Dịch giả: VŨ ĐÌNH BÌNH

Anh à, nàng nói, người tì vào một vạt của tấm bài trí sân khấu và miệng nhấp cốc nước màu bạc hà, anh à, nếu tôi không chú tâm đến anh nữa, thì không phải là tôi không thích anh, thậm chí tôi vẫn yêu anh, như người ta có thể yêu ở lứa tuổi của tôi nhưng...”
Nàng mỉm cười:
“Tôi chỉ nghĩ tới nhân vật kia.
- Hắn là ai vậy?”
Anh ta tức điên người. Trông anh ta lại rất đẹp. Sự ghen tuông của anh ta, dù có thấp kém đến mấy bởi cơ sở của nó chẳng qua chỉ là nỗi sợ ngày mai và tình trạng thiếu tiền, sự ghen tuông của anh ta làm anh ta giận dữ và đẹp hẳn lên. Nàng bao giờ cũng đạt được hiệu quả ấy ở tất cả các người tình của nàng khi nàng nhất quyết không nói cho họ biết “hắn” là ai.
Công chúng đông nghịt như một biển sóng. Trời đầy gió, tối nay, ở I-ta-li-a. Và cái nhà hát cổ đại này thực sự bị xăm xoi trong tất cả các xó xỉnh của nó bởi hàng chục chiếc đèn chiếu, hàng triệu watt, sự tiến bộ đến trợ giúp cho quá khứ, như cách nói của những kẻ ngu xuẩn nọ. Nàng lắc đôi vai khoẻ mạnh và quay về phía chàng trai.
“Hai phút nữa là đến lượt tôi”, nàng nói.
Anh ta không đáp. Anh ta đã theo nàng từ thành phố này sang thành phố khác trong sáu tháng nay. Anh ta làm tình với nàng - ở mức vừa phải - và anh ta cướp bóc nàng, cũng ở mức vừa phải, nhưng có những lúc anh ta giận nàng quá đỗi: đó là khi nàng bước ra sân khấu, lúc ấy, nàng bỏ lại những ki-lô, những nếp nhăn và cả anh ta nữa, ở đằng sau nàng, lúc ấy, những con người ngất ngây hạnh phúc, trong bóng tối - dù là ở Berlin, New York hay Rome - họ đợi nàng, họ rình chờ giọng nàng cất lên. Và lúc ấy, nàng chỉ có một mình, một mình một cách bi thảm, một cách tuyệt diệu, và anh ta cảm thấy được điều đó. Lúc ấy, anh ta chẳng quan trọng gì hơn ba người chồng cũ của nàng hoặc ba mươi người tình của nàng. Tệ hơn, anh ta còn không quan trọng bằng anh lính cầm kích trực ban cổ xưa, vì ít nhất anh lính ấy cũng cần cho vở diễn.
Đám đông đã im bặt, và với một cảm giác ghê tởm, anh ta nhìn cái khối thịt quá phì nộn bên cạnh - tục tĩu, đôi khi anh ta nghĩ - nhưng từ đó lại cất lên cái giọng kia, một giọng hát làm mê say những kẻ chạy theo mốt âm nhạc. Được rồi! Mình sẽ lợi dụng đến mức tối đa và thật nhanh rồi cuốn gói cũng thật nhanh. Tội gì mà sống nghèo khổ nhỉ, dại gì mà lại đi chiều theo những đòi hỏi oái oăm của bất cứ gã đàn ông hay mụ đàn bà nào, để đến nỗi mới ba mươi tuổi đã phải lẽo đẽo bám theo một mụ đang tuổi hồi xuân, dù mụ có là ca sĩ thiên tài đi nữa!
“Mình tóc vàng, anh ta nghĩ, mình đẹp trai và cường tráng. Mụ Cachionni thì đã tã, đúng là đã tã, và mụ phải trả một giá thật đắt hơn nữa.”
Dàn nhạc chơi uể oải và anh ta nghĩ đã tới hồi chót. Nàng đi ra xa rồi nàng lại tiến về phía anh ta, bây giờ, trán nàng bóng loáng mồ hôi, với vẻ nửa say đắm, nửa thỏa mãn mà ngay cả tình yêu cũng không tạo được cho nàng. Nàng có một động tác rất trẻ con, gần như nực cười, để tựa vào anh. Cô phụ trách trang phục đã tới, một cốc nước pha chút bạc hà trong tay, và nàng uống không thở.
“Anh thấy âm nhạc của vở vừa rồi thế nào?” nàng hỏi.
Nàng dướn đôi mí mắt nặng trĩu, óng ánh xà cừ lên, nàng chằm chằm nhìn anh ta. “Chàng ba mươi tuổi, lạy trời! Chàng mảnh dẻ và đẹp trai và xứng hợp với bất kỳ nàng công chúa nào ở xứ Iran. Làm sao mà ta, với khuôn mặt nhàu nhĩ hóa trang bị mồ hôi tàn phá này, làm sao ta lại dám hỏi chàng xem chàng thấy cái gì nó như thế nào?”
“Tôi không biết vở opéra này”, anh ta nói bằng một giọng kiêu kỳ.
Nàng cất tiếng cười.
“Trong đời tôi, tôi mới chỉ hát vở này có ba lần.” - Nàng ngừng một chút. “Và cả ba lần, tôi đều tìm lại được nhân vật kia. Tôi hi vọng nhân vật kia sẽ hiện diện ở đây, tối nay.
- Nhưng hắn là ai vậy?
Nhưng nàng đã vỗ vỗ vào cánh tay anh ta và tiến về phía người chỉ huy dàn nhạc, một gã đần, đúng vậy, một gã ngố dễ thấy, một kẻ vô đạo đức chỉ tìm cách lợi dụng nàng và uy tín của nàng. Anh ta đã báo cho nàng biết như vậy, nhưng nàng cười và nói: “Đó là một nhạc công, anh biết đấy”, bằng cái giọng âu yếm và như xin lỗi một cách đầy tự hào mà đôi khi người Do Thái vẫn nói về một người trong số họ. Anh ta mân mê mấy chiếc khuy manchette bằng mã não và bằng vàng, món quà tặng gần đây nhất của nàng rồi nhìn đồng hồ. Có lẽ vở diễn sẽ kết thúc trong vòng nửa giờ nữa. Thật sung sướng. Anh ta đã chán ngấy Nhà hát Opéra, âm nhạc, những bè đôi tuyệt vời và tất cả cái đám ấy mau mau đến nhảy một điệu jerk rộn ràng ở Monte-Carlo đi thôi. Tuy nhiên, một mối hoài nghi giữ rịt anh ta lại bên tấm trang trí sân khấu. “Hắn”, ai là cái “hắn" mà nàng đã ba lần tìm lại được? Một tay điển trai luống tuổi của những năm 30, một người chồng cũ? Đó không phải là “gu” của Cachionni, phải nói đúng như vậy, những kiểu điệu bộ làm duyên ấy. Hắn đã làm cho nàng chấp nhận, và nàng đã chấp nhận hắn. Hắn không bao giờ gây cho nàng những màn ghen tuông giả tạo khiến nàng phải bẽ mặt. Nhưng hắn là ai nhỉ?
Nàng quay trở lại phía anh ta. Nàng ném cho anh ta một ánh mắt không thấy gì. Nàng đặt bàn tay lên cánh tay anh ta. Nàng ho rất khẽ, nàng chờ đợi Rồi tấm màn được kéo lên và ông chỉ huy dàn nhạc ghê tởm kia giơ cây đũa. Tất cả các nô lệ của ông ta, các nông nô nhạc công của ông ta đều ngả những cái đầu thiển cận và phục tùng xuống cây đàn violon của họ. Một tiếng rên vang lên từ chỗ họ, và nàng không trông thấy anh ta nữa. Nàng đã xoay người, bất động, về phía cái sân khấu tim tím kia, những gương mặt màu trắng kia, trong đêm tối, tay ca sĩ cao lớn hát giọng ténor kia, cái cứu cánh của cuộc sống kia, những chuyến đi kia, những chuyện phi thường kia... cái số phận kia, tóm lại, nàng đã quay người về phía tất cả những thứ mà ở đó, anh ta chỉ có một vai trò phụ. Đột nhiên, anh ta cảm thấy thế, anh ta thấy hụt hẫng, anh ta đỏ mặt, anh ta hiểu… rằng anh ta hoặc một người khác! Có hề chi cái việc nàng nhiều tuổi gấp đôi anh ta và to gấp đôi anh ta: tất cả những con người ở kia đều mơ ước nàng. Một triệu người mơ ước nàng trên trái đất này và có lẽ hãy còn một người đàn bà mơ ước anh ta, ở Rome. Nếu anh ta gặp may. Và chắc hẳn ngay tối nay, người kia, kẻ lạ mặt, “hắn” cũng đợi nàng và chắc hẳn hắn sẽ bám lấy nàng vì hắn là một vật ký sinh, và chắc hẳn mặc dù mạnh mẽ, đẹp đẽ và rắn rỏi, hắn cũng chỉ là một màn xen kẽ buồn tẻ và hơi đắt giá, một kẻ quấy rối trong một câu chuyện tình yêu có thật. Anh ta nhìn nàng và thử phẫn nộ. Anh ta cảm thấy như mình đang ở trong một vai cô nhài có bầu. Nhưng đám đông đã vỗ tay rào rào, có vẻ nôn nóng, hoan hô ca sĩ giọng ténor ngốc nghếch, và anh ta đã cảm thấy đám đông chờ đợi nàng. Đám đông và “hắn”.
“Ai vậy? anh hỏi
- Anh hỏi ai?”
Nàng nhìn anh ta bằng đôi mắt sẫm màu, đen, mờ đi bởi đôi điều mà anh ta biết và những điều ấy giống như nỗi sợ.
“Kẻ mà mình đã tìm lại được ba lần đó, mình biết chứ?
- À!” nàng nói.
Nàng cất tiếng cười dịu dàng, gần như âu yếm. Người chỉ huy dàn nhạc nhéo mắt thoáng ra hiệu với nàng. Cả nhà hát như căng lên và anh ta cảm thấy các sợi dây thần kinh của chính bản thân anh ta bị kéo dài ra như dây đàn. Nàng ngừng cười, quay sang phía anh ta, đặt một bàn tay lên má anh ta và trong giây lát, anh ta có cảm giác như đã tìm lại được mẹ mình, và đó là một người mẹ anh ta thích, chứ không phải người tình khó tính và lơ đãng này, mà anh ta không biết.
“Nhân vật kia, nàng nói, đó là nốt cao, nốt cao nhất trong các bản nhạc của Verdi, anh hiểu chưa?”
Nàng nhìn anh ta chằm chằm và anh ta không có ý nghĩ gì. Anh ta chỉ có cảm giác những chiếc khuy manchette của anh ta, chiếc áo smoking mới, những hạt ngọc đính trên ngực áo, tất cả những thứ nàng tặng anh ta đang đốt bỏng da anh ta.
“Một nốt ut, nàng. dịu dàng nói, là như thế này.”
Và nàng nói, hát, diễn tả một nốt ut rất thấp, rất âu yếm, hai mắt nhắm lại, như thể nàng giảng cho anh ta một từ ngoại lai.
“Nhưng mà, nàng nói, phải ngân nốt ấy ba mươi giây.”
Nàng sửa lại mái tóc và nâng đuôi áo dài lên vì ông chỉ huy dàn nhạc đã gọi nàng. Nàng thở một hơi, như lấy đà và quay về phía anh ta.
“Và thêm nữa, nàng nói, nốt nhạc ấy là cái không thể mua được.”
VŨ ĐÌNH BÌNH dịch

Xem Tiếp: ----