Mãi gần cuối mùa thu năm 1917, anh em Cô-dắc mới lũ lượt kéo nhau từ các mặt trận trở về. Khristonhia về với ba gã Cô-dắc cùng đi lính với hắn ở trung đoàn 52, già sọm đi. Giải ngũ về hẳn có anh chàng Anikey mặt mày vẫn nhẵn thín chẳng có râu ria gì cả như xưa, hai gã pháo binh Tomilin Ivan và Yakov "Móng lừa" rồi đến Marchin Samin, Kotliarov, Dakha Korolov và gã Borsev với cái thân hình dài ngoẵng chẳng cân đối chút nào. Đến tháng chạp, đùng một cái thấy Mitka Korsunov lù lù mò về. Một tuần sau là cả một xốc một xếch những anh chàng Cô-dắc trước kia ở trung đoàn 12. Miska Kosevoi, Prokho, Dykov, Andrey con lão già Casulin, Epipitan Marsaev, Xinilin Egor. Gã Fedot Bodovskov mặt mũi như dân Kalmys bị lạc trung đoàn, chuồn thẳng từ Voronez về trên lưng con ngựa tuyệt đẹp, lông vàng hởi, tước được của một tên sĩ quan áo và trong thời gian rất dài, gã cứ kể đi kể lại chuyện mình len lỏi qua những làng sục sôi cách mạng của tỉnh Voronezs, chạy thoát ngay trước mũi những đội Xích vệ, vạn sự nhờ cả vào nước phi như gió của con ngựa chiến. Sau gã, người ta thấy Merkulov, Petro Melekhov và Nicolai Kosevoi trở về từ ngay trấn Kamenskaia, cả ba đều trốn khỏi trung đoàn 27 hồi nầy đã theo Bolsevich. Ba gã đem về thôn cái tin Grigori Melekhov gần đây đóng ở trung đoàn dự bị số 2 đã ngả về phe Bolsevich và ở lại Kamenskaia. Gã Maxim Grianov bán trời không văn tự với cái quá khứ ăn cáp ngựa cũng ở lại đấy, trong trung đoàn 27. Tính chất mới mẻ của cái thời buổi hỗn quân hỗn quan vừa bắt đầu cùng các khả năng tự do kiếm chác đã hấp dẫn gã làm cho gã đi theo người Bolsevich. Thiên hạ đồn rằng Maxim đã kiếm được một con ngựa hình dáng cổ quái, xấu hết chỗ nói, nhưng chạy nhanh và hăng cũng chưa từng thấy. Người ta nói rằng suốt dọc sống lưng con ngựa có một dải lông tự nhiên trắng như bạc, còn lông các chỗ khác đều đỏ lòm như lông bò trên cái thân không cao, nhưng dài ngoẵng. Mọi người rất ít nói tới Grigori. Họ không muốn đả động tới chàng vì biết rằng chàng đã đi một con đường khác với bà con trong thôn, sau nầy có cùng về với nhau nữa không thì hiện giờ chưa biết sao mà nói. Nhà nào có người trở về, hoặc là chủ gia đình, hoặc là người khách được mong đợi thì đều vui như tết. Niềm vui đó càng tô đậm hơn, càng làm nổi bật một cách tàn nhẫn hơn nỗi đau buồn âm ỉ mọc rễ trong lòng những người vĩnh viễn bị mất những người thân thích, ruột thịt. Nhiều gã Cô-dắc không bao giờ về nữa: Họ đã rải thây trên các cánh đồng Galixi. Bukovin, Đông Phổ, Prikarpat, Rumani. Xác họ đã nằm lại những nơi ấy, đã thối rữa dưới lời ai điếu của hoả lực pháo binh, và hiện nay những nấm mồ chung đã mọc đầy cỏ dại, mặc cho mưa dập tuyết vùi. Biết bao nhiêu người đàn bà Cô-dắc đầu tóc rũ rượi chạy ra ngõ, đưa tay lên che mắt ngóng trông, nhưng đâu còn được hưởng cái phúc gặp lại những người yêu dấu của lòng mình! Dù những cặp mắt sưng húp và nhoà mờ nầy có đổ bao nhiêu nước mắt, nỗi đau buồn cũng không bao giờ rửa sạch được! Dù trong những ngày giỗ, ngày cầu vong, người ta có kêu gào đến mấy, gió đông cũng chẳng đưa nổi những tiếng la khóc tới Galixi và Đông Phổ, tới những nấm mồ chung lún xiêu lún vẹo! Cỏ mọc dần đầy mồ, thời gian cũng lấp dần những nỗi bi thương. Gió liếm sạch dần vết chân của những người ra đi, thời gian cũng xoa dịu dần những vết thương rỉ máu, xoá nhoà cả ký ức những người mong mãi chẳng thấy người thân yêu trở về. Mà đợi sao được mãi, vì cuộc đời con người vốn ngắn ngủi, số phận có dành phần cho mỗi người chúng ta được dẫm trên đường nhiều cỏ lắm đâu… Nhìn thấy em chồng là Marchin về nhà vuốt ve người vợ đang thai nghén, nựng nịu và chia quà cho các con, mụ vợ của gã Prokho Samin hết đập đầu bình bịch xuống nền đất rắn, lại nhe răng gặm mặt sàn đất. Người mẹ cứ vật vã, lăn lộn dưới đất, trong khi đàn con nhỏ lốc nhốc đứng bên như một bầy cừu. Chúng giương tròn những cặp mắt kinh hoàng, khóc thét lên nhìn mẹ. Hỡi người đàn bà đáng thương, mụ cứ giật đứt cổ chiếc áo lót cuối cùng đi? Cứ rứt cho hết những sợi tóc xác xơ vì cuộc sống vất vả đau khổ, cứ cắn đến chảy máu cặp môi dập nát, cứ vặn đến gãy hai bàn tay méo mó tàn tật vì lao động, cứ đập đầu xuống đất bên ngưỡng cửa căn nhà quạnh hiu đi. Nhà mụ không có chủ nữa rồi. Mụ không có chồng nữa rồi, đàn con nhỏ của mụ không có bố nữa rồi. Mụ hãy nhớ rằng cả mụ lẫn những đưa con côi cút của mụ đều không có ai vuốt ve nựng nịu nữa đâu, sẽ không có ai giải thoát cho mụ khỏi những công việc ngập đầu, khỏi cảnh bần hàn cơ cực, và đêm đêm khi mụ mệt đứt hơi gục xuống, sẽ không có ai áp đầu mụ vào ngực mà nói với mụ những lời xưa kia mụ thường được nghe: "Đừng đau buồn nữa, Anhisca ạ? Chúng ta sẽ sống qua thời cơ cực nầy!". Mụ sẽ không có chồng nữa, và công ăn việc làm, cảnh nghèo đói và đàn con sẽ làm mụ héo hon, đần độn. Mấy đứa con mụ, quần chẳng kín đùi, áo để hở ngực, rớt rãi bẩn thỉu, từ nay không có bố nữa rồi. Mụ sẽ phải tự tay cày lấy, bừa lấy, sẽ phải thở dốc vì làm việc quá sức sẽ phải tự tay xúc hất lúa trến máy gặt xuống, rồi lại bốc lên xe, sẽ phải tự tay cầm cái đinh ba xốc những bó lúa nặng như cùm lên để cảm thấy phía dưới bụng như có cái gì bục ra, rồi mụ sẽ co rúm người, sẽ băng huyết dưới những mảnh giẻ rách che thân. Bà mẹ của Aleksey Betnar giở lại gói quần áo lót cũ của thằng con, âm thầm nhỏ những giọt nước mắt hiếm hoi cay đắng, cố được ngửi thấy chút hơi thừa của con, nhưng chỉ có tấm áo lót cuối cùng mà Miska Kosevoi mang về hộ còn giữ được trong những nếp vải mùi mồ hôi của Aleksey. Bà già áp mặt vào tấm áo, lảo đảọ rên rỉ kể khổ, nước mắt của bà làm loang lổ cái áo sơ-mi nhà binh bẩn thỉu bằng vải bông. Các gia đình Manykov, Afonka Oderov, Eplanchi Kalinin, Likhovidov, Ermakov và nhiều gia đình Cô-dắc khác đã mất người trụ cột. Riêng Stepan Astakhov là chẳng có ai khóc, vì còn ai mà khóc nữa? Căn nhà, cửa sổ, cửa ra vào đóng đinh kín mít, trống huếch trống hoác, đã gần đổ dụi, ngay mùa hè nom cũng âm u. Acxinhia vẫn ở bên Yagonoie, bà con trong thôn vẫn ít nghe nói đến nàng như xưa, còn nàng thì cũng chẳng nhòm ngó gì đến xóm làng, vì có lẽ còn gì mà lưu luyến nữa. Bọn Cô-dắc các trấn miền trên của Quân khu Donesky kết thành những đám đồng hương ùn ùn kéo nhau về nhà. Đến tháng chạp thì binh sĩ ngoài mặt trận thuộc các thôn của trấn Vosenskaia đã về gần đủ. Suốt đêm, suốt ngày có những đoàn người ngựa từ mười đến bốn mươi người nghèo qua thôn Tatarsky, tiến sang tả ngạn sông Đông. - Các thầy quyền người đâu ta? - Vài cụ già ra cổng hỏi. Có những tiếng trả lời: - Vùng sông Chernaia. - Dimovna. - Dubrovka. - Resetovsky. - Dân Dundarov đây. - Dân Gorokhov đây. - Dân Alimov đây. - Đánh đấm đủ rồi hay sao? - Có cụ hỏi châm chọc. Những tên lính đứng đắn, tính tình hoà nhã chỉ mỉm cười: - Thôi đủ rồi, các bố già ạ! Chán ngấy những chuyện đánh đấm rồi Chúng tôi chịu tội chịu nợ xong rồi, bây giờ về nhà đây. Còn những gã bạt mạng nhất, hung hãn nhất thì vặc rầm lên một trận rồi bảo: - Lão già nầy, lão thử ra ngoài ấy mà xem, rồi có cúp đuôi chuồn thẳng không! - Làm gì mà như hỏi cung thế? Can chi đến lão hử? - Sao ở đây nhiều cái hạng như lão thế nầy, lắm mồm thế? Đến cuối mùa đông, những mầm mống của nội chiến đã bắt đầu chồi lên ở Novocherkask, nhưng ở vùng thượng lưu sông Đông, các thôn các trấn vẫn chết lặng như bãi tha ma. Chỉ trong các gia đình là có những chuyện xích mích ngấm ngầm, đôi khi cũng nổ ra cho bên ngoài biết: kẻ già cả không ăn ý với bọn vừa ở mặt trận trở về. Về chuyện chiến sự đang sôi sục ở gần thủ phủ tỉnh Quân khu sông Đông, người ta mới chỉ nghe phong thanh. Người ta mơ hồ đoán mò về các trào lưu chính trị vừa xuất hiện, người ta nghe ngóng, chờ đợi những việc xảy ra. Cho tới tháng giêng, thôn Tatarsky vẫn còn được sống bình an vô sự Sau khi ở mặt trận trở về, bọn Cô-dắc nghỉ ngơi có vợ kè kè bên cạnh, ăn uống phè phỡn, nhưng họ biết đâu rằng tai ương hoạn nạn đang rình họ ngay ở ngưỡng cửa, mà lần nầy sẽ còn ghê gớm hơn nhiều so với những điều họ đã phải chịu đựng trong cuộc chiến tranh vừa qua.