Trái với những điều Grigori chờ đợi, mười ngày sau lại có chừng bốn mươi tên Cô-dắc đến nhập bọn. Đó là những tên còn sót lại của nhiều toán thổ phỉ đã bị đánh tan qua các trận chiến đấu. Sau khi mất ataman, chúng hoạt động lang thang trong khu nên rất vui lòng đi theo Fomin. Đối với chúng thì dứt khoát đằng nào cũng thế: làm tay sai cho kẻ nào cũng được, giết ai cũng được, miễn là có khả năng sống cuộc đời lang bạt, tự do và cướp bóc tất cả những người nào rơi vào tay chúng. Chúng thuộc về một hạng người hoàn toàn không còn thuốc nào cứu chữa. Có lần Fomin đã nhìn chúng và nói với Grigori giọng khinh bỉ: "Chà cậu Melekhov ạ, đó là rác rưởi dạt tới chỗ chúng ta chứ không phải là những con người… Toàn những thằng đáng bị treo cổ, chẳng đứa nào kém đứa nào?" Trong thâm tâm Fomin vẫn còn tự coi mình là "một người chiến đấu cho nhân dân lao động", và tuy không còn nói luôn miệng như trước nữa, song hắn vẫn còn nói: "Chúng mình là những người giải phóng dân Cô-dắc…" Hắn vẫn mang dai dẳng những hy vọng ngu xuẩn… Hắn lại bắt đầu nhắm mắt làm ngơ trước các hành động cướp bóc của các bạn chiến đấu, vì hắn cho rằng tất cả các chuyện đó chỉ là một điều xấu không thể nào tránh được, cần phải nhân nhượng chịu đựng, và chờ ít lâu nữa hắn sẽ có thể trừ khử đước những thằng cướp bóc và sớm hay muộn dù sao hắn cũng sẽ trở thành chủ tướng chân chính của những đơn vị khởi nghĩa, chứ không chỉ là tên ataman của một bầy thổ phỉ nhỏ xíu… Nhưng Trumakov thì không gượng nhẹ chút nào, cứ gọi toạc móng heo tất cả những tên theo Fomin là "những thằng cướp". Hắn còn tranh cãi đến khản cổ, cố thuyết phục Fomin rằng chính hắn, Fomin nầy, cũng chỉ là một thằng cướp đường không hơn không kém. Khi không có mằt những kẻ khác, giữa hai tên thường nổ ra những cuộc cãi vã sôi nổi. - Mình là một người chiến đấu có lý tưởng chống Chính quyền Xô viết! - Fomin đỏ mặt tía tai vì tức tối, hắn quát lên - Thế mà cậu lại dùng cái tên quỉ quái gì ấy để gọi mình! Đồ ngu, cậu có hiểu rằng mình đang chiến đấu cho một lý tưởng không? - Thôi anh đừng loè bịp tôi nữa? - Trumakov cãi lại. - Anh đừng hòng làm ngu muội đầu óc tôi. Tôi không còn là một thằng nhãi ranh nữa đâu? Lại kiếm được một ông có lý tưởng như thế nầy! Anh chính cống là một thằng ăn cướp, và chẳng có gì hơn đâu! Nhưng tại sao anh lại sợ cái tên gọi ấy nhỉ? Tôi chẳng làm thế nào hiểu được! - Tại sao cậu lại làm nhục mình như thế? Tại sao mồm miệng của cậu lại nói ra những chuyện chết người ấy? Mình chống lại chính quyền, mình đã khởi nghĩa và cầm vũ khí đánh nhau với nó. Như vậy thì mình là thằng ăn cướp cái kiểu gì? - Anh là một thằng ăn cướp chính vì anh chống lại chính quyền đấy. Những thằng ăn cướp, bao giờ chúng nó cũng chống lại chính quyền, tự cổ chí kim đều như thế cả. Cái Chính quyền Xô viết ấy, dù nó có thế nào, song nó vẫn là một chính quyền, trụ được từ năm Một nghìn chín trăm mười bảy đến nay, và kẻ nào chống lại nó thì kẻ ấy là thằng ăn cướp. - Cái đầu óc của cậu thật là rỗng tuếch? Thế các ông tướng Krasnov hay Denikin, các ông ấy cũng là những thằng ăn cướp à? - Nếu không thì là gì? Chỉ khác một điều có đeo lon thôi… - Nhưng lon chỉ là chuyện vặt. Tôi và anh cũng có thể đeo lon được. Fomin đấm tay xuống bàn, nhổ toẹt bãi nước bọt, nhưng không tìm đâu ra lý lẽ có sức thuyết phục, đành chấm dứt cuộc tranh cãi chẳng đi đến đâu. Thuyết phục Trumakov về điều gì thường là việc không ai làm nổi. Phần lớn những tên mới đi theo bầy thổ phỉ đều có vũ khí và quần áo đầy đủ. Hầu hết đều cưỡi những con ngựa tốt, đã quen với những chặng hành quân liên miên và có thể dễ dàng chạy mỗi ngày hàng trăm vec-xta. Một số tên còn có hai con ngựa: một con để cưỡi, còn một con gọi là ngựa dự phòng thì chạy không bên cạnh chủ. Những khi cần thiết, chúng có thể chuyển từ con nầy sang con khác, cho hai con ngựa thay nhau nghỉ. Một tên có hai con ngựa có thể vượt chừng hai trăm vec-xta trong một ngày đêm. Một hôm Fomin nói với Grigori: - Nếu ngay từ đầu bọn mình có mỗi thằng hai con ngựa thì quỉ dữ cũng chẳng làm thế nào đuổi nổi chúng mình? Bọn dân cảnh và các đơn vị Hồng quân thì không lấy ngựa của dân chúng được vì chúng ngại không dám làm như thế, còn anh em mình thì tất cả mọi việc đều có thể làm được! Mỗi thằng chúng mình phải kiếm thêm một con ngựa mới được, khi đó chúng nó sẽ đừng hòng đùổi bắt! Các cụ có kể lại rằng lời xưa có quân Tarta, những khi chúng nó đi tập kích, mỗi thằng thường có hai, có khi ba con ngựa đem theo. Những thằng như thế thì ai mà đuổi theo được? Chúng ta cũng phải làm theo kiểu ấy. Mình rất thích cái mẹo khôn ngoan của bọn Tarta. Chẳng bao lâu bọn chúng đã kiếm được ngựa, vì thế trong thời gian đầu, điều kiện ấy đúng là đã làm đối phương không tài nào đuổi theo được chúng. Một đội dân cảnh cưỡi ngựa mới thành lập lại ở Vosenskaia đã cố truy đuổi chúng mà không được. Tuy bầy thổ phỉ của Fomin ít người, song những con ngựa dự bị đã giúp chúng dễ dàng bỏ rơi quân địch và bứt lên phía trước đến mấy chặng đường, tránh được những cuộc chạm trán mạo hiểm. Nhưng đến trung tuần tháng Năm, đội dân cảnh trên, với quân số gần gấp bốn bầy thổ phỉ, đã dùng mưu dồn được Fomin tới sát sông Đông ở thôn Bobrovsky thuộc trấn Ust-Khopeskaia. Tuy vậy, sau một trận chiến đấu ngắn ngủi, bọn thổ phỉ vẫn chọc thủng được vòng vây và tháo chạy theo bờ sông, chết và bị thương mất tám tên. Sau lần đó ít lâu Fomin đề nghị Grigori làm tham mưu trưởng. - Chúng ta cần có một người hiểu biết để hành động theo kế hoạch, theo bản đồ, nếu không sẽ có lúc bị chúng nó dồn vào thế bí và bị ăn đòn thôi. Anh Grigori Pantelevich ạ, anh hãy nhận lấy công việc ấy đi. - Muốn tóm cổ bọn dân cảnh và chém đầu chúng nó thì không cần phải có tham mưu tham miếc gì đâu. - Grigori trả lời với vẻ mặt âm thầm. - Bất kỳ đội quân nào cũng cần phải có ban tham mưu của mình, cậu đừng nói lung tung. - Nếu cậu không thể sống mà không có ban tham mưu thì cứ lấy Trumakov làm việc ấy cũng được. - Nhưng tại sao cậu lại không muốn? - Mình chẳng hiểu gì về công việc nầy đâu. - Còn Trumakov thì hiểu hay sao? - Cả Trumakov cũng chẳng hiểu gì. - Nếu vậy thì cậu nhét thằng ấy cho mình làm cái của nợ gì? Cậu là sĩ quan thì phải có kiến thức, phải biết chiến thuật và mọi trò khác chứ? - Mình mà là sĩ quan thì cũng như cậu bây giờ làm chỉ huy đội thôi? Còn chiến thuật thì chúng ta chỉ có một chiến thuật duy nhất: chạy quanh chạy quẩn khắp đồng cỏ và ngoái đầu lại cho nhiều… - Grigori nói giọng châm biếm. Fomin nháy mắt với Grigori và giơ ngón tay đe doạ: - Mình đi guốc trong bụng cậu rồi? Cậu muốn lẩn tránh cho yên thân phải không? Cậu muốn lui vào trong bóng tối có phải không? Người anh em ạ, cái trò ấy cũng không cứu được cậu đâu! Trung đội trưởng hay tham mưu trưởng thì cũng một giuộc. Cậu tưởng nếu thế sau nầy bị chúng nó bắt thì sẽ được nhẹ tội có phải không? Cứ chờ đấy mà xem. - Mình không nghĩ gì về chuyện ấy, cậu đoán già đoán non như thế không đúng đâu. - Grigori nói nhưng mắt cứ dán xuống cái dây ngù của thanh gươm. - Còn việc gì mà mình không biết thì mình không nhận làm. - Cũng được thôi, cậu không muốn cũng chẳng sao, không có cậu bọn mình vẫn có cách giải quyết. - Fomin bực bội đồng ý. Hồi nầy tình hình trong khu đã thay đổi hẳn: trước kia Fomin đến nhà những tên Cô-dắc có của ăn của để thì ở đâu hắn cũng được tiếp đón rất hậu hĩ, nhưng bây giờ bọn kia đã cài chặt then cửa, và hễ thấy bầy thổ phỉ xuất hiện trong thôn là các chủ nhà đều bỏ chạy và trốn trong các mảnh vườn hay các cánh rừng chung quanh thôn. Toà án cách mạng lưu động dến Vosenskaia lập phiên toà đã kết án nghiêm khắc nhiều tên Cô-dắc trước kia ân cần tiếp đón Fomin. Tin ấy được truyền đi rộng rãi ra các trấn và đã có tác động thích dáng tới đầu óc của những kẻ công khai tỏ thái độ đồng tình với bọn thổ phỉ. Trong hai tuần Fomin đã chu du một vòng rất rộng qua tất cả các trấn của vùng Đông Thượng. Bầy thổ phỉ đã có gần một trăm ba mươi tay gươm. Song đuổi sát gót chúng không còn là một nhóm kỵ binh tổ chức vội vã mà là nhiều đại đội thuộc trung đoàn kỵ binh Mười ba điều từ miền Nam lên. Những ngày gần đây, những tên mới chạy theo Fomin phần lớn đều có nguyên quán ở những nơi xa. Chúng đã mò tới vùng sông Đông bằng nhiều con đường khác nhau: một số tên đã lẻ tẻ bỏ chạy trong khi bị áp giải hoặc trốn khỏi những nhà tù, trại tập trung, nhưng phần chủ yếu của nhóm nầy gồm những toán chừng vài chục tay gươm mới tách ra khỏi bầy thổ phỉ Maxlak và cũng có những tên sống sót của toán thổ phỉ Kurotkin vừa bị đánh tan. Những tên thuộc toán Maxlak cũ sẵn sàng chịu để phân tán và có mặt ở tất cả các trung đội, còn những tên trước kia theo Kurotkin thì không muốn bị xé lẻ. Cả bọn chúng đã được biên chế thành một trung đội riêng, có tổ chức rất chặt chẽ và có phần tách biệt với tất cả những tên khác. Cả trong chiến đấu lẫn trong lúc nghỉ ngơi, chúng đều hành động rất đoàn kết, đứa nọ dựa vào đứa kia. Mỗi khỉ cướp một cửa hiệu của hợp tác xã cung tiêu thống nhất hay một cái kho nào, chúng kiếm chác được gì đều đổ tất cả vào cái nồi chung của trung đội và chia rất đều các của cướp được, hết sức giữ đúng nguyên tắc bình quân. Vài tên Cô-dắc vùng sông Cherek và sông Kôban với những chiếc áo trec-ket rách tả tơi, hai thằng Kalmys người trấn Velikoniazirskaia, một gã Ladvia với đôi ủng thợ săn ống cao đến đùi và năm thằng thuỷ binh vô Chính phủ mặc áo lót vằn và những cái áo vải buồm bạc phếch vì dãi nắng càng tăng thêm cái vẻ linh tinh bát nháo của bầy thổ phỉ Fomin vốn dĩ đã có một thành phần phức tạp, ăn mặc lung tung đủ mọi kiểu. - Nào, bây giờ thì anh còn cãi rằng những thằng theo anh không phải là những thằng cướp nữa hay thôi? Thế những thằng nầy, chúng nó… là những chiến sỹ có lý tưởng phải không? - Một hôm Trumakov nói với Fomin vừa đưa mắt chỉ các đội hình hành quân hàng dọc kéo dài lê thê. - Chỉ còn thiếu một thằng thầy tu phá giới và một con lợn mặc quần là đủ nhân vật cho một đoàn phường tuồng rồi còn gì… Fomin lặng thinh. Nguyện vọng duy nhất của hắn là tập hợp chung quanh hắn càng nhiều quân càng hay. Trong lúc nhận những tên tình nguyện, hắn không cần tính toán một hai gì cả. Hễ có kẻ nào tỏ ý muốn chịu quyền chỉ huy của hắn, hắn đều đích thân hỏi han rồi nói gọn lỏn: - Anh có đủ điều kiện đi lính đấy. Tôi đồng ý nhận anh. Anh hãy đến gặp tham mưu trưởng của tôi là Trumakov. Ông ấy sẽ cho anh biết anh được phân vào trung đội nào và sẽ phát vũ khí cho anh. Tại một thôn của trấn Migulinskaia, bọn thổ phỉ dẫn tới trước mặt Fomin một thằng thanh niên tóc xoăn, da ngăm ngăm, ăn vận rất diện. Tên nầy tỏ ý muốn đi theo bầy thổ phỉ. Sau khi hỏi han, Fomin được biết rằng gã nầy là dân Rostov, gần đây bị kết án vì tội ăn cướp có vũ khí, nhưng nó đã trốn khỏi nhà tù Rostov và sau khi nghe tiếng Fomin nó đã mò đến vùng thượng lưu sông Đông. - Anh là người dân tộc gì thế? Armeni hay Bungari? - Fomin hỏi. - Không, tôi là người Do thái. - Thằng kia ngập ngừng một lát rồi trả lời. Vấn đề nẩy ra quá đột ngột làm Fomin luống cuống đứng đực ra giờ lâu, không hiểu trong trường hợp bất ngờ như thế nầy thì nên giải quyết ra sao. Hắn nặn óc mãi rồi thở dài thườn thượn và nói: - Thôi cũng được, không sao cả. Do thái thì Do thái. Chúng tôi không chê… Dù sao thêm một người cũng là đông hơn một chút. Nhưng anh có biết cưỡi ngựa không? Không biết à? Tập thì sẽ biết? Đầu tiên chúng tôi sẽ phát cho anh một con ngựa cái dễ cưỡi một chút, rồi anh sẽ cưỡi được. Anh hãy lại chỗ Trumakov, ông ấy sẽ phân cho anh về đơn vị. Chỉ vài phút sau Trumakov đã phi ngựa tới chỗ Fomin. Hắn tức như điên: - Anh đã biến thành một thằng dở hơi hay muốn giở trò đùa đấy hử? - Hắn ghìm ngựa, quát lên. - Anh tống một thằng Do thái đến chỗ tôi làm cái quái gì thế? Tôi không nhận đâu? Hãy tống cố mẹ nó đi đâu thì đi! - Cậu cứ nhận lấy, cứ nhận lấy nó, dù sao cũng làm tăng quân số. - Fomin nói giọng thản nhiên. Nhưng Trumakov gầm lên, sùi cả bọt mép: - Tôi không nhận! Tôi sẽ giết nó, chứ không nhận đâu! Bọn Cô-dắc đã làm ầm lên rồi kia kìa, anh hãy ra mà lấy lại trật tự cho chúng nó! Trong lúc hai tên còn đang tranh cãi giằng co với nhau, thì bên cạnh chiếc xe bốn bánh chở đồ, thằng thanh niên Do thái đã bị lột mất cái áo sơ-mi thêu và chiếc quần nỉ ống loe. Một gã Cô-dắc vừa ướm thử chiếc sơ-mi vừa nói: - Kia kìa, mày có trông thấy bên ngoài thôn có bụi ngải cứu già kia không? Mày hãy quàng chân lên cổ chạy ra đấy và nằm xuống. Mày sẽ nằm đấy cho đến khi chúng ông rời khỏi chỗ nầy. Chúng ông đi rồi thì mày sẽ được đứng dậy và xéo đi đâu thì xéo. Đừng bao giờ vác mặt đến chỗ chúng ông nữa, chúng ông thì giết. Cút ngay về Rostov với mẹ thì tốt hơn. Đánh đấm không phải là việc của bọn Do thái chúng mày. Đức Chúa trời chỉ dạy chúng mầy buôn bán chứ chưa dạy chúng mầy đánh nhau. Không có chúng mầy, tự chúng ông cũng làm xong mọi việc, cũng sẽ gỡ xong cái mớ bòng bong nầy. Thằng Do thái không được nhận, nhưng ngay hôm ấy trong những tiếng cười và những lời pha trò, bọn thổ phỉ đã ghép thằng dở người Pasa nổi tiếng khắp các thôn của trấn Vosenskaia vào quân số của trung đội hai. Bọn chúng bắt được nó trên đồng cỏ bèn giải về thôn rồi long trọng mặc cho nó tất cả những thứ lột trên xác một chiến sỹ Hồng quân bị giết, lại còn bày cho nó cách bắn súng trường và dạy nó rất lâu cách sử dụng thanh gươm. Grigori đang đi tới chỗ hai con ngựa của chàng buộc ở cọc buộc ngựa thì thấy ngay cạnh đấy có một đám xúm đông xúm đỏ bèn bước tới. Những tiếng cười rộ lên từng đợt bắt chàng phải rảo bước, nhưng khi tất cả đã lặng đi, chàng nghe thấy cái giọng căn dặn cặn kẽ, từ tốn của không biết tên nào: - Không phải như thế đâu, Pasa ạ! Ai lại chém như thế? Bổ củi thì có thể làm như thế được, chứ chém người thì không thế được đâu. Phải làm như thế nầy nầy, đã hiểu chưa? Hễ cậu tóm cổ được đứa nào thì phải lập tức ra lệnh cho nó quì xuống, vì để nó đứng mà chém thì không tiện… Khi nó đã quì xuống rồi, cậu sẽ đứng sau lưng nó mà chém vào cổ nó như thế nầy nầy. Cố đừng chém thẳng, mà phải giật một cái về phía mình, để lưỡi gươm chếch xuống. Giữa những tên thổ phỉ vây vòng trong vòng ngoài, thằng dở người đứng thẳng đườn đưỡn, hai tay nắm khư khư cái cán thanh gươm tuốt trần. Nó mỉm cười nghe những lời chỉ bảo của gã Cô-dắc, cặp mắt xám hum húp nheo lại sung sướng. Hai bên mép nó sủi trắng như mõm ngựa, nước rớt nước rãi chảy ròng ròng từ bộ râu đỏ như màu đồng xuống ngực nó… Nó liếm cặp môi nhớp nhúa rồi chít chớt nói ngọng nghịu: - Tôi hiểu hết rồi, người anh em thân mến ạ, hiểu tất cả rồi… Tôi sẽ làm đúng như thế… Tôi sẽ bắt thằng nô lệ của Thượng đế quì xuống rồi thiến cổ nó đi… tức là sẽ thiến cổ nó đi! Các anh đã cho tôi nào quần, nào áo sơ-mi, nào ủng. Nhưng tôi cần có áo bành-tô… Nếu các anh cho tôi một cái áo bành-tô, tôi sẽ làm vừa ý các anh! Tôi sẽ đem hết sức phục vụ! - Cậu hãy khử một thằng chính uỷ nào đó rồi sẽ có áo bành-tô. Nhưng bây giờ cậu hãy kể chuyện năm ngoái người ta lấy vợ cho cậu như thế nào đã. - Một gã Cô-dắc bảo nó. Một vẻ hoảng hốt như của loài thú vật bỗng hiện lên trong cặp mắt của chàng dở hơi, hai con mắt mở trừng trừng như phủ một lớp màng vẩn đục. Nó văng tục một thôi một hồi rồi bắt đầu nói không biết những gì giữa tiếng cười rộ của cả bọn. Tất cả cái cảnh tượng ấy đáng tởm đến nỗi Grigori run lên, vội vã bỏ đi. "Mình đã đem vận mệnh của mình gắn liền với những thằng như thế nầy đây!" - Chàng nghĩ thầm, trong lòng tràn ngập một nỗi buồn bực, đau khổ và phẫn uất với chính mình, đối với toàn bộ cuộc sống ô nhục nầy… Chàng nằm xuống bên cạnh những cái cọc buộc ngựa, cố tránh không muốn nghe những tiếng kêu của thằng ngớ ngẩn và tiếng cười ầm ĩ của bọn Cô-dắc. "Ngày mai mình sẽ bỏ đi. Đã đến lúc rồi?" - Chàng vừa quyết định như thế vừa ngắm hai con ngựa béo tốt, đã hoàn toàn lại sức của mình. Chàng chuẩn bị rời bỏ bày thổ phỉ một cách tỉ mỉ, có tính toán kỹ càng. Trên xác một người dân cảnh bị chém chết, chàng lấy được những tờ giấy chứng minh mang cái tên là Usakov rồi đem khâu vào trong lần lót áo ca-pốt. Từ hai tuần trước chàng đã bắt đầu sửa soạn cho hai con ngựa chạy được một chặng ngắn hết sức nhanh. Chàng cho chúng uống nước đúng giờ, tắm chải cho chúng cẩn thận hơn cả hồi đi lính trong quân đội thường trực, và hễ đến chỗ nghỉ đêm là dùng đủ mọi cách chính đáng cũng như không chính đáng để kiếm cho ra thóc. Vì thế cặp ngựa của chàng nom đẹp hơn tất cả những con khác, đặc biệt là con ngựa xám đốm tròn giống Tavria. Toàn thân nó bóng nhẫy, lông nó nhoáng lên dưới nắng như thứ bạc đen của vùng Kavkaz. Cưỡi những con ngựa như thế nầy thì có thể can đảm tháo chạy trước mọi cuộc truy bắt. Grigori đứng dậy bước tới căn nhà gần đấy. Chàng lễ phép hỏi bà già ngồi trên ngưỡng cửa nhà thóc. - Cụ có cái hái không thưa cụ? - Cũng có đấy. Nhưng ôn dịch nào biết được nó ở đâu rồi. Nhưng anh hỏi làm gì thế? - Cháu muốn cắt ít cỏ trong vườn quả nhà cụ cho hai con ngựa. Có được không cụ? Bà già ngẫm nghĩ một lát rồi nói: - Thế bao giờ các anh mới thôi không ngồi lên đầu lên cổ chúng tôi nữa? Lúc thì đòi cái nầy, lúc thì đòi cái kia… Bọn nầy kéo đến đòi thóc, bọn kia kéo đến lại vơ vét tất cả những thứ gì nhòm ngó thấy. Tôi không cho anh mượn cái hái đâu! Anh muốn thế nào thì muốn, chứ tôi không cho mượn đâu. - Sao lại thế, bà cụ của Thượng đế chỉ có ít cỏ mà cụ cũng tiếc hay sao? - Thế chẳng nhẽ theo anh thì cỏ nó từ chỗ vô thiên vô địa mọc lên đấy chắc? Rồi tôi sẽ lấy gì cho bò ăn bây giờ? - Trên đồng cỏ thì thiếu gì cỏ? - Vậy thì anh cứ ra ngoài ấy mà lấy con chim ưng nầy. Ngoài đồng cỏ nhiều lắm. Grigori nói giọng bực bội: - Bà cụ ạ, tốt nhất cụ hãy cho tôi mượn cái hái thì hơn. Tôi chỉ cắt một ít thôi, còn thì để cho cụ, nếu không tôi mà cho mấy con ngựa vào thì chúng nó sẽ dẫm nát hết cho mà xem? Bà già nhìn Grigori với ánh mắt rất gay gắt rồi quay đi. - Anh tự vào trong ấy mà lấy, hình như dưới nhà kho ấy. Grigori xuống nhà kho tìm thấy dưới mái hiên một cái hái cũ đã hoen rỉ và đến khi qua chỗ bà lão ngồi, chàng nghe rất rõ thấy cụ nói: "Cái bọn đáng nguyền rủa, sao chúng mày chẳng chết tử chết tiệt cả đi!". Grigori vẫn chưa quen với những chuyện như thế nầy. Từ lâu chàng đã nhận thấy rằng dân chúng các thôn đón tiếp bầy thổ phỉ của chàng với tinh thần như thế nào: "Kể ra họ nghĩ cũng đúng. - Chàng vừa nghĩ thầm vừa vung cái hái rất cẩn thận, cố cắt thật gọn không để sót chỗ nào. - Họ cấn đến bọn mình làm quái gì? Chẳng có ai cần đến bọn mình. Bọn mình quấy nhiễu tất cả mọi người, không để cho họ yên ổn sinh sống làm ăn. Phải chấm dứt cái trò nầy thôi, đủ lắm rồi!" Đầu óc chìm trong những ý nghĩ của mình, chàng đứng bên cạnh hai con ngựa, nhìn chúng đưa những cặp môi đen mịn như nhung ngốn lấy ngốn để những nắm cỏ non mịn màng. Một giọng trầm trầm đang vỡ tiếng của một thằng chưa thành niên bỗng kéo chàng ra khỏi những phút trầm ngâm. - Con ngựa đẹp ra đẹp, thật y như con thiên nga! Grigori nhìn về phía có tiếng nói. Một thằng Cô-dắc còn trẻ. Dân Alekseevkaia vừa đi theo bầy thổ phỉ chưa được bao lâu đang ngắm con ngựa xám, đầu lắc lắc một cách thán phục. Nó chặc chặc lưỡi đi quanh con ngựa như bị lấy hết hồn vía. - Của bác đấy à? - Nhưng việc gì đến mày? - Grigori trả lời một cách thô bạo. - Bác đổi cho cháu nhé! Cháu có một con hạt dẻ, thuần giống sông Đông. Vật chướng ngại nào nó cũng vượt qua được, mà chạy thì rất nhanh, nhanh ra nhanh! Cứ như tia chớp ấy. - Cút mẹ mày đi! - Gìọng Grigori lạnh như tiền. Thằng kia nín lặng một lát, thở dài đau khổ ra ngồi gần đấy. Nó ngắm con ngựa xám rất lâu rồi nói: - Con ngựa của bác thở to quá. Nghe cứ vương vướng thế nào đấy. Grigori lặng thinh cầm một cuộng cỏ xỉa răng. Chàng bắt đầu thấy thích thằng thiếu niên ngây thơ nầy. - Bác không muốn đổi hả bác? - Nó nhìn Grigori bằng cặp mắt van lơn, khẽ hỏi. - Không đổi đâu. Đem cả mày ra cược thêm tao cũng không đổi. - Nhưng bác kiếm đâu ra con ngựa nầy thế? - Tự tao làm ra nó đấy. - Không, nhất định không phải thế! - Tất cả mọi thứ đều chui từ cái cửa ấy ra hết: ngựa mẹ lại đẻ ra ngựa con. - Tự nhiên lại thừa hơi nói chuyện với một thằng ngu xuẩn như thế nầy. - Thằng thiếu niên bực mình bỏ đi chỗ khác. Cái thôn nằm dài trước mặt Grigori, vắng ngắt và như đã chết rét. Ngoài bọn lâu la của Fomin, bốn bề chẳng thấy một ma nào. Chiếc xe bò nằm chỏng gọng trong ngõ, cái bệ bổ củi giữa sân với chiếc rìu cắm vội trên đó và vài tấm ván đẽo dở nằm dài bên cạnh, vài con bò mộng không có người chăn lười nhác rứt những đám cỏ thấp lè tè mọc giữa đường phố, chiếc thùng lật ngược bên cạnh khung thành giếng, tất cả đều nói lên rằng cuộc sống hoà bình trong thôn đang trôi như một dòng nước thì bất thần bị phá rối và những người chủ nhà đã vứt bỏ công việc đang làm dở để lẩn trốn vào nơi nào đó. Cái cảnh thê lương nầy, Grigori đã từng thấy hồi các trung đoàn Cô-dắc tiến qua miền Đông Phổ. Nhưng bây giờ chàng lại chứng kiến cái cảnh ấy ngay trên mảnh đất thân yêu… Hồi ấy người dân Đức đã đón tiếp chàng với những cặp mắt âm thầm và căm hờn như thế nào thì dân Cô-dắc vùng thượng lưu sông Đông cũng nhìn chàng với những cặp mắt như thế. Nhớ lại chuyện vừa nói với bà già, Grigori cởi khuy cổ chiếc áo sơ-mi, buồn rầu đưa mắt nhìn quanh. Và tim chàng lại bị một cơn đau nhói đáng nguyền rủa. Mặt đất bị rang bỏng dưới nắng. Trong ngõ nồng nặc mùi bụi nhạt thếch, mùi tân lê và mùi mồ hôi ngựa. Trong những vườn quả bên cạnh thôn, có tiếng quạ kêu quang quác trên những cây liễu cao đầy những tổ chim lờm xờm. Con sông nhỏ trên đồng cỏ được tiếp nhận những luồng nước nguón ở nơi nào đó trên thượng lưu, từ từ chảy qua thôn, cắt cái thôn làm hai. Những ngôi nhà Cô-dắc rộng thênh thang như trườn tới hai bên bờ, nhà nào nhà nấy đều có những mảnh vườn rậm rạp với những cây anh đào che các cửa sổ, những cây táo cành đâm ngang dọc, vươn lên ánh sáng những đám lá xanh rờn và lớp quả non mới nhú. Grigori đưa cặp mắt như phủ một lớp mù nhìn cái sân mọc đầy cỏ dại loăn xoăn, căn nhà mái rơm với những cửa chớp sơn vàng, cái cần kéo nước giếng cao ngất… Bên cạnh sân đập lúa có một cái sọ ngựa cắm trên cái cọc của dãy hàng rào cũ. Cái sọ được nước mưa rửa trắng bong, với hai hố con mắt sâu hoắm đen ngòm. Một dây bí ngô leo trôn ốc lên đúng cái cọc ấy, cố vươn lên ánh sáng. Dây lá leo lên tới đầu cọc, vươn những cái tay lồm xồm bám vào những chỗ xương lồi ra, vào những cái răng của con ngựa chết, ngọn bí quá dài thòng xuống tìm chỗ bám và vươn tới một bụi tuyết cầu mọc ở gần đấy. Tất cả những cái ấy Grigori đã từng nhìn thấy, trong giấc mơ hay hồi còn thơ ấu? Bất thần bị tràn ngập bởi một cơn đau khổ buồn nhớ, chàng phải nằm sấp xuống dưới chân dãy hàng rào, đưa hai tay úp lên mặt và chỉ đứng dậy khi từ xa có tiếng hô kéo dài: "Thắng ngư-ư-ựa!". Đến đêm, trong khi hành quân, chàng ra khỏi hàng, dừng lại như để sửa lại cái yên cho con ngựa. Chàng lắng nghe những tiếng vó ngựa rầm rập xa dần, nhỏ dần rồi nhảy phắt lên yên cho con ngựa phóng nước đại sang bên cạnh con đường. Chàng thúc ngựa chạy một mạch chừng năm vec-xta rồi cho nó chuyển sang bước một, lắng nghe xem phía sau có ai đuổi theo không? Đồng cỏ vẫn lặng tờ. Chỉ có vài con dẽ giun gọi nhau ai oán trên những cồn cát và ở chỗ nào xa lắm, xa lắm vẳng có tiếng chó sủa. Bầu trời đen kịt lấm tấm những ngôi sao nhấp nhánh vàng óng. Trên đồng cỏ chỉ có bầu không khí tĩnh mịch và làn gió nặc mùi ngải cứu hắc hắc thân yêu… Grigori rướn người trên bàn đạp, hít một hơi đầy lồng ngực, nhẹ nhõm cả người…