Mùa thu Berlin không bao giờ đến trong lặng lẽ, thường nó bắt đầu bằng những ngày dài chợt nóng chợt lạnh, thoảng nắng thoảng mưa. Và khi những chiếc lá bạch dương bên bờ hồ Wannsee nhuộm lấm tấm vàng thả bóng trên dòng nước, thì mùa thu đến vội vã như đã khao khát chờ đợi tự bao giờ. Sẽ có một buổi sáng se lạnh, người ta bỗng thấy con đường mình đi sao vàng ngợp lê thê. Không có mùa thu nào kéo dài tận ba tháng mà chỉ có những ngày thu rực rỡ chóng tàn. Khi chiếc lá phong đỏ cuối cùng theo mưa gió sụt sùi cuốn đi thì cái rét căm căm đã kéo về xô dạt mây mù. Những cành cây xương xẩu khẳng khiu bên đường, những con người co ro âm thầm rảo bước, mỗi thứ đều trở nên lạc lõng bơ vơ trong cái thế giới cuối mùa thu. Lúc ấy người ta chỉ xao xác nghĩ đến một mùa đông dài đằng đẵng, nó đã rắp tâm đánh cắp thời gian để ngày rồi sẽ qua nhanh, đêm lại dài mãi vô cùng.Năm ấy, mùa thu đến sớm hơn bao giờ. Vừa vào đầu tháng chín, dù lá cây vẫn chưa đổi màu nhưng trời đã kéo lạnh khô khốc, gió táp vào mặt người rát buốt. Cái lạnh đó lại chẳng thể ngăn cản được niềm vui đang òa vỡ trong lòng những đứa trẻ vào ngày tựu trường đầu tiên. Những bước chân bé nhỏ cuống quýt trên hè phố, những ánh mắt rạng rỡ háo hức trong sân trường. Chỉ có nó là ở đó lạc lõng, co rúm trong cái lạnh vào thu. Nó không giống như cháu gái tôi và những đứa trẻ khác, chúng xúng xính trong bộ áo quần mới phẳng phiu, ríu rít giữa bao người thân đang vây quanh, nào hoa, nào kẹo, nào quà... Nó ngồi đó lặng lẽ một mình, xuề xòa trong bộ áo quần cũ kỹ, con gấu xám bạc màu nằm ngủ ngon trong tay. Giữa lúc ấy ánh mắt nó bắt gặp tôi, đôi mắt đen mở to dịu dàng, trong một phút giây gần gũi tôi bỗng nghĩ nó là một đứa bé đồng hương, một đứa con gái Việt Nam.Cô giáo chủ nhiệm dõng dạc đọc tên từng đứa. Bọn trẻ luống cuống chia tay cha mẹ, có đứa lại còn khóc thút thít, cứ như vào đến lớp cô sẽ giữ luôn trong đó không còn được về nhà nữa.- Sara Hanim.Cô bé mang cái tên Thổ Nhĩ Kỳ bước vội vã vào hàng, không có ai để mà nũng nịu chia tay. Tôi cứ mong nó nhìn mình một lần để mỉm cười với nó, để chia xẻ cảm giác cô đơn với một đứa bé xa lạ không cùng chủng tộc, lẻ loi giữa dòng người. Con gấu nằm trong lòng đứa bé bỗng tỉnh giấc, nó ngẩng đầu nhìn tôi cười bí hiểm:- Aufwiedersehen - Hẹn gặp lại. Thật buồn cười, ở cái thành phố hơn ba triệu dân này, người xa lạ dễ gì gặp lại nhau. Tưởng nó hẹn chơi, không ngờ rồi lại gặp nhau thật, mà cứ gặp hoài như mắc nợ nhau từ kiếp nào.Một buổi chiều tôi đi làm về ngang qua bờ hồ, con gấu nằm vắt vẻo trên một gốc cây mơ mộng nhìn trời đất. Cô chủ nhỏ của nó đang nhặt lá vàng xâu lại thành chuỗi cho một đứa bé trai lẽo đẽo theo sau. Tôi không ngờ nó nhận ra mình, đôi mắt đen ngỡ ngàng long lanh. " Mẹ ơi, mẹ ". Cái giọng Việt Nam rõ ràng êm ái mới dễ thương làm sao, nó chợt làm tôi xao xuyến trong một ngày trên đường phố châu Âu.Từ cái sạp báo mới mở bên đường ló ra một mái tóc uốn quăn lù xù của một người phụ nữ trung niên. Chị nhìn tôi cười sởi lởi:- Cộng mình phải không? Ôi, quý hoá quá. Cô ghé vào đây cho tôi hỏi thăm một tí đã. Bao nhiêu năm mới lại về đây để gặp được đồng hương để trò chuyện.Tiệm báo nhỏ xíu đóng bằng gỗ tạp, khoảng ba mét vuông, bên trong bề bộn sách báo, tạp chí, bánh kẹo, thuốc lá, nước ngọt... Còn lại một khoảng hạn hẹp vừa đủ kê hai chiếc ghế trong bầu không khí ngột ngạt. Gió từ hồ vọng đến, lao xao thuyền về. Những chiếc du thuyền trắng tấp vào bờ thả neo, hạ buồm chờ qua mùa đông.- Họ nói gì thế hở cô? - Chị thích thú nghe đoạn thuật lại những lời đối thoại trên thuyền, tấm tắc cười - Là người giàu thích thật đấy, chẳng có những nỗi lo tủn mủn vài xu như mình. Tiếng Đức tôi thì cứ dở hơi, nghe người ta cười đùa chẳng hiểu gì cả. Bố chúng nó lại là người Thổ, tiếng Đức cũng chỉ đủ bán bánh mì Döner. Tôi lấy lão ấy dạo từ Tiệp chạy sang, nhưng sống với nhau cứ như hai người xa lạ, ù cạc không hiểu gì nhau. Dạo bố lão ấy mất, tôi cũng phải theo về Thổ, cứ ngỡ về vài hôm tang ma không ngờ nó lừa mình phải ở đấy đến những năm năm. Năm năm làm dâu ở Taurus °, bảy năm làm vợ lão, bao lần bị đánh phải vào cấp cứu ở bệnh viện, cái ơn chạy giấy tờ cho tôi ở lại Đức đã chẳng còn. Khi các ông bà bác sĩ trong bệnh viện liên hệ với bên xã hội giúp đỡ cho thì tôi cũng ký luôn vào giấy ly dị và đơn khởi tố. Có lệnh tòa án hẳn hoi, lão ấy bị cấm đến gần mẹ con tôi trong vòng một trăm mét. Đến gần là tôi tri hô lên cho cảnh sát bắt ngay. Con giun xéo mãi cũng quằn. Cô xem, dao phay hẳn hoi đấy. Lúc nào tôi cũng đem theo, đến gần là tôi chém ngay. Chém chết đấy!Con dao sắt lạnh nằm trong giỏ xách, cái giọng kể rin rít vô cảm của chị cứ rờn rợn làm sao. Mà chị kể về mình cứ tỉnh bơ bơ như kể về ai đó. Đôi mắt không vui không buồn, chúng như mặt hồ thăm thẳm bóng đêm trong những ngày mùa đông.Mùa đông Berlin về trong nỗi buốt giá của thành phố sau cái chết của Hatun, cô gái Thổ Nhĩ Kỳ bị những người anh em ruột thịt bắn chết giữa đường phố, nhân danh cái gọi là " danh dự " gia đình Hồi giáo. Người ta xót xa tự hỏi, đâu là công lý, đâu là pháp luật của một đất nước tự do dân chủ? Những thứ trên giấy tờ đó đã chẳng thể bảo vệ cho một con người được sống, được yêu như một con người. Ở các trường trung học, đám học sinh Hồi giáo công khai ca ngợi bản án dành cho Hatun, đứa con gái phản loạn, dám từ bỏ những chuẩn mực đạo đức Hồi giáo chạy theo những dục vọng Tây phương sa đọa. Một mùa đông, người Berlin phải bất lực chấp nhận một sự thật cay đắng. Những đứa trẻ ngoại quốc sanh ra, lớn lên ở xứ sở này lòng mang đầy thù hận đối với đất nước, nơi mà - lẽ ra, lẽ ra - nó phải được xem như là một quê hương.Gió bờ hồ thổi tốc qua những hàng cây trơ trụi, đập phành phạch vào những tờ báo treo trên khung gỗ. Nụ cười Hatun thấp thoáng trong gió đông, nụ cười mang mãi một khát vọng tự do, một niềm tin vào quyền bình đẳng của người phụ nữ. Chiều tối về nhập nhòa, tiệm báo vẫn chưa đóng cửa nằm im lìm trong bóng hoàng hôn. Chị Thanh ngồi bất động trong xó tối tăm giữa đám hàng hóa bề bộn, ánh mắt sâu thăm thẳm như chính bóng đêm mờ mịt vây quanh.- Chúng nó dùng súng cô ạ, bắn vỡ cả mặt chị ruột mình trên đường mà vẫn không bằng chứng buộc tội. Không còn luật lệ gì nữa đâu. Không còn ai có thể bảo vệ được mình. Tuần vừa rồi không hiểu sao lão ấy lại tìm được đến đây, đánh què tay tôi rồi dọa sẽ bắt thằng bé đi về Thổ - Chị Thanh vén tay áo nhìn cánh tay sưng tím bất động, cố nuốt đi tiếng thở dài - Nó là con ông ấy, phải được nuôi dưỡng, giáo dục như một người Hồi giáo. Nếu mà tôi chết đi, các con tôi sẽ lại phải về nơi ấy, nơi tôi đã sống mòn mỏi năm năm trời, vô vọng. ... Dẫu tôi có chết đi cũng không dám mong anh ấy tha thứ. Tôi chỉ cầu xin anh ấy một lần hiểu cho tôi. Nhưng làm sao người ta hiểu được, cả một người đã sống qua bao mùa đông ở Đức như cô cũng có hiểu gì về cái lạnh của mùa đông. Những ngày đứng mãi mười tiếng giữa trời băng giá, cả thể xác cũng không thuộc về mình mà trở nên vô tri, vô giác như đám cây khô cứng bên lề đường. Những ngày mà tất cả vốn liếng dành dụm của mình bị bọn trấn lột cướp đi, giấy tờ tị nạn của mình cũng bị cảnh sát tịch thu. Một thân một mình giữa trời tuyết phủ không còn có ngày mai, không còn một chỗ để đi về, không còn một người để nắm lấy bàn tay. Những lúc ấy người ta chỉ mong một chút hơi ấm của đồng loại, để mình còn có thể trở lại thành người. Có bao giờ trong tận cùng sự cô đơn tuyệt vọng kia người ta lại tự hỏi, cái bàn tay đưa ra kéo mình lại gần ấy là của ai, cái con người muốn sưởi ấm mình đấy có phải là một thằng khốn nạn, vô loại nào không.Lúc ấy tôi lại chỉ muốn thoát khỏi những ngày mùa đông hai buổi đứng đường, thoát khỏi cộng đồng của những người đồng hương nơi xứ người bắn giết nhau vì miếng ăn. Cũng như những lần trốn chạy kinh hoàng qua những dãy nhà đổ nát, những cánh đồng lởm chởm cỏ gai để thoát khỏi cái cảnh, những thằng người như mình bị bọn cảnh sát Đức xô ngã xuống mặt đường, dẫm gót giày lên ngực, với câu hỏi bắn vào đầu như một bản án. "Verkaufst du Zigaretten?". Mày bán thuốc lá phải không?Đấy là những tháng ngày tôi cứ ngỡ mình đã đi đến tận cùng của nỗi khổ đau mà không biết, sẽ còn có những ngày nước mắt mình khô kiệt, không còn để mà khóc. Những điều như thế làm sao cô hiểu được.... Đoạn trường ai có qua cầu mới hay...Mùa đông rồi cũng qua đi, nhưng khó có thể nói, từ khi nào thành phố bắt đầu mùa xuân. Từ tháng ba, khi những đóa hoa huệ một ngày bất chợt nhô lên từ lòng đất, khoe những chiếc cánh rực rỡ, mong manh như lụa để rồi chỉ vài ngày sau đó lại bị gió tuyết dập vùi. Hay từ những ngày tháng tư bất thường, khi những cô gái Berlin tóc vàng như mật, da trắng như sữa nằm khoe mình phơi nắng trên bờ cỏ, để rồi vài ngày sau lại co ro trong chiếc áo choàng khép kín. Hay vào mùa tháng năm, khi hoa đào nở rộ dọc bên bờ sông buông những trận mưa hoa trắng xóa đất trời, lúc ấy trời đã thực sự ấm áp. Những chiếc du thuyền lại căng buồm trắng xóa dong duổi trên mặt hồ lấp lánh nắng.Tiệm báo nằm ven bãi cỏ xanh lấm tấm hoa anh túc đỏ, hoa bồ công anh vàng. Dưới những tán sồi già thoang thoảng màu hoa tiểu thanh tú tím mong manh. Mấy con chim sẻ nhảy nhót trên cành giẻ gai, nao nức gọi bạn tình về xây tổ. Từ bên thềm tiệm báo chị Thanh te tái chạy ra nắm tay tôi tíu tít:- Thời tiết tốt thế này lại buôn bán được. Báo chí tôi bán lấy lệ, lời vài xu, chủ yếu thu nhập nhờ vào hàng kem, nước giải khát cho khách dạo hồ. Hè này cô về Việt Nam cho tôi gửi ít tiền về cho con bé ở nhà. Nó năm nay đã hơn hai mươi rồi cô ạ, đang là sinh viên Sài gòn. Ở trong ấy khí hậu tốt lắm cô nhỉ, nghe bảo chỉ hai mùa mưa nắng, quanh năm ấm áp. Thích thật! Ôi dào, hoa cứ nở đỏ rực thế này vài hôm nữa lại nóng.... Không có hoa anh túc nơi nào lại đỏ thẫm như hoa bên hồ muối cạn Tuz Gölü °°). Chỉ sau vài cơn mưa xuân hoa đã cháy bùng lên nhuộm thắm cả đồng cỏ, nhuộm đỏ cả mặt hồ muối trắng thăm thẳm bóng chiều. Cả ánh mặt trời dần tắt, đàn sếu chân dài về đậu ven đầm cũng hóa đỏ. Trong những tháng ngày mòn mỏi ấy, cái màu đỏ ảm đạm của một ngày hấp hối đối với tôi sao quá thê lương. Ở Tuz Gölü chỉ có hai mùa. Mùa đông, gió từ dãy núi Taurus thổi về bão bùng, rét mướt. Những cánh đồng sũng nước nhão nhoét. Trên đấy người ta cày bừa trồng tỉa các loại hoa màu xứ lạnh. Tôi theo đàn gia súc dong duổi vào những thảo nguyên dài vô tận, cỏ mặn sắc cứng cứa vào da thịt đau buốt giá. Mùa hè hạn hán, mặt hồ thênh thang khô nước, trắng xóa muối, gió từ thảo nguyên hoang dại kéo qua hồ thành bão cát mặn chát. Đất trên đồng hóa khô cứng như đá. Sau đợt cày vỡ, người ta phải dùng chày vồ đập vụn từng mảng đất để gieo hạt. Giữa cái nắng thiêu đốt, bụi mù phủ lên những tấm áo choàng đen biến những người phụ nữ trên đồng thành những bóng ma trắng xóa. Đêm về tôi ủ đôi tay sưng vù nứt nẻ vào những tấm khăn nóng, nghe tiếng gió hoang dại thổi lồng lộng qua những cánh đồng cỏ xác xơ khô khốc. Nỗi cô đơn về bao bọc cuộc đời dày đặc như bóng đêm vây phủ.Những người phụ nữ sống quanh tôi, đôi mắt họ như dòng sông giữa mùa khô, đã cạn kiệt dòng nước chỉ còn những hố rãnh chứa đầy sỏi đá. Tâm hồn họ như biển hồ kia, mặn chát khô kiệt, không còn có thể nổi sóng. Tôi làm việc chung, ăn chung với họ, những đêm hè ngồi cùng họ bên đống lửa, nghe tiếng đàn của những người chăn cừu lắc lư, uốn éo, nhưng tôi không thể nào là một người như họ, một phần của cái tập thể ấy. Sau những trận đòn đau của lão vũ phu tôi lại ngã vào vòng tay của họ, để được an ủi, chăm sóc, để rồi phải cố gắng như họ, chấp nhận cuộc sống như một định mệnh an bài.Tôi sanh con bé Sa vào giữa mùa đông, bão tuyết phủ kín trên những con đường ra tỉnh. Ngôi làng nhỏ bị cô lập giữa thảo nguyên trắng xóa. Tôi trở dạ sanh con mình giữa những người xa lạ, giữa những bàn tay chuyên đỡ đẻ dê cừu. Trong cơn đau, nghe tiếng giông bão về gào thét cuồng nộ bên mái hiên nhà, tôi cứ sợ mình chết đi nơi đất khách quê người để rồi lại hóa thành ma quỷ cuốn theo những ngọn gió mùa, nghìn năm than khóc giữa thảo nguyên hoang dã, bạt ngàn. May rồi cũng mẹ tròn con vuông. Con bé lớn lên cùng những đứa trẻ khác, bò lết giữa đàn dê cừu như một đứa con của thảo nguyên. Tôi từ lúc nào cũng đã biến thành đất cát của đồng hoang, không còn tự hỏi mình là ai. Những ngày làm việc mệt nhoài không còn cả nỗi đau của thể xác, nối tiếp theo nhau che lấp khái niệm thời gian.Mãi đến khi con bé Sa được hai tuổi, một hôm té ngã từ lưng lừa bỗng bật khóc gọi: "Mẹ ơi, mẹ!". Đó là tiếng nói quê hương tôi nghe được sau bao tháng ngày dài đằng đẵng ở Taurus. Tôi ngã dụi xuống bên cạnh con bé, muốn òa lên khóc mà nước mắt mình đã khô cạn từ bao giờ. Ôi! quê hương, nhất định sẽ có ngày tôi trở lại. Dẫu thân tàn ma dại, dẫu có bị giam cầm tận chân trời góc bể nào, trái tim tôi vẫn hướng về nơi đấy. Bởi quê hương là nơi người ta vẫn mong mỏi một ngày cuối đời tìm về, gửi lại đấy nắm xương tàn.Không biết mẹ con tôi còn phải ở lại Taurus đến ngày nào, nếu thằng bé này không ra đời. Khi ấy ở làng không có nơi dạy học, chỉ có một trường tiểu học ở cách xa mười lăm cây số. Con bé Sa có lẽ cũng sẽ như những đứa con gái khác, lớn lên lăn lóc giữa đồng cỏ không cần chữ nghĩa. Tôi sanh được thằng quý tử, thuyết phục mãi ông ấy mới đưa về lại Đức cho con được học hành. Tôi về lại Berlin một ngày mùa hè, nắng ngập tràn trên những tháp chuông... Mùa hè Berlin lạ lắm, không bao giờ có thể đoán trước mà chỉ là chờ đợi.Có những năm mưa lạnh sụt sùi, suốt mấy tháng trời người ta chỉ co ro trong chiếc áo ấm, mong mỏi một ngày nắng gắt. Có những năm nóng ấm kéo dài mãi đến giữa tháng mười, kèm theo những đợt hạn hán ngắn ngày, khô hanh hanh. Nắng say nồng trải dài mải miết làm những quả anh đào trong vườn chín sẫm, cỏ dại bên đường cháy khô và những cô gái da màu hạt dẻ nằm phơi nắng bên hồ bốc lửa... Mẹ con bé Sara chờ tôi từ chiều. Con bé đứng bên đường ôm ghì trong tay con gấu, lúng lúng một câu tiếng Việt:- Tặng con gấu cho chị Tịnh.Tôi cầm con gấu xám trên tay, nó nhẹ tênh, không nặng như cái vẻ ngoài dềnh dàng, xù xì. Đôi mắt của nó vàng hoe, lóng lánh như hai mảnh ve chai, cháy rực lên tinh quái. " Này cô gái, vậy là ta phải đi chung cả một đoạn đường dài ". Vớ vẩn! Tôi tóm đầu gã phù thủy nhét luôn vào túi nylon.- Cô đem về hộ cho em - chị Thanh áy náy phân bua - con bé vẫn hay nghe tôi nhắc đến chị nó, đến làng quê cũ của mẹ. Tôi cũng định cho chúng nó về thăm quê mẹ nhưng vé máy bay cho cả ba mẹ con tốn kém quá, cái Tịnh lại đang cần tiền đi học. Hàng quán tôi cũng vừa mở không giao lại được cho ai. Thôi, cô cứ về bảo em nó gắng học, gắng để dành tiền mua một căn nhà nhỏ ở Sài gòn để mẹ về sống chung. Tôi cũng chẳng còn mặt mũi nào mà về làng cũ, cô ạ. ... Dạo tôi quyết định đi lao động hợp tác, anh ấy cứ ngăn cản mãi, bảo rằng, nhà có khoai ăn khoai, có cháo húp cháo, đừng tan đàn xẻ nghé. Nhưng lúc ấy khổ quá cô ạ, chỉ nghĩ xa nhau vài năm mà đỡ khổ cả cuộc đời. Khi chia tay cứ phải nuốt nước mắt vào lòng để mà đi. Con bé Tịnh lúc ấy mới bốn tuổi, nắm hoài tay mẹ bảo: "Mẹ đi ít bữa về sang nhà cụ Tuấn xin con cún về nuôi nhé, mẹ!" Vậy rồi tôi đi biền biệt, cuộc đời trôi dạt mãi đến nay. Mười lăm năm bươn chải ở xứ người, một ngày tóc trắng như tay tôi mới hiểu. Bao nhiêu tiền thì gọi là đủ? Bao nhiêu tiền thì mua được một mảnh hạnh phúc?Thời gian đầu xa con bé tôi nhớ nó quay quắt, nhưng đó chỉ là nỗi nhớ bình thường của người mẹ xa con. Có những lúc công việc nhọc nhằn cũng kéo tôi xa dần nỗi nhớ thương. Mãi đến khi sanh con bé Sa ở chốn quê người tôi mới nhớ cái Tịnh đến đớn đau. Những buổi chiều con bé Sa chạy theo chân tôi gọi: "Mẹ ơi, mẹ! ", tôi thẫn thờ tự hỏi, không biết cái Tịnh có còn nhớ đến mẹ nó không. Tôi khao khát được gặp lại con, thèm những buổi chiều bên bờ ao kỳ rửa tay chân cho nó, tay chân nó đen đủi, ốm khẳng khiu thương lắm. Tôi thèm lại được đưa cái lược cùn, gãy răng lên chải mái tóc lơ thơ, khét nắng của con. Thèm nhìn thấy con ngủ trong đụm rơm, hai má lấm lem bùn đất, tấm áo vá ngắn cũn cỡn phơi cả cái rốn lồi tênh hênh. Thèm ngồi bên hè tẩn mẩn lột vỏ củ khoai lang, đưa lên miệng cho con cắn rồi nhìn cái mồm đầy khoai của nó đang toét ra cười.Giờ đây tôi muốn viết thư cho con nhưng lại chẳng biết phải bắt đầu như thế nào. "Con yêu thương của mẹ", những lời nói ấy liệu một người mẹ như tôi có còn thốt ra suôn sẻ được nữa không? Một người mẹ bỏ đi biền biệt để không còn có cả cái may mắn được ngắm nhìn con gái mình lớn lên mỗi ngày, trổ mã xinh xắn...Mà con bé Tịnh xinh thật. Nó không xinh như một cô gái làng quê châu thổ sông Hồng, mà đỏm dáng như một cô gái Sài Gòn thời thượng. Chiếc xe máy bóng loáng, đôi giày cao gót mỏ nhọn như mỏ chim, hàng chân mày xâm mảnh cong như hai cánh cung. Nó ngồi trong phòng khách nhà mẹ tôi, đôi lông mày cánh cung nhướng cao như sắp bật ra những mũi tên nhọn hoắt. Nó trố mắt nhìn con gấu xù lem luốc, món quà đến từ Tây Âu văn minh. Bàn tay có những cái móng hồng hồng lấp lánh của nó thộp đầu con gấu đẩy qua một bên, đếm xoèn xoẹt xấp tiền trong bao thư. Rồi nó cười nhạt thếch:- Mẹ em buồn cười thật đấy, ở bên ấy đang kiếm tiền được lại đòi về Việt Nam làm gì. Lại cứ bảo "Sài Gòn hai mùa mưa nắng". Hai mùa mưa nắng nhạt nhẽo lắm. Mùa mưa cứ sụt sùi mãi, mọi thứ đều ẩm ướt nhòe nhoẹt. Mùa nắng thì bụi mù khô khốc. Làm gì có những mùa thu lá vàng rực rỡ, những công viên tràn ngập sắc hoa, những cánh rừng tuyết phủ trắng xóa...như những tấm hình mà mẹ vẫn gửi về. Mẹ về đây sống lại sẽ thất vọng thôi. Bố em bảo, mẹ ngày xưa là học sinh giỏi văn cấp huyện, cuộc đời mẹ chỉ chạy theo những giấc mơ được tô vẽ.Nắng Sài Gòn óng ả bên hiên nhà, những âm thanh xôn xao quen thuộc của thành phố vọng vào lãng đãng. Tôi tiễn nó ra sân, ngượng ngùng gượng gạo. Cứ mong nó nói một điều gì tử tế, một lời nhắn gửi - dù là ngắn ngủi - để tôi hoàn tất nhiệm vụ đưa thư của mình, để những ngày về thăm quê trọn vẹn những niềm vui.Mẹ tôi đứng bên hiên lúi húi buộc lại mấy giò phong lan. Mái tóc mẹ điểm bạc lòa xòa trên trán lấm tấm mồ hôi. Con bé cất tiếng chào lễ phép: " Cháu chào bác ạ!". Bỗng nhiên rồi nó thở dài rất nhẹ, mong manh. Tiếng thở dài ấy kéo tôi đi theo Tịnh suốt con đường hẻm quanh co lúp xúp quán hàng. Hai đứa len lỏi giữa những đứa bé bò lồm cồm bắn bi trên đất, bên cụ già hàng rong gánh gồng vất vả, dưới cái nắng ngọt ngào của thành phố quê hương. Tịnh dừng xe dưới gốc cây nhãn nhà bà Tám, mắt nó vướng bụi đường hoe hoe đỏ. -... Mẹ em cũng chẳng còn trẻ nữa. Dạo mẹ đi em cứ khổ sở mãi. Những buổi chiều về chỉ có hai bố con trong gian nhà tranh quạnh quẽ. Bên bếp lửa bập bùng, cái bóng gầy lòm khòm của bố in trên vách đất nhập nhòa. Bố chẳng như vợ chàng Trương chỉ vào bóng mình mà dối gạt con, mẹ đấy, con đùa với mẹ đi.. Bố cũng chẳng như nàng Tô Thị, bồng con lên núi chờ vợ mà chết khô, chết lãng thành đá vọng thê để được người đời xưng tụng những hư danh. Bố chỉ nắm mãi tay em ngậm ngùi: "Mẹ sẽ không về nữa, con ạ! Bố con mình phải chịu đựng với nhau thôi. Con cố lên cùng bố". Nhưng em không tin bố, lại còn giận bố vì những điều tàn nhẫn ấy. Em vẫn nhớ lời mẹ, vẫn chờ mãi một ngày tấm áo nâu của mẹ sẽ hiện ra ở cuối con đường làng. Mẹ và em sẽ sang nhà cụ Tuấn xin con cún về nuôi... Con cún rồi cũng lớn lên, sanh con đàn cháu đống, trở thành bà, thành cố rồi chết già bên thềm nhà cụ Tuấn. Những buổi chiều vẫn trôi qua âm thầm, chỉ hai bố con bên nồi khoai luộc. Cũng khoai, cũng sắn, cũng cơm cà đấy, nhưng sao bố nấu nhạt nhẽo thế nào. Hai bố con trệu trạo nuốt rồi nhìn nhau ứa nước mắt. Mẹ vẫn không về.Những tấm hình mẹ bên những đại lộ thênh thang lúp xúp ô-tô, trước những cửa hiệu sáng loáng ánh đèn, quần bò áo phông, cứ mỗi lúc một xa lạ đến đau lòng. Khi một ngày em hiểu, tiếng gọi "Mẹ ơi, mẹ " mà em hằng khao khát sẽ chẳng bao giờ còn được thốt ra với thăm thẳm yêu thương tự đáy lòng, thì lúc ấy em mới tin lời bố. Bố con em chỉ còn là những cái bóng trong quá khứ của mẹ.Giữa lúc này, khi bố em đã nguôi ngoai làm lại cuộc đời ở tuổi xế chiều, khi em nhắc đến mẹ chỉ là để khoe khoang với bạn bè chứ không còn xao xuyến thì mẹ vẫn bảo, sẽ trở về. Vẫn cứ bảo thế sau năm năm dài biền biệt không tin tức. Một ngôi nhà nhỏ cho mẹ em cũng sẽ cố dành dụm, mưa nắng Sài Gòn cũng vẫn còn mãi đấy chờ mẹ. Nhưng em biết, mẹ sẽ chẳng quay về... Lúc tôi quay vào nhà thì con gấu xù bị bỏ quên đang nằm vắt cẳng trên ghế, nó gườm gườm nhìn ra giận dỗi:- Con bé sẽ chẳng quay lại tìm tôi.Tôi mặc kệ lời con gấu, vẫn chờ đợi, chờ hết một buổi chiều tiếng chuông gọi cửa, rồi chờ hết một tuần tiếng điện thoại reo. Ngày chuẩn bị ra đi, ngoài nỗi buồn chia tay người thân, nỗi buồn xa thành phố, còn cả món "nợ đời" phiền toái. Tôi không biết phải làm gì với con gấu ranh mãnh kia. Nó nằm co ro ở góc nhà đầy bụi bặm, giữa đám bao nylon và giấy gói hàng vừa thải ra thành rác, đôi mắt già nua mờ đục nhìn tôi van vỉ:- Xin đừng để tôi lại với những người xa lạ. Tôi muốn về quê hương.Ôi, con gấu Thổ Nhĩ kỳ kia, quê hương mày ở đâu?- Quê hương là nơi mình chôn dấu những kỷ niệm yêu thương.Vậy là con gấu theo tôi lên đường trở lại Berlin, một ngày mùa thu. Từng đàn nhạn di trú về Nam cất tiếng kêu giã từ buồn hiu hắt cả một góc trời. Những quả dâu dại sau một mùa say nắng tím thẫm, nằm ngủ quên trên cành. Lá bạch dương vàng, nắng mong manh vàng, hoa quỳ dại vàng, ngẩn ngơ bờ dậu. Con đường tôi đi vàng mải miết bên bờ một dòng sông êm đềm không bao giờ nổi sóng. Sông kia rồi sẽ về biển, khi dòng nước đã chảy mỏi mòn nhuốm đầy cát bụi thời gian, cặn bã cuộc đời. Lá kia rồi sẽ rụng về cội, khi tấm thân đã héo úa phai tàn, không còn nơi để bấu víu. Không phải bởi mùa thu mà con đường tôi đi làm bây giờ lại hóa vòng vèo dài lê thê. Có một tiệm báo cô độc, vắng chủ bên kia bờ hồ, nơi tôi sợ sẽ phải ngang qua để những dấu hỏi lặng thầm lại vây phủ lòng mình không một lời giải đáp. Không ai biết gì thêm về mẹ con chị. Lần cuối cùng người ta nhìn thấy chị, khi chiếc xe cấp cứu đến chở người đàn bà bị thương, nằm thoi thóp bên bờ cỏ vào bệnh viện. Trên bước đường luân lạc dài mờ mịt kia, có một ngày nào đó chị về đến được thành phố mơ ước, nơi có hai mùa mưa nắng? Con xuống phố hai mùa mưa nắngĐường mẹ đi xuân hạ thu đôngNước mắt khô dòngBiển lòng cạn sóngXa mịt mù hình bóng cố hươngGió đồng hoang muối tóc pha sươngMưa đông lạnh thét gào bên máiĐường xứ người mãi còn đi mãiLá mùa thu rồi lại rơi đầyLặng giữa trời TâyCánh nhạn lạc bầyHiu hắt gọi đànCô quạnh chiều sang.