Trần Thị Bông Giấy (chuyển ngữ từ nguyên bản Pháp văn Monsieur U)

PAUL MORAND, nhà văn Pháp (1888-1976), thuộc phái hiện đại thế kỷ 20. Ông chào đời ở Paris trong một gia đình trí thức trung lưu. Tuy nhiên, bất chấp sự quyết định của cha mẹ rằng con cái phải đeo đuổi một nghề nghiệp thực tiễn, cậu bé Morand đã chỉ tìm thấy sự thích thú nơi những trận túc cầu, trận đấu quyền Anh hay các cuộc đua xe hơi. Lúc 17 tuổi, Morand được gửi sang Munich để hoàn tất việc huấn luyện theo lề lối kỷ luật Đức. Tại đây, ông học cách hút xì gà, uống bia và nhảy sào mỗi buổi sáng. Sau một năm ở Oxford, 1908, Morand theo học trường Khoa Học Chính Trị (Political Science) và sửa soạn thi lấy bằng. Động lực về văn chương của ông cho đến lúc này chỉ gồm một quyển tiểu thuyết mà ông xé bỏ ngay sau khi hoàn tất nó. Từ 1923 đến 1925, ông làm việc trong những sứ quán ở Luân Đôn, Rome, Madrid và trong Bộ Ngoại giao ở Paris. Sau cuộc giải phóng khỏi sự chiếm đóng của quân Đức Quốc Xã trên toàn nước Pháp, ông bỏ nhiều thì giờ hơn để viết, 'giống như một người đào thoát khỏi sự tự vẫn của thế giới'.
Từ đó về sau, những truyện ngắn hoàn hảo mang đầy tính chất hung bạo và thấm thía đã chào đời, phản ảnh một trí tưởng hòa hợp với con người thuộc nhiều chủng tộc và một cuộc sống chu du đó đây trên thế giới mà ông đã trải qua.

°

*

"Xin lỗi ông, đây có phải là nhà số 489 đường Fifth?"
"Đúng vậy, ông không biết đọc sao?"
"Không!"
Vào lúc ba giờ sáng, ông Doolittle từ trong quán rượu Texas Guinan đi ra, say đến độ không còn biết đến những trần nhà thấp, những ngọn đèn màu, ly nước dâu của ông là cốt mìn hay nước hoa nữa. Trên con đường Số Năm, ông vừa bình thản ngẩng đầu lên tìm những vì sao ưa thích nhất, vừa bước chân theo chúng với hình chữ chi. Bất ngờ ông gặp một con người quái lạ. Đó là một gã Trung Hoa có dáng cao và rất gầy, thân hình dơ bẩn phủ đầy mạng nhện, trên vai trơ trọi khoác hai tấm đệm chùi chân theo hình dáng của tấm áo hai mảnh mà các vị cha cố vẫn mặc khi hành lễ. Người này tay dắt một con gà trống màu trắng được cột bằng một sợi giây rơm thắt tết lại. Ông Doolittle cho rằng gã kia là một tên ma cô của một tiệm á phiện nào đó và sắp sửa đuổi hắn đi, thì thình lình hắn lên tiếng:
"Tôi cầu xin ông một ân huệ, thưa ông, một ân huệ mà ông không phải tốn xu nào. Tên tôi là U. Tôi không ở New York, cũng không ở vào thời kỳ của năm 1926 này. Tôi đến từ Kansou và từ thế kỷ thứ 9."
Ông Doolittle đã say quá đến nỗi không thấy có gì là bất thường trong việc gặp trên đường Số Năm một con người già hơn ông đến một ngàn tuổi!
"Có phải ông là một con ma?", ông Doolittle hỏi.
"Đúng vậy", người Trung Hoa kia đáp, "và là một con ma khi cần."
"Còn tôi là một người Ái Nhĩ Lan như ông đã thấy đó. Và tôi thì lại ưa thích các con ma. Nào, bây giờ tôi có thể làm gì được cho ông?"
"Đây này", con ma nói, "ông biết là dưới đời nhà Đường, tôi đã sống dưới thời đó và chết năm 837, người ta có tục lệ chôn theo xác chết một số hình dáng con người bằng gốm. Sang thế giới bên kia, những con người bằng gốm này sẽ đảm nhận việc phục dịch cho người chết. Theo như phong tục ấy, trong ngôi mộ của tôi cũng có chứa nhiều tên đầy tớ, nhiều quân lính mặt mày ghê rợn méo mó, các con lạc đà được trang sức bằng những lằn gân xanh tráng men lá cây, các con heo rừng và các con ngựa bằng sành màu đỏ, một đội kỵ binh lộng lẫy tráng lệ. Những hình tượng ấy tôi đã có được trên trần thế khi còn là hội viên của Hàn Lâm Viện và là vị Thủ Hiến danh dự của tỉnh Kansou. Những hình tượng này, theo nghi thức, đã phục dịch tôi, canh chừng giấc ngủ và các bữa ăn cho tôi. Nhưng bởi vì chúng đều đẹp một cách tinh vi, nên việc sở hữu chúng thật là một điều kém may mắn. Tục ngữ Trung Hoa có câu: 'Một người đàn bà giản dị chính là một kho báu trong gia đình'. Suy từ câu nói ấy, tôi có thể hiểu rằng các hình tượng của tôi sẽ dễ dàng biến mất một khi chúng trở nên là nỗi ao ước thèm muốn cho kẻ khác."
"Hai tháng trước", ông U, tên con ma, kể tiếp, "vào khoảng rằm Trung Thu, một người lái buôn từ New York đi tìm săn đồ cổ tại vùng đất Kansou. Nhân sự suy đồi đến rối loạn không kể xiết của thành phố, hắn đã tìm thấy ngôi mộ bị bật tung của tôi. Sự chú ý của hắn càng được lôi kéo nhiều hơn bởi vẻ rực rỡ chói lòa của cái lăng tẩm và một số lời khắc trên mộ bia mà tôi đã phác vẽ khi đang còn sống. Mười tám nhà chiêm tinh học được tôi tham khảo một cách kỹ lưỡng về nơi chốn và phương hướng đặt lăng tẩm để không một vì sao nào trên trời cũng như không một con vật nào dưới đất có thể làm rộn sự yên nghỉ ngàn đời của tôi."
"Một buổi sáng, tôi nghe những tiếng gõ cửa, rồi bất thần ánh sáng làm tôi quáng mắt. Kế tiếp, tôi thấy một con khỉ lông đen mặc chiếc áo đuôi dài màu xám với hoa hồng cài trên khuy áo, chân mang ghệt trắng, đang nghiêng đầu cúi xuống cạnh tôi. Tóc nó xoắn tít như lông một con cừu mới sanh. Đàng sau nó, một chiếc xe bốn bánh nhưng không có con ngựa nào kéo, chở đầy những túi bạc. Hắn, người đã dám kết hợp cõi âm với cõi dương, đã bảo người mại bản bồi thường cho chính quyền tỉnh Kansou những đồ vật dùng trang hoàng và bảo vệ ngôi mộ của tôi mà hắn sẽ lấy đi. Giống như con cáo trong chuyện cổ tích chúng ta vẫn biết đã lẻn vào các ngôi nhà và mang theo tất cả mọi cái gì làm cho nó mê mẩn, thì con người này cũng vậy. Sau khi xâm phạm và chiếm đoạt được tất cả mọi thứ trong lăng mộ tôi, hắn lập tức đáp tàu vượt đại dương.
Thưa ông, kể từ đó tôi không thể nào an nghỉ được nữa. Những người chết lân cận biết rằng tôi không còn đầy tớ và quân lính bảo vệ nên đã đánh cắp thực phẩm, dầu xổ, củ gừng, nước hoa và đèn cầy mà theo thủ tục tôn kính từ xưa, đám con cháu đã chôn cất theo tôi. Từ bấy giờ, tôi phải tự đi ra ngoài kiếm ăn và trở nên một phần tử của đám ma quỷ ăn mày mà mọi người Trung Hoa đáng kính đều gớm ghét. Tôi phải ăn ruột gà nhặt lên từ bùn lầy trên đường cái, ăn những xác mèo chết và ngay cả những con chấy, con rận trong người mình. Lại những lúc khác tôi phải rình mò kiếm mồi quanh các ngôi nhà có những con heo bị giết trong lò. Rồi tôi, một nhân vật tiếng tăm, nằm dài người, bụng dán sát đất, liếm từng giọt máu rỉ ra trên cát bụi. Tôi không còn thiết để ý đến đám người cùng bọn mà bấy giờ tôi phải gia nhập để sống. Họ gồm những thủy thủ bị mất tích trên biển, những nông dân bị sấm sét đánh chết, những cái xác lạnh ngắt trong các vùng khác, hay tệ lậu và bình dân hơn là những quân nhân bị giết trên chiến trường. Ông hãy nhìn tôi bây giờ xem: tôi đã hóa thành bóng tối, linh hồn tôi không bao giờ còn đủ sức mạnh để đầu thai được nữa. Thật là bi thảm! Giờ đây, làm sao tôi có thể vượt lên tới một đẳng cấp cao hơn? Tôi là một con ma đã bị tước đoạt hết mọi thứ quyền sau khi chết."
Người Trung Hoa mở hé hai tấm vải thô: xuyên qua cái bụng trống trơn mờ đục của hắn, ông Doolittle nhìn thấy một bộ xương, xa hơn về phía bên kia là các vì sao và ánh sáng của khách sạn Plaza.
Ông U lại kể:
"Sau một thời gian dài tìm kiếm, tôi khám phá ra rằng con người đã cướp đoạt tài sản của tôi tên Willy Judesheim hiện đang cư ngụ tại New York. Sự đeo đuổi tìm kiếm thật vô cùng khổ nhọc. Vào ban ngày tôi phải tự nhốt mình lại trong một nhà mồ và chỉ có thể đi ra ngoài ban đêm. Bây giờ, mọi nỗi tệ hại sắp chấm dứt. Tôi đã tìm ra nhà hắn. Nhưng tôi chưa biết phải ký thác những nỗi phàn nàn của mình cho ai."
Con ma kể tiếp:
"Ở Trung Hoa, trước cửa nhà quan thường có treo một cái trống to. Khi kẻ nào có chuyện gì muốn thưa gửi thì hắn đến cầm cái dùi đánh vào mặt trống. Lập tức, vị quan nơi đó sẽ chấp thuận lắng nghe những lời của hắn và sẽ phân sử sự việc một cách công bình. Tôi không thấy điều đó ở Mỹ. Quan tòa của xứ này ở đâu vậy ông?"
"Tôi không biết," ông Doolittle đáp. "Tôi đã bảo với ông rằng tôi là một người Ái Nhĩ Lan. Công việc của tôi là làm chính trị và điều đó còn cao hơn cả quan tòa xử án nữa."
"Thưa ông," ông U nói "tôi xin trình bày với ông rằng tôi không có được ngay cả cái điều chính mình trả thù ông Judesheim kia theo truyền thống cũ. Luôn đến việc tự tử ngay trước cửa nhà ông ta, tôi cũng không thể làm bởi tôi là một người đã chết. Hoặc tôi phải chọn sự chết trong cách sỉ nhục nhất cho hắn, nhưng cũng là cách khó nhất đối với tôi. Đó là bằng một sợi giây thừng thắt cổ. Tôi phải làm cho hắn mất mặt hoàn toàn bằng cách luồn vào trong đôi giày một bản cáo trạng kể tội hắn, viết rõ ràng mọi duyên cớ
về cái chết của tôi ngay trên chính lớp da của mình. Tuy nhiên, chẳng có cuộc chiến đấu nào chống lại được với cái điều 'không thể được'. Tôi chẳng thể làm gì khi không nắm được chân lý trong tay. Nhưng, như tôi đã hỏi ông, đây có phải là nhà số 489 không?"
Với một ngón tay mảnh khảnh, ông U chỉ vào tòa nhà Renaissance xây bằng đá hoa cương theo kiểu Tudor, nơi chẳng có chút dấu hiệu thương mãi nào, ngoại trừ hai cây thủy tùng được cắt tỉa và một tấm bảng bằng đá giống như tấm danh thiếp có ghi những chữ: "Willy Judesheim. Nhà chuyên môn buôn bán đồ cổ Trung Hoa."
Đợi ông Doolittle đọc xong những hàng chữ viết trên bảng đá, ông U nói:
"Nào! Chúng ta hãy làm nhanh đi! Tôi cảm thấy thua trên vùng đất xa lạ có những ngôi nhà nhiều sàn gạch và những người đàn bà có đôi chân to bản; nơi mà người ta không bao giờ gặp được từ một con lạc đà cho chí đến con đà mã màu vàng. Sau đây là những điều tôi xin ông làm giúp cho, thưa-ông-đang-còn-sống. Ông phải kêu to lên bằng tiếng Trung Hoa những chữ sau đây: 'Yu-tche- Li-K'o Chang Kan-sou K'iv K'Inn-tse', có nghĩa là 'Do lệnh truyền của Hoàng Đế mà cái đám tiện nhân này phải quay về Kansou ngay lập tức!' Lúc nghe những chữ 'lệnh truyền của Hoàng Đế', những tên đầy tớ và lính hầu của tôi sẽ nghe lời, để rồi cùng với các tên bếp, các tên chăn ngựa và các thị nữ bay về ngay trong ngôi mộ tôi. Tuy vậy, hẳn ông không hay biết rằng một người ở cõi dương có thể mở rộng quyền lực đến những vong hồn dưới địa ngục, nơi một con ma chỉ có một sức mạnh trên chính hắn, trong khi người sống lại nắm tất cả mọi uy lực, nhất là nếu người này được sử dụng uy quyền của nhà vua. Vì vậy, chính ông, kẻ đang còn sống, phải là người kêu to lên câu ra lệnh trên."
Ông Doolittle phản đối rằng không thể bước vào nhà ông Judesheim có những cánh cửa được canh gác chặt chẽ bởi những nhân viên an ninh và máy móc có gài mìn được.
Ông U lắc đầu:
"Ông chỉ cần đến gần ngôi nhà, những tên đầy tớ của tôi hiện đang ở bên kia bức tường. Tôi nhìn thấy tất cả bọn chúng đang tụ họp với nhau trên sàn đá hoa cương của phòng khách. Ông có thể dùng cái cán dù của mình thay thế cho một cây gươm để dọa các con ma, vung múa nó tùy theo những câu bùa chú về bốn hướng đông, tây, nam, bắc, rồi thở mạnh; xong nín hơi trong cách thế những nhà chiêm tinh và la lớn hết sức: 'Yu-tche-Li-K'o Chang Kan-sou K'iv K'Inn-tse'"
Ông Doolittle làm đúng theo lời con ma tên U, la to đến hai lần với sự khoái trá cùng cực. Tức thì một tiếng nổ ghê rợn vang lên. Những người gác đêm từ trong khách sạn Plaza ùa ra. Những cảnh binh cỡi xe máy dầu chạy đến, theo sau lưng họ là các gã bán báo và các cô gái giang hồ. Cuối cùng là một sự lặng im chết chóc.
"Cảm ơn ông", con ma Trung Hoa nói. "Bây giờ như ông thấy, con gà trống trắng, cũng là một cộng sự viên mà tôi đang nắm trong tay, đã bắt đầu biểu lộ sự khó chịu và nó sẽ gáy ngay thôi. Tôi phải hồi phục lại trên chính thân thể mình và trong ngôi mộ đã bị xâm phạm. Với ông, một người còn sống, để tới được Kansou, ông phải mất đến 25 ngày. Nhưng với tôi chỉ mất có năm giây bằng một đường tắt xuyên qua địa ngục. Tôi xin ông nhận vật mọn này như một dấu hiệu biết ơn của tôi."
Ông U đặt vào tay ông Doolittle một túi bạc nặng được nén chặt lại. Rồi ông hạ thấp tấm đệm rách trên vai xuống, kéo cái giây buộc con gà, bước ra giữa Central Park và biến mất.

°

*

Ông Doolittle đi về khách sạn của mình, mấy phen lạc đường vì còn say quá. Nhưng rồi ông cũng tìm được về phòng riêng, lần mò cánh cửa và cuối cùng là mở ổ khóa. Ông đặt túi bạc nặng dưới gầm giường, xong lăn ra ngủ ngay.
Sáng hôm sau, ông Doolittle tỉnh dậy với nguyên bộ áo quần còn mặc ngày hôm trước. Tờ báo New York Times đã được mang vào phòng với hàng tít lớn nói về cuộc đánh cắp đêm qua ở nhà ông Judy Judesheim, một người chuyên môn về đồ cổ rất nổi tiếng. Một bộ sưu tập duy nhất về nghệ thuật đồ cổ Trung Hoa dưới mọi thời kỳ mà viện bảo tàng nghệ thuật Metropolitan vừa mới đề nghị mua với giá một triệu đô la, bể vụn la liệt trên sàn gạch; còn những vật quý hiếm nhất, vài bức tượng thuộc về tang lễ mới đem ở Trung Hoa về thì đã biến mất.
Ông Doolittle chợt nhớ lại túi bạc mà ông đã nhét vào dưới gầm giường. Ông bèn kéo nó ra, dùng sức nhấc lên và ngạc nhiên nhận biết rằng nó không nặng quá hơn một tờ nhật báo. Khi mở miệng túi, ông khám phá thấy đầy những tấm giấy màu vàng. Ông Doolittle tự nghĩ, đó là những bông giấy mà ông đã lấy nhầm ở tiệm rượu Texas Guinan đêm qua.
Những tờ giấy màu vàng ấy, thực ra chính là những món tiền hàng mã được rải ra trong các đám táng ở Trung Hoa.
Trần Thị Bông Giấy (chuyển ngữ từ nguyên bản Pháp văn Monsieur U

Xem Tiếp: ----