Ếch nhái kêu lên inh ỏi đủ các giọng sau rặng liễu bên bờ sông. Mặt trời đã lặn sau ngọn gò. Khí lạnh trước lúc hoàng hôn đã trải ra khắp thôn Setrakov. Những căn nhà in những cái bóng xiên xiên rất lớn xuống con đường khô ráo. Từ ngoài đồng cỏ, đàn gia súc làm bốc lên một làn bụi mù trên con đường về thôn. Mấy người đàn bà Cô-dắc ở bãi chăn nuôi về, vừa vung roi đuổi những con bò, vừa bàn tán huyên thuyên về những chuyện xảy ra. Trong các ngõ, những đám trẻ chân đất, mặt bắt đầu rám nắng, chơi nhảy cừu. Các cụ già ngồi chững chạc trên những bức tường đất đắp quanh các sân nhà. Toàn thôn đã gieo hạt giống xong. Chỉ còn vài nơi đang gieo nốt kê và hướng dương. Bên cạnh một ngôi nhà ở đầu thôn có vài người đàn ông Cô-dắc ngồi chơi trên những cây sồi hạ xuống chất ở đấy. Chủ nhà là một gã pháo thủ rỗ hoa. Anh ta đang kể một câu chuyện gì đó xảy ra trong cuộc chiến tranh chống Đức. Hai người khác ngồi yên lắng nghe: ông cụ láng giềng và con rể ông cụ là một gã Cô-dắc còn trẻ tóc xoăn. Người vợ của chủ nhà bước trên thềm xuống, cao, đẹp, đẫy đà như một ả quý tộc. Chị ta xách một cái thùng đi ra sân nuôi bò với cái dáng đi duyên dáng, đàng hoàng, thoải mái, đặc biệt của người đàn bà Cô-dắc. Vài món tóc xoã dưới chiếc khăn bịt đầu bằng vải trắng hồ lơ (chị vừa xếp những miếng phân ngựa khô vào trong lò để sửa soạn sớm mai nhóm lửa). Cặp chân không đi bít tất trong đôi ủng ngắn mũi nhọn nhẹ nhàng dẫm lên những đám cỏ non xanh rờn mọc um tùm trong sân. Tiếng dòng sữa chảy róc rách trên thành chiếc thùng vẳng đến tai ba người Cô-dắc ngồi trên mấy cây sồi. Chị chủ nhà vắt sữa xong mấy con bò lại quay vào trong. Chị hơi nghiêng người, tay trái cong cong như cổ con thiên nga xách thùng sữa đầy. - Anh Sema, anh chạy đi tìm con bò non về nhá! - Lên đến ngưỡng cửa chị gọi với ra, giọng véo von như hát. - Thế thằng Michiasca đâu? - Người chủ nhà hỏi. - Dịch tả dịch hạch nào biết được, nó chạy đi đâu rồi ấy. Chủ nhà thong thả đứng dậy, bước ra chỗ đầu nhà. Ông già và gã con rể cũng sắp sửa ra về. Bỗng có tiếng chủ nhà gọi từ chỗ góc nhà: - Cụ xem kìa, cụ Dorovey Gavnich! Cụ lại đây mà xem! Ông già và gã con rể đi tới chỗ người Cô-dắc. Người ấy chỉ như một quảng bóng màu đỏ. Sau đám bụi là những hàng bộ binh xe vận tải kỵ binh. - Quân đội, có phải không? - Ông già đưa tay lên che hai hàng lông mày bạc phơ, ngạc nhiên nheo mắt hỏi. Quân nào thế nhỉ, họ là những người nào thế nhỉ?- Chủ nhà lo lắng hỏi. Người vợ cũng bước từ trong cổng ra, trên vai khoác thêm một chiếc áo ngoài. Chị nhìn ra đồng cỏ rồi hốt hoảng ái chà một tiếng: - Người gì thế nhỉ? Lạy chúa Giêsu cứu thế, đông ơi là đông? - Xem ra chẳng phải là người tốt đâu… Ông già dẫm chân đứng lại một lát rồi bỏ về nhà và quát gã con rể bằng một giọng bực bội: - Vào sân đi, có gì mà nhìn! Đàn bà trẻ con chạy ra đầu ngõ, bọn đàn ông đi với nhau thành từng đám. Ngoài đồng cỏ, cách cái thôn chừng một vec-xta một đoàn quân đang tiến dài trên con đường. Gió đưa tới các ngôi nhà tiếng người lao xao, tiếng ngựa hí, tiếng bánh xe lăn. - Không phải người Cô-dắc đâu… Không phải người của chúng ta đâu. - Người đàn bà Cô-dắc nói với chồng. Người chồng chún vai: - Đã đành không phải là người Cô-dắc rồi. Hay là quân Đức? - Không, người Nga đấy… Xem kìa, chúng nó có mảnh giẻ đỏ kìa! - Chà, té ra là… Một gã lính cũ của trung đoàn Atamansky bước tới. Gã mặc áo lông, đi đôi ủng dạ, xem ra đang bị sốt rét: mặt gã vàng như màu cát, cứ như người mắc chứng hoàng đản. Gã nhấc cái mũ lông lồm xồm lên và nói: - Xem kìa, cờ của chúng nó là cờ gì thế? Quân Bolsevich đấy, - Đích thị chúng nó rồi. Vài người cưỡi ngựa tách rời đoàn quân, cho ngựa phi nước đại tới các thôn. Bọn đàn ông Cô-dắc đưa mắt nhìn nhau rồi lặng lẽ bắt đầu giải tán, bọn con gái và trẻ con bỏ chạy tán loạn. Chỉ năm phút sau các ngõ đã chết lặng. Đám người cưỡi ngựa tiến vào trong ngõ. Họ đánh ngựa bạt mạng, phi tới chỗ mấy cây sồi, chỗ ba người Cô-dắc mới ngồi trước đây mười lăm phút. Người chủ nhà vẫn đứng ở cổng. Người đi đầu có vẻ là chỉ huy. Hắn cưỡi một con ngựa nâu sẫm, đội chiếc mũ lông kiểu Kuban, khoác một cái băng lụa đỏ rất to bên ngoài chiếc áo sơmi màu cứt ngựa có thắt dây lưng quân đội. Hắn cho ngựa tiến tới trước cổng: - Chào bác chủ nhà! Mở hộ cổng ra cái… Bộ mặt rỗ của người lính pháo binh tái đi. Anh ta vội bỏ chiếc mũ cát két trên đầu xuống. - Nhưng các ông là ai cơ chứ? - Mở cổng ra! - Người lính đội mũ Kuban quát lên. Con ngựa nâu sẫm liếc hai con mắt hung hãn, nhai nhai cái hàm thiếc trong cái mõm sùi bọt, đá chân trước vào hàng rào. Người Cô-dắc ra mở cửa xép, bọn người cưỡi ngựa lần lượt tiến vào trong sân. Người đội mũ Kuban nhảy rất lẹ trên ngựa xuống, bước nhanh lên thềm với hai chân chữ bát. Trong khi những người kia còn đang xuống ngựa, hắn đã ngồi chĩnh chện trên thềm và đã kịp lấy hộp thuốc lá. Hắn châm thuốc hút và mời chủ nhà. Người nầy từ chối. - Bác không hút à? - Thôi cám ơn.- Bà con ở đây là người Cựu giáo à? - Không, Chính giáo… Nhưng các ông là ai cơ chứ? Người Cô-dắc hỏi, mắt đăm chiêu. - Chúng tôi ấy à? Các chiến sĩ Xích vệ của Tập đoàn quân xã hội chủ nghĩa số hai. Những người còn lại xuống ngựa, dắt ngựa bằng dây cương bước tới bên thềm và buộc ngựa vào lan can. Một gã thân hình cò hương, có món tóc xoã trước trán dài như bờm ngựa, bước về phía sân nhốt cừu gươm vướng cả vào chân. Làm như chính mình là chủ nhà, gã mở toang cánh cửa, khom người chui vào dưới mái nhà kho, nắm sừng lôi từ trong đó ra một con cừu thiến rất to, có cái khấu đuôi rất bự. - Petrichenko, lại giúp mình một tay! - Gã kêu lên giọng kim the thé. Một người lính nhỏ bé chạy bổ đến với cái áo ca-pôt kiểu áo ngẵn cũn. Người Cô-dắc chủ nhà vuốt râu giương mắt nhìn, chẳng nói chẳng rằng, cứ như đang đứng trong sân nhà người khác. Mãi đến khi con cừu đã bị lưỡi gươm cứa đứt họng, bốn cái chân khẳng khiu chỏng gọng lên trời, anh ta mới a hà một tiếng, bước lên thềm. Người lính đội mũ Kuban đi theo chủ nhà vào trong nhà. Cùng đi còn có hai gã nữa, một gã người Trung Quốc, một gã người Nga, nét mặt như dân Kamchatca - Bác chủ nhà ạ, bác đừng bực mình nhé? - Người đội mũ Kuban vừa bước qua ngưỡng cửa vừa nói to, giọng suồng sã. - Chúng tôi sẽ trả giá hậu cho. Hắn vỗ tay vào túi quần, cười sằng sặc từng đột rời bất thần bặt tiếng cười, nhìn chằm chằm người vợ chủ nhà. Chị ta mím môi đứng bên bếp lò, nhìn hắn bằng cặp mắt đầy kinh hoàng. Người lính Kuban quay về phía người Trung Quốc, đảo mắt nhìn quanh có ý nghi ngại rồi nói: - Nầy, cậu đi với bác, với nhà bác nầy nhé. - Hắn giơ ngón tay chỉ người chủ nhà - Cậu đi với bác ấy, để bác ấy lấy rơm cho ngựa ăn… - Bác để lại cho ít rơm nhá. Hiểu không? Chúng tôi sẽ trả giá hậu cho. Xích vệ không ăn cướp đâu. Thôi, đi đi bác chủ nhà, đi đi chứ? - Giọng nói của người Kuban rung lên như tiếng kim khí. Người dân Cô-dắc bị người Trung Quốc và người lính kia đi kèm, phải ra khỏi nhà, nhưng vừa đi vừa ngoái đầu lại. Anh ta mới bước trên thềm xuống đã nghe thấy giọng mếu máo của vợ, bèn chạy trở vào phòng ngoài, đẩy tung cửa. Cái móc nhỏ bật ngay khỏi lỗ. Gã đội mũ Kuban đang nắm lấy tay người vợ béo núng nính, phía trên khuỷu tay, cố lôi chị ta vào căn phòng trong tranh tối tranh sáng. Người đàn bà Cô-dắc đẩy ngực gã ra, chống cự lại. Gã định ôm ngang lưng, bế xốc chị ta lên thì vừa lúc ấy cánh cửa mở toang. Người Cô-dắc bước nhanh tới, lấy thân mình che cho vợ. Giọng anh ta kiên quyết và rất bình tĩnh. - Anh đến nhà tôi, tôi coi như khách… nhưng tại sao anh lại làm nhục đàn bà con gái nhà người ta? Anh làm trò gì thế hử? Bỏ cái trò ấy đi! Gươm dao súng ống của anh tôi không sợ đâu! Cần gì cứ lấy, muốn cướp thì cướp, nhưng không được xúc phạm đến đàn bà con gái nhà người ta! Trừ phi dẫm lên xác thằng nầy… Còn em, Nhiusca… - Anh ta quay sang nói với vợ, cánh mũi rung rung - ra ngay ngoài kia, sang bên nhà cụ Dorovey ấy. Không ở đây làm gì cả? Gã Kuban sửa lại cái băng đeo đạn trên áo sơ-mi, mỉm cười gượng gạo: - Bác làm gì mà nóng thế, bác chủ nhà? Đùa một chút cũng không được hay sao? Tôi vốn là thằng vua cù của đại đội đấy… Bác không biết à? Tôi cố ý đùa đấy thôi. Tôi định trêu cho bác gái ấy bực mình một chút, thế mà bác ấy đã làm ầm ĩ lên rồi… Nhưng bác đã lấy rơm cho chưa? Không có rơm à? Bên láng giềng có không vậy? Rồi gã huýt sáo, vung mạnh roi, bước ra ngoài. Chẳng mấy chốc toàn chi đội đã kéo đến thôn nầy. Tất cả khoảng tám trăm tay súng và tay gươm. Các chiến sĩ Xích vệ được sắp xếp cho nghỉ đêm ở ngoài thôn. Xem ra người chỉ huy đội không muốn cho họ vào ngủ trong thôn vì cũng chẳng tin tưởng gì những con người tứ chiếng, quân hồi vô phèng dưới quyền mình. Chi đội Chraxponsky thuộc Tập đoàn quân xã hội chủ nghĩa số hai bị đánh tả tơi trong những trận chiến đấu với bọn Gaiđamac và những đơn vị quân Đức tiến qua Ukraina, phải mở đường máu chạy về vùng sông Đông. Họ xuống xe lửa ở nhà ga Sevtukhopca, nhưng vì trước mặt lại có quân Đức nên phải hành quân qua khu du mục của trấn Migulinskaia với mục đích đánh xuyên lên phía Bắc tới tỉnh Voronez. Do ảnh hưởng của các phần tử côn đồ tội phạm nhan nhản trong chi đội, chi đội đã mất tinh thần, biến chất. Xích vệ tiến đếu đâu hoành hành càn bậy đến đấy. Ngày mười bảy tháng Tư họ bố trí nghỉ đêm ở gần thôn Setrakov. Tuy các cán bộ chỉ huy có đe nạt và ngăn cấm, nhưng binh sĩ vẫn kéo đàn kéo lũ mò vào trong thôn, cắt tiết cừu nhà người ta, cưỡng dâm hai người đàn bà Cô-dắc ở đầu thôn, vô cớ nổ súng trên bãi giữa thôn làm một người trong chi đội bị thương. Đến đêm các vọng tiêu đều bí tỉ (chiếc xe vận tải nào cũng có chở rượu theo). Trong khi đó ba người Cô-dắc cưỡi ngựa đã được dân chúng phái đi đem tin báo động tới các thôn lân cận. Ngay đêm ấy, thừa lúc tối trời, dân Cô-dắc thắng ngựa, đeo gươm súng, vội vã tổ chức những đội cựu chiến binh và bô lão, kéo đến Setrakov dưới sự chỉ huy của những tên sĩ quan sống trong các thôn, không có sĩ quan thì Chính phủ quản cũng được. Họ đến nấp trong các khe và sau ngọn gò, bao vây chi đội Xích vệ. Đêm ấy đã có những đám chừng nửa đại đội kéo đến từ Migulinskaia, Kolodetnyi, Bogomolov. Dân chúng ở thượng Tria, Napolov, Kalinov, Ayai, Kolodet cũng nổi dậy. Trên trời hai chòm sao Đại tiểu hùng tinh đã mờ hẳn. Trời vừa hửng, các toán Cô-dắc cưỡi ngựa đã hò hét vang trời đổ từ bốn phía tới xung phong vào chi đội Xích vệ. Một khẩu súng trường nổ loạn lên một hồi rồi cũng lắng đi. Cuộc chém giết diễn ra một cách lặng. Một giờ sau mọi việc đã được giải quyết xong xuôi: chi đội hoàn toàn bị tiêu diệt, hơn hai trăm người bị chém và bắn chết, gần năm trăm bị bắt làm tù binh. Hai đại đội pháo, mỗi đại đội bốn khẩu đội, hai mươi sáu khẩu súng máy nặng, một nghìn khẩu súng trường, một số đạn rất lớn bị lọt vào tay dân Cô-dắc. Chỉ một ngày sau, toàn Quân khu đã như nở hoa với lá cờ nhỏ màu đỏ của những tên liên lạc hoả tốc phi ngựa trên khắp các nẻo đường lớn nhỏ. Các trấn và các thôn đều náo động. Người ta lật đổ các Xô viết và vội vã bầu bọn ataman lên. Các đại đội của trấn Kazanskaia và trấn Vosenskaia kéo đến Migulinskaia bị muộn. Trong những ngày sau hai mươi tháng Tư, các trấn vùng trên của Quân khu sông Đông tuyên bố tách rời ra. Họ thành lập một quân khu riêng, đặt tên là Quân khu Đông Thượng. Vosenskaia được chọn làm trung tâm của Quân khu. Trấn nầy vốn đông dân, về diện tích và dân số chỉ thua có trấn Mikhailovskaia. Nhiều thôn cũ được vội vã ghép lại thành những trấn mới. Đã thành lập những trấn Sumilinskaia, Karginskaia, Bokovskaia. Thế là Quân khu Đông Thượng đã lôi kéo được mười hai trấn Cô-dắc và một quận thuộc Ukraina để tổ chức một đời sống tách rời trung ương. Nhập vào Quân khu Đông Thượng có những trấn dưới đây trước kia thuộc Quân khu sông Đông: Kazanskaia, Migulinskaia, Sumilinskaia, Elanskaia, Karginskaia, Bokovskaia và quân Ponomarievskaia; trước kia thuộc Quân khu Ust-Medvedisky có Ust-Khopeskaia, Kraxnovskaia, Slasevskaia, Fedor-Seerskaia. Dakha Akimovich Alferov, một viên tướng Cô-dắc người trấn Elanskaia, đã từng tốt nghiệp học viện quân sự, được nhất trí bầu làm ataman Quân khu. Về tên Alferov nầy, người ta nói rằng hắn chỉ xuất thân từ đám sĩ quan Cô-dắc gia thế đã xuống dốc mà làm nên được chính là nhờ vợ, một người đàn bà cương nghị và thông minh. Người ta nói rằng mụ đã xách tai thằng chồng vô tài bất tướng, không để hắn thở một phút nào, cho đến khi quá tam ba bận, hắn thi lần thứ tư trúng tuyển được vào học viện quân sự mới thôi. Trong những ngày gần đây, kể ra người ta cũng có bàn ra tán vào về tên Alferov nầy, nhưng cũng ít thôi, vì đầu óc còn đang bận suy nghĩ về việc khác.