Dịch giả : Nguyễn Thuỵ Ứng
Chương 216
Phần 8

Đến mùa hè, có chừng ba chục gã Cô-dắc trong số rút lui đã trở về thôn Tatarsky. Phần lớn trong số đó là những người già nua và những tên lính thuộc các khoá lớn tuổi, còn những gã Cô-dắc thanh niên và trung niên thì hầu như hoàn toàn chưa về gã nào, trừ những tên ốm yếu và bị thương. Một phần trong bọn nầy đã đi theo Hồng quân những tên khác thì nằm trong quân số các trung đoàn của Vrăngghen đang ẩn náu ở Krym chuẩn bị một đợt tiến quân khác về vùng sông Đông.
Quá nửa số những tên rút lui đã vĩnh viễn nằm lại trên đồng đất nước người: có tên chết vì mắc bệnh thương hàn, có tên bỏ mạng trong những trận giáp lá cà cuối cùng ở vùng Kuban, một số bị bỏ rơi sau đoàn xe vận tải và chết cóng trên đồng cỏ bên kia sông Manyt, hai tên bị du kích theo Hồng quân bắt làm tù binh đến nay vẫn biệt tích… Thôn Tatarsky vắng mặt rất nhiều tên Cô-dắc. Đàn bà trong thôn sống những ngày căng thẳng và lo lắng đợi chờ. Mỗi lần ra bãi chăn nuôi chung của thôn nhận bò về, họ thường đứng lại rất lâu, đưa tay lên che mắt nhìn ra xa xem có người khách bộ hành muộn màng nào đang đi trên con đường chìm trong làn sương chiều tím ngắt không?
Người nào về đến nhà cũng quần áo lam lũ, chấy rận như sung, gầy gò hốc hác, nhưng đã bao lâu nay được trông mòn con mắt. Hễ chủ về là trong nhà bấn tinh bấn mù, loạn lên vì sung sướng. Người ta đun nước cho thầy quyền tắm rửa cái thân hình cáu ghét đen sì. Bọn trẻ con tranh nhau săn sóc giúp đỡ bố, rình đoán từng cử chỉ của bố. Chân tay luống cuống vì sung sướng, bà chủ nhà hết ra sắp xếp bàn ăn lại chạy vào lục tung cái rương, cố kiếm cho chồng một bộ quần áo lót sạch. Nhưng thật là tai vạ, các đồ lót vẫn còn chưa vá, mà những ngón tay thì cứ run bần bật chẳng làm thế nào mà xâu được sợi chỉ vào lỗ kim… Trong giờ phút sung sướng ấy, ngay đến con chó giữ nhà cũng được phép vào trong nhà. Từ xa nó đã nhận ra chủ và vừa chạy theo về đến ngưỡng cửa vừa liếm tay chủ. Trẻ con đánh vỡ bát đũa hay đánh đổ sữa không phải đòn và nghịch ngợm như thế nào cũng không bị phạt. Chủ nhà tắm xong chưa kịp mặc quần áo thì cánh đàn bà trong thôn đã kéo đến đầy nhà. Họ đến hỏi han về số phận của những người thân thuộc, họ lo lắng và thèm khát đón nghe từng lời nói của thầy quyền. Rồi chỉ lát sau là có một người đàn bà nào đó bỏ chạy ra sân với hai bàn tay úp lên khuôn mặt đầm đìa nước mắt và đi trong ngõ mà không còn thấy đường lối gì nữa như người mù. Thế rồi từ trong một căn nhà nhỏ sẽ vẳng ra tiếng người đàn bà mới goá bụa kể lể than khóc người chết và tiếng những đứa con nít the thé khóc hoà theo. Tình hình thôn Tatarsky trong những ngày ấy là như thế: niềm vui vào với nhà nầy lại gây ra một nỗi thống khổ khôn nguôi cho nhà khác.
Sáng hôm sau, trời vừa hửng, người chủ nhà trở dậy, râu ria nhẵn nhụi, nom trẻ hẳn ra. Anh ta đi xem khắp một lượt tình trạng nhà cửa, nhẩm tính những việc gì cần phải làm ngay. Bữa sáng vừa ăn xong, anh ta đã bắt tay vào việc. Những tiếng bào soàn soạt hay tiếng rìu đẽo vui vẻ vang ra từ một chỗ nào đó dưới hiên nhà kho, trong bóng mát, tựa như để loan tin rằng có hai bàn tay đàn ông thèm khát công việc và khéo léo đã về với nhà nầy. Còn người ở nơi hôm qua vừa được tin người chồng và người cha đã qua đời thì nhà trên sân dưới đều lặng lẽ âm thầm. Người mẹ bị đè nặng dưới nỗi đau buồn cứ nằm bẹp không nói một lời, còn mấy đứa con côi cút thì rúc vào nhau thành một đống bên cạnh, chỉ qua một đêm mà chúng đã phải trở thành người lớn.
Hễ nghe tin có người nào trong thôn trở về là bà Ilinhitna lại hỏi:
- Không biết bao giờ cái thằng nhà ta mới được về nhỉ? Những thằng nhà khác đã lũ lượt kéo nhau về rồi mà thằng nhà mình vẫn chẳng có tăm hơi gì cả.
- Những tay Cô-dắc còn trẻ thì người ta không cho về đâu, sao mẹ còn chưa hiểu hả mẹ? - Dunhiaska bực mình trả lời bà.
- Người ta không cho về là nghĩa lý thế nào? Thế thằng Tikhol Gerasimov thì sao? Nó còn kém thằng Griska một tuổi đấy.
- Nhưng hắn lại bị thương mẹ ạ!
- Nó thì thương với tật cái gì! - Bà Ilinhitna nói lại - Hôm qua tao gập nó ở gần lò rèn, hai chân nó thẳng như hai sợi dây đàn ấy. Có ai thấy những thằng bị thương như thế bao giờ đâu?
- Hắn có bị thương đấy, nhưng bây giờ còn đang dưỡng bệnh.
- Thế thằng Griska trước kia nó bị thương còn ít phải không? Khắp người nó những sứt cùng sẹo, chẳng nhẽ theo ý mày nó không cần được dưỡng bệnh hay sao?
Dunhiaska cố tìm cách chứng minh cho mẹ thấy rằng bây giờ không thể nào hy vọng Grigori về nhà được, nhưng muốn thuyết phục bà Ilinhitna điều gì thì đâu phải chuyện dễ dàng.
- Thôi câm đi đồ ngu! - Bà ra lệnh cho Dunhiaska. - Tao hiểu biết không kém gì mày đâu, mà mày còn trẻ ranh như thế đã lên mặt dạy mẹ. Tao bảo noó phải về là nhất định sẽ về. Thôi xéo đi, xéo đi, tao không thừa lời mà nói với mày nữa!
Bà già hết sức nóng lòng mong chờ con trai và bất cứ lúc nào bà cũng nhắc tới Grigori. Thằng Misatka không vâng lời bà điều gì là bà lập tức doạ nó ngay: "Mầy cứ chờ đấy, thằng nhãi con đầu bù nầy, bố mầy về tao sẽ mách nó, rồi nó sẽ cho mầy một trận!" Khi thấy một cái xe chạy qua cửa sổ với cái thành xe vừa được thay mới, thế nào bà cũng thở dài và nói: "Cứ nhìn cái mã của chiếc xe cũng biết ngay là chủ nó có nhà. Nhưng thằng nhà mình thì lấy ai chỉ cho nó thấy đường về bây giờ?" Suốt đời bà Ilinhitna không bao giờ thích mùi khói thuốc lá và bao giờ bà cũng tống cổ những anh chàng hút thuốc ra khỏi bếp, nhưng thời gian gần đây về mặt nầy bà đã thay đổi hẳn. Nhiều lần bà đã bảo Dunhiaska: "Mày chạy đi gọi thằng Prokho một cái, để nó sang bên nầy hút điếu thuốc, nếu không ở đây cứ nồng nặc cái mùi người chết. Bao giờ thằng Griska đi lính về nhà ta mới là nơi ở của người sống, mới có mùi Cô-dắc…" Ngày nào trong khi làm thức ăn bà cũng nấu thêm chút ít và sau khi ăn xong bữa trưa bà lại đặt cái nồi gang xúp bắp cải lên lò. Thấy Dunhiaska hỏi bà nấu thêm như thế để làm gì, bà Ilinhitna ngạc nhiên trả lời: "Nhưng không làm thế thì làm thế nào? Chưa biết chừng hôm nay thầy quyền nhà ta sẽ về. Như thế nầy sẽ có những món nóng cho nó ăn ngay, nếu không đến lúc ấy còn phải hâm lại, loay hoay được cái nọ cái kia thì nó đã đói meo mất rồi…" Có lần Dunhiaska ở ngoài vườn dưa về, vào bếp thấy trên cái đinh có treo cái áo khoác cũ lưng chếp nếp và chiếc mũ cát-két vành đã bạc màu của Grigori.
Dunhiaska nhìn mẹ có ý hỏi thì bà cụ mỉm một nụ cười buồn thảm như nhận lỗi và nói: "Dunhiaska ạ, tao lấy hai thứ nầy trong rương ra đấy. Ở ngoài sân vào nhìn thấy cũng có phần nhẹ nhõm trong lòng… Cứ tựa như nó đã về với mẹ con mình rồi"…
Dần dần Dunhiaska cũng khó chịu vì những buổi bà Ilinhitna nói mãi không thôi về Grigori. Một hôm cô gái không nhịn được nữa đã trách mẹ:
- Mẹ ạ, làm thế nào mẹ cứ nói mãi một chuyện mà không biết chán nhỉ? Mẹ đã làm tất cả mọi người bực mình với những câu chuyện của mẹ đấy. Lúc nào nghe mẹ nói cũng hết anh Griska lại anh Griska…
- Nói về thằng con tao đã mang nặng đẻ đau thì làm thế nào mà tao có thể chán được? Mày hãy đẻ lấy vài đứa rồi lúc ấy sẽ biết… - Bà Ilinhitna trả lời rất khẽ.
Sau lần ấy, bà mang cái áo khoác và chiếc mũ cát-két của Grigori từ trong bếp vào nhà trong chỗ mình ở và vài ngày liền không nhắc tới con trai nữa. Nhưng đến hôm sắp phải cắt cỏ ngoài bãi, bà bảo Dunhiaska:
- Mày cứ bực mình vì tao nhắc tới thằng Griska, nhưng nhà ta không có nó thì sống thế nào được? Mày đã nghĩ tới điều đó chưa, con bé ngu ngốc nầy? Sắp đến lúc phải cắt cỏ đến nơi rồi mà cái cào nhà ta cũng chẳng có ai để chữa… Mày xem nhà ta chỗ nào cũng hư hỏng lung tung, mà tao với mày thì chẳng có thể dọn dẹp được gì hết. Không có chủ thì đồ đạc cũng phải khóc…
Dunhiaska không nói gì cả. Cô hiểu rất rõ rằng công việc làm ăn hoàn toàn không làm mẹ mình phải lo lắng đến mức như thế, tất cả các chuyện ấy chỉ được dùng làm cái cớ để bà có thể nhắc tới Grigori cho nhẹ nhõm trong lòng. Rồi bà Ilinhitna lại có một đợt nhớ con trai day dứt hơn mà bà không sao có thề giấu được nữa.
Hôm ấy bà không ăn bữa tối và khi Dunhiaska hỏi bà có khó chịu gì trong người không thì bà miễn cưỡng trả lời:
- Tao già mất rồi… mà trái tim tao thì đang đau khổ vì thằng Griska… Đau khổ đến không còn yêu thích cái gì nứa, mắt chỉ nhìn ra chỗ sáng đã thấy đau…
Nhưng Grigori đã không phải là người về để thu xếp công việc làm ăn trong gia đình Melekhov… Trước hôm cắt cỏ, Miska Kosevoi từ mặt trận trở về thôn. Anh nghỉ đêm ở nhà một người họ xa rồi sáng hôm sau đến nhà Melekhov. Lúc ấy bà Ilinhitna đang làm bép. Người khách gõ cửa một cách lễ phép, nhưng không thấy trả lời, bèn bước vào trong bếp. Anh ngả chiếc mũ cát-két đã tàng của chiến sĩ, mỉm cười chào bà Ilinhitna:
- Cháu chào thím, thím Ilinhitna! Thím không ngờ cháu về à?
- Chào anh. Nhưng anh là thế nào với tôi mà tôi ngờ với không ngờ anh về! Nhà anh có họ hàng thúc bá gì với nhà tôi đâu? - Bà Ilinhitna nhìn một cách phẫn nộ vào mặt Miska, khuôn mặt đầy căm ghét rồi trả lời thô bạo.
Sự đón tiếp như thế không hề làm Miska bối rối. Anh nói:
- Tuy không họ hàng thúc bá… Nhưng dù sao cũng là chỗ quen biết cũ.
- Chỉ có thế thôi.
- Mà cháu cũng chẳng cần gì hơn, cháu chỉ qua thăm thím một lát thôi. Cháu không đến ở lại nhà thím đâu.
- Như thế cũng đủ tai vạ rồi. - Bà Ilinhitna nói rồi không nhìn ngó tới người khách nữa, lại lúi húi nấu nướng.
Miska không để ý tới những lời bà nói, cứ chăm chú nhìn quanh căn bếp rồi nói:
- Cháu sang thăm để xem nhà ta dạo nầy sinh sống như thế nào… Đã hơn năm nay không được gặp rồi.
- Nhưng tôi cũng không nhớ anh lắm đâu. - Bà Ilinhitna làu bàu rồi giận dữ xê dịch những cái nồi gang đặt trên đống tro nóng trong lò
Dunhiaska đang dọn dẹp ở nhà trong. Nghe tiếng Miska nói, cô tái mặt, vỗ hai tay vào nhau đánh đét một cái nhưng không nói gì cả. Cô ngồi xuống ghế dài, không động đậy, lắng nghe những lời trao đổi trong bếp. Hai bên má Dunhiaska lúc thì đỏ bừng lên, lúc thì nhợt ra đến nỗi thấy được cả những gạch trăng trắng dọc theo sống mũi thanh thanh. Cô nghe thấy Miska đi những bước rắn rỏi trong bếp, ngồi xuống chiếc ghế dựa kêu cọt kẹt dưới sức nặng của anh rồi quẹt diêm. Khói thuốc lá xông cả vào nhà trong.
- Nghe nói ông già mất rồi có phải không thím?
- Mất rồi.
- Thế còn Grigori?
Bà Ilinhitna nín lặng giờ lâu rồi trả lời một cách rõ ràng miễn cưỡng:
- Nó đi lính cho Hồng quân. Cũng đính cái ngôi sao đỏ trên mũ như anh ấy.
- Grigori đáng là phải đeo nó từ lâu rồi…
- Đó là việc của nó.
Giọng noi của Miska lộ rõ vẻ lo lắng khi anh hỏi:
- Thế còn cô Evdokia Pantelevna?
- Nó còn đang dọn dẹp. Khách đến như anh thì quá sớm đấy. Những người đứng đắn mới sáng bảnh mắt không đến nhà người ta đâu!
- Thế thì là người không đứng đắn vậy. Cháu nhớ quá nên mới phải đến. Việc gì còn phải chọn giờ nào nữa?
- Ồ thôi, anh Miska, anh đừng bực mình với tôi…
- Nhưng có gì mà cháu bực mình với thím?
- Về chuyện ấy đấy.
- Nhưng chuyện gì cơ chứ?
- Về những lời vừa mới nói ấy.
Dunhiaska nghe thấy Miska thở dài nặng nề. Cô không nhịn được nữa, bèn đứng phắt dậy, sửa lại váy, bước vào trong bếp. Miska đang ngồi bên cửa sổ hút nốt điếu thuốc, mặt vàng ệch, hốc hác đến không nhận ra được nữa. Vừa nhìn thấy Dunhiaska, cặp mắt mờ đục của anh linh hoạt hẳn lên và mặt anh hơi ửng đỏ. Anh vội vã đứng dậy, nói giọng khàn hẳn đi:
- Ô, chào cô!
- Chào anh… - Dunhiaska trả lời rất khẽ, chỉ hơi có thể nghe thấy.
- Mày ra gánh nước đi. - Bà Ilinhitna liếc nhanh mắt nhìn con gái và lập tức ra lệnh.
Miska kiên nhẫn chờ Dunhiaska trở về. Bà Ilinhitna chẳng nói chẳng rằng. Cả Miska cũng nín thinh. Cuối cùng anh lấy ngón tay bóp tắt mẩu thuốc và hỏi:
- Có gì mà thím căm ghét cháu như thế hả thím? Cháu đi ngáng qua đường thím hay sao?
Bà Ilinhitna quay phắt ra khỏi cái bếp lò như bị ong châm.
- Làm thế nào mà lương tâm còn cho phép anh vác mặt tới nhà tôi nữa, anh thật là trâng tráo không biết nhục! - Bà nói. - Và anh lại còn hỏi tôi nữa à? Anh là một thằng sát nhân…
- Cháu sát nhân cái gì?
- Đích xác là một thằng sát nhân? Thế đứa nào đã giết thằng Petro? Không là anh thì là đứa nào?
- Đúng cháu đấy.
- Đấy nhé! Vậy thì sau việc đó anh là một thằng như thế nào hả? Thế mà anh còn vác mặt đến nhà tôi… ngồi chễm chệ, làm cứ như… - Bà Ilinhitna tức thở, phải lặng đi một lát, nhưng bà trấn tĩnh lại được và nói tiếp; - Tôi có phải là mẹ nó không hử? Sao mà anh còn dám giương mắt lên nhìn tôi nữa?
Mặt Miska tái hẳn đi. Vốn là anh đã chờ nghe những lời thế nầy.
Giọng hơi lắp bắp vì cảm động, anh nói:
- Hai con mắt cháu không có gì phải nheo lại! Nhưng nếu thằng Petro bắt được cháu thì nó sẽ làm gì? Thím tưởng nó sẽ ôm lấy đầu cháu mà hôn phải không? Nó cũng phải giết cháu thôi. Chúng cháu đến chạm trán với nhau trên những ngọn gò ấy đâu phải là để nựng nịu vuốt ve nhau! Chính vì thế chiến tranh mới là chiến tranh đấy.
- Thế còn cụ thông gia Korsunov của nhà nầy? Giết một ông già hiền lành an phận, như thế cũng là chiến tranh à?
- Không chiến tranh thì còn là gì nữa? - Miska ngạc nhiên. - Tất nhiên là chiến tranh rồi! Cháu đã biết chán những thằng hiền lành an phận như thế! Cái thằng hiền lành an phận ấy chỉ ngồi lì ở nhà, hai tay giữ cho quần khỏi tụt xuống, nhưng nó còn gây ra nhiều điều tai hại hơn cả những đứa ở ngoài mặt trận đấy… Chính những thằng như lão già Grisaka đã xúi giục bọn Cô-dắc chống lại chúng cháu. Chính vì chúng nó nên mới nổ ra tất cả cuộc chiến tranh nầy đấy? Thử hỏi những đứa nào đã tung ra những lời vận động chống lại chúng cháu? Chính chúng nó, những đứa hiền lành an phận đấy. Thế mà thím lại bảo là "đồ sát nhân"… Đúng là thím đã kiếm được một thằng sát nhân lạ lùng! Xưa nay cháu không dám cắt tiết một con cừu non hay con lợn sữa, và bây giờ cháu biết rằng cháu sẽ không bao giờ cắt tiết đâu. Thường khi người khác giết, cháu cứ phải bịt tai bỏ đi chỗ nào khác thật xa để khỏi phải nghe thấy, khỏi phải trông thấy.
- Thế còn cụ thông gia nhà nầy…
- Thím cứ để cho cái cụ thông gia ấy ám ảnh thím mãi làm gì? - Miska ngắt lời bà, giọng bực bội. - Cái lợi mà lão đem lại cho người ta thì cũng như sữa của một con dê đực thôi, còn cái hại thì không tính được hết đâu. Cháu đã bảo lão ra khỏi nhà đi, nhưng lão không ra, đã thế thì cứ cho lão nằm yên ở đấy. Cháu căm gan tím ruột vì chúng nó, vì những con quỉ già ấy? Giống vật thì cháu không thể nào giết được, nhưng xin lỗi thím, những của bẩn thỉu như lão thông gia nhà thím hay những kẻ thù nào khác thì đến bao nhiêu cháu cũng có thể giết được! Đối với chúng nó, đối với kẻ thù, những đứa không cần để sống trên đời nầy làm gì thì bàn tay cháu cứng rắn lắm đấy!
- Chính vì cứng rắn như thế cho nên anh mới khô quắt đi như thế nầy đấy? - Bà Ilinhitna nói bằng một giọng cay độc. - Hay là lương tâm cũng có cắn rứt.
- Không phải thế đâu? - Miska mỉm một nụ cười hồn hậu. - Lương tâm cháu nó không cắn rứt vì cái của vứt đi như lão già ấy đâu. Con bị cái bệnh sốt rét ấy nó làm tình làm tội nên mới gầy rộc đi như thế nầy, nếu không thì mẹ ạ, con sẽ đem chúng nó…
- Tôi mẹ con gì với anh hử? - Bà Ilinhitna phát khùng lên. - Anh hãy đi kiếm con chó cái mà gọi bằng mẹ!
- Thôi thím đừng nặng lời với cháu! - Giọng Miska khàn khàn hẳn đi, hai con mắt anh nheo lại như báo trước một điều chẳng lành. - Cháu không dám nói trước rằng tất cả những điều thím nói cháu đều nhịn được hết đâu. Nhưng thím ạ, cháu chỉ nói rõ cho thím biết là thím đừng để dạ với cháu về chuyện Petro làm gì. Chính nó đã tự tìm thấy cái mà nó đi kiếm đấy.
- Anh là thằng gỉết người! Quân giết người! Xéo ngay khỏi nhà nầy đi, tôi không thể nhìn anh được nữa rồi! - Bà Ilinhitna nhắc đi nhắc lại giọng kiên quyết.
Miska lại châm thuốc hút và hỏi rất bình tĩnh.
- Thế thằng Mitka Korsunov, cũng là thông gia của nhà thím đấy nó không phải là một thằng giết người à? Và thằng Grigori nữa thì là đứa thế nào? Thằng con trai của thím, thím không đả động tới nó, nhưng nó lại là một thằng sát nhân chính cống, không hơn không kém!
- Đừng có nói láo!
- Cháu có nói láo bao giờ đâu. Thế theo ý thím, nó là một thằng như thế nào? Nó đã giết bao nhiêu anh em chúng cháu, chuyện ấy thím có biết không? Đúng như thế đấy! Thím ạ, nếu thím đem cái tên ấy đi gọi tất cả những thằng đã từng có mặt trong chiến tranh thì tất cả chúng cháu đều là những thằng sát nhân hết. Tất cả vấn đề chỉ là chỗ giết người để làm gì và giết ai mà thôi. -Miska nói một cách thâm thuý.
Bà Ilinhitna không trả lời gì cả, nhưng thấy khách còn chưa muốn về bà bèn nói gay gắt:
- Thôi đủ rồi! Tôi không có đâu thì giờ mà nói chuyện với anh, anh về nhà đi thì hơn.
- Nhà của cháu thì cũng như hang con thỏ ấy. -Miska cười nhạt và đứng dậy.
Dùng tất cả các thái độ và lời nói như thế để đuổi Miska khuất mắt mình thì đâu có thể được! Miska nầy đâu phải là một kẻ dễ chạnh lòng đến mức chú ý tới những lời nhục mạ của bà già đang tức điên. Anh biết rằng Dunhiaska yêu mình, và ngoài điều đó ra, kể cả bà già, anh đều chẳng coi ra gì.
Sáng hôm sau anh lại đến nhà, chào hỏi như chưa hề có chuyện gì xảy ra, rồi đến ngồi bên cạnh cửa sổ và đưa mắt nhìn theo từng cử chỉ, cử động của Dunhiaska.
- Anh sang thăm nhiều quá đấy… - Bà Ilinhitna nói kháy mà không trả lời câu chào của Miska.
Mặt Dunhiaska đỏ bừng lên, cô ngước cặp mắt cháy rực nhìn mẹ, rồi lại hạ mí mắt xuống, không hé răng nửa lời. Miska cười nhạt trả lời:
- Cháu không đến thăm thím đâu, thím Ilinhitna ạ, thím đừng nóng làm gì.
- Tốt nhất là anh hãy quên hẳn con đường đến nhà chúng tôi đi.
- Nếu vậy thì cháu đi đâu bây giờ? - Miska hỏi giọng nghiêm hẳn lại. Nhờ ơn thằng Mitka con trai lão thông gia nhà thím, cháu chỉ còn một thân một mình, hệt như con mắt của một thằng chột ấy. Mà bảo cháu ngồi lì trong căn nhà trống huếch trống hoác như con sói độc thì không được đâu. Thím ạ, dù thím muốn hay không muốn, cháu vẫn sẽ sang nhà thím đấy. - Anh chàng nói xong lại dạng rộng hai chân, ngồi thoải mái hơn.
Bà Ilinhitna chăm chú nhìn Miska. Phải hạng người như thế nầy thì có lẽ không dễ dàng tống tiễn được đâu. Trong toàn bộ cái thân hình gù gù của Miska, cũng như trong cái đầu cui cúi và cặp môi mím chặt của anh đều lộ rõ cái bướng bỉnh của con bò mộng…
Miska di rồi, bà Ilinhitna dắt hai đứa trẻ ra sân rồi bảo Dunhiaska:
- Mày bảo nó đừng đặt chân vào nhà nầy nữa. Mày hiểu chưa?
Dunhiaska nhìn mẹ không chớp. Trong khoảnh khắc, một cái gì đó rất là đặc biệt của dòng họ Melekhov bỗng hiện ra trong hai con mắt nheo nheo đầy vẻ tức tối của cô gái khi cô nói tựa như dằn từng tiếng:
- Không! Anh ấy sẽ còn đến! Mẹ đừng ngăn cấm làm gì! Anh ấy sẽ còn đến đấy! - Nói xong cô không chịu được nữa, bèn kéo chiếc tạp dề lên che mặt và vùng chạy vào phòng ngoài.
Bà Ilinhitna thở dài nặng nề, ngồi xuống bên cửa sổ. Bà nín lặng lắc lắc đầu ngồi yên rất lâu, mắt đăm đăm nhìn ra một chỗ nào đó rất xa trên đồng cỏ, nơi dải ngải cứu non sáng lên như bạc dưới nắng nằm ngăn đất với trời.
Lúc sắp hoàng hôn, Dunhiaska cùng mẹ ra mảnh vườn rau ven sông Đông dựng lại dãy hàng rào đã đổ dụi. Hai mẹ con vẫn chưa làm lành với nhau và đều nín thinh. Miska bước tới. Anh lặng lẽ cầm lấy cái xẻng trong tay Dunhiaska rồi nói:
- Em đào nông quá. Gió thổi một cái là dãy hàng rào nhà ta lại đổ thôi. - Và anh bắt đầu đào sâu thêm những cái hố chôn cọc, giúp Dunhiaska dựng lại hàng rào, buộc hàng rào vào những cái cọc rồi bỏ đi.
Sáng hôm sau anh mang hai cái cào nhỏ và một cái cán chàng nạng vừa bào xong đến đặt bên thềm nhà Melekhov. Anh chào bà Ilinhitna rồi hỏi ra vẻ rất thạo việc:
- Nhà ta có định đi cắt cỏ ngoài bãi không? Bà con đã sang bên kia sông rồi đấy.
Bà Ilinhitna cứ ngậm tăm. Dunhiaska trả lời thay mẹ:
- Nhà em có cái gì để sang sông đâu. Có cái thuyền thì đã để nằm dưới mái nhà kho từ mùa thu, nứt nẻ hết rồi.
- Đáng là phải ngâm nó xuống nước từ mùa xuân mới phải, - Miska nói giọng như trách móc. - Hay ta lấy gai ken nó lại? Không có thuyền thì nhà ta sẽ chẳng làm gì được đâu.
Dunhiaska nhìn mẹ, ngoan ngoãn và có vẻ chờ đợi. Bà Ilinhitna vẫn nín thinh nhào bột và làm như tất cả những chuyện ấy đều không có gì dính dáng đến mình.
- Nhà ta có gai không? - Miska hỏi, với nụ cười chỉ hơi có thể nhận thấy.
Dunhiaska chạy vào nhà kho, đem ra một ôm xơ gai.
Sắp đến bữa trưa thì Miska chữa xong chiếc thuyền. Anh bước vào nhà bếp.
- Chà, tôi đã kéo chiếc thuyền xuống nước rồi đấy, cứ để thấm nước cho kỹ. Ở nhà nhớ buộc nó vào một cái cọc, kẻo có đứa nào lấy đi mất. - Rồi anh lại hỏi - Còn việc đi cắt cỏ thì thế nào hả thím? Có lẽ cháu cũng giúp cho nhà ta được chứ? Hiện giờ cháu vẫn còn rỗi.
- Anh hỏi nó ấy. - Bà Ilinhitna hất đầu về phía Dunhiaska.
- Cháu hỏi bà chủ nhà cơ.
- Xem ra ở đây tôi không phải là người làm chủ đâu…
Dunhiaska khóc oà lên, chạy vào nhà trong.
- Thế thì cháu phải giúp mới được. - Miska è è trong họng, nói cương quyết. - Đồ làm mộc nhà ta để đâu thế? Cháu muốn làm cho thím mấy cái cào to, có lẽ những cái cũ chẳng còn được tích sự gì nữa rồi.
Anh bỏ xuống nhà kho rồi vừa huýt sáo vừa bắt đầu bào những cái răng cào. Thằng bé Misatka cứ luẩn quẩn bên cạnh anh, nó nhìn vào mắt anh một cách van lơn, rồi xin:
- Chú Miska ơi, chú làm cho cháu một cái cào bé tí xíu nhé, nếu không chẳng có ai làm cho cháu cả. Bà không biết làm mà cô cũng không biết làm… Chỉ một mình chú biết làm thôi, chú làm khéo lắm!
- Cái thằng cùng tên với chú nầy, rồi chú sẽ làm, thật đấy, rồi chú sẽ làm cho, nhưng cháu phải đứng xa ra một chút, kẻo lại bị vỏ bào bắn vào mắt đấy. - Miska dỗ nó. Anh vừa cười vừa ngạc nhiên nghĩ thầm: "Chà cái thằng quỉ con nầy, sao mà nó giống hệt… hệt như bố nó ấy! Cả hai con mắt lẫn lông mày, mà môi trên cũng cong lên như thế… Thật là kỳ quặc! "
Anh đã bắt đầu lúi húi làm một cái cào nhỏ xíu cho trẻ con chơi, nhưng không làm xong được: môi anh bỗng xám ngoét đi, trên khuôn mặt vàng ệch hiện lên một vẻ vừa tức tối lại vừa yên phận chịu đựng. Anh cảm thấy ớn lạnh rùng cả vai, bèn thôi không huýt sáo nữa và bỏ con dao xuống.
- Cháu Misatka con bố Grigori, thằng bé trùng tên với chú nầy, cháu mang ra cho chú miếng vải gai để chú nằm một lát. - Anh nhờ thằng bé.
- Nhưng để làm gì cơ chứ? Thằng Misatka tò mò hỏi.
- Chú sắp ốm rồi.
- Sao vậy?
- Chà, cháu bám dai ghê thật, đúng là một quả ké… Hừ, chú đang đến lúc phải ốm rồi, có thế thôi! Cháu mang ra đây mau lên!
- Thế còn cái cào của cháu?
- Chú sẽ làm sau.
Người Miska run bắn lên. Hai hàm răng thi nhau tranh trưởng, anh nằm lên tấm vải gai mà thằng Misatka vừa mang ra, rồi anh bỏ chiếc mũ cát-két xuống, úp lên mặt.
- Thế là chú bắt đầu ốm rồi à? - Thằng Misatka hỏi, giọng đau khổ.
- Đúng đấy, bắt đầu ốm rồi.
- Nhưng tại sao chú run lên như thế?
- Cái bệnh sốt rét nó đang lắc chú đấy.
- Nhưng tại sao răng chú lại đập vào nhau lách cách như thế?
Chỉ bằng một con mắt ngước lên bên dưới vành mũ, Miska nhìn thằng bé hay quấy rầy trùng tên với mình, anh khẽ mỉm cười và thôi không trả lời những câu hỏi của nó nữa. Thằng Misatka hoảng sợ nhìn anh rồi chạy vào trong nhà.
- Bà ơi bà! Chú Miska phải nằm dưới nhà kho, chú ấy run ghê quá, run ghê quá, run đến nẩy bần bật lên ấy!
Bà Ilinhitna ra cửa sổ nhìn xem rồi bước tới bên cái bàn và đứng lặng đi rất lâu, không biết bà đang nghĩ gì.
- Sao bà chẳng nói gì thế bà? - Thằng Misatka kéo tay áo bà nó, hỏi có vẻ sốt ruột.
Bà Ilinhitna quay lại nhìn nó rồi quyết định:
- Cháu yêu của bà, cháu mang cái chăn ra cho nó, cho cái thằng phản Chúa ấy nó đáp. Nó đang bị cái bệnh sốt rét nó hành đấy, có cái bệnh như thế đấy. Cháu có mang được cái chăn không? Nói xong bà lại bước tới cửa sổ, nhìn ra sân, nhưng bà vội nói thêm: - Hượm đã, hượm đã! Cháu đừng mang nữa, không cần nữa rồi.
Dunhiaska đang lấy cái áo choàng lông cừu của cô đắp cho Miska và cúi xuống nói với anh không biết những gì.
Sau cơn sốt rét, Miska lại chúi vào chuẩn bị việc cắt cỏ cho đến sẩm tối. Anh đã yếu đi nhiều, các cử động đều trở nên uể oải và chập chững, nhưng anh vẫn làm xong một cái cào nhỏ cho thằng Misatka.
Đến tối, bà Ilinhitna sửa soạn bữa ăn, cho hai đứa bé ngồi vào bàn, rồi không nhìn Dunhiaska, bà nói:
- Mầy ra gọi nó… gọi cái thằng ấy vào ăn đi.
Miska ngồi vào bàn mà không đưa tay lên trán làm dấu phép, lưng anh gù xuống đầy vẻ mệt mỏi. Khuôn mặt vàng ệch với những vệt mồ hôi bẩn thỉu đã khô cho thấy cả một sự phờ phạc rã rời. Lúc anh đưa muỗng lên miệng thì thấy tay anh run run. Anh ăn rất ít, rất miễn cưỡng, thỉnh thoảng lại lãnh đạm đưa mắt nhìn những người ngồi chung quanh bàn. Nhưng bà Ilinhitna ngạc nhiên nhận thấy rằng hai con mắt đờ đẫn của "tên sát nhân" bỗng trở nên ấm áp và linh hoạt khi nó nhìn thằng bé Misatka. Những tia thích thú và âu yếm bừng lên một giây trong cặp mắt ấy rồi lại tắt ngay nhưng hai bên mép vẫn còn lưu rất lâu một nét cười chỉ hơi thoáng hiện. Nhưng sau đó anh lại đưa mắt ra chỗ khác và một vẻ lãnh đạm đờ đẫn lại phủ lên mặt anh như một cái bóng.
Bà Ilinhitna bắt đầu nhìn kỹ Miska một cách kín đáo và mãi lúc nầy bà mới nhận thấy rằng anh gầy rộc đi ghê gớm như thế nào trong thời gian bệnh tật. Hai cái xương bả vai hình bán nguyệt lồi hẳn lên dưới cái áo quân phục cổ chui bụi bám xám xịt. Cặp vai rộng gầy quá nhọn hoắt ra, gù xuống, chỗ lộ hầu mọc đầy những sợi lông màu hung hung cứng như rễ tre nhô ra rất kỳ quặc trên cái cổ ngẳng như cổ con nít. Bà Ilinhitna càng nhìn kỹ cái thân hình gù gù và khuôn mặt vàng ệch như sáp ong của "tên sát nhân" thì trong lòng bà càng có một cảm giác ngượng ngùng bối rối cứ như bị tách làm hai. Và trong trái tim của bà Ilinhitna bỗng trỗi lên một niềm thương hại rất là bất ngờ đối với con người mà bà căm ghét, sự thương hại nhức nhối trong lòng một người mẹ nó chinh phục cả những người đàn bà cứng cỏi nhất. Không đủ sức cưỡng lại tình cảm mới mẻ ấy, bà đẩy cho Miska một cái đĩa đầy sữa và nói:
- Thôi ăn đi, lạy Chúa tôi, ăn nhiều vào! Gầy gì mà gầy hốc gầy hác, trông thấy mà buồn nôn… Cũng đòi làm chú rể?

Truyện SÔNG ĐÔNG ÊM ĐỀM LỜI NGƯỜI DỊCH Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Chương 119 Chương 120 Chương 121 Chương 122 Chương 123 Chương 124 Chương 125 Chương 126 Chương 127 Chương 128 Chương 129 Chương 130 Chương 131 Chương 132 Chương 133 Chương 134 Chương 135 Chương 136 Chương 137 Chương 138 Chương 139 Chương 140 Chương 141 Chương 142 Chương 143 Chương 144 Chương 145 Chương 146 Chương 147 Chương 148 Chương 149 Chương 150 Chương 151 Chương 152 Chương 153 Chương 154 Chương 155 Chương 156 Chương 157 Chương 158 Chương 159 Chương 160 Chương 161 Chương 162 Chương 163 Chương 164 Chương 165 Chương 166 Chương 167 Chương 168 Chương 169 Chương 170 Chương 171 Chương 172 Chương 173 Chương 174 Chương 175 Chương 176 Chương 177 Chương 178 Chương 179 Chương 180 Chương 181 Chương 182 Chương 183 Chương 184 Chương 185 Chương 186 Chương 187 Chương 188 Chương 189 Chương 190 Chương 191 Chương 192 Chương 193 Chương 194 Chương 195 Chương 196 Chương 197 Chương 198 Chương 199 Chương 200 Chương 201 Chương 202 Chương 203 Chương 204 Chương 205 Chương 206 Chương 207 Chương 208 Chương 209 Chương 210 Chương 211 Chương 212 Chương 213 Chương 214 Chương 215 Chương 216 Chương 217 Chương 218 Chương 219 Chương 220 Chương 221 Chương 222 Chương 223 Chương 224 Chương 225 Chương 226 Chương 227 Chương 228 Chương 229 Chương 230 Chương 231 Chương 232 (Chương kết)