Chương 3 & 4

3
Có một quán cà phê tôi quen mà tôi vừa phải từ giã nó, bởi những trò điên rồ của bọn đàn ông. Thường những buổi chiều thứ năm, thứ bảy, chủ nhật, một trong ba buổi chiều ấy tôi thường đến cái quán ấy, ngồi vào một chỗ nhất định mà chủ quán dành cho tôi. Chỗ ấy ở cạnh cây trúc Nhật nhìn qua cửa sổ nhà bên cạnh thấy một mảnh vườn, chỗ ấy không kê gì cả, mà chỉ khi tôi đến, chủ quán mới kê bàn và ghế cho tôi.
Tôi được lặng lẽ yên ả ngồi một mình mà không sợ bị ai ngó nghiêng, không phải tôi cao đạo gì mà thực sự chỉ muốn yên thân. Lúc này là giờ của tôi, ngày của tôi, nỗi lo toan về con cái, về cuộc mưu sinh tạm lắng hoặc đã gạt bỏ ra ngoài. Biết tính tôi chủ quán chỉ nói bâng quơ.
- Báo mới có một truyện ngắn đọc được lắm.
Văn chương đã lâu rồi, tôi không còn tin vào nó nữa, nó phụ lòng tin của tôi, nó cùn mằn, ngô nghê, dối trá, lèm nhèm, dễ dãi, ê a và ở tầm rất thấp về văn hóa.
- Anh mà khen tức là đọc được, không đến nỗi mất thì giờ.
- Rất tiếc là tôi cũng chưa kịp đọc. Nhà phê bình Vũ Phong nói với tôi như thế nhưng lúc ấy tôi đang quan tâm đến tin đảo Hoàng Sa bị mất làm cho dân Hà Nội nháo nhác.
Những hiểu biết của các ông chủ quán cà phê thường là như vậy, cái gì cũng biết từ trên trời cho đến dưới đáy đại dương thăm thẳm, từ tính khí Maradona đến đời tư Củng Lợi thao thao bất tuyệt thiên kinh vạn quyển nhưng nó chỉ là cái váng mỏng thế thôi, bên dưới là rong vắt. Không phải ác ý nhận xét về anh như vậy mà chính anh nói ra điều đó, cũng như thiên hạ cả thôi chị ạ, chị tưởng các ông quan, các ngài giáo sư tiến sĩ khác tôi sao. Tôi học ở họ đấy. Đấy là câu nói chân tình và tôi đâm ra quý anh là vì thế. Anh rất ưu ái với tôi, dành cho tôi một chỗ ngồi mà người khác bất khả xâm phạm, vả lại, sự có mặt của tôi làm cho quán của anh thêm một tý hài hước và mỗi lần như vậy chúng tôi nhìn nhau mà cười ra nước mắt.
Cái quán này ở trong hẻm, rất ít khách vãng lai mà khách quen của nó là dạng như tôi cả, nghĩa là không già, không trẻ, không chức tước nên không phải suốt ngày giữ rịt lấy cái ghế, không giàu sang nên không phải lăn lộn với thương trường, tóm lại, đều là loại có học nhưng không ra ông, không ra thằng, quần áo bò, giày Adidas, ngôn ngữ rất tân cổ giao duyên rặt những đồ mặt này mặt nọ trộn lẫn với vô ngôn, tri túc, tâm thế, tâm linh, Tolstoi, Balzac, Freud, hiện sinh, lập thể, Ponpot, Staline, Verlaine… Đối với bọn chíp hôi mười bảy mười tám họ là ngáo ộp, đối với nhau, họ vừa là Jesu vừa là Giuda, chỉ có điều họ không hề biết chính họ là những anh hề. Thực ra, mỗi người đều có một ít hề trong người nhưng ở họ lại đậm đặc nhất.
Có thể không có tôi họ hiền lành hơn, có thể không có tôi họ thánh thiện hơn, mỗi anh một nhúm tâm tư, một nhúm tâm trạng, không anh nào tâm trạng hơn anh nào, đang nhăn nhó vì thèm rượu mà chưa có anh nào dại mồm dại miệng mời cho, vừa làm xong bài thơ con cóc thi hứng đang tràn đầy mà chưa có cử tọa để đọc, vừa lướt qua mấy trang Thiền luận đang định ngộ mà sợ không ai biết, bị vợ đuổi mà chưa có rượu để xả nỗi ấm ức. Thì lúc ấy chợt có một thiếu phụ là tôi, lặng lẽ đến ngồi vào chỗ khiêm tốn nhất, nhấp từng ngụm cà phê cũng lặng lẽ không kém, mặc dù đôi mắt vô cảm với cả bọn họ nhưng đôi tai thì nhất định đang hau háu để nghe những lời lẽ cao siêu mà nhất là lại không có bạn trai đi kèm, càng không có cái vẻ chờ đợi một người nào đó để đối ẩm. Vậy thì chỉ mỗi thính giả cô đơn này cũng đủ nặng đồng cân, đồng lạng bằng cả một lô một lốc những thính giả hờ hững, những cao đàm khoát luận của họ quá cỡ đối với khuôn khổ thính giác của món thính giả ấy. Quan trọng không phải ở số nhiều mà là ở chỗ biết nghe. Người biết nghe làm bùng nổ cảm hứng người nói. Không biết họ đọc bao nhiêu thơ và uống bao nhiêu rượu, nhưng tất cả đều ngất ngưởng. Nhà lý luận, tác giả của rất nhiều bài báo có tính chiến đấu nảy lửa về văn học, õng ẹo đến trước tôi.
- Xin lỗi chị, để tỏ lòng ngưỡng một cái đẹp tôi xin được hôn chân chị.
- Cảm ơn anh, nhưng chân tôi lại không muốn…
Nhà lý luận nói không sao, liền ngồi thụp xuống hôn lên mũi giày của tôi. Anh ta được cảm tạ bằng cái xoa đầu mà tôi dành cho anh ta, đám bạn hữu vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. Tôi cũng không khinh anh ta vì anh ta làm được cái việc mà anh ta thích, không cần biết đến đám bạn bè nghĩ gì. Và thiên hạ nghĩ gì.
4
Sự vắng mặt của Quỳnh Giao mới làm cho tôi thấy cần thiết có nó biết bao nhiêu, thí dụ như lúc này. Tờ giấy gửi cho tôi phần nội dung vẻn vẹn có mấy chữ "Mời chị ra làm việc" bên dưới có đầy đủ thủ tục như nơi gửi, ngày tháng, chữ ký… Đấy là một cái gì tôi thấy khó hiểu nhất trên bất kỳ thứ gì mà tôi đã gặp trên trần gian này. Có Quỳnh Giao tôi sẽ đọc cho nó nghe, và tôi sẽ rất lấy làm thú vị được nghe nó bình luận, nó đã từng bình luận nhiều thứ ngộ không chịu được, hai mẹ con sẽ được một trận cười.
Tôi có chuyện gì chăng hay Quỳnh Giao có chuyện gì chăng? Nếu có, điều đó cũng rất dễ hiểu. Đi đứng, ăn mặc, nói năng, công việc cơ quan, một cử chỉ hay một ý kiến gì đó vô tình làm mếch lòng bạn bè, không vừa ý đồng nghiệp. Chu cha, vô thiên lủng. Hằng hà sa số những khiếm khuyết, những bất cẩn trước cuộc đời mà tôi để lại như những dấu chân trên mặt đất mà mình đi qua. Tôi làm việc ở cơ quan, có gì thì đã có thủ trưởng của tôi, cấp trên của tôi và cấp trên của cấp trên nữa. Theo ngành chứ sao lại theo lãnh thổ, theo địa bàn, tại sao tôi lại phải làm việc với Hưng nào đó?
Tôi sẽ đi ra nhưng lúc này đang mưa, một cơn mưa đỏng đảnh, vô lối mà cũng rất đáng yêu, đáng được ngẫm ngợi và cảm phục. Có lẽ là cơn mưa cuối cùng của mùa thu. Ào ào rồi tạnh, lại ào ào. Trời đất trắng xóa những nước, cây cối dường như được trang điểm lại, mọi chiếc lá cứ như đang nhấp nháy tinh nghịch và hồn nhiên đến phát thèm. Vần vũ một dải mây đen rồi chợt tan, hàng cây sau sau lá như vàng thẫm hơn.
Một buổi chiều trong đời đáng để nhớ, tôi mong ngóng trời mưa thật to, mong có bao nhiêu nước cứ đổ xuống thật hào phóng. Những hạt mưa cứ to lên nữa đi, to bằng cái chén nữa đi và đừng bao giờ dừng lại.
Rồi tôi, như một kẻ dở hơi, lại mong ngóng và nguyện cầu trận mưa thôi, đừng đổ xuống nữa, hãy tạnh đi, tạnh đi. Những đám mây nào còn đang lang thang hãy vì tôi mà tan thật nhanh. Bầu trời hãy thôi sập sùi, gương mặt ỉu xìu và u ám kia phải biết tươi tỉnh lên và nên nở một nụ cười duyên. Chao ôi, mong ước để làm gì? Chỉ để được một chút an ủi, một chút sống với tâm linh, một chút thực sự là mình. Tôi thích thế, như món nợ tuổi mười ba chưa trả.
Ào ào tiếng nước từ ống máng dội xuống đất như tiếng thác. Đã một lần tôi khóc, ngày ấy mẹ con tôi mới dọn về đây, mưa đâu như lúc nửa đêm, tôi cứ ngỡ là tiếng suối.
Chị tôi bảo suối Năm cô rồi tức tưởi khóc rất lâu, ai khuyên giải cũng không được. Nước mắt chị Tâm tôi thấm cả vào tuổi thơ tôi. Không biết sau này ai đã hữu tình hóa mà gọi nó là suối Năm cô. Trớ trêu làm sao, hai cô gái của hai mươi năm trước đã là đàn bà, còn ba cô gái mãi mãi vẫn là con gái và con suối mãi mãi vẫn là suối Năm cô.
Có một buổi chiều như thế này, không phận sự và trận mưa đã xóa sạch những lo toan, không bận tâm đến cơm áo, quên đi những quan hệ giằng xé và không cần biết ngày mai cái gì sẽ đến. Giá như được thế, để ngày mai có thể tôi có một chút ngỡ ngàng, một chút ngạc nhiên và tôi được cười hoặc được khóc. Nhưng ở đây cứ tích tắc, tích tắc và ngày sau, tháng sau, năm sau vẫn lại tích tắc tích tắc, ông Tuấn vẫn bộ quần áo màu cháo lòng ngồi đọc báo trước cửa, bà Liên đi rửa rau qua vẫn câu thường lệ: "Có tin gì lạ không ông?", giáo Thứ mắt như mắt thằng kẻ cắp rình sau đám giẻ lau nhà. Tất cả cứ trôi một cách lạnh lùng, đều đặn, y chang cứ như có một cỗ máy để sản xuất ra, như mọi thứ đã có trong chương trình, tháng sau "có tin gì lạ không ông" và năm sau con mắt của giáo Thứ vẫn gian như mắt cáo. Tôi sẽ có dịp dành hẳn một chương để nói về cái lão giáo Thứ này, nghe nói ở dưới Nam nơi ông ta làm hiệu trưởng bị học sinh ném cứt vào người.
Có một buổi chiều như thế này, rũ sạch những lo toan. Đừng phải đọc những bản thảo dày cộp nửa văn nửa báo, nửa thế sự nửa tình dục của những tác giả mà lòng tự trọng hơi bị khiếm khuyết, thời gian ngồi quán bia nhiều hơn ngồi ở công sở, không trả tiền bia nhưng thấy ai đi trên đường cũng lôi vào, chèo kéo bằng được, rất thích phong cách "của người phúc ta" rồi hát ông ổng: "Chỉ có bia mới hiểu được, bụng mênh mông dường nào…". Khi người ta sống rất tự tin thì cái gì cũng thành hay cả, bọn họ thường là như vậy, rất tự tin và quá yêu đời. Dù sao thế vẫn hơn, còn tôi, tôi lại tự coi thường mình, là thứ nửa người nửa ngợm, tôi thủ dâm khát vọng và bao giờ cũng lo mất những cái không bao giờ có và vinh quang tự hào một cách rởm đời, vô lối những cái không bao giờ là của mình. Và nữa, rất nhiều khi tôi tỏ ra bao la ngôn từ, thích những từ choáng lộn như mạ vàng mạ bạc vậy nhưng thực ra tôi chẳng có gì hết, tôi rất xấu hổ và tự ngượng với mình, toàn là vay mượn cả một lượt, tư tưởng vay mượn, niềm kiêu hãnh vay mượn, đến niềm kính yêu cũng là một loại cầm cố sẽ có một lúc nào đó những thứ mà tôi có sẽ bị xiết nợ hoặc bị phát mại.