11.
Nơi ấy có một bờ vai rộng…

Tôi gặp Abraham, bố của hai con trai tôi, trong một lần diễn không có sân khấu. Khách mời là những người đến tham dự triển lãm của Hà Lan về những kiểu nhà tránh lũ. Người ta uống cocktail ngoài trời, chuyện trò và xem một chương trình nghệ thuật dân tộc.
Tôi vốn ghét những buổi biểu diễn như thế. Diễn giữa ban ngày ban mặt. Ngay trên sân xi măng của Viện bảo tàng quân độí. Mọi thứ cứ trắng phếch ra, cứ như là không mặc quần áo. Cứ "người trần mắt thịt" nhìn thẳng vào mặt diễn viên. Chẳng có tí tẹo nào khoảng cách giữa diễn viên và khán giả. Chẳng có chút lung linh ánh đèn sân khấu cần thiết để lấy cảm hứng cho cả người diễn lẫn người xem. Vì mình phải tô son trát phấn, diễn rất gần đám khán giả vây tròn xung quanh. Trong tình trạng ấy, tôi múa mà cảm thấy mặt mũi sống sượng, ngượng chín người. Chẳng dám nhìn ai, cứ phải ngó bâng quơ, diễn cho xong chuyện. Đã thế, tiết mục nào cũng phải có mặt, từ diễn tập thể đến diễn đôi diễn đơn, tôi đều là tâm điểm của sự chú ý.
Diễn xong như thoảt nợ, tôi mau chóng dắt xe máy ra về Vừa đến cổng, một cậu thanh niên đuổi theo: "Chị Vân ơi, ông sếp của em là người Hà Lan, vừa xem chị biểu diễn xong, rất muốn làm quen với chị. Đấy là em chỉ truyền đạt lại nguyện vọng của ông ấy". Lúc đó đang mệt, tôi chỉ muốn thoát ra khỏi đám khán giả ấy, bèn gạt phắt đi: "Này, em về nói lại với ông sếp của em là chị chẳng muốn làm quen gì với người nước ngoài đâu nhé. Tính chị không thích như thế đâu". Rồi dắt xe đi thẳng. Làm gì có chuyện dễ như thế nhỉ.
Chẳng quen biết gì ông lại bỗng dưng mời tôi? Tôi thấy bực bội. Thường thì những người hâm mộ hay bày tỏ tình cảm bằng những lá thư. Nếu có mời trực tiếp thì phải mời cả nhóm cùng đi ăn uống trò chuyện. Tôi không phải là loại người dễ dãi để họ dám can đảm mời một mình.
Bị từ chối thẳng thừng mà họ vẫn không tha. Biết tôi là người đang được chú ý trong giới nghệ sĩ ở Việt Nam, họ phôn đến nhà nói chuyện một cách rất dè dặt và có văn hoá, vì họ sợ một sự phản ứng không hay: "Tôi tên là Đàn, đang làm việc cho một tổ chức lương thực thế giới, hôm vừa rồi, sếp của tôi có xem chị biểu diễn và rất hâm mộ. Ông ấy muốn dược mời chị đi uống nước làm quen." Rồi anh ta còn cố nói thêm: "Tất cả chỉ xuất phát từ lòng mến mộ thôi, sếp tôi là người rất đàng hoàng, một người tốt". Tôi gạt phắt đi. "Anh ạ, anh về nói với sếp của anh: một là cô ấy có gia đình rồi. Hai là cô ấy không phải loại người dễ làm quen. Ba là nếu ông ta là loại người nước ngoài thích làm quen với loại đàn bà dễ dàng thế thì tốt nhất anh bảo với sếp anh ra ngoài đường đầy các em trẻ đẹp, tìm đâu cũng được." Bốp chát như thế xong là cúp máy luôn. Ấy vậy mà anh Đàn, nay đã trở thành một người bạn của gia đình, vẫn kiên trì gọi thêm vài lần nữa. Lần nào cũng bị từ chối thẳng thừng: "Đừng làm phiền tôi nữa. Tôi không thích kiểu làm quen như thế, tôi không có cái tính ấy. Tôi không thích quan hệ với người nước ngoài".
Vào giai đoạn ấy, tôi vẫn đang sống với chồng mình. Không bao giờ có chuyện một phụ nữ đã gần bốn mươi, đang có gia đình, lại đi nhận lời uống nước ngoài quán với một người đàn ông lạ, lại là người nước ngoài. Trong ý thức của tôi là không bao giờ có chuyện ấy. Bẵng đi một thời gian, tôi lại nhận được điện thoại từ người phiên dịch, nhưng lần này là mời tham gia biểu diễn trong đêm văn nghệ từ thiện.
Người đứng ra tổ chức chính là "Ông sếp Hà Lan" ấy. Mời đi chơi uống nước thì khó, nhưng mời làm việc, lại là việc thiện, tôi sẵn sàng nhận lời.
Abraham mời một nhóm nghệ sĩ Hà Lan sang cùng biểu diễn với một số nghệ sĩ Việt Nam. Khách mời là các sứ quán, ngoại giao đoàn và một số tổ chức xã hội khác. Mời chúng tôi đến văn phòng trao đổi công việc, Abraham nói: "Chúng tôi muốn tổ chức một đêm từ thiện, mời các nghệ sĩ Việt Nam tham gia, đương nhiên là có thù lao, tiền bán vé sẽ quyên góp cho các trẻ em nghèo".
Nghệ sĩ đôi khi phải gặp gỡ làm việc với người mê mình là chuyện không lạ. Tất nhiên, người tinh ý sẽ biết ngay là người ta thích mình, nhưng mình không thích người ta thì cũng thấy rất bình thường. Lần đầu tiên gặp Abraham, trong lòng tội chẳng có gì rung động. Nghĩ bụng, chẳng dại gì mà đưa đẩy mình vào những mối tình éo le, ngang trái nữa. Sợ lắm rồi. Sau buổi làm việc đó, chúng tôi gặp nhau trao đôi thêm một hai lần nữa về chương trình cụ thể. Xong việc, anh mời tất cả ra quán Latino để ăn trưa và nói chuyện một cách đàng hoàng. Từ đó, chúng tôi thành quen nhau.
Đêm diễn thành công, những người trong ban tổ chức muốn vận động các nghệ sĩ góp tiền thù lao cho đêm từ thiện, nhưng vì đã thoả thuận trước với diễn viên Việt Nam là có cat-se, Abraham lẳng lặng bỏ tiền túi ra để trả cho diễn viên như lời hứa. Sau này, anh phiên dịch nói lại chuyện ấy với tôi để chứng tỏ sếp mình là người đàng hoàng, trước sau như một.
Vào thời gian đó, hoạ sĩ Lê Chúc, cậu ruột tôi đang vẽ và làm việc tại Hà Nội. Cậu ở với gia đình tôi. Nhiều năm dài lênh đênh trên biển chỉ là cái cớ để cậu thoả nguyện vẽ. Cậu cần vẽ như như người ta cần cơm ăn nước uống và khí trời để thở. Tôi phục nhất ở cậu cái đức ham học, ham đọc. Đọc, nghiền ngẫm và chắt lọc kiến thức biến nó thành của mình.
Thỉnh thoảng, tôi tranh thủ thời gian nghe cậu giảng giải như nghe truyền Đạo. Đạo ở đây mang ý nghĩa rộng lớn vượt ra ngoài lĩnh vực tôn giáo. Nhờ cậu, tôi hiểu thế nào là đạo về hội hoạ. Sau đạo Thiên chúa, gần đây nhất, cậu hay giảng cho tôi nghe về đạo Phật.
Vì đã từng làm việc trên tàu biển nên cậu nói tiếng Anh rất giỏi. Trong một lần gặp Abraham bàn công việc, tôi nhờ cậu đi cùng để phiên dịch. Rất nhanh, họ trở thành thân thiết bởi họ ngang tuổi nhau lại cùng quan tâm đến hội hoạ.
Chính vì vậy, sau đó, cậu mời anh tới nhà vẽ chân dung. Đó là lý do vì sao anh có thể đến nhà tôi chơi một cách công khai. Hai người đưa nhau ra vẽ vời góc vườn hay đâu đó. Họ có thể cà kê nói chuyện với nhau hàng giờ. Trong buổi triển lãm tranh, cậu Chúc có mời anh đến dự. Tôi cũng có mặt hôm đó, đón tiếp anh với tư cách "gia chủ". Khi đã tin tưởng nhau rồi, tôi cởi mở với anh hơn, dần dần hình thành mối quen biết thân tình như bạn bè.
Với mối tình thứ ba này, cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể nào cắt nghĩa được sự đưa đẩy của số phận. Tôi đã dùng lý trí chống lại nó theo kiểu "hắt nước đổ đi", thậm chí cố tình phũ phàng, sỗ sàng để người ta đừng theo đuổi mình nữa mà vẫn không thoát. Tôi chân thành nói với Abraham: "Tôi sợ bi luỵ lắm rồi, sợ chết trong tình yêu lắm rồi! Tôi không muốn yêu một chút nào nữa, không muốn chuốc thêm những nỗi khổ vào mình nữa. Tôi đã cắt tóc ngắn rồi, muốn an phận cả về đường nghề lẫn đường tình". Nhưng bất chấp mọi sự cự tuyệt của tôi, tình yêu vẫn đến…
Bỗng nhiên, năm 1997, tôi lại nhận được lời mời của Cục điện ảnh đi dự Liên hoan phim của một quĩ văn hoá Pháp tài trợ ở Phnompenh. Họ mời tôi và Thuý Hường, hai diễn viên chính của phim, vì đạo diễn bận không đi. Đợt ấy, có cả vợ chồng đạo diễn Hồ Quang Minh cũng mang phim Trang Giấy Trắng tới.
Cục Điện ảnh còn thông báo, họ đã quyết định gửi phim Lời Thề đi liên hoan phim Asean ở Indonesia. Vì thế, chưa hết thời gian ở Phnompenh, tôi đã phải bay về Sài Gòn, từ đó đi Jakarta, thủ đô của Indonesia rồi bay tiếp đến tỉnh Yoyagarta, cố đô cũ của Indonesia, nơi diễn ra liên hoan phim.
Đoàn đi gồm đạo diễn Tường Phương, hai người bên phát hành phim, một phiên dịch và tôi. Đến nơi, còn đang lả người ra vì mệt và đói, tôi vừa đặt vali xuống chuẩn bị làm thủ tục nhận phòng, đã thấy lễ tân hỏi: "Có phải bà là Lê Vân? Bà có một lá thư". Tôi ngạc nhiên quá, ở cái nơi khỉ ho cò gáy này mình quen ai nhỉ? Nghĩ mãi không ra. Mở ra, một lá thư ngắn: chào mừng đã đến đất nước Indonesia, hỏi thăm sức khỏe sau chuyến bay, và lời nhắn: "Hãy gọi điện cho tôi theo số điện thoại này…". Đó là một số phôn chỉ có bốn con số.
Nghĩ bụng: "Ai mà vô duyên nhỉ, gọi điện cho tôi theo số này, cứ như là ra lệnh ấy". Bỗng tỉnh ra, đây là số nội bộ.
Như có một luồng điện giật, có lẽ là anh Hà Lan gốc Indonesia chăng? Quá dễ để anh ta biết mình nghỉ ở đâu. Không biết chừng anh ta đã thuê sẵn một phòng tại khách sạn này rồi cũng nên. Nhận phòng xong xuôi, thử gọi, vì tôi cũng rất tò mò. Bấm số xong, có người Alô trả lời luôn. Đúng là anh chàng Hà Lan! Tôi cười phá lên. Sao anh ta lại "tinh vi" thế?
Tại sao lại nghĩ ra cái màn đón đầu như thế! Chợt nhớ ra, trong một lần gặp Abram ở Hà nội trước khi đi, tôi có khoe sắp đi dự liên hoan phim ở nước anh ta tổ chức…
Và thế là, lại một khoảng trời tự do mở ra…
Ở đó, chẳng ai để ý đến ai. Có tám đoàn điện ảnh đến từ tám quốc gia khác nhau. Đoàn Việt Nam gồm bốn nam một nữ, đương nhiên là tôi phải ở riêng một phòng. Thế là lại ở nơi không ai quản lý, không ai nhìn thấy mình để mà sợ cả.
Chẳng ai để ý xem mình đang cặp kè với ai. Chương trình liên hoan khá bận rộn: Họp báo, xem phim, ra mắt đoàn, tham quan… với hàng trăm con người như thế. Năm người Việt Nam cũng chỉ gặp nhau vào lúc ăn sáng dưới nhà hàng của khách sạn, sau đó tản ra mỗi người một việc. Người đi chợ phim, người đi hội thảo. Ai muốn xem phim nào thì lên đúng cái xe đó, ban tổ chức sẽ chở đến rạp. Nói chung là sinh hoạt tự do.
Tôi vớ được ông anh người gốc Indonesia thì mừng quá Vui như hội. Tối hôm đó đói kinh khủng. Tôi đề nghị: "Anh có đưa tôi đi ăn được không vì tôi đói sắp lả ra rồi". Anh ấy bảo: "Yên tâm, tôi sẽ đưa cô đi ăn những thứ đặc sản của lndonesia". Anh đưa tôi đến một nhà hàng ở trung tâm.
Lúc ấy cũng chẳng để ý đến giờ giấc nhưng chắc cũng khá khuya, nhà hàng vắng teo. Bram gọi ra rất nhiều món và bảo: "Tôi ăn rồi, những món này chỉ em ăn thôi, Gọi ra năm, bảy món mà nhìn món nào tôi cũng thấy thích nhưng không thể nào ăn hết. Khi về, chúng tôi không về bằng tắc xi. Anh gợi ý đi bằng loại xe đặc biệt của Indonesia thích hơn. Đó là loại xe giống kiểu xe lôi của Việt Nam, một thứ xích lô ngược. Ông xích lô nghèo thì mới lọ mọ phục vụ khách ban đêm như thế.
Chúng tôi đi chơi cố đô bằng cái xe đó trong không gian tĩnh lặng lãng mạn của đêm phố cổ. Nghĩ mình thật là may mắn, đang đói thì có người cho đi ăn, ăn xong còn được đi chơi phố lạ bỗng nhiên thành như đã quen. Tôi rất vui, bảo anh: "Nếu không gặp anh ở đây khéo em chết đói, làm sao mà dám đi chơi Indonesia như thế này".
Từ hôm đó, anh cứ "nằm vùng" ở đấy suốt bốn, năm ngày. Ngoài chương trình của LHP ra, có thời gian, tôi lại được anh đưa đi chơi. Chúng tôi ăn trưa, ăn tối, và thậm chí cả ăn sáng cùng nhau. Chẳng ai để ý đến chúng tôi vì đông quá. Có lẽ, người ta tưởng anh cũng là người của LHP. Ăn sáng xọng, tôi đi theo chương trình của mình. Chỉ gặp anh vào buổi trưa và buổi tối. Tự nhiên có một người đưa đi khắp nơi, biết bao nhiêu thứ lạ, tôi kể lại với mấy người cùng đoàn, mọi người ngạc nhiên lắm. Người phiên dịch bảo: "Lần đầu tiên tôi được nhàn, chứ không thì đến khổ với mấy bà diễn viên Bắt đưa đi chơi, nào mua bán mặc cả, nào ăn uống đủ kiểu. Lần này mới được một bà nhanh nhẹn thế. Bà ấy chẳng cần gì, thậm chí lại còn đi trước cả mình".
Mọi người đâu biết tôi có "tay trong" đưa đường chỉ lối Bốn năm hôm liền quấn quít bên nhau rất thân thiết. Có những lúc nằm sát cạnh nhau cực kỳ lãng mạn nhưng giữa chúng tôi vẫn có một khoảng cách tỉnh táo, không có chuyện tình cảm xa hơn.
Anh rủ tôi đi tham quan chùa Boroburdu, một di tích kiến trúc nổi tiếng của Indonesia. Ngôi chùa được xây trên một đỉnh nủi, vào thế kỷ thứ tám, thời kỳ Phật giáo phát triển thịnh vượng nhất ở đây. Một trong những cái thú của khách du lịch nước ngoài là được đón mặt trời lên tại ngôi chùa. Phải có mặt lúc năm giờ sáng để thưởng thức không khí yên tĩnh buổi sáng, đúng vào khoảnh khắc mặt trời mọc.
Trước buổi đi tham quan, vì ăn tối xong cũng đã khá muộn, sáng hôm sau lại đi sớm, tôi quyết định ngủ lại phòng của anh ấy, thử lý trí mình xem sao. Ngủ cùng giường, nhưng tôi rất tỉnh táo nghĩ rằng, nếu mình không muốn thì người đàn ông không thể có cách nào mà tiến tới được. Tôi thực sự muốn thử bản lĩnh của mình xem liệu tôi có bị cám dỗ không. Có lẽ là tôi lãng mạn quá! May là không có chuyện gì xảy ra.
Chỉ có điều là anh không thể ngủ được, cứ trằn trọc quay bên nọ quay bên kia. Tôi cũng thế nhưng giả vờ ngủ thôi. Cứ như là đang thử thách nhau vậy. Bỗng nhiên, anh bật dậy, mặc quần áo ngoài. Tôi nghe tiếng cửa đóng uỳnh một cái. Biết ngay là anh bị ức chế. Biết anh đi ra quầy bar nhưng tôi cứ mặc kệ. Rồi thiểp đi. Anh về từ lủc nào tôi cũng chẳng biết. (Sau này, anh cứ cười cợt nửa đùa nửa thật bảo rằng: "Em ơi, em ngây thơ lắm tất cả bọn đàn ông đều… chó cả").
Bốn giờ sáng dậy đi chơi núi. Trên xe, do đêm trước ngủ ít quá, tôi bị say xe và buồn ngủ kinh khủng. Đến lúc này, chả cần ý tứ gì cả cứ gối đầu bừa lên đùi anh ấy mà ngủ như chết. Suốt quãng đường bốn năm chục cây số, tôi cứ ngủ ngon lành. Ở trên xe thì còn lo gì nữa. Cả hai chúng tôi đều rất hạnh phúc. Sao lại có một thứ tình cảm trong sáng đến thế, lãng mạn và đẹp đẽ đến thế? Anh bảo, anh còn nhớ mãi cảm giác tôi gối đầu lên đùi anh tin cậy ngủ như một cô bé. Lúc ấy, trong đầu anh không hề gợn lên một chút vẩn đục nào.
Đến nơi, sương chưa tan, không gian mờ ảo, trong veo. Cảm giác trong lành và cực kỳ tĩnh tâm. Rồi mặt trời lên. Có tiếng gà gáy sáng đâu đây. Lác đác những người khách du lịch châu âu đi thăm quan, hít thở tinh khí buổi sáng. Không gian vừa tĩnh lặng vừa tràn đầy sức sống. Được xếp đặt bởi những phiến đá gắn kết với nhau giống như cách người cổ đại Ai cập làm Kim tự tháp, ngôi chùa là một kỳ quan từ bàn!ay con người tạo nên chẳng cần một chất xi măng hay chất keo nào. Ngôi chùa cổ trông như một quả núi thấp, bao gồm rất nhiều những ngôi chùa nhở trong đó có tượng phật ngồi, có những bức mất cả đầu. Thật đáng sợ.
Không ai giải thích được lý do tại sao người ta lại lấy được đầu tượng Phật ra khỏi đó. Đặc biệt hàng nghìn bức tranh được khắc trên đá kể lại sự tích đạo Phật và đời sống con người thời đó. Cũng không ai giải thích được lý do nhờ đâu những nghệ sĩ cách đây hàng mười mấy thế kỷ lại tạo ra được những bức tranh khắc trên đá hoản hảo tuyệt vời đến vậy. Phải có một niềm tin mạnh mẽ hướng về tôn giáo, về Thượng đế tuyệt đối thế nào, người Inđô mới có thể tạo ra một kỳ quan vĩ đại nhường ấy.
Hôm đó là thứ năm, ngày anh phải về lại Jakarta bàn giao công việc, thứ bảy anh bay đi Singapore rồi mới về Hà Lan. Còn tôi, thứ bảy kết thúc liên hoan phim, bay về Jakarta, rồi về Việt Nam.
Sau khi đi tham quan về, chúng tôi ăn với nhau bữa, cơm trưa chia tay trong một nhà hàng lịch sự. Vừa đưa miếng thức ăn lên miệng, bỗng nhiên tôi thấy nghẹn ngào. Lại bị cảm xúc chia ly chi phối. Mấy ngày trời quấn quít bên nhau như thế, bao nhiêu là tình cảm êm đềm, vui tươi, lãng mạn. Mà chia tay như thế này nghĩa là chia tay luôn. Anh trở về Hà Lan, tôi ở lại lầm lũi một mình. Một nỗi xúc cảm dâng lên, nghẹn lại một cục ở cổ, không sao nuốt nổi. Cứ cắm mặt xuống khóc. Không dám để người ta biết mình khóc. Còn bao nhiêu người xung quanh nữa chứ. Lại lo, nếu anh biết mình khóc, nghĩa là mình đã mở rộng trái tlm như một lời thú nhận Tôi không dám ngẩng mặt lên. Đến khi anh ấy hỏi một câu gì đấy, không thấy trả lời, anh mới biết là tôi đang khóc.
Anh ra sức an ủi, thế nào chúng tôi cũng gặp lại nhau. Rồi tôi tưởng tượng, ngày mai, không có ai chờ mình ăn sáng, trưa mình sẽ ăn cơm với ai, tối ai đưa mình đi chơi. Thế là mình lại côi cút giữa xứ lạ này. Thế là không sao kìm được cơn nức nở. Anh phải ngừng bữa ăn đưa tôi về khách sạn rồi ra sân bay luôn.
Cho đến lúc đó, tuy giữa chúng tôi chưa có gì vượt quá tình bạn, tình anh em, nhưng mấy ngày chia sẻ cùng nhau biết bao điều khiến tôi thấy anh trở nên gần gụi lạ lùng. Sẽ không bao giờ có lại cái thời gian đẹp đẽ, lãng mạn như thế nữa ư? Anh đi khỏi, tôi nằm vật ra. Khóc. Như rơi vào một khoảng trống. Năm phút sau, có tiếng gõ cửa. Tôi mừng rỡ bật dậy, cầu mong đấy là anh.
Không phải anh. Người hầu phòng khách sạn bước vào. Anh nhờ họ chuyển lên cho tôi một bao thuốc lá. Thời gian đó, thỉnh thoảng tôi có hút thuốc. Thế là anh bay đi thật rồi!
Chiều hôm đó, tôi chỉ nằm buồn rũ rượi. Chẳng muốn ra ngoài ăn uống vì không cất nhắc nổi chân tay. Đến tối, đấu tranh tư tưởng, hình như mình vừa bỏ lỡ một điều gì đó. Nếu mình không quyết định lúc này thì không bao giờ có thể lấy lại được Tại sao mình lại được số phận đưa đẩy đến một khoảng thời gian lãng mạn như thế mà mình lại để mất, đánh mất cái điều đẹp đẽ đến như thế. Một ý nghĩ tỉnh táo vụt đến, tôi vồ lấy mẩu giấy có ghi số điện thoại của anh ở Jakarta.
Giờ này chắc là anh về đến nơi rồi. Lập tức giở hướng dẫn gọi điện thoại ra ngoài của khách sạn ra, bấm hú hoạ. Nào, thử xem số phận nó đẩy mình đến đâu? Thế mà rồi chuông reo. Gọi đúng rồi! Sau vài hồi chuông lảnh lót, nghĩ nhiều phần anh chưa về đến nơi. Thế mà rồi có người nhấc máy. Giọng anh vang lên: "Anh vừa về đến nơi thì nghe tiếng chuông". Tôi sướng quá, lại nghe thấy giọng nói của anh. Tôi gấp gáp: "Anh hãy quay lại ngay với em, em không thể chịu đựng được nữa. Chưa bao giờ em cảm thấy cô đơn như lúc này. Bây giờ em vẫn đang nằm bẹp ở khách sạn, chưa ăn gì, không có ai đưa em đi ăn. Anh hãy tìm mọi cách bay ngay đến đây được không? Có thể anh vẫn kịp chuyến bay tối. Anh hãy quay lại ngay không có em chết mất". Đến lúc này, tôi không thể che dấu được tình cảm của mình nữa rồi. Chả cần phải nói, em đã yêu anh mất rồi, thì anh cũng đã hiểu.
Anh hứa. Bằng mọi giá, anh sẽ bay đến ở đó với tôi một ngày. Tiếc là tối hôm đó, chuyến bay đã đầy chỗ, anh sẽ bay chuyến sớm nhất của ngày hôm sau. Thế là mừng quá, không ngủ nổi. Vừa run vừa hồi hộp. Sống trong cảm giác bị trúng mũi tên của thần tình yêu, tôi thức trắng luôn để chờ.
Tôi không ăn tối, bữa sáng hôm sau cũng nhịn luôn. Tám giờ sáng, anh xuất hiện. Chúng tôi lao vào nhau, không còn ngượng ngùng dè dặt, không còn giữ gìn ý tứ, và cả không còn khoảng cách nào ngăn cách hai chúng tôi nữa.
Ngẫm lại hoàn cảnh thử thách tình cảm và bản lĩnh của mình, tôi nhận ra, những tình cảm chúng tôi có với nhau khi đó đích thực là tình yêu. Chúng tôi không bị hút vào nhau bằng vật chất hay thân xác, nhục dục. Tôi đã thử thách bản thân đến vậy và chiến thắng được mình trong những giây phút yếu mềm nhất. Trong đầu tôi không nghĩ đến chuyện ấy. Chỉ muốn sao cho cả hai đều có những giây phút êm đềm không thể quên nên cũng không dám đi quá hơn vì lo nó không còn đẹp nữa. Đến thời khắc phải chia tay anh, trái tim tôi mới bất ngờ lên tiếng. Tôi cứ như bị chết hẳn, người cứ sóng xoài ra, tha hồ mà khóc. Cô đơn trống rỗng, như bỗng nhiên bị vứt lại giữa dòng đời không biết bấu víu vào đâu.
Rồi tự mình cường điệu lên. Ngày mai ai sẽ lo lắng cho mình. Cảm thấy như mình vừa bị tuột khỏi tay một điều gì đó tuyệt đẹp Chúng tôi lấy ngày tôi gọi anh lại làm ngày khai sinh cho mối tình của chúng tôi. Ngày 9 tháng 4. Chúng tôi chụp chung một bức ảnh trước cửa khách sạn Yoyagarta, thầm hứa sẽ quay lại nơi này cùng con cái để cho chúng biết nơi tình yêu của bố mẹ bắt đầu. Cuốn sách về kỳ liên hoan phim đó được cất giữ cẩn thận như một báu vật trong kho tàng tình yêu của chúng tôi.
Lần chia tay thứ hai, tôi không còn sợ hãi nữa, biết chắc là đã có nhau, biết chắc là sẽ gặp lại. Anh hứa sẽ đến Việt Nam ngay khi có thể. Theo chương trình, chủ nhật tôi bay lên Jakarta, chờ một tiếng ở sân bay rồi bay về Sài Gòn. Anh hẹn gặp tôi ở sân bay vì sáng hôm đó, anh cũng bay đi Singapore.
Nhưng rồi, không hiểu ban tổ chức sắp xếp thế nào, tôi và Tường Phương lại bị lọt ở lại bay chuyến sau. Bị rớt lại, tôi như điên như rồ. Thế là lại bị cắt đứt. Không gọi dược cho nhau nữa. Anh sẽ bay đi Singapore trước khi tôi đến Jakarta. Không thể gặp được. Lòng bảo lòng như vậy nhưng tâm lý của kẻ đang yêu thì cứ hão huyền hi vọng, biết đâu đấy…
Khi cùng đoàn hành khách tiến về phía cửa ra vào, tôi cũng dáo dác nhìn, như thể có ai đó đang chờ mình. Hão huyền bản năng thế thôi. Thế mà lại nhìn thấy anh. Bỏ rơi luôn vali, quên luôn cả Tường Phương là ai, tôi lao về chỗ anh đứng. Lao bộp vào cửa kính. Cái cửa kính trong suốt của sân bay. Tôi chẳng nhìn thấy gì khác ngoài cái người của mình. Nhào ra ôm chầm lấy anh. Sau đó mới thấy đau, và ngượng. Trời ơi, mình mới quê làm sao? Nhưng mà mừng quá, chẳng biết gì xung quanh nữa.
Chuyến bay về Việt Nam đã cất cánh rồi. Anh rủ tôi đổi vé đi Singapore với anh. Không ngờ lại đổi được. Thế là bỏ lại Tường Phương. Tôi bay đi Sing cùng anh. Đúng là, nhờ sức mạnh của tình yêu, người ta trở nên nhanh trí hơn rất nhiều. Tâm trạng chúng tôi như lơ lửng trên cành cây. Như những kẻ say sưa, hai đứa dắt tay nhau di bộ dung dăng dung dẻ trên đường phố Singapore. Chúng tôi vào một quán ăn, nhìn thấy bàn bên cạnh người ta ăn món cua xốt kiểu gì mà trông đỏ chót lên, tôi bảo anh, em muốn ăn cái món giống thế kia kìa. Anh cũng nói lại với người phục vụ như vậy. Có nhau thêm một ngày nữa rồi mới thật chia tay, anh hẹn xong việc ở Hà Lan là sẽ bay về Việt Nam.
Hoá ra anh là người có dụng tâm, thấy mình là người khó gần nên phải nghĩ kế làm quen bằng công việc. Lúc đó anh đã cố gẳng.để không thể hiện một điều gì khác thường khiến tôi phải để phòng. Sau này, khi đã có nhau, anh tâm sự: "Anh không thể nào lý giải được tại sao lại bị cuốn hút vào mối tình này. Kể từ lúc xem em biểu diễn, anh như bị chi phối bởi một sức mạnh thần bí từ một nơi cao xa bảo anh phải gặp em. Em là định mệnh của anh. Dù rất ngại sự đường đột, nhưng rõ ràng là, có một tiếng nói từ sâu thẳm lòng anh bảo nhất định phải theo em, phải theo bằng được". Lúc ấy, tôi nào có trẻ trung gì. Ba tám tuổi rồi, đang sống với chồng.
Bằng lý trí của mình, tôi chẳng hề nghĩ hay tìm kiếm chờ đợi một cuộc gặp như thế. Anh hơn tôi bảy tuổi, cũng đang có gia đình, vợ con đàng hoàng, yên ổn… Có lẽ như anh nói, giây phút anh nhìn thấy tôi múa đúng là khoảnh khắc của định mệnh thật. Và cũng phải thành thực mà nói, nếu không có anh xen vào, tôi đã an phận sống với chồng mình, chàng lãng tử đã từ bỏ tất cả vì tôi.
Khi mối tình thứ ba manh nha xuất hiện, lý trí tôi cực kỳ tỉnh táo bảo con tim tôi hãy ngủ yên. Tôi không có lý do gì để phụ bạc chồng mình. Thể mà rồi, tôi vẫn bị đưa đẩy đến một vùng miền hoang khuất đâu đó trong tôi nhưng nằm ngoài khả năng kiểm soát của lý trí. Không thể chống đỡ lại được "tiếng gọi nơi hoang dã" ấy, lần thứ hai, tôi trở thành người đàn bà phản bội. Tôi như con chim nhỏ tự lao vào bụi mận gai, tự làm mình đau đớn, để hót lên bài ca tình yêu với tất cả sức mạnh của lòng khát khao được yêu, được sống đúng là mình, đúng như mình muốn…
Không giống như lần phản bội người tình đầu tiên, về Hà Nội, tôi lập tức thú tội ngay với Người ấy. Lần này, về đến Việt Nam, tôi giữ mọi chuyện kỉn như bưng. Ngoài mặt cố giữ vẻ bình thản nhưng trong lòng bắt đầu một cuộc chiến đấu. Bây giờ làm thế nào? Cứ như là bị vứt bộp từ trên cao xuống đất. Phải đối mặt với sự thật. Làm thế nào khi mà trên thực tế, mình là gái có chồng, mà cũng chưa dám nghĩ chưa hề nghĩ đến chuyện bỏ chồng! Từ bỏ tình yêu kia thì không thể. Bắt đầu những ngày lén lút, chờ đợi, hồi hộp, sợ hãi.
Đúng là ăn vụng. Tôi đòi chồng lắp cái điện thoại mẹ con để còn đi ra cuối vườn hoặc lên sân thượng lén nghe điện thoại của người tình. Vừa nghe vừa nhòm xem có ai biết không.
Đó là những ngày yêu đương căng thẳng. Sao thế nhỉ? Sao lại cứ tự đưa mình vào sự khốn khổ như thế?
Lúc ấy, tôi chưa dám nghĩ đến một tương lai nào cả, chỉ biết có một tình yêu lãng mạn vụng trộm vậy thôi. Không biết có dám đi đến đâu không khi mà cả tôi và anh đều đang có gia đình. Nhưng làm sao có thể sống mãi trong sự giả dối? Vậy tôi phải xử lý chuyện này thế nào? Nghĩ đến mụ mị đầu óc. Lắm lúc tặc lưỡi, không nghĩ nữa vì đau đầu quá. Thôi cứ tạm "quẳng gánh lo đi mà vui sống" chứ cứ thế này thì chết mất. Đợi lúc nào tỉnh táo nhất sẽ tìm cách xử lý chứ đang lúc ụ mê thế này, mình rất dễ có quyết định sai lầm.
Đã yêu rồi nên lúc nào cũng trong tâm trạng chờ đợi điện thoại nhưng lại sợ chồng nghe thấy. Phải giả tạo, phải diễn, phải lừa dối chồng. Cảm giác khổ sở vô cùng vì đang làm một điều sai trái.
Trong giai đoạn Abraham chưa về lại Việt Nam, đoàn tôi có chuyến đi biểu diễn ở Trung Quốc. Đến Trung Quốc, tôi điện thoại ngay sang Hà Lan, gặp bố anh nghe máy. Bằng thứ tiếng Anh bập bẹ, tôi cố gắng để lại lời nhắn với những thông tin cần thiết. Cứ hú hoạ vậy thôi, không ngờ từ Bỉ về Hà Lan, anh nhận được tin nhắn của tôi và điện thoại ngay sang khách sạn. Tiếc là không gặp vì đoàn đi biểu diễn chưa về; Khoảng hai giờ sáng, chuông reo. Tôi vồ lấy điện thoại vì biết ngay đó là anh. Cô bạn cùng phòng ngạc nhiên: "Ai mà gọi điện hai giờ đêm thế" rồi lăn ra ngủ tiếp, mặc tôi líu lo nói chuyện. Anh thông báo kế hoạch bay sang Việt Nam, hẹn chắc chắn khi ở Trung Quốc về, anh đã có mặt tại Hà Nội rồi.
Nghĩa là từ tháng tư đến tháng chín cùng năm ấy, chúng tôi mới gặp lại nhau.
Ngày về, chồng tôi đi cùng ô tô của nhà hát ra đón tận sân bay. May làm sao, trên ô tô, bà giám đốc lại bảo: "Ngay ngày mai, tuy mệt nhưng các bạn phải chịu khó vào đoàn vì sẽ có một cuộc biểu diễn cho Chính phủ, không được nghỉ ngơi mà phải tập ngay cho buổi biểu diễn quan trọng này". Chồng tôi cũng nghe thấy thông báo ấy, thế là tôi vớ ngay lấy cái cớ ấy để sáng hôm sau đi gặp Abraham.
Thực chất là nhóm khác phải đi tập chứ không phải nhóm tôi, nhưng tôi vẫn bảo ông xã là tôi đi vào Mai Dịch, rồi lén lút đến khách sạn Phú Gia gặp anh. Đến Việt Nam lần này, anh lại đứng ra tổ chức một buổi biểu diễn quyên góp nữa. Anh mời được cả một ban nhạc nhẹ với ba bốn ca sĩ Hà Lan sang và lại phối hợp với một số nghệ sĩ Việt Nam. Buổi biểu diễn được tổ chức ở Sài Gòn với qui mô lớn hơn lần trước.
Đúng lúc tôi đang giúp anh mời các ca sĩ phía Nam, lên bộ khung cho ba đêm biểu diễn, thì bà giám đốc nhà hát bảo: "Sắp tới có một Hội nghị phụ nữ toàn thế giới do một tổ chức phi chính phủ tổ chức ở Bắc Kinh. Hội phụ nữ Trung ương Việt Nam cử Vân tham dự, vừa với tư cách đại biểu, vừa là người gần đây có nhiều đóng góp cho nghệ thuật. Sang đó, nếu cần, Vân có thể biểu diễn giới thiệu văn hoá nghệ thuật Việt Nam". Sau khi cân nhắc, tôi gặp cô Quỳnh giám đốc, trình bày: "Kế hoạch của cháu đã lên khung trước khi có lời mời của Hội phụ nữ, mọi thứ đã sẵn sàng, nếu cháu đi nghĩa là ảnh hưởng không nhỏ đến chương trình của người ta nên cháu buộc phải nói lời từ chối". Họ dành phải giới thiệu người khác, cũng là diễn viên trong đoàn. Mọi người rất tiếc cho tôi. Tôi cũng tiếc một chuyến đi nhiều vinh dự như vậy, nhưng bù lại, tôi được tự do cùng anh ấy bay vào Sài Gòn.
Trước khi đi Sài Gòn, tôi thấy cơ thể mình có những dấu hiệu khác lạ: hình như tôi đã có mang. Tôi không thiết ăn, cứ ngửi thấy mùi thức ăn là ói. Rồi thì nghén. Nghén như sắp chết. Tôi chắc là mình "có" rồi. Tuy nhiên, anh vẫn đưa tôi đến khám một ông bác sĩ người nước ngoài. Anh bảo tôi đừng sợ, bác sĩ là người quen, có thể coi như chỗ bạn bè. Dẫu vậy thì tôi vẫn rất sợ, cứ muốn điên. Chưa giải quyết được dứt khoát với chồng nên tôi rất lo. Nhỡ có người nào biết thì chết mất. Mình đi đến đâu mọi người chả nhận ra! Tôi phải đeo kính đen vì sợ những bác sĩ, y tá người Việt ở đó biết rồi đàm tiếu. Rất may, ông bác sĩ là người tâm lý, chưa cần nói gì nhiều, ông đã hiểu hết. Ông đưa tôi vào phòng làm việc riêng. Khám xong lại siêu âm. Kết quả là có thai thật! Tôi nghe mà rụng rời, choáng váng. Tuy nhiên, tôi vẫn cố hoàn thành ba đêm diễn ấy. Không ngờ, đó là ba đêm diễn cuối cùng. Diễn xong, tôi bay ra Hà Nội, Abraham về nước. Anh chỉ dặn tôi cố gắng giữ gìn sức khỏe.
Anh đi rồi, chỉ còn lại tôi với cái thai không mong đợi. Tôi không biết phải làm gì. Chắc phải lén lút bỏ đi thôi. Rồi sẽ nói dối là sẩy thai. Tâm trạng thật căng thẳng. Ba mươi tám tuổi, lần đầu tiên được mang bầu mà lại phải bỏ ư?
Thật xót xa. Vì quá sợ hãi nên tôi không có một cảm giác gì về tình mẫu tử cả. Chưa biết có bầu phải như thế nào. Quá nhiều thứ mới mẻ. Chưa biết cái viện phụ sản nó ở đâu. Sợ hãi và căng thẳng làm sao! Tự nhủ, chắc chắn phải đi một mình vì không dám thổ lộ với ai. Chắc là đau đớn lắm nhưng cũng phải lặng lẽ đeo kính vào mà đi thôi vì không dám để lâu. Nhưng tôi lại vẫn đắn đo, không biết mình làm thế có đúng không?.
Đúng lúc đó, một người bạn đến nhà chơi. Một người đang bị cúm. Ngay lập tức, tôi bị lây cúm, suốt một tuần cứ hắt xì hơi, nước mắt nước mũi xì xụt, lại còn nghén lên nghén xuống. Tôi không dám ho he gì với chồng, bởi lúc đó, tôi chưa dám quyết bề nào. Thời gian đó đang ly thân với chồng, thế mà lại có thai? Sợ hãi và đau khổ muốn chết đi được vì rất lo chồng biết. May quá, nghĩ ra chỉ có nhờ cô Khanh, có chị có em đi cùng và đi công khai, vì nếu mình đi đơn độc thì người ta lại nghi. Tôi bảo với Khanh: "Chị bị cúm nên chắc phải bỏ thôi vì nghe nói, chỉ tiếp xúc với người cúm, con sinh ra đã có thể bị quái thai hay khiếm khuyết gì đó". Nói với Khanh nhưng thực ra tôi đang tự tiếp thêm can đảm cho mình. Nhờ đợt cúm gần chục ngày, tôi đi đến quyết định từ bỏ cái thai một cách thanh thản hơn.
Khanh đưa tôi đi mà không hề biết "sự tích" cái thai là thế nào, chỉ nghĩ vì cúm nên chị phải bỏ. Có con rồi nên Khanh rất thành thạo việc ra vào chốn bệnh viện ấy. Còn tôi thì cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn vì sợ. Mới nhìn thấy bác sĩ đã đông cứng cả người lại. Chưa biết cái gì sẽ xảy ra. Chỉ biết bác sĩ bảo sẽ dùng phương pháp hút. Vì tôi huyết áp thấp lại thiếu can xi trầm trọng, vừa trèo lên bàn, tôi sợ quá đến nỗi chân tay người ngợm "dừng hình" luôn, nghĩa là không cử động được nữa. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác tê dại toàn thân. Không biết họ làm gì mà tức bụng và đau đến mức cứng hết cơ người. Bác sĩ bảo, chưa thấy ai mới chỉ có hút mà đã đau đến mức cứng người lại như thế. Họ đưa cho tôi cốc nước đường.
Sau khi uống vào một lúc, các cơ của tôi mới dãn ra và cử động lại được. Nhưng sao mà đau thế. Cứ nhắm tịt mắt lại.
Bao nhiêu cảm xúc lẫn lộn. Xấu hổ. Đau đớn. Tủi thân. Sợ hãi. Tôi không thể đi nổi dù chỉ một đoạn từ phòng này sang phòng kia để nghỉ. Đau không thể đứng lên được, cứ lòng khòng đi như một bà già. Khanh sợ quá bảo: "Em chưa từng thấy ai bị đau khủng khiếp như chị".
Khanh nói đúng. Sê chẳng có ai phải chịu đau đớn như tôi. Bởi tôi không chỉ có nỗi đau thể xác, mà cộng thêm vào đó là nỗi đau tinh thần không một ai có thể thấu hiểu. Tôi vừa hút đi một mầm yêu tội lỗi hay vô tội? Không ai biết. Ngay cả chồng tôi, chàng lãng tử cũng không hề hay biết.
Sau khi hút thai, cơn nghén chấm dứt ngay như có phép màu, nhưng tôi lại bị rơi vào một trạng thái khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Tôi đang tự gây hoạ cho mình. Tôi biết thế. Tôi lờ mờ nghĩ đến cái chết.
Khi bên kia gọi về, tôi lén lút báo tin đã bỏ cái thai rồi. Vì cúm. Bên kia lắng nghe, bật khóc: "Anh ân hận đã để em lại một mình, giá có anh ở đó, anh sẽ đưa em đi bệnh viện, có khi em đã không phải làm thế". Anh khóc vì mất đi một đứa con, khóc vì thương tôi lặn lội một mình trong hoàn cảnh éo le oan trái. Bên anh thì rồ dại lo lắng, bên tôi thì căng thẳng chống đỡ. Không ai biết điều gì nữa sẽ đến. Phòng chuyện không may xảy ra sau này, nhỡ nhiễm trùng hay không thể có con nữa, anh nhất định bắt tôi phải trở lại gặp ông bác sĩ quen, khám thật kỹ. Ông bác sĩ tuy xấu người nhưng lại rất hào hoa, giỏi nghề và cực kỳ tốt bụng. Đặc biệt, ông nói thạo tiếng Việt. Anh cũng gọi điện về dặn dò gửi gắm bác sĩ cẩn thận. Anh kể hết hoàn cảnh éo le chuyện tình của chúng tôi. Ông bác sĩ tỏ ra rất hiểu và thương cảm cho hoàn cảnh của tôi và anh. Ông mắng: "Tất cả là do sự ngu dốt, ai bảo chị rằng cúm là phải bỏ. Ngần này tuổi rồi, rất có thể là chị không bao giờ có con được thì sao. Kể cả đến tháng thứ ba mà bị cúm người ta vẫn cho uống thuốc được cơ mà". Ông cho tôi toa thuốc tránh nhiễm trùng hoặc bị dính dạ con.
Ông bác sĩ vô tình trở thành người đầu tiên và duy nhất tôi tin cậy thổ lộ hết những éo le khắc khoải, những hoang mang đau đớn trong tim. Không chỉ giúp tôi hồi phục sức khỏe, ông còn chữa cho tôi cả bệnh tâm lý. Ông vỗ về an ủi tôi như với một người thân. Sau hàng giờ ngồi ở phòng bệnh của ông, trút hết ra những nỗi niềm sâu xa thầm kín, tôi thấy nhẹ nhõm phần nào.
Có lần, không thể kìm chế được cơn nức nở, tôi nói với ông những lời bi phẫn như tỉnh như mê: "Tôi không biết phải làm gì đây, tôi chỉ muốn chết quách đi cho xong thôi. Một đằng phải lo đối phó với chồng, một đằng người tình lồng lộn lên vì ở xa không giúp được gì. Tôi không hiểu tại sao đàn ông lại ích kỷ và tàn ác như vậy? Sao họ chỉ muốn hành hạ tôi? Họ không đưa ra cho tôi được một lối thoát nào, tôi chỉ muốn chết thôi. Hai người đàn ông không người nào chịu nhường người nào, họ cần phải quyết định. Người tình của tôi, giá như anh biết tôi khổ sở thế này, thì anh phải biết hi sinh tình yêu của anh đi, buông tha cho tôi đừng làm khổ tôi nữa. Anh vẫn còn có gia đình, vợ con kề cận. Tôi là cái gì? Còn người chồng, bằng linh cảm, anh thừa biết tôi có ý khác, cũng có thể anh đã nghe thấy một cuộc điện thoại vụng trộm nào đó của tôi và đã biết tôi ngoại tình, sao anh chẳng ra lời? Còn tôi, đến một lúc thuận lợi, nhất định tôi phải nói chuyện với anh. Nhưng khi ấy, liệu tôi có dám nói ra tất cả sự thật không hay chỉ nói một phần. Tôi có đủ sức lực, đủ dũng cảm để chịu đựng mọi lời xỉ vả từ anh không? Tôi có dám đi đến quyết định ly hôn không? Người tình của tôi cứ khẳng định, anh đến với tôi như trời định, anh thề phải được sống với tôi. Khi biết tin mất đứa con đầu, anh đã khóc như một người cha khóc con. Anh muốn tôi nói hết sự thật với chồng.
Nói thì dễ. Nhưng tôi không đủ dũng cảm để thú nhận.
Chồng tôi quá tốt với tôi, anh chẳng có lỗi gì. Làm sao tôi có thể mang đau đớn, phũ phàng đến cho anh ấy? Đàn ông sao ích kỷ thế, người nào cũng muôn sở hữu tôi, muốn giành giật tôi Họ có nghĩ đến nỗi đau của tôi không, họ có thương tôi không, mà sao không tìm cách giải thoát cho tôi? Những cuộc độc thoại như vậy tua đi tua lại trong đầu tôi làm tôi phát điên vì không có câu trả lời? Tôi hận đàn ông. Tôi chỉ muốn biến mất mãi mãi khỏi cái thực tại này".
Ông bác sĩ khuyên tôi phải bình tĩnh, tỉnh táo. Phải cân nhắc điều nào đúng với tình cảm của mình và điều nào cần cắt bỏ dù phải hy sinh đau đớn. Người đàn ông nào là người thực sự tôi yêu? Tôi hãy nghe theo tiếng gọi của trái tim. Và khi mình đã yêu người này, nghĩa là không thể yêu người kía nữa, vậy tại sao mình phải giả vờ để cố sống với một người mình không còn yêu? Đừng lo lắng nhiều. Chưa cần phải quyết định ngay tức thì. Khi bình tâm lại, tôi buộc phải chọn lựa vì không ai có thể cùng lúc ôm cả hai. Bây giờ, tôi cần bình phục sức khỏe và ổn định tâm lý đã.
Lời khuyên của bác sĩ giúp tôi rất nhiều. Tôi nguôi ngoai dần. Muốn chết để chạy trốn thực tại thì chết lúc nào chả được, chả cần phải xin phép ai để chết cả. Rất may còn có cái chết như là một cái phao để nếu có lâm vào cảnh kịch chân tường, mình sẽ tự giải thoát. Không sợ chết. Đối mặt với cuộc sống lúc đó còn ngàn lần đáng sợ hơn cái chết. Chết lúc nào là do mình.
Bây giờ phải nghĩ cho chín đã. Bao đêm tôi tự dằn vặt mình, sao tôi ngu ngốc thế… Nhưng quả thực, tôi đã chẳng thể nào chống cự nổi tình yêu của anh. Hình như, tôi chỉ dám phỏng đoán, anh đã cố tình muốn có con với tôi, buộc tôi phải đi đến một quyết định, để tôi thuộc về anh hoàn toàn chăng? Có lẽ anh đã rắp tâm làm thế? Có con, anh càng mừng, như vậy là anh đã "tóm" được tôi rồi. Không phải anh lừa gạt tôi, nhưng để anh khẳng định ý muốn chung sống và trách nhiệm lâu dài.
Sau đợt khủng hoảng đó, anh trở lại Việt Nam chỉ vì lo lắng cho sức khỏe của tôi. Chúng tôi đã vô cùng hạnh phúc, mừng mừng tủi tủi gặp lại nhau, để rồi sau một tháng, tôi biết mình lại… có thai. Lo, nhưng tôi cũng rất mừng vì tôi đã dành điều thiêng liêng này cho anh, bố của các con tôi sau này.
Ban đầu, tôi nghĩ có chỗ tôi sẽ chỉ lướt qua thôi, không nói hết, vì tôi còn hơi ngần ngại. Nhưng như thế sẽ đi ngược lại tiêu chí sám hối. Khi đã xác định là sẽ sám hối, tôi phải nói thật, nói hết tội lỗi của mình. Người ta nói: "Một nửa cái bánh mỳ vẫn là bánh mỳ, nhưng một nửa sự thật thì không gọi là sự thật". Vì thế, dù tôi có nói đến 99 % sự thật, còn 1 % kia giữ lại cho mình, e rằng cả 99% kia cũng không phải là sự thật! Tôi không muốn những người đang đọc cuốn sách này, nhất là những người trong cuộc, như chồng cũ của tôi chẳng hạn, đến đoạn này của đời tôi bèn cười khẩy: "Bà này xạo". Dù chỉ một người đọc bảo có một chi tiết xạo, lập tức người ta có quyền nghi ngờ sự chân thực của cả cuốn sách. Tôi cứ nấn ná mãi, vì đây là giai đoạn đấu tranh nội tâm căng thẳng. Lại một lần nữa, tôi bị giằng xé giữa hai người đàn ông, chàng lãng tử chồng tôi và người tình thứ ba.
Giờ đây, hồi tưởng lại quãng thời gian đó, tôi vẫn còn thấy nhức nhối đau đầu, buốt óc. Không có ai trên đời này là pha lê cả. Có lẽ, quanh đây, còn có nhiều cuộc đời trắc trở hơn tôi. Chỉ có điều, người ta giữ kín chôn chặt, chẳng ai biết họ đã ngắc ngoải. vật lộn đấu tranh với tình yêu và tội lỗi ra sao. Đời mình đâu phải là quá đặc biệt so với đời người! Mỗi đời người là một cuốn tiểu thuyết với tất cả những thăng trầm bể khổ, éo le bất hạnh không giống nhau cơ mà. Và chẳng ai dám nói tôi bất hạnh hơn ai hay sung sướng hơn ai?
Khi muốn giữ lại cái thai thứ hai, là con trai Avi bây giờ, nghĩa là tôi phải đối mặt với toàn bộ cuộc đời, với dư luận, chứ không chỉ riêng phải đối mặt với người chồng. Sẽ ra sao nếu chuyện này bung ra ngoài xã hội?
Lần có mang này, tôi biết, mình phải tự chiến đấu với chính mình. Tôi trở nên mạnh mẽ hơn, quyết định phải nói hết sự thật với chồng. Lần lữa mãi cho đến lúc biết là không thể lùi được nữa, tôi hẹn chàng một buổi nói chuyện. Tôi nói: "Em không còn yêu anh nữa và em thực lòng xin lỗi anh về tất cả". Anh bàng hoàng run rẩy không thể tin những lời tôi vừa nói. Tôi tiếp tục: "Đứa con em đang mang trong mình không phải là con anh".
Ngưng lặng như ngừng thở…
"Em biết lời xin lỗi này thực là vô nghĩa so với nỗi đau mất mát của anh, nhưng em vẫn phải nói, cho dù anh không bao giờ tha lỗi cho em. Giờ đây, em chấp nhận sự trừng phạt. Hãy chửi rủa, phỉ báng em đi, gì cũng được".
Cổ họng tôi khô khốc. Tôi như sắp bị treo trên giá treo cổ. Anh lập bập rồi cũng thành tiếng: "Chưa bao giờ anh nghĩ rằng có một ngày em sẽ bỏ anh. Anh tin em tuyệt đối. Thề có bóng đèn, anh sẽ thương đứa con em đang mang như con đẻ của anh. Mình sẽ bán hết hai cái nhà, rồi đi đến một nơi xa, mua một căn nhà nhỏ để sống… Nhưng với một điều kiện, em vĩnh viễn không được gặp lại người đó nữa. Không được điện thoại cho người đó nữa". Tôi lắc đầu: "Không còn cách nào khác. Để bảo vệ danh dự cho anh, chúng ta phải ly dị. Anh hãy viết đơn bỏ em đi!".
Chàng dứt khoát không chịu viết đơn.
Tôi ở trong tình trạng bị xé đôi sang hai phía, bên này giằng đi, bên kia giật lại. Chàng chẳng có tội tình gì. Giá như, chàng chửi rủa phũ phàng. Chàng đánh đập tôi cho hả cơn giận, cho hả cơn đau. Không. Chàng chỉ run rẩy khi nghe lời thú tội phát ra từ chính miệng vợ mình. Tuy đã linh cảm thấy điều gì đó, nhưng chàng vẫn không muốn tin. Vẫn ra sức níu kéo… Nhưng lòng tôi đã quyết. Không bao giờ có chuyện ấy!