Uyên Minh dịch

Chuyện xảy ra hồi thiên hạ còn giữ được cái đức "Ngu" đáng quí, thuở mọi người không biết kèn cựa để tranh sống như bây giờ. Cuộc đời lúc đó thật nhàn tản, khuôn mặt của các công tử và các cậu ấm còn chưa vương lấy một đám mây tư lự, tiếng cười của những nàng hầu trong phủ đệ và đám gái buôn hương tưởng như không biết dứt, cái nghề uốn ba tấc lưỡi của mấy chú hầu trà và kép diễu hãy còn được trọng vọng. Bản tuồng hát và tiểu thuyết kiếm hiệp có phụ bản bằng tranh đương thời như Nữ Sadakyuro, Nữ Jiraiya hay Nữ Narukami đều cho thấy người đẹp là kẻ mạnh, người không nhan sắc là kẻ yếu. Không ai là không ra sức làm đẹp, thậm chí họ đã xâm những bức họa lên cả cái thân thể trời cho. Vào thời đó, trên da thịt người ta là cả một cuộc khiêu vũ của một tập hợp mầu sắc và đường nét hoặc đậm đà hoặc rực rỡ.
Khách lui tới những xóm ăn chơi chỉ chịu lên kiệu của những tên phu có hình xâm đẹp. Gái thanh lâu ở Yoshihara hay Tatsumi mê mẩn mấy anh có bức họa nổi thật khéo trên người. Đừng nói chi đến bọn máu mê hay lính chữa lửa, từ thương nhân đến hàng vũ sĩ, ai ai cũng thích xâm mình. Đôi khi, trong các kỳ họp của hội xâm mình ở Ryogoku, những người dự hội vẫn lấy tay vỗ lên chỗ xâm của bạn, khi thì trầm trồ về một chỗ chạm trổ đắc ý, khi thì phê bình vài điểm thiếu sót.
Dạo đó có một thợ xâm mình có hoa tay tên gọi Seikichi. Tài của y không thua gì những bậc sư trong nghề kể cả Charibun ở Asakusa, Yatsuhei miệt Matsushimacho hay Konkonjiro. Dưới đường kim Seikichi, da thịt của hàng chục người thoắt đã trải ra như bức gấm. Trong khi Darumakin có tiếng về lối xâm mình kiểu trang trí, Karakusa Conta được đời xem là tay kỳ tài về lối xâm son thì Seikichi nổi danh vì những mẫu hình kỳ quái và những đường xâm kiều diễm của y.
Seikichi trước kia có chuộng họa phái Toyokuni Kunisada và đã sinh sống bằng nghề vẽ tranh Ukiyoe (2), nên ngày nay tuy rơi xuống hàng thợ xâm mình, y vẫn giữ được cái lương tâm và cái nhậy cảm của người họa sĩ. Y không bao giờ chịu đặt cây kim xâm lên một làn da, một thân hình không có sức thu hút y, nhiều lúc, khách tuy đã được y thuận xâm cho, ngoài việc vâng theo một mẫu họa và một món tiền lễ nào đó tùy hứng y, còn phải chịu sự đau đớn của đầu mũi kim xâm, một sự đau đớn kéo dài đến một, hai tháng.
Trong lòng người thợ xâm hình trẻ tuổi này, từ lâu chôn giấu một khoái cảm và một khát vọng không ai biết. Khi đường kim của y gây ra những vết phồng trên da và làm ứa những giọt máu đỏ tươi, hầu hết những khách hàng, đàn ông chăng nữa đều rên rỉ vì không chịu nổi sự đau đớn. Hễ khách càng rên rỉ bao nhiêu độ khoái cảm khó tả của y lại tăng lên bấy nhiêu. Seikichi đặc biệt thích xâm hình kiểu trang trí và xâm son vì đó là những lối xâm gây đau đớn nhiều nhất. Khách, sau khi đã chịu mỗi ngày trung bình năm, sáu trăm mũi kim, còn phải tắm nước nóng cho màu ăn nước, đều ngã quị hôn mê trước mắt Seikichi một hồi lâu vẫn không lê mình đi được nửa bước. Ngay trước cảnh tượng thảm thương như vậy mắt của y vẫn ném những tia nhìn lạnh lùng.
"- Cha chả, coi bộ đau đó chớ hả?" Y vừa hỏi vừa cười thích thú. Gặp mấy người khách yếâu chịu đau, tréo miệng nghiến răng, rên hừ hừ như sắp chết, y bảo:
"-Anh người vùng Edo (3) dân gan góc mà. Rán nhịn đừng có rên. Đường kim của Seikichi này đau số một đó! " Nói xong, y nhìn nét mặt đầm đìa nước mắt của người khách, tiếp tục xâm bất kể. Còn gặp người can đảm, rán sức chịu đựng không nhíu cả lông mày, thì y dặn:
" - Hưừm! Anh tướng vậy mà cũng chịu đựng giỏi. Nhưng coi, bắt đầu từ giờ mới thấm đau, tài thánh cũng không chịu nổi đấy".
Rồi y cười, nhe hàm răng trắng bóc.
Khát vọng bình sinh của y là tìm cho được một người con gái cả làn da thật óng mượt để đem hết tâm hồn và tài hoa của mình mà xâm một bức. Một người con gái như vậy đòi hỏi rất nhiều điều kiện về tư chất cũng như về dung mạo. Nếu nàng ta chỉ có một khuôn mặt đẹp hay một làn da mượt mà thì vẫn chưa thỏa mãn những đòi hỏi của y. Seikichi đi dò la trong những xóm vui các cô gái có tiếng đẹp nức Edo, nhưng vẫn không hề tìm nổi một ai như ý mong đợi. Ba năm đằng đẵng nuôi trong lòng hình ảnh người-chưa-bao-giờ-gặp đó một cách hoài công, y vẫn kiên trì không từ bỏ ước mơ của mình.
Đúng vào một chiều mùa hạ của năm thứ tư tìm kiếm, lúc đi qua tiệm ăn Hirasei trong khu phố Fukagawa, Seikichi bất chợt để ý thấy một bàn chân đàn bà trắng nuột để trần buông thõng sau bức mành mành của chiếc kiệu đợi ngoài sân. Dưới cặp mắt tinh tế của Seikichi, một bàn chân người vẫn có năng lực diễn tả như một khuôn mặt. Và bàn chân người con gái hôm ấy đối với y là một chất ngọc quí vì nó đẹp từ hàng thứ ngón chân xếp đều đặn, từ mầu sắc của mấy chiếc móng chẳng thua gì vỏ ốc hồng nhạt mà người ta bắt được trên bờ biển của những hòn đảo trong tranh, từ gót chân đầy đặn, từ làn da gan chân mầu mỡ như được gội mát bằng thứ nước trong đổ ra từ kẽ đá. Bàn chân này phải no tròn bằng huyết tươi của lũ đàn ông, là bàn chân dẫm lên trên bao xác tình si. Người đàn bà có bàn chân này là kẻ xưa nay Seikichi chờ đợi. Đó là người đàn bà nổi bật nhất trong đám đàn bà. Y cố nén nhịp tim hồi hộp đuổi theo chiếc kiệu để cố thấy mặt nàng, nhưng được vài khu phố thì mất dấu.
Tấm lòng khát khao của người thợ xâm mình biến thành một thứ tình yêu mãnh liệt. Năm đó rồi tàn, và một buổi sáng khi mùa xuân thứ năm đã già nửa, trong lúc Seikichi - miệng nhay một cây tăm, ngắm mấy chậu vạn niên thanh đặt bên hàng hiên bằng những lóng trúc già trong sân ngôi nhà trọ ở phố Kaga trong khu Fukugawa thì cánh cửa gỗ sau sân chợt động như có ai tới thăm. Qua hàng dậu thấp, y thấy một cô gái lạ mặt.
Đó là cô gái đưa tin của một nàng ca kỹ ở xóm Tatsumi chỗ quen biết với Seikichi.
"- Cô em sai đưa cái áo Haori này đến cho thầy, kính nhờ thầy vẽ giùm cho mẫu hình nền trong của áo..."
Nói xong, nàng tháo cái tay nải vàng nghệ, lấy ra chiếc áo Haori đàn bà bọc trong tấm giấy có họa hình kép hát Iwai Tokaju, và một phong thư. Nội dung bức thư ngoài khẩn khoản chuyện cái áo, nàng ta còn bảo cô nhỏ đưa thư này nay mai cũng trở thành đàn em của mình, bắt đầu nghiệp cầm ca ở các trà đình kinh đô, xin vì mình mà tìm cách nâng đỡ cô em đó.
" - Ta thiệt chịu không nhớ mặt cô, có phải cô mới đến đằng Tatsumi dạo sau này không?"
Vừa hỏi, Seikichi vừa chăm chắm nhìn cô gái. Cô ta mới mười sáu mười bẩy là cùng mà đã có cái vẻ đĩnh đạc già dặn thật lạ lùng của một kẻ đã sống lâu năm trong làng hương phấn, một tay bóp nát bao nhiêu trái tim đàn ông. Dáng dấp của nàng như được chung đúc từ vô số giấc mộng của bao đời trai thanh gái lịch đã đi qua từ hàng chục năm nay trong cái kinh thành tụ tập tất cả tiền tài và tội lỗi của nước này.
" - Hồi tháng sáu năm ngoái, có phải cô em đã lên kiệu ở trước tiệm Hirasei không? " Seikichi bảo cô gái ngồi xuống bên hiên và hỏi để có thể ngắm kỹ càng đôi chân trần của cô đặt trên đôi guốc gỗ quai rơm.
" - Thưa vâng, dạo ấy thầy em hãy còn sinh tiền nên đôi lúc em cũng có dịp đến đằng đó..."
Nàng cười chúm chím vì câu hỏi kỳ quái, vừa đáp.
" - Ta đợi cô em năm nay nữa là tròn năm năm trời. Mới biết mặt cô hôm nay lần đầu nhưng ta nhớ đã từng trông thấy bàn chân cô rồi. Ta có một vật này muốn cho cô em xem. Cô vào bên trong chơi chút đã."
Vừa lúc cô gái định cáo từ ra về, y nắm tay nàng mời lưu lại và dẫn lên phòng khách, một căn gác nhìn xuống con sông lớn. Y lấy ra hai cuộn tranh, trải bức thứ nhất trước mặt cô gái.
Đó là bức tranh vẽ Đát Kỷ, nàng cung phi sủng ái của vua Trụ. Bức tranh diễn tả được hết vẻ yêu kiều và tàn bạo, vẻ yêu kiều của bà phi tình tứ mà thân hình quá mảnh mai như không chịu nổi sức nặng của chiếc mão miện dát đầy lưu ly, san hô, để mặc vạt áo lụa phất phơ trên bậc thang lên điện, tay nghiêng một chén rượu lớn, ẻo lả tựa vào lan can nhìn người đàn ông đang đợi hành hình; vẻ tàn bạo qua hình ảnh người đàn ông tay chân đều bị cột chặt bằng xích sắt vào trụ đồng, mắt nhắm nghiền, đầu lả về phía bà phi, trong tư thế đợi giây phút cuối của cuộc đời.
Người con gái nhìn chăm chú bức tranh một lúc rồi không hiểu vì sao, ánh mắt nàng chợt sáng lên, đôi môi run rẩy. Kỳ dị thay, gương mặt nàng dần dần bỗng giống y khuôn mặt bà phi. Nàng như đã tìm ra được cái tôi của mình cất dấu nơi đây.
" - Bức tranh này phản ánh cái Tâm của cô em đấy! "
Seikichi nói xong, cười khoái trá, nhìn xoi mói vào mắt cô gái. Người con gái đưa tay lên ôm vầng trán tái xanh:
" - Tại sao thầy lại đem cái đồ dễ sợ này cho em xem? "
" - Người đàn bà trong tranh này là cô em đó. Nhất định là máu của nàng ta đang hòa trong máu của cô em "
Y trải bức họa thứ hai: bức họa này nhan đề là "Phân bón". Chính giữa bức tranh là một cô gái trẻ đang dựa mình vào một thân cây anh đào, mắt dán vào vô số thây đàn ông nằm lớp lớp dưới chân nàng. Bầy chim lượn chung quanh nành như đang ríu rít khúc ca chiến thắng và đôi mắt ướt át của nàng không dấu nổi vẻ tự hào. Không biết đó là cảnh một bãi chiến trường hay cảnh của một hoa viên vào mùa xuân. Nàng con gái trong tranh mang tâm trạng như đang tìm kiếm một cái gì tiềm ẩn trong hồn nàng.
" - Đây là bức tranh minh họa tương lai của cô em đấy. Những xác nằm la liệt là hình ảnh của mấy anh si tình bỏ mạng vì cô đó! " Y vừa nói, tay chỉ vào cô gái trong tranh mà nét mặt không khác chi người đang ngồi đối diện y.
" - Xin lỗi thầy, thầy làm ơn cất bức tranh này đi. " Người con gái như muốn đẩy lui sức cám dỗ, quay lưng không nhìn bức họa rồi phủ phục trên mặt chiếu, mãi lúc sau mới run run nói:
" - Thầy ơi, em xin thưa thiệt: đúng như thầy nhìn không sai, tính tình em chẳng khác cô gái trong tranh đâu. Nhưng thôi, thầy tha cho em, dẹp giùm bức tranh đó đi."
" - Đừng giở cái giọng thỏ đế như vậy, nhìn cho thật kỹ nó đi, sợ là sợ bây giờ đó thôi! "
Y nói mà trên mặt vẫn giữ một nụ cười châm chọc khó chịu. Tuy thế, cô gái vẫn không chịu ngẩng đầu lên, nàng cứ nằm im tay lấy vạt áo che kín mặt.
" - Thôi cho em về đi thầy. Ở gần bên thầy sao mà sợ quá " Nàng con gái cứ van lơn mãi.
" - Đợi ở đây đi. Rồi ta sẽ làm cho cô em thành mỹ nhân tuyệt trần cho coi. " Vừa nói, Seikichi đường hoàng ngồi sát lại cô gái. Trong bọc đồ nghề của y đã trữ sẵn một bình thuốc mê nài lại từ mấy thầy thuốc Hòa Lan.

*

Mặt trời lay láy trên giòng sông, rọi vào căn phòng tám chiếu như muốn đốt cháy. Những tia nắng hắt từ nước rún rẩy vẽ những đường nét uốn éo lên lớp giấy dán cửa, lên gương mặt thiêm thiếp của cô gái. Cửa phòng đóng chặt, Seikichi tay cầm bộ đồ xâm, ngồi thừ như mất hồn một lúc lâu. Đây là lần đầu tiên y được nhìn tường tận một vẻ đẹp kỳ dị và y nghĩ cho dầu ngồi mười năm, trăm năm trong căn phòng mà ngắm khuôn mặt kia, y cũng sẽ không bao giờ biết chán. Như dân Memphis ngày xưa đã trang điểm cõi trời đất cao rộng của xứ Ai Cập bằng những kim tự tháp và tượng Sphinx, y đem cả tấm tình yêu của mình bắt đầu chạm trổ lên trên da thịt mượt mà của một con người.
Thế rồi tay trái y kẹp giữa ngón trỏ, ngón giữa và ngón út nhúng mũi bút họa, tỳ lên trên lưng người con gái, tay phải cầm mũi kim bắt đầu xâm. Tâm hồn của người thợ xâm trẻ tuổi hòa trong mỗi giọt mực, ngấm vào da. Mỗi giọt son Lưu Cầu tan trong rượu mạnh đi vào thân thể cô gái là những giọt máu của y. Seikichi thấy qua bức họa mầu sắc của tâm hồn mình. Không biết trời quá ngọ vào lúc nào, rồi ngày xuân êm đềm cũng ngả chiều, tay của Seikichi vẫn chưa dừng một khắc mà người con gái cũng chưa tỉnh giấc. Độ chừng sợ nàng về chậm, một gã vác đàn được gửi tới nhưng cũng bị đuổi khéo:
" - Ai chớ cái cô nhỏ đó thì đã về từ lâu! "
Rồi trăng bắt đầu treo ngang trên những phố xá ở bãi cát bên kia sông, chiếu ánh sáng mờ ảo vào khắp mọi nhà dọc bên bờ; Seikichi vẫn chưa xâm xong được một nửa, quyết ý khêu tim bạch lạp làm việc tiếp.
Xâm mỗi giọt mực lên trên làn da, đối với y thành ra một chuyện không đơn giản chút nào. Mỗi lần châm một mũi, rút một mũi, người nghệ sĩ không nén được tiếng thở dài như cảm thấy đang khắc lên trái tim mình. Đường kim dần dần làm hiện lên trên làn da hình một con nhện cái thật lớn, và khi trời bắt đầu rựng sáng thì con vật tám chân yêu ma này đã bắt đầu bò lên khắp chiếc lưng.
Đêm mùa xuân rạng cùng với tiếng mái chèo ngược xuôi khuấy nước. Khi đợt sương trên đỉnh những chiếc buồm trắng no gió sớm bắt đầu tan dần để những mái nhà ở Chyushyu, Nakozaki, Yoshikishijima lấp lánh ánh nắng, người thợ xâm mới tạm ngừng đường kim, ngắm hình thù con vật mà y đã trổ lên lưng thiếu nữ. Chính hình xâm này là cả mạng sống của y. Nhìn việc làm hoàn tất, người nghệ sĩ cảm thấy một nỗi trống không to lớn.
Hai bóng người cứ thế không mảy may động đậy. Thế rồi giọng khàn khàn, trầm trầm của Seikichi dội vào bốn bên bức vách:
" - Ta vì muốn cho cô em thành một người con gái đẹp nên đã dồn hết tâm lực vào trong bức hình xâm. Từ nay, khắp nước Nhật này không còn ai đẹp hơn cô em nữa đâu. Em sẽ hết còn nhút nhát, trăm thứ đàn ông rồi trở thành nạn nhân của em cả."
Như hiểu được lời của người thợ xâm, nàng con gái bắt đầu cất tiếng rên khe khẽ. Dần dần tỉnh lại, mỗi lần nàng thở ra hít vào thì con nhện trên lưng cũng cựa quậy như con vật sống.
" - Chắc đau lắm phải không? Tại con nhện đương ôm siết thân hình cô em mà."
Nghe nói, người con gái mở mắt ngơ ngác nhìn, đôi đồng tử in những tia sáng của trăng tàn, sáng hẳn ra, nhìn vào mắt Seikichi:
" - Xin thầy làm ơn cho em xem con nhện trên lưng em. Nếu như thầy đã dồn hết tinh thần vào thì chắc em phải đẹp chứ hở? " Tiếng nói của nàng như đang trong giấc mộng. Nhưng không hiểu ở đâu đó đã toát ra một sức bén nhọn.
" - Ờ thôi, bây giờ thì tắm nước nóng đi cho màu nó ăn. Rán chịu một chút, đau lắm đó. " Seikichi ghé sát vào tai nàng nhỏ nhẹ như an ủi.
Cô gái cố nén cái đau đang lan khắp châu thân, gượng cười:
" - Nếu mà được đẹp ra thì dầu có đau đớn cách mấy em cũng rán chịu đựng cho thầy coi "

*

" - Ối trời ơi, có nước nóng thấm vào rát quá... Xin lỗi, thầy làm ơn lên trên gác đợi em, em không muốn đàn ông thấy sự đau đớn của em đâu! "
Nàng không đủ sức lau nổi cái thân thể của mình vừa lấy ra từ nước nóng, gạt bàn tay đưa ra che chở của Seikichi, đau đớn reo mình xuống tấm ván cọ, vất vả rên siết như giữa cơn ác mộng. Mái tóc điên loạn xổ tung xuống gò má; sau lưng nàng có treo một tấm kính lớn, sống lưng của hai búp chân chiếu lên mặt kính.
Thái độ của cô gái đã thay đổi hoàn toàn so với chiều hôm qua. Người thợ xâm khôn xiết kinh ngạc nhưng vẫn nghe lời leo lên gác ngồi đợi một mình. Khoảng nửa giờ sau, nàng đã để mái tóc vừa gội chảy xuống đôi vai, sửa soạn áo xống bước lên. Bây giờ nàng hoàn toàn không còn vẻ đau đớn gì cả, tựa lan can tỉnh táo ngước mi nhìn khung trời trắng đục.
" - Ta cho không cô em hai bức tranh này lẫn bức xâm đó. Thôi sửa soạn về đi thì vừa ".
Seikichi vừa nói, vừa đặt hai bức họa trước mặt cô gái. Nhưng nàng ta, đôi mắt long lanh ánh kiếm, tiếng nói vang như khúc ca chiến thắng:
" - Thầy ơi, bây giờ em đã hết mắc cỡ rồi. Chính thầy sẽ là nạn nhân đầu tiên của em đó."
" - Trước khi về, cho ta xem lại bức xâm lần nữa thử coi " Seikichi bảo. Người con gái lặng im, gật đầu, từ từ cởi áo. Những phiến nắng chiếu lên bức xâm, làm con nhện trên lưng như hực lửa.
J. TANIZAKI (1910)
Chú thích
(1) Tanizaki Jun'ichiro (1886-1964) là người kể chuyện có duyên nhất trong số những nhà văn Nhật Bản tiền chiến. Ông có một lối hành văn diễm lệ, nội dung các tác phẩm phần nhiều khai thác cảnh sống đồi trụy của xã hội cũ đang suy tàn và địa ngục của đời sống nội tâm. Sở trường về tiểu thuyết lịch sử và tiểu thuyết phong tục. Tuy nhiên vì trốn tránh thực tại và thiếu tinh thần phê phán xã hội, văn chương của ông chỉ là một thứ đồ chơi giữa khi chủ nghĩa phát xít đang hồi toàn thịnh. Tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.
(2) Ukiyoe: tranh Nhật Bản vẽ về những chủ đề xã hội dưới thời Edo (1603 - 1866).
(3) Edo: tên cũ của ToKio dưới thời Mạc Phủ Tokugawa ( thế kỷ 17 đến thế kỷ 19), nơi phát xuất nhiều vũ sĩ (samurai) can đảm và thiện chiến.

Xem Tiếp: ----