Mẹ tôi 34 tuổi, tóc bạc trắng gần hết (có lẽ vì máu xấu hay vì suy nghĩ quá nhiều). Cứ hai tuần một lần, mẹ tự mua thuốc nhuộm, tỉ mỉ ngồi nhuộm một mình ngoài hiên. Ba thấy thế, không đành lòng, ép mình lắm cũng nói được một câu, phần sau ót để tui nhuộm cho. Lúc ấy mẹ cười thầm, nghĩ, vậy là mình thắng.
Những cuộc đấu tranh nho nhỏ kiểu ấy vẫn diễn ra trong nhà tôi. Người thắng hay kẻ thua chẳng nhận được phần thưởng nào cả. Vậy mà mẹ vẫn muốn tạo ra những đợt sóng ngầm kiểu trẻ con ấy. Có lần, mẹ bỏ qua nhà dì ở gần ba ngày. Chờ hoài không thấy ba qua rước, dì bảo, hay mày về lại bển lo cho đứa nhỏ. Mẹ cười cười, làm gì có chuyện đó. Đến ngày thứ tư thì ba lò dò qua. Mẹ ở trong buồng nói nhỏ với dì, thấy chưa. Dì lắc đầu, tính con này chỉ có nó (ám chỉ ba tôi) mới chịu nổi.
Một ngày nắng chói chang ngoài hiên, mẹ xách giỏ đi đơn giản không ai ngờ, không phải vì mẹ yêu người khác rồi trốn theo tình nhân (như thói thường người ta vẫn nghĩ), mẹ đi đơn giản vì: ba đuổi mẹ!
Đó là chuyện tôi nghe được từ người dì. Nó xảy ra cũng lâu lắm rồi, giờ tôi 19 tuổi. Mỗi tuần một lần, tôi xách cái giỏ đầy bông vạn thọ vào nghĩa trang thăm mộ ba. Lần nào cũng vậy, tôi chẳng khóc được. Có lần dì kể, hồi ba mày mất mày còn mắc chơi cò cò với thằng Bảo đầu xóm. Tội nghiệp, bệnh tật thế đến cuối đời cũng không dám nói ra. Tôi nhìn dì, nói tỉnh queo, hôm đó con còn nhớ chứ đâu, chạy về nhà, thấy ông già nằm thẳng cẳng, dì khóc lu loa. Mà sao ba kì thế, cứ nói với mẹ một tiếng, đuổi bà già đi, tội ghê. Sống chi mà ép mình thế! Nói đến đó mà mắt tôi ráo hoảnh. Cũng như cái lần, năm lên 10 tuổi, một người chú dưới quê lên mang theo con vịt kêu ẹc ẹc cả buổi mà chẳng thấy dì về. Chú bảo tôi lên giường nằm đi, chú ru cho ngủ. Lần nằm ngủ đó, tôi thấy mình chết điếng khi cả thân hình vạm vỡ của người đàn ông nồng nặc mùi rượu đè lên mình. Xong chuyện, hắn đứng lên, cười khà khà như kẻ điên, rồi bảo, nếu dì về nhớ nói là có chú lên thăm. Tôi nằm đơ người ra, không cảm xúc, chỉ có hai dòng nước mắt chảy tràn xuống gối. Sau lần ấy, tôi không khóc lại bao giờ.
Tôi bắt đầu cuộc đời mình với một người đàn ông có gương mặt phúc hậu. Mỗi tuần ông ta ghé chỗ tôi hai lần (dĩ nhiên là phải giấu vợ). Tôi nấu hai bữa cơm hải sản, đầy rau tươi và những món ông ta thích. Tôi âu yếm ông ta và người lúc nào cũng đầy phấn son. Ông ta bảo, anh thích thế, vợ anh chẳng biết sửa soạn như em. Câu này hơi quen quen. Hình như tôi đọc đâu đó trong một cuốn tiểu thuyết rẻ tiền. Nằm trên giường, nghe tiếng thở rất êm (chứ không khò khò hay thô kệch như người ta vẫn tả về những gã ngoại tình), tẩn mẩn nghĩ, mai hay mốt hay tuần sau hoặc chậm lắm là năm sau, vợ hắn cũng tìm đến đây. Rồi bà sẽ làm rùm beng, hắn sẽ ê mặt một phen, rồi mình sẽ phải dọn nhà đi nơi khác, gầy dựng vở tuồng mới. Tự nhiên tôi mắc cười kinh khủng, trí tưởng tượng của mình cũng không đến nỗi tệ.
Nghĩ đùa thế mà bà ấy đến thiệt. Đến rất nhẹ nhàng. Không ồn ào như mấy trận đánh ghen tôi vẫn nghe. Bà ấy ngồi dựa người trên chiếc ghế salon, nhìn tôi, nhìn ông ta. Bà không nói gì, nhưng ông ta thì run rẩy đến nỗi không dám ngước mắt nhìn lên xem tình hình diễn biến tới đâu. Chỉ vậy thôi, ông lập rập theo bà trở về. Tôi chỉ nghe lờ mờ bà bảo, chỉ là một con điếm, không đáng. Tôi đóng cửa nhà, thu gom những thứ cần thiết và bắt đầu một vở tuồng mới ở một nơi khác.
Tôi sống u uẩn. Người ta thấy tôi khó gần, vì thế tôi không có bạn. Mà quên, có lần, một tay nhà báo làm phóng sự gì đó về thế giới của tôi. Anh có cái cười nồng ấm và đôi mắt rất đẹp. Đi ăn với anh được vài lần, tự nhiên tôi muốn đem hết chuyện của mình kể anh nghe. Cũng chẳng có gì là bi đát lắm. Ít ra tôi cũng ngoi ngóp sống được đến giờ này. Hôm sau, bài báo được đăng với cái tựa "thế giới của những ả điếm". Tác giả viết lòng vòng gì đó về cuộc đời của một cô điếm. Cuối cùng, tác giả kết luận, những cô nàng luôn tìm kiếm hay bịa một lý do nào đó để đổ thừa cho hoàn cảnh. Đọc đến đây, tôi chỉ cười. Phải thông cảm thôi, ai mà tin mình được.
Những chuyện đó chẳng tác động nổi đến tôi. Mỗi ngày tôi sống trong thế giới ảo của phấn son và lụa là, thế giới đó còn kinh khủng hơn nữa kìa. Người ta bội bạc nhau, đánh đấm nhau, thù hằn nhau như người ta ăn cơm hàng ngày. Những gã đàn ông sau mỗi lần hì hục, nằm lăn ra ngủ mà không cần biết cái người con gái mà mình đã giày xéo cảm giác như thế nào. Ờ, mà họ có cho những kẻ như tôi là “con người” đâu. Thế nên có lần, một gã bệnh hoạn dùng roi đánh bầm thân thể tôi. Đánh xong, gã cười khục khạc hỏi, cô em thấy thế nào. Tôi nhìn hắn âu yếm, rồi bảo, anh làm em sướng. Hắn tròn con mắt, buông roi, cố nhìn xem có nét thù hằn nào hiện lên trong mắt tôi không. Hắn bất lực, bỏ về nữa chừng khi cuộc vui chưa bắt đầu. Hắn biết, lần này hắn gặp phải một kẻ hơn cả hắn về mọi mặt.
Người ta sinh ra trên đời, không có cuộc đời nào giống cuộc đời nào. Có kẻ sung sướng, có kẻ khổ đau. Và có cả những kẻ chẳng biết mình sướng hay khổ như tôi. Tiền bạc tôi không thừa, tình cảm lại còn dư dả hơn (dù thỉnh thoảng chịu vài trận ghen tuông của mấy bà vợ). Mỗi sáng thức dậy, tôi thấy cuộc đời mình vẫn không thay đổi bao nhiêu. Chỉ có tuổi tác là không chừa một ai. Nhan sắc không còn như hai mươi, những gã đàn ông đến tìm tôi thưa dần. Trong đó có một gã trông dáng rất tri thức. Gã thích loại phụ nữ như tôi, nét đẹp chín muồi. Nhưng thằng bé, con trai của gã, thì không thích loại đàn bà kiểu này. Nó đến tìm tôi khi tôi còn hoang dại với ba nó trên giường. Nó đã không nói gì, mắt nó trong veo, ngồi kiên nhẫn trước cửa nhà tôi chờ đợi. Tôi biết, khoảnh khắc đó đối với nó là vô tận. Nó gọi tôi bằng bà, bà buông tha cho ba con đi, mẹ con ở nhà khóc nhiều lắm. Nó nói câu đó mà mặt nó tỉnh bơ, không cảm xúc. Và mỗi lần, thấy cơ thể của ba nó oằn lên vì những cơn điên dại thì ánh mắt thằng bé lại hiện ra trong đầu tôi. Tôi bắt đầu khổ sở từ ngày đó. Tôi bảo gã, về đi, vợ con anh chờ. Gã cười, anh chỉ muốn ở bên em. Tôi cười cay đắng trong lòng, người ta vui sướng khi có một kẻ khác đau khổ...
° ° °
Đó là năm ấy, khi bà còn là một người đàn bà đẹp... Sáu mươi tuổi, bà quét sạch những lá vàng rụng đầy sân chùa. Chàng thanh niên đến viếng chùa mỗi tháng một lần nói rằng, bà có quét cả đời đến kiếp sau cũng không quét sạch những đau thương mà bà đã gây ra. Bà nghĩ, thằng bé nói đúng. Nên bà ráng quét từ hai mươi năm nay đây nè.
Thằng bé lên thăm chùa vào một sáng thứ bảy. Đi theo nó là một đứa con gái đẹp đến lạ lùng. Nó cười thầm khi đi qua bà, rồi nói: bạch sư cô, đây là bạn con. Đứa con gái cụp mắt xuống, mi dài, nét e lệ. Bà nghĩ, thôi rồi, khổ con nhỏ nữa rồi. Vậy là cứ vài tháng một lần, thằng bé dẫn thêm một người mới. Những người mới của nó đều đẹp, nét đẹp cổ xưa. Cứ sau mỗi lần như thế, bà nhìn trong mắt thằng bé sự đắc thắng đến nao lòng. 
Xuân, đứa con gái đẹp nhất trong cả bọn, bảo bà, con thương ảnh thiệt, mà ảnh sao sao đó. Con không hiểu ảnh nổi, con khổ lắm. Con muốn sinh cho ảnh một đứa con mà ảnh đòi bỏ nó đi, ảnh cho tiền. Ảnh làm như con là con điếm không bằng. Ảnh quay mặt đi mà không thương xót gì cả.
Những lúc như thế bà chết lặng, những trò lòng vòng lẩn quẩn này bao giờ kết thúc. Bà đã quét sạch những lá vàng vào mỗi mùa thu tới. Nhưng ở một nơi khác, có người lại rung cây cho lá rơi tao tác đầy sân.
Đêm đó bà nằm mơ, thấy mình đi lòng vòng quanh một cái sân. Đi đến toát mồ hôi mà vẫn không tìm được lối ra. Sáng ấy, không ai khóc lóc gì cả. Chỉ có sư phụ bà lặng lẽ tụng một hồi kinh.
Thằng bé đến mặt buồn xo, không còn cái vẻ láo ngáo như mọi lần. Nó nói với sư phụ, bà ấy chết con hết trò vui để làm rồi. Nói xong, nó bỏ đi, lòng trống trải đến lạ kì...
2/3/2006

Xem Tiếp: ----