T rời chiều như đang cố níu kéo những tia nắng cuối ngày. Bên vệ đường, vài hạt nắng nhởn nhơ đùa giỡn với khóm hoa. Chúng nhạt màu dần rồi tan mất, chỉ một lát nữa thôi màn đêm sẽ bao trùm lên vạn vật. Bóng tối như một khối đen khổng lồ úp chặt lấy anh, không cho anh vùng vẫy. Từ bao giờ anh sợ nỗi cô đơn đến vậy? Anh sợ cả bóng đêm, cái thời khắc cuối ngày ấy thường kéo anh về lại với quãng thời gian êm đềm của ngày xưa, khi anh còn có chị.
Cái “ngày xưa” ấy chỉ mới vỏn vẹn cách đây hơn hai tuần. Mười bốn ngày có thể chôn vùi cuộc tình kéo dài bốn năm của anh với chị sao? Anh không tin. Cứ mỗi chiều anh lại đi ngang nhà chị. Như một thói quen rồi, nhưng anh không còn nhận được nụ cười tươi tắn của chị, hay được chị ân cần hỏi: “Anh có đói bụng không? Nhà còn cơm nguội đấy!” Bằng giọng chân tình, thiết tha đến độ xua tan hết âu lo phiền muộn trong anh. Đã từ lâu anh biết rằng đời anh không thể thiếu chị. Không thể thiếu sự chăm lo kín đáo nhưng hết sức ân cần của chị. Anh cần chị biết bao.
Chiều nay anh lại đi ngang nhà chị, chỉ để làm một việc ngớ ngẩn: tô đậm thêm cái kết luận hết sức phũ phàng: vị trí người đàn ông trong lòng chị đã được thay thế! Người đàn ông đó anh đã gặp rồi, hôm cùng chị đưa mẹ vào phòng cấp cứu của bệnh viện Thị Xã. Rồi những lần sau đó vẫn thấy ông ta ngồi cùng chị mỗi khi chị lo lắng đến xanh rớt người. Chị suy sụp hẳn đi khi ông ta kết luận bệnh mẹ chị khó có thể cứu chữa.
Anh thương chị. Thương lắm! Nhưng ngoài tình yêu ra anh còn gì có thể cho chị, ít nhất là trong lúc này! Ngần ấy năm yêu thương, anh chỉ mong đến ngày được rước chị về nhà sống chung. Khi ấy anh quan tâm đến chị được nhiều hơn. Anh thay chị giặt đồ, rửa chén mỗi khi chị mỏi mệt. Anh sẽ ân cần bón cho chị từng muỗm cháo mỗi lúc chị ốm đau. Rồi cả những giấc ngủ trằn trọc khó đến, anh ru chị trong vòng tay yêu thương của mình. Anh ước ao được như thế, nhưng lại lo ngại,với đồng lương ít ỏi của mình liệu anh có mang lại cuộc sống nhàn hạ hơn cho chị, hay lại khiến chị vất vả hơn cả thời con gái vốn đã quá nhọc nhằn. Anh lo lắng, dằn vặt khôn nguôi.
Nhưng bây giờ thì cả những lo lắng, dằn vặt ấy cũng không thuộc về anh nữa. Cho đáng đời mày Khang ạ! Anh thường chửi mình như thế trong cơn say. Nhưng khi tỉnh dậy anh bỗng thấy anh đáng thương nhiều hơn đáng trách. Chẳng lẽ lại trách bản thân anh sao không phải là một bác sĩ, hay trách chị thiếu chung tình? Không, anh vẫn thương chị. Anh ngước nhìn những ánh sao trên bầu trời đêm và nhớ chị đến quay quắt. Chị cũng giống như vì sao trên kia, mãi như những ngọn nến thắp sáng và sưởi ấm tâm hồn anh. Ngọn nến ấy không tắt bao giờ. Rồi một ngày nào đó chị sẽ về với anh, anh tin thế!
Chị đi lấy chồng trong một ngày cuối đông. Mùa đông trên cao nguyên được tô đậm thêm bởi những đợt gió hú đến ghê người. Cõi lòng chị cũng dằn xé gào thét theo từng cơn gió. Chị xinh như một đóa hoa rừng trong bộ đồ cưới màu đỏ mà chồng chị đặt may ở một tiệm nổi tiếng trong Thị Xã. Chỉ có đôi mắt chị không sao giấu nổi nỗi buồn. Chị trách cứ mình, chửi rủa mình rồi cuối cùng lại an ủi mình. Tình yêu có là gì đâu kia chứ! Chị yêu anh? Thì có yêu. Chị thề nguyền chung sống trọn đời trọn kiếp với anh? Ừ, thì chị đâu có quên. Nhưng để chị có được ngày hôm nay để mà thề thốt, để mà yêu thương thì nhờ ai kia chứ?
Mỗi khi nói đến mẹ chị lại không cầm được nước mắt. Mẹ chị đã hy sinh cho chị quá nhiều. Chị làm sao mà quên được những gánh cải của mẹ trong buổi chợ sớm, đổi lấy cho chị áo trắng guốc cao đến trường. Nhớ có hôm trời mưa, chị trốn học mang áo mưa ra chợ cho mẹ. Vừa nhìn thấy chị lụp xụp dưới lớp áo mưa mỏng, mẹ lao tới quất tới tấp vào mông chị, mắng: “Ai dạy con trốn học như thế hả? Mẹ khuyên con đến lớp phải chịu khó học cho giỏi kia mà. Con không nghe lời mẹ nữa phải không? Đồ hư thân, đồ mất nết, đánh cho mày chừa!”. Cứ thế mỗi câu nói của mẹ là một đòn đánh vào mông. Đến khi mẹ mệt lả đi, nhìn lên chị vẫn không khóc. Mẹ nhìn chị hồi lâu rồi quỳ gối ôm chặt chị vào lòng, cả hai mẹ con ướt đẫm trong làn mưa trắng xóa. Trong mưa, chị vẫn nhận ra đâu là nước mắt của mẹ. Mẹ xoa chỗ chị vừa bị đánh nói với chị trong tiếng nấc: “Con phải học giỏi để khỏi phải đi bán cải như mẹ con biết không?”.
Mười ba tuổi chị đã nung nấu trong đầu mình một tương lai, mà ở đó ít nhất là mẹ chị không còn dầm mưa giãi nắng như hôm nay. Chị học xong cấp ba rồi ròng rã suốt bốn năm ở ngôi trường đại học. Những năm đó chị không hề khó khăn chuyện tiền bạc. Nhưng chị hiểu mẹ chị đã vất vả như thế nào để có nó. Rồi chị biết yêu, người con trai cùng quê với chị. Người thường qua sửa cho chị cái bóng đèn, tráng lại mấy ô gạch bị kiến đục vỡ từng mảng nhỏ… Cứ thế, cuộc sống trôi qua những ngày bình yên. Ngày chị tốt nghiệp cũng là ngày mẹ ngã quỵ bởi căn bệnh của tuổi già.
Bây giờ thì kể như chị đã thực hiện được những gì chị mơ ước; một cuộc sống tiện nghi đầy đủ cho mẹ chị sống quãng tuổi già còn lại. Chồng chị, vị bác sĩ có uy tín nhất nhì trong Thị xã và yêu thương chị hết lòng. Những lúc rảnh anh xuống bếp giúp chị, phân tích cặn kẽ từng món ăn cần thiết cho sức khỏe của mẹ. Chị thì chẳng giúp gì được cho anh. Cầm tấm bằng sư phạm trên tay, chị thấy tiếc nuối. Anh hiểu cả những điều chị không nói, những khi nhìn chị thẫn thờ như thế, anh choàng tay lên đôi vai gầy xương của chị, anh nói: “Cưới được em anh mừng lắm. Em không cần lo lắng, băn khoăn gì cả, cứ ngoan hiền nết na như tính cách vốn có của em là anh toại nguyện rồi. Anh yêu em nhiều lắm!”. Anh là một người tốt, anh sống bao dung rộng lượng và không trách cứ chị bất cứ điều gì, kể cả mối tình đầu mà cho đến tận bây giờ chị vẫn chẳng thể nguôi ngoai. Anh tôn trọng quá khứ cũng như khoảng riêng của chị. Điều đó với chị cần thiết biết bao Cuộc sống trôi qua như một giấc mơ êm đềm.
Cái chết của mẹ chị cũng diễn ra êm đềm như thế! Ai đó đã nói “ tiền bạc không mua được sức khỏe con ngườI ”. Nhưng chị vẫn thấy biết ơn chồng, người đã tận tụy bên mẹ chị trong suốt những ngày qua. Đêm, chị gối đầu lên cánh tay rắn chắc của chồng, bỗng thấy những yêu thương tràn về, cảm giác mà trước đây chị chưa từng có.
Có tiếng gõ cửa giữa đêm khuya, giọng của người nhà bệnh nhân vẻ như cấp thiết lắm, anh gỡ vòng tay mềm mại của chị đặt xuống giường, đắp mền lên đến ngực cho chị rồi lặng lẽ khoác bộ đồng phục trắng lên người, giọng cô y tá gấp gáp “Cô ta đau bụng chuyển dạ, bụng to quá nên có phần nguy hiểm. Bác sĩ ra xem giúp”. Chị cũng choàng dậy, hơn lúc nào hết chị muốn được ở bên chồng, chẳng giúp gì được anh nhưng chị vẫn muốn nhìn anh làm việc.
Tiếng khóc thét của đứa trẻ trào đời làm mọi người thở phào nhẹ nhõm, gần hai tiếng đồng hồ cho một ca mổ khá nguy hiểm. Chị cầm sẵn ly sữa trên tay vì biết chắc chồng chị rất mệt. Chị còn biết anh không ra khỏi phòng bệnh ngay như những bác sĩ từng làm, anh bảo anh cần ở lại để thấy cảnh người nhà bệnh nhân vui mừng như thế nào.
Để nguyên bộ đồ ngủ như thế, chị bước vô phòng. Người đàn ông ngước lên như một phản xạ tự nhiên, chị ngỡ ngàng thốt lên: “Ôi anh Khang!” “Em …”. Lúc này anh ta mới đưa mắt nhìn vị bác sĩ. Đúng là ông ta rồi, người đã xen và và cướp mất đi cuộc tình tươi đẹp của anh. Dạo đó anh tưởng đâu mình không vượt quan nổi cú sốc quá nặng nề đó. Nhưng như một quy luật tự nhiên, con người sinh là để tồn tại và luôn khát khao tồn tại, cho dù có phải tồn tại song song với những khổ đau. Trời thương nên cho anh gặp Nhung, người giúp anh thoát khỏi những cơn say triền miên.
Vị bác sĩ cũng vừa nhận ra anh, ông chìa tay ra niềm nở: “Chúng ta đã gặp nhau rồi phải không? Hôm nay lại có dịp chúc mừng anh lên chức làm cha!”. Anh xiết chặt tay bác sĩ, hai người đàn ông nhìn nhau, không hận thù oán ghét. “Cảm ơn anh đã giúp vợ chồng tôi, nếu không có bác sĩ …” “Anh khách sáo thế làm sao chúng ta trở thành bạn được đây! Bây giờ anh cứ lo cho chị nhà đúng như lời tôi dặn, khi nào chị nhà khỏe anh em mình làm vài ly để ăn mừng”.
Đã hơn mười một giờ. Chưa đầy một tiếng nữa sẽ bước qua một ngày mới.
Trong vòng tay yêu thương của chồng, chị chìm vào giấc ngủ thật êm đềm.

Xem Tiếp: ----