"Tự giữ cho mình nguyên vẹn giữa biết bao đổ vỡ là điều quá khó khăn… " Phạm Việt CườngGiữa khuya, tôi choàng tỉnh, hất tung tấm mền, lưng đẫm ướt mồ hôi. Chân thốc mạnh vào thành chiếc giường sắt, bật tiếng chửi thề. Chợt nhớ tới thằng bạn cùng phòng. Mà không, hắn đã đi phép sáng hôm nay. Khung cửa sổ khá cao, sáng như có đèn chiếu. Xoay người nằm lại ngay ngắn, tôi mở mắt nhìn con trăng trong veo, sắc lạnh. Đã mười tháng, mười tháng của một năm rưỡi phải qua đi. Mười tháng! Sao chưa quen được với cái giường sắt, với tấm nệm cỏ và bộ đồ lính dầøy cộm. Tự dưng tôi đưa tay vuốt tóc, chạm phải làn da đầu gần như trần trụi, ươn ướt. Không biết bao giờ mới bỏ được cái tật đưa tay sờ tóc. Cái thằng luôn luôn đứng xếp hàng cạnh tôi để chào cờ, vào căng tin, để tập bắn, hít đất và đôi khi tắm rửa tập thể…vẫn nhăn mặt, bĩu môi khi tôi trực giơ bàn tay lên. Một lần, hình như trái mắt quá, nó mắng thẳng: - Thằng chó, ở cái chỗ mày đang đứng, không được quyền có thói quen!
Tiếng mấy con bẹc-giê sủa từ xa, quen thuộc, rợn người. Tên T. sắp đi tuần ngang đây. Cái thằng chửi tôi kia đã có lần lầm bầm:
- Ở cái trại lính quân dịch thời bình, việc đếch gì phải đi tuần với chó! Một thứ gì đầy ứ từ dạ dày cuồn cuộn trào lên. Chất buồn nôn đã tới tận cổ, cơ thể sao trĩu nặng vô cùng. Tôi muốn ngồi dậy, nhưng cả người hồ như bị dán dính vào tấm nệm. Mớ nhờn nhợn ấy không tuôn ra được, nên lại ngoan ngoãn quay ngược trở vào. Trăng chiếu từng vệt qua các chấn song, ngả trên bàn gỗ, lướt ngang khung ảnh An và những tờ giấy viết thư còn trắng bóc. Tiếng chó lại gầm gừ rất rõ trong đêm. Dường như chúng gấu ó với những lằn roi và tiếng chửi thề từng chặp của tên T. Giá tôi có thể ngồi dậy, tung cửa, chạy thoát ra biển. Chỉ có năm trăm thuớc. Biển chỉ cách chỗ tôi nằm năm trăm thước, sao tôi không thể nào chạy tìm đến biển. Ý nghĩ bất lực càng đóng đinh tôi vào với chiếc giường.
Thằng bạn đã đi phép. Khi nhét nốt cuốn sách và bộ quần áo lót vào túi đeo vai, nó ngửng nhìn tôi đang đứng ở thềm cửa theo dõi từng cử động. Cặp môi dầy nhếch nhẹ một bên, nó định nói điều gì, lại thôi. Nó chẳng cần nói ra, tôi đã hiểu. Thường ngày, hai tròng mắt nó vừa bốc cháy căm phẫn vừa lặng chìm đau đớn, nhẫn nhục. Nhưng sáng nay, trước khi bước ra khỏi cửa, tuy miệng cười khẩy, những tia mắt nó đảo qua tôi đầy thương hại. Tôi trở vào, giơ tay vuốt tóc, ngồi phịch xuống thành giường. Tôi thừa biết điều cuối cùng nó muốn nói: - Tới phiên mày đó, để rồi coi.
Mấy con chó đã ngừng sủa, nhưng tiếng chân chúng và tên chủ rõ mồn một trên con đường dẫn đến khu nhà trệt này. Từ một tháng nay, thứ lính quân dịch có học thức được tuyển chọn làm việc văn phòng như chúng tôi dọn ra ở riêng, cách biệt hẳn khu trại đông đúc bên kia. Bọn cấp trên bảo đó là đặc ân. Hai đứa vào một phòng, trong căn nhà bê tông dài hơn hai chục thước, gần biển nhất. Nhưng tổng cộng chỉ có bốn thằng lính sinh viên được cắt cử lo việc văn phòng và điện toán cho cả trại. Hai đứa một phòng, vị chi hai phòng cả thảy. Một ở đầu hồi, một ở cuối. Có la hét kêu gào, phòng đầu kia cũng không hề nghe thấy. Họa may nếu có cơn gió thổi ngược từ đất liền ra biển, hai tên cuối khu nhà mới nghe được tôi chăng. Tôi cố nhỏm người, liếc nhìn chốt khóa và cái ghế tôi đã cẩn thận chặn ngang cửa phòng trước khi vào giường. Một việc làm thừa hiểu vô ích, vẫn làm.
Vầng trăng khuyết, lạnh như kim khí vẫn treo cao. Dưới khung cửa sổ là cái giường thằng bạn. Chăn gối xếp gấp cẩn thận, trong một thứ trật tự nhà binh. Hình như nó chưa đi phép, đang đứng đấy, ở cuối giường, đầu ló qua khung cửa một chút, tối đen vì ngược ánh trăng. Nhưng cái áo may-ô và chiếc quần đùi nó mặc trắng toát. Tôi vẫn nhìn ra hai cánh tay buông thõng, cả cơ thể nó đang run rẩy. Rung lên nỗi bất lực và sợ hãi. Chênh chếch trước nó, quay lưng về phía tôi là cái khối đồ sộ, đứng dạng chân, chắc nịch trên nền gạch. Bàn tay phải tên T. chờn vờn trên báng khẩu súng lệch ra khỏi cái thắt lưng đã mở tung. Bàn tay trái hắn loay hoay làm gì trước bụng, tôi không rõ. Cơn buồn nôn lại dồn lên, nghẹt thở. Tôi chồm đầu ra khỏi giường để cố oẹ. Không. Không có gì trào ra nổi. Quay nhìn cửa sổ, chỉ có chiếc giường trống. Tôi thở dốc, lôi vội tấm chăn trùm kín đầu. Ờ phải, tên T. còn trên con đường đi tuần, hắn chưa tới đây. Biết đâu chừng hắn sẽ đi thẳng đến căn phòng cuối dãy. Tôi có cường tráng gì cho cam. Bọn chúng thường gọi tôi là thằng nhỏ, như mẹ tôi năm xưa. Thằng anh và thằng em tôi bao giờ cũng lớn và đáng nể, trước mắt bà. Tên T. thèm gì thằng nhỏ. Nó chẳng ghé vào đây đâu. Tấm chăn trắng phủ trùm như màn sương, mà mồ hôi là từng giọt sương đọng lại, rìn rịn khắp trên lưng. Bỗng dưng tôi lịm đi. Hình ảnh thằng bạn co rúm trong hai cánh tay rắn chắc đầy lông vàng hoe của thằng T. biến mất. Và, tôi cũng chẳng còn nhìn thấy tấm ảnh An trên chiếc bàn gỗ nữa.
*
Tôi trở về thành phố giữa mùa hè. Con tàu điện rít hồi còi rồi trườn vào ga lúc đứng trưa. Người ta và hành lý đông nghẹt, chộn rộn trên sân ga. Mùa này thiên hạ di chuyển, dời chỗ. Mỗi người đều thấy cầøn phải đi, phải đến một nơi nào khác hẳn ngôi nhà hằng ngày. Chỉ có tôi, tôi trở về nơi cư ngụ, một căn phòng trọ sinh viên. Tàu đã ngừng hẳn. Người tên toa lôi hành lý xuống, hối hả chẳng kém gì người dưới đất chăm chăm khuân xách chỉ vội leo lên. Tôi đứng dậy, từ từ kéo chiếc ba lô để ngăn trên đầu. Lại chạm vào ánh mắt gã đàn ông lông mày rậm đen ngồi phía trong. Hắn ta bực bội thấy tôi cứ thản nhiên ngồi ì, không đứng lên cho hắn đi ra. Việc gì phải gấp gáp. Tôi muốn kéo dài, thâu nhận thật sâu cảm giác được trở về cõi bình yên.
Gã kia đi sau, thỉnh thoảng húc chiếc vali vào bắp vế tôi. Hề chi. Tôi vẫn chậm rãi giữa hai hàng ghế. Mãi tới cửa toa, tôi mới nhìn ra dáng An đang nép vào bờ tường gạch đỏ. Áo cánh trắng mong manh trên váy màu xám nhạt. Thấy tôi ngỡ ngàng, An cười. Nụ cười của An không bao giờ là nụ cười vui rạng rỡ, nhưng hồn nhiên và tự tin. Nàng không thích chen lấn, vẫn đứng yên chờ tôi rẽ đám đông đi đến. An thong thả choàng hai tay qua cổ tôi. Tóc nàng bốc thơm mùi nắng. Chắc chắn An vừa nằm phơi nắng ở sân nhà trước khi đến đây. Tôi ôm lưng nàng bằng hai bàn tay tự nhiên lõng thõng, không dám xiết chặt. An ngửng lên, từ cằm nàng đến bờ môi dưới cong cong là đường rãnh mơ hồ đã từng ám ảnh tôi trong nhiều giấc mơ. Tôi có thể lướt môi mình trên đó, nuốt lấy vị ngọt và mùi hương An ngay bây giờ, rất thực. Nhưng hai bàn tay lại xoay nhẹ người nàng, đẩy về lối cửa ra.
Tôi quen An hai năm cuối trung học, trên chuyến xe buýt chật ních giờ tan trường. Nàng và tôi cùng cố len vào góc xe cho dễ thở. Xe vừa chạy đi lại bất ngờ thắng gấp, An ngã chúi vào tôi. Khi tôi đỡ nàng đứng thẳng dậy, An ngượng nghịu vén mấy sợi tóc ra sau tai, hai vành đỏ hồng. Tôi tiếp tục rẽ lối cho An tới cuối xe. Chúng tôi tìm được chỗ đứng bình yên, nhìn ra ngoài cửa kính. Cận ngày lễ Giáng Sinh, đường phố giăng mắc đèn màu và tuyết đang rơi từng cụm nhỏ. An chụm môi thổi hơi ấm vào hai bàn tay lạnh cóng. Tôi tuột ngay đôi găng đưa cho nàng. An cười và nhận lấy tự nhiên. Không ngờ, tới mười sáu tuổi, thằng con trai mới làm quen với một cô gái lần đầu. Sự làm quen này sao tình cờ và dễ dàng đến thế.
Từ hôm đó, mỗi chiều, không hẹn, nhưng chúng tôi cố tình đợi nhau ở trạm xe. Thằng em kém tôi một tuổi thỉnh thoảng cũng về cùng chuyến. Những lần ấy, An và tôi lặng thinh như thể không quen. Hai anh em tôi giống nhau như sinh đôi. Chỉ trừ, nó tóc ngắn, còn tôi tóc dài. Ngày nào vết sẹo còn hằn bên tai, ngày ấy tóc tôi không thể cắt ngắn. Chỉ một vài lần thấy thằng anh cả rồ rồ mô tô cạnh xe buýt, tít tít bấm còi, rồi tên em vội vàng nhảy xuống, hai đứa phóng đi, không ai đả động đến tôi, thì chẳng cần thông minh như An cũng hiểu mối thân tình giữa tôi và anh em thật là giới hạn.
Suốt thời gian quen An, chẳng ai hoài tâm đến chuyện tôi có bạn gái. Anh em tôi nào dư thời giờ. Nếu không bận bịu lau chùi chiếc mô tô thật bóng nhoáng, thằng em loay hoay tổ chức những buổi hẹn hò cho ông anh. Thời gian còn lại dành cho những trận đá banh quanh vùng mà hai người họ là thành viên cổ võ hung hãn nhất. Đôi khi, nổi hứng, trực nhớ tới sự hiện hữu của tôi, họ rủ tôi đi một vòng trên chiếc xe quí báu. Bà mẹ vội cản: - Ấy, để nó yên! Từ bao nhiêu năm, cứ thấy đứa bé èo uột, khó nuôi ngày nào dần dần lớn lên, đêm ngủ không còn những cơn mơ la hét đánh thức cả nhà, là mẹ tôi hài lòng. Nó cứ bình lặng đến trường, rồi loanh quanh trong căn phòng riêng biệt của mình, không quấy rầy ai, là bà yên tâm.
Khi tôi đủ can đảm rủ An đi chơi xa, hai đứa thường đạp xe ra bờ sông. Một gói bắp rang để An thả cho mấy con thiên nga và đàn vịt, một phong kẹo cao su cho tôi, và một quả táo cho nàng. Thành phố tôi ở giữa đất liền, sông hồ không thiếu, và nhiều rừng cây giữ mưa mùa lũ. An thường bảo nàng không thích sông bằng biển. Dù sông có dài hay rộng bao nhiêu vẫn nhìn thấy bên kia bờ, vẫn có một giới hạn. Cho đến năm ấy, tôi chưa từng được đi xa, ngoài một lần để vào bệnh viện lãnh vết sẹo chân rết bên tai. Mẹ tôi viện lý do, tôi hay đau ốm ngay từ lúc mới sinh. Làm sao tôi nhìn thấy biển bao la và ngửi ra mùi của nó. Năm chúng tôi vào đại học, bố An giữ lời hứa với con gái, dời đi miền tây bắc, có biển cho nàng. Tôi không có cách gì hơn, vật vờ ở lại, xa An ba năm. Cuối cùng, một buổi sáng, tôi nhảy lên toa tàu xe lửa. Bỏ lại, sau những hàng cây phong đã đến mùa đỏ lá, cái trang trại to lớn của gia đình và những nhánh rẽ của dòng sông chảy về qua đó. Tôi biết, một đời tôi đi theo An, theo ánh mắt dịu dàng, yêu đời và tự tin. Theo chiếc váy ngắn trên đôi chân dài cùng cái mũ bê rê nghiêng nghiêng trên mái tóc nâu phơ phất. Tôi đã đi tìm tới biển, yêu An và tiếp tục học hành nơi đó cho tới ngày phải vào trại lính quân dịch, ở một vùng biển khác.
*
Lúc tôi quay ra với ly rượu rhum nóng pha đường thật ngọt cho An, nàng đang đứng gần lò sưởi. Chiếc quần jean đen, đẫm nước mưa nhiều khoảng, bó chặt từ hông xuống cặp chân dài. An đã cởi chiếc áo len. Những đường hoa đăng ten khoanh tròn bộ ngực hiện rõ ràng dưới làn vải T-shirt ướt dính trên da. Mắt An nhìn tôi không chớp. Ánh mắt cuốn hút kiểu ấy luôn luôn là một dấu hiệu gọi bảo. Hiển nhiên, tôi sẽ không cầm cự nổi, phải lao theo nó, cuộn vào cơn lốc cuồng mê. Tôi sẽ đến trước mặt nàng, kề ly rượu vào miệng An, đợi nàng nuốt xong một ngụm. Rồi cúi xuống, hút chất nồng đọng ở đôi môi mềm ấm, cuốn lưỡi trên những chiếc răng trắng lạ lùng. Mấy nhánh củi tôi nhóm lên, khi hai đứa gặp mưa ướt loi ngoi từ biển về, đã đủ sức nóng. Những ánh lửa sáng làm hồng thêm hai bàn chân trần của An trên sàn gỗ. Nàng nghiêng người tì má vào cánh tay chống vào bệ đá lò sưởi, vẫn im lặng. Hôm nay nàng bỏ rơi chiếc váy ngắn rất thiếu nữ hồn nhiên thường lệ. Trong quần jean khít khao, vòng mông cong tròn như một thách thức, thu hút thật đàn bà. Ly rượu trong tay nóng bỏng hơn. Nôn nao trên bước chân, tôi đã đến thật gần nàng. Thốt nhiên, một vật gì lao tới tựa viên đá ném thẳng vào lồng ngực. Choáng váng, không tự chủ, tôi vội vàng đặt ly rượu trên lò sưởi, cạnh cánh tay nàng rồi quay ngang, đi lại góc phòng. Cây ghi-ta vẫn nằm ngửa trên giường từ sáng. Tôi ngồi xuống gượng gạo cầm đàn lên, không dám nhìn An, bối rối:
- Để anh hát một bài mừng sinh nhật em. Một giọng hát trơ trẽn, lệch lạc bật lên. Không phải của tôi. Chẳng thể là tôi. Nhưng tôi vẫn hát.
Không biết từ lúc nào, An đến ngồi cạnh giường, dưới chân tôi. Nàng xòe nguyên bàn tay chận đứng những sợi dây đàn. Ngón tay kia An hếch cằm tôi lên. Trái hẳn với cử chỉ khẳng định, gương mặt nàng vẫn dịu dàng với vài sợi tóc mai xòa trên trán. Nàng cất tiếng hỏi: - Hôm nay An mấy tuổi hở Kim? Tôi hơi ngỡ ngàng: - Hai mươi bốn. An gật đầu, mắt không chớp: - Kim có biết rằng năm mẹ An hai mươi bốn tuổi đã sinh ra An rồi không? Tôi chưa kịp nói gì, bờ ngực hồng dưới cổ áo rộng của nàng phập phồng. An đưa cả hai bàn tay giữ lấy khuôn mặt tôi, giọng nghèn nghẹn: - Từ ngày Kim miễn quân dịch về, mấy tháng rồi, tụi mình chưa yêu nhau…Tại sao? Một lưỡi dao từ đâu xoáy vào bụng tôi. Câu nói này như chất xúc tác kinh khủng nhất, cồn cào lên cơn buồn nôn nghiệp chướng, chất nhờn lợm lẫn thứ gì mặn như máu. Tôi vùng dậy, suýt xô An bật ngã, lao vào phòng tắm, xoay cái khóa cửa, gập người, nôn khan hào hển, rồi ngồi bệt xuống sàn. Hình như có tiếng An kêu gọi phía ngoài. Đối diện với tấm gương, mái tóc lởm chởm trên đầu chưa che nổi vết sẹo trước vành tai. Đấy, hắn vẫn đó, đã chồm hổm sau lưng. Hắn đưa ngón tay tròn to đầy tàn nhang như quả chuối châm hương, vuốt một vệt dài theo lằn sẹo. Tôi chưa biết phải chạy hay la hét thì đã bị hắn đè lên, đẩy chồm về phía trước, nằm gục trên nền gạch.
*
Nhoài ra khỏi những bụi lau, tôi chỉ còn đủ sức buông người lăn long lóc qua suốt triền cát khô ráo, để đáp sấp sõng soài trên cái nền ẩm ướt. Cho đến lúc một vật gì sớt qua, cào ngang mặt đánh thức tôi thảng thốt. Nhỏm đầu, tôi chỉ kịp nhìn ra cánh chim trắng chập chờn bay ra biển. Cả thân thể trườn trượt lún dần, mặt phẳng dưới người đang chuyển động. Hóa ra biển đã dâng, nước ngập đầy vũng cạnh chỗ tôi nằm.
Không thể ngồi dậy, tôi đành thả đầu, áp tai vào cát. Sóng ngầm đang đập vỡ tàn phá dưới đó. Sâu hằng bao nhiêu thước, nước đang sôi sùng sục. Nham thạch cùng kim khí bị lửa trái đất nung chảy, bung lên một nhiệt lượng khủng khiếp, xuyên thấu qua đất đá, qua chiều dầy của biển, qua sỏi cát, đốt cháy da thịt, ngũ tạng tôi. Không, hình như cái nóng rực bỏng rát này chẳng phải từ lòng đất mà từ bụng dưới và đáy lưng thốc lên, rầm rập. Một hòn lửa chín đỏ đang lăn từ sâu giữa hai mông, bò lên lưng, rồi qua ngực. Đi tới đâu đốt đến đó. Ấy, nó đã chạy tới cổ họng, bỗng vọt ra, bay vút lên trời. Tôi lại thảng thốt ngửng nhìn theo. Hòn lửa phóng thật nhanh như lằn chớp, nhập vào mảng trăng đang ngất ngưởng, chênh vênh. Trăng tóm lửa, sáng rực. Tôi chợt thấy một vết máu đỏ ối loang dần trên màu trăng lụa ngà trinh bạch. Bỗng nhiên, từ đó tuôn ra những làn nước xối xả, thẳng đứng, mạnh mẽ, giận dữ. Như trận mưa nào đã đổ xuống trên sa mạc đỏ, khi thằng bé tôi vừa tròn năm tuổi.
…Buổi sáng tinh mơ ấy, tôi theo mẹ lên chuyến xe lửa đầâu tiên. Mùa đông năm đó thật dầy, nặng trĩu. Mấy tiếng đồng hồ tàu chạy, tôi không thấy gì ngoài một bầu sương trắng. Thảng hoặc mới nhìn ra vài rặng bạch dương trần trụi, ngất nghểu bọc rìa những đồi thông cao vọi. Lần đầu được đi xa, nhưng tôi chẳng mấy chú ý đến cảnh vật. Chiếc vali nhỏ mẹ đặt trên băng ghế đối diện, trong đó mẹ xếp đặt nào quần áo, nào con thỏ bằng vải cùng đôi giầy bông, đã làm tôi thắc mắc, bồn chồn lo lắng. Mẹ bảo dẫn tôi đi chữa cái mụn kềnh càng bên tai. Theo bà, chính nó là thủ phạm những cơn khóc đêm, đái dầm, mê sảng. Nó làm tôi lười ăn, èo uột, không lớn được như những đứa trẻ bình thường, như anh và em tôi. Bà dỗ, đi một lúc rồi về. Làm sao tin được, một chốc rồi về mà phải lỉnh kỉnh bao nhiêu đồ đạc cho riêng tôi, trong cái vali ấy!
Khi tôi bừng tỉnh, một bên mặt xốn xang đau nhức. Tôi vùng đưa tay sờ đầu. Đầu tôi quấn một lớp băng dầy cộm. Tôi nhắm mắt hét lên gọi mẹ. Có hai cánh tay vội ôm tôi, giọng đàn bà ôn tồn: - Không sao, đừng sợ, mẹ em sẽ tới bây giờ. Tôi mở mắt ra, cô y tá đón ở cửa nhà thương hôm qua đang ngồi cạnh. Hơi thở dồn dập, thái dương nhói buốt, nhưng tôi lẳng lặng nhìn cô, không nói gì. Điều quan trọng, mẹ tôi không có đây. Bà đã bỏ đi. Đi đâu? Suốt ngày tôi nằm vùi trong chăn, cắn răng chịu cơn đau. Tô không còn muốn khóc. Có lẽ mẹ đã bỏ đi vì chẳng thể nghe tôi quấy rầy hằng đêm nữa. Cũng từ hôm ấy, tôi không còn biết khóc.
Một đêm qua đi, sáng hôm sau, rồi trưa đó, cho đến buổi chiều…Buổi chiều, không gian xám ngắt. Lâu lâu mặt trời cố xuyên thủng màn sương, đẩy xuống vài tia nắng hiu hắt. Con chim se sẻ lững thững trên thành cửa sổ, gõ mỏ lóc chóc vào ô kính. Dáng chừng nó đói, đòi ăn. Tôi cố ngồi dậy, cầm mẩu bánh mì lần ra mở cửa. Cô y tá bước vào, níu tôi đẩy lại giường, rồi bật chiếc truyền hình nhỏ, tìm một đài đang chiếu phim hoạt họa, và dỗ: - Em xem đi, hay lắm, mẹ có việc phải về nhà, sắp vào đón đấy. Tôi lơ là nhìn màn ảnh. Tim tôi nặng trĩu. Chiếc vali để trên bàn trong góc phòng không còn chứa đựng gì bí mật nữa! Con chim sẻ vẫn loay hoay một mình ngoài kia trời rét.
Bỗng nhiên màn ảnh sáng rực cát vàng. Một người Ả-Rập từ đâu xuất hiện, lom khom móc trong túi những nhánh xương rồng, rồi cặm cụi cắm vào cát. Nhưng cứ cắm tới đâu, gió tạt đến đó, bốc tung cành xương rồng cuốn bay đi. Nhạc nổi gió rít từng cơn. Ông ta vẫn lui hui, nặng nhọc lún sâu trong cát, dưới một mặt trời tròn to quá khổ, đang chuyển từ vàng cam sang màu máu. Tiếng nhạc chợt trở nên dồn dập, rầm rầm rơi xuống với những lằn sét ngang trời. Bao nhiêu làn nước tuôn thẳng trên đầu người Ả-Rập. Ông ta ngửng mặt đón mưa, nhe hàm răng trắng và đôi mắt mở trừng già cỗi. Sa mạc hứng đầy nước, cát tan biến, hoá thành dòng sông đỏ thẵm. Tôi nhắm nghiền mắt lại, trôi theo.
Hơn hai mươi năm đã qua, bây giờ cát dưới thân tôi cũng đang dần dần cuốn ra biển cả. Sóng đang đập ồn ào dữ dội. Tôi co hai chân, chống tay, cố bò dậy. Đầu óc choáng váng, tôi dang hai tay giữ thăng bằng để đứng được thẳng người. Ôi đêm. Chỉ mình tôi trước đại dương này. Biển không đen như tôi tưởng mà xanh đậm, ngoài xa hơn chuyển sang màu tím. Mấy con chim đêm về bói cá dưới ánh trăng, nhào xuống lượn lên trên những cuộn sóng trắng xóa, cánh vỗ từng nhịp như tay ai vẫy gọi. Tôi chạy theo, lao vào biển. Vừa buông người trong nước, nửa mặt mang vết sẹo và một bên đùi đau rát. Tôi chơi vơi đứng lên, bấy giờ nhìn xuống, mới thấy mình gần như trần truồng, chỉ có chiếc áo lót ướt dính trên người rách toang, lõng thõng. Hoảng hốt, ngẩn ngơ, chưa kịp hiểu tại sao. Một cuộn sóng cao vọi từ xa xầm xầm rập tới, tôi vội vã chạy vào bờ. Nhưng không kịp nữa rồi, nó chụp từ sau lưng, hất tung tôi về phía trước. Trong khoảnh khắc, tôi chợt hiểu cái đau cắt thịt từ đâu ra. Tên T. đang vồ tới, cả thân người và cánh tay hắn dang rộng, vũ bão như sóng.
Từ khi thằng bạn đi phép, đêm đầu tiên rồi đêm thứ nhì tôi thấp thỏm đợi chờ thảm họa. Nhưng biến cố không xảy ra. Đến đêm thứ ba, trăng tròn và dịu dàng hơn, tôi tự nhủ: chắc nó chẳng thèm. Nhưng vẫn cẩn thận khóa chốt cửa và chặn cái ghế. Quá căng thẳûng thần kinh trong hai đêm trước, tôi mê đi cho đến lúc, rầm rầm, cánh cửa và chiếc ghế bị hất tung. Tôi ngồi bật dậy. Tên T. đã đứng giữa phòng. Đèn treo ngoài mái hiên hắt vào, giao thoa với ánh trăng tràn trải thật dài. Tất cả sáng trưng trước mắt. Sáng hãi hùng. Ba con bẹc-giê thè lưỡi đỏ, dàn trận thẳng hàng trước tên chủ. Mấy cặp tai vểnh lên, dựng đứng, sáu hòn bi xanh quắc chiếu trừng trừng vào tôi. Không hiểu do sức lực nào, tôi đứng dậy được, lùi vào cuối phòng, gần cái giường của thằng bạn. Gã T. vẫn đứng tại chỗ, thản nhiên chờ đợi. Thấy tôi nắm lấy cái ly thủy tinh cao để trên bàn, bấy giờ hắn mở hàm răng rộng đến mang tai, khinh khỉnh bước tới. Lũ chó tiến theo, gầm gừ. Hắn đá phóc một cái, mấy con chó dừng ngay. Tôi đã tới sát thành giường. Đằng sau là bức tường kiên cố và khung cửa sổ cao. Đường cùng. Cách tôi một sải tay, tên T. đứng lại. Tay phải hắn vẫn cầm cái roi quất chó, tay trái hắn chậm rãi mở cái thắt lưng, mắt chờn vờn tôi như ngắm nghía con mồi. Từ bấy lâu nay, tôi chỉ nhìn hắn từ sau lưng đã thấy to lớn đe dọa. Bây giờ, ở vị trí của thằng bạn, đối diện với tên T., tôi nhận ra mình chỉ là cành lau bên thân sồi đồ sộ. Cái quần đã mở tung, trễ xuống quá mông, hắn khệnh khạng, khiêu khích bước thêm. Không nghĩ gì hơn, tôi đập mạnh cái ly vào song sắt. Một nửa rơi toang xuống đất, mảnh còn lại trong tay tôi chĩa nhọn. Tên T. càng hứng chí cười hềnh hệch, giơ tay chụp lấy tôi. Chẳng đợi, tôi lao vào hắn với cái ly vỡ. Nào ngờ, hắn ta như đợi có thế, vung roi, quất một đường vào má tôi ngang lằn sẹo, một roi thứ nhì ngay đùi. Tôi ngã nhào xuống sàn, mảnh thủy tinh đâm ngược vào lòng tay. Tôi chẳng kịp nhận ra sự đau đớn, một tảng đá đã đổ ập xuống trên thân. Tôi bị đè dang tay như thập tự, nhận khổ hình. Không biết tôi tỉnh hay mê, chỉ nhớ rằng tôi còn nhìn ra dòng máu đỏ ứa từ bàn tay trắng bệch. Nhưng có lẽ tôi tỉnh. Vì sau đó, tôi đã lê người, chạy thoát ra khỏi căn phòng có ánh trăng đuổi theo, lết bết trên những bãi cát, qua mấy đồi lau, tìm đến biển.
*
Trời đất tối mù hung hãn khi cơn mưa đá đổ rào rào. Từ trên hai tầng lầu, sau lớp kính dầy kiên cố nhòa nước đá tan, tôi cúi nhìn lo lắng. Dưới kia, người đàn bà dáng dấp mong manh ấy làm sao đứng vững trong cơn gió ngông cuồng và những viên nước đá to bằng đầu ngón tay không nương nể. Đáng lẽ tôi nên giữ cô lại. Hai tay ghì chặt mép áo khoác dầy, cô xiêu ngã tìm tới chiếc xe đậu trong góc parking dưới hàng dương uốn cong nghiêng ngửa. Tôi muốn xuống thang lầu, chạy ôm người đàn bà xanh xao đó trong cánh tay. Cô vừa qua cơn bệnh tử sinh đã vội đến thăm tôi ở tận nơi này.
Khi có tiếng gõ cửa, tôi đang nằm gác chân ngó trần nhà. Cũng may căn phòng không sơn trắng. Tường và cửa sổ, màn che cùng màu xanh dìu dịu. Tôi lặng thinh không trả lời. Mụ y tá với vầng trán và đuôi mắt đầy nếp nhăn chắc chắn sẽ ló vào, ném một câu thăm dò: - Cậu cần gì không, vừa ý chứ? Tôi cần chi, và muốn được mãn nguyện điều gì? Tất cả đã vỡ tan như những mảnh thủy tinh trong bàn tay tôi ứa máu. Tất cả đặc cứng lại rồi như chất nhầy đã đóng thành xi măng trong dạ dày, không còn có thể trào lên tọt xuống. Lại tiếng gõ cửa, tôi bực mình buông thõng: - Vào đi. Ai ngờ là cô. Tôi vùng dậy, ngỡ ngàng nhìn cô ngập ngừng ở ngưỡng cửa, trong chiếc áo khoác đen và mái tóc còn lóng lánh những hạt mưa. Chắc cô ngạc nhiên thấy tôi nằm trên giường mà y phục lẫn giầy vớ chỉnh tề. Tôi đã nghĩ, phải ra khỏi căn phòng này, nhưng đi đâu?
Tôi mời cô đến ngồi ở chiếc bàn con cạnh những ô kính lớn trong phòng tiếp tân. Không xa, dưới chân nhà thương là con đường vòng đai thành phố. Mới bốn giờ chiều, những dòng xe đã chớp lóa ánh đèn đỏ vàng lên xuống. Mưa hình như đã từ lâu lắm. Tôi rót một tách nước trà, cô giữ nó trong hai bàn tay, xoay xoay sưởi ấm. Tôi nhớ đến đôi găng ngày nào đã đưa cho An. Không gặp nhau chỉ hơn hai tuần, cô đã sút hẳn đi, làn da trắng xanh, càng nổi bật cặp mắt đen và mấy đường gân hai bên thái dương. Bỗng dưng tôi thấy cô nhỏ bé vô cùng. Hơn cả những lần đứng cạnh cô bên các máy móc trong phòng thí nghiệm. Cô để tách trà xuống bàn, tay gỡ vài lọn tóc chưa khô và nói: - Định ghé mua chocolat có bạc hà mà Kim thích, nhưng mưa quá! Tôi khoát tay: - Cô đến đây là đủ.
Giờ thăm bệnh nhân đã bắt đầu. - mỗi bàn, thân nhân ngồi quanh con bệnh lúng xúng trong bộ quần áo xanh của nhà thương. Mỗi người một vẻ, mỗi người một kiểu. Cạnh đây, bà cụ tóc rụng gần hết, miệng cứ mếu máo kêu mẹ ơi, trong khi cô gái trẻ ngồi bên cầm tay bà dỗ dành. Bên kia, gã đàn ông ngờ nghệch nhìn mấy tấm ảnh trên tay người vợ đang vừa chỉ vừa giảng giải liên hồi, nhưng anh ta vẫn lắc đầu quầy quậy. Tôi ái ngại quay nhìn, cô đã phác cử chỉ tỏ dấu hãy yên tâm rồi cúi xuống uống một ngụm trà, nhẹ nhàng nói: - Mọi điều đều có nguyên do, nhưng làm sao để nói ra và tìm được người biết nghe nó, phải không Kim?
Dường như cô còn nói thêm ít nhiều câu gì nữa, tuy chẳng hề động tới thương tích tôi. Những hòn mưa đá vẫn ồn ào theo gió đập vào các khung kính, trong khi hồn tôi tự nhiên bình lặng. Bao nhiêu rối loạn hay lềnh bềnh lắng xuống khi tôi nhìn vào khuôn mặt, nhất là đôi mắt cô. Đó là sự dịu dàng cảm thông và nét trầm lặng của một người đã nếm trải cuộc đời, đã kinh qua những nỗi đau. Nó không giống gì với ánh mắt, nụ cười thơ ngây của An. Ôi An! Đã hơn mười ngày, tôi không nhìn thấy nàng kể từ buổi chiều hôm ấy. Tôi hiểu mình không thể ấp lấy đôi bàn tay lạnh của An, để cùng nàng chụm môi thổi phà hơi ấm nữa. Cũng như tôi biết, nếu muốn kể ra điều gì, tôi chỉ có thể nói với một người duy nhất. Đó là người đàn bà xanh mướt mang gương mặt diệu vợi đang ngồi ở đây thôi. Ngoài cô ra, không còn ai khác, ngay cả người bác sĩ tâm thần cứ lăm le rút tỉa từ tôi câu trả lời cho trăm chữ tại sao? Càng không thể là An tươi thắm yêu đời. An ơi, tôi đã yêu em hồn nhiên từ ngón chân lên tới sợi tóc trên đầu. Dễ dàng bao nhiêu. Nhưng từ đây, làm sao tôi còn có thể?
*
Người đàn bà xanh xao quay trở lại khu bệnh viện đúng hôm bố mẹ Kim đưa con về chôn cất ở vùng đất nhiều sông hồ và rừng cây. Mấy ngày sau, một người bạn Kim tìm đưa cho nàng một hộp giấy gói kín, của Kim đã nhờ chuyển trước ngày tự vẫn. Trong hộp nhiều thứ lẫn lộn, vài tài liệu việc làm của Kim với nàng, cây bút máy, thẻ thư viện, chùm chìa khóa văn phòng, và một phong thư dài nhiều trang giấy.
Nàng ngồi đọc những dòng chữ Kim từ khi nắng chiều còn vương hiu hắt trên những cành cây vàng lá mùa thu, cho đến lúc mọi vật sẫm tối một màu. Cảm giác bàng hoàng phẫn nộ, đau xót cùng dằn vặt ấn sâu nàng trong lòng ghế. Phong thư bày ra mọi khuôn mặt đã dự phần trong cuộc đời ngắn ngủi của Kim, nó chứa đựng tất cả câu trả lời cho hai cuộc quyên sinh. Từ sau đêm biển thẳm, Kim đã chiến đấu ra sao để thoát khỏi nhục hình đọa xuống bởi tên T. và sự im lặng toa rập của bọn cấp trên, phải thỏa hiệp những gì để được rời trại quân dịch sớm hơn ngày hạn định. Sau lần tự tử hụt thứ nhất bị vào viện tâm thần, Kim đã suy đi luận lại thế nào để quyết định, thêm một lần thứ hai, từ bỏ cuộc đời này.
Nàng tưởng tượng ngôi mộ Kim chìm trong lòng đất, một tấm bia ghi khoảng cách ngày sinh ngày mất ngắn hạn. Không thể chỉ xem bức thư Kim là tiếng kêu, là giải bày của một thực thể mong manh, một hiện hữu khép kín hay bất lực, là biện bạch cho một chọn lựa chối bỏ, ra đi. Đó còn là chứng từ rõ rệt, là cáo trạng gắt gao về những sự thật băng hoại mà con người không được phép che đậy, không thể để đào thoát. Nhưng, khi lan man mường tượng tới chiếc mũ bê-rê nghiêng nghiêng trên gương mặt trong sáng của cô gái tên An, thì nàng lại nghĩ, hay thôi, hãy để phong thư kia là một lời tâm sự với hư vô. Và phải chăng, sẽ không bao giờ bà mẹ Kim nên biết rằng, đã có một sa mạc đỏ biến thành dòng sông trong buổi chiều có con se sẻ một mình.
Nhiều hình ảnh chợt hiện ra, chợt biến đi trong vũng tối không gian. Người đàn bà ngồi mãi với bóng đêm, băn khoăn ray rứt, và nhỏ lệ.
Mai Ninh
tháng giêng 99