(Tặng em T.T) Con người trong thế giới hiện đại phải trang bị đến là nhiều phương tiện cồng kềnh. Việc đầu tiên là không khí để thở. Điều hoà ở phòng bật 16/24, ở cơ quan thì 8/24. Chui vào xe buýt đi làm cũng là chui vào một cái máy lạnh, một bể kính. Không nhẽ con người bây giờ lại giống con cá cảnh như vậy hay sao? Mà đúng vậy, mắt ai cũng lồi dần ra như mắt cá vàng vì ngày không dưới 8 tiếng ngồi trước màn hình vi tính. Đeo kính cận cũng đã trở thành mốt rồi. Thời đại thay đổi nhanh thật. Ngoảnh đi ngoảnh lại trong xã hội đã thấy con người ra đường phải trang bị nào kính, điện thoại di động, nào máy tính cá nhân, nào xe máy. Mới dạo cô học cấp II, các chú ở cơ quan má thường đùa nhau: “Một yêu anh có may ô. Hai yêu anh có cá khô ăn dần...”. Sau đó là đến câu cửa miệng để đùa nhau về chuyện dân gian Việt Nam ở nước ngoài đi mua hàng đóng thùng gửi về nước: “Vai mang áp suất, chân đi bàn là”. Ngày cô học ở trường, đứa bạn cùng lớp đã có câu tuyên bố nổi tiếng là: Chồng tương lai của nó phải đi ít nhất là xe Dream Thái trở lên. Thế rồi nhu cầu của con người cứ tiến vùn vụt, không biết rồi sẽ dừng lại ở chỗ nào. Mới ngày nào việc có một chiếc xe máy để đi là một niềm mơ ước, là cái mốc để đánh giá sự giàu có ăn nên làm ra, sau đó nó là một điều mà gần như không có nó, xã hội không chấp nhận. Rồi đến một dạo, đàn ông có chiếc bụng bệ vệ được coi là biểu tượng của sự thành đạt. Nhưng bây giờ thì đến mấy anh bảo vệ cơ quan cô cũng vác những chiếc bụng “bầu”. Và gần đây là điện thoại di động. Bạn cô, có những người dùng điện thoại di động chỉ là một cái mốt, vì thời nay không có không được. Rồi lại tính ra rằng điện thoại di động vừa tiện, vừa rẻ hơn điện thoại cố định. Ngồi trong phòng họp, chỗ này vang lên một giai điệu “Xô nát ánh trăng” điện tử, và lập tức thấy một chuyên viên đứng lên, tay ôm máy kề tai vừa thì thầm alô vừa đi ra ngoài. Một lát sau, tiếng nhạc du dương của bản “Hồ thiên nga” lại phát ra từ cuối phòng, một tin nhắn ở đâu đó mới được gửi đến. Sao mà bây giờ con người ta cần đến nhau thế nhỉ. Những lượng thông tin trao đổi trong một giờ đã là hàng vạn, hàng tỷ đơn vị. Hình như bây giờ người ta cần thông tin, sống bằng thông tin. Đơn cử một việc: Chị An sống cùng phòng với Hoài một tháng tiền ăn hết sáu trăm nghìn, son phấn không dùng, thời trang cũng không chuộng, một năm may sắm có dăm ba bộ quần áo, nhưng tiền điện thoại thì trung bình năm trăm nghìn một tháng, có tháng lên tới hơn một triệu, bằng nửa tháng lương của Hoài. Điều này được lý giải là lương chị cao, chị đi làm xa nhà, rồi chị độc thân ở tuổi ngoài băm nên có nhiều điều phải giải toả tâm sự với bạn bè. Cũng có thể hiểu được. Nhưng ngay như những người nhà ngay kề công ty, vợ con hay chồng con đề huề mà vẫn cứ thấy nhậu điện thoại với những ải những ai đến hàng tiếng đồng hồ. Nói chuyện điện thoại hôm nay rồi lại ngày mai, và ngày kia cũng sẽ lại nói. Đã thành một nhu cầu tiện lợi được giãi bày, được tán phét, được bày tỏ bản thân. Nói và nói. Nhưng mà nói thì cũng phải có người nghe, cũng phải nói cùng, chứ có ai nói chuyện điện thoại một mình bao giờ không? Thế tức là một cô bé xinh đẹp đang nhậu điện thoại hàng chục phút trong buồng điện thoại tự động kia thì cũng phải có một chàng trai, hoặc một cô bạn gái đang tốn hàng chục phút để say sưa nghe, trả lời, hỏi thăm, khuyên giải, đáp lại. Thế mới biết cái nhu cầu được giải toả của con người mới lớn làm sao, bức xúc làm sao: Được nói và nghe người ta nói. Như vậy có thể hiểu được là con người ta ngày càng xích gần nhau, hiểu nhau hơn, thương yêu nhau hơn, mở lòng với nhau hơn. Cứ tính trong một giờ bây giờ có bao nhiêu người tâm tình với nhau xem thì sẽ thấy rằng thế giới bây giờ thật là tươi đẹp. Mà quả thật là tươi đẹp. Miễn là không có chiến tranh, không có tai nạn giao thông, không có ngộ độc thực phẩm, không có H5N1... Những lần kể chuyện chiến tranh, ba đều kết thúc bằng câu ba nhờ có phước lành sao đó mà đi chiến trường ngần ấy năm, bom đạn, thuốc độc màu da cam... mà cũng chỉ bị nhiễm sơ sơ, đẻ sáu đứa con đều nguyên lành đẹp đẽ. Khúc đầu sinh chị Hai, đến khúc sau sinh chị Ba, đến ngày sinh được anh Tư, đứa con trai đầu lòng, ba mừng đến không bước nổi một bước, mãi mới chạy đi được. Thế nhưng bản thân ba thì bệnh tật đầy người, má đã hàng chục năm nay không dám rời ba một bước. Có bữa nhổ cỏ ngay sau vườn một chập chạy lên đã thấy ông nằm quay lơ ở sân từ lúc nào. Rối loạn tiền đình, rồi vết đạn bên hông phải, rồi tim mạch. Ông giờ như sống bằng thuốc, một tháng nội tiền thuốc các loại của ông đã hết vài trăm ngàn. Chị em Hoài thường giấu ông mỗi khi trong nhà có những chuyện không vừa ý: Ví như việc thằng út đánh lộn với người ta mẻ đầu phải khâu mấy mũi, việc Hoài phải vào thành phố làm tiểu phẫu khối u ở tay, việc má phải đi cắt thuốc chữa dạ dày... Mà nhà ai chẳng có những chuyện như thế. Hoài nghĩ. Cô luôn luôn bằng lòng với mọi chuyện, chẳng mơ ước cao xa gì. Công việc của cô giúp cô trang trải chi tiêu trong nhà, mua thuốc cho ba, giúp anh Tư học xa, đôi khi cho thằng út đôi chút. Thế là tốt lắm rồi. Có nằm mơ trước kia Hoài cũng không nghĩ được là mình lại đi làm ở một công ty sang trọng thế này. Sáng dậy lúc sáu giờ, tắm gội, sửa soạn mặc quần áo rồi xuống nhà ăn ăn sáng. ăn sáng xong thì là sáu giờ bốn lăm, lên xe buýt của công ty đi làm. Giờ làm bắt đầu tính từ lúc ôtô buýt cho mọi người xuống trước cổng của công ty để quẹt thẻ. Một hình thức kiểm soát giờ làm việc thật hiện đại và tiện lợi. Khi công ty bắt đầu lắp máy kiểm tra bằng thẻ từ, Minh phòng máy tính bảo cô: Chỉ có yếu tố con người là khó lường nhất. Đến cả bản thân mình nhiều khi tớ còn chẳng hiểu nổi. Tớ chỉ tin có máy móc mà thôi. Hoài đã cười bảo Minh rằng anh đúng là mắc bệnh nghề nghiệp. Nhưng mà đúng vậy thật. Con bạn thân của Hoài đã qua tới ba mối tình mà còn cô độc. Có lần nó bảo Hoài rằng nhìn vào cái mắt nó là người ta đã muốn lừa rồi. Máy móc thì lại là chuyện khác. Nếu được vận hành và bảo dưỡng đúng, máy móc sẽ chẳng bao giờ phản người. Thật ra, đôi khi Hoài cũng kín đáo quẹt thẻ hộ An những khi chị ấy về thăm nhà đến muộn hoặc có việc phải về sớm. Chị em gái với nhau mà. Vả lại việc đó cũng chỉ dăm ba tháng mới có một lần nên chẳng có gì nghiêm trọng lắm, Hoài nghĩ. Chị An hơn Hoài đến 11 tuổi. Khác với các bà muộn chồng thường khó tính càu cạu, chị An rất vui vẻ, dễ chịu, lại hay cười nữa. Công việc của chị là soạn và dịch các văn bản giao dịch của công ty với các đối tác nước ngoài. Chị rất vất vả vì công việc khó, khối lượng lại nhiều. Có bữa ăn trưa, chị cứ chống đũa mãi mà không ăn được, vì mệt đã đành, nhiều khi vì tức nữa, chị nói vậy. Tức, vì nhiều văn bản dùng câu tiếng Việt sai, nhiều câu tối nghĩa, chị đánh vật không sao dịch nổi... Cũng có khi vừa ăn, chị thì thào kể cho cô nghe những câu trong văn bản dùng sai từ, tức cười và vô nghĩa, để hai chị em lại cười rúc rích với nhau. Nhưng tính tình chị đôi khi lạ lắm. Chị có thể để bỏ cả buổi trưa để nói chuyện bằng điện thoại với bạn gái tận thành phố về một bài báo hay mới đọc được. Chị ngạc nhiên đến phẫn uất khi nghe một cậu nhân viên trẻ trong cơ quan trả lời khách nước ngoài một cách hàm hồ rằng chúng tôi (tức Việt Nam) không có điệu múa dân tộc. Ngay cả việc tình cờ biết được là Hoài chưa bao giờ đọc cuốn Không gia đình cũng làm chị ngạc nhiên. Lập tức chủ nhật tuần đó chị rủ Hoài đi hiệu sách và mua tặng cô cuốn sách đó. Nể chị An, Hoài có đọc, nhưng không vào lắm, vì cô toàn đọc lúc đã lơ mơ buồn ngủ rồi. Cô thích đọc tập san Hạnh phúc gia đình hơn. Loại tập san này văn phòng đặt hàng quý, Hoài mang về để một chồng ở kệ tủ, chỉ có chị An là chẳng bao giờ ngó đến chúng, lại còn tự giễu mình rằng vì không chịu đọc Hạnh phúc gia đình nên chị mới muộn chồng. Công việc của Hoài là vào sổ công văn đến, công văn đi, đặt vé máy bay cho người của công ty, thăm nom lễ hiếu hỉ, lo thủ tục cho các sếp đi công tác trong nước và nước ngoài, các đoàn khách ra vào công ty, các đối tác đến làm việc và đủ các việc linh tinh khác ở văn phòng. Thế nhưng bản thân cô thì chưa một lần đi máy bay. Những người cùng cơ quan cô rất lịch sự, sau mỗi chuyến công tác về xuống chỗ cô trả cuống vé để thanh toán đều mang theo một món quà gì đó, có khi mua tại nơi họ đến, có khi là mua ở sân bay khi về nước. Thế là chẳng bao lâu, mặt bàn làm việc của cô đã lốc nhốc nào con Merlion của Singapore, nào dây đeo chìa khoá của Mỹ, nào quạt giấy Nhật Bản, mô hình tháp Epphen... Nhưng Hoài thích nhất con Matroska do sếp tặng sau một chuyến đi công tác ở Nga. Cô gái xinh đẹp choàng chiếc khăn sau lộng lẫy đứng lặng nhìn cô bằng đôi mắt nâu tinh nghịch. Người thợ thủ công nào vẽ nên cô gái này hẳn rất khéo tay và nghịch ngợm. Không hiểu sao cô cứ muốn nghĩ đấy là một cậu bé hiếu động có mái tóc vàng óng với đôi mắt xanh ranh mãnh, vừa vẽ vừa nguẩy tay cười ha ha. Hôm nay thay vì chống đũa, hoặc kể chuyện vui trong bữa ăn, chị An cho Hoài xem một tấm bưu thiếp của ông khách người Mỹ tặng. - Em xem, thật tuyệt vời! Vì hay tiếp xúc với người nước ngoài nên ngôn ngữ của chị cũng hơi giống họ. Trong trường hợp này. Hoài nghĩ, chỉ cần dùng câu “Em thấy hay không?” là đủ. Nhưng cái giọng đầy xúc động của chị An làm Hoài thấy mình nên thận trọng khi mở tấm thiệp ra xem. Một màn đêm trong trẻo đầy sao, bình nguyên xanh thẳm lùi lại sau con đường đất lầy lội khấp khểnh. Trên con đường ấy đi đơn độc một chiếc xe trâu. Đúng hơn là một đám rước đèn ông sao. Cậu bé ngồi trên mình trâu cầm một chiếc đèn ông sao. Trên chiếc xe hai bánh thô sơ được con trâu có cặp sừng rất rộng kéo đi có một người đàn bà bế một đứa bé không rõ mặt cũng cầm một chiếc đèn ông sao, hai đứa bé lớn hơn đứng cạnh trong xe, tất cả đều đội nón, mặt quay về hướng trực diện của bức tranh. Cả người, cả nón cả đèn ông sao đều như được dát bạc bởi ánh trăng. Thật buồn và thật đẹp. Bức tranh được một hoạ sĩ nước ngoài vẽ vào năm 1942. Lời đề từ của tấm thiệp thì rõ ràng là mới đây: For the well-being of the world’s children - (Vì hạnh phúc của trẻ em trên toàn thế giới). Chị An than rằng lâu lắm rồi, không biết từ bao giờ nữa, chị không được đi dưới ánh trăng. Và tối ấy, chị tắt máy điều hoà, gác điện thoại, mở tung cửa sổ phòng và lên giường ngủ sớm. Không quen ngủ sớm mà lại không có máy điều hoà nên Hoài trằn trọc mãi. Phải rồi, chị An thèm được đi dưới trăng, còn Hoài thì bỗng nhớ lại ngày còn bé buổi tối có trăng hay chân trần chạy trên những bờ ruộng đẫm sương vợt châu chấu về rang. Vào khoảng đầu tháng Tám Âm lịch, lúa chuẩn bị lên đòng là hay có nhiều châu chấu non. Có những buổi tối Hoài và thằng út vợt được hơn lưng giỏ. Vậy mà nhà đông, rang lên cũng chỉ ăn một bữa là hết. Bây giờ thì vĩnh viễn không có cảnh ấy nữa rồi. Những lần về thăm nhà, buổi tối Hoài một là ngồi ở nhà, hai là phóng xe máy xuống phố thị chơi, chứ ai mà dám ra đến bờ ruộng, dây kẽm bẫy chuột giăng đầy. Đã không ít người bị điện giật chết oan. Châu chấu thì cũng chẳng còn nhiều vì thuốc trừ sâu, vả lại, bây giờ đời sống cao, ai mà còn ăn châu chấu rang nữa. Nói ra thiên hạ cười chết. Hoài bật chiếc đèn xinh xắn gắn bên tường và lấy trên kệ sách xuống một tập san Phụ nữ số mới nhất. Những cô gái xinh đẹp đang nhìn Hoài từ bìa tập san trông xa lạ như thể họ không phải là người Việt Nam. Hoài cầm tập san trên tay mà không thể mở nổi một trang, trong đầu bỗng lung bung lời hẹn của bạn trai hẹn đi biển xa cuối tuần. Mà hôm nay thì mới là thứ ba. Thôi đi ngủ mai còn dậy sớm. Hoài nhìn sang giường bên. Trong bóng tối mờ mờ, cái dáng nằm của chị An thật thoải mái, một tay dang rộng tận mép giường, tay kia ôm hờ chiếc gối. Thân hình chị ẩn hiện sau chiếc váy ngủ bằng vải lanh mỏng lồ lộ vẻ thanh tân, non trẻ như một cô bé gái, và quen thuộc tới mức không hiểu sao cô muốn ôm ghì lấy chị. Cả gương mặt chị trong giấc ngủ cũng vậy. Nó có vẻ gì yếu ớt, ngây thơ khiến người ta phải ngạc nhiên là sao một cô gái đã ngoài ba mươi tuổi rồi còn có dáng vẻ như vậy. Cô nhổm dậy nhìn chị thật kỹ và nhớ lại má có lần bảo cô rằng, những người ngủ hay dang thẳng hai tay là người sướng. Nhưng thật ra thế nào là sướng, thế nào là khổ, Hoài cũng không biết nữa. Với cô thì mọi chuyện đều đơn giản, nhưng chị An thì luôn có những tiếp nhận rất lạ, thành ra Hoài không dám chắc là trong thâm tâm chị thấy mình sướng hay khổ. Nhưng mà thôi, nghĩ rành rọt về điều đó làm gì. Bỗng dưng Hoài muốn lấy một sợi tóc cù vào chiếc cổ thanh tú trắng mờ đang phập phồng theo hơi thở nhẹ kia, để được nghe tiếng cười trong trẻo, giòn giã của chị. Cuối cùng giấc ngủ cũng đến dần, mệt mỏi mà ngọt ngào đến kỳ lạ. Cô mơ thấy một ngày thật ít công văn đến và đi, các sếp không cáu gắt, chim hót trên cây ngọc lan ngoài ô cửa của văn phòng, nắng thì chạy dài trong sân trụ sở công ty. Cô thấy chị Hoài duyên dáng trong bộ áo dài màu đỏ sẫm, tươi cười bước ra từ phòng làm việc của tổ phiên dịch. Cô tin chắc là ngày hôm nay với chị cũng được yên ổn, không có bản dịch nào gấp gáp, không có ai gây chuyện với tổ phiên dịch, và không có những câu chữ “khủng khiếp” nào trong những văn bản giấy tờ làm chị phải chau đôi mày của mình lại.