Trấn Vosenskaia nằm trên bờ cát thoai thoải ở tả ngạn sông Đông. Trong số các trấn vùng thượng lưu, đó là trấn có trước nhất. Trước kia tên nó vốn là Trigonac, nhưng dưới triều hoàng đế Petr đệ nhất, Trigonac đã bị phá trụi rồi sau đó di tới đây và đổi tên là Vosenskaia. Có thời kỳ Vosenskaia đã từng là một chặng quan trọng trên con đường thuỷ lớn từ Voronez ra biển Azop. Sông Đông chảy đến trước thị trấn thì uốn cong như chỗ lượn của một cái bao cung Tarta, làm người ta tưởng như nó rẽ sang trái, nhưng khi đến gần thôn Batki, nó lại uy nghiêm tiến thẳng theo hướng cũ, cuốn những làn nước xanh lá cây in màu da trời, qua những nhánh núi đá phấn và những thôn nằm san sát trên bờ bên phải, qua những trấn thưa thớt trên bờ bên trái ra biển, ra tới biển Adôp xanh biếc. Tới ngang trấn Ust-Khopeskaia, sông Đông hợp làm một với sông Khop, và ở trước mặt trấn Ust-Medvedíkaia nó nhận thêm sông Medvedisa. Từ đấy về xuôi nó chảy với cơ man nào là nước giữa những thôn trấn đông dân làm ăn rất phát đạt. Vosenskaia toàn là cát vàng. Một trấn buồn tẻ, trơ trụi, không có vườn hoa. Trên quảng trường chính có một toà nhà thờ cổ, xám xịt qua thời gian, sáu dãy phố chạy song song với dòng sông. ỏ chỗ sông Đông lượn vòng để rời thị trấn chảy về thôn Batki, trong những đám tiêu huyền um tùm, bắt đầu có một cái hồ nom như một ống tay áo, rộng bằng lòng sông Đông mùa nước cạn. Chỗ cái hồ chấm dứt thì cũng vừa hết thị trấn. Trên một cái bãi nhỏ mọc đầy những bụi gai vàng óng, nhọn như kim, có ngôi nhà thờ thứ hai với cái mái màu xanh lá cây cũng như cái nóc tròn, lẫn với màu xanh của những cây tiêu huyền mọc trên bờ hồ bên kia. Ra khỏi trấn đi về phía bắc thì toàn là một thứ cát vàng như nghệ, với đám thông còm cõi, những cái khe lở đáy toàn đất sét đỏ nên nước cũng ánh màu hồng. Và trên những khoảng cát bị ngập khi có nước lũ, trên những gò cát to hạt đàng xa, lá đác có vài chòm thôn xóm, vài khu vườn quả bên lề các thôn hoặc vài đám cây liễu lởm chởm màu hung hung, nom như những hòn đảo. Một ngày chủ nhật tháng mười hai, một đám có tới năm trăm chàng trai Cô-dắc từ tất cả các thôn trong trấn kéo đến đem ngòm trên bãi trước nhà thờ cổ. Trong nhà thờ đang làm lễ mi-sa sắp xong, những nhịp chuông "Tôn xưng Chúa" vang lên dóng dả. Một viên thượng sĩ ra lệnh "tập hợp". Đó là một lão Cô-dắc khá nhiều tuổi, coi bộ rất hùng dũng, tay áo đeo lon tái đăng. Đám người vừa nãy còn ồn ào láo nháo chạy tản ra rồi đến xếp thành hai hàng dài so le. Vài tên hạ sĩ chạy dọc theo các hàng sửa lại các đoạn lượn vòng hoặc đứt quãng. - Thành bốn hàng ngang… - Lão thượng sĩ kéo dài giọng khoát tay với một cử động không hiểu có ý như thế nào, rồi hô nốt: - Bước! Lão ataman trấn đi vào bên trong dãy tường bao. Lão mặc quân phục, chiếc áo ca-pốt sĩ quan mới tinh, đinh thúc ngựa đập vào nhau leng keng. Một tên phái viên quân sự đi theo lão. Grigori đứng cạnh Mitka. Hai người khẽ nói chuyện với nhau. - Một bên ủng của mình bó chặt lấy chân, mình không chịu được nữa đâu, - Mitka than vãn. - Cố mà chịu, rồi sau nầy sẽ làm ataman. - Họ sẽ lôi cổ đi ngay đấy? Như để chứng thực cho câu nói của Mitka, lão thượng sĩ lùi một bước, xoay mình trên gót ủng: - Bên phải… quay! Năm trăm cặp chân đi ủng quay lạo xạo. - Vai trái đưa lên trước, đi đều… bước! Cái cửa xép trên dãy tường bao nhà thờ mở toang, đội hình hàng dọc của đám thanh niên Cô-dắc tiến vào, những cái mũ lông cất khỏi đầu lấp loáng. Tiếng chân bước rầm rập vang lên đến cái nóc bán cầu của nhà thờ. Lão cố đạo đọc lời tuyên thệ. Grigori đứng đấy chẳng chú ý nghe một lời nào. Chàng liếc nhìn vào mặt Mitka, thấy nó cứ nhăn như bị vì đau và xoay đi xoay lại bên chân bị bó chặt trong chiếc ủng. Cánh tay Grigori giơ lên tuyên thệ đã tê cứng, những ý nghĩ đắm đuối, hỗn loạn, quay cuồng trong đầu óc chàng. Chàng bước tới gần cây thánh giá, hôn chất bạc đã đẫm nước bọt của bao nhiêu miệng người, nhưng cứ hết nghĩ tới Acxinhia lại nghĩ tới vợ. Những hồi ức phiến đoạn liên tiếp thay nhau lóe lên trong óc Grigori như những ánh chớp lằng nhằng chữ chi: khoảng rừng, những thân cây nâu nâu dưới những cái tán xum xuê trắng toát như đeo những đai thắng huy hoàng bằng bạc, cái ánh ươn ướt, sáng bừng bừng trong hai con mắt đen láy của Acxinhia dưới chiếc khăn bịt đầu lồm xồm. Mọi người quay ra bãi. Lại đứng thành hàng ngũ. Lão thượng sĩ sỉ mũi, lén chùi ngón tay vào mặt lót áo quân phục, rồi bắt đầu nói: - Bây giờ các anh không còn là trẻ con nữa, mà đã là những tráng đinh Cô-dắc. Đã tuyên thệ thì phải hiểu rõ nhiệm vụ, bổn phận của mình. Một khi các anh đã lớn lên thành tráng đinh Cô-dắc thì phải bảo vệ danh dự của người Cô-dắc, phải vâng lời bố mẹ và phải cư xử cho đúng về tất cả các mặt khác. Trước kia là trẻ con thì còn có thể nghịch ngợm lung tung, có lẽ còn giật bờm tóc của nhau ở ngoài đường, nhưng từ nay thì phải nghĩ tới việc phục vụ sau nầy trong quân đội. Chỉ một năm nữa là các anh đã trở thành những binh sĩ hiện dịch. - Nói đến đây lão thượng sĩ lại sỉ mũi, lắc cho hết nước mũi trong lòng bàn tay, rồi lại đeo chiếc găng lông thỏ rất đẹp vào và nói: - Còn bố mẹ anh thì bắt đầu lo trang bị cho các anh thì vừa. Phải sắm cho mỗi anh một con ngựa chiến, nói chung đại thể là như thế… Thôi bây giờ các chàng trai dũng mãnh về nhà, cầu Chúa che chở cho các anh? Grigori và Mitka ra tới chỗ cái cầu thì đứng lại chờ các bạn trong thôn cùng về. Mọi người đi dọc theo bờ sông. Khói trong các ống khói tan ra bên trên thôn Batki. Vẳng tiếng chuông nhà thờ nhẹ nhàng, lanh lảnh. Mitka chống một đoạn cọc gãy có rất nhiều mấu, khập khiễng đi sau tất cả. - Cậu tháo ủng ra đi. - Một gã khuyên. - Mình bị cóng hỏng chân mất. - Mitka đứng lại, trù trừ. - Cậu cứ mang bít-tất mà đi. Mitka ngồi xuống tuyết, mím môi mím lợi kéo ủng ra, rồi khập khiễng đi với một bên chân tháo ủng. Lớp tuyết xốp xốp trên đường in rõ vết chiếc bít-tất móc tay rất dày. - Chúng mình về bằng đường nào bây giờ. - Aleksey Bêtnhiac nói. Nó là một thằng lùn choằn choằn, để bờm tóc rất dài. - Đi trên sông mà về. - Grigori trả lời thay cho tất cả. Mọi người chuyện trò huyên thuyên, vừa đi vừa xô đẩy nhau. Theo thoả thuận chung, từng người một lần lượt bị vật xuống tuyết rồi bị tất cả những người khác đè tên thành một đống. Trên đoạn đường giữa hai thôn Batki và Gromkovsky, Mitka là người đầu tiên trông thấy một con chó sói vượt sông Đông. - Nầy các cậu, có con chó sói độc… nó kia kìa! Hu-u-u-u! A-liu-liu-liu-liu-liu! Con chó sói chạy thêm vài xa-gien, vẻ lười nhác, rồi nghiêng nghiêng mình đứng lại cách bờ bên kia không xa. - Tóm lấy nó! - Ha! - Hu! Cái con chết tiệt! - Mitka ạ, nó lấy làm lạ không hiểu sao mày chỉ đi bít-tất mà không đi ủng đấy. - Xem kìa, nó cứ đứng nghiêng nghiêng, cổ nó cứng đờ. Nó không quay cổ được đâu. - Xem kìa, xem kìa, nó bỏ đi rồi? Con thú lông xám đen, nom như tạc bằng đá thiên nhiên, đuỗi thẳng cái đuôi như cái gậy, đứng lại một lát, rồi bất thình lình nhảy vọt sang bên, hoảng sợ chạy vào đám liễu mọc thành một đường viền trên bờ sông. Mọi người về tới thôn thì trời đã tối, Grigori đi trên lớp băng về tới ngõ nhà rồi mới leo tới cổng. Trong sân còn ngổn ngang mấy chiếc xe trượt tuyết bỏ không dùng nữa. Một đàn chim sẻ ríu rít trên đống củi xếp bên cạnh hàng rào. Đã ngửi thấy cái mùi quen thuộc của những nơi có người ở, mùi bồ hóng cháy và cái mùi hâm hấp của sân gia súc. Grigori bước lên thềm, ghé mắt qua cửa sổ nhìn vào trong nhà. Cây đèn treo toả ra trong bếp một thứ ánh sáng vàng đục. Petro đứng dưới ánh đèn, lưng quay ra cửa sổ. Grigori cầm cái chổi quét hết tuyết trên ủng rồi bước vào trong bếp giữa một làn hơi nước mù mịt như đám mây. - Tôi về rồi đây. Xin chào cả nhà. - Mày về sớm nhỉ. Có lẽ cóng lắm phải không? - Petro trả lởi, giọng vội vã. Ông Panteley Prokofievich ngồi gục đầu, hai khuỷu tay tì xuống đầu gối. Daria đạp cái guồng kéo sợi quay vo vo. Natalia xoay lưng về phía Grigori, đứng cạnh bàn, nhưng không quay lại. Grigori đưa nhanh mắt nhìn quanh căn bếp, rồi nhìn kỹ Petro. Nhìn thấy mặt của Petro đầy vẻ chờ đợi lo lắng, Grigori hiểu rằng đã có chuyện gì xảy ra. - Mày tuyên thệ rồi chứ? - Rồi. Grigori từ từ cởi áo ngoài, cố dành thì giờ để điểm thật nhanh trong óc tất cả các trường hợp ngẫu nhiên có thể gây ra bầu không khí chết lặng và cuộc đón tiếp khá lạnh nhạt nầy. Bà Ilinhitna ở nhà trong bước ra, vẻ mặt có đôi phần bối rối. "Chuyện Natalia rồi". - Grigori vừa nghĩ thầm vừa ngồi xuống bên cạnh bố trên chiếc ghế dài. - Mang ra cho nó ăn tối đi. - Bà Ilinhítca đưa mắt chỉ Grigori và bảo Natalia. Daria ngừng tiếng vo vo của chiếc guồng quay sợi, khẽ nhún nhảy hai vai cùng cả cái thân hình thon thon chẳng có vẻ gì là của một người đàn bà đã có chồng. Trong bếp lại lặng như tờ. Bên cạnh cái bếp lò dưới đất, hai mẹ con con dê vừa mới sinh nằm sưởi, thỉnh thoảng lại thở phì phì. Grigori ăn súp bắp cải, chốc chốc lại đưa mắt nhìn Natalia nhưng không thấy mặt nàng. Natalia ngồi chếch với Grigori, đầu nàng cúi gầm xuống đôi kim đan. Ông Panteley Prokofievich là người đầu tiên không chịu nổi cái cảnh tất cả mọi người đều ngậm tăm như thế nầy! Ông húng hắng ho, tiếng ho khàn khàn, rất không tự nhiên. - Natalia định trở về nhà nó đấy. Grigori chẳng nói chẳng rằng, cứ vun những miếng bánh mì rơi vãi, viên tròn lại. - Như thế là vì sao hử? - Ông bố hỏi, và người ta có thể trông thấy môi dưới của ông run bần bật (đó là triệu chứng đầu tiên báo trước một cơn cuồng nộ sắp nổ ra). - Con cũng chẳng rõ vì sao. - Grigori nheo mắt đẩy cái bát ra rồi vừa làm dấu phép vừa đứng dậy. - Nhưng tao thì tao biết! - Người bố nói giật giọng. - Đừng làm rầm lên như thế, đừng ầm cửa ầm nhà lên ông ơi? - Bà Ilinhitna can. Nhưng tao thì tao đã biết rõ vì sao! - Thôi, có việc gì mà phải to tiếng như vậy, - Petro rời chỗ cửa sổ đứng ra giữa phòng. - Đây là một chuyện cần phải giải quyết nhẹ nhàng cho thoả đáng: muốn ở lại thì ở, chẳng muốn ở thì đi đâu cũng được - Tao không trách con Natalia, tuy dù sao đó cũng là một điều nhục nhã và có tội với Chúa. Tao không trách nó: tội lỗi không do nó gây ra, mà chính là do cái thằng chó đẻ nầy? - Ông Panteley Prokofievich lúc nầy đã đứng tựa lưng vào bếp lò. - Thế tôi có lỗi với ai? - Mày không biết về bản thân mày à? Mày không biết à, đồ khốn nạn? - Tôi không biết. Ông Panteley Prokofievich đứng chồm lên, hất đổ cái ghế dài, xông đến sát trước mặt Grigori. Natalia để rơi cuộn len xuống đất, chiếc kim đan tuột ra nảy lên. Con mèo đang ở trên bếp lò nghe thấy tiếng lách cách bèn nhảy xuống rồi vẹo đầu, khòng chân, vờn cuộn len cho lăn tới bên chiếc rương. - Bây giờ thì tao bảo cho mày biết. - Ông già bắt đầu nói bằng một giọng cố trấn tĩnh và dằn từng tiếng - Nếu mày không muốn sống với con Natalia nữa thì cút ngay khỏi nhà tao, bước đi đằng nào thì bước! Tao đã nói thế đấy! Muốn bước đi đằng nào thì bước. Ông nhắc lại bằng một giọng bình tĩnh như ngày thường rồi quay lại nhấc cái ghế dài lên. Dunhiaska ngồi trên giường, sợ quá, cứ tròn xoe con mắt mà nhìn. - Cha ạ, con nói thế nầy cha đừng bực mình. - Giọng Grigori trầm nhưng rất vang, - không phải tự con đi lấy vợ, mà là cha lấy vợ cho con. Con có theo tán Natalia đâu. Nếu bây giờ muốn về với bố thì tuỳ ý? - Cả mày nữa cũng xéo khỏi nhà nầy? - Thì con xéo. - Cút mẹ mày đi ngay! - Tôi đi đây, lôi đi đây, cha chẳng phải giục! - Grigori cầm tay áo kéo lấy cái áo lông ngắn trên giường, lỗ mũi phập phồng, người run bắn lên trong một cơn tức giận điên cuồng, y như bố. Trong người hai bố con cùng chảy một dòng máu có pha máu Thổ nhĩ kỳ, vì thế trong lúc nầy, cả hai giống nhau một cách kỳ quặc. - Mày định đi đâu bây giờ hở con? - Bà Ilinhitna rền rĩ bíu lấy tay Grigori, nhưng Grigori đẩy mạnh mẹ ra và thuận tay đón bắt luôn chiếc mũ lông rơi trên giường xuống. - Mặc cho nó xéo đi, con chó dái dâm đãng nầy! Cút ngay, đồ đáng nguyền rủa! Xéo, xéo, cút ngay! - Ông già mở toang cánh cửa, gầm lên. Grigori chạy lao ra phòng ngoài, và những âm thanh cuối cùng mà chàng nghe thấy là tiếng Natalia oà lên khóc. Màn đêm giá băng trùm lên thôn xóm. Bột tuyết rơi từ trên bầu trời đen kịt xuống, nhọn sắc như kim. Băng trên mặt sông Đông nứt ra, nổ ầm ầm như tiếng đại bác. Grigori thở hổn hển chạy ra khỏi cổng chính. Đầu thôn đằng kia, có những tiếng chó sủa oăng oẳng đủ mọi giọng. Bóng tối mông lung như khói bị thủng lỗ chỗ vì những đốm lửa vàng vàng. Grigori chạy không mục đích theo dọc phố. Màu đen trong mấy khung cửa sổ của nhà Stepan lấp loáng như kim cương. - Griska! - Tiếng gào đau khổ của Natalia vọng từ trong cửa. "Tao không yêu được mày thì sao mày chẳng chết đi cho xong!" - Grigori nghiến răng ken két, càng rảo bước hơn. - Griska, quay lại đi anh ơi! Grigori bước lảo đảo như thằng say rượu, rẽ vào cái ngõ đầu tiên, và nghe thấy lần cuối cùng tiếng gọi ai oán, chỉ còn loáng thoáng vì quá xa: - Griska, anh yêu của em! Grigori đi ngang qua cái bãi, đến chỗ ngã ba đường thì đứng lại, để điểm trong óc lên tất cả các bạn quen, xem có thể ngủ nhờ nhà ai. Grigori dừng lại trước nhà Miska Kosevoi. Miska ở tách hẳn ra bên ngoài thôn, ngay dưới chân núi. Bà mẹ, Miska, đứa em gái chưa lấy chồng, và hai đứa em nhỏ: cả gia đình Kosevoi có ngần ấy người. Grigori bước vào sân, gõ lên cái cửa sổ của căn nhà đắp bằng đất trộn rơm. - Ai thế? - Miska có nhà không. - Có nhà. Nhưng ai thế? - Mình đây mà, Grigori Melekhov đây. Miska vừa chợp mắt, ngủ đang ngon, một phút sau mới mở cửa. - Cậu đấy à Griska? - Mình đây. - Đêm hôm thế nầy cậu có việc gì thế? - Cho mình vào trong nhà đã, vào trong ấy sẽ nói. Vào đến phòng ngoài, Grigori nắm lấy khuỷu tay Miska, nghĩ mãi chẳng biết nói sao cho tiện, bực cả mình. Cuối cùng chàng khẽ nói: - Cho mình qua đêm nay ở nhà cậu nhé… Mình vừa cãi lộn với gia đình… Nhà cậu thế nào, có chật lắm không? Mình thì nằm chỗ nào cũng được. - Cậu cứ vào đã chỗ nằm cũng sẽ tìm được thôi. Có chuyện gì mà cãi lộn thế? - Ối chao, người anh em ạ… sau hẵng hay… Cửa nhà cậu ở chỗ nào thế nhỉ? Mình chẳng thấy đâu cả. Miska sửa soạn cho Grigori nằm trên chiếc ghế dài. Grigori nằm xuống, rồi lấy cái áo lông ngắn trùm kín đầu để khỏi nghe thấy những tiếng thì thầm của bà mẹ Miska ngủ cùng giường với con gái. "Không biết bây giờ ở nhà thế nào nhỉ? Natalia có bỏ về không nhỉ? Thôi, từ nay cuộc sống sẽ chảy theo một dòng khác rồi. Mình dựa vào đâu bây giờ!" Nhưng một ý nghĩ đã nảy ra ngay trong đầu óc Grigori: "Ngày mai mình sẽ gọi Acxinhia, sẽ cùng với Acxinhia đi Kuban, đi thật xa khỏi nơi nầy… thật xa, thật xa…". Tuy Grigori đã nhắm mắt, nhưng trước mắt chàng cứ lờ mờ hiện ra những đỉnh núi trên đồng cỏ, những thôn xóm, những thị trấn mà chàng chưa thấy bao giờ, những nơi xa lạ với lòng chàng. Nhưng đằng sau những ngọn núi trập trùng dựng lên như những dãy tường khổng lồ, bên kia con đường xám xịt lại là cả một vùng trời đất xanh ngát như trong thần thoại đang vui vẻ đón chào, thêm vào đó còn có Acxinhia với mối tình nở hoa muộn màng, ngỗ ngược của nàng. Grigori ngủ thiếp đi với cả một nỗi lòng xao xuyến trước những điều mới lạ khôn lường đang lừ lừ tiến tới. Nhưng trước khi ngủ, chàng còn cố điểm lại xem có cái gì chưa nói ra được cứ đè nặng trong đầu óc mình, nhưng nghĩ đến mấy cũng không ra. Trong lúc chập chờn nửa tỉnh nửa mê như thế nầy, có cảm tưởng như những ý nghĩ trong đầu đang nối tiếp nhau rất trơn tru, đều đặn như một con thuyền đang thuận dòng trôi xuôi, bỗng bị một cái gì, có vẻ như một dải cát ngầm, chặn lại: Grigori cảm thấy rất khó chịu, tức anh ách, và cứ trằn trọc hỳ hục vật lộn với mọi điều ức đoán: "Có cái gì thế nhỉ? Có cái gì ngáng đường mình thế nầy nhỉ?" Nhưng sáng hôm sau, lúc Grigori tỉnh dậy, chàng đã nhớ ra: "Còn phải đi lính! Thế thì mang Acxinhia đi đâu bây giờ? Sang xuân đã phải đến tập trung ở trại, đến mùa thu là chính thức vào lính rồi… Đó chính là cái gậy chọc vào bánh xe đấy". Ăn sáng xong, Grigori gọi Miska ra phòng ngoài: - Miska à, cậu đến nhà Astakhov, nói lại hộ với Acxinhia rằng hôm nay trời bắt đầu nhá nhem thì lại chỗ cái cối xay gió nhé. - Thế còn Stepan? - Miska ngần ngại. - Cậu thử nghĩ cách xem, cứ làm như đến có việc. - Được, mình sẽ đi. - Cậu đi đi! Bảo giúp Acxinhia là thế nào cũng đến nhé. - Được! Lúc trời bắt đầu tối, Grigori đến ngồi bên cối xay gió, hút thuốc trong ốn tay áo. Sau lưng cái cối xay, gió thổi ràn rạt giữa những thân ngô khô. Một mảnh vải tuột chỉ đập phần phật trên những cánh quạt đã chốt chặt. Grigori cảm thấy như có con chim khổng lồ đang vỗ cánh bay lượn vòng trên đầu mình, nhưng không bay đi được. Vẫn chưa thấy Acxinhia đến. Bên phía trời tây, ánh hoàng hôn tím ngát đang phủ lên nền trời vàng đục. Bên phía trời đông, gió thổi một lúc một nhanh, một mạnh. Bóng đêm ập tới đuổi vượt vầng trăng bị vướng trong đám liễu. Khoảng trời trên cái máy xay đang màu da cam với những chỗ bầm xanh bỗng xám xịt lại như một cái thây ma. Từ trong thôn vẫn còn vẳng ra những tiếng động của công việc bận rộn còn lại trong ngày. Grigori hút liền một lúc ba điếu thuốc. Chàng dúi mẩu thuốc hút dở cuối cùng xuống tuyết rồi đưa mắt nhìn quanh trong lòng vừa mong vừa giận. Từ cái cối xay gió tới trong thôn, mọi vật cứ mờ dần rồi đen lại như nhựa chưng. Chẳng thấy có ai trong thôn ra. Grigori đứng dậy, vặn lưng, làm xương vai kêu răng rắc, vươn vai rồi bước về phía ánh đèn như mời chào trong khung cửa sổ nhỏ bên căn nhà của Miska. Chàng huýt sáo qua kẽ răng, đã sắp về tới sân thì thiếu chút nữa đâm sầm phải Acxinhia. Có lẽ nàng đang chạy hay ít nhất cũng cắm đầu cắm cổ rảo bước, vì thế cứ hổn hà hổn hển, cặp môi mát rượi thoảng một mùi thanh thanh không biết là hơi gió hay hương cỏ xa xôi trên đồng cỏ. - Đợi mãi, cứ tưởng em không đến. - Mãi mới tống cổ được Stepan đi… - Làm anh chết cóng rồi đây nầy, cái ả chết dẫm! - Em thì đang nóng ran đây, để em sưởi cho anh vậy. - Acxinhia mở rộng hai bên tà không cài khuy của chiếc áo lông kiểu sông Đông, choàng quanh người Grigori như dây hốt bố ôm quanh cây sồi - Nhưng anh gọi em có việc gì thế? - Hượm đã, nhưng buông tay ra… ở đây có người qua lại đấy. - Có thật là anh cãi lộn với gia đình không? - Anh bỏ đi rồi. Anh đã đến ở nhà Miska một ngày một đêm… Bây giờ sống như con chó hoang. - Anh định thế nào bây giờ? - Acxinhia đang ôm lấy Grigori bỗng buông hai tay ra rồi khép tà áo lông như bị lạnh. - Griska ạ, ta vào bên hàng rào đi. Sao lại đứng giữa đường thế nầy? Hai người bước sang bên đường. Grigori đá tung một đống tuyết để đứng dựa lưng vào một dãy hàng rào giá băng kêu răng rắc. - Anh biết không, Natalia bỏ về nhà bố mẹ rồi đấy! - Không biết… Nhưng thế nào cũng phải về thôi. Nếu không thì ở lại nhà anh làm gì? Grigori cầm lấy hai bàn tay giá lạnh của Acxinhia, kéo vào trong ống tay áo mình và nắm chặt những ngón tay trên bàn tay nhỏ nhắn của Acxinhia và hỏi: - Chúng mình sẽ thế nào bây giờ? - Anh yêu của em, em làm thế nào mà biết được? Anh thế nào thì em cũng thế. - Em bỏ Stepan chứ? - Bỏ không thương tiếc gì cả. Ngay bây giờ cũng được. - Cả hai chúng mình sẽ cùng đi làm thuê ở nơi nào đó, chúng mình sẽ sống được thôi! - Dù anh với em phải đi chăn bò, anh Griska… Miễn là được sống với anh. Hai người cứ đứng như thế một lát, đem hơi nóng trong người mình sưởi ấm cho nhau. Grigori không muốn bỏ về, cứ đứng quay đầu về hướng gió, mắt nhắm nghiền, cánh mũi phập phồng. Acxinhia rúc mặt vào nách Grigori, hít lấy hít để mùi mồ hôi thân thuộc và ngây ngất của chàng. Grigori không nhìn thấy cặp môi dâm đãng, nụ cười sung sướng vì hạnh phúc đã được thực hiện. - Mai anh sẽ đến nhà Mokhov, may sẽ kiếm được một việc làm. Grigori vừa nói vừa nắm bàn tay có những ngón tay đẫm mồ hôi của Acxinhia. Acxinhia không nói gì. Và cũng chẳng ngẩng đầu lên. Nụ cười vừa rạng lên trên môi nàng lúc nầy đã như bị gió thổi bay đi đâu mất. Hai con mắt nàng mở trừng trừng, đầy buồn thảm và hốt hoảng như con thú bị vây bắt. "Nói hay không nói bây giờ?" - Acxinhia chợt nhớ rằng mình đang có mang bèn tự hỏi. "Phải nói mới được", - nàng vừa quyết định như thế đã rùng mình hoảng sợ, xua ngay ý nghĩ rùng rợn đó. Linh tính của người đàn bà đã gợi cho nàng hiểu rằng bây giờ chưa phải là lúc nói ra chuyện ấy. Nàng hiểu rằng làm thế thì có thể vĩnh viễn mất Grigori, vì chính nàng còn chưa rõ trong hai người đàn ông, người nào là cha của đứa bé đang ngọ nguậy trong lòng mình. Cuối cùng nàng đã không nói nữa. - Sao em run bần bật thế? Lạnh à? - Grigori vừa hỏi vừa lấy tà áo lông cuốn chặt lấy người Acxinhia. - Em hơi lạnh một chút… Nhưng phải về thôi, anh Griska ạ. Nhỡ Stepan về nhà lại không thấy em. - Nó đi đâu thế? - Em bảo mãi hắn mới sang nhà Anikey đánh bài. Hai người chia tay nhau. Trên môi Grigori còn lưu mùi hương ngây ngất của cặp môi nàng, cặp môi quyện cái mùi không biết là của gió đông hay mùi hương xa xôi, khó tả của cỏ khô trên đồng sau trận mưa xuân. Acxinhia rẽ vào một cái ngõ. Nàng khom lưng, bước rảo gần như chạy. Đến trước cái giếng không biết của nhà ai, chỗ gia súc dẫm nát nhoét một đống bùn tích lại từ mùa thu, nàng bước không khéo bị trượt chân trên một mô đất giá băng. Bụng đau nhói, nàng phải nắm lấy một cái cọc hàng rào. Một lát sau thấy bớt đau, nhưng ở bên sườn có cái gì đầy sức sống cựa mình, giận giữ đạp mạnh liền mấy cái.