Dịch giả : Nguyễn Thuỵ Ứng
Chương 94
PHẦN 5

Trong bốn ngày liền, Buntruc quần nhau từ sáng đến tối với số anh em công nhân do đảng uỷ phái đến chịu quyền chỉ huy của anh.
Tất cả có mười sáu người, những con người hết sức khác nhau về nghề nghiệp, lứa tuổi, thậm chí cả về dân tộc. Hai người là phu khuân vác: Vyludko dân Ukraina vùng Pontava và Mikhalidi người Hy Lạp quốc tịch Nga; Stepanov là thợ sắp chữ, tám anh em là công nhân luyện kim; Delenkov là thợ gương lò ở mỏ Paramonovsky; anh chàng lẻo khẻo Georkian dân Armenia là thợ bánh mì; chàng thợ nguội chuyên môn Johan Rebinde là người Đức quốc tịch Nga; hai anh chàng nữa là công nhân xưởng sửa chữa đầu máy xe lửa. Tờ giấy giới thiệu thứ mười bảy thì do một phụ nữ đưa tới. Chị mặc chiếc áo bông của lính, chân đi đôi ủng to quá cỡ.
Lúc nhận trong tay chị chiếc phong bì dán kín đựng công văn, Buntruc còn chưa rõ chị đến với mục đích gì. Anh hỏi:
- Trên đường về đồng chí có tạt vào bộ tư lệnh không?
Chị phụ nữ mỉm cười, luống cuống đưa tay lên nhét lại món tóc rất dầy tuột khỏi chiếc khăn bịt đầu rồi nói bằng một giọng rụt rè:
- Tôi được phái đến chỗ đồng chí… - Rồi chị cố nén cái cảm giác bối rối trong giây phút, ấp úng nói tiếp - Làm xạ thủ súng máy.
Mặt Buntruc đỏ dừ.
- Ở đằng ấy họ làm sao thế, mất trí cả rồi hay sao? Làm như trong tay tôi là một tiểu đoàn lính đàn bà không bằng! Đồng chí thứ lỗi cho, nhưng công việc nầy không hợp với đồng chí đâu: nặng nhọc lắm, cần phải có sức khoẻ của đàn ông… Mà thế nầy thì còn ra sao nữa? Không, tôi không nhận được đồng chí đâu?
Anh cau mày mở cái phong bì đựng công văn, đọc loáng qua tờ giấy giới thiệu ghi một cách khô khan rằng đồng chí Anna Pogutko là đảng viên, được phái đến chịu quyền chỉ huy của anh. Sau đó anh đọc đi đọc lại vài lần bức thư Abramxon viết kèm theo giấy giới thiệu.
"Đồng chí Buntruc thân mến,
Chúng tôi cử đến chỗ đồng chí một đồng chí tốt là Anna Pogutko. Đồng chí ấy đã khẩn khoản vật nài, rất nhiệt tình, nên chúng tôi đành phải chịu thua. Chúng tôi cử Anna đến với hy vọng đồng chí sẽ làm cho Anna trở thành một xạ thủ súng máy có khả năng chiến đấu. Tôi biết rõ cô gái nầy. Tôi thiết tha giới thiệu Anna với đồng chí và chỉ đề nghị đồng chí một điều: Anna là một cán bộ rất đáng quý, phải cái quá hăng hái, có phần bồng bột (vì còn chưa hết tuổi thanh niên), đồng chí hãy ngăn đừng cho Anna có những hành động liều lĩnh, phải bảo vệ lấy Anna. Thành phần cốt cán, hạt nhân ở chỗ đồng chí tất nhiên là tám anh em công nhân luyện kim. Trong số đó tôi có chú ý tới đồng chí Bogovoi. Bogovoi là một đồng chí rất đắc lực, rất trung thành với cách mạng. Nhìn vào thành phần thì đội súng máy của đồng chí có tính chất quốc tế đấy. Điều đó tốt lắm, sức chiến đấu sẽ lớn hơn.
Đồng chí cố đẩy nhanh công tác huấn luyện. Có tin hình như Kaledin đang sắp sửa tấn công chúng ta.
Gửi đồng chí lời chào đồng chí
X. Abramxon"
Buntruc đưa mắt nhìn cô gái trước mặt (sự việc xảy ra dưới tầng hầm một ngôi nhà ở phố Moskva, nơi tiến hành công việc huấn luyện). Ánh sáng quá yếu làm những nét trên mặt Anna nhoà đi, không nhìn rõ được.
Thôi được còn cách nào nữa bây giờ? - Giọng Buntruc chẳng nhẹ chút nào. - Nếu đồng chí đã có nguyện vọng như thế… và Abramxon đã đề nghị… Đồng chí cứ ở lại.
Mọi người vây chặt khẩu "Mác-xim" há hốc miệng nằm giữa, người đứng sau tì lên lưng người đứng trước, đầu cúi xuống như những chùm nho. Những cặp mắt tò mò thèm khát theo dõi hai bàn tay khéo léo của Buntruc tháo khẩu súng thành từng mảnh đâu ra đấy. Tháo xong, Buntruc lại lắp vào bằng những động tác dứt khoát, thận trọng, từ tốn. Anh giảng cách cấu tạo và tên gọi của từng bộ phận; dạy cách sử dụng, chỉ rõ các qui tắc nhắm bắn, giải thích về độ lệch của đường đạn và tầm bắn xa nhất. Anh hướng dẫn cách bố trí trong khi chiến đấu để khỏi bị hoả lực của địch tiêu diệt. Tự anh nằm xuống sau cái lá chắn có lớp sơn màu cứt ngựa rạn nứt loang lổ nói rõ về cách chọn vị trí bắn tốt nhất, về chỗ để những hòm đựng băng đạn.
Trừ anh thợ nướng bánh mì Georkian, mọi người đều tiếp thu dễ dàng những lời giảng dạy. Đối với anh chàng nầy, chẳng có chuyện gì trôi chảy: dù Buntruc đã trình bày cho anh ta bao nhiêu lần về các qui tắc tháo lắp. Georkian vẫn không tài nào nhớ được cứ lẫn cái nọ với cái kia, bấn tinh bấn mù, miệng lẩm bẩm ngượng nghịu:
- Tại sao không lắp được nhỉ? Chà, chỉ tại mình… Xin lỗi, phải cho vào chỗ nầy cơ. Nhưng vẫn không ổn… - Anh chàng tuyệt vọng kêu lên. - Sao thế nhỉ?
- Đây cho cậu xem "Sao thế nhỉ" nhé? - Bogovoi nhại Georgkian. Anh chàng nầy có bộ mặt ngăm ngăm đen với những điểm thuốc súng cháy xanh xanh trên trán và trên má. - Lắp không được là vì cậu thộn chứ còn sao nữa? Phải làm thế nầy mới được nầy? -
Bogovoi vừa giải thích vừa lắp một bộ phận vào đúng chỗ, động tác rất vững vàng. - Vốn từ bé mình đã thích quân sự rồi, - Bogovoi chỉ vào những vết tàn nhang xanh xanh trên mặt mình giữa tiếng cười ồ của mọi người. - Mình đã thử làm một khẩu pháo, nhưng nó lại nổ hậu, và mình đã phải gánh lấy hậu quả. Nhưng chính vì thế mà bây giờ cũng có chút năng khiếu.
Mà sao vậy, so với tất cả mọi người Bogovoi đã nắm được các bài về súng máy dễ hơn và nhanh hơn. Chỉ một mình Georkian là kém nhất. Chốc chốc lại nghe thấy giọng mếu máo, bực bội của anh chàng:
- Lại không đúng rồi! Sao thế nhỉ! Mình chẳng hiểu ra sao nữa!
- Ngu như con lừa, ngu như con lừa? Khắp vùng Nakhichevan chỉ có một mình cậu như thế nầy thôi! - Anh chàng Hy Lạp Mikhalidi nổi nóng kêu lên.
- Hiếm có cậu nào chậm hiểu thế nầy! - Con người trầm tĩnh như Rebinde cũng phải đồng ý với Mikhalidi - Mọi việc đều không phải như chuyện cậu nhào bột đâu! - Vyludko phì cười làm mọi người đều cười theo nhưng không có chút gì ác ý.
Chỉ một mình Stepanov đỏ mặt bực tức quát:
- Phải làm cho đồng chí mình hiểu chứ sao lại nhăn nhăn nhở nhở như thế?
Krutogorov cũng đứng về phía Stepanov. Anh là công nhân xưởng sửa chữa đầu máy xe lửa, đã có tuổi, thân hình to lớn, mắt lồi, tay rất dài.
- Bọn người gỗ nầy, trong khi các cậu cười thì công việc bị ảnh hưởng đấy? Đồng chí Buntruc, đồng chí không lấy lại trật tự cho cái phòng triển lãm đồ cổ của đồng chí thì tống cổ tất cả đi cho xong? Cách mạng đang lâm nguy mà họ cứ nhe răng ra cười! - Krutogorov vung nắm tay to như cái vồ, kêu lên bằng một giọng rất trầm.
Anna Pogutko thì cái gì cô cũng đi sâu tìm hiểu với cả một tinh thần ham học hỏi. Cô cứ bám sát Buntruc, nắm lấy tay chiếc áo bành tô "đờ-mi-sezon" khó coi như Buntruc, không chịu rời khỏi khẩu súng máy một phút nào.
- Nếu nước trong bình tán nhiệt đông lại thì làm thế nào? Gió thật lớn thì độ lệch của đường đạn là bao nhiêu? Còn sao lại thế nầy, đồng chí Buntruc? - Anna cứ xoắn lấy Buntruc hỏi lấy hỏi để và cứ ngước nhìn Buntruc một cách chờ đợi, trong hai con mắt đen mênh mông có ánh ấm áp rất biến ảo.
Mỗi khi Anna có mặt, Buntruc lại cảm thấy mình ngượng nghịu thế nào ấy. Và tựa như để trả thù cho sự bối rối khó chịu ấy, anh đối với Anna nghiêm hơn đối với các anh em khác, thái độ cố làm vẻ lạnh lùng. Nhưng sáng sáng, hễ đúng bảy giờ không sai một phút, Anna bước xuống tầng hầm với hai bàn tay lạnh cóng thu vào trong ống tay chiếc áo bông màu xanh lá cây, để đôi ủng lính to tổ bố đập lộp cộp; anh lại cảm thấy lòng mình rạo rực lạ lùng. Anna hơi thấp hơn Buntruc một chút, người đầy đặn, cái vẻ đầy đặn chắc nịch thường thấy ở tất cả các cô gái khoẻ mạnh lao động chân tay. Hình như Anna hơi gù và có lẽ thậm chí chẳng có gì đẹp nếu không có cặp mắt to, cương nghị, làm cho toàn thân cô đẹp lạ lùng.
Bốn ngày đầu, Buntruc thậm chí chưa nhìn kỹ xem Anna như thế nào. Dưới hám thì tranh tối tranh sáng, mà nhìn kỹ vào mặt cô gái thì không tiện, hơn nữa cũng chẳng còn lúc nào rỗi mà nhìn. Đến chiều ngày thứ năm, hai người cùng ra về, Anna đi phía trước, lên đến bậc thang cuối cùng, cô quay lại hỏi Buntruc một câu gì không rõ Nhìn thấy Anna dưới ánh chiều tà, Buntruc bất giác thầm kêu lên một tiếng. Bằng một cử chỉ quen thuộc, Anna sửa lại món tóc rồi hơi nghiêng đầu, hiếng hiếng nhìn anh chờ câu trả lời. Nhưng Buntruc không nghe rõ câu Anna hỏi, cứ từ từ bước lên những bậc thang, một cảm giác thú vị nhoi nhói tràn ngập trong tâm hồn. Không bỏ khăn bịt đầu ra thì rất khó sửa lại tóc, Anna cố gắng quá nên cánh mũi hồng hồng dưới ráng chiều cứ rung rung. Đường môi cô gái rắn rỏi nhưng cũng có những nét dịu dàng như môi con nít. Một hàng lông tơ rất ngắn hiện lên xâm xẫm trên cái môi trên hơn hớt, càng làm nổi bật màu da trắng mờ.
Buntruc cúi đầu xuống như vừa bị ai đánh. Anh nói đùa, giọng sôi nổi:
- Anna Pogutko… đồng chí xạ thủ súng máy số hai, nom đồng chí đẹp như hạnh phúc ấy.
- Chỉ bậy! - Anna bình tĩnh nói rồi mỉm cười. - Chuyện nhảm nhí đấy đồng chí Buntruc ạ! Tôi muốn hỏi đến hôm nào chúng ta sẽ ra trường bắn?
Cái cười đó không hiểu sao làm Anna có vẻ giản dị, dễ gần và "trần tục" hơn. Buntruc bước lên tới ngang Anna thì đứng lại. Anh ngơ ngác nhìn về cuối phố, chỗ vừng mặt trời đỏ rực, tràn trề như nước thuỷ triều, khẽ trả lời:
- Ra trường bắn ấy à? Ngày mai. Thế đồng chí còn phải đi đến đâu? Nhà đồng chí ở đâu thế?
Anna nói tên một cái ngõ nào đó ở ngoại ô. Hai người cùng đi với nhau. Đến ngã tư thì Bogovoi đuổi kịp họ.
- Đồng chí Buntruc nầy! Ngày mai chúng mình sẽ tập trung như thế nào nhỉ?
Buntruc vừa đi vừa cho biết rằng sẽ tập họp ở sau rừng Chikhaia, Krutôgorov và Vyludko sẽ dùng xe ngựa chở khẩu súng máy tới đó, và tám giờ sẽ phải tập họp xong. Bogovoi cùng đi với hai người hai dãy phố rồi từ biệt ra về. Buntruc và Anna đi vài phút chẳng ai nói gì cả. Anna liếc nhanh nhìn Buntruc một cái rồi hỏi:
- Đồng chí là dân Cô-dắc à?
- Phải.
- Trước kia đã làm sĩ quan à?
- Chà, tôi thì sĩ quan cái gì!
- Quê đồng chí ở đâu thế?
- Tôi là dân Novocherkask.
- Đồng chí đến Rostov đã lâu chưa?
- Mới được vài ngày.
- Còn trước đây thì ở đâu?
- Ở Petrograd.
- Đồng chí vào đảng từ năm nào thế?
- Năm một nghìn chín trăm mười ba.
- Thế gia đình đồng chí ở đâu?
- Ở Novocherkask, - Buntruc trả lời rất nhanh rồi chìa tay ra như xin một cái gì. - Hượm cho tôi hỏi với chứ. Đồng chí vốn quê ở Rostov à?
- Không, tôi vốn sinh ở vùng Ekatenoslav, nhưng trong thời gian gần đây tôi đã đến sống ở đây.
- Bây giờ tôi lại hỏi… Đồng chí là dân Ukraina à?
Anna ngập ngừng một lát rồi trả lời, giọng rắn rỏi:
- Không.
- Dân Do Thái phải không?
- Vâng. Nhưng sao thế? Chẳng nhẽ giọng nói để lộ tung tích của tôi đến thế hay sao?
- Không.
- Thế sao đồng chí lại đoán được tôi là người Do Thái?
Buntruc cố gắng bước cho hai người đi ngang nhau rồi trả lời:
- Cái tai, đường vành tai và hình con mắt. Nhưng đồng chí mang rất ít đặc điểm dân tộc… - Anh ngẫm nghĩ một lát rồi nói thêm - Đồng chí đến với chúng tôi thật tốt quá.
- Sao thế?
- Đồng chí thấy đấy, người Do Thái đã mang cái tiếng ăn rễ rất sâu là quen chỉ tay năm ngón chứ không chịu xông pha dưới lửa đạn. Tôi cũng biết nhiều anh em công nhân nghĩ như thế, vì chính tôi cũng là công nhân.- Buntruc tiện thể nói thêm - Điều đó không đúng, và chính đồng chí là một bằng chứng hiển nhiên để bác bỏ cái thành kiến sai ấy đấy. Đồng chí có được đi học chứ?
- Vâng, tôi đã tốt nghiệp trung học năm ngoái, còn đồng chí thì có trình độ văn hoá đến đâu? Tôi hỏi thế vì trong khi nói chuyện thấy đồng chí không phải là một người xuất thân thợ thuyền.
- Tôi có đọc nhiều.
Hai người đi rất chậm. Anna cố ý đi quanh quẩn trong các ngõ.
Sau khi kể sơ sài về bản thân mình, cô lại hỏi tiếp Buntruc về cuộc bạo động của Kornilov, về tinh thần của nhân dân Petrograd và cuộc chính biến tháng Mười.
Trên bờ sông, không biết từ chỗ nào có những tiếng súng trường vang lên ươn ướt, rồi có tiếng súng máy tặc tặc từng đợt xuyên qua bầu không khí tịch mịch. Anna không bỏ lỡ cơ hội hỏi luôn:
- Kiểu gì thế?
- Levis!
- Băng đạn bắn đến đâu rồi nhỉ?
Buntruc không trả lời. Anh còn mải ngắm dé đèn chiếu của chiếc tàu quét ngư lôi thả neo trên sông. Dải ánh sáng màu da cam như một cái râu xúc giác vươn lên nơi cao thẳm của bầu trời chiều cháy đã đến lúc sắp tàn.
Hai người đi chừng ba tiếng đồng hồ trong thành phố vắng tanh rồi chia tay trước cổng nhà Anna.
Buntruc trở về nhà, trong lòng được sưởi ấm bởi cả một niềm hân hoan mà anh còn chưa nhận thấy rõ ràng. "Thật là một đồng chí rất tốt, một cô gái rất thông minh? Nói chuyện với Anna thích thật, trong lòng ấm áp hẳn lên. Thời gian vừa qua mình trở nên khô khan, chai sần mất rồi, mà đối với người mình cũng phải có quan hệ thân mật niềm nở mới được, nếu không cũng đến rắn lại như mẩu lương khô của lính mất thôi…" - Buntruc bụng bảo dạ như thế. Anh cố dối mình và chính anh cũng biết rằng mình đang tự dối lòng.
Abramxon vừa đi dự cuộc họp của Uỷ ban quân sự cách mạng về. Anh hỏi han về tình hình huấn luyện các xạ thủ súng máy, và tiện thể cũng có hỏi cả về Anna Pogutko.
- Anna như thế nào? Nếu không thích hợp mình cũng có thể chuyển cô ấy sang làm một công tác khác, thay bằng một đồng chí khác cũng được.
- Không đâu, cậu làm sao thế - Buntruc -hoảng lên - Anna là một cô gái rất có năng lực.
Buntruc cảm thấy mình muốn nói về Anna quá, một ý muốn gần như không thể cưỡng lại. Anh đã phải cố gắng rất nhiều mới thôi không nói.

Truyện SÔNG ĐÔNG ÊM ĐỀM LỜI NGƯỜI DỊCH Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Chương 119 Chương 120 Chương 121 Chương 122 Chương 123 Chương 124 Chương 125 Chương 126 Chương 127 Chương 128 Chương 129 Chương 130 Chương 131 Chương 132 Chương 133 Chương 134 Chương 135 Chương 136 Chương 137 Chương 138 Chương 139 Chương 140 Chương 141 Chương 142 Chương 143 Chương 144 Chương 145 Chương 146 Chương 147 Chương 148 Chương 149 Chương 150 Chương 151 Chương 152 Chương 153 Chương 154 Chương 155 Chương 156 Chương 157 Chương 158 Chương 159 Chương 160 Chương 161 Chương 162 Chương 163 Chương 164 Chương 165 Chương 166 Chương 167 Chương 168 Chương 169 Chương 170 Chương 171 Chương 172 Chương 173 Chương 174 Chương 175 Chương 176 Chương 177 Chương 178 Chương 179 Chương 180 Chương 181 Chương 182 Chương 183 Chương 184 Chương 185 Chương 186 Chương 187 Chương 188 Chương 189 Chương 190 Chương 191 Chương 192 Chương 193 Chương 194 Chương 195 Chương 196 Chương 197 Chương 198 Chương 199 Chương 200 Chương 201 Chương 202 Chương 203 Chương 204 Chương 205 Chương 206 Chương 207 Chương 208 Chương 209 Chương 210 Chương 211 Chương 212 Chương 213 Chương 214 Chương 215 Chương 216 Chương 217 Chương 218 Chương 219 Chương 220 Chương 221 Chương 222 Chương 223 Chương 224 Chương 225 Chương 226 Chương 227 Chương 228 Chương 229 Chương 230 Chương 231 Chương 232 (Chương kết)