(Bản dịch này của Trịnh Y Thư nghe nhuần nhuyễn và khúc chiết hơn bản của Nguyễn Minh Phượng trên tạp chí Văn năm 1974, nhưng không có chất Kafka bằng.) Những năm gần đây thị hiếu quần chúng đối với màn biểu diễn nhịn ăn giảm sút thấy rõ. Những pha trình diễn như thế, hết sức quy mô và do tư nhân tổ chức, thuở trước thường đem lại mối lợi to, nhưng ngày nay không ai thực hiện nổi nữa. Thời đó khác bây giờ nhiều lắm. Có lúc mọi người trong tỉnh, ai nấy bị gã nghệ nhân làm mê hoặc; trong lúc gã tuyệt thực, sự nô nức trong lòng mọi người càng lúc càng gia tăng, ai cũng muốn tận mắt mỗi ngày một lần trông thấy gã; ở những buổi trình diễn cuối người ta giữ ghế đặc biệt suốt ngày ngồi trước cái cũi nhỏ, có cả những xuất diễn về đêm dưới ánh đuốc để tăng thêm cảm giác; những hôm đẹp trời cái cũi được khênh ra nơi trống trải và đó là lúc đặc biệt thú vị cho lũ trẻ con có dịp tận mắt quan sát gã tuyệt thực, với người lớn tuổi gã chỉ là trò cười họ tham dự chẳng qua vì đó là cái mốt; lũ trẻ đứng chung quanh cái cũi miệng há hốc đầy thán phục, chúng nắm chặt tay nhau để giữ an toàn, mắt nhìn vào chăm chú, gã ngồi trên đống rơm trải dưới đất, chẳng cần ghế ngồi, trên thân thể xanh lướt gã khoác bộ đồ len màu đen nhàu nát, xương sườn lòi ra trông phát khiếp; thỉnh thoảng gã lịch sự gật đầu, trả lời câu hỏi của người nào đó với nụ cười gượng gạo, có lúc gã thò cánh tay qua chấn song cái cũi cho người ta thấy tay gã gầy ốm khẳng khiu như thế nào nhưng rồi gã lại rút vào trong câm lặng, chẳng thèm để ý đến ai, đến điều gì, ngay cả tiếng điểm giờ hết sức quan trọng của cái đồng hồ, đồ vật duy nhất trong cũi, gã cũng chẳng hề bận tâm chú ý, gã nhìn thẳng về phía trước bằng đôi mắt khép hờ và thỉnh thoảng hớp một hớp nước cho đôi môi đỡ khô nứt. Bên cạnh đám khán giả lố nhố chung quanh, người ta còn cử ra những toán canh gác; thật lạ lùng họ thường là những anh đồ tể, có nhiệm vụ canh chừng gã ngày cũng như đêm—mỗi phiên gác ba người—ngăn ngừa trường hợp gã lén lấy thức ăn bỏ vào miệng. Nhưng đây chỉ là thủ tục không hơn không kém có mục đích bảo đảm với quần chúng tính trung thực của cuộc tuyệt thực, không hề có sự giả trá trong màn biểu diễn nhịn ăn của gã, bởi người ta hiểu rất rõ là trong suốt thời gian tuyệt thực gã không bao giờ bỏ vào miệng miếng bánh nhỏ nào kể cả trường hợp bị ép buộc; danh dự nghề nghiệp gã không cho phép gã làm vậy. Dĩ nhiên không phải người canh gác nào cũng hiểu thấu đáo điều đó; thường bao giờ cũng có những toán gác đêm rất lơ là và họ cố tình ra ngồi ở một góc rõ xa, họ đem bài ra đánh và đặt hết tâm trí vào canh bài, hiển nhiên cố tình cho phép gã có cơ hội bỏ vào miệng chút đồ ăn mà họ chắc mẩm gã lén giấu nơi nào đó. Gã tuyệt thực ghét cay ghét đắng những kẻ canh gác này, gã thật khổ sở, vì họ mà cuộc tuyệt thực của gã trở nên đau đớn không chịu đựng nổi; đôi lúc gã cố nén xuống yếu đuối, mở miệng hát lảm nhảm được chừng nào hay chừng đó để những kẻ ngồi canh gác thấy sự nghi ngờ của họ thiếu công bằng biết bao. Tuy nhiên, chỉ vô ích thôi; họ chỉ tỏ vẻ kinh ngạc về khả năng vừa ăn vừa hát của gã. Gã rất thích những người canh gác ngồi sát ngay bên ngoài chấn song cái cũi và vì không thoả mãn với ánh đèn đêm lù mù bên trong sảnh đường họ đem đèn rọi chạy bằng điện do ông bầu tổ chức cung cấp chiếu vào mặt gã. Ánh đèn điện chói loà không làm gã khó chịu, bởi chẳng lúc nào gã nhắm mắt ngủ được mà chỉ gật gà gật gù bất kể lúc đó là mấy giờ, trời tối hay sáng, ngay cả khi sảnh đường chật ních người nói năng ầm ĩ. Gã sẵn sàng thức trọn đêm ngồi với những người canh gác như vậy; gã vui vẻ pha trò nói chuyện vãn với họ; kể họ nghe những mẩu chuyện về cuộc sống rày đây mai đó của gã và ngược lại lắng nghe họ kể chuyện đời họ, nói chung gã làm bất cứ điều gì khiến họ tỉnh ngủ để họ thấy rõ mười mươi là chẳng có cái gì ăn được bên trong cũi và chỉ có gã mới nhịn đói được như vầy thôi. Tuy thế thời điểm sung sướng nhất của gã là lúc trời rạng sáng và một bữa ăn thịnh soạn—bữa ăn nhờ gã mới có—được dọn ra; mấy người canh gác nhào vào ăn uống ngon lành sau một đêm canh giữ mỏi mệt. Dĩ nhiên vẫn có kẻ dè bỉu cho là bữa ăn như thế chẳng qua chỉ là hình thức gã hối lộ những người canh gác, nhưng nghĩ vậy là đi quá xa, và khi được hỏi có chịu giữ nhiệm vụ canh gác nhưng không ăn bữa ăn sáng không—để làm sáng tỏ nghi vấn—thì họ lẻn ra chỗ khác, nhưng họ vẫn khăng khăng giữ nguyên lời nói ẩn ý bóng gió xa gần. Những ngờ vực như vậy thật không sao tránh được. Không ai có khả năng một mình canh gác gã suốt ngày đêm, vì thế chẳng ai có thể cả quyết chính mắt mình chứng kiến cuộc tuyệt thực hoàn toàn liền lạc và không thể chê bai vào đâu; chỉ mình gã biết rõ điều đó, và chính vì thế gã là khán giả duy nhất hài lòng với màn biểu diễn nhịn ăn của chính mình. Vậy mà do những nguyên cớ khác gã chẳng bao giờ hài lòng; có lẽ không phải vì nhịn ăn mà thân thể gã trở nên héo hon tiều tụy đến độ nhiều người không dám đến xem gã trình diễn chỉ vì hình ảnh đau đớn của gã khiến họ thấy vô cùng bất nhẫn trong lòng, có lẽ gã gầy yếu như thế bởi gã không bằng lòng với chính mình. Bởi không ai ngoài gã biết rõ một điều: Nhịn đói là cái gì thật dễ dàng. Dễ nhất trên cõi đời. Gã chẳng giữ bí mật này làm gì mặc dù không ai tin lời gã; khá nhất người ta nghĩ gã khiêm nhường khi nói vậy, nhưng hầu hết cho đó là hình thức quảng cáo hoặc nghĩ gã là kẻ gian manh, nhịn đói không chút khó khăn gì nhờ biết cách tráo trở nhưng lại cả gan ít nhiều tự thú nhận mình gian lận. Gã phải chịu đựng tất cả những đau đớn này và sau nhiều năm tháng gã quen dần, nhưng sự bất mãn với chính mình ray rứt gậm nhấm gã khôn nguôi, và chưa bao giờ, sau bất kì cuộc tuyệt thực nào—ít nhất người ta phải công nhận như thế—gã chịu tự ý bước ra khỏi cái cũi một mình. Ông bầu tổ chức xác định thời hạn tuyệt thực là bốn muơi ngày, ông không bao giờ để vượt quá thời hạn này ngay cả ở những thành phố lớn, và lí do không phải không vững chắc. Kinh nghiệm cho thấy ở bất cứ thị trấn nào quần chúng chỉ có thể bị lôi cuốn nhờ quảng cáo mỗi ngày mỗi rầm rộ trong khoảng thời gian bốn muơi ngày thôi, sau đó họ lơ là và số người đi xem giảm sút thấy rõ; dĩ nhiên mỗi nơi mỗi khác, tỉnh này không giống tỉnh kia, xứ này khác xứ nọ, nhưng bốn muơi ngày là thời hạn thông thường. Thế là vào ngày thứ bốn mươi, cái cũi giăng đèn kết hoa được mở ra, sảnh đường chật ních người xem náo nức chờ đợi, tiếng nhạc do ban quân nhạc đảm trách trổi lên, hai bác sĩ chui vào cũi đo nghe gã tuyệt thực những gì cần khám, đoạn dùng loa tuyên bố kết quả cuộc khám nghiệm cho khán giả nghe, cuối cùng hai cô thiếu nữ từ trong đám đông tiến lên, hai cô rất sung sướng được chọn làm vai trò danh dự dìu gã tuyệt thực từ trong cũi bước ra cái bàn nhỏ nơi người ta bày sẵn bữa ăn ê hề nấu riêng cho người bệnh. Và đúng vào thời điểm này gã tuyệt thực luôn luôn trở nên cứng đầu ương ngạnh. Giỏi lắm gã chỉ giơ tay lên nắm tay hai cô thiếu nữ đang cúi người bên cạnh tỏ vẻ ần cần, nhưng đứng dậy ư?—không đời nào. Tại sao mới bốn mươi ngày đã ngưng rồi? Gã có thể tuyệt thực lâu hơn thế chứ, vô thời hạn cũng được; tại sao ngưng ở đây trong khi gã đang ở giai đoạn tuyệt thực sung mãn nhất, hay đúng hơn, chưa đến giai đoạn sung mãn nhất? Tại sao người ta tước đi của gã niềm vinh quang không những gã là người tuyệt thực vĩ đại nhất từ trước đến nay, chính là gã chứ chẳng còn ai khác, mà còn làm mất cơ hội gã đánh đổ kỉ lục của chính gã để đạt tới mức độ không ai tưởng tượng nổi, bởi gã cảm thấy sức mạnh của khả năng tuyệt thực trong người gã không hề biết giới hạn là gì. Tại sao quần chúng hâm mộ gã, những người tự nhận thán phục gã, lại thiếu kiên nhẫn với gã đến thế; nếu gã có thể chịu đựng nhịn đói lâu hơn, tại sao họ không chịu đựng cùng gã được? Và hơn nữa, gã thấy mệt mỏi, ngồi trên đống rơm thoải mái lắm, giờ đây gã phải kéo mình đứng thẳng dậy và bước đến ăn bữa ăn mà mới nghĩ đến gã đã muốn ói mửa, cố hết sức đè nén và vì có hai cô gái bên cạnh nên gã không để cảm xúc đó lộ ra mặt. Đoạn gã ngước mắt lên nhìn trân trối vào mắt hai cô gái, hai cô bên ngoài tỏ vẻ thân thiện nhưng thật ra tàn nhẫn vô cùng, gã lắc đầu, đầu gã nặng chình chịch trên cần cổ yếu ớt. Nhưng rồi, chuyện luôn luôn xảy ra, xảy ra lần nữa. Ông bầu tổ chức lẳng lặng tiến lên—ông không tuyên bố được lời nào vì tiếng nhạc quá lớn—ông đến cạnh gã tuyệt thực đoạn giơ hai tay lên trời như thể xin trời nhìn xuống chứng giám tác phẩm trời tác tạo đang ngồi trên đống rơm, kẻ chịu khổ nhục đáng thương, đúng là gã tuyệt thực đấy nhưng ở một ý nghĩa hoàn toàn trái ngược; ông khe khẽ ôm ngang hông gã tuyệt thực, động tác ông thật cẩn trọng như để nhấn mạnh tình trạng mong manh yếu đuối của gã tuyệt thực đoạn ông giao gã cho hai cô gái—ông không quên bí mật lắc người gã một hai cái để thân trên và hai chân gã duỗi ra—hai cô gái mặt mày tái mét. Đến đây gã tuyệt thực hoàn toàn bị khống chế, đầu gã gục xuống ngực như thể nó tình cờ lăn đến đó và không hiểu sao ngừng lại, người gã ruỗng ra, bản năng tự tồn khiến đầu gối gã như bị siết chặt nhưng đôi chân gã kéo lê trên mặt đất như thể mặt đất không phải là mặt phẳng cứng, toàn thân gã, dù chẳng nặng nề bao nhiêu, gục lên một trong hai cô thiếu nữ, cô nhìn quanh xem có ai giúp mình không, hơi thở cô hơi gấp lên một chút—đây không phải là hình ảnh cô vẽ ra cho vai trò danh dự của cô—thoạt tiên cô cố sức ngửa cổ ra phía sau né tránh để mặt mình khỏi chạm gã tuyệt thực, nhưng rồi, sau khi làm thế mà vẫn không hiệu quả gì và người bạn đồng hành may mắn hơn của cô không giúp được gì mà chỉ biết đưa bàn tay run rẩy ra nắm lấy bó xương, cánh tay của gã tuyệt thực, cô bật lên tiếng khóc oà, đám đông lấy thế làm vui, và một nhân viên trong ban tổ chức hờm sẵn vội nhảy ra thay thế cô dìu gã tuyệt thực. Đến bữa ăn, ông bầu dùng thìa đút những miếng nho nhỏ vào miệng gã tuyệt thực, gã giờ đây như cái xác không hồn, vừa đút ông vừa huyên thiên nói đủ thứ chuyện cốt để che giấu tình trạng kiệt lực cũa gã; sau đó ông nâng li với mọi người, chuyển lời chúc mừng của gã mà ông bảo gã vừa nói thầm vào tai ông, mọi lớp lang đều được ban nhạc phụ hoạ bằng tiếng nhạc vang lừng, đám đông tản mát dần, và không ai có lí do gì không thoả mãn với màn trình diễn; không ai ngoại trừ gã nghệ nhân, bao giờ cũng là gã. Gã sống nhiều năm tháng huy hoàng như thế xen kẽ là những thời kì nghỉ ngơi, nhưng thật ra thế giới vinh danh gã trong tâm trạng gần như đen tối và càng ngày càng đen tối hơn bởi chẳng ai là người xem trọng việc gã làm. Thật vậy, làm thế nào khích lệ an ủi gã đây? Gã đòi hỏi gì hơn nữa? Và thỉnh thoảng có tâm hồn từ tâm động lòng thương xót gã tìm cách vạch ra cho gã thấy lí do gã buồn bã sầu khổ có lẽ chỉ vì gã nhịn đói mà thôi, đôi khi gã phản ứng, nhất là khi cuộc tuyệt thực đang đến hồi kết thúc, với cơn thịnh nộ lôi đình và gã dộng mạnh chấn song cái cũi, như con dã thú. Nhưng ông bầu có cách trừng trị mà ông ưa dùng mỗi khi gã lên cơn như vậy. Ông xin khán giả tha thứ hành vi của gã, ông bảo hành vi đó nên được tha thứ bởi nhịn đói có thể khiến người ta trở nên bực dọc, một cảm giác những người ăn uống no đủ không thể nào hiểu nổi, đoạn ông chuyển sang tán dương lời tuyên bố quái đản không kém mà ông bảo là của gã, ông bảo mọi người gã có thể tuyệt thực lâu hơn nhiều; ông ca ngợi hoài bão cũng như thiện chí và biết bao ý muốn quên mình hàm chứa trong lời tuyên bố này, nhưng rồi ông tìm cách bôi bác chính điều ông vừa thốt bằng cách trình ra những bức ảnh, lập tức có người đem ảnh đi bán cho đám đông, gã nghệ nhân trong ngày thứ bốn mươi của cuộc tuyệt thực, nằm lả trên giường, gần chết vì kiệt lực. Lần nào nghe ông bầu xuyên tạc sự thật như thế, gã cũng cảm thấy nản chí vô cùng và chịu đựng hết nổi. Hậu quả của cuộc tuyệt thực chấm dứt sớm hơn dự định ở đây được trình bày như là nguyên cớ! Thật hoàn toàn bất lực với sự ngu xuẩn, với cái trần gian ngu xuẩn này. Lần nào cũng thế gã thu hết thiện cảm đứng nắm chấn song cái cũi dóng tai nghe ông bầu nói chuyện nhưng ngay khi những bức ảnh xuất hiện gã chán chường quay về chỗ ngồi trên đống rơm với tiếng thở dài áo não, đám đông được trấn an không có gì xảy ra nữa tiến đến gần và lại giương mắt nhìn vào gã chòng chọc. Khi những nhân chứng hồi tưởng cảnh tượng đó nhiều năm về sau, họ không sao hiểu nổi hành vi của chính họ. Trong lúc đó, như đã nói, công chúng trở nên thờ ơ, mất hết thú vị với những màn biểu diễn của gã; chuyện đó dường như xảy ra chỉ trong một sớm một chiều; có thể có lí do sâu sắc hơn, nhưng ai là người cất công đi tìm hiểu cho thấu đáo đây; thế là gã nghệ nhân tuyệt thực xưa nay được trọng vọng một hôm thấy đám đông tìm vui quên hẳn mình, họ lũ lượt kéo nhau đi qua mặt gã đến xem những trò trình diễn khác thịnh hành hơn. Ông bầu dẫn gã chu du nửa vòng trời Âu một lần cuối cùng để xem biết đâu vẫn còn có người chú ý đến gã tuyệt thực, tất cả chỉ là vô vọng; làm như có giao ước giữa mọi người và bằng chứng hiển hiện khắp nơi cho thấy quả thật người ta đã hoàn toàn thay đổi thị hiếu với trò tuyệt thực. Công tâm mà nói chuyện đó chẳng thể nào thật sự xảy ra đột ngột như vậy được, và bây giờ ngẫm lại thấy lúc đó quả có những dấu hiệu cảnh báo cho thấy sự xuống dốc tàn lụi nhưng chẳng ai thèm lưu ý hoặc đứng ra làm điều gì bởi họ còn đang say sưa trong men thành công, nhưng hiện giờ thì đã quá trễ để đưa ra bất cứ biện pháp đối phó nào. Dĩ nhiên trò tuyệt thực sẽ có ngày trở lại, nhưng điều đó chẳng đem lại an ủi nào cho những người hiện đang mưu sống. Gã tuyệt thực phải làm gì đây? Một khi đã được cả ngàn người ca tụng khen thưởng gã chẳng bao giờ chịu hạ cố xuất hiện trong một màn trình diễn phụ ở hội chợ dưới làng quê, hay bắt đầu làm lại sự nghiệp khác, gã không những đã già lắm rồi, nhưng hơn hết gã quá nhiệt tâm tin tưởng vào nghệ thuật của gã. Vì thế gã chia tay ông bầu, kẻ đồng hành trong suốt sự nghiệp chưa từng thấy đó, và tìm được việc làm trong một gánh xiệc lớn; không muốn cảm xúc mình bị chi phối, gã không buồn nhìn vào các điều khoản trong bản giao kèo. Một gánh xiệc khổng lồ, người, thú, đồ thiết bị thường xuyên di chuyển rày đây mai đó, người ra người vào, luôn luôn có chỗ cho bất cứ ai muốn tìm việc làm ngay cả gã nghệ nhân tuyệt thực, dĩ nhiên với điều kiện gã không được đòi hỏi nhiều, ở trường hợp đặc biệt này người ta không phải chỉ muớn gã tuyệt thực thôi mà cả cái tên tuổi danh tiếng bấy lâu của gã nữa; thật vậy nhìn vào tính cách đặc biệt của nghệ thuật gã, vốn không hề suy suyển với tuổi già, không ai có thể bảo gã là người nghệ sĩ hết thời đang tìm nơi dưỡng già hưởng nhàn trong gánh xiệc; ngược lại là đằng khác, gã tuyệt thực hứa hẹn cách đầy tin tưởng—và có đầy đủ lí do để tin gã—là gã vẫn còn khả năng nhịn đói tài giỏi như thuở nào; gã còn tuyên bố nếu được phép, người ta cho phép gã ngay, gã sẽ thật sự làm thế giới sửng sốt kinh ngạc với thành quả ngoài mức tưởng tượng của mọi người, mặc dù lời khẳng định này, gã nói trong lúc hăng hái nhiệt tình, mau chóng đi vào quên lãng, nó chỉ làm những tay chuyên nghiệp nhếch mép mỉm cười. Nói thế nhưng gã chưa đến nỗi mất hết mọi ý thức về thực tại và gã chấp nhận sự kiện đương nhiên là cái cũi của gã không có vinh dự đặt giữa sân khấu gánh xiệc nơi dành riêng cho những màn trình diễn chính nổi bật, nó nằm khiêm nhường bên ngoài rạp, cạnh chuồng nhốt súc vật, nhưng vẫn có lối đi cho người vào xem. Mấy tấm biển lớn màu mè treo quanh cũi miêu tả vật bên trong. Giờ nghỉ giải lao khán giả túa ra đi xem thú, bắt buộc họ phải đi ngang cái cũi nơi gã tuyệt thực ngồi và họ ngừng lại đôi ba phút; có thể họ sẽ lảng vảng tại đó lâu hơn nếu đám đông từ lối đi chật hẹp đằng sau không xô đẩy họ, đám đông nôn nóng muốn ra xem thú không hiểu chuyện gì khiến dòng người khựng lại, và vì thế không ai có thể đứng lâu nhìn ngắm gã tuyệt thực. Đây cũng là lí do tại sao gã run sợ mỗi lần thấy đám đông tràn tới mặc dù đương nhiên gã trông mong tới giờ mọi người ra chiêm ngưỡng thành tích cả cuộc đời gã tích lũy. Thoạt tiên gã nôn nóng mong tới giờ nghỉ giải lao; gã sung sướng nhìn đám đông đang ùa tới, nhưng rồi ngay lập tức gã thấy rõ—dù gã tự dối lòng cách mấy chăng nữa—đám người này, ít nhất là qua hành vi cùng thái độ của họ, không hề mong muốn gì khác hơn là ra xem bầy thú vật nhốt trong chuồng. Và cảnh tượng đám đông nhìn thấy lần đầu từ khoảng cách xa xa vẫn là hình ảnh đẹp đẽ nhất trong lòng gã. Bởi ngay khi họ túa đến gần, tai gã như ù điếc với tiếng la hét chửi rủa từ hai phe chống chọi nhau, một phe muốn ngừng lại để nhìn gã—gã thấy đám này còn tệ lậu đáng ghét hơn đám kia—chẳng phải vì họ thật sự thích thú gì mà chỉ vì họ là những con người táo tợn và ngạo ngược, còn phe kia là những người chỉ muốn đi thẳng ra chuồng thú. Đằng sau đám đông chen lấn ồn ào là những người chậm chân hơn, và mặc dù họ có thể ngừng lại bao lâu cũng được nhưng họ vẫn sải bước đi nhanh ra phía chuồng thú, khi đi ngang cái cũi họ chỉ ném cho gã cái liếc mắt thật nhanh. Lâu lắm, năm thì mười hoạ, gã mới may mắn được gia đình gồm người cha dẫn bầy con đến xem, người cha chỉ vào gã tuyệt thực, ông giải thích cặn kẽ cho đám con nghe về hiện tượng này, ông kể chuyện thời xưa khi ông từng tham dự những buổi trình diễn tương tự nhưng quy mô hơn nhiều, và đám trẻ, suốt đời chúng và cả trong trường học, chẳng bao giờ nghe nói đến chuyện này nên chúng hoàn toàn mù tịt—chúng không hiểu người nhịn đói là gì—nhưng ánh mắt tò mò nơi đám trẻ hứa hẹn thời sắp tới có thể tốt lành và tử tế hơn. Đôi khi gã tuyệt thực thầm nghĩ hoàn cảnh gã biết đâu sáng sủa hơn nếu người ta đừng đặt gã quá gần chuồng thú. Vì thế mà khách đi xem dễ dàng chọn lựa cái muốn xem, chưa kể chuồng thú hôi hám chịu không nổi, đám thú chộn rộn suốt đêm, từng tảng thịt sống được khuân tới nuôi đám thú ăn thịt, tiếng gầm thét của chúng mỗi lần tới giờ ăn, chừng đó thứ ngày đêm như chọc vào tim óc gã. Nhưng gã chẳng bao giờ dám ngỏ lời than phiền lên ban giám đốc; dù sao gã phải cám ơn bầy thú, nhờ có chúng rất nhiều khán giả đi ngang cái cũi nơi gã ngồi, trong số thể nào cũng có người đến cốt chỉ để xem gã, và hơn nữa chỉ có trời biết họ sẽ dời cái cũi đi đâu nếu gã đánh tiếng cho họ hay biết về sự hiện hữu của gã và sẽ đưa đến sự kiện, không ngoa chút nào, gã chỉ là vật trở ngại nằm trên lối đi dẫn ra chuồng thú, không hơn không kém. Một trở ngại không đáng kể, chắc chắn rồi và trở ngại đó càng ngày càng không đáng kể. Thời buổi bây giờ người ta thấy lạ lùng khi đề cập đến người nhịn đói, và trong chiều hướng này gã là kẻ lãnh nhận hậu quả không mấy hay. Gã có thể tuyệt thực rất giỏi, và gã giỏi thật, nhưng không ai cứu vớt gã được, người người qua lại không ai thèm để ý đến gã nữa. Hãy thử giải thích cho người nào đó nghe về nghệ thuật tuyệt thực xem! Nếu không có cảm xúc gì về nghệ thuật đó sẽ không thể nào hiểu nổi nó là gì. Mấy tấm biển nhiều màu trở nên dơ bẩn, chữ viết nhoè nhoẹt không đọc được nữa, chúng nằm chỏng trơ dưới đất và chẳng ai buồn nghĩ đến chuyện thay biển mới; tấm bảng nhỏ ghi số ngày tuyệt thực thoạt tiên mỗi ngày tăng một số, nay vẫn nguyên con số cũ, lâu lắm rồi không thay đổi, bởi chỉ sau mấy tuần lễ đầu nhân viên làm việc đã phát chán, chẳng ai thèm dớ tới công việc dù nhỏ nhặt này nữa, và vì thế gã tuyệt thực cứ thế nhịn đói như gã từng mong ước có ngày thực hiện, và điều đó chẳng khó khăn gì với gã, như gã vẫn hằng tiên đoán, nhưng không ai ghi xuống số ngày tuyệt thực của gã nữa, không ai, kể cả gã, biết đích thực thành quả của gã là gì, và tinh thần gã sa sút cực độ. Thảng hoặc có người lảng vảng quanh đó buông lời nhạo báng dè bỉu con số trên tấm bảng, ngầm bảo có sự gian trá trong đó, thật là lời bịa đặt ngu xuẩn nhất, xuất phát từ lòng hiểm ác và sự thản nhiên tàn độc, bởi gã nghệ nhân tuyệt thực không hề gian dối; gã thật tình, trong khi thế gian lường gạt, cướp đi thành quả của gã. Tuy vậy, nhiều ngày nữa trôi qua và chuyện gì cũng đến hồi kết thúc thôi. Người quản lí một hôm thốt nhiên trông thấy cái cũi, ông quay sang hỏi người phụ tá tại sao cái cũi vô cùng hữu dụng như vầy lại bỏ không với đám rơm rạ mục nát bên trong; không ai có câu trả lời cho đến khi có người, nhờ tấm bảng nhỏ treo trên cũi, sực nhớ ra gã nghệ nhân tuyệt thực. Họ lấy gậy chọc vào đám rơm và tìm thấy gã tuyệt thực đang nằm vùi trong đó. "Anh vẫn còn đang tuyệt thực đấy sao?" Người quản lí cất tiếng hỏi. "Trời đất! Tới chừng nào anh mới chịu ngưng đây?" "Xin mọi người tha thứ cho tôi." Gã tuyệt thực thều thào; chỉ có người quản lí đưa tai ghé sát chấn song cái cũi mới hiểu gã nói gì. "Hẳn nhiên rồi," người quản lí nói, vừa nói ông vừa lấy ngón tay gõ gõ lên thái dương ngầm bảo cho mọi người biết về tình trạng của gã tuyệt thực, "chúng tôi tha thứ cho anh." "Lúc nào tôi cũng mong được các người thán phục tài nhịn đói của tôi." Gã tuyệt thực nói. "Vâng, chúng tôi phục tài anh lắm," người quản lí nói cho gã vừa lòng. "Nhưng mấy người đừng nên thán phục tôi," gã tuyệt thực lại nói. "Vâng, chúng tôi không thán phục anh nữa," người quản lí đáp lời, "nhưng tại sao chúng tôi không nên thán phục anh?" "Bởi vì tôi phải nhịn đói, tôi không thể làm gì khác hơn," gã tuyệt thực trả lời. "Anh quả là người khác thường, tại sao anh không thể làm gì khác hơn?" "Bởi vì," gã tuyệt thực trả lời người quản lí, đầu gã hơi nhỏm dậy, môi gã nhếch lên như định hôn ai, gã nói thẳng vào tai người quản lí để không một lời một chữ nào lọt ra ngoài, "bởi vì tôi chẳng bao giờ tìm ra thực phẩm tôi thèm ăn. Giả như tôi tìm ra thứ tôi thèm ăn, tin tôi đi, tôi sẽ chẳng bao giờ gây chuyện ầm ĩ như vầy làm gì, tôi sẽ nhét đầy bụng giống như ông hay bất cứ ai khác thôi." Đấy là câu nói cuối cùng thốt ra từ miệng gã tuyệt thực, nhưng trong đôi mắt lấp lánh của gã vẫn còn niềm tin chắc nịch, nếu không còn là tự hào nữa, cuộc tuyệt thực của gã vẫn đang tiếp diễn. "Dẹp! Dẹp sạch chỗ này ngay!" Người quản lí quát bảo nhân viên, và họ đem gã tuyệt thực đi chôn cùng với đống rơm. Sau đó họ nhốt vào cũi một con beo. Thật là mát mắt, người ít chú tâm nhất cũng phải nhận ra, khi thấy con dã thú nhảy lên nhẩy xuống bên trong cái cũi tối tăm buồn bã suốt thời gian quá lâu. Con beo có vẻ ung dung lắm. Người canh gác mang đồ ăn đến cho nó, nó há mõm ăn ngay không do dự; dường như nó chẳng nuối tiếc tự do của nó chút nào; toàn thân nó tràn trề sức sống như chứa đựng tự do; tự do này như chấn ngự nơi hàm răng nó, và nỗi vui sống bốc cháy trong cổ họng nó mãnh liệt đến nỗi người xem không dám nhìn. Nhưng họ cố thu hết can đảm, bu lại chung quanh cái cũi và chẳng bao giờ muốn bỏ đi. Franz Kafka Trịnh Y Thư chuyển ngữ Dịch từ Franz Kafka: The Metamorphosis and Other Stories, ấn bản Anh ngữ của Donna Freed, tủ sách Barnes & Noble Classics, New York, 2003.