Mỗi lần trở gió, cơn váng đầu lại dày vò tôi... trong miên man tôi như là người mộng du lang thang vào một cõi chật chội những kỷ niệm. Quá khứ mỏi mệt và giãy giụa ấy cứ vò xé tôi ra rồi lại đẩy tôi về xa lắc...
Ký ức lao xao tiếng gọi, tiếng cười, tiếng ríu ran của loại chim ri ri vang lên xao xác. Muôn cặp mắt lá hé mở. Thoảng mơ hồ tiếng thì thầm truyền nhau tan ra "Thùy... ơi!...". Tôi bật dậy. Mồ hôi nhồn nhột dọc sống lưng. "Chú Kha đâu rồi?". Tôi ngơ ngác. Chợt có tiếng sột soạt ngoài cửa. Rồi tiếng quát nhẹ: "Các cậu có để cho người ta nghỉ ngơi một tí". Một người đàn ông đậm chắc đi qua, gương mặt trông dữ tợn và quắc thước. Ông Đảo trưởng.
Biển chói chang. Gió chao chác thổi hắt vị muối biển đầy lồng ngực. Lưỡi tôi mặn khát cố ngoi ngóp đơm đớp chút không khí khô khan nóng hực song hơi thở cứ chợt bật ra. Tôi ngao ngán: "Chắc đảo này hiếm cây xanh rồi". Lại có tiếng rậm rịch chen nhau ở ngoài cửa. Tiếng thì thào, tiếng cười lích rích. Tiếng hối thúc đùn đẩy nhau. Một vài gương mặt thập thò. Lính đảo. Tiếng gõ rụt rè vào cánh cửa đã mở toang, một giọng lí nhí: "Có ai ở nhà không?". Tiếng thập thình rộ lên: "Hỏi gì mà ngốc, để tao". Cái đầu trọc thò vào thản nhiên: "Anh Hùng có nhà không đấy?". Tôi choàng dậy. Gương mặt ngẩn ra bối rối: "Xin lỗi" rồi biến mất. Lại rúc rích thì thào: "Mày vào đi... cứ vào... nhìn thật kỹ nhé...". Một gương mặt bầm bậm thò vào cất giọng hồn nhiên: "Thủ trưởng ơi, em xin tí lửa". Tiếng xô đẩy phía sau: "Gan cóc tía đâu, ngồi chơi đại một lúc... sợ cóc gì...". Tôi lắc đầu cười. Anh chàng hé mắt nhìn tôi, bần thần mất một lúc lâu rồi nhoẻn miệng cười: "Cô là phóng viên ạ?". "Vâng".
"Mời ngồi". "Sợ Đảo trưởng lắm". Hắn nhún vai chun mũi phô hàm răng trắng toát rồi vội vã chui ra khỏi nhà mất tăm dạng sau cánh cửa. Tiếng cười rộ lên ở phía những mỏm đá lô nhô. Tiếng hỏi nhau líu ríu "Thế nào nhìn kỹ chưa?". "Chuyện" - "Đẹp không?". "Hừm". "Thế nào?" "Trẻ". "Tao hỏi có đẹp không?". "Bí mật". "Mày ích kỷ thế?". "Ai bảo mày nhát như cáy". Đột nhiên tiếng thì thào im bặt. Những bước chân chạy rộn... xa dần... chú Kha hiện ra ở cửa nháy mắt thật vui...
Hầu như chúng tôi chỉ gặp nhau vào cuối ngày. Phút đoàn tụ hiếm hoi ấy anh dành cho tôi nhiều thứ lắm. Bao giờ cũng vậy, anh hôn lên trán lên mắt tôi và bắt đầu những câu chuyện công sở. Đại loại: "Chiều nay anh nhận mười lăm đơn thư khiếu nại đòi chế độ thương binh trợ cấp. Hết khổ. Sao mà chết lắm, tàn phế lắm thế? Đã đành là chiến tranh nhưng cũng lắm kẻ cơ hội. Cứ như cuộc chiến tranh đã đi qua phàm là người lính ai cũng có quyền đòi hỏi...".
Tôi lặng yên... mà biết nói gì. Dĩ vãng ào ạt chảy trong trái tim nhạy cảm. Tôi chẳng thể, về cậu lính trẻ của tôi ư? Không bao giờ, bởi thế chắc chắn anh sẽ chồm lên: "Em làm sao thế?". Tôi chẳng làm sao cả. Tôi thành đàn bà rồi, trao cho anh một thời thiếu nữ trắng trong. Với anh, thế là đủ.
... Không lời đề tặng, trên bậu cửa phòng tôi đã để sẵn một bó mua dại trắng và chuỗi vòng ốc biển. Tôi hào hứng. Những con ốc trắng tinh, bé xíu kêu lách tách trên cổ tôi rộn ràng. Nắng dịu, gió biển bắt đầu chở vị mát tê vào đảo, những cánh mua trong ánh chiều chợt sáng long lanh. "Thùy ơi... anh không xứng đáng là biển xanh...". Tôi chững lại. Có gì đó rất đáng ngờ ở phía sau những tảng đá. Nhìn kỹ, thấy lấp lánh giữa kẽ đá là những đôi mắt non. Xấu hổ, tôi chạy biến... "Thùy đừng đi xa nghe con. Đảo này hoang vu lắm". Chú Kha dặn dò. Tôi nhướng cổ: "Không ạ! Con đi làm thơ, con muốn tối nay gặp gỡ những người lính. Con đọc thật nhiều thơ tặng họ". "ừ, đi nhanh rồi còn về..."
... Anh hỏi "Tại sao em ít viết về người lính thế?". Tôi nói "Ngại quá chẳng biết viết như thế nào cả". Anh vuốt ve tay tôi: "Đừng em. Viết đi, quá khứ hào hùng như vậy sao lại không cảm xúc. Đừng nghĩ đâu đâu, nếu em viết về chiến tranh, về những người lính em sẽ nổi tiếng đấy". Tôi cười: "Sao anh không đi bộ đội?" Anh bảo: "Bận học". "Thế à?". "Họ cử đi". "Sao họ thiên vị anh thế?". Anh cười "Thuộc diện chính sách mà lỵ". Có lẽ giữa tôi và anh khoảng cách cứ đầy lên mãi là vì thế. Nhiều lúc tôi tự hỏi có phải là tôi và anh đang hạnh phúc? Hay chuyện đó chưa từng xảy ra? Hay bây giờ lắm tuổi rồi tôi đâm ra lẩn thẩn! Chỉ biết, tôi đến với anh bình yên như con thuyền cần một bến trú. Ngày ấy, tôi thấy mình thanh thản.
... Lối đi ấy nhỏ và ngoằn ngoèo vắt cheo leo qua những tảng đá. Chiều buông thứ ánh sáng óng ả. Đảo Cồn đỡ nóng. Lác đác một vài bông mua nở chen nhau trên đá. Tôi quỳ xuống, khỏa vào lòng những bông mua dại. Biển yên ả hơn. Ngoài xa kia chắc là những con sóng đang bò cồn cào bên những vách đá. Tôi mỉm cười... lối đi nhỏ dần... tôi hì hụi bò, bỏ lại sau lưng đại dương mênh mông, trại lính và những căn nhà khô cong với một hòn đảo nóng rẫy những đá. Một vài bụi cây loằng ngoằng lúp xúp hiện ra, loại cây gì thân không thấy, lá không thấy chỉ thấy những bộ rễ đâm xòe, đan vào nhau rồi tõe như một lũ rắn. Phía sâu dưới những rễ cây kỳ lạ ấy có một hồ nước trong vắt.
... Để nguyên quần áo lót, tôi nhảy ùm xuống nước. Nhắm nghiền mắt lại rồi lẩn thẩn: "Biết đâu mình sẽ hóa thành cô tiên và bay thẳng lên trời? Chú Kha và hết thảy những người lính đảo sẽ tha hồ tìm kiếm nuối tiếc và truyền tụng nhau về câu chuyện cô gái mười tám tuổi hóa tiên ở hồ này". Tôi lắc đầu cười vang và tò mò ngắm bầu vú trinh nữ của mình.
Có tiếng sột soạt, cái gì loay hoay phía sau tảng đá. Thôi chết rồi. Tai họa? Có thể là hổ. Hay một con trăn? Đúng rồi. "Ma", tôi lập cập nhảy lên bờ, lập bập tìm quần áo. Không kịp nữa rồi. Tôi hét. Một gương mặt đàn ông non choẹt hiện ra. Một cậu lính. Hắn trạc tuổi hoặc hơn tôi một chút. Thoạt đầu cả tôi và hắn không ai định thần nổi tại sao lại có sự gặp gỡ lạ lùng này. Hắn giương mắt nhìn tôi ngạc nhiên. Hai tay ôm lấy ngực, tôi hốt hoảng la lên: "Anh đi đi! Tôi đang tắm mà. Anh đi đi! Không biết tôi là phụ nữ hả? Tôi đang tắm, anh hiểu không?". Hắn cứ thế, đứng như trời trồng, mặt mũi ngây ra kinh hoàng, trong tay cầm bó mua rừng. Trán lấm tấm mồ hôi, vành tai đỏ ửng lên, đỏ lan cả má, cổ. Tôi bắt đầu khóc, cái lưỡi cứng lại vì sợ. Vớ lấy quần áo ôm khư khư trước ngực, miệng la hét kinh hoảng: "Anh điên hả! Tránh ra cho tôi đi! Đồ không biết xấu hổ". Hắn lùi lại một chút, trên tay hắn những bông mua rừng lả đi lác đác rơi xuống đá. Tôi thấy hắn lẩm bẩm, hắn tiến về phía tôi, bước chân cuống quýt vướng víu. Một khuôn mặt sạm đen hai má hắn ửng đỏ bởi vô số những mụn cá. Duy chỉ có đôi mắt thán phục đến đờ đẫn. Không kịp mặc quần áo, tôi lao chạy thục mạng: "Cứu tôi, cứu tôi với". Hắn ngã chững xuống mép đá, mặt ngây nhìn. Rồi đột nhiên, hắn lồm cồm bò dậy lao chạy đuổi theo.
Chỉ có một lối đi nhỏ cheo leo. Tôi bò trước, hắn bò sau. Mồ hôi hai đứa rỏ tong tong trên đá. Tôi nhảy chồm chồm miệng la hét. Tiếng gọi run rẩy méo mó của tôi rơi tõm vào không gian mênh mông và tiếng vọng của những con sóng. Vừa trườn, vừa quay đầu lại, thấy hắn mỗi lúc một gần hơn. Tôi càng khóc to, khóc ầm nhằm át đi nỗi sợ, hy vọng hắn sẽ mủi lòng. Sẽ tỉnh ngộ. Ai đó sẽ nghe và đến cứu. Nhưng không. Hắn vẫn lầm lũi đuổi. Hắn gọi tôi ríu rít, hốt hoảng. Cả hai đều mệt nhoài... loáng thoáng tiếng kêu: "Đừng sợ, đừng chạy, ngã... ngã... nguy hiểm". Tôi không nhớ, không biết, không nghe. Lúc ấy không hiểu sao chúng tôi không ngã đầu đập vào đá hay lăn xuống vực thẳm biển mà chết. Trong mơ hồ thẳm sâu ký ức. Gương mặt chú Kha hiện ra lo lắng xót thương. Gương mặt người Đảo trưởng quằn lại, hung dữ, u uất. Tôi chỉ tay về phía hắn. Anh lính trẻ vẫn còn đứng đó với gương mặt ngây dại. Tôi thều thào: "Hắn... hắn... hắn!". Rồi lả đi...
Hôm nọ anh về và khoe. "Hai năm nay bọn anh xây được sáu mươi lăm ngôi nhà tình nghĩa, chi phí 870 triệu đồng". Tôi hỏi anh "Sao xây nhiều thế?". Anh mắng tôi: "Phải làm nhanh làm nhiều để kịp đền bù cho họ những mất mát thiệt thòi. Chiến tranh qua lâu rồi, nỗi đau thì vẫn dai dẳng. Anh đang định trong năm tới sẽ xây hết để tất cả các mẹ liệt sĩ đều có nhà tình nghĩa". Rồi anh cật vấn: "Mà em làm sao nhỉ?" Ba mươi lăm tuổi rồi chưa kết nạp Đảng nghĩa là sao. Không ổn đâu, em phải phấn đấu đi chứ". Tôi kêu đau đầu. Anh hốt hoảng: "Em nghỉ đi, khổ, lại đau đầu, em làm sao mà lại cứ xanh xao lên thế. Thôi, em nằm đi, anh còn phải rà soát lại danh sách những bà mẹ anh hùng để còn kịp phong danh hiệu đợt này nữa. Suốt ngày công việc muốn đứt hơi". Tôi rã rời...
Đêm thơ ấy chú Kha dỗ dành mãi tôi mới tham gia. Cả hai ngày liền khóc hết nước mắt. Môi tôi mọng tròn và gương mặt ắp ứ những nước. Trăng đầu tháng nhợt nhạt. Những người lính ngồi quây quần bên tôi. Đầu họ gục xuống, mỗi người một cái bóng âm thầm. Họ không dám ngước nhìn tôi. Họ sợ bắt gặp ở mắt tôi những điều gì đó, với họ thật khủng khiếp. Không khí bao quanh u uất và lặng lẽ. Thi thoảng lén những tiếng thở dài. Ngoài kia, sóng đập ầm ầm vào đá. Sóng trào bọt. Biển thẫm đen, không gian chung quanh một màu đặc quánh. Tất cả bỗng dưng ngột ngạt nặng nề. Một mình chú Kha hát, đọc thơ, pha trò, nói tếu táo vui nhộn mà rồi chẳng ai để ý, chẳng ai hưởng ứng. Không khí căng thẳng. Thời gian nhích dần từng tí một. Tôi - những người lính không ai nói với ai một lời. Thế rồi, dường như không chịu nổi, ông Đảo trưởng đứng dậy, ông hùng hồn tuyên bố, hùng hồn trình bày một vấn đề gì đó rồi ông thay mặt đồng đội những người lính đảo xin lỗi tôi. Tôi không muốn nhớ... Không muốn nghe. Tôi ngồi lặng phắc với trái tim bầm dập tổn thương, lòng đớn đau tê dại. Không một lời nói, không một giải thích, tôi co mình lại rúm ró như một con ốc sắp bị vỡ nát. Đêm ấy, lẽ ra tôi phải đọc thơ cho những người lính nghe, nói chuyện với họ, an ủi họ để vơi bớt nỗi nhớ xa quê thì tôi lại không thể nhắc nổi mình thoát khỏi vực thẳm đen ngòm đầy mặc cảm và tủi hổ. Tôi mệt lả, khô khốc. Không còn khóc được nữa. Những người lính ngồi đấy, bóng họ đổ dài trên những tảng đá. Còn tôi ngồi đây khổ đau bẽ bàng. Cái con bé Thùy lúc ấy không đủ lớn đủ sức để hiểu để phán xét hay cắt nghĩa rành mạch điều gì. Chuyện xảy ra với nó hôm nay nằm ngoài sức tưởng tượng. Nó không đủ từng trải, đủ bình tĩnh để hiểu thực ra đã xảy ra điều gì? Lâu lâu sau... có một ai đó cất tiếng hát. Tiếng hát nhỏ, run run như tiếng nấc. Rồi tiếng hát im bặt, tiếng khóc vỡ oà. Lúc này tất cả những người lính quàng vai nhau hát. Họ vừa hát vừa khóc. Tiếng nức nở cứ thế đầy lên. Tôi thì không. Tôi ngồi đó, hồn tràn ngập cảm giác mất mát trống rỗng đến tận cùng. Thế mà hôm nọ tôi cứ nói mãi với chú Kha: "Chú ơi, cháu sợ ra với lính đảo cháu khóc mất, làm sao để đọc được thơ, hát tặng họ mà không khóc hả chú? Cháu thương quá, những người lính xa nhà dễ chừng từ hai đến tám năm rồi không thấy mặt người thân". Thế mà...
... Tối hôm ấy anh về nhà mặt khó đăm đăm. Tôi gạn hỏi, anh trả lời: "Khó nghĩ quá! ở xã X có một trường hợp bà mẹ không chồng có một con trai độc nhất đi lính những năm bảy mươi đến nay không thấy trở về. Bà mẹ hỏi mãi nhưng đơn vị cũ đã lưu lạc đâu không rõ. Chỉ thấy trên Bộ người ta báo về cái tin: "Mất tích không rõ lý do". Bà mẹ ấy bây giờ không nơi nương tựa. Xã ta đề nghị xây cho bà ngôi nhà tình nghĩa nhưng anh xét thấy không được". Tôi chồm lên: "Sao thế?". Anh trầm ngâm: "ở cương vị anh không thể quyết định hồ đồ được. Biết anh chàng kia hy sinh hay đào ngũ không chừng lại vượt biên rồi. Vả lại, thành phần không rõ lý lịch. Mình làm không đúng ai người ta nghe, rồi xã hội có mà loạn". Tôi hét: "Anh tàn nhẫn quá". Rồi ôm mặt chạy ra cửa. Tại sao anh khắt khe chính xác và lạnh lùng đến vậy. Trong chiến tranh có phải mất mát nào cũng rõ ràng? Mà sự mất mát này có thể đền bù được gì và có dễ gì sẻ chia bù đắp nổi.
Tôi nằng nặc đòi về đất liền sớm hơn dự định. Tất cả lính đảo đến đưa tiễn, họ không dám nắm lấy tay tôi. Họ sợ nếu đụng vào tôi thêm chút nữa họ sẽ làm vụn vỡ đi chút còn lại của họ trong đôi mắt lạnh lùng vô cảm của tôi. Họ không dám tặng tôi hay kỷ niệm tôi chút quà biển. Tôi biết họ sợ tôi không nhận. Sự từ chối này sẽ làm đau thêm những trái tim người lính. Vậy mà khi lên thuyền, vẫn phát hiện ra có ai đó đã bỏ vào ba lô tôi những xâu vòng ốc biển nhánh san hô và bó hoa mua rừng. Lúc đấy, chờ cho tàu đi khuất khỏi tầm tay vẫy tôi giận dỗi ném tất cả chúng xuống biển và vò nát bó hoa rừng. Tôi trả cho đại dương mênh mông chuyến đi không may mắn. Trả cho biển hòn đảo chết tiệt ấy và nhận về tôi giọt nước mắt mặn chát đầu tiên của tuổi đời mười tám trong trẻo. Để rồi, biết bao năm trôi qua tôi dị ứng với một người đàn ông, những người có gương mặt sạm đen và má nổi đầy mụn cá.
... Khi hiểu đời hơn một chút và biết cắt nghĩa mọi chuyện thì quá khứ đã trôi vào xa lẵc. Dĩ vãng của người đàn bà thường nặng nề và nỗi đau này thì không thể tỏ bày sẻ chia. Bao nhiêu năm rồi tôi sống trong ám ảnh khắc khoải, tự hỏi tại sao tôi và người lính trẻ kia lại phải trả giá cho nhau nhiều đến thế. Dằng dặc chuỗi ngày làm đàn bà tôi thường mơ những giấc mơ mộng mị về người lính trẻ.
Chiều muộn. Tôi gặp lại chú Kha trên cái sân rụng đầy lá xà cừ của bệnh viện. Chú Kha đột nhiên hỏi: "Thùy ơi, mười bảy năm qua cháu có ra đảo Cồn lần nào nữa không? Có gặp lại thằng Hòa, cái thằng rình xem con gái tắm ấy?". Thực ra, nó ra nó hái hoa mua trắng để tặng cháu đấy thôi. Tình cờ gặp cháu tắm. Nó hoảng quá. Cháu lại càng hoảng hốt hơn nên mới sinh chuyện... Nước mắt tôi rơi chan hòa trên má. "Tội nghiệp! Thằng bé không bị kỷ luật gì đâu. Cậu Đảo trưởng cũng thật tốt và hiểu rõ mọi chuyện. Nhưng khốn khổ, lúc ấy cả đảo đã ồn ã lên cái tin: "Thằng Hòa cưỡng dâm đứa con gái mười tám tuổi". Nước mắt tôi ràn rụa... "Sau cái tin ồn ã ấy không một ai thèm nói chuyện với nó nữa. Những người lính đồng đội không hề oán thán, trách móc hay xỉ vả nó một lời, thà họ chửi mắng nó còn hơn. Họ lặng im, coi như không có chuyện gì xảy ra, cũng như không hề có nó". Vai tôi run bần bật......
Con đường ấy giờ đây đã được làm lại đỡ cheo leo hơn. Cái lối ra phía bờ hồ hoa mua vẫn nở bạt ngàn chen kín một mầu trắng trong tinh khiết. Nhưng hồ nước thì đã cạn. Tôi nhìn thấy lòng hồ trống hoác rạn nứt từng vệt lớn thăm thẳm. Anh lính trẻ đưa tôi một tập báo cáo thành tích dày cộm rồi líu ríu kể: "Chỉ có ở đây hoa mua nở nhiều nhất. Mỗi lần có ai ra thăm lính đảo, bọn em thường ra đây hái hoa?" Tôi lơ đãng...
Tại sao tôi lại khóc nhiều đến thế? Nước mắt thì có thay đổi được gì! Có còn ai biết và nhớ tới người lính trẻ mà tôi đi tìm. Ông Đảo trưởng cũ đã về đất liền. Người mới đến thì không rõ chuyện. Những người lính cũ đã xuất ngũ. Những người lính mới không một ai biết về Hòa. Hòa ơi! Bây giờ bạn ở đâu?
Tôi ngồi lặng yên. Bóng chiều đổ xuống hai vai khóc muộn màng. Phía sau kia những dãy nhà xây khang trang, các anh lính trẻ đang thi nhau cười đùa và bóc thư từ của bạn tứ phương gửi về. Một nhóm lính đang chơi thể thao. Một vài người hát Karaoke. ở đây có hẳn một giàn nhạc điện tử để người lính sinh hoạt văn nghệ. Một vài người có điện thoại réo nhau cười vang. Những người lính đảo này đang rất trẻ. Nước da mầu đồng hun của họ bóng lên dưới nắng trời.
Họ vẫn hồn nhiên cười đùa. Nhưng có một điều, họ không biết, không một ai biết. Cách đây hai mươi năm tôi đã từng đến đây, một lần, cái thuở tôi mười tám tuổi?

Xem Tiếp: ----