Ngày đám cưới Phong, Hà vật vã khóc và chỉ muốn trầm mình xuống dòng suối Lục Bình. Ai cũng nhìn cô đầy ái ngại…
 
Hoàng hôn tắt lịm cuối chân trời. Ngày xa xưa, Hà cứ lầm tưởng đấy là đường biên giới giữa trời và đất. Trời - đất, hai từ nghìn đời luôn gắn đôi mà còn có ranh giới. Tình yêu, hai trái tim khác xa kích thước, màu sắc, độ nóng… sao có thể hòa thành một?
Đêm miền quê, không gian có vẻ êm đềm, tĩnh lặng nhưng cứ man mác một nỗi buồn không thể giải thích. Trăng chênh chếch ngoài cửa sổ như gã tình si len lén ghé mắt nhòm người yêu trần thế.
Vậy mà đã rất lâu, Hà quên mất thú ngắm trăng. Cũng không trách được! Thành phố toàn những ngôi nhà cao tầng chi chít, che khuất tầm nhìn, đôi mắt đâu còn được tự do phóng vào bầu trời đêm.
Hà bỏ miền quê với vết thương lòng đau đớn. Cô ra đi lập nghiệp mong một ngày trở lại, ngẩng mặt nhìn những kẻ đã từng khinh khi gia đình cô.
Cũng vì nghèo, Hà bị tình nhân phản bội. Cha mẹ anh ta dè bỉu đủ điều. Phải, cô đã từng lớn lên trong tận cùng của cái nghèo,cơm không đủ no, độn toàn khoai mì và củ chuối. Cha mẹ và bản thân Hà chỉ biết làm thuê làm mướn, kiếm tiền đắp đổi qua ngày.
Hà làm sao quên được 20 năm trước, cũng trong một đêm trăng, Phong hẹn cô ra suối Lục Bình và đã cho cô “leo cây” thảm thương.
Hà yêu trong ngu muội, dại khờ và làm trò cười cho thiên hạ. Một đứa con gái nghèo xác xơ lại phải lòng chàng trai “có giá” nhất xã lúc bấy giờ.
Phong tán tỉnh cô là do những lời thách thức của bạn bè. Phong bá vai Hà cho tụi bạn nhìn thấy rồi bỏ mặc cô quay cuồng trong lối tắt, đường ngang của tình yêu.
Hà nhớ như in ngày đám cưới Phong, cô vật vã khóc và muốn trầm mình xuống dòng suối Lục Bình. Phong mời tất cả bạn bè, trừ Hà. Ai cũng nhìn cô đầy ái ngại.
Tai quái hơn nữa, kẻ xấu miệng nào đó dám đổ oan cô đã thất tiết với Phong. Cha Hà nhục vì những lời đàm tiếu, cố nhậu say đi nghênh ngang ra đường để xe cán chết. Mối hận tình trong lòng cô gái mới lớn chất cao như núi.
  20 năm vùn vụt trôi qua. Hà trở về đây, về chính cái nơi cô có quãng đời niên thiếu dữ dội. Hơn thế nữa, hôm nay cô trở lại để làm việc nghĩa.
Tự nhiên Hà nghĩ tới Phong. Chẳng hiểu trời có mắt hay đời có luật nhân quả, Phong của 20 năm sau chẳng còn là lưu lại chút gì của Phong ngày trước.
Ngày đó, do gia đình Phong giàu sụ, đám con gái lứa tuổi như Hà đặt cho anh biệt danh là “Phong công tử”. Giờ đây nghe bạn bè kể, cuộc sống của Phong rất đau khổ. Gia đình anh vỡ nợ. Cha mẹ anh qua đời chỉ để lại cho anh cái xác nhà trống trước hở sau.
Phong quen ăn, không quen lao động, quen tán tỉnh gái đẹp, không quen đối mặt với cơm, áo, gạo, tiền. Con cái Phong nối đuôi nhau ra đời, anh nuôi không nổi. Vợ Phong phải muối mặt gánh hàng bán rong, thường rủa anh là thằng chồng vô tích sự. Hà thở dài, âu mỗi người đều có định mệnh riêng.
Cao nguyên lạnh buốt những ngày cuối năm nhưng Hà không quen tắm nước nóng. Cô từ từ trút bỏ xiêm y, hơi rùng mình đón nhận làn nước lạnh thốc đến tận tim. “Chà, mình đã U40 rồi. Sức khỏe không còn như ngày xưa. Ừ, thời gian mà. Có gì tồn tại vĩnh cữu đâu. Dù là kỷ niệm đẹp đẽ nhất hay niềm đau thống thiết cũng sẽ nhạt nhòa theo năm tháng đấy thôi”.
Hà ngửa mặt lên vòi sen, thách thức dòng nước lạnh như cô đã từng thách thức số phận kém may mắn của mình thuở trước.
Đâu ai biết được để có ngày hôm nay, Hà trải qua biết bao gian khổ. Cô lên Sài Gòn học nghề uốn tóc thí công. Đói lòng, Hà từng lượm những mẫu đầu bánh mì của các cô thợ chính ném bỏ mà ăn.
Đôi bàn tay nhỏ bé gội đầu cho khách đến nỗi héo quắt queo. Thuốc uốn tóc, một loại hóa chất, ăn mòn làn da tay non nớt, đau đớn vô cùng. Những thùng khăn to khổng lồ, cô phải giặt sạch đến rớm máu hai tay.
Trước khi ngả lưng tạm bợ dưới gầm cầu thang tranh thủ giấc ngủ chập chờn, cô khóc thương cho đời mình như chiếc lá nổi trôi giữa dòng đời chẳng biết sẽ đi về đâu. Nhiều lúc cô muốn bỏ cuộc, trở về bên mẹ, dẫu cuộc đời có trầm luân trong kiếp nghèo. Thế rồi nghĩ đến mối hận  tình, chỉ vì nghèo Hà đã bị đời rẻ rúng, cô nghiến răng chịu đựng khổ ải học cho được cái nghề.
Trời không phụ người thành ý, Hà thông minh, lại có năng khiếu nên chỉ trong một năm, cô học hết đường kéo sắc sảo của thầy.
Cô bắt đầu đi làm ăn lương, ăn chia, sau đó mở hẳn một tiệm riêng. Hà vươn sang lĩnh vựa thẩm mỹ, làm đẹp cho phụ nữ. Cô đã thành công.
Hà phụng dưỡng mẹ thật chu đáo ở miền quê này và hôm nay cô chuẩn bị xây dựng 10 căn nhà tình thương cho người nghèo trong xã.
Hà không còn cảm thấy lạnh bởi làn nước. Khắp thân thể cô thơm ngát mùi hoa oải hương quyến rũ. Khẽ nhìn vào gương, Hà mỉm cười: “Mình đây sao? Đẹp quý phái đó chứ! Có thể các nhân viên thẩm mỹ của Hà chăm sóc nhan sắc cho bà chủ kỹ quá chăng?”.
“Hà ơi, con có khách đó”, tiếng mẹ nhắc đưa Hà ra khỏi dòng suy nghĩ vẩn vơ. Cô vò chiếc khăn trắng muốt trên mái tóc ướt sũng, hỏi vọng ra: “Ai vậy mẹ?”. “Chủ tịch xã với ai đó không biết nữa.” “Mẹ bảo chị giúp việc mời nước khách, con ra ngay”.
Hà mặc chiếc đầm dài hai dây trông thanh mảnh, tươi trẻ và không kém phần sang trọng. Cô sấy khô tóc, bước ra phòng khách.
Vị chủ tịch xã “quý cô như vàng” vì cô đang là mạnh thường quân cho xã trong chiến dịch xây nhà tình thương. Cô bắt tay chủ tịch và chìa tay ra định bắt tay người kia…
 
“Chào các anh”. Người đàn ông đen nhẻm, gầy đét kia chợt khựng lại. Khuôn miệng anh ta tròn vo: “Ơ… Hà…”. Giọng nói ấy trong thoáng chốc làm cho Hà chấn động tâm can.
Cô định thần nhìn kỹ người xưa: “Không ngờ gặp lại Phong”.
Chủ tịch xã xởi lởi xoa tay: “Ủa, hai người biết nhau à? Vậy tôi khỏi giới thiệu. Tôi nói mục đích chính thôi nhé, hoàn cảnh của anh Phong đây tội nghiệp quá…”
Phong vội cắt ngang: “Dạ thôi, xin anh đừng nói nữa ạ”.
Chủ tịch xã vỗ vai anh: “Đừng ngại, để tôi nói giúp cho. Chị Hà đây là người rất hảo tâm, chị đăng ký 10 căn nhưng tôi nghĩ nếu cần căn thứ 11 cho gia đình anh, chắc chị cũng sẵn sàng”.
Trong khi Phong sượng ngắt cúi gằm mặt, Hà nhanh chóng hiểu tất cả vì sao Phong có mặt bên cạnh chủ tịch xã đi gặp cô vào lúc này. Phong thê thảm đến nỗi không có một chỗ ở cho đàng hoàng, phải cam tâm đi xin nhà tình thương. Có điều anh không thể ngờ, người mà anh phải cầu cạnh lại chính là hà.
Hà buộc miệng: “Anh đó sao? Có phải Phong công tử của ngày nào?”.
Phong không trả lời, anh câm lặng như hóa đá. Hà biết mình lỡ lời, cô vội khỏa lấp: “Xin lỗi, em không cố ý”.
Phong bỗng chạy vụt ra khỏi căn phòng khách sang trọng của gia đình Hà khiến anh chủ tịch xã ngơ ngác. Hà im lặng giây lát đoạn giải thích nhẹ nhàng: “Em có thể tặng căn nhà số 11, số 12 cho bất kỳ ai,nhưng không thể cho anh Phong. Bởi nếu làm vậy, tức em làm nhục anh ấy chứ không phải giúp đâu”. “Anh ta đáng thương lắm. Đông con, nhà sắp sụp”. Hà lắc đầu: “Anh tin em đi, có thể em đang đau lòng hơn anh”.
 
Khi chủ tịch xã về, Hà một mình dạo bước trong đêm. Sương lạnh quá làm cô phải co ro đan chéo hai cánh tay trên lồng ngực mà răng vẫn khua cồm cộp.
Hà không biết mình vui hay buồn trong cuộc gặp gỡ cố nhân. Phong đã từng làm cho cô đau khổ, đến tận bây giờ vẫn chưa thể yêu ai được. Vậy sao cô chẳng chút oán hận anh như thuở nào?
Có thể chính cơn đau tình ái ngày ấy là động lực thúc đẩy Hà cố gắng vươn lên giành lấy tương lai hôm nay. Nếu không, hà cũng chỉ là cô gái nông dân bình thường của miền quê nghèo rồi lấy chồng, sinh con và tiếp nối tháng ngày buồn tẻ của cuộc sống thiếu sự chuyển mình.
Trời khiến xui sao, Hà lang thang đi vào con đường dẫn tới nhà Phong. Ngôi nhà ấy, Hà từng ao ước đặt chân vào để sống bên Phong trọn đời. Giờ trong bóng tối nhạt nhòa, nó nghiêng hẳn một bên như con quái vật thọt chân sắp lăn kềnh ra.
Nhà hàng xóm đều sánh ánh điện, nhưng riêng nhà Phong tăm tối, đìu hiu. Chỉ có ngọn đèn dầu hắt ra từ kheo cửa trông yếu ớt như người già bệnh hoạn trong cơn hấp hối…
“Choảng!”. Tiếng đổ vỡ buộc Hà dừng chân. Từ trong nhà Phong, tiếng bà vợ hét lanh lảnh: “Ông là đồ ngu, nhà tình thương trong tầm tay sao ông bỏ về?”.
Không nghe tiếng Phong. Bà vợ nghiến răng: “Nhà sắp sập, đè chết lũ con ông đi là vừa”. “Bà vừa thôi nhe, đừng thấy nhịn mà làm tới”.
Lập tức, vợ Phong tru tréo: “Không nhịn thì làm gì tôi? Từ ngày lấy ông tới giờ, tôi được gì?”. Giọng Phong rất rõ, gằn từng chữ: “Vậy tôi được gì ngoài những lời mắng chửi hỗn hào mất dạy của bà?”. “Ông dám?”.
Hà nghe được cả tiếng cười như khóc của Phong: “Trong đời tôi, điều hối hận duy nhất là đã từ chối tình yêu của Hà để lấy bà”.
Hình như vợ Phong gào lên. Hình như có gì đó lại đổ võ trong ngôi nhà tồi tàn của Phong.
Hà mở trừng trừng mắt nhìn vào màn đêm: “Lời nói vừa rồi của Phong là gì nhỉ? Quá muộn rồi Phong ơi, em không nghe lòng mình gợn chút cảm xúc nào cả. À, sao có mấy hạt sương to thế lại rơi trúng vào đôi mắt của mình kìa!”.
Hà ngước mặt tìm kiếm vầng trăng đã mờ khuất từ lúc nào.
 

Xem Tiếp: ----