Trong lịch sử Việt Nam, hiếm có ai từng giữ chức Thượng thư ở ba bộ như Tiến sĩ Nguyễn Quang Nhuận (1678 - 1758). ở cương vị nào, ông cũng đều tận tâm, tận lực làm tốt công việc, được sử sách khen ngợi. Nguyễn Quang Nhuận (1678 - 1758) quê ở xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Khoa thi năm Quý Mùi, niên hiệu Chính Hòa 24 (1703), đời vua Lê Hy Tông, ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Thời Lê Hy Tông được đánh giá là thời thanh bình, kỷ cương được chấn hưng, phép tắc được tôn trọng. Nhà vua được Tây vương Trịnh Tạc phò lên ngôi cao lúc mới 13 tuổi. Nhờ vào Chúa và cơ nghiệp có sẵn, nhà vua được an nhàn ngồi trên ngôi báu. Năm 1723, ông được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh, ông đã làm tròn trách phận. Rồi ông được thăng chức Tham tụng, Hộ bộ Thượng thư, tước Mỹ Xuyên hầu. Là một vị quan cương trực, tài năng, ông được giao chức Phó Đô ngự sử, chịu trách nhiệm thanh tra những công vụ, những sự cố nơi triều đình cũng như nơi thôn hương vùng biên ải. Gánh trên vai chức Phó Đô ngự sử, ông chịu đi, chịu nghe, việc gì cũng tìm hiểu đến ngọn ngành, phân tích phải trái, rút ra những kết luận xác đáng. Đã thanh tra là phải công tâm, muốn thế, lòng phải sáng, trí phải đầy, tài phải đủ, không chịu một sức ép nào, không "hạ mình" trước một cám dỗ nào. Với chức này, Tiến sĩ Nguyễn Quang Nhuận đã bảo đảm công vụ rất xuất sắc, được (Triệu Quận công) thăng Tả thị lang bộ Hình, tước Triệu Quận công. Sau đó, ông được chuyển sang Tả thị lang bộ Binh. Bước đường danh vọng của ông tiến sĩ họ Nguyễn này không dừng lại ở đây. Năm Quý Sửu (1733), ông được thăng Thượng thư bộ Công, năm 1734 lại chuyển sang làm Thượng thư bộ Lễ. Rồi ông lại được thăng chức Tham tụng, hàm Thiếu phó. Năm 1741, ông kiêm chức Đốc đồng Kinh Bắc. Vùng Kinh Bắc xưa còn nhiều rừng rậm. Tư liệu xưa cho hay: thời vua Lê - chúa Trịnh ở đây có bọn giặc cướp khiến cho mọi người lo lắng, sợ hãi. Giữ chức Đốc đồng, ông đã cùng các đồng sự xuống đến tận cơ sở tìm hiểu tình hình để rồi định ra biện pháp hữu hiệu làm cho nơi địa bàn "nóng" này trở lại không khí thanh bình. Triều đình đã xác nhận các công lớn của ông trong việc làm bình ổn đời sống của chúng dân nơi này. Năm 1742, ông được về trí sĩ. Năm này ông đã vào tuổi 65. Nhưng nghỉ chưa được lâu, chúa Trịnh Doanh lại triệu ông ra gánh vác công vụ mới. Đã vào tuổi "cổ lai hy" rồi, nhưng ông còn minh mẫn gánh vác việc quốc gia. Cái đức rất sáng của ông: thanh liêm, chính trực, cương nghị, khoan dung, khiến cả triều đình mến phục, kính nể. Rồi ông được thăng chức Đại tư không. Đời ông, từ khi đỗ tiến sĩ năm 1703 cho đến khi về trí sĩ lần thứ hai và tạ thế vào năm 1758, thọ 87 tuổi, ông đã phục vụ cho triều Lê - Trịnh khoảng 50 năm có lẻ. Có lẽ, có ít vị quan nào giữ đến ba chức Thượng thư, từng là Đô ngự sử và Đốc trấn, trải qua chức tham tụng và Đại Tư Không tước Hầu rồi lên tước Công lại phục vụ những năm, sáu đời vua như ông. Một đời làm quan, nêu gương sáng cho nhiều đời sau, Tiến sĩ Nguyễn Quang Nhuận là một vị Thượng thư, một vị Đô ngự sử đáng kính phục vậy. Tạ Hữu