" Ngày ấy cùng say trong quán rượu Sầu tư đã cạn rượu hồ vơi Hai chàng trai trẻ ca rồi hát Bắt chước người xưa đề vách chơi "... (1)Gió luồn qua rừng cây thung lũng, lồng lộng đổ vào thôn. Ở đây trời tối trong chớp mắt. Chỉ mới cuối giờ thân mà mươi căn nhà quây quần hai bên con lộ chính đều đã đóng kín cửa, cả cái quán trọ tiêu điều nằm chơ vơ cuối lộ. Tất cả chìm trong một màu đen bao la, ẩm và lạnh. Lão chủ quán ngồi chống cằm ngáp dài. Lão chỉ còn chờ người khách duy nhất kia đi ngủ để cũng rút vào giường. Song người đàn ông đứng tuổi, từ chiều đến giờ cứ khề khà bên hai chung rượu, vẫn chưa động đến đĩa thịt nai trước mặt. Gã chỉ lồng lộn, hết nhìn chiếc ghế trống đến chén rượu chờ trước mặt, tràn trề nước mắt. Tiếng gió rít nghe chừng mạnh hơn, chen lẫn với tiếng ngựa hí. Cánh cửa trước mặt lão bỗng bật tung. Chàng thanh niên khập khiễng bước vào, rồi quờ tay ra sau sập mạnh cửa. Ngọn đèn dầu không đủ sáng để nhìn rõ mặt anh ta. Nhưng ở tận góc đằng kia, người khách duy nhất trong quán bật phắt dậy, gạt nước mắt: - Trời, hiền đệ! Gã kêu to, sửng sốt nhưng mừng rỡ. Đã tưởng không bao giờ gặp nhau nữa... - Hiền huynh! Họ cùng bước tới, để cùng ngã vào tay nhau. Người anh chới với như quá say, hơi khựng lại, nhìn chằm chặp vào mặt em, rồi ôm hai vai lắc mạnh. Anh ta dìu người em đến tận bàn - cái bàn của mười năm trước, trong góc. - Hiền đệ chẳng khác chi cả! Gã tiếp với giọng sôi nổi. Ít nhất về dung mạo. - Thật ư? - Nhưng sao ướt át, bụi bặm, thế này? - Đệ ngã ngựa, rơi xuống lạch. Người trẻ tuổi đáp nhẹ như tiếng thở dài. Dù vai em, trông chàng phong sương hơn, nhiều nét hoàn toàn tương phản với gã đứng tuổi. Áo quần đạm bạc, hơi lếch thếch có lẽ do ngã ngựa. Mặt mày xanh xao, tóc cắt rũ xuống vai chứ không búi ngược. Ống sáo vắt chéo kiểu người đi săn đeo cung. Vẻ phảng phất buồn, chàng dán mắt lên vách như đang hồi tưởng hoặc tìm kiếm. Người anh cũng quay mặt lại, giơ cao ngọn đèn. Trên vách tường cũ kỹ, cáu bẩn, hiện ra mấy hàng chữ viết bằng than đã nhạt, rất khó đọc nếu không thuộc nằm lòng: "Nhớ Bạch Vân thôn quán rượu này Nhớ ngày, nhớ tháng, hẹn rồi đây, Mười năm sau sẽ cùng nhau lại, Xem cuộc đời qua mấy đổi thay " (1)Bên dưới là ngày tháng, nguệch ngoạc hai chữ ký với lời thề thốt. - Thật là ngông cuồng! Chàng thanh niên bỗng cau mặt. - Không đâu hiền đệ, gã kia nói. Chúng ta đúng hẹn đấy chứ! Cũng ngày này, tháng này, chỉ hơi trễ thôi. Bao người còn sống được như cổ nhân? Phải uống mừng mới được. Quán chủ đâu, mang thêm rượu ra đây! Gọi mãi vẫn không thấy tăm hơi chủ quán, người đứng tuổi càu nhàu giờ này còn đi đâu, rồi loạng choạng vào bếp mang ra hai vại mới với mấy đĩa thịt. Họ nâng chén ngang mày. - Nào, cạn chung! Gã khoan khoái thôi thúc. Rượu được vài tuần, người em xem chừng bớt ủ dột song giọng vẫn mơ hồ chua chát. - Ngông cuồng! Người anh nhíu mày không hiểu. - Tự cao tự đại... - Không đâu hiền đệ. Chợt hiểu ra, gã cãi. Bọn chúng dốt tuốt. Nghè cống gì cũng thế thôi. Hơn chi ta! - Nhưng ta đã làm gì hơn? Chàng trai hỏi vặn. Đến lượt người đứng tuổi lây bệnh đăm chiêu. Gã nhìn tay nải đặt trên bàn bên cạnh, với cây đàn, ngay từ khi mới đặt chân vào quán sáng nay. Môi mấp máy muốn nói gì, nhưng chợt đổi ý. - Đúng thế! Nhưng ta còn thời gian. Phải giữ lấy hoài bão chứ! Trong giọng vỗ về nghe đã có hơi hướm trách móc. Chỉ có tiếng thở dài đáp lễ. Dưới ánh đèn nhợt nhạt, gã nhìn chăm chăm vào mặt người thanh niên trẻ hơn mình gần một giáp mà lòng đã đầy nghi hoặc, cố tìm lại nét hăm hở của mười năm trước. Họ đã thoáng gặp nhau ở trường thi. Rồi hai sĩ tử bị đánh hỏng vì phạm trường quy lại không hẹn mà gặp nhau ở đây, trong quán trọ ẩn khuất này. Tiếu tự thư sinh lạc đệ thì, hai nụ cười gắng gượng làm quen, dăm tiếng thở dài hậm hực theo hơi men dần dà bốc thành những lời lẽ đầy khí phách và một dự phóng tâm huyết. - Biển xanh còn có ngày biến thành ruộng dâu, mà học hành thi cử thì muôn đời vẫn thế! Cậu trẻ hơn than vãn. - Hừ, hết từ chương, trích cú, lại cấm tự, kỵ húy! Chàng kia bĩu mội phụ hoạ. - Đã thế thì ta mắc làm gì vào cái nợ lều chõng hả hiền huynh? Giọng khi nãy đã đổi thành bực dọc. - Đúng thế! Bọn nghè cống nào có chi hơn mình... - Văn chương là của chung, trường thi là cuộc sống. Cậu con trai bỗng sôi nổi khẳng định. - Đúng! Lưu danh văn miếu trăm năm sao bằng để lại một tác phẩm nghìn đời? Chàng kia gật đầu tán đồng. - Nhưng hiền huynh ơi, phải làm gì để có thể hoàn thành một tác phẩm như thế? Cậu con trai chợt hỏi với giọng mơ màng đượm chút ưu tư. - Ta sẽ đi khắp nơi, sẽ làm mọi nghề, rồi cũng có ngày... Chàng vai anh đáp, rồi hất hàm. Thế còn hiền đệ? - Ngu đệ sẽ tìm một nơi thật hẻo lánh, để nhìn suốt chỉ một cái chữ tâm bí ẩn! Cậu trẻ tuổi đáp như một đạo sư già khổ hạnh. - Đấy! Không hẹn mà hai ý định lại bổ túc cho nhau đấy! Sau một thoáng sững sờ, chàng đàn anh hân hoan kết luận. Cái tác phẩm lưu danh thiên cổ kia biết đâu chẳng là của hai ta viết chung! Thế là họ kết nghĩa anh em, bắt chước người xưa hẹn đến ngày tái ngộ, mỗi người sẽ kể cho nhau nghe những biến đổi trong cuộc sống riêng tư, trên con đường thực hiện mối hoài bão chung to tát ấy. Hoặc có khi, lúc đó, mỗi người còn mang theo cả cái tác phẩm chờ đợi kia cũng nên. Quyết định đổi đời ghi trên vách quán một sáng đầy mây trắng tung tăng trên bầu trời trong xanh, chỉ cần hai chung rượu với vài nén nhang là "Bạch Vân thôn" và "Quán Hẹn" đã nghiễm nhiên trở thành tên gọi của chỗ qua đường một ngày. Từ ấy, người xuôi Nam, kẻ ngược Bắc, họ như đôi tình nhân trông ngóng tin nhau. Mây thôn Bạch Vân đã thay hình đổi dạng bao lần qua suốt mười thu? Đúng ngày hẹn, gã đứng tuổi trở lại quán rượu từ sáng, với chiếc tay nải nặng trĩu, có lẽ đựng tác phẩm đời mình. Sau vài câu hỏi han, chừng như sốt ruột, gã dặn lão chủ quán đặt bàn, dọn sẵn rượu thịt, rồi lên yên đi đâu mất. Đến quá giờ ngọ, gã mới trở lại quán ngồi lặng lẽ bên vại rượu. Thời gian càng qua, gã càng vật vã chờ đợi, không ăn uống gì, chỉ vừa khề khà vừa tức tưởi trong tiếng nấc. Đến khi màu đen bao trùm vạn vật, thì cố nhân mới đến, nhưng lại mang theo ngọn lửa rực của hoài nghi. Tốt hơn cả là đừng nói gì, ngoài việc cổ động tinh thần cho nhau. - Hiền đệ xem, ngu huynh cũng thế, đã làm được gì đâu?Gã vỗ về. - Mười năm này không đủ, ta lại hẹn nhau mười năm nữa sao? Chàng thanh niên hỏi với giọng ngần ngừ. - Đúng thế! Tác phẩm để đời nào mà không ăn thời gian?... Song chỉ cần có một mà thôi! Gã nói tiếp. - Miễn là tuyệt tác. Người trẻ tuổi buột miệng, không hiểu như câu hỏi hay lời tán đồng. - Đúng, phải là tuyệt tác. Nào, cạn chung! Như lần trước, gã đàn ông kết luận. Chàng thanh niên nghe tim mình rộn ràng trở lại. Họ lại khề khà, tiếp tục kể cho nhau nghe những vô thường của cảnh vật, của kiếp người. Họ nhắc nhở nhau giữ nguyên hoài bão, cái không thể đánh mất nếu muốn để lại một vết tích đủ khả năng cầm cự với thời gian. Họ cười đùa, ngâm nga, đàn sáo đến quá giờ tý thì chàng trai bỗng đổi nét mặt, rồi nghiêm giọng: - Hiền huynh à, có hai điều ngu đệ rất tha thiết... -...Thứ nhất là xây dựng tác phẩm của đời mình, chàng thanh niên nói tiếp khi thấy kẻ đối ẩm ngước nhìn với ánh mắt chờ đợi, nhưng sao càng viết càng thấy khoảng cách xa thêm, cứ viết xong lại xé đi... - Còn điều kia? Gã đàn ông không dấu nổi sự tò mò. - Thứ hai là đến quán hẹn này, nhưng ngồi đây rồi mà sao vẫn thấy như chưa đến! - Hà hà! Cái trước thì chỉ cần kiên nhẫn thôi. Còn cái sau thì có chướng ngại gì, gã nói nửa đùa nửa thật, hiền đệ cứ chỉ, ta gỡ cho. Hà hà! - Hiền huynh tài sức bao nhiêu? Hoạ có là Trời! - Hà hà! Cứ nói! Cải lão hoàn đồng, cái tử hoàn sinh, gì gì ta cũng làm được tuốt! Rồi gã cười rống lên như khóc, vô cớ. Cười như bỗng nhận thức được tất cả sự ngông cuồng của câu nói. Khóc như chợt cảm biết tất cả cái hữu hạn bất lực của nhân sinh. Cười rung cả người đến nỗi bật ngửa ra sau. Khóc như điên dại trên chiếc ghế đổ dưới đất, nước mắt ràn rụa. Chàng trai cũng khanh khách cười khóc theo. Rồi họ nằm gác chân lên bụng nhau mà cười, mà khóc. Cho đến khi cùng thiếp đi trong giấc ngủ mỏi mệt của trẻ thơ. ° Khi người đàn ông giật mình ngóc dậy thì mặt trời đã lên cao. Trên bàn còn đầy những chung, vại, đĩa, đũa. Đó đây ngổn ngang vài chiếc ghế đổ. Chàng thanh niên đã ra đi từ tiếng gà gáy đầu tiên. Khi người và ngựa đã lững thững rời sân, gã mới tựa cửa rưng rưng nhìn theo cho đến khi cả hai mất hút trong màu đen còn dày đặc sương mù. Rồi gã trở vào gục đầu trên bàn, vai rung bần bật cho đến khi lại đổ xuống không còn biết gì nữa. Bây giờ gã ngồi bắt chéo chân, mắt nhắm nghiền như đang định thần hay hồi tưởng những gì đã xảy ra suốt ngày hôm qua, chẳng buồn để tâm đến lão chủ quán đang chằm chặp nhìn người khách duy nhất từ cửa bếp với vẻ vô cùng ái ngại. Gã ngồi như thế lâu lắm mới đứng dậy sửa soạn đi, nhất định không ăn uống gì. Mắc tay nải lên gù yên ngựa, gã dõng dạc gọi: - Quán chủ đâu, ra cho ta hỏi chút việc. - Quý khách có điều chi sai bảo? Lão chủ quán hỏi, mắt hấp háy nghi ngại. - Lão bán lại cho ta cái quán này! Gã nói như ra lệnh. Lời tuyên bố thẳng đuột xác nhận với lão chủ quán rằng người khách này là kẻ điên. Lão đã ngờ thế từ tối qua. Khi ngọn gió độc thổi bật cánh cửa, đập thẳng vào người, lồng lộn trong quán rồi sập cửa lại, lão cảm thấy mặt mày xây xẩm, hai chân khuỵu xuống, rồi nằm bất động luôn dưới gầm bàn trong một góc. Nhưng lão không mê, lão vẫn đủ tỉnh để nhìn thấy tất cả mọi việc... - Đủ không? Gã rút từ tay nải ra một gói đầy, cả vàng lẩn bạc. ... Người khách này cũng trúng độc như lão. Ở góc phía bên kia, cạnh cửa sổ, y múa may, ăn uống một mình, đối đáp, đàn hát, cười khóc một mình, đến gần sáng mới ngã xuống ngủ thiếp đi cho đến trưa. Bây giờ y lại muốn mua luôn cả cái quán hoang phế của lão, mà trả những ngần ấy! Như sợ kẻ điên đổi ý, lão chụp vội lấy cái gói. - Nhưng ta đặt một điều kiện... Gã nói tiếp khi thấy lão chủ quán trố mắt dọ hỏi: - Chốc nữa, khi ta đi khỏi đây, lão phải đốt cái quán này cho ta. Muốn lấy chi thì lấy, nhưng phải đốt hết... Rồi gã nắm tay chủ quán, lôi vào trước bức vách có bài thơ: -... trừ tấm vách này. Chiều nay ta trở lại. Để cho ta một ít nhang đèn. Lão không biết làm gì hơn là vội vã gật đầu. Gã vỗ nhẹ đầu ngựa nói tuấn mã dẫn ta trở lại chỗ hôm qua. Như quen đường, nó từ từ cất vó rồi sải theo lối mòn dẫn tới vùng đèo núi phía Bắc. Vài dặm sau, nó ngừng trên một bờ vực. Chung quanh không một làn khói, một mái tranh. Gã dáo dác nhìn quanh, rồi mon men đến mép vực tìm đường xuống. Gã ngừng lại trước nấm mồ sơ sài ngay cạnh xác chàng thanh niên. Cái xác vẫn chưa có mùi, nhưng ẩm ướt và dính đất. Trí nhớ của gã còn đậm nét cảnh vật và sự việc hôm qua. Biết mình tới trước, gã bỗng nảy ra ý định chận đón người em kết nghĩa sẽ đến chỗ hẹn từ phương Bắc. Một con ngựa vô chủ cứ quẩn quanh bên bờ vực hoang vắng này như muốn kêu cứu xui khiến gã tò mò nhìn xuống. Có ai bị thương nằm ngang lạch nước dưới kia. Gã đã xuống tận đây để rụng rời, lạnh toát người khi nhìn ra xác chết chính là kẻ hẹn hò với mình. Đau đớn đến chết lặng một lúc lâu, gã đào mồ chôn bạn với một khúc đá nhọn. Cũng với mảnh đá ấy, bây giờ gã đào sâu thêm, khẽ khàng đặt xác chàng thanh niên vào, rồi lăn từng phiến đá nặng nề đè lên. Quỳ bên cạnh, gã dặn trong tiếng nấc: - Đây là lần thứ hai ta chôn hiền đệ. Từ nay hãy ngủ yên. Khi gã trở lại thôn "Bạch Vân" chiều hôm ấy với hai con ngựa, "Quán Hẹn" chỉ còn là đống tro âm ỷ. Song tấm vách vẫn đứng sững đấy, cây đèn dầu với một bó nhang bên cạnh. Xuống ngựa, gã nhặt một mảnh than gạch chéo bài thơ hai lần, đốt ba nén nhang rồi lầm thầm khấn: "Tha cho ta cái tội đại ngôn! Tác phẩm nghìn đời chỉ là một món nợ mà kẻ yêu chữ nghĩa tự tròng vào cổ, để vô tình làm mình bại liệt. Hiền đệ viết rồi lại xé. Còn ta thì chẳng viết chi được nữa, làm đủ mọi nghề rồi trở thành phú thương tự bao giờ cũng chẳng hay. Đi buôn chuyến này về, ta đến thẳng đây, định nói với hiền đệ như thế. Ngờ đâu chỉ gặp đặng cái tâm can khắc khoải của hiền đệ bên cõi kia, ta hổ thẹn không dám thú thật! Thôi, từ nay ta xin rũ nợ. Tha cho ta cái tật hẹn hò. Đây chỉ là một trò chơi mà kẻ đa tình tự đặt ra, để chẳng lập tâm mà thành ra hành hạ người, dằn vặt mình. Cổ kim đã có ai với ai thật sự tái ngộ đâu, dẫu cho trở lại đúng nơi, đúng ngày? Bởi kẻ hẹn với người đến có bao giờ là một? Người hẹn với hiền đệ năm xưa là thi nhân, kẻ đến nay là thương gia. Kẻ hẹn với ta trước kia là người dương thế, kẻ đến với ta hôm nay đã thuộc về cõi âm. Thôi, từ nay cho ta tẩy hẹn". Trời chưa tối hẳn. Trên yên ngựa, gã giơ cao ngọn đèn trước vách tường, nhìn hai chữ ký với lời thề dưới bài thơ hẹn năm xưa lần cuối cùng. Rồi gã ném cả cây đèn vào chân vách đất. Ngọn lửa bò theo vết dầu, chạy dọc chân tường và bắt đầu từ dưới liếm dần lên. Cùng với những hình ảnh chập chờn của cái thuở ngông cuồng mà lửa đỏ đang gọi về, bên tai gã bỗng văng vẳng tiếng ai cười đùa cảnh báo: - Thề như thế mà cũng thề hả hiền huynh? Chàng thanh niên lặp lại câu gã vừa viết trong tràng cười giễu cợt. "Chỉ có cái chết mới ngăn huynh đúng hẹn! " - Thì hiền đệ cứ thề độc hơn đi nào! - Xem đệ thề đây này. Từ mảnh than giằng lấy trong tay gã, hiện lần trên vách từng con chữ định mệnh. "Dẫu chết rồi, đệ cũng sẽ đúng hẹn! " Phạm Trọng Luật St Denis,11/03/2001(1) Trích và mượn từ một bài thơ thời trung học, không nhớ tên ('Hạnh HoaThôn'?, 'Lớp tang thương'?), của ai và do ai dịch (Lê Bái?). Mong bạn đọc thông cảm.