứt đi hết đâu, người xưa đã phải chiêm nghiệm, thậm chí phải trả giá rất đau đớn mới đúc rút được những kinh nghiệm, những bài học những tri thức truyền đời. Có thể bây giờ cháu chưa tin, nhưng cũng nhanh thôi, hai, ba hôm nữa cháu sẽ thấy ngay. Đêm hôm đó con hoẵng còn kêu vài lần nữa. Dường như trong mường Sến vẫn còn nhiều người nhớ tới lời nguyền xưa, hôm hơn nửa số nhà trong mường quay sang đi gặt lúa. Tối hôm qua đài vẫn báo khu Tây Bắc có mưa rào và giông vài nơi, “trong cơn dông đề phòng có gió lốc và mưa đá”. Nửa mường còn lại vẫn bằng chân như vại, họ chê cười những nhà đi gặt lúa là mê tín, u muội tinvào truyền thuyết xưa. Ngày hôm sau nữa trời vẫn nắng chang chang, trời xanh đến loá mắt, nắng như đổ lửa xuống đồng, không khí ngột ngạt, trời im gió không một lá cây ve vẩy. Qua giờ ngọ đột nhiên mây ùn ùn kéo đến, gió âm u gầm gào, rất nhanh trời bắt đầu mưa, những hạt mưa đá to như những hạt sỏi vãi lung tung trắng xoá cả đường đi, chúng như những viên đạn bắn phá không thương tiếc xuống cánh đồng lúa, những hạt đá to xuyên thủng mái nhà tranh, những tàu lá chuối chẳng mấy chốc đã tả tơi rách tươm. Cả không gian vang lên tiếng lộp độp, rào rào của những hạt nước đá khi rơi vào vật cứng, lá cây mặt đất tạo nên thứ âm thanh vui tai, tàn nhẫn của sự phá hoại, của tai hoạ. Sau hơn mươi phút mưa đá là mưa nước, từng dợn mưa ào ào lạnh buốt cuốn theo chiều gió táp lên như kẻ trợ lực cuốn đổ cây cối, hất tung những phên tranh, viên ngói, cuốn đi cả những vách nứa, nong nia trong các nhà sàn. Thiệt hại lớn quá, các nhà không chịu gặt lúa lúc này mới hối tiếc không nghe theo lời hoẵng kêu. Từ khi có hoẵng về thung Vang, việc cày cấy, làm mùa của mường Sến như thuận lợi hơn. Người vùng cao nơi đón mưa, đón gió tránh được những cơn thịnh nộ, những cơn giông tố dữ dội của thiên nhiên. Gần năm tháng nay lão Sầm mất ăn, mất ngủ vì đôi hoẵng. Lão cười khẩy trong bụng khi nghe có người nói lời tạ ơn con hoẵng, với lão, lão chỉ cám ơn khi đôi con hoẵng sa vào bẫy. Lão rủa thầm người mường Sến ngu si, mê tín đủ điều. Nhất là các mụ già ngu độn, lắm điều, suốt đời chưa dám đi đâu khỏi làng mường Sến quá hai ngày. Với các mụ này từ hốc cây, tổ mối, mỏm đá, cái gì cũng thiêng, có thần thánh, ma quái trú trong đó. Đến cả đài, báo, ti-vi của Nhà nước cũng chỉ dám nói là “dự báo thời tiết…” chứ đâu dám nói chắc đinh là báo thời tiết đâu, ấy thế mà còn nhiều khi sai be, sai bét ra đấy, đang báo nắng thì trời mưa, báo lạnh thì trời nóng đó thôi. Hoẵng là giống vật hoang sinh ra trong rừng chỉ để cho hổ, cho con người săn, bắt về làm thịt, chứ làm sao báo được thời tiết, rõ là vơ vẩn… Lão đoán hai con chắc đã bị con người săn đuổi, chết hụt nhiều lần nên chúng rất nhạy, bao nhiêu cạm bẫy lão chăng mà chưa làm sao bắt được. Kể ra lão công cốc cũng là do người mường Sến đi rừng gặp cạm, bẫy lão chăng, người ta đập, phá huỷ nó không thương tiếc. Lão đã nhận tiền đặt cọc của một tay chủ quán dưới phố huyện, thời hạn giao hàng đã qua, vậy mà lão chưa thể nào bắt được đôi con hoẵng, nhiều lần lão định dùng đến mũi tên có tẩm thuốc độc, song chủ quán không muốn nhận hàng chết, chúng chỉ muốn con vật còn sống. Hết mùa mưa đã chuyển sang mùa khô, rét, qua tết sang giêng, đến tháng ba trời vẫn không có một cơn mưa to, suối thung Vang cạn không, chỉ còn lại một vũng nước nhỏ trên đầu nguồn. Trời đất thật lạ, đã nhiều năm qua chưa bao giờ suối thung Vang lại cạn đến thế. Lão Sầm mừng thầm, lão biết cơ hội đã đến, trên thế gian này chẳng có con vật nào là không cần nước, lần này đến cả ếch, ngoé, rắn, rết cũng phải tìm đến vũng nước, chứ đừng nói gì loài to xác như con hoẵng kia. Để tránh bị phá đến buổi chiều hôm lão vào rừng đặt bẫy, mờ sáng tinh sương lão lại vào rừng tháo bẫy cất giấu đi. Điều lão mong đợi cũng đã đến, hôm ấy buổi sáng tháng ba khô hạn, một đêm đã qua vậy mà trên các ngọn cỏ, lá cây không có một giọt sương đọng, lá cây khô lạo xạo rụng phủ một lớp dày trên mặt đất thung Vang. Từng bước chân đi lão phải cẩn thận xem xét, bởi dưới lớp lá khô thường có ốc sên, rắn rết trú ẩn, bước chân lão nhẹ hơn tiếng gió, chỉ có những thợ săn lão luyện mới đi được như vậy vậy. Con hoẵng mắc loại bẫy theo kiểu cần câu, dây câu làm bằng dây thép phanh xe đạp có buộc thòng lọng, cần câu được làm bằng gốc cây sống to bằng bắp chân, chân sau hoẵng mắc vào thòng lọng bị chiếc cần nhấc bổng lên khỏi mặt đất chừng hai gang tay. Sợi dây thép xiết chặt, cứa đứt lớp da, máu chảy ra đem thẫm, lũ ruồi nhặng bu kín quanh vết thương, nó hoảng loạn chạy vòng quanh cố giãy hòng thoát thân song càng giãy, sợi dây thép càng xiết chặt hơn. Chờ tang tảng sáng, từ xa lão đã nghe tiếng thở phì phì, tiếng bước chân đạp lá khô loạn xạ, lòng lão muốn hét lên, vậy là đã có bạc triệu cầm tay. Lão Sầm bình tĩnh quan sát, tay lắp mũi tên độc giương ná, có thể còn có con thứ hai còn ở quanh đó. Lão để ý lựa thế, người mường đúc rút một kinh nghiệm “Lòi bàng, Vang hẽo”. Lợn lòi trong cơn bí quẫn sẵn sàng xông thẳng vào kẻ thù, còn giống hoẵng có móng guốc chân sau sắc như lưỡi dao cạo cứa đứt cả cây gỗ chứ đừng nói đến da thịt người. Khi vào hiểm nguy, hoẵng sẵn sàng chạy thẳng tới kẻ thù xiếtm óng guốc vào bất cứ chỗ nào trên cơ thể đối thủ để thoát thân. Đúng như lão Sầm dự đoán con hoẵng thứ hai đang ở trong đám bụi rậm cách chỗ lão đứng chưa đầy mười bước chân, lão tự khen mình có bước đi đến con thú cũng không nhận ra được. Phải bắn thôi, nhanh lên để còn kịp gọi lũ con cháu vào khênh về, nếu trời sáng quá không kịp khênh về, đành phải đem giấu đến tối mới chuyển đi. Thôi thì một con sống, một con chết vậy, kể ra cũng hơi tiếc. Pựt... mũi tên lao vút đi trúng đích, con hoẵng bị bất ngờ nó xông thẳng tới nơi phát ra tiếng ná, bất đắc dĩ lão Sầm phải nhảy vội vào đám bụi bên cạnh, con hoẵng ào ào rẽ cây, rẽ lá đi xuôi, cùng lúc ấy lão Sầm nghe như có cành gai đâm buốt nhói ở bên trên cổ chân, lão rùng mình ngoảnh lại, một con rắn cạp nong đang trườn nhẹ ra xa. “Chết rồi…”, lão kêu lên, tay rút dao chặt dây cung ná vội buộc thít chặt bên trên bắp chân để ga-rô không cho máu độc chảy lên tim, lão dần bủn rủn chân, tay, mắt quáng lên chỉ kịp ngoáy mũi dao vào vết rắn cắn cho máu độc chảy ra, lão ngất lịm đi. Cả mường Sến nhộn nhạo, người ta oán lão Sầm, thương cho con hoẵng bị trúng tên độc chết ngay dưới thung lũng, con hoẵng mắc bẫy được thả ra. Lão Sầm được đưa đi cấp cứu dưới bệnh viện, chậm chút nữa tính mạng lão khó mà cứu được, bên chân bị rắn cắn phải tháo khớp bỏ đi. Lão đau nhất là cả mường không ai thốt ra được một câu thương xót, thông cảm cùng lão, đã thế có người còn lửng lơ, ngụ ý, nói kháy: “ở đời, ai ưa cái gì, tìm, sẽ gặp cái đó”. Vừa đau, vừa bực song nghĩ lại lão vẫn thấy mình thật còn may mắn, phúc lớn, số dày, nếu không có hai người trong mường đi rừng sớm phát hiện ra, hẳn lão đã chết trong rừng. Sau hơn hai tháng nằm viện, đúng hôm lão Sầm xuất viện ra về trời nổi cơn giông tố. Đang giữa buổi chiều mà mây đen phủ kín trên không trung, trời tối sầm tựa lúc chạng vạng chiều hôm, sấm ra, chớp giật, mưa gió dữ dội. Trong vườn nhà lão Sầm cây cối gãy đổ ầm ầm. Lão còn đang mệt, miệng rên hừ hừ, bỗng một cơn gió xô lệch ngôi nhà sàn vững chãi, hai đứa cháu đang tuổi thanh niên vội đứa cõng, đứa đỡ, đưa lão chạy ra khỏi nhà, vừa lúc đó gió bẻ vặn ngôi nhà răng rắc một hồi mới hất đổ tung, tiếng bát đĩa vỡ, cây gãy, tiếng ngói vỡ hoà lẫn tiếng lũ gà đang trú mưa dưới gầm sàn, tất cả hoà vào nhau huyên náo loạn xạ. Thật may là lũ đàn bà, trẻ con vốn tính nhát gan ngày thường gió hơi mạnh đã bỏ nhà ra trú ở hốc đá sau nhà, nên không có ai trong nhà nữa. Lão Sầm run bần bật, miệng lão rầm rầm: - Con là kẻ có tội đã vi phạm lời thề nguyền, xin tổ tiên tha tội… Cơn lốc kinh hoàng đó đã cuốn đổ, làm tốc mái, du xiêu niều nhà trong mường Sến, có điều lạ là nhà lão Sầm thuộc loại vững chãi nhất mường, nay đổ gãy tan hoang. Ngay trong cơn mưa gió quăng quật mọi người sực nhớ ra, giá đôi con hoẵng được yên lành hẳn nó đã kêu, báo trước cho dân mường biết để chuẩn bị chằng, chống nhà cửa. Biết đến bao giờ thung Vang mới có hoẵng trở về. Chẳng biết làm sao cho bõ tức, bõ bực, những câu chửi ngấm ngầm đâu đâu cũng nhằm vào lão Sầm, có đứa chẳng sợ gì cứ lớn tiếng chửi đổng: - Mả bố lão Sầm giết chết hoẵng, làm hại, làm khổ cả làng, cả mường… (1) Mế: Mẹ