Khi tôi nhìn lén một cô gái dậy thì ở nhà hàng xóm với ánh mắt ngẩn ngơ và thích thú thì mẹ tôi bắt gặp. Mẹ chỉ mỉm cười và lặng thinh. Ít lâu sau, mẹ dẫn tôi ra phố tìm mua một cây đàn ghi ta. Hoàn cảnh gia đình tôi lúc bấy giờ chẳng no đủ gì nên quyết định mua cho tôi một cây đàn ghi ta là một vấn đề quan trọng. Thú thật lúc bấy giờ tôi chưa say mê gì về âm nhạc lắm. Tâm trí tôi chỉ có hoài niệm về ba tôi, một người đã từng làm say mê bao cô gái trong đó có cả mẹ tôi bằng âm thanh dập dìu lôi cuốn của cây đàn ghi ta. Và tôi hẳn nhiên là mang trong nguời dòng máu của ba tôi. Sau khi ba tôi mất, mẹ tôi luôn khoe về tài năng chơi đàn ghi ta của ba tôi với mọi người. Có lẽ nhờ vào tình yêu hoài niệm và suy tôn thần tượng này mà mẹ tôi đã hạnh phúc rồi nên không còn muốn lấy ai nữa. Và cũng có lẽ nhờ vào điều này nữa mà dù bất cứ giá nào mẹ tôi cũng phải mua cho tôi một cây đàn ghi ta để luôn thấy hình ảnh ba tôi nơi tôi. Đàn ghi ta bán ở phố thì nhiều mà mẹ tôi chẳng hài lòng cây nào. Lẽ dĩ nhiên, tôi thì chẳng biết gì ngay cả so dây đàn. Còn mẹ tôi thì đánh giá chất lượng cây đàn qua thính giác. Chỉ một chuẩn mực duy nhất mà mẹ tôi quyết định mua là phải giống âm thanh cây đàn của ba tôi từng đàn cho mẹ tôi nghe. Sau một tuần tìm tòi đủ mọi nơi bán đàn mà chẳng tìm được cây đàn nào có chuẩn mực nghe đơn giản như thế nhưng cuối cùng cũng mua được một cây ghi ta như ý mẹ tôi qua sự tình cờ. - Người nghệ sĩ hết thời bán đàn mua cơm. Chẳng bao lâu sau, giai điệu âm thanh của cây đàn ghi ta đã ngấm dần vào máu tôi khiến cho tôi càng say mê luyện tập. Và cũng cùng thời gian đó, cô gái dậy thì ở nhà hàng xóm lại nhìn tôi với ánh mắt ngưỡng mộ và thích thú. Một hôm, tôi phát hiện cô gái đang đứng nép dưới hàng hoa giấy nhà mình để nghe tôi đàn hát. Biết cô gái đã ngưng hết mọi công việc để lắng nghe, tôi cố dồn hết cảm xúc để đàn hát hay hơn, cố nhấn nhá phím đàn điệu nghệ hơn. Thỉnh thoảng tôi liếc qua kẽ lá thấy cô gái say đắm giai điệu dịu dàng tha thiết của tôi tưởng chừng như đã quên hết không gian và thời gian. Rồi đến một ngày, mẹ tôi nói: - Nó ước gì con qua đàn cho nó nghe. - Tự cao! – Tôi nói – Nó là cái gì mà biểu con qua đàn cho nó nghe. - Khi xưa mẹ cũng như thế với ba con. Nó mê con đấy! - Nó mê con hay mê tiếng đàn của con. - Chắc cũng giống mẹ thôi! Lúc đầu thì mê tiếng đàn. - Mê tiếng đàn thì thôi! Con chơi đàn vì nghệ thuật chứ không phải vì phục tùng. Nhưng thái độ hơm hĩnh và giả tạo của tôi đã không che đậy nổi con tim yếu đuối của tôi. Cuối cùng, tôi cũng mang đàn qua nhà cô gái để đàn cho cô ta nghe. Thế là cây đàn ghi ta kết nối hai chúng tôi với nhau, tạo cảm xúc tình yêu cho chúng tôi và chia sẻ nỗi niềm vui buồn giận hờn của chúng tôi. Một năm sau chúng tôi kết hôn. Và một năm sau nữa mẹ tôi qua đời. Cây đàn ghi ta vẫn hòa nhập vào đời sống vui, buồn, khổ cực và hạnh phúc của chúng tôi. Vợ tôi thật đằm thắm, thật thà. Cô ấy chịu thương chịu khó lo cho chồng con. Cô ấy cũng không biết đua đòi ăn diện. Những lúc gian nan túng quẫn cô ấy cũng không hề than vãn.Tuy vậy, tính vô tư dường như là bản chất cố hữu của cô ấy. Chính sự vô tư này làm cho vợ tôi không cảm nhận được nỗi gian nan vất vả nên không khi nào trách móc hay so sánh sự giàu sang của chồng người khác; Chính sự vô tư này đã khiến cho cô ấy lạc quan và an phận. Tuổi đời chồng chất cộng với những lo toan cơm gạo đã khiến cô ấy mất đi vẻ thanh xuân khả ái và cũng chẳng còn một mảy may nào cảm xúc khi tôi đàn hát. Nhưng không phải vì thế mà tôi buồn. Nỗi buồn của tôi tốt hơn hết là đừng nên bày tỏ cùng ai vì có thể chẳng ai chia sẻ được gì mà còn gây mất thiện cảm với người nghe. Đàn ghi ta như thấu hiểu được tôi bây giờ đang mang một tâm trạng cô độc nên cũng ngân lên những giai điệu thâm trầm tự sự. Chú vợ tôi ở tỉnh khác đến thăm và tôi mời ăn cơm trưa. Trong bữa cơm, chú vợ tôi cho con tôi một triệu đồng và vợ chồng tôi hai triệu đồng. Vợ tôi rất vui vì đang cần tiền đóng học phí cho con tôi. - Các cháu cần gì thì cứ nói, chú giúp. - Chú cho như vậy là giúp rồi ạ! - Vợ tôi nói – Chú mới mở quán nhậu, Có lẽ cần tiền nhiều để mua thêm vật dụng. - Quán nhậu dưới quê mà cần gì nhiều! – Chú vợ tôi chỉ vào cây đàn của tôi và nói tiếp - Bọn nó uống vô là chỉ cần cây đàn thùng như vậy là đủ. Mắt sáng rực lên như đã tìm ra được món quà để đáp lại lòng tốt của ông chú, vợ tôi vội nói: - Dạ, cây đàn này hay lắm chú ạ. Lúc mẹ ảnh còn sống đi mua cho ảnh đấy. Chú lấy đi rồi mai mốt ảnh đi mua cây khác. Đàn mới bây giờ cũng chỉ một hai trăm ngàn là cùng. - Ừ! – Chú vợ tôi vói tay lấy cây đàn xuống – Cháu rành về đàn địch thì biết mua chứ chú thì chịu thua. Cả chú vợ tôi và vợ tôi nghĩ chắc chắn tôi phải đồng ý vì giá trị cây đàn chỉ một hai trăm ngàn trong lúc chú vợ tôi mới cho chúng tôi tới ba triệu đồng. - Cây đàn này cũ rồi, để cháu xuống phố ngay bây giờ mua về cho chú một cây đàn mới.- Tôi nói. - Thôi trễ tàu rồi! Chú đi bây giờ. Cháu xài đàn mới thì đúng hơn. Để dân quê xài đồ cũ cũng được. Chú vợ tôi nói xong thì đứng dậy lật đật đi cho kịp chuyến tàu. Vợ tôi vội tìm cái áo đàn bọc cây đàn ghi ta cho chú tôi. Tôi chỉ còn biết ngồi nhìn cây đàn của tôi ra đi mà cổ họng tắc nghẹn. Tối hôm đó, chú vợ tôi gọi điện báo là cây đàn đã gãy vỡ vì dân nhậu quá say. Lòng tôi thật sự quá xót xa khi nghe tin này. Và tôi đã khóc thầm một mình ngoài phố suốt đêm. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa có một cây đàn ghi ta nào. Bởi tôi không tìm ra được một cây đàn ghi ta nào có âm thanh giống y như cây đàn của mẹ tôi mua cho tôi. Và cũng kể từ đó, không còn ai nghe tiếng đàn ghi ta dịu dàng êm ái ru lên trong nhà tôi nữa. trung kim, 30/11/2006