Bầu Lòng là một làng nhỏ ở về hướng Bắc Sài Gòn lối 80 cây số, trước kia thuộc Tỉnh THỦ DẦU MỘT (Bình Dương), rồi thuộc Tỉnh Bình Long.(nay Sông Bé. S.N.) Từ Sài Gòn lên Bầu Lòng phải theo Quốc lộ 13, qua Lái Thiêu, Bình Dương, Bến Cát, Lai Khê, Bến Đồng Sổ, Bầu Bàng rồi Bầu Lòng đến Chơn Thành, Hớn Quản v.v... Bắt đầu từ Bến Cát trở lên ta thấy rất nhiều cao su mà trước kia người Pháp mộ dân phá rừng để trồng, lấy gốc cao su thay cây rừng thì chúng ta cũng tưởng tượng rừng Bầu Lòng ngày xưa trông lớn bực nào? Từ năm 1898 người Pháp bắt đầu áp đặt chế độ cai trị đến miền rừng thiêng nước độc nầy và cũng gấm ghé phá rừng. Thuở ấy dân cư còn thưa thớt, mỗi làng không nhiều hơn 30 nóc gia nhưng họ cũng thành lập Ban Hội Tề như những làng khác. Việc phá rừng lập nghiệp của người dân quê thật là thiên nan vạn nan. Họ rủ nhau đi khẩn hoang, họ đem cả gia đình tài sản đến một vùng nào đó. Khởi sự họ đốn cây cất nhà gần nhau rồi phá rừng, đốt rẫy và khởi sự tỉa lúa trồng khoai. Sau vài mùa, coi bộ yên nơi yên chỗ, họ mới công cử vài người lớn tuổi có uy tín về Tỉnh xin lập làng, lập ấp và họ được thỏa mãn ngay. Những gia đình khẩn hoang nầy phần đông đều giống nhau. Họ có ít lắm cũng một đôi Trâu hay Bò, một cái xe BO và một vài gia súc khác để nuôi gây giống. Người gia trưởng đen đúa, nhưng bậm trợn, sức vóc mạnh mẽ, một bà vợ mộc mạc quê mùa nhưng chí thú làm ăn, vài đứa con ngây ngô ốm đói... Họ sống đơn giản, tận lực khai phá, để sống ấm no, bất chấp cả rừng thiêng nước độc. Sau vài ba mùa, đời sống của họ tạm đủ với gạo đỏ, củ khoai, ngoài việc sự lập làng lập ấp, họ cũng không quên tín ngưỡng riêng, lập một ngôi đình và một cảnh chùa như bao nhiêu làng khác. Lần lần xuất đinh trong làng tăng thêm, đôi khi nhiều nguời xứ khác đến xin với Ban Hội Tề để nhập dịch. Ngoài việc đồng áng, thú vui của người dân là rủ nhau đi săn chồn đuổi thỏ với bầy chó cỏ, con nào con ấy chỉ bằng bắp chơn, nhưng đánh hơi rất tài, chạy theo con thịt rất bền và dai như đỉa đói. Trẻ nhỏ thì cùng nhau rấp rào đánh lưới thỏ hay gài bẫy bắt chim, đuổi cút. Những đêm trăng họ tề tựu lại sân đình, nhà việc hay nhà Ông Hương Cả, Hương Chủ để bày với nhau những trò giải trí lành mạnh, không kém phần hào hứng. Người lớn thì đẩy cây, kéo tay, bẻ chơn, giã gạo thi hay thực tế hơn là học võ để giữ mình. Trẻ nhỏ thì chơi những trò nhộn hơn như: U-U bắt Mọi, Nhảy Chan-Chán-Chậu, tập Chuồng-Chuồng hay Bịt mù khỏû lon, những trò giải trí mà người lớn trẻ con đều ưa thích. Ngày Kỳ Yên, Kỳ Bông hay những rằm lớn còn vui hơn nữa, người người đều nô nức dự lễ với niềm tin tưởng nhiệt thành. Làng Bầu-Lòng với tương lai đầy hứa hẹn... Ngày mai sung mãn phì nhiêu. Cọp về làngSuốt một tháng qua, dân làng Bầu Lòng bị một cơn đe dọa trầm trọng. Nguyên do là có cọp về làng quấy nhiễu. Không phải là cọp mới về làng lần nầy là lần đầu tiên đâu, nhưng mấy lần trước, cọp về bắt chó, bò, heo rồi đi mất, hoặc bị dân làng xua đuổi bằng tên tẩm thuốc, chó săn, mõ tre, thùng thiếc, khiến cho mấy Ông BA-MƯƠI nhận thấy dân làng tiếp rước không được thân mật, hoặc hoảng sợ mà bỏ đi. Lần nầy, cọp về làng phá nhiều hơn trước. Mỗi đêm mỗi bắt bò, chó, heo hoặc trâu nghé mang đi, mặc cho mõ tre thùng thiếc khua chát óc, cọp cũng không bỏ mồi. Mấy ông thợ săn rình rập suốt đêm nầy qua đêm khác, để rồi khi gặp không dám bắn mũi tên nào vì Ông BA MƯƠI to sầm sầm vừa thấy là kinh khủng rồi. Còn mấy chú chó săn tối đến là chui xuống gầm giường không sủa được một tiếng cho ra hồn, có chăng thì chỉ rên ư ử... Lần lần cọp khủng bố dân làng cả ban ngày chớ không chờ đến ban đêm nữa. Muốn ra đồng làm lụng, họ chờ mặt trời lên cao hơn một sào rồi hú nhau ra hiệu để gom lại mà đi chung, mỗi người ngoài dụng cụ của mình cũng không quên đem theo khí giới hộ thân như lao, mác thông, lưỡi đồng hay roi trường, còn đàn bà thì cả mõ tre, thùng thiếc. Lần nọ, cọp toan bắt trâu ở Gò Đậu cách làng không xa quá 200 thước nhưng nhờ con trâu phát cổ của ông Hương Sư chống cự kịch liệt thêm mấy con trâu cái có con đến vây chém tiếp làm cho Chúa Sơn Lâm rống lên vài tiếng thật to rồi chạy dài không dám bắt trâu nữa. Từ đó người ta xem con trâu Pháo của ông Hương Sư như con vật quí, bao nhiêu trâu bò gom lại một nơi để cho con trâu Pháo cầm bầy. Khổ nhứt là toán người đi kéo củi thì không làm ăn gì được. Bò mà nghe hơi cọp thì mang xe chạy trối chết, bất kể hầm hố chông gai, xe gãy tan tành, bò chạy mất, còn chủ thì không bưu đầu sứt trán cũng gãy tay. Suốt tháng trường không biết làm cách nào tránh nạn cọp hoành hành mấy ông Hương chức mới bàn nhau xuống Ông Cai Tổng xin lãnh súng về bắn cọp. YÙ kiến của Ông Hương Quản vừa đưa ra được mọi người tán thành ngay và sáng hôm sau Hương Cả và Hương Quản cùng về Tổng, xin thầy Cai cấp súng. Đường về Tổng cũng toàn là rừng rú không chắc là đi yên lành. Họ bèn dùng phương pháp đâm tỏi thoa mũi bò, đồng thời mượn con trâu Pháo của Ông Hương Sư đem theo phòng khi gặp cọp cho nó nghinh chiến và trên xe còn có ba bốn anh lực điền gan dạ cùng mình đem theo khí giới để hộ vệ hai ông Hương Chức. Lãnh súngHai ngày sau, Ông Hương Cả và Hương Quản lãnh súng về làng. Theo thủ tục thì không được lãnh mau lẹ như thế đâu nhưng nhờ Ông Cai Tổng thông cảm nỗi khổ dân của làng mà bảo lãnh giùm, cho nên Chánh Chủ tỉnh mới cấp cho cây súng " ca-lip đuôi " (nòng 12) với 10 viên đạn, mỗi viên tròn, nhồi thuốc súng để bắn ra 9 viên đạn khá nhỏ (chevrotines) để đem về bắn cọp. Dân làng nghe nói lãnh được súng, mừng rỡ vô cùng. Từ đó, ông Hương Quản đi đâu cũng ôm kè kè cây súng một bên, dẫn theo chú Phó Hương Quản và chú Cai Tuần, mỗi người cầm một cây roi trường bóng láng. Dân làng bắt đầu tin tưởng, yên chí làm ăn vì mỗi ngày Ông Hương Quản và hai người hộ vệ đi từ đầu làng đến cuối làng rồi trở lên để canh chừng động tịnh. Ban ngày, họ ra đồng làm lụng, tối đến đóng kín cửa nẻo, nằm yên, nhưng cọp chỉ ngưng hoạt động độ chừng mươi ngày rồi bắt đầu làm dữ trở lại. Dường như có linh tính, hễ Ông Hương Quản xách súng đi đầu làng thì cọp xuất hiện ở cuối làng để bắt heo, bắt chó. Ban đêm, khi Ông Hương Quản đi rông (ronde) về, treo súng lên vách thì tiếng cọp " Cà-um " rền trời. Có một đêm, cọp lại về nhà Ông Hương Quản bắt một con heo, Ông Hương Quản xách súng lên cò, bước ra sân nhìn thấy Ông "Ba Mươi " thì hốt hoảng, thối lui, không dám bắn một tiếng lấy oai, dù là bắn chỉ thiên?đành để cho cọp bắt heo đi mất. Sáng hôm sau, ông tìm Hương Cả, mà báo cáo miệng: - Bẩm Cả, đêm rồi cọp về bắt heo tại... nhà tui. - Sao? Thằng Hương mầy có bắn nó phát nào không? Tao không nghe súng nổ. - Dạ... Dạ... - Không có bắn sao? Bậy quá, sao không bắn nó? - Dạ, nó lớn quá trời quá đất. Tui sợ bắn nó không trúng, nó không chết thì... tui cũng chết. Sau một hồi thảo luận, cả hai đồng ý, cho đánh mõ mời toàn ban hội tề nhóm lại, rồi sau đó Hương chức đồng ý về tỉnh xin Lính Tập về giết cọp. Hôm sau, họ cụ bị lên đường, cũng đâm tỏi thoa mũi bò, cũng trâu Pháo, cũng mác thông và súng... để xin binh tiếp viện. Lần nầy Ông Cai Tổng không còn sốt sắng trong công việc xin lính tập nữa. Sau khi nghe hết những lời thỉnh cầu, ông chỉ cười rồi bảo: - Ối, chuyện dễ ợt hè mà Cả lo quá! Cả và Hương Quản nên về rước thầy nghề võ đánh cho một lần thì cọp tởn tới già chớ có gì đâu mà phải xin lính tập cho rộn chuyện. Làm vậy không sợ Tây nó chê dân mình bất tài sao? Biết không thể lay chuyển ông Cai Tổng được vì ông là người ăn một đọi nói một lời, hai ông Hương chức Bầu Lòng đành trở về và suy gẫm lời ông Cai Tổng bèn rước thầy nghề võ về đánh cọp ; vậy là hữu lý. Ông thầy Gia BẹSau khi dọ hỏi mấy ngày Ông Hương Cả cho người đem lễ vật qua Gia Bẹ (thuộc tỉnh Gia Định) rước thầy nghề võ về Bầu Lòng trừ cọp. Thật vậy, làng Gia Bẹ có ông thầy nghề võ tục gọi Ông Tám rất có tên tuổi. Thưở thiếu thời, ông từng đụng độ với nhiều tay danh sư và luôn luôn ông thủ thắng. Cọp beo ông cũng từng chiến đấu, phần nhiều chúng chịu được vài chục roi là cúp đuôi chạy mất hoặc trúng nhằm chỗ nhược, chết tại chiến trường. Quanh vùng Ông Tám ở, luôn cả làng Gia Bẹ, trộm cướp đều kiêng oai, không hề dám về phá quấy. Mặc dầu tuổi đã ngũ tuần, nhưng ông còn tráng kiện, tay chân gân guốc, đi đứng gọn gàng, sức ăn còn bằng một thanh niên trai tráng. Mỗi ngày ông đều tập dượt và học trò của ông học võ, dù dạy lén, cũng đến mươi người. Khi đoàn sứ giả Bầu Lòng qua tới, Ông Tám tiếp đón rất nồng hậu và không đợi phải " Tam Cố Thảo Lư " như Lưu Bị cầu Gia Cát, ông Tám lật đật cắp roi trường đi liền. Hai ngày sau, dân làng Bầu Lòng lại sống trong rạo rực và tin tưởng ở ông thầy Gia Bẹ. Ông Cả lãnh phần tiếp khách quí. Mọi người đều đến nhìn ngắm ông thầy võ với cặp mắt tò mò và thán phục. Ông Hương Cả và Ban Hội Tề thay nhau chuyện trò với Ông Thầy thật là thân mật. Ông Cả sai con lo cơm nước, bắt gà làm gỏi, mua rượu ngon. Buổi cơm chiều hôm ấy ăn sớm hơn thường lệ và hầu hết Hương chức đều có mặt tại nhà Ông Cả để dự bữa cơm chiều giống như bữa đám giỗ nho nhỏ. Mọi người vui vẻ chuyện trò, nhưng cơm rượu vừa được nửa bữa thì có tiếng la thất thanh đâu đấy. Mọi người buông đũa, nhìn ra sân vừa đúng lúc cọp nhảy vào sân, nhìn vào nhà, mặt to chần vần, vóc cao như con ngựa, thật là khủng khiếp! Mọi người dường như nín thở, im lặng hoàn toàn, tiếng một con ruồi bay qua nghe cũng rõ. Cọp cũng im lặng đứng nhìn hồi lâu rồi ngồi xuống chống tó, quít đuôi, nhìn vào nhà như khiêu khích, như đợi chờ... Và lúc ấy người ta yên lặng và cũng đợi chờ. Họ chờ gì...? Họ chờ đợi việc mới lạ mà họ vừa quên đi trong chốc lát. Đó là chờ ông thầy Gia Bẹ trổ tài. Nhưng chờ mãi hồi lâu không thấy gì lạ, họ nhìn lại thì thấy ông thầy Gia Bẹ ngồi chết trân, mặt xanh như tàu lá, cắt không còn hột máu... trán rịn mồ hôi. Họ hiểu ra và biết rằng ông thầy đã... sợ cọp rồi. Vậy không lẽ để yên chờ cho cọp chụp, nên họ tự động cùng nhau la hét, đánh thùng thiếc mõ tre, những phương tiện tự vệ tiêu cực mà lúc nào cũng có sẵn để đuổi cọp như bao lần khác. Cọp biết mình bị xua đuổi, uể oải đứng lên, vươn vai, rồi chầm chậm bước khoan thai, từng bước từng bước một, còn cà um mấy tiếng như dọa nạt rồi biến vào rừng. Bây giờ mọi người mới hoàn hồn, kể cả ông thầy. Ông thú thiệt: - Trời đất quỉ thần ơi! Cọp nầy lớn quá trời quá đất...Tôi mới thấy lần thứ nhứt. Vừa nói, ông vừa lắc đầu coi bộ buồn xo làm cho mọi người cũng buồn lây. Càng lo sợ, họ càng thương ông thầy võ hơn. Hôm sau, người ta thấy ông Hương Cả cho người đâm tỏi thoa mũi bò, ông Hương Quản vai đeo súng đứng chờ lịnh. - Hương Quản mầy đưa ông thầy về, rồi sẵn trớn mầy xuống luôn dưới thủ, bẩm lại với ông Cai Tổng coi ổng tính làm sao chớ cứ như vầy hoài... đây rồi dân làng bỏ hết công ăn chuyện mần thì có phương chết đói cả lũ. Ông Hương Quản chán nản, cúi đầu vâng lịnh ra đi. Ông Ất, Ông GiáSau khi đưa Ông Thầy về Gia Bẹ, Hương Quản bèn đánh xe bò về Tỉnh rồi thẳng đường về luôn miệt Tân Long Tân Khánh để giáp mặt ông Thầy Cai. Gặp lúc ông Thầy Cai đang nói chuyện với hương chức Hội Tề tại nha việc Tân Khánh. Ông Hương Quản Bầu Lòng mang súng bước vào lột khăn cúi đầu chào. Ông Thầy Cai bèn hỏi: - Sao? Vụ Cọp Hùm trên đó ra sao em Hương? Hương Quản lật đật kể lại tự sự cho Thầy Cai và Ban Hội Tề Tân Khánh nghe. Nghe xong ông Thầy Cai phì cười mà rằng: - Thầy bà gì mà nhát như thỏ đế vậy a... Hương Quản? - Dạ! Bẩm Thầy, Ông cọp lớn quá chừng, ai mà không sợ... - Lớn thì lớn chớ. Bộ làm thầy nghề võ hễ gặp cọp nhỏ thì đánh còn cọp lớn thì chừa hay sao? Đoạn ông kêu thường xuyên lại bảo: - Mầy chạy đi kêu ông Ất ông Giá lại tao mượn chút coi. Người chức việc chạy đi ngay, ông Thầy Cai (Cai Tổng) bảo với Hương Quản Bầu Lòng: - Thằng Hương mầy ở chơi chờ một chút, ông Ất ông Giá lại đây, qua mượn lên Bầu Lòng đánh cọp giùm cho. Ông Hương Quản vâng lời, đến bộ ván bên hông nhà việc mà ngồi chờ nhưng trong lòng không tin tưởng chi cho lắm. Một giờ sau, ông Ất ông Giá đến chào ông Cai Tổng và Hương chức rồi đứng chờ lịnh. - À, hai đứa bây đến đó hả? Sao tụi bây? Có rảnh không? Có rảnh thì làm ơn giùm tao lên trên Bầu Lòng với Hương Quản đây, coi con cọp nào đó về làng phá dữ quá, họ sợ làm ăn gì cũng không được. - Dạ bẩm Thầy tôi rảnh chớ không có việc gì. - Dạ thưa tui cũng rảnh. - Ừa, rảnh thì đi giùm. Nghe nói mấy bữa rày có rước ông thầy nào đó mới thấy cọp thì thiếu điều muốn té... mà đánh đập nỗi gì. - Dạ. Bẩm Thầy để tôi về lấy roi và dặn bầy trẻ cái đã... - Dạ. Bẩm Thầy cho tui về thay đồ rồi đi luôn thể. - ƯØa, lẹ lẹ đi hai em. Nhớ ở lại trên đó giúp giùm cho xong việc rồi về, chớ bỏ nửa chừng đa. Có đánh thì đánh cho nó tởn tới già, còn có đánh chết được thì chở về đây qua thưởng cho. Nửa giờ sau, ông Ất và ông Giá theo Hương Quản về Bầu Lòng. Riêng Hương Quản thì rất ngao ngán và nực cười thầm cho ông Thầy Cai Tổng, chưa chi mà mong chở xác cọp về... Viết đến đây tưởng cũng nên phác họa vài nét đơn sơ về ông Ất ông Giá. Ông Ất tuổi độ trên ba mươi, người cao lớn, nước da bánh ếch, cổ tay no tròn như ống tre. Người ta đồn rằng bắp tay ông chỉ có một cái xương mà thôi, nhưng chỉ là giả thuyết chớ chưa ai dám quả quyết. Lông tay và lông chơn của ông xồm xàm đen trại. Ông chuyên sử dụng roi trường bằng cây Mật Cật to bằng cái chén đen mun. Ông Giá thì trái lại, trắng trẻo, mảnh khảnh hơn ông Ất độ một bảy một mười. Tay chơn ông cũng liền lạc, nhặm lẹ, cũng chuyên sử dụng roi trường. Tài ông Ất ông Giá thì hầu hết mọi người biết võ đều kiêng nể. Tuy không phải anh em ruột nhưng thương nhau còn hơn ruột thịt và đi đâu cũng có nhau. Chiến đấuXe bò đi suốt ngày đêm mới về tới Bầu Lòng. Ông Hương Cả lo tiếp đãi như lần trước. Ông sai người lo cơm rượu nhưng cả hai đều từ chối bảo có gì ăn nấy, không uống rượu để tỉnh táo mà đánh cọp vì cọp xuất hiện bất ngờ. Tuy vui vẻ tiếp đãi, nhưng trong thâm tâm ông Hương Cả và toàn ban hương chức Hội Tề cũng đồng tâm sự với Hương Quản trên suốt con đường rừng dài thăm thẳm? Bữa cơm trưa vừa xong, ông Ất bảo ông Giá: - Cọp đâu không thấy ; hễ đánh thì đánh phứt đi cho rồi chớ nếu ở đây hoài bỏ hết công chuyện nhà chịu gì nỗi... Ông Ất vừa dứt lời thì nghe một tiếng " hự " thật to ở ngoài sân, tiếp theo những tiếng la thất thanh của lũ trẻ và tiếng chó ăng ẳng. Dường như có linh tánh, nên cọp khi biết có thầy nghề võ đến là về làng thử sức ngay. Mọi người còn đang khiếp sợ tìm chỗ núp rình xem ông cọp khổng lồ thì ông Giá nhanh nhẹn cắp roi trường, nhảy ra sân thủ thế, còn ông Ất tay chống roi đứng cạnh cửa mạch, tay kia còn cầm tăm xỉa răng như người vô sự đứng coi... Ở ngoài sân, cọp thấy có người nhảy ra thủ thế, bèn mọp xuống, rồi bất kể lợi hại nhảy đến chụp đùa. Ông Giá nhẹ nhàng nhảy qua một bên tránh khỏi, rồi thuận tay ông chỉa một ngọn roi đâm trúng hông cọp khá mạnh. Cọp rống lên một tiếng như tức giận lắm, nhảy trở lại chụp liền. Ông Giá loang roi vun vút, lúc đập lúc quơ, cọp nhảy tới nhảy lui miệng luôn gầm thét... Bụi bay mù mịt, ở ngoài người ta coi mê mệt, hết sợ phần nào, họ lần ra khỏi chỗ núp rồi lần ra sân, xem mê mẫn thích thú. Lúc ấy ông Ất cũng đứng tại cửa mạch mà coi như mọi người, không thèm tiếp tay với ông Giá. Độ hút tàn điếu thuốc, cọp hộc lên một tiếng, nhảy ra ngoài vòng chiến đấu, nằm ngửa thủ thế đưa bốn chân lên trời. Theo mấy thầy nghề võ nói lại thì đó là miếng " trâu vằng " miếng tổ của cọp. Ai sơ xuất nhảy vào thì chết. Roi đánh vào thì bị cọp bắt roi, tiện dịp cho cọp đoạt roi, móc họng địch thủ. Ông Giá thấy cọp thủ thế trâu vằng. Ông cũng không thèm đánh nữa, đứng chống roi nghỉ cho khỏe. Một hồi lâu, cọp không thấy ông Giá phá miếng nghề của mình và cọp cũng nghỉ mệt xong, hộc lên một tiếng rồi nhảy trở vô vòng chiến đấu. Ông Giá vung roi đánh tiếp. Một lần nữa, dân Bầu Lòng được dịp xem say sưa, xem mê man, cát bụi tung mịt mù không còn phân biệt được người và thú. Lúc sau, cọp lại mệt bèn dùng miếng cũ, nằm ngửa thủ thế trâu vằng. Ông Giá chống roi đứng chờ tái chiến. Theo lời người xưa kể lại, cọp rất giỏi võ. Mỗi lần giao đấu với ai, người hoặc thú khác, cọp ta đều chú ý học hỏi những miếng hay, vì thế, nghe có thầy nghề võ ở đâu là tìm đến đấy để thử sức. Càng thử sức nhiều thì cọp chiến đấu càng giỏi, biết nhiều miếng võ bí hiểm và lẫn tránh các đòn rất tài tình. Hễ hơn thì hạ địch thủ, liệu thua thì bỏ xứ đi mất, nhưng cũng nhớ rất dai mối thù thất bại chua cay, có dịp là tái đấu đặng rửa hờn. Lần này, chờ cũng không thấy ông Giá phá miếng trâu vằng, cọp lại trở mình phóng vào vòng chiến đấu. Phen này ông Giá đánh rất kịch liệt, roi loang nghe vo vo, lúc đánh trật, roi lún xuống đất, bụi cát tung bay, và không bao lâu người ta nghe tiếng cọp rống thật to và vọt một cái ra ngoài vòng chiến toan chạy về rừng. Nhưng, người ta nghe cọp rống thêm một tiếng nữa to hơn và dài hơn, nhìn lại thấy ông Ất đang đứng bên xác cọp, cọp còn vặn mình sắp chết. Tất cả mọi người đều không thấy ông Ất đánh cọp. Nhưng ông Ất đã độ được đường rút lui của cọp, nên lúc cọp phóng vào rừng, hướng ông Ất đang đứng, ông bèn chống roi phóng mình ra chận đầu đánh một roi là cọp hết đường tránh né và chịu chết dưới ngọn roi ngàn cân của ông. Chờ cọp chết hẳn, ngưòi ta mới dám mon men lại coi. Ông Ất lấy cỏ tranh thui ngay bộ râu mép cọp rồi mượn người khiêng chất lên xe bò. Ông Giá vấn một điếu thuốc hút say sưa... rồi ra giếng xách nước tắm cho sạch bụi chiến trường. Riêng ông Hương Quản hớn hở ra mặt, lấy thước đo ngang đo dọc coi con cọp được bao lớn đặng làm " phúc bẩm " (làm tờ báo cáo lên cấp trên. S.N.). Ông Ất toan xin tỏi đặng thoa mũi bò thì ông Hương Cả cản lại mà rằng: - Đâu được em... Mấy em phải ở lại dùng với qua một chén rượu lạt mới phải chớ... Ông Ất còn đang lưỡng lự thì ông Giá bước vào, nghe thế bèn bảo: - Ờ phải đa, tụi mình ở lại ăn ba hột cơm rồi về. Tôi đói quá đi không nổi đâu. Cả ba người cùng cười xòa đồng thời toàn thể dân chúng vui mừng hoan hô reo hò ầm ĩ. " Lưu Linh Tử