Dịch giả : Nguyễn Thuỵ Ứng
Chương 2
PHẦN I

Vài ngôi sao thưa thớt hơi lấp lánh trên bầu trời mới rạng còn xám như màu tro. Gió thổi từ dưới những đám mây đen tới. Sương mù bốc thẳng lên từ mặt sông Đông chồng lên nhau từng lớp trên những núi đá phấn, rồi trườn theo những bờ dốc đứng ven sông, nom như con rắn xám không đầu. Trên vùng tả ngạn sông Đông, những bãi cát, những khoảng đất sụt trũng, những bãi lau rậm, những khu rừng mù sương, tất cả đều chìm trong ánh mai lành lạnh nhưng hừng hực sức sống. Mặt trới còn bải hoải chưa muốn ngoi lên khỏi đường chân trời.
Ông Panteley Prokofievich là người đầu tiên thức giấc trong nhà Melekhov. Ông bước ra thềm, vừa đi vừa cài cúc cổ áo sơ-mi thêu đầy những chữ thập nhỏ. Ông mở cửa lùa gia súc ra ngõ. Daria chỉ mặc váy lót chạy ra vắt sữa bò. Hai bắp chân để trần trắng muốt, sương bắn vào nom như sữa non. Daria đi qua sân nuôi gia súc, dẫm nát cỏ, in lại những vết chân bốc hơi.
Ông Panteley Prokofievich nhìn những ngọn cỏ bị hai bàn chân Daria dẫm bẹp xuống đang ngốc dậy, rồi bước vào nhà trong.
Cửà sổ mở toang, trên bậu cửa sổ lả tả những cánh hoa hồng hồng chết héo của cây anh đào đã nở rữa trong mảnh vườn con. Grigori còn ngủ. Chàng nằm sấp, một tay vươn ra.
- Griska(1), mày có đi câu không?
- Gì thế cha? - Grigori khẽ hỏi rồi ngồi dậy, hai chân buông thõng bên mép giường.
- Ta đi đi, ngồi câu một lát cho đến sáng hẳn.
Grigori thở phì phì, với lấy cái quần trên mắc áo, mặc vào, rồi lồng đôi bít tất len trắng ra ngoài ống quần. Chàng loay hoay mãi mới đi xong đôi ủng da và sửa lại được bên gót ủng bị trẹo.
Trong khi đi theo bố ra phòng ngoài, Grigori hỏi giọng khàn khàn:
- Thế mẹ hấp lúa mạch làm mồi chưa?
- Hấp rồi. Mày ra thuyền trước đi. Tao loáng một cái là ra ngay.
Ông già bọc cái ống đựng lúa mạch đen hấp chín thơm phức vào áo sơ mi, nhặt thoăn thoắt những hạt rơi vãi bỏ vào lòng bàn tay, rồi bước xuống dốc với bên chân trái hơi khập khiễng.
- Chèo đi đâu bây giờ nào?
- Ra chỗ vách Đất đen ấy. Hãy thử câu gần cái cây ngả, chỗ chúng ta ngồi lần trước xem sao đã.
Chiếc thuyền nhỏ quệt đuôi vào bờ đất, bập bềnh một lát trên mặt nước rồi rời khỏi bờ. Dòng nước cuốn con thuyền đi, ra sức lắc như chỉ tìm cách làm nó lật nghiêng. Grigori không chèo mà chỉ bẻ giầm.
- Thế nào, chèo đi chứ!
- Ta ra tới giữa dòng rồi hãy chèo.
Con thuyền băng qua khoảng nước chảy xiết, hướng về bờ bên trái. Tiếng gà đua nhau gáy trong thôn vẳng ra trầm trầm trên mặt nước. Mạn thuyền lướt sát vách đất mềm đen sịt, dựng đứng trên mặt nước như bị đẽo phẳng, rồi trôi tới một khoảng lòng chảo: Cách bờ chừng năm xa-gien thấy có một cây dâu da bị ngập còn vươn rộng những cái cành trên mặl nước. Luồng nước xoáy lên những đám bọt nâu nâu đuổi nhau quanh cái cây.
- Tháo dây câu ra, để tao ném mồi, - Ông bố khẽ bảo Grigori rồi thọc tay vào ống đựng mồi.
Lúa mạch rơi rất gọn xuống nước, vang lên một tiếng như có người khẽ kêu "suỵt". Grigori móc vài hạt lúa mòng mọng vào lưỡi câu mỉm cười khẽ nói:
- Cá lớn cá bé, cá mẹ cá con, tìm mồi mà cắn!
Dây câu vẽ những vòng tròn, rơi xuống nước, căng thẳng ra như sợi dây đàn, rồi lại chùng xuống, có vẻ như hòn chì đã chạm tới đáy sông. Grigori đưa một chân chặn giữ đầu cần câu, rồi xoài người ra với lấy túi thuốc, nhưng cố không gây tiếng động.
- Chẳng ăn thua gì đâu cha ạ… Trăng khuyết thế nầy…
- Mày có mang diêm không đấy?
- Có ạ!
- Châm tao cái lửa.
Ông già châm thuốc hút, mắt nhìn đăm đăm về phía vùng mặt trời còn bị giam giữ sau gốc cây cong queo.
- Cá chép thì không nhất định chọn lúc nào mới cắn câu. Trăng khuyết mà vẫn có khi vớ được đấy.
Grigori thở dài:
- Cha xem kìa, toàn là những con cá nhép rỉa mồi.
Chợt thấy nước ngay bên cạnh thuyền lục ục rút ra, rồi một con cá chép dài chừng hai ác-sin(2), đỏ như đúc toàn bằng đồng, quẫy cái đuôi cong cong, rộng như tàu lá ngưu bàng, rẽ qua làn nước rồi óc một cái nhảy lên, làm những giọt nước to tướng bắn tung tóe khắp thuyền.
- Bây giờ thì chờ mà xem! - Ông Panteley Prokofievich đưa tay áo lên chùi chòm râu ướt đẫm.
Bên cây dâu da chìm, trong khoảng những cái cành trần trụi vươn ra như những cánh tay, cùng một lúc có hai con cá chép nhảy lên. Rồi một con thứ ba nhỏ hơn, lộn nhào trong không khí, bướng bỉnh quật mình liền mấy cái vào bờ sông.
Grigori nóng nảy nhai đầu mẩu thuốc cuộn lấy, ngậm đã ướt đẫm. Mặt trời đã lên tới nửa cây sồi, nhưng còn chưa sáng lắm. Ông Panteley Prokofievich đã ném hết chỗ mồi, ông bực bội chúm môi, nhìn chằm chằm cái đầu cần câu nằm lặng.
Grigori nhổ cuống điếu thuốc. Chàng giận dữ nhìn theo điếu thuốc văng xa trong không khí và cứ rủa thầm bố đã đánh thức mình quá sớm, không để cho ngủ đẫy giấc. Chưa có gì vào bụng mà đã hút thuốc nên trong miệng cứ có mùi như lông lợn cháy. Grigori vừa cúi xuống cong bàn tay định vốc nước thì đầu chiếc cần câu nhô khỏi mặt nước nửa ác-sin chợt khẽ rung rồi từ từ chìm xuống.
- Cắn câu rồi! - Ông già thở phào.
Grigori giật mình nhấc vội cần câu, nhưng đầu cần câu vẫn ăn thun thút xuống nước. Từ chỗ tay cầm, cái cần cong xuống thành một vòng cung. Nó làm bằng gỡ liễu đỏ khỏe như thế mà vẫn bị một sức rất lớn kéo xuống dưới.
- Giữ cho chắc! - Ông già -đẩy thuyền ra xa bờ kêu lên.
Grigori mím môi mím lợi cố nhấc cái cần lên nhưng không nổi.
Có tiếng răng rắc khô khan, cái cần to đần đẫn bị gãy. Grigori mất thăng bằng lảo đảo:
- Đúng là một con bò mộng! - Ông Panteley Prokofievich lẩm bẩm. Ông cố mắc mũi lưỡi câu vào mồi nhưng không trúng.
Grigori đang rất hồi hộp nhưng vẫn bật cười. Chàng mắc thêm mồi vào một chiếc cần câu khác rồi ném luôn xuống.
Chì vừa chạm đáy sông thì đầu cần câu đã cong ngay xuống.
- Lại nó rồi, con quỷ dữ!… - Grigori "hừ" một tiếng. Con cá cố ngoi ra chỗ nước xiết. Chàng phải tốn không biết bao nhiêu hơi sức mới kéo được nó lên khỏi đáy sông.
Cái cần câu "phựt" một tiếng rất to, bật lên khỏi mặt nước, và liền theo đó, nước bắn vọt lên thành một mặt vát xanh xanh. Những ngón tay chuối mắn của ông Panteley Prokofievich cứ loay hoay mãi với cái cán vợt.
- Kéo nó lên mặt nước! Giữ cho chắc, khéo nó cứa đứt mất đấy.
- Cha đừng lo!
Một con cá chép lớn tướng màu đỏ đỏ vàng vàng ngoi lên mặt nước, làm nước sủi lên, nhưng nó lại chúi cái đầu bèn bẹt, có cái trán rộng bè, lao ngay xuống sâu.
- Nó lôi ghê không? Tê cứng cả tay rồi! Nhưng được, xem mày giở được trò gì nào!
- Giữ cho chắc, Griska!
- Con vẫn giữ đây!
- Chú ý đấy đừng cho nó luồn xuống đáy thuyền… Chú ý đấy!
Chú cá chép phải nằm nghiêng. Grigori lấy lại hơi, lôi nó vào gần mạn thuyền. Ông già vừa đưa cái vợt ra thì con cá đã thu hết sức lực còn lại, ngụt xuống sâu lần nữa.
- Kéo cao cái đầu nó lên! Cho nốc thêm ít không khí là sẽ biết điều ngay.
Con cá đã lử cò bợ, nên lại bị Grigori kéo lên, lôi sát vào mạn thuyền. Nó há hốc miệng ngáp lấy ngáp để, húc mũi vào bên mạn thuyền sần sùi rồi đứng yên, mấy cái vây óng ánh da cam vẫy vẫy.
- Thế là mày chịu thua rồi nhé! - Ông Panteley Prokofievich è è trong cổ họng, lấy vợt hứng con cá.
Hai bố con còn ngồi thêm nửa giờ, nhưng không thấy cá quẫy nữa.
- Thu dọn thôi, Griska. Có lẽ ta đã vớ được con cuối cùng đấy, chờ thêm cũng chẳng tích sự gì đâu.
Hai cha con sửa soạn ra về, Grigori đẩy thuyền ra xa bờ. Về đến nửa đường, Grigori nhìn mặt bố, thấy như ông đang có điều gì muốn nói với mình, nhưng ông già vẫn nín thinh, chỉ chăm chú nhìn những ngôi nhà trong thôn rải rác dưởi chân núi.
- Grigori ạ, có chuyện nầy… - Ông ngập ngừng rồi bắt đầu nói, hai tay mân mê sợi dây buộc miệng cái túi đặt dưới chân. - Tao thấy hình như mày có chuyện gì với cái ả Acxinhia nhà Astakhov thì phải…
Mặt Grigori chuyển sang đỏ tía, chàng quay nhìn ra chỗ khác. Trên cái cổ gân guốc nắng cháy đen thui, cổ áo sơ-mi hằn lên thành một vệt trắng.
Ông già nói tiếp, giọng bắt đầu gay gắt và bực bội:
- Đồ ranh con, liệu cái thần hồn… Tao không nói chơi với mày đâu Stepan là hàng xóm láng giềng với nhà chúng ta. Tao không cho phép mày chim chuột vợ anh ta đâu. Việc nầy cũng đến gây ra tội lỗi thôi. Tao bảo trước cho mà biết: hễ bắt được là tao nện cho một trận nhừ tử đấy!
Ông Panteley Prokofievich thu những ngón tay lại thành một nắm tay gân guốc, cặp mắt lồi lồi nheo lại nhìn khuôn mặt người con tái dần.
- Toàn những lờl vu oan giá hoạ, - Grigori nhìn thẳng vào chỗ tinh mũi xanh xanh của bố, miệng lầu bầu. Giọng chàng trầm trầm như vọng lên từ đáy nước.
- Câm cái mồm đi.
- Miệng thế gian!
- Câm ngay, đồ chó đẻ!
Grigori cúi rạp người xuống mái chèo. Con thuyền chồm lên từng đợt tiến về phía trước. Nước đằng sau thuyền lọc ọc cuộn lên thành những cái xoáy.
Cho đến khi tới bến, cả hai cha con chẳng ai nói gì với ai. Lúc sắp bước chân lên bờ, người cha mới dặn thêm:
- Liệu hồn đấy, tao bảo gì thì chớ có quên, nếu không từ nay trở đi cấm tiệt không được chơi bời nhảy nhót gì nữa. Đừng hòng ra khỏi nhà nửa bước. Dứt khoát như thế đấy?
Grigori cứ ngậm tăm. Thuyền vào sát bờ, chàng mới hỏi:
- Con đem cá về nhà cho mẹ và chị Daria chứ?
- Đem bán cho bọn lái buôn ấy, - Ông già dịu giọng, - lấy tiền mà mua thuốc hút.
Grigori cắn môi bước theo bố: "Được, cha muốn làm gì thì làm, trói cẳng tôi lại, hôm nay tôi vẫn nhảy đi chơi cho mà xem". Chàng nghĩ thầm hằn học nhìn chằm chằm vào cái gáy cao phẳng, to đần đẫn của bố.
Về đến nhà, Grigori rửa rất cẩn thận cho sạch những đám cát đã khô trên vảy con cá chép rồi luồn một nhánh liễu nhỏ qua mang cá.
Ra đến cổng thì gặp Mitka Korsunov, một thằng bạn cùng tuổi chơi với nhau đã lâu. Mitka vừa đi vừa nghịch nghịch đầu cái dây lưng làm bằng những mảnh bạc ghép lại. Hai con mắt tròn xoe của nó trâng tráo đưa đi đưa lại sau hai hàng mi với một ánh vàng hoe trơn như dầu. Đồng tử Mitka dài và thẳng đứng chẳng khác gì mắt mèo, vì thế trong con mắt của nó như có cái gì luôn luôn brến đổi, khó nhận ra.
- Đem cá đi đâu đấy?
- Chiến lợi phẩm hôm nay đây. Mang đi bán cho bọn lái buôn.
- Đem đến nhà Mokhov phải không?
- Đúng đấy.
Mitka nhìn con cá chép và thử đoán.
- Mười lăm phun-tơ (3) phải không?
- Mười lăm rưỡi. Cân bằng cân lò xo rồi đấy.
- Cho mình đi cùng nhé, mình sẽ mặc cả cho.
- Đi thì đi.
- Thế thết mình một chầu chứ?
- Chúng mình sẽ thoả thuận sau, không nói lời thừa làm gì.
Những người vừa dự lễ mi-sa dang toả ra các phố. Ba anh em một nhà cùng đi thành hàng ngang trên đường. Cả ba cùng mang biệt hiệu là"Samin"(4)
Người anh cả là gã cụt tay Aleksey đi giữa. Cổ áo quân phục quá chật làm cái cổ gân guốc của gã cứ phải vươn thẳng lên. Chòm râu xoăn thưa thớt vểnh hếch sang một bên, như cái nêm, nom rất ngang ngạnh. Gã luôn nháy lia lịa con mắt bên trái, như người mắc bệnh thần kinh. Trước đây đã lâu, trong một cuộc thi bắn, khẩu súng trường đã nổ hậu ngay trong tay Aleksey, một mảnh quy-lát đã xé rách một bên má gã. Từ ngày ấy, con mắt bên trái cứ vô duyên vô cớ nháy vô tội vạ. Nhưng cái sẹo xanh xanh nằm chéo ngang má thì được những sợi râu cứng mọc che hết. Tuy tay trái bị phạt cụt đến khuỷu nhưng Aleksey vẫn có thể chỉ dùng một tay cuộn lấy thuốc hút rất khéo, không bao giờ hỏng. Hắn kẹp túi thuốc vào bộ ngực nở nang, lấy răng xé một mẩu giấy đủ dùng, uốn cong lại, dốc thuốc vào thế là mấy ngón tay bắt đầu cuộn thoăn thoắt, xong lúc nào không biết. Mắt người xem còn chưa kịp theo dõi thì đã thấy Aleksey nhai nhai điếu thuốc nằm gọn lỏn trên môi mà nháy mắt xin lửa.
Tuy chỉ có một tay, nhưng Aleksey lại là quyền thủ vô địch trong thôn. Nắm tay gã thật ra cũng không to đặc biệt, bất quá chỉ bằng quả dưa dại, nhưng có lần đang cày, gã điên tiết với con bò. roi lại rơi đâu mất, gã bèn cho luôn con bò một đấm. Con bò lăn kềnh luôn ra luống cày, máu rỉ cả ra tai, chữa mãi mới khỏi.
Hai người em của Aleksey là Marchin và Prokho thì giống anh đến chân lông kẽ tóc. Cũng cái tướng ngũ đoản, người to đần đẫn bằng cây sồi, chỉ khác một điều là cả hai đều tay chân đủ đôi.
Grigori chào hỏi ba gã Samin, còn Mitka thì lặng thinh quay mặt đi chỗ khác, làm xương cổ kêu răng rắc. Trong một cuộc đấu quyền hôm lễ tiễn mùa đông., Aleksey Samin đã chẳng thương gì hàm răng non nớt của Mitka, vung tay cho nó một quyền trời giáng, thế là Mitka đã phải nhổ hai chiếc răng hàm lên lớp băng xanh xanh đã bị dẫm nát dưới những gót ủng đóng cá sắt.
Lúc đi tới ngang Grigori và Mitka, Aleksey nháy mắt liền năm sáu cái:
- Bán cho mình con cá đi!
- Mua thì mua.
- Đòi bao nhiêu?
- Một đôi bò mộng, thêm cái mụ nhà anh nữa.
Aleksey nheo mắt vung mẩu tay cụt:
- Kỳ cục thật, chà, thật là kỳ cục?… Hà-hà-hà… thêm cái mụ nhà mình… Thế còn mấy đứa nhóc có lấy không?
Grigori nhe răng cười:
- Thôi giữ lấy mà nuôi, kẻo cái họ Samin nhà các anh tuyệt tự mất.
Một đám người xúm đông trên cái bãi bên cạnh hàng rào nhà thờ.
Lão thầy cả trong nhà thờ đứng giữa đám. Lão nâng một con ngỗng trên đầu, rao to: "Nửa rúp đây? Có người trả rồi đấy. Ai trả hơn không?"
Con ngỗng quay đầu đi quay đầu lại, hai con mắt xanh như ngọc lam nheo nheo đầy vẻ khinh bỉ.
Trong đám người bên cạnh, một ông già nhỏ bé, tóc bạc, ngực đeo những huân chương chữ thập và huy chương, đang hoa chân múa tay.
Mitka đưa mắt ra hiệu cho Grigori:
- Ông Grisaka nhà mình đang thiên la bát sát về chuyện chiến tranh Thổ nhĩ kỳ đấy. Lại nghe cái nhé!
- Chúng mình nghe xong thì con cá đã có mùi, đã trương lên rồi:
- Càng trương càng nặng cân, chúng mình càng lợi.
Cái mái màu xanh lá cây của nhà Mokhov đã hiện ra trên cái bãi sau nhà kho chứa đồ chữa cháy. Trên bãi ngổn ngang những chiếc thùng chữa cháy và càng xe gãy. Trong khi đi qua nhà kho, Grigori nhổ toẹt một bãi và đưa tay lên bịt mũi. Từ sau những cái thùng, một lão già đi ra, tay còn đang cài móc quần, răng còn cắn giữ cái khoá dây lưng.
- Không nhịn được nữa hay sao? - Mitka hỏi.
Lão già loay hoay xong với cái khuy cuối cùng rồi nhả cái khoá dây lưng trong miệng ra.
- Việc gì đến mày hử?
- Phải dí mũi lão xuống mới được! Cả râu nữa! Cả râu nữa! Để mụ già nhà lão kỳ cọ hàng tuần không sạch cho biết thân.
Lão già phát khùng:
- Thằng chết tiệt, ông giầm đầu mày xuống bây giờ!
Mitka đứng lại, cặp mắt mèo của nó nheo nheo như chói nắng.
- Hừ, lão tưởng lão quí báu lắm đấy phỏng? Cút mẹ lão đi, đồ chó đẻ? Nếu không thằng nầy cho lão vài cái dây lưng bây giờ!
Grigori vừa cười vừa bước tới bên thềm nhà Mokhov. Lan can chạm đầy những dây nho dại. Nắng lười nhác in lên thềm những cái bóng lốm đốm.
- Chà Mitka, người ta sống như thế nầy đây…
- Cả đến quả đấm cửa cũng mạ vàng. - Mitka hé mở cái cửa thông ra sân thượng rồi phì cười - Mình phải đưa ông mình tới đây mới được!
- Ai đấy? - Trên sân thượng có tiếng hỏi vọng ra.
Grigori rụt rè bước vào trước. Đuôi con cá chép kéo lệt sệt trên sàn gỗ sơn.
- Các anh hỏi ai thế?
Một cô gái đang ngồi trên một chiếc ghế chao bằng đồ đan, trong tay cầm một đĩa dâu. Grigori nín lặng nhìn trân trân cặp môi mọng hồng hồng hình trái tim vừa mút xong một quả dâu. Cô gái nghiêng nghiêng đầu nhìn hai anh chàng đang đi tới.
Mitka đằng hắng, nói đỡ lời Grigori:
- Cô có mua cá không?
- Cá ấy à? Chờ một lát tôi sẽ trả lời ngay.
Cô gái nói xong dấn cái ghế chao đứng dậy, cặp chân không đi bít tất kéo lệt sệt đôi giày vải thêu. ánh nắng chiếu thấu qua chiếc áo dài trắng, Mitka lờ mờ nhìn thấy những đường nét của cặp giò mập mạp và đoạn đăng ten rộng lượn sóng dưới gấu chiếc váy lót.
Nó không khỏi ngạc nhiên trước hai bắp chân để trần trắng muốt như sa-tanh, chỉ ở chỗ hai gót chân tròn tròn là da hơi vàng vàng như mau sữa.
Mitka hích khuỷu tay vao Grigori:
- Trông kìa, Griska, váy gì mà… mà như thuỷ tinh ấy, nhìn suốt qua thấy tất tần tật.
Cô gái bước trong cửa hành lang ra, nhẹ nhàng ngồi xuống chiếc ghế bành.
- Hai anh vào trong bếp kia.
Grigori rón rén bước vào nhà trong. Mitka đứng dạng chân, nheo mắt nhìn đường ngôi trắng trắng nằm giữa hai mái tóc vàng óng hình bán nguyệt úp hai bên đầu cô gái. Cô gái nhìn khắp người Mitka bằng hai con mắt tinh nghịch và bướng bỉnh.
- Anh là người vùng nầy chứ?
- Vâng, tôi ở ngay đây.
- Nhà ai thế?
- Nhà Korsunov.
- Thế tên anh là gì?
- Mitka.
Cô gái nhìn chăm chú hai hàng móng chân hồng hồng của mình một lát rồi lại thu phắt chân về.
- Trong hai anh, anh nào đánh được cá đấy?
- Grigori đấy, cậu ấy là bạn thân của tôi.
- Thế anh có đánh bắt cá được không?
- Tôi cũng có đánh bắt cá, nhưng chỉ khi nào thích mới đi thôi.
- Câu bằng cần câu à?
- Cũng có câu bằng cần câu, chúng tôi gọi là "pritúc".
- Tôi cũng muốn đi câu cá xem thế nào, - Cô gái nín lặng một lát rồi nói.
- Được thôi, nếu cô thích thì chúng ta thử đi xem.
- Nhưng việc ấy làm thế nào sắp xếp được? Mà anh nói thật đấy chứ?
- Phải dậy sớm lắm mới được.
- Tôi sẽ dậy được, nhưng phải đánh thức tôi cơ.
- Đánh thức cũng được… Nhưng còn cha cô?
- Cha tôi thì có can gì?
Mitka bật cười:
- Lại cho là có trộm… Xua chó ra cắn.
- Chuyện ngớ ngẩn! Tôi ngủ một mình trong căn phòng ở góc nhà, phòng có cái cửa sổ kia kìa. - Cô gái giơ ngón tay chỉ - Nếu anh đến tìm tôi thì cứ gõ vào cửa sổ, tôi sẽ dậy ngay.
Trong bếp vẳng ra những lời nói ngắt quãng. Giọng Grigori thì ngượng ngà ngượng nghịu, còn giọng chị nhà bếp thì trầm trầm, trơn leo lẻo.
Mitka nghịch nghịch những mảnh bạc xỉn trên chiếc thắt lưng Cô-dắc của nó và nín lặng một lát.
- Thế anh đã có vợ chưa? - Cô gái cười nửa miệng và hỏi.
- Cô hỏi làm gì cơ chứ?
- Chẳng làm gì cả, tôi muốn biết đấy thôi.
- Thế thì chưa, tôi còn ở một mình.
Bỗng nhiên Mitka đỏ bừng mặt, còn cô gái thì vẫn mỉm cười tinh quái vừa nghịch một nhánh dâu trồng trong nhà kính rơi dưới sàn, vừa hỏi thêm:
- Thế anh Mitka nầy, bọn con gái có yêu anh không?
- Có cô yêu mà cũng có cô không yêu.
- Thế anh thử nói… vì sao mà mắt anh giống mắt mãn thế?
- Giống… mắt mãn ấy à? - Đến đây thì Mitka mất hết bình tĩnh.
- Phải, tôi muốn nói là giống mắt mèo ấy mà.
- Có lẽ lọt lòng mẹ đã như thế rồi… Tôi chẳng phải chịu trách nhiệm gì về chuyện nầy đâu.
- Thế anh Mitka à, tại sao ở nhà không lấy vợ cho anh đi?
Mitka bị bối rối một lát, đến lúc nầy đã trấn tĩnh lại được. Cu cậu cảm thấy trong lời nói của cô gái có cái gì như trêu chọc, bèn long hai con mắt vàng hoe lên:
- Người tôi sẽ lấy làm vợ còn chưa lớn lên.
Cô gái ngạc nhiên giương cao hai hàng lông mày, đỏ mặt đứng dậy. Phía ngoài phố có tiếng những bước chân đi trên thềm.
Cái mỉm cười kín đáo thoáng vẻ giễu cợt của cô gái làm Mitka cảm thấy như bị gai châm. Chính chủ nhà là Sergey Platonovich Mokhov đang nhẹ nhàng dậm đôi giày da hoẵng to tướng, đường bệ đưa cái thân hình to béo của lão qua chỗ Mitka vừa bước lánh ra.
- Đến gặp tôi à? - Lão chẳng thèm quay mặt nhìn Mitka, cứ vừa bước qua vừa hỏi.
- Cha ạ, họ mang cá đến đấy.
Grigori bước ra, trong tay không còn gì nữa.
Chú thích:
(1) Cách thân mật để gọi Grigori. (ND)
(2) Một ác-sin bằng 0, 711m. (ND)
(3) Một phun-tơ bằng 0,409kg. (ND)
(4) Tên một thủ lĩnh Dagestan nổi tiếng, đã chống lại Nga hoàng trong một thời gian rất dài. Lev Tolstoi đã viết nhiều về Samin trong tập Khatgiư Murat (ND)

Truyện SÔNG ĐÔNG ÊM ĐỀM LỜI NGƯỜI DỊCH Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Chương 119 Chương 120 Chương 121 Chương 122 Chương 123 Chương 124 Chương 125 Chương 126 Chương 127 Chương 128 Chương 129 Chương 130 Chương 131 Chương 132 Chương 133 Chương 134 Chương 135 Chương 136 Chương 137 Chương 138 Chương 139 Chương 140 Chương 141 Chương 142 Chương 143 Chương 144 Chương 145 Chương 146 Chương 147 Chương 148 Chương 149 Chương 150 Chương 151 Chương 152 Chương 153 Chương 154 Chương 155 Chương 156 Chương 157 Chương 158 Chương 159 Chương 160 Chương 161 Chương 162 Chương 163 Chương 164 Chương 165 Chương 166 Chương 167 Chương 168 Chương 169 Chương 170 Chương 171 Chương 172 Chương 173 Chương 174 Chương 175 Chương 176 Chương 177 Chương 178 Chương 179 Chương 180 Chương 181 Chương 182 Chương 183 Chương 184 Chương 185 Chương 186 Chương 187 Chương 188 Chương 189 Chương 190 Chương 191 Chương 192 Chương 193 Chương 194 Chương 195 Chương 196 Chương 197 Chương 198 Chương 199 Chương 200 Chương 201 Chương 202 Chương 203 Chương 204 Chương 205 Chương 206 Chương 207 Chương 208 Chương 209 Chương 210 Chương 211 Chương 212 Chương 213 Chương 214 Chương 215 Chương 216 Chương 217 Chương 218 Chương 219 Chương 220 Chương 221 Chương 222 Chương 223 Chương 224 Chương 225 Chương 226 Chương 227 Chương 228 Chương 229 Chương 230 Chương 231 Chương 232 (Chương kết)