Dịch giả: Trần thị Bông Giấy

 HONORÉ DE BALZAC (1799-1850), một khuôn mặt văn chương vĩ đại của nhân loại mà tác phẩm La Comédie humaine (Kịch Đời) của ông đã bao gồm 91 chuyện kể vừa tiểu thuyết vừa truyện ngắn. Được sinh ra tại tỉnh Tours năm 1799, nhưng nhà văn trải qua phần lớn đời mình tại Paris. Từ tuổi lên năm, khi mới chỉ tập đọc Thánh Kinh, ông đã tỏ ra say mê tất cả mọi dòng chữ in nào đến trong tầm tay và có khả năng hấp thụ ý nghĩa từ một trang sách trong chỉ một thoáng nhìn liếc. Tất cả những chi tiết về ngày tháng, dữ kiện, sự diễn tả và các ý tưởng thu thập trong thời niên thiếu thành một khối tích trữ lớn trong trí nhớ, về sau được ông trút đổ ra cả trên văn chương.

Ông là người có tài năng, nghị lực, hoài bão, sức tưởng tượng và những mộng mơ rộng lớn. Thoạt tiên làm việc trong một văn phòng luật sư, nhưng khi 20 tuổi, cảm nhận rằng một xã hội mới và một thời đại tài chính mới trong thời tiền Cách Mạng đang được thực hiện, Balzac bỏ việc để khởi sự lăn xả vào cuộc sống văn chương của Paris, một cuộc sống theo truyền thống chỉ cần có giấy, viết và một căn gác xép. Trong 9 năm sống rất nghèo khó, ông viết những bản văn tầm thường đầy tính cường điệu dưới nhiều bút hiệu khác nhau. Đó là loại văn chương bình dân với mục đích kiếm tiền cho nhanh, giúp ông chinh phục cái xã hội mới này, cũng giống như Napoléon đã chinh phục Âu Châu. Nhưng sự “thành công” chỉ là những món nợ chồng chất và không bao giờ trả cho dứt được. May thay, nhà văn tự bứt ra khỏi phái lãng mạn và hướng về phái tả chân trước khi rơi vào cảnh đói khát.
Năm 1829, Les Chouans, một tiểu thuyết lịch sử được ký lần đầu dưới cái tên Balzac, đã khởi sự đưa ông vào con đường danh vọng. Năm 1834, Balzac dự tính gom góp tất cả mọi tác phẩm đã viết ra vào chung trong một đề tựa, La Comédie Humaine, điều có lẽ bắt chước theo La divina commedia của Dante (°). Nhà văn làm việc trên tác phẩm này hầu như không nghỉ suốt trong hai mươi năm kế tiếp. Trong hai mươi năm với rất ít cơ hội để sống cho cuộc đời, tình yêu, gia đình và bạn hữu, Balzac đã viết 16 giờ mỗi ngày, lắm lúc trong ba ngày liên tục không rời khỏi phòng lấy một lần, ăn rất ít, và uống café đen cốc này qua cốc khác. Cái thói quen thường nhật là đi ăn tối bất cứ món gì vào lúc 5 giờ chiều, ngủ cho đến nửa đêm, rồi làm việc tới sáng, kéo dài sang ngày kế tiếp.
Phải kể rằng những cái phức tạp đa diện của hơn hai ngàn nhân vật từng xuất hiện trong các tiểu thuyết và truyện ngắn trước kia, bấy giờ được gom lại trong 47 tập của La Comédie Humaine, đã vẽ ra cho thấy một bức tranh toàn cảnh hoàn hảo của một xã hội Pháp dưới thời đại sống của nhà văn. Ông hiểu rõ điều kiện của từng làng quê hay tỉnh lỵ; biết tất cả mọi chi tiết, thấm cảm bản tính tự nhiên của từng con buôn hay các nghề nghiệp mà mỗi nhân vật tùy thuộc; thấu suốt những đổi thay chính trị đang tiến hành trong nước Pháp. Có thể nói, ông “sống” trên những hiểu biết, thói quen, áo quần, công việc, nơi chốn của mọi nhân vật, ngay cả “sống” trong giường ngủ của họ! Ông là một nhà phân tích vĩ đại về những đam mê và sự chi ly của tâm hồn con người, giống như Taine, (°°) đã nói: “Sau Shakespeare, Balzac là cuốn tạp chí vĩ đại về mọi dữ kiện liên quan đến Con Người”.
Tiểu thuyết và truyện ngắn của Balzac mang tính chất mãnh liệt một cách bi thảm; đôi khi có pha phần kinh dị. Nhà văn không bao giờ hài lòng với những bản thảo đã hoàn tất và cứ sửa đi sửa lại mãi, thay đổi thứ tự từng câu chuyện, cũng như không ngại ngần tiêu phí tiền bạc trên những tấm hóa đơn về in ấn hay đổi thay bản thảo.
La Comédie Humaine là bộ tác phẩm 47 tập dẫu chưa hoàn tất như ước muốn của nhà văn thì những bức chân dung được vẽ ra trong đó phải được kể là những bức chân dung sáng giá và toàn diện nhất trong thế giới văn chương nhân loại. “Tôi mang tất cả xã hội trong đầu tôi.” Ông đã từng huênh hoang như vậy.
Tác phẩm đem lại cho ông sự giàu có trong cuộc sống với người tình là nữ công tước Hanska người Ba Lan, và ông qua đời vì làm việc quá độ vào năm 1850 ở cái tuổi 50.
Truyện ngắn dưới đây, La Grande Brétèche (1842) được rút từ đề mục “chân dung phụ nữ”, phần Những Cảnh Sắc Của Đời Sống Riêng Tư trong bộ tác phẩm vĩ đại La Comédie Humaine. Được kể ra giữa đám bạn bởi nhân vật ưa thích nhất của Balzac, một bác sĩ và cũng là nhà nghiên cứu khoa học, con người mà những lời của ông đã khiến người nghe có thể tin là thật, La Grande Brétèche nói về một người tình bị khám phá bởi một anh chồng ghen tương và bị nhốt kín cho chết ngay trong chỗ trốn của anh ta. Cái bối cảnh thời Trung Cổ được vẽ lại trước mắt độc giả. Balzac không mấy thích thú với loại chuyện như thế, nhưng trong cái tiềm lực âm ỉ nhưng thật sống động của hoàn cảnh cùng cách diễn tả quá thực tế, Balzac đã khiến độc giả cảm nhận rằng câu chuyện thời điểm đó phải xảy ra chỉ với cách đó. Nhà văn đưa chúng ta dần dần từng bước đến gần với sự lặng im huyền diệu rất bi thảm mà La Grande Brétèche đã cưu mang trong nhiều năm dài và sửa soạn cho chúng ta sự chấp nhận cái hoàn cảnh tàn bạo, độc ác được sáng chế và duy trì bởi anh chồng cứng rắn độc đoán. Balzac đã từng bị say mê bởi lý thuyết mới về hiện tượng học (magnetisme) của Mesmer (°°°), nói về quyền lực mà một con người mạnh mẽ có thể thực hành trên một kẻ yếu hơn, nhiều cảm tính hơn. Sự kinh dị và cái nguyên do dẫn đến không khí bi thảm trong câu chuyện đã tạo thành ngay chính từ lý thuyết vừa nói.
(°) DANTE Alighieri (1265-1321), thi sĩ vĩ đại nhất của Ý, đồng thời cũng là một trong những khuôn mặt dẫn đầu của giới văn chương Tây Phương. La Commedia (về sau đổi lại là La divina commedia) là thiên sử thi bất hủ của ông. Công trình văn học lớn lao thời Trung Cổ này là một cảnh mộng Thiên chúa giáo thâm thúy về số mệnh con người ở thế gian và trong cõi đời đời. Nhìn riêng thì tác phẩm được rút từ kinh nghiệm của chính thi sĩ về cuộc biệt xứ khỏi quê hương Florence, nhưng trên tổng thể, nó được đọc như một biểu tượng của một chuyến du hành của một người đi qua địa ngục, lò luyện ngục và thiên đàng. Thiên sử thi làm kinh ngạc độc giả bởi những phân tích, tìm tòi toàn diện về những vấn đề thuộc thời đại, sự sáng tạo ngôn ngữ cùng những tưởng tượng rộng lớn của nó. (Chú thích của TTBG)
(°°) Hyppolyte Adolphe Taine, nhà sử học & triết gia Pháp (1828-1893)

*

Chừng 100 bước khởi đi từ Vendôme, trên bờ sông Loire, có một ngôi nhà cũ màu nâu, vòm mái rất cao, hoàn toàn biệt lập đến nỗi chẳng một xưởng thuộc da hôi hám hay một quán rượu bẩn thỉu, -điều rất quen thuộc ở những vùng ngoại ô của những tỉnh nhỏ, được tìm thấy trong vùng lân cận của nó. Đàng trước căn nhà dẫn xuống bờ sông là một ngôi vườn; nơi đây, những bụi cây tiếp giáp với vỉa hè ngày xưa được cắt tỉa gọn ghẽ, bấy giờ mọc lan tràn hoang dã. Vài cây liễu rủ, rễ bám từ dưới lòng sông, nhanh chóng biến thành một cái hàng rào rậm rạp và gần như bao bọc lấy ngôi nhà. Những cây ăn trái không được chăm sóc trong mười năm, đã ngừng ra quả; lớp rễ mút bám đầy mặt đất. Những giàn cây leo trông giống như những cái xác chết. Các con đường mòn, trước kia được trải sỏi, bây giờ chằng chịt các bụi rau sam; tóm lại, nó không còn dấu vết nào nữa của một con đường mòn.
Nếu nhìn từ đồi cao, bạn sẽ thấy phô bày sừng sững cái vẻ đổ nát hoang tàn của tòa lâu đài cổ trước kia là tài sản của những công tước xứ Vendôme. Và nếu đứng nhìn qua dãy hàng rào, bạn sẽ có ấn tượng rằng trong một thời quá khứ nào đó, cái chốn nhỏ bé này từng tạo nên hạnh phúc cho những con người quý phái yêu hoa hồng, hoa tu líp, hay tất cả những gì thuộc về thú điền viên, và đặc biệt là ưa thích những trái quả tươi. Bạn có thể hình dung một chỗ ngồi mát dưới giàn cây leo, hoặc hơn nữa, sự đổ nát của một vị trí như thế, trên đó vẫn còn một cái bàn không hoàn toàn bị thời gian tàn phá. Từ cảnh tượng của ngôi vườn bỏ hoang, bạn sẽ đoán biết những thú vui nhẹ nhàng của một cuộc sống an bình đã từng xảy ra nơi đây, giống như sự đoán biết được những nét sâu sắc bên trong đời sống của một thương buôn thành thật khi đọc cái mộ bia của người ấy. Để hoàn tất cho những ấn tượng buồn thảm và dịu dàng chụp bắt tâm hồn bạn, trên một bức tường có khắc một cái đồng hồ mặt trời với lời đề từ “ULTIMAM COGITA” rất đáng kính trọng.
Cái mái nhà thì bị đổ nát khủng khiếp, lớp cửa chớp bên ngoài luôn luôn đóng kín, các hành lang được bao phủ với những tổ chim én, mọi cánh cửa khép chặt ngày đêm. Lớp cỏ hoang mọc cao làm thành một hàng dài màu xanh dọc theo những kẽ nứt trên những bước đi; những bộ phận bằng sắt đều đã han rỉ. Mặt trăng, mặt trời, mùa đông, mùa hạ và bão tuyết đã bào nhẵn lớp gỗ trên các cánh cửa, làm cong oằn các tấm ván, gặm mòn lớp sơn bên ngoài.
Sự yên lặng ảm đạm bao trùm chỉ bị gián đoạn bởi những con chim, các con chồn, các con chuột cống và chuột nhắt tự do chạy nhảy, tranh giành, cắn xé. Khắp mọi nơi như có một bàn tay vô hình viết chữ Bí Mật lên đó. Nếu sự tò mò xui khiến bạn đến nhìn vào căn nhà này từ trên đường cái, bạn sẽ thấy một cái cổng lớn hình vòng cung; trên đó, những thằng nhãi ranh hàng xóm đã tạo thành rất nhiều lỗ hỗng. Về sau tôi nghe kể rằng cái cổng này không được mở ra từ đã mười năm. Suốt qua những lỗ trống bất thường ấy, bạn có thể quan sát và thấy được sự hoàn hảo cân xứng giữa phía trước và phía sau ngôi nhà, giữa cái sân và ngôi vườn. Dù vậy, trên cả hai nơi này cũng vẫn chỉ là một sự hỗn loạn bao trùm mờ mịt. Các cụm cỏ trồi lên giữa những lớp đá lát trên lối mòn. Những bức tường đầy kẽ nứt, cái mái đen ngòm bám đầy rêu ẩm. Những bậc đá bị tách rời từng mảnh, sợi giây chuông đã mục nát, cái vòi phun nước bị bể. “Ngọn lửa trời nào đã rơi xuống nơi đây? Bản án nào đã gieo rắc chốn này? Có phải là sự nhạo báng miệt thị của Thượng Đế? Hay có phải nước Pháp đã bị phản bội?” Đó sẽ là những câu hỏi bạn tự đặt ra với mình. Các loài bò sát vờn lượn chung quanh cũng sẽ không đưa ra được cho bạn câu đáp. Ngôi nhà trống rỗng quạnh hiu này là một sự bí ẩn khủng khiếp với những điều mà không bất cứ ai có chìa khóa để tìm hiểu. Trước kia, nó là một lãnh địa nhỏ mang tên La Grande Brétèche. Trong những ngày lưu lại Vendôme, nơi mà gia đình Desplein đã giao cho tôi chăm sóc một bệnh nhân giàu có, một trong những nỗi ưa thích lớn nhất của tôi là đứng nhìn vào tòa lâu đài dù rằng nó chẳng có gì khác hơn một sự đổ nát. Thông thường, mọi sự tàn phá đều có mang những dấu ấn xác thật nào đó; nhưng ngôi nhà đặc biệt này, dẫu rằng với sự tàn phá từ từ bởi một bàn tay thù hận, nó vẫn đứng sững và cho thấy có chứa đựng một bí ẩn không khám phá nổi. Tóm lại, nó đã tự chứng tỏ được một sự bất thường.
Một buổi chiều, tôi đến cạnh cái cổng đóng kín trong khuôn viên được rào giậu kỹ; bất chấp những vết xước, bước vào ngôi vườn hoang, vùng đất không thuộc công cộng hay tư nhân; và trải qua nhiều giờ ở đó, trầm ngâm trước không gian ảm đạm. Tôi không muốn đặt ra với bất cứ ai trong vùng một câu hỏi nhỏ để có thể tìm hiểu vì đâu đã xảy ra những cái lạ lùng trên cảnh sắc đáng tò mò ấy. Ở đó, tôi đã hư cấu được vài câu chuyện thú vị và tự đắm chìm trong những cơn buồn sầu quyến rũ. Nếu biết lý do, có lẽ là tầm thường, về sự phế bỏ, tôi sẽ bị mất đi cái thi vị tiểu thuyết đã làm mê mẩn cho tôi. Dưới mắt tôi, nơi chốn quạnh hiu này giống như hầu hết những hình ảnh thay đổi của cuộc đời, bị vùi dập trong thảm sầu bởi sự bất hạnh của nó; có lúc nó khiến tôi hình dung đến một cái chủng viện không có thầy tu, lúc khác lại là một cái nghĩa trang không có người chết nói tiếng nói của họ trên những mộ chí; có khi lại giống như ngôi nhà của một người cùi, kế tiếp lại như căn nhà của Atridae (1); nhưng trên hết nó tiêu biểu cho cuộc sống tỉnh lỵ với cái vẻ buồn rầu mà sự sống từ từ bị đẩy ra xa theo vòng quay chậm chạp của cái đồng hồ mặt trời có khắc những chữ “ULTIMAM COGITA” đã nói. Tôi thường khóc thầm khi đứng ở đó. Ở đó, tôi chưa bao giờ cảm thấy như muốn vui cười.
Cũng từng có lần tôi bị chụp bắt bởi một sự kinh hãi không chế ngự nổi khi nghe trên đầu mình tiếng đập cánh của một con  chim rừng đang vội vã bay vút lên cao. Nền đất nơi đây rất ẩm ướt; bạn phải coi chừng những con thằn lằn, những con rắn, con ếch đang di chuyển trong sự hoang dã của thiên nhiên phong phú; nhưng hơn hết, bạn đừng sợ cái lạnh, bởi vì trong chỉ vài phút thôi, bạn sẽ cảm thấy một sự giá băng phủ ập xuống trên đôi vai, giống cái cổ của chàng Don Juan đã bị chụp bắt bởi bàn tay giá băng của Thần Chết.(2)
Một đêm kia tôi đã phải bị một mẻ sợ vào đúng ngay lúc tôi đang kết thúc một bi kịch buồn sầu cho sự hiện thân kỳ lạ của nỗi thống khổ: ngọn gió bỗng dưng chuyển thành dữ dội, và tiếng gào của nó giống như tiếng rên rỉ phát ra từ căn nhà. Tôi bèn trở về quán trọ, đắm chìm trong muôn ngàn ý nghĩ ảm đạm. Khi vừa dùng xong bữa súp, bà chủ quán bước vào phòng tôi với vẻ bí mật và nói:
“Monsieur Regnault muốn gặp ngài, thưa ngài.”
“Monsieur Regnault là ai?”
“Ủa, ngài không biết Monsieur Regnault sao? Thật là lạ!” bà ta vừa nói, vừa quay bước.
Đột nhiên tôi nhìn thấy một người cao, gầy, mặc toàn đen, nón cầm trên tay, trán hớt ra sau, cái đầu nhọn, khuôn mặt hình quả táo giống như một ly nước màu đục, bước vào trong cái thế y hệt một con cừu đực sẵn sàng húc đầu vào đối thủ của nó. Nhìn ông, người ta có thể nghĩ rằng ông là một vị trợ giáo. Người lạ này mặc cái áo đuôi tôm đã cũ gần như bị xơ cả chỉ; nhưng trên ve áo lại có đính một viên kim cương và nơi tai có đeo đôi bông bằng vàng.
“Tôi được hân hạnh hầu chuyện với ai đây?” tôi hỏi.
Ông ta ngồi xuống trên chiếc ghế kê trước lò sưởi, đặt nón lên bàn, xoắn hai tay vào nhau và trả lời:
“A! Trời lạnh quá! Thưa ông, tên tôi là Regnault.”
Tôi cúi đầu, nói thầm với mình: “Il Bondo cani! Tôi không biết gì cả!”
“Tôi là,” ông ta tiếp, “một công chứng viên đang hành nghề tại Vendôme.”
“Hân hạnh biết ông” tôi kêu lên, “nhưng vì một lý do riêng, tôi không muốn làm di chúc gì cả trong lúc này.” “Xin hãy gượm đã!” ông ta tiếp, giơ tay lên như thể bắt tôi phải im lặng. “Xin ông cho phép, xin ông cho phép! Tôi đã được báo rằng thỉnh thoảng ông đã có bách bộ vào ngôi vườn ở La Grande Brétèche.”
“Vâng, đúng thế.”
“Xin hãy gượm đã!” vừa nói, ông ta vừa làm lại hành động cũ. “Ông đã phạm tội trong việc vượt quá đó. Thưa ông, trong vai trò người thừa hành di chúc của bà Bá tước de Merret đã quá vãng, tôi nhân danh bà để xin ông hãy ngưng các cuộc viếng thăm. Xin gượm đã! Tôi không muốn kết tội ông bởi vì lẽ tự nhiên là ông không được báo cho biết hoàn cảnh nào đã buộc tôi phải để cho tòa nhà đẹp nhất ở Vendôme rơi vào cảnh bị tàn phá như vậy. Nhưng, thưa ông, ông hẳn là một người học thức thì phải biết rằng luật lệ ngăn cấm và đưa ra hình phạt rất nặng cho bất cứ sự vượt quá nào trên một vùng đất tư. Một hàng rào cũng giống như một bức tường. Nhưng với tình trạng hiện tại của tòa nhà lại có thể là một miễn thứ cho sự tò mò của ông. Tôi rất vui lòng để ông chu du quanh ngôi nhà và vùng đất gần đó; nhưng bởi vì tôi là kẻ thừa hành di chúc của bà Bá tước, tôi phải xin ông thôi đừng bước vào ngôi vườn lần nào nữa. Chính tôi đây kể từ khi đọc bản chúc thư, phải thành thật thưa với ông rằng, tôi không dám đặt chân lên ngôi nhà của Madame de Merret đã quá vãng. Chúng tôi chỉ có quyền thẩm tra con số các cánh cửa lớn và cửa sổ để định mức tiền thuế phải trả hằng năm từ cái quỹ để lại cho mục đích này. A! Thưa ông, chúc thư của bà đã từng là nguyên nhân cho rất nhiều bàn cãi ở Vendôme, tôi có thể nói với ông như thế!”
Ngay khi ấy, vị công chứng ngừng lại để hỉ mũi. Tôi tôn trọng tính liếng thoắng của ông ta, hoàn toàn hiểu rằng di chúc của Madame de Merret đã là biến cố quan trọng nhất trong đời ông, cho tiếng tăm, danh vọng và sự tiến thân của ông. Tôi đành phải vẫy tay giã từ những giấc mơ và các tiểu thuyết của mình; nên không hối tiếc đã được cho biết sự thật từ một nguồn tin chính xác.
“Thưa ông,” tôi nói, “có thể nào tôi được vô phép để hỏi ông về những lý do tạo nên cái tình trạng kỳ lạ ấy?” Theo những lời tôi, nơi khuôn mặt viên công chứng tức thì thấy lộ ra tất cả nét thỏa mãn của một người thường thích cưỡi lên những con ngựa gỗ ở vòng đu quay của trẻ nhỏ. Ông nắn lại cổ áo với một vẻ ngờ nghệch, lôi ra cái hộp đựng thuốc lá, mở nó và đưa mời tôi; rồi, nhân sự từ chối của tôi, ông tự lấy cho mình một dúm to. Rõ là một con người hạnh phúc! Một kẻ không có sở thích thì không nhận thức được những lợi ích nào có thể giúp cho hắn thoát ra khỏi cuộc sống. Một sở thích là một hạnh phúc trung bình giữa đam mê và sự độc tưởng. Lúc bấy giờ tôi hiểu trọn ý nghĩa diễn tả linh động này của Sterne(3), và trong đầu tôi cũng hiện ra hình ảnh vui thú mà ông chú Toby của tôi, được giúp bởi Trim, đang ngồi giạng hai chân trên con ngựa gỗ của mình.
“Thưa ông,” ông Regnault nói, “tôi là thư ký trưởng trong văn phòng của Monsieur Roquin ở Paris. Một cơ sở hàng đầu mà có lẽ ông cũng đã nghe? Ồ không à? Nhưng nó được biết đến nhiều nhờ một sự phá sản thật đáng tiếc. Không đủ tiền để tậu một cơ sở ở Paris với cái giá cao vút trong năm 1816 đâu, nên tôi đến đây và mua cơ sở của vị tiền nhiệm của tôi. Tôi có những họ hàng ở vùng Vendôme này, trong số đó, một người cô rất giàu đã cho phép tôi cưới con gái bà.”
Ông ta tiếp, sau khi ngừng một lúc ngắn:
“Thưa ông, ba tháng sau khi tôi nhận được giấy phép hành nghề bởi Phòng Quản Lý Con Niêm, một buổi tối, đã vào giường (khi ấy tôi chưa lập gia đình), tôi được mời đến gặp bà Bá tước de Merret tại tòa lâu đài của bà. Người tớ gái, một cô nhỏ bây giờ là người hầu ở lữ quán này, đứng ở cửa với cỗ xe ngựa riêng của bà Bá tước. Ồ! Xin ông gượm tí đã! Tôi quên không nói cho ông hay rằng vị Bá tước đã đi Paris và chết ở đó hai tháng trước khi tôi đến đây. Ông ta lâm vào cảnh nghèo túng ở giai đoạn chót cuộc đời mình, tự đắm chìm trong đủ loại chơi bời phóng đãng. Ông hiểu chứ, thưa ông? Vào ngày ông ta khởi hành, bà Bá tước rời La Grande Brétèche và ra lệnh phá hủy đồ đạc trong đó. Có người còn nói rằng bà đã cho đốt mọi tấm thảm; nói chung là tất cả những vật dụng khác nhau được dùng trong tòa lâu đài và bấy giờ thuộc quyền thừa hưởng của bà. (Ô! Lạy Chúa! Tôi đang nói gì thế? Xin bỏ lỗi cho tôi, tôi tưởng như mình đang đọc một bản hợp đồng). Tóm lại là bà đã cho đốt tất cả những thứ đó trong cánh đồng ở Merret.”
“Ông có đã đến đó chưa, thưa ông? Không à?” ông ta hỏi, rồi tự trả lời câu đáp của tôi.
Ông nói tiếp sau khi gật gật đầu:
“Đó là một nơi chốn rất đẹp! Chừng ba tháng trước, Bá tước và bà vợ đã sống một cuộc đời kỳ dị; họ không tiếp bất kỳ người khách nào nữa, bà Bá tước ngủ ở tầng trệt và ông chồng ở tầng lầu trên. Khi bị bỏ lại trong nỗi cô đơn, bà ngưng không đi nhà thờ nữa. Về sau, ngay chính trong tòa lâu đài, bà cũng từ chối không gặp các bạn hữu muốn đến thăm bà. Bà đã thay đổi rất nhiều trước khi rời La Grande Brétèche để đến Merret. Đó là một phụ nữ tốt bụng - (tôi nói chữ “tốt bụng” bởi vì bà đã tặng cho tôi viên kim cương này, tôi chỉ được gặp bà có mỗi một lần); khi đó, người đàn bà tốt bụng này rất bệnh; có lẽ bà đã bỏ rơi mọi hy vọng chữa trị bởi vì bà chết mà không cho gọi một bác sĩ; và mọi phụ nữ quanh vùng đều nghĩ rằng trí óc bà Bá tước quả thật kỳ dị. Do đó sự tò mò của tôi lớn dần khi nghe rằng Madame de Merret cần đến tôi. Không phải một mình tôi tỏ ra thích thú trong việc này đâu. Ngay chính đêm ấy, dù rằng tôi đến trễ, cả tỉnh đều biết rằng tôi đang đi đến Merret. Người hầu đưa ra những lời đáp rất mơ hồ theo những câu hỏi tôi đặt ra với cô trên đường đi; tuy nhiên, cô bảo tôi rằng bà chủ đã nhận phép xức dầu thánh lần cuối, cũng như đã xưng tội với vị linh mục ở Merret trong cùng ngày hôm đó, và có lẽ bà sẽ không qua khỏi đêm nay. Lúc tôi đến tòa lâu đài thì đã vào khoảng 11 giờ khuya. Tôi được đưa thẳng tới cái cầu thang rộng. Sau khi băng qua những căn phòng trần cao, tối tăm lạnh lẽo và ẩm thấp kinh khủng, tôi đến căn phòng ngủ nơi bà Bá tước đang nằm. Từ những lời đồn về người phụ nữ này (tôi sẽ không bao giờ kết thúc câu chuyện được nếu bây giờ tôi kể cho ông nghe tất cả những dư luận) tôi tưởng tượng bà phải là người rất hay làm đỏm. Ông sẽ ngạc nhiên nếu biết rằng tôi khó mà nhận ra được bà trên cái giường rộng. Sự thật là trong căn phòng to lớn này chỉ có một cái đèn cổ soi sáng với cái trụ đứng đã lỗi thời, bụi bám dầy đến nỗi chỉ nhìn thấy nó, người ta đủ hắt hơi. Nhưng thật ông chưa từng đến Merret chứ! Thưa ông, cái giường là một trong bốn cái giường cổ nhất thế giới với một cái màn cao có in hình những cánh hoa. Một cái bàn ngủ nhỏ đặt ngay đầu giường, trên đó, tôi nhận thấy có một tượng Chúa Jésus, giống như cái tôi đã mua cho vợ tôi cùng với cây đèn. Có một cái ghế dựa lớn cho người hầu thân tín của bà Bá tước, và hai cái ghế. Nhưng không có lò sưởi. Tất cả vật dụng chỉ là thế. Không tới mười hàng nếu làm bảng kiểm kê.”
“Ồ! Thưa ông, giá như ông nhìn thấy căn phòng to lớn này với những tấm thảm màu nâu, như tôi đã thấy, ông sẽ phải có ý nghĩ rằng đã từng được đưa vào trong bối cảnh của một cuốn tiểu thuyết thời Trung cổ. Trời lạnh như ướp đá, hơn nữa, giống như trong cõi chết”, ông ta nói thêm, giơ cánh tay lên với một cử chỉ đầy kịch tính, và ngừng lại.
“Sau hồi lâu nhìn ngắm kỹ cái giường, cuối cùng tôi khám phá thấy Madame de Merret nhờ làn ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn chiếu trên mặt gối. Khuôn mặt và hai bàn tay đang chắp lại của bà đều trông vàng như sáp. Bà đội một cái nón có viền đăng ten, để ló ra mái tóc đẹp, trắng như những sợi chỉ bằng len. Bà đang ngồi và trông như thật khó khăn mới thẳng người được. Đôi mắt màu đen thật to, lim dim trong cơn sốt và gần như hết cả thần sắc, di động một cách khó khăn dưới những cái xương của cặp chân mày”, ông ta vừa nói vừa sờ lông mày của mình.
“Trán bà lạnh và nhờn nhợt. Hai bàn tay mỏng trông giống như những mẩu xương với làn da căng ra trên chúng; những lằn gân xanh hiện rõ. Trước kia, bà hẳn phải là một người rất đẹp; nhưng ngay lúc bấy giờ, một mối cảm xúc không diễn tả nổi đã chụp bắt tôi khi tôi nhìn toàn thể hình dáng bà. Người sửa soạn tang lễ cho bà về sau đã nhận xét rằng chưa từng thấy có ai đạt đến độ suy nhược gầy mòn như thế mà vẫn còn sống. Tóm lại, đó là một hình ảnh rất kinh khủng. Bà đã bị tàn phá hoàn toàn vì cơn bệnh, đến nỗi chẳng khác nào một con ma. Đôi môi bà tím ngắt, xem ra không còn di động gì khi nói với tôi. Trên nghề nghiệp, dù rằng tôi đã được huấn luyện cho quen với những điều như vậy, những cơ hội thường xuyên đem tôi đến cạnh giường chết của người hấp hối để nhận lời di chúc trăn trối cuối của họ, tôi phải nhận rằng những gia đình đau khổ và những cảnh tượng chết chóc tôi đã từng thấy thì không đáng kể gì nếu so sánh với người đàn bà câm lặng, cô đơn trong tòa lâu đài rộng lớn kia. Tôi không nghe tiếng động nào, không thấy tấm trải giường nhấp nhô lên xuống với hơi thở của người bệnh, và tôi đứng ngây, nhìn chằm chằm vào bà trong một cảm giác ngờ nghệch như thể đang bị hóa đá khi đó. Cuối cùng, đôi mắt lớn di động, bà cố gắng nhấc bàn tay phải lên, nhưng nó lại rơi ngay xuống trên giường ngủ, và đôi môi bà thấy thều thào như một hơi thở, bởi vì giọng nói bà không còn là giọng nói con người nữa: “Tôi đang rất nôn nóng mong ông đến”. Đó là một sự cố gắng ghê gớm. Tôi bèn nói: “Thưa bà”. Bà ra hiệu bảo tôi im. Ngay lúc ấy người hầu nhổm dậy ghé sát tai tôi: “Đừng nói gì cả, bà Bá tước không thể chịu đựng nổi một tiếng động dù nhỏ nhất: những gì ông nói có thể làm phiền lòng bà.” Tôi bèn ngồi xuống trên một cái ghế. Và phút sau, Madame de Merret cố gắng thu hết sức tàn để di động cánh tay phải, rồi với một sự khó khăn vô kể, bà đặt nó vào dưới cái gối của mình; xong nằm im một lúc, rồi cũng với sự cố gắng cuối cùng, bà kéo tay ra, lôi theo một tờ giấy có niêm phong. Vài giọt mồ hôi lăn xuống trên vầng trán bà. “Tôi giao lời di chúc cho ông”, bà nói. “Ô! Lạy Chúa! Ô!” Chỉ có thế. Bà giữ chặt cây thánh giá đang để trên giường, đưa nhanh lên môi, và thở hắt ra. Sự diễn tả trong đôi mắt vô thần của bà vẫn làm tôi rùng mình mỗi khi nhớ lại. Chắc chắn là bà đã phải từng cực kỳ đau khổ! Ngay giây phút đó, có một thoáng vui thú trong ánh nhìn cuối cùng, và nó lưu lại rõ ràng sau khi bà đã chết.
“Tôi đem bản di chúc về; khi mở nó ra, tôi mới hay rằng Madame de Merret đã chỉ định cho tôi là người thừa hành di chúc của bà. Bà cúng hết tài sản cho bệnh viện Vendôme, trừ ra vài thứ. Nhưng cũng có những điều khoản qui định về La Grande Brétèche: Bà buộc tôi để yên nơi chốn này với tình trạng như hiện tại trong năm mươi năm kể từ ngày bà qua đời, không cho bất cứ ai bước vào những căn phòng, và cấm chỉ bất cứ sửa sang nào trên nó, ngay cả xếp đặt một khoản tiền lương để trả công cho người canh giữ nếu như cần làm thế để bảo đảm rằng lời di chúc của bà được thi hành tuyệt đối trên mọi chi tiết. Khi mãn hạn của điều khoản này, nếu những ước nguyện ghi trong di chúc được thực hiện đúng đắn, căn nhà sẽ trở thành sở hữu của người thừa tự của tôi, bởi vì, như ông biết, một công chứng viên không thể nhận một vật để lại bằng chúc thư; vả lại La Grande Brétèche sẽ rơi vào tay những người thừa kế hợp pháp, nhưng với điều kiện phải hoàn tất những điều khoản đã sắp xếp trong một bản bổ xung vào tờ di chúc, là điều sẽ không được mở ra cho đến hết kỳ hạn năm mươi năm. Di chúc không được tranh chấp, cho nên...”
Viên công chứng gầy và cao lêu nghêu bỏ ngang câu nói, nhìn thẳng tôi với cái vẻ chiến thắng. Tôi bổ sung thêm niềm vui hoàn toàn cho ông ta bằng những lời tán tụng vu vơ.
“Thưa ông,” tôi nói, “câu chuyện ông kể đã làm tôi thích thú đến nỗi tôi tưởng tượng có thể nhìn thấy bà Bá tước đang chết, mặt trắng hơn cả tờ giấy; đôi mắt làm tôi sợ hãi; chắc chắn là tôi sẽ nằm mơ thấy bà đêm nay. Nhưng có lẽ ông phải nghĩ ra vài ý tưởng đối với vấn đề điều khoản của bản chúc thư đặc biệt đó chứ?”
“Thưa ông,” ông ta nói với sự dè dặt kỳ cục, “tôi không bao giờ tự cho phép mình phê bình những việc làm của con người đã ban cho tôi cái vinh dự bằng cách trao cho tôi một viên kim cương.”
Chẳng mấy chốc, tôi đã lái được viên công chứng thận trọng khôn ngoan sang những vấn đề dài dòng về ý kiến chính trị của cả hai phái mà những phán xét của họ đã trở thành luật lệ ở Vendôme. Nhưng những ý kiến này thì quá trái nghịch, quá cường điệu, đến nỗi tôi gần như buồn ngủ dù cho với sự lợi ích mà tôi cảm nhận được trong cái lịch sử xác thực đáng tin này. Những câu nói đều đều của vị công chứng (mà chắc chắn ông ta đã tập quen để tự lắng nghe mình và khiến chính mình phải lắng nghe những khách hàng) thì quá nhiều so với sự tò mò của tôi. May thay, ông ta đứng lên từ giã.
“Xin bảo cho ông biết,” ông nói, trong khi đi xuống những bậc thang, “có rất nhiều người muốn sống thêm 45 năm nữa, nhưng hãy gượm đã,” rồi với cái vẻ hiểu biết, ông đặt ngón trỏ bàn tay phải lên mũi với một cái nhìn ranh mãnh, “vâng, xin hãy lưu ý những lời tôi, muốn sống lâu như thế, bây giờ ông phải không được đạt quá 60 tuổi.”
Tôi đóng cánh cửa sau khi ra khỏi trạng thái lãnh đạm gây nên bởi câu nói cuối của viên công chứng, điều mà ông ta nghĩ rằng rất buồn cười; rồi ngồi xuống trong ghế bành, đặt hai chân trên cái vỉ lò sưởi. Tôi đang chìm đắm trong một cuốn tiểu thuyết xây dựng theo kiểu Mrs. Radcliffe(4) dựa trên những sự kiện được cung cấp từ ông Regnault, thì cánh cửa mở ra bởi một bàn tay nhẹ nhàng của một phụ nữ. Bà chủ nhà trọ bước vào phòng. Đó là một phụ nữ tròn trĩnh nở nang, luôn luôn tươi cười nhưng chẳng có gì đặc biệt: một loại phụ nữ Fleming như các phụ nữ trong tranh của Teniers (5)
“Thưa ông” bà nói, “chắc hẳn ông Regnault đã cho ông biết câu chuyện về La Grande Brétèche?”
“Vâng đúng thế, thưa bà Lepas.”
“Ông ta kể những gì?”
Tôi tóm tắt câu chuyện u sầu, buồn thảm về Madame de Merret. Trên từng mỗi câu tôi nói, bà Lepas nhướn cao đầu, nhìn tôi với cái nhìn chăm chú của một bà chủ quán trong một thứ hạnh phúc thỏa hiệp giữa bản năng của một anh lính sen đầm, sự tinh ranh của một viên mật thám, và tính láu cá của một con buôn.
“Bà Lepas thân mến,” tôi nói thêm sau khi xong câu chuyện, “xem ra bà biết nhiều hơn tôi? Nếu không, tại sao bà đến gặp tôi?”
“Ô, tôi rất thành thật, như cái tên tôi là Lepas vậy.”
“Nào, đừng thề như vậy, đôi mắt bà rõ ràng đang phô bày một sự bí mật quan trọng. Bà có biết Monsieur de Merret không? Đó là người như thế nào?”
“Quả thật, Monsieur de Merret là một người khả kính, đẹp trai, dáng rất cao đến chừng như khó lòng nhìn thấy đỉnh đầu của ông ta! Một nhà quý tộc thuộc dòng dõi Picardy, rất cẩn thận, kỹ lưỡng. Ông ta mua tất cả mọi thứ bằng tiền, do đó không bao giờ gặp khó khăn với bất kỳ ai. Tánh ông ta rất nóng nảy. Mọi phụ nữ trong làng đều ưa thích ông ta.”
“Ưa thích, vì tánh ông ta nóng nảy?” tôi hỏi.
“Vâng, có lẽ,” bà Lepas đáp. “Ông nghĩ xem, phải có cái gì đó về ông ta như mọi người đồn đãi, bởi vì ông ta đã cưới Madame de Merret, người mà chẳng ai là không công nhận rằng đáng yêu nhất và giàu nhất trong số các phụ nữ ở Vendôme. Bà có chừng 20 ngàn quan lợi tức. Toàn tỉnh được mời dự đám cưới bà. Cô dâu rất đẹp, một viên ngọc quý thật sự. Ồ, họ kết thành một cặp vô cùng đẹp đôi lúc bấy giờ.”
“Có phải đó là một cuộc hôn nhân hạnh phúc?”
“Nào, đúng hay không, chẳng ai có thể đoán biết cho chắc, bởi vì ông cũng hiểu rằng giới bình dân như chúng tôi thì không phải cùng thứ hạng với họ! Madame de Merret là một người đàn bà tử tế, tính tình rất dịu dàng. Có lẽ thỉnh thoảng bà cũng phải kiên nhẫn chịu đựng những cơn thịnh nộ của chồng. Nhưng dù ông ta xa cách cỡ nào thì chúng tôi cũng đều ưa thích ông. Trên hết, đó chỉ là sự đối xử tự nhiên của ông ta! Ông biết, một người có giòng máu quý tộc đều thường thế cả mà!”
“Nhưng phải chăng đã có tai ương gì xảy ra cho họ để đưa đến một cuộc chia tay quá dữ dội?”
“Thưa ông, tôi chưa từng nói rằng họ gặp bất kỳ tai ương nào. Tôi không biết gì về điều ấy.”
“Được rồi. Tôi tin chắc là bà biết tất cả mọi chuyện.”
“Vâng, thưa ông, tôi sẽ kể hết với ông. Khi thấy Monsieur Regnault đến tìm ông là tôi đã biết ông ta sẽ nói về chuyện Madame de Merret, liên hệ tới La Grande Brétèche. Điều ấy làm tôi nghĩ phải đến gặp ông để xin một lời khuyên. Ông trông như một người có những nhận xét tốt; vì thế sẽ không bao giờ phản bội một phụ nữ nghèo như tôi, kẻ không từng làm điều sái quấy với bất kỳ ai nhưng bây giờ lương tâm lại đang bị cắn rứt. Cho tới nay, tôi chưa hề dám nói lời nào với những người ở đây về những chuyện ấy; tất cả bọn họ đều là kẻ nhiều chuyện, giọng lưỡi sắc như dao. Tóm lại, thưa ông, tôi chưa bao giờ có một người khách lịch sự nào lưu trú trong quán tôi lâu dài như ông, và là một người để tôi có thể kể câu chuyện về 15 ngàn quan.”
“Bà Lepas ạ,” tôi cắt ngang những lời đang tuôn chảy, “nếu như có cái gì đó trong câu chuyện của bà làm tổn thương tôi, tôi sẽ không đời nào muốn nghe nó.”
“Đừng sợ,” bà cắt lời tôi. “Ông sẽ thấy thôi.”
Sự háo hức nơi bà khiến tôi tin chắc rằng không phải tôi là người duy nhất được giao phó cái bí mật của người đàn bà tốt bụng kia, nhưng tôi vẫn lắng nghe bà kể.
“Thưa ông,” bà nói, “khi Hoàng đế gửi những tù binh chiến tranh tới đây thì trong số đó, có một chàng Tây Ban Nha trẻ tuổi được giao cho trú ngụ tại quán tôi. Dù rằng chàng ta được tha có điều kiện, nhưng hằng ngày đều phải đến trình diện tại văn phòng ông trưởng khu. Đó là một gã Tây Ban Nha thuộc dòng quý tộc. Đúng y như thế! Tên gã kết thúc bằng chữ -os hay dia, giống như Bagos de Férédia. Tôi có viết tên gã vào cuốn sổ bạ của tôi, và ông có thể xem nếu như ông muốn. Ồ! Gã rất đẹp trai, người mà có thể nói rằng tất cả chung quanh đều xấu so với gã. Gã cao chừng một mét 60 nhưng thân hình chắc nịch, vạm vỡ; hai bàn tay nhỏ nhắn như con gái. Giá ông được nhìn cái cách gã ngắm nghía chúng nhỉ! Gã có nhiều bàn chải để chỉ dùng cho hai bàn tay, y hệt phụ nữ có những vật dụng cho riêng cái phòng vệ sinh của họ vậy! Mái tóc gã màu đen, dài thượt, đôi mắt sáng, làn da màu đồng sáng bóng và tôi thích tất cả những thứ ấy. Gã ăn vận bảnh bao hơn bất kỳ ai khác tôi gặp, dù rằng quán tôi cũng đã từng tiếp một vị công nương, Đại tướng Bertrand, Công tước và bà vợ xứ Abrantes, Monsieur Decazes, hay đức vua Tây Ban Nha. Gã ăn rất ít nhưng gã có cái vẻ lịch sự nhã nhặn, dễ thương đến nỗi ông không thể chê trách gì gã được. Tôi rất thương mến gã, tôi có thể nói thế, dẫu cho gã chẳng hề nói quá hơn bốn chữ một ngày, cũng như không thể có được một cuộc đàm thoại nào với gã. Nếu ông nói gì với gã, gã sẽ không trả lời: đó là một chứng tật, một thói quen kỳ cục mà tất cả những người như thế đều có, như tôi đã nói.
“Gã đọc kinh giống như một tu sĩ, đi nhà thờ đều đặn và dự tất cả các buổi thánh lễ. Nhưng chỗ ngồi gã ở đâu trong nhà thờ? Về sau chúng tôi để ý thì thấy: chỉ cách vài mét với chỗ ngồi của Madame de Merret. Ngay từ lần đầu đến nhà thờ gã đã chọn vị trí đó nên chẳng ai nghĩ rằng có gì đặc biệt trong việc chọn lựa. Ngoài ra, gã trai trẻ ấy chẳng hề ngước mắt lên khỏi cuốn Thánh Kinh. Thưa ông, vào mỗi buổi chiều, gã thường bách bộ chung quanh ngọn đồi, giữa những điêu tàn của tòa lâu đài. Đó là sự giải trí duy nhất của chàng trai đáng thương ấy. Nơi đó, gã được dịp nhớ lại quê hương gã. Người ta bảo xứ Tây Ban Nha không có gì ngoại trừ những núi đồi!
“Một chiều, vài ngày sau khi được gửi đến đây, gã về quán trọ rất trễ. Tôi thật lo ngại khi mà cho đến nửa đêm, vẫn không thấy mặt gã. Nhưng bởi đã quen với những thói tật kỳ dị của gã nên chúng tôi thôi ngạc nhiên và xếp đặt một phòng trong căn nhà trên đường Casernes và giao cho gã cái chìa khóa riêng. Thế rồi, có một đứa trẻ chăn ngựa kể chúng tôi nghe rằng một buổi tối, đi tắm ngựa ở giòng sông, thằng bé đã thấy gã Tây Ban Nha quý tộc bơi lội như một con cá trong giòng nước. Khi gã trở lại, tôi lưu ý với gã rằng hãy coi chừng những khóm cỏ dại có thể làm rối chân bơi của gã. Cuối cùng, một ngày, hay đúng hơn là một buổi sáng, chúng tôi thấy căn phòng gã trống trơn; rồi chiều tối vẫn không thấy gã trở lại. Sau đó, trong hộc bàn viết, tôi tìm ra một tấm giấy nhỏ và một cái hộp niêm kín trong có đựng 50 đồng tiền vàng mà chúng tôi gọi là tiền Bồ Đào Nha, giá trị chừng 5 ngàn quan; và những viên kim cương chừng 10 ngàn quan. Tấm giấy ghi rằng, nếu như gã không trở lại thì với số tiền và số kim cương ấy, gã xin chúng tôi làm cho gã một buổi lễ cầu hồn để cám ơn Thượng Đế về sự trốn thoát của gã.
“Thời gian đó chồng tôi còn sống. Ông ta đi tìm gã. Và đây là phần kỳ cục nhất của câu chuyện! -ông ta nhìn thấy bộ áo quần của gã đặt bên dưới một tảng đá lớn cạnh bờ sông, không xa tòa lâu đài bao nhiêu, đối diện với La Grande Brétèche, nên mang về nhà. Từ sáng sớm, chồng tôi đã đi đến đó để không ai có thể nhìn thấy. Ông đốt hết áo quần gã sau khi đọc lá thư, và tuyên bố rằng Bá tước Férédia đã trốn thoát, như trong thư gã dặn chúng tôi làm thế. Vị trưởng khu sai lính đi tìm; nhưng tất cả đều vô ích. Chồng tôi thì cho rằng gã Tây Ban Nha đã bị chết đuối. Còn tôi không nghĩ vậy; trái lại, tin chắc gã có dự một vai trò quan trọng trong cái bí mật của Madame de Merret. Rosalie bảo tôi rằng cây thánh giá bằng gỗ mun có bịt bạc thì quá thân thiết với bà chủ cô, đến nỗi nó được chôn theo với bà. Từ những ngày đầu đến đây, Monsieur Férédia cũng có một cây thánh giá bằng gỗ mun bịt bạc mà về sau tôi không còn thấy nữa. Bây giờ, thưa ông, có phải là đúng chăng nếu như tôi không cần để lương tâm rối loạn về 15 ngàn quan của gã Tây Ban Nha kia? Số bạc ấy có thực là của tôi không?”
“Chắc thế.” Tôi đáp. “Nhưng bà có đã cố gắng hỏi Rosalie chưa?”.
“Ồ có, thưa ông. Tuy nhiên, cô nhỏ đó giống như một bức tường lạnh lẽo. Cô ta biết vài điều nhưng thật không thể bắt cô hé răng lấy một chữ.”
Sau khi chuyện trò một đỗi với tôi, bà chủ quán bỏ đi, để lại cho tôi một mớ ý tưởng mông lung ảm đạm, những hiếu kỳ lãng mạn, và một nỗi khiếp hãi rất cao giống như những cảm xúc sâu xa bao trùm thân thể khi một đêm chúng ta bước vào một giáo đường tối tăm, nơi mà ánh sáng yếu ớt xuất hiện ở quãng xa dưới những mái vòm của nhà thờ -một hình dáng mờ mờ lướt nhẹ qua- chúng ta có thể nghe tiếng xột xoạt của chiếc áo choàng dài hay cái áo thầy tu, và toàn thân chúng ta bỗng đâm rùng mình sởn gáy. La Grande Brétèche với bãi cỏ rậm rạp, những cánh cửa sổ cao kín mít mà các bộ phận bằng sắt đã han rỉ, với những cánh cửa lớn đóng im ỉm và những căn phòng bỏ trống... bỗng dưng xuất hiện một cách thật huyền hoặc dưới mắt tôi. Tôi cố gắng nhìn thấu vào ngôi nhà bí mật để kiếm cho ra cái chìa khóa của câu chuyện buồn rầu ấy, tìm xem cái bi kịch nào là nguyên nhân cho cái chết của ba con người. Dưới mắt tôi, Rosalie trở thành nhân vật đáng thích thú nhất ở Vendôme. Khi nhìn cô, tôi tưởng tượng có thể khám phá ra những hiểu biết thầm kín, cho dù trên khuôn mặt tròn trĩnh của cô chỉ thấy phô bày một sức sống mạnh mẽ. Có cái gì trong cô đã nói lên sự hối hận hay hy vọng; thái độ cô gợi ra một nỗi bí mật, giống như sự thành kính của một người cầu nguyện quá độ, hay của một cô gái đã giết chết đứa hài nhi và không ngừng nghe tiếng khóc cuối cùng của con. Tuy nhiên, cái cách cư xử của cô thì giản dị vụng về và trong cái cười ngờ nghệch không thấy có gì là tội lỗi. Bạn có thể 2 1 xét đoán rằng cô vô tội ngay chính từ lúc thoạt nhìn vào chiếc khăn có kẽ ô vuông xanh đỏ choàng qua bộ ngực nung núc và được gấp nếp bên trong một cái váy chặt với những ngôi sao màu trắng tím.
“Không,” tôi nghĩ, “tôi sẽ không rời Vendôme nếu chưa tìm ra đoạn kết của câu chuyện bí mật ở La Grande Brétèche. Để đạt điều đó, ngay cả cần trở thành người tình của Rosalie, tôi cũng sẽ làm.” “
Rosalie?” một chiều tôi nói với cô.
“Dạ, thưa ông”
“Cô không lập gia đình sao?”
Cô liếc nhìn tôi. Và đáp trong một tiếng cười:
“Ồ, tôi sẽ có hàng tá đàn ông để chọn lựa khi nào tôi nghĩ rằng mình không còn được hạnh phúc!”
Cô mau chóng lấy lại bình tĩnh sau một thoáng cảm xúc, bởi vì tất cả phụ nữ, từ người quý tộc đến một cô hầu quán ai cũng đều có sự nhanh trí bẩm sinh.
“Cô còn trẻ và đủ quyến rũ để không thiếu gì kẻ theo đuổi! Nhưng này Rosalie, nói cho tôi biết, tại sao cô trở thành một người hầu gái tại cái quán này sau khi cô rời tòa lâu đài của Madame de Merret? Có phải bởi cô đã không dự phòng cho mình chút ít tiền của?”
“Ồ, thưa ông, quả thế. Nhưng đây là chỗ tốt nhất của tôi ở Vendôme mà.”
Câu đáp này là những gì mà một vị quan tòa và các luật sư có thể gọi là một sự không hứa hẹn. Đối với tôi, Rosalie dường như đã chiếm cứ trong câu chuyện lãng mạn này một vị thế chính yếu giống như trên một bàn cờ; sự lôi cuốn và Sự Thật xoáy chung quanh cô; cô trông như bị trói buộc ở đầu gúc mắc. Cô không còn là một cô gái bình thường mà tôi đang định tâm quyến dụ; trong cô có đặt để chương cuối của cuốn tiểu thuyết; và vì thế, từ lúc ấy, Rosalie trở nên đối tượng chủ yếu cho sự chú ý của tôi. Như thông thường những kẻ từng làm với các người đàn bà đã giữ vị trí quan yếu trong ý nghĩ mình, khi quan sát cô, tôi khám phá thấy rất nhiều phẩm chất tốt: cô trông sạch sẽ, trong sáng và đẹp; thêm nữa là những điểm duyên dáng mà một phụ nữ ở bất cứ giới hạng nào cũng đều ước muốn.
Hai tuần lễ sau cuộc viếng thăm của viên công chứng, một buổi chiều, hay một buổi sáng đúng hơn, bởi đó là lúc trời còn sớm, tôi nói với Rosalie:
“Bây giờ hãy cho tôi biết tất cả những gì về Madame de Merret!”
“Ồ!” cô đáp trong cái vẻ rất sợ hãi, “xin đừng hỏi tôi điều đó, thưa ông Horace!”
Khuôn mặt xinh đẹp bỗng dưng xạm lại, màu da sáng hóa thành xanh nhợt, đôi mắt hết cả nét linh động vô tội.
“Nào,” cô tiếp tục, “tôi sẽ kể cho ông nghe, nhưng xin ông phải hứa giữ bí mật những điều ấy.”
“Tôi hứa, cô bé đáng thương ạ. Tôi sẽ giữ điều bí mật bằng sự thành thật của một tên trộm, và đó là sự thành thật đúng đắn nhất.”
“Nếu thế thì, dĩ nhiên, tôi sẽ kể hết với ông.”
Rồi cô vuốt vuốt cái khăn quàng, chuẩn bị tư thế; bởi vì, để kể một câu chuyện, người ta cần phải có một thái độ tự tin và dễ chịu. Những câu chuyện hay nhất luôn luôn được kể ra vào những lúc đúng nhất- ví dụ như khi tất cả mọi người đều ngồi vào bàn chứ không phải trong tư thế đứng, hoặc vội vã vì đói bụng. Nếu tôi trình bày chính xác từng chữ của Rosalie, một cuốn sách dầy mới gọi là đủ. Những dữ kiện mà cô cung cấp đã hoàn toàn đúng ở hai câu chuyện của viên công chứng và bà Lepas, nhưng phần kể của cô lại nằm ở khoảng giữa. Vì thế, tôi chỉ tóm tắt lại phần giữa thế này:
“Phòng ngủ của Madame de Merret tại La Grande Brétèche là ở tầng trệt. Một cái tủ ngăn xây lõm vào tường, sâu chừng hơn một thước, dùng làm chỗ móc quần áo. Từ ba tháng trở về trước, Madame de Merret đau yếu đến nỗi Bá tước để bà lại một mình ở tầng trệt, và chiếm cứ căn phòng trên lầu cho riêng ông. Buổi tối đáng nói ấy, tình cờ từ hội quán -nơi ông thường đến đó đọc báo và trò chuyện về chính trị với những người trong tỉnh, ông về nhà muộn hơn hai tiếng đồng hồ theo lệ thường. Bà Bá tước ngỡ ông đã về và vào giường rồi. Nhưng tối ấy, do đề tài thảo luận sôi nổi về sự xâm lược của nước Pháp, trò chơi bi da ở hội quán trở thành sống động, ông đã thua mất 40 quan. Đó là một con số lớn ở Vendôme, nơi mà mọi người ai cũng tằn tiện và những thói quen xã hội bị kiềm chế lại trong sự đơn giản thì rất đáng được ca ngợi. Đó có lẽ là nguồn cội của hạnh phúc thật sự; (những điều mà chẳng một người dân Paris nào màng quan tâm đến.)
Nhiều đêm qua, mỗi lúc trở về, Monsieur de Merret thường chỉ hỏi Rosalie xem vợ ông đã ngủ chưa; khi cô gái xác nhận đúng, thì ông đi thẳng lên phòng mình với cái thói quen và tính tự tin bẩm sinh. Tối hôm đó, trở về, ông định sẽ tìm Madame de Merret để nói cho nàng nghe về sự thua bạc của mình, cũng có lẽ để tìm vài lời an ủi. Trong bữa ăn tối, ông nhận biết Madame de Merret ăn vận rất duyên dáng; nên trên đường từ hội quán trở về, ông tin rằng vợ ông đã khá hơn, do đó sự hồi sức làm tăng vẻ đẹp của nàng. Như tất cả mọi ông chồng, sự khám phá của Bá tước về sắc đẹp người vợ rõ ràng là trễ muộn hơn tất cả mọi khám phá khác. Thay vì gọi Rosalie lúc ấy đang bận nhìn anh bếp chơi bài brisque cùng gã đánh xe ở nhà dưới, Monsieur de Merret đi thẳng lên phòng vợ, tự soi đường cho mình bằng cây đèn dầu mà ông đã cầm lấy từ bậc thang thấp nhất của cái cầu thang. Những bước chân ông rất dễ nhận biết, vang lên dưới cái vòm hành lang.
Khi đặt chìa khóa vào cánh cửa phòng vợ, ông ngỡ như nghe có tiếng đóng sập của cánh cửa phòng thay áo; nhưng lúc bước vào thì ông thấy chỉ một mình Madame de Merret đứng trước lò sưởi. Bá tước nghĩ rằng Rosalie đang trong phòng thay áo; nhưng một nỗi nghi ngờ bỗng dội dội bên tai như một hồi chuông làm ông chú ý. Ông nhìn vợ và ngỡ như thấy trong đôi mắt nàng có một điều bí mật nào, hoặc một vẻ lo lắng rất kỳ lạ.
"Ngài về trễ quá,” nàng nói. Giọng của nàng, thường rất trong và êm ả, bấy giờ nghe như khàn đục.
Monsieur de Merret không trả lời bởi vì ngay lúc đó Rosalie đã bước vào phòng. Ông cảm thấy như bị tổn thương dữ dội nên cứ vòng hai tay bước tới bước lui quanh phòng, rồi từ cửa sổ này qua cửa sổ khác, những bước chân đều đặn.
“Ngài không gặp may, hay là ngài không được khỏe?” người vợ hỏi cách thẹn thò trong khi Rosalie thay áo quần cho nàng.
Ông vẫn im lặng.
“Em đi nghỉ đi,” Madame de Merret bảo người hầu gái. “Ta sẽ tự mình cuốn tóc được.”
Một cái gì đó trên mặt người chồng khiến nàng sợ hãi nên cầu mong được ở một mình với ông. Khi Rosalie đã rời phòng, hoặc chừng như đã rời, bởi cô nấn ná ít phút bên ngoài hành lang, Monsieur de Merret đến đứng trước mặt vợ và lạnh lùng nói:
“Thưa bà, có kẻ nào đó đang ở trong phòng thay áo!”
Nàng lặng lẽ nhìn chồng, đơn giản đáp: “Thưa ngài, không có.”
Lời chối nhận này làm bóp thắt trái tim Monsieur de Merret; ông không tin; nhưng chưa bao giờ người vợ ông lại có cái vẻ trong sạch và thần thánh đến độ đó trước mặt ông. Ông nhổm tới, giơ tay định mở cánh cửa phòng thay áo; Madame de Merret níu tay ông lại, nhìn ông bằng cái nhìn buồn rầu và nói bằng một giọng run run rất lạ:
“Nếu ngài không tìm thấy ai ở đó, xin hãy nhớ rằng tất cả giữa chúng ta sẽ chấm dứt từ đây.”
Cái vẻ trang nghiêm khác thường trên thái độ người vợ đã làm sống dậy trong ông sự kính trọng sâu xa của một nhà quý tộc dành cho nàng.
“Không, Josephine,” ông nói, “ta sẽ không mở cánh cửa. Nhưng dù bất cứ tình huống nào, chúng ta cũng phải vĩnh viễn chia tay. Giờ hãy nghe này, ta biết tâm hồn em thanh khiết cũng như cuộc sống của em rất tốt; em sẽ không làm điều gì tội lỗi ngay cả để tự cứu cho cuộc đời mình.”
Với những lời này, Madame de Merret liếc nhanh khuôn mặt chồng bằng đôi mắt phờ phạc.
“Nào, hãy cầm thánh giá của em lên”, Bá tước nói. “Thề trước Chúa rằng không có ai ở trong ấy, ta sẽ tin và không bao giờ mở cửa phòng đó ra.”
Madame de Merret cầm lấy thánh giá và nói: “Em xin thề như thế.”
“To lên,” người chồng nói, “và lập lại câu này: 'Trước Chúa, tôi xin thề không có ai ở trong phòng thay áo đó cả.'”
Madame de Merret thản nhiên lập lại câu nói.
“Tốt lắm,” Monsieur de Merret lạnh lùng.
Sau một lúc im lặng, ông nói, trong khi ngắm nhìn cây thánh giá có bịt bạc với những dấu chạm trỗ rất nghệ thuật:
“Cái vật đẹp này, trước kia ta chưa từng thấy.”
“Em tìm nó ở nhà ông Duvivier; ông ta đã mua được từ một vị tu sĩ Tây Ban Nha khi đoàn tù binh đi qua Vendôme năm ngoái”, bà Bá tước đáp.
Monsieur de Merret rung chuông. Lập tức, Rosalie xuất hiện. Bá tước vội vã bước đến, ra hiệu cho cô tới bên cửa sổ nhìn bao quát ra khu vườn. Ông nhỏ giọng:
“Ta biết Gorenflot muốn lấy mi làm vợ, nhưng chỉ vì nghèo khó mà mọi sự không thành. Ta cũng biết mi đã nói với hắn là mi chỉ làm vợ hắn khi nào hắn trở nên một anh thợ nề thành thạo... Nào, đi kiếm hắn cho ta; bảo hắn mang theo cái bay trát hồ và những dụng cụ. Phải cẩn thận không được đánh thức bất cứ ai, ngoại trừ hắn; tài sản của hắn sẽ vượt trội hoài bão của mi. Trên hết, không được nói câu nào khác với hắn.”
Bá tước cau mày. Rosalie bước đi; ông gọi cô lại:
“Đây này, hãy cầm lấy cái chìa khóa của ta.”
“Jean!” Monsieur de Merret gọi lớn, y hệt tiếng sấm vang dội cả hành lang. Jean, người đánh xe và cũng là tên hầu cận Bá tước, rời bàn bài brisque, đến gặp ông.
“Tất cả bọn bay đi ngủ đi” vị chủ nhân nói, và vẫy tay gọi Jean đến gần. Nhà quý tộc thêm, giọng thì thầm: “Khi tất cả bọn chúng đã ngủ, hãy lưu ý, đã ngủ, mi hiểu không, thì đến nói cho ta hay.”
Monsieur de Merret không rời mắt khỏi vợ trong khi ra những lệnh truyền trên. Ông lặng lẽ bước đến cạnh nàng bên lò sưởi, và bắt đầu kể cho nàng nghe về những chuyện xảy ra tại hội quán. Khi Rosalie trở lại, cô thấy ông và Madame de Merret đang chuyện trò thân mật như hai người bạn.
Không lâu trước khi xảy ra chuyện này, vị Bá tước đã cho lợp mới lớp trần căn phòng tiếp tân ở tầng trệt. Lúc bấy giờ ở Vendôme, chất thạch cao rất khan hiếm và giá cả tăng vọt bằng giá một chiếc xe ngựa; cho nên nhà quý tộc đã để dành được một số lượng đáng kể bởi ông biết rằng luôn luôn có thể bán đi số còn dư lại. Tình thế này làm cho ông nghĩ đến cái dự tính đang muốn thực hiện.
“Thưa ngài, Gorenflot đã đến”, Rosalie thì thầm.
Khuôn mặt Madame de Merret bỗng nhợt nhạt khi nhìn thấy người thợ nề.
“Gorenflot,” Bá tước bảo, “đi đến nhà xe mang về cho ta đủ số gạch để lấp kín cánh cửa căn phòng thay áo này; mi có thể dùng một lớp vữa trát lên bên ngoài lớp xi măng.”
Rồi, ngoắc Rosalie và người thợ nề đến gần, nhà quý tộc thấp giọng:
“Nghe này, Gorenflot, mi phải ngủ lại đây đêm nay. Nhưng sáng mai thì mi sẽ có một thông hành đi ngoại quốc và phải đến một tỉnh do ta chỉ định. Ta sẽ cho mi sáu ngàn quan dành cho chuyến đi này. Mi phải ở đó trong mười năm; nếu không thích như thế, mi có thể đến bất cứ nơi nào cũng bằng thời gian ấy. Hãy qua ngã Paris và chờ ta ở đó. Tại Paris, ta sẽ đưa cho mi một bản ký kết thêm 6 ngàn quan nữa, trả công mi trong lần trở về, miễn là mi hoàn thành những điều kiện trong giao kèo giữa chúng ta. Đổi lại số tiền này, mi phải tuyệt đối im lặng theo những gì đêm nay đã biết. Về phần mi, Rosalie, ta sẽ cho mi mười ngàn quan trong ngày cưới của mi với điều kiện là phải làm vợ Gorenflot; nhưng cả hai đứa sẽ phải giữ mồm giữ miệng nếu bọn mi muốn làm đám cưới. Nếu không, chẳng chút quà cưới nào!”
“Rosalie,” bà Bá tước gọi, “đến chải tóc cho ta!”
Người chồng đi đi lại lại khắp phòng, dán chặt mắt lên cánh cửa, vào người thợ nề, và vào người vợ, nhưng không bày tỏ chút gì sỉ nhục về sự nghi ngờ. Gorenflot không thể tránh làm tiếng động. Madame de Merret lợi dụng giây lát khi gã thợ nề đang lắp vài viên gạch vào tường và nhà quý tộc đang đứng cuối phòng, nói nhỏ với Rosalie:
“Em yêu, ta sẽ cho em một năm một ngàn quan nếu em có thể bảo Gorenflot lưu lại một chỗ nẻ ở cuối chân tường.”
Rồi nàng điềm tĩnh nói lớn: “Hãy đến giúp anh ta!”
Monsieur và Madame de Merret đều yên lặng suốt thời gian Gorenflot lấp kín cánh cửa. Sự yên lặng này có chủ đích về phía người chồng, bởi ông ta không muốn cho vợ một cơ hội để nói lời nào có thể hàm chứa hai ý nghĩa; và về phía Madame de Merret thì nỗi yên lặng đó nẩy sinh từ tính thận trọng hoặc lòng kiêu hãnh. Khi bức tường xây được lên tới một nửa, gã thợ nề gian xảo lợi dụng lúc ông chủ quay lưng lại ở cuối phòng, nện mạnh cái cuốc vào một hay hai ô kính vuông trên chóp cửa. Hành động này chứng tỏ cho bà Bá tước biết rằng Rosalie đã nói điều nàng muốn với Gorenflot.
Thế rồi cả ba người đều nhìn thấy một khuôn mặt đàn ông da màu nâu đồng, tóc đen và đôi mắt sáng rực. Trước khi người chồng trở lại, người đàn bà đáng thương còn kịp thì giờ để gật đầu với kẻ lạ, như ý muốn nói: “Đừng tuyệt vọng!”
Vào lúc bốn giờ khuya khi ngày bắt đầu rạng, bởi vì lúc ấy là tháng Chín, bức tường được xây xong. Gã thợ nề ở lại đó trong sự canh giữ của Jean, gã đánh xe, và ông Bá tước thì ngủ trong phòng vợ.
Sáng hôm sau, thức dậy, ông thản nhiên nói với vợ: “Ồ, hôm nay ta phải đi tới tòa thị sảnh để hỏi về cái thông hành của mình.”
Ông đội nón, bước ba bước về phía cửa rồi ngừng lại như thể vừa nghĩ ra điều gì trong óc, đoạn cầm lên cây thánh giá. Trái tim người vợ chừng như muốn vỡ tung vì mừng rỡ. “Ông ta sẽ đi tới nhà Duvivier,” nàng nghĩ.
Nhà quý tộc vừa rời đi, Madame de Merret đã rung chuông gọi Rosalie; rồi kêu to bằng một giọng thật đau khổ:
“Mau lên! Mau lên! Đem cho ta cái cuốc. Ngày hôm qua ta đã thấy cái cách xây tường của Gorenflot; chúng ta còn kịp thì giờ để khoét một cái lỗ và lấp nó lại.”
Trong nháy mắt Rosalie đã mang tới cho bà chủ một cái rìu nhỏ, và với một nghị lực không thể diễn tả, Madame de Merret bắt đầu phá đổ bức tường. Nàng đã cào ra được vài viên gạch, và đúng ngay cái lúc sửa soạn bứa một cú mạnh hơn về phía trước, nàng nhìn thấy ông chồng đang đứng phía sau. Tức thì nàng ngã ra bất tỉnh.
“Đặt bà chủ lên giường!” nhà quý tộc lạnh lùng nói. Đoán biết trước được những gì sẽ xảy ra khi ông vắng mặt, ông đã gài bẫy vợ; nên chỉ viết một lá thư nhỏ cho ông thị trưởng, và cho đòi Duvivier đến gặp.
Nhà buôn kim hoàn đến ngay sau lúc căn phòng đã được xếp đặt thứ tự đâu vào đấy như cũ.
“Duvivier,” vị Bá tước hỏi, “có phải anh đã mua được một cây thánh giá từ những người Tây Ban Nha đi qua tỉnh?”
“Không, thưa ngài.”
“Tốt lắm, cám ơn anh,” ông Bá tước nói với một cái nhìn hung dữ vào vợ.
“Jean,” ông quay về phía gã hầu thân tín, “từ nay dọn bữa ăn cho ta ngay trong phòng Madame de Merret; bà chủ không được khỏe, và ta sẽ không rời cho đến khi bà khá hơn.”
Vị Bá tước độc ác không hề rời xa người vợ trong hai mươi ngày. Ngay thoạt đầu, khi có tiếng động phát ra từ bức tường bị lấp kín, và Josephine toan cầu xin ông tha thứ cho kẻ đang chết trong đó, ông đã trả lời mà không để cho vợ kịp nói một chữ nào khác:
“Em đã thề trên thánh giá rằng không có ai ở trong ấy mà!”
Chú thích
(1) Atridae: một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp.
(2) Don Juan, nhân vật biểu tượng cho tinh thần tự do. Khởi nguồn từ huyền thoại dân gian, nhân vật này được đưa vào văn chương lần đầu qua bi kịch “El burlador de Sevilla” (Kẻ quyến rũ ở thành Séville) năm 1630, do nhà viết kịch người Tây Ban Nha, Tirso de Monila, soạn. Nhờ bản kịch, Don Juan trở nên một nhân vật phổ thông của chung mọi người, giống như các nhân vật Don Quixote (của Miguel de Cervantes), Hamlet (của Shakespeare) và Faust (của Goethe). Rồi lại biến hình thành nhân vật “anh-hùng-du-đãng” trong các kịch phẩm, tiểu thuyết, thi ca của nhiều tác giả khác nhau trên thế giới. Đặc biệt, huyền thoại về Don Juan được phổ biến rộng rãi và vững vàng suốt qua bản đại nhạc kịch Don Giovanni của Mozart (viết ra năm 1787), kể chuyện chàng Don Juan khi đang ở vào điểm cao nhất trong cuộc sống phóng túng của mình đã quyến rũ một thiếu nữ quí tộc và giết chết cha cô ta, người đã cố gắng báo thù để rửa nhục cho con. Sau đó, nhìn thấy trên nấm mồ người cha có đặt một hình nộm để tưởng nhớ, anh ta suồng sã mời hình nhân này đi dùng cơm. Không ngờ, chính ngay cái tượng quỷ bằng đá kia đã đến bữa tiệc thật, như một báo hiệu cho cái chết của Don Juan sắp xảy đến. Trong bản văn nguyên thủy của tác giả Tây Ban Nha, những phẩm chất quyến rũ của Don Juan -như sức sinh động, lòng can đảm ngạo nghễ, và khiếu khôi hài- đã nâng cao giá trị sự kết thúc bi thảm của vở kịch. Sức hấp dẫn phát sinh từ những chuyển biến nhanh, tạo nên ấn tượng căng thẳng cho độc giả theo những truy đuổi chồng chất mà các kẻ thù của Don Juan đang dồn anh ta đến chỗ hủy diệt. Sự kích thích của bản văn cũng được nẩy sinh từ việc độc giả nhận biết rằng chàng Don Juan bị đưa vào bước đường cùng đã bất chấp mọi người mọi thứ, ngay cả đến sức mạnh quỷ thần của kẻ lạ mặt kia. Cuối cùng, anh ta từ chối sự chuộc tội và đời đời rơi xuống địa ngục. (Chú thích của TTBG)
(3) Laurence STERNE, văn sĩ người Anh, (1713-1768)
(4) Ann Ward Radcliff, nữ văn sĩ người Anh (1764-1823) chuyên viết những tiểu thuyết kinh dị.
(5) Teniers le Jeune, họa sĩ người Hòa Lan ((1610-1690).
Trần thị Bông Giấy dịch

Xem Tiếp: ----