Trong các thành phố lớn bây giờ thường có những phòng tập thẩm mỹ. Ở đó các bà các cô mải mê tập luyện, mong tìm lại dáng vẻ thon thả trước kia. Cái thời ai ai cũng mập, mình dây đang là mốt, là của hiếm. Có nhiều quý bà đã hết thời xuân sắc vẫn thèm có được vóc dáng của một người mẫu. Bởi vậy mới có những phòng tập thẩm mỹ và tôi mới có câu chuyện này để kể cho các bạn.Tôi là chiếc gương lớn đặt trong phòng tập. Mỗi ngày tôi được vinh hạnh gặp gỡ hàng trăm mẫu người thuộc phái đẹp và phản chiếu bấy nhiêu thân hình không mấy khi cân đối của họ. Dường như khi nào có nguy cơ phát phì thì họ mới đến đây, soi vào tôi và thường buồn rầu nhìn ngắm dáng mình. Đôi khi tôi cũng gặp những cô gái trẻ, nhưng thường là quá gầy, quá lép. Họ tin rằng thể dục thẩm mỹ có khả năng diệu kỳ, biến người béo thành mảnh mai và ngược lại, biến người gầy ốm thành nở nang cân đối. Ít người hiểu rằng muốn có được điều đó, phải đổ rất nhiều mồ hôi và trên hết phải có lòng kiên nhẫn. Bởi vậy nên có nhiều bà, nhiều cô, sau khi tốn tiền triệu mua sắm đủ loại áo quần để tập - nhưng lại uể oải, biếng nhác - đã phải ngậm ngùi rút lui, để cho đối thủ của họ là căn bệnh béo phì hả hê trong thắng lợi.Nhưng thôi, tôi cứ lan man mãi, khéo lại làm cho các bạn sốt ruột. Thật ra, tôi muốn kể về một quý bà mà tôi từng phải lòng. Tôi phải gọi người ấy như thế vì bà đã gần 40 tuổi. Lạ quá phải không các bạn? Trong khi các cô hướng dẫn viên của phòng tập còn xinh hơn người mẫu thì tôi lại phải lòng một người đàn bà đã bước vào tuổi trung niên! Nhưng tôi cũng đâu còn trẻ nữa. Tôi được sinh ra từ thế kỷ trước, vốn là chiếc gương ở phòng hóa trang của một nhà hát và được thanh lý lại cho chủ nhân phòng tập này khi nhà hát được sửa sang, nâng cấp. Bởi vậy tôi không còn mướt mát như xưa. Nước tráng thủy của tôi đã ngả màu vàng và tróc đi từng mảng nhỏ. Tuy vậy các bà các cô vẫn tranh nhau để được đứng trước mặt tôi, đến nỗi đã có vài cuộc chiến nho nhỏ. Cả khẩu chiến và "chi chiến" nữa. Ấy không, xin đừng hiểu lầm! Họ không đánh nhau đâu, nhưng cũng có những cú vung tay, hất chân khá mạnh trong khi tập khiến người đứng gần tôi hơn phải xoa mông mà nhảy dựng lên... Nói tóm lại là tuy đã già nhưng tôi vẫn còn có giá lắm!Tôi sẽ kể cho các bạn về buổi đầu gặp gỡ của chúng tôi. Hôm đó, bà ấy mặc một bộ váy màu đen hoa đỏ, ung dung tiến vào phòng tập. Các cô hướng dẫn viên nhanh nhẹn đưa bà lại máy đi bộ, chỉ dẫn bài tập đầu tiên cho người mới nhập môn. Tôi tò mò liếc sang khi bà ấy trút bỏ bộ đồ mặc ngoài và ngạc nhiên nhận thấy một cặp chân rắn chắc, thẳng tắp, dài đẹp không thua đôi chân một thiếu nữ. Ở người đàn bà gần 40 tuổi, điều này không lạ lùng sao? Tôi ngắm kỹ bà ấy và nhận ra vẻ quen thuộc trên gương mặt xinh đẹp. Mình đã gặp bà ta ở đâu? Tôi tự hỏi và bắt đầu phỏng đoán về người đàn bà lạ lùng này. Do đã có gần một phần tư thế kỷ tồn tại trên đời và được chứng kiến, được nghe bao nhiêu cuộc chuyện trò bí mật mà những người đối thoại cứ nghĩ là an toàn tuyệt đối trước tấm gương vô tri vô giác là tôi, nên tôi dần luyện được cho mình khả năng suy đoán về mọi người qua diện mạo của họ. Và tôi ít khi nhầm. Người đàn bà này có khuôn mặt trẻ trung, trán cao, mắt sáng. Bà ta hẳn làm một công việc trí óc, tỷ như giáo viên, nhà văn hay nhà báo chẳng hạn. Tôi khăng khăng nghĩ về bà như thế cho đến lúc tình cờ tôi biết mình đã đoán sai.Bà ấy bắt đầu đi bộ. Tôi ngạc nhiên ngắm đôi chân dẻo dai liên tục khua loang loáng, đều đặn trên băng chuyền. Kiểu máy leo dốc nhập từ Đài Loan này khá nặng, ối cô trẻ măng mà còn không đi nổi năm phút. Vậy mà bà đã đi một hơi mười lăm phút liền. Khuôn mặt trái xoan của bà đỏ ửng. Mồ hôi túa ra nhưng bà vẫn không ngừng bước. "Ái chà, gặp đối thủ nặng ký rồi đây!". Tôi thích thú nhìn các cô hướng dẫn viên đang tròn mắt nhìn nhau. "Người đàn bà này chắc là cựu vận động viên thể dục", họ nghĩ mà không biết rằng mình cũng nhầm. Không hiểu sao, đôi chân người đàn bà ấy lại thu hút tôi như có ma lực. Ký ức tôi như con rắn bị nhốt trong giỏ, cứ ngọ ngoạy không yên. Tôi sục sạo trong trí nhớ một kỷ niệm nào đó gắn liền với cặp chân thon dài, đầy quyến rũ này nhưng đành bất lực...Cuối buổi tập, bà ấy lại gần tôi, ngắm nghía tôi rất kỹ. Mắt bà dừng lại ở vết rạn trên trán tôi. Như có một luồng ánh sáng dịu dàng rọi qua, gương mặt bà đột nhiên rạng rỡ. Bà đưa tay di nhẹ theo vết rạn, mỉm cười mơ hồ. Tôi ngạc nhiên nhìn bà. Đôi chân mà tôi yêu thích bó gọn trong chiếc quần thun lửng. Làn da trắng hồng của bà đỏ ửng từ mặt đến tận vai, phập phồng theo nhịp thở. Ngay cả bộ ngực nở nang được nén chặt trong chiếc áo thể thao cũng gợi cho tôi một cảm giác thật quen. Tôi còn mải suy nghĩ thì bà ấy đã từ nhà tắm bước ra trong bộ váy màu đen hoa đỏ. Bà nhanh nhẹn lướt qua mặt tôi, đi ra cửa. Một người đàn ông có mái tóc lượn sóng, da nâu, đẹp như một tài tử Ấn Độ đang đứng chờ. Bà mỉm cười lại gần, nhìn thật âu yếm con người đáng ghen tỵ đó. Và trí nhớ của tôi bỗng bừng tỉnh... Phải rồi! Tôi đã nhiều lần gặp họ tại nhà hát, nơi hai người từng là vũ công ba lê. Đôi chân dài đẹp của người con gái ấy từng làm tôi say đắm. Tôi chưa được thấy cô biểu diễn trên sân khấu, nhưng mỗi khi ngắm nhìn cô trong bộ trang phục múa, phô hết cỡ đôi chân thon thả thì tôi lại cảm thấy mình dường như cũng có một trái tim...Kim Thanh là nghệ danh của cô gái, còn chàng trai tên là Duy Phương. Trước mỗi buổi diễn, họ thường nán lại trong phòng hóa trang sau khi mọi người đã tản đi hết. Chàng trai say sưa ghì siết lấy cô gái, không biết rằng tôi đang nhìn anh ta với lòng ghen tuông mù quáng và bất lực. Sau những nụ hôn nồng nàn, Kim Thanh lại vớ lấy thỏi son trên bàn thoa vội lên môi, còn Duy Phương cuống quýt tìm khăn giấy thấm bớt lớp son đỏ thắm vừa in qua môi mình. Cô gái trách người yêu với một cái nguýt dài: "Lại ăn hết son môi của em rồi!". Cả hai cùng cười, không nhận thấy từ cửa phòng thay quần áo, một cặp mắt dữ tợn đang nhìn họ không chớp. Dẫu rất ghen tỵ với Duy Phương, tôi vẫn thấy lo cho anh quá. Hai người vừa ra khỏi phòng thì ông bầu của vũ đoàn, chủ nhân đôi mắt sát thủ kia tiến vào, ném theo họ một cái nhìn hằn học. Rồi ông cười gằn và mở cửa, bước về phía sân khấu. Riêng có một hôm, ông không vội đi ngay mà cứ trừng trừng nhìn tôi không chớp. Khuôn mặt phì nộn bừng bừng nộ khí. Cầm thỏi son Kim Thanh chưa kịp đóng nắp, ông gạch một chữ X thật to ngay chỗ Duy Phương vừa soi thân hình tuấn tú vào. Chưa hết, ông còn vớ lấy chiếc khăn lem luốc dính đầy dầu tẩy trang và phấn phủ ném vào giữa mặt tôi, khiến tôi mờ cả mắt. Khi tôi vừa hoàn hồn thì ông đã sập cửa bỏ đi.Tôi thật sự lo lắng. Tôi biết ông chủ chưa đuổi Duy Phương vì sợ Kim Thanh bỏ đi theo, làm tan luôn cả vũ đoàn vốn là nồi cơm đầy của ông. Nhưng hàng ngày phải chứng kiến cảnh hai người âu yếm, ông thật không chịu nổi. Tôi linh cảm thấy hôm nay ông ấy sẽ quyết định một việc gì đó thật hệ trọng đối với số phận của họ. Và tôi thấp thỏm cho đến tận cuối buổi diễn.Khi phòng hóa trang chỉ còn lại hai người, Phương ôm chầm lấy Thanh, hôn cô đến nghẹt thở. Hai khuôn mặt còn bê bết phấn son và đầm đìa mồ hôi áp sát, đôi môi họ hút chặt lấy nhau. Giữa lúc ấy cánh cửa bật mở. Ông chủ bước vào. Họ hoảng hốt rời nhau ra. Ném một xấp giấy lên bàn phấn, ông phẫn uất nhìn Phương... Thanh vồ lấy đọc. Đó là hợp đồng làm việc của Phương và một tờ quyết định đuổi việc. Nó đã được chuẩn bị trước. Nghĩa là ông đã biết từ lâu. Thả rơi tập giấy xuống sàn, Thanh ôm mặt khóc rưng rức.Tôi quên chưa kể với các bạn một điều hệ trọng. Thanh đã là vợ chưa cưới của ông chủ vũ đoàn. Cũng tại phòng hóa trang này, ngay trước mặt tôi, một năm trước đây, ông đã trao cho cô chiếc nhẫn đính hôn nạm kim cương trị giá mấy nghìn đô la. Nhưng từ khi Phương về diễn ở đây, đám cưới của họ cứ bị Thanh trì hoãn mãi. Cô nêu đủ thứ lý do, nhưng tôi biết, chính tình yêu với Phương đã làm cô do dự.Tôi thầm mong cô sẽ lột chiếc nhẫn trên tay ra, đặt lên xấp giấy kia và bỏ đi cùng Phương. Dẫu hàng đêm không còn được ngắm nhìn cô nữa, tôi cũng vẫn ước ao điều đó xảy ra. Tôi đã khẩn cầu cho mối tình của họ được vẹn tròn như nguyện.Phương chăm chú nhìn Thanh, dường như muốn biết quyết định cuối cùng của cô. Nhưng Thanh vẫn chỉ khóc. Cuối cùng, Phương nhặt lấy xấp giấy, quay người bước ra cửa. Thanh nhìn theo anh trân trối, nhưng vẫn ngồi yên bất động.Điều mà tôi không ngờ nhất là khi Phương đã đi xa, ông chủ liền quay lại, túm lấy tóc Thanh, lôi bật dậy và đấm đá liên hồi. Miệng ông thốt ra những lời lẽ thô tục nhất. Tôi sững sờ trước hành động man rợ đó, nhưng chỉ đành giương mắt nhìn bất lực. Chưa hả giận, ông vớ lấy hộp phấn của Thanh, giơ tay ném mạnh. Đầu tôi đau nhói và một vết rạn hiện ra trên trán tôi.Ông chủ đã bỏ đi, để lại Thanh phủ phục trên sàn, mình đầy những vết đỏ bầm. Rất lâu sau cô mới ngồi dậy. Để nguyên khuôn mặt đầy máu và nước mắt, choàng chiếc áo khoác lên vai, cô lê bước khỏi phòng... Từ ấy tôi không gặp lại Thanh nữa. Tôi tin rằng cô đã tìm đến với Phương, đến tình yêu thật sự của lòng mình, sau khi nhận ra bộ mặt thật của chủ nhân chiếc nhẫn kim cương ấy.Lòng tin của tôi được đáp đền. Phương và Thanh của ngày ấy bây giờ vẫn đang ở bên nhau. Tuy đã hai chục năm trôi qua và họ đều đã thay đổi rất nhiều. Nhất là Thanh. Cô đã trở nên một quý bà sang trọng. Tôi thật mừng cho họ... Ba tháng sau, đến lượt phòng tập thẩm mỹ được nâng cấp và số phận của tôi một lần nữa bị đem ra định đoạt. Các cô hướng dẫn viên bàn tán xôn xao trước sự kiện này. Tôi hồi hộp nghe ngóng. Già nua, cũ kỹ, chắc chắn tôi không có chỗ đứng trong một phòng thẩm mỹ hiện đại ở thành phố lớn này. Liệu tôi có bị vứt ra bãi rác không? Có ai tiếc thương một chiếc gương cũ đã rạn nứt, ố vàng? Bao nhiêu câu hỏi quay cuồng trong óc tôi. Cho đến một ngày, hai người thợ đến tháo những chiếc đinh vít vẫn giữ chặt tôi vào bức tường tróc vôi và thận trọng khiêng tôi ra ngoài. Tim tôi như vỡ tung trong nỗi vui mừng khôn tả! Bên chiếc xe ba gác là bà Thanh và ông Phương. Họ đến để đem tôi đi. Tôi sẽ có mặt trong căn nhà của họ, hàng ngày được chứng kiến cảnh họ chung sống êm đềm. Đó sẽ là niềm vui tuổi già của tôi. Ngạc nhiên thấy mình không còn chút ghen tỵ nào với ông Phương nữa, tôi yên tâm ngả mình trên xe và bắt đầu cuộc hành trình đến lâu đài hạnh phúc. Mải mê với viễn cảnh tươi đẹp, khi chiếc xe dừng lại trên một căn phố nhỏ, tôi mới bừng tỉnh. Ngay buổi tối hôm ấy, dưới ánh sáng lộng lẫy của những cây nến hồng trong phòng ngủ, tôi miễn cưỡng là chứng nhân cho một đêm hoan lạc vô song. Tôi cảm nhận được họ đang phiêu lãng cùng những kỷ niệm xưa và sung sướng được soi mình vào đáy mắt tôi. Vị tha và ghen tuông, yêu thương và đau khổ... cùng một lúc tôi phải trải nghiệm nhiều cung bậc tình cảm trái ngược nhau. Không hề biết mình đã vô tình gây cho tôi bao khổ ải, ông Phương mê đắm ghì siết tấm thân người đàn bà mà tôi hằng yêu dấu! Khi cả hai đã chìm vào giấc ngủ, tôi rã rời chua xót như thể người dang bị bệnh nan y. Bỗng có tiếng đập cửa gấp gáp. Tôi giật mình mở mắt. Tiếng đàn bà rít lên the thé nghe sởn da gà. Trên giường, hai kẻ đang yêu choàng tỉnh. Ông Phương vơ áo quần mặc vội, bà Thanh cuống quýt níu lấy tay ông: “Đừng bỏ em một mình! Vợ anh giết em mất!”. Người đàn ông có bộ mặt đẹp như một tài tử Ấn Độ đã trút bỏ lớp vỏ ga lăng, lắp bắp một cách hèn hạ: “Anh chỉ... khuyên em... nên bình tĩnh!” và lẹ làng trèo qua khung cửa sổ phòng tắm, chuồn vội ra ngoài. Người đàn bà lầm lạc của tôi vừa mặc xong xống áo thì cánh cửa bật tung. Một trận đòn ghen dữ dội trút xuống, ghê gớm hơn nhiều so với cơn thịnh nộ của ông chủ năm xưa. Tôi vặn mình trong nỗi tức giận điên rồ nhưng chỉ khiến cho những vết rạn trên trán tôi hằn sâu thêm mãi. Khi bà Thanh chỉ còn thoi thóp thở, mụ đàn bà phốp pháp, dữ tợn kia mới ngừng tay và đùng đùng bỏ đi. Với nỗi đau xé ruột, tôi cầu nguyện cho bà Thanh hãy cố mà sống, dù cõi lòng bà hẳn đã tan nát, chẳng khác gì dấu vết cào xé ngang dọc trên gương mặt xinh đẹp kia.Sau một tháng nằm liệt giường với sự chăm sóc của một nữ hộ lý, bà Thanh đã dần bình phục. Ấy là tôi nói về những vết thương trên thân thể. Còn những cơn lốc xoáy trong tâm can bà, chắc chẳng bao giờ lặng đi được nữa. Đêm nào bà cũng vật vã khóc lóc trong căn nhà trống lạnh trước sự chứng kiến bất lực của tôi. Vào một ngày đẹp trời, bà Thanh gói ghém đồ đạc, trả lại căn nhà đã thuê và ra đi. Tôi cảm kích trước tình yêu thương bà dành cho mình, vì đã không bỏ tôi lại nơi này với nỗi hoang mang, lo âu về số phận. Chiếc xe ba gác chở tôi lăn bánh qua rất nhiều con phố. Trái với cuộc du ngoạn vui tươi lần trước, giờ đây tôi luôn thấp thỏm lo âu trên suốt cuộc hành trình tưởng như dài vô tận. Cuối cùng thì chiếc xe cũng dừng lại. Bà Thanh thong thả mở rộng hai cánh cổng. Ngôi biệt thự xinh xắn ẩn mình trong vườn cây tĩnh lặng hiện ra. Tôi được dựng dậy và suýt bật kêu lên khi nhìn thấy một người đang đứng trên hiên nhà. Đó là ông chủ vũ đoàn ngày ấy! Ông ta chăm chú nhìn và hình như đã nhận ra tôi. Ông quắc mắt lên hét: "Lôi cái của nợ này về làm gì? Vứt ngay đi cho khuất mắt!" Tôi rùng mình sợ hãi và chẳng may tuột khỏi tay hai người thợ. Lập tức tôi vỡ tan ra từng mảnh trong tiếng quát nạt ầm ĩ của ông ta. Thi thể nát bét của tôi được vất lên chiếc xe ba gác và được chở đi. Tôi chỉ còn là một mảnh vỡ hình trái tim sót lại, ẩn kín trong bụi cỏ tóc tiên rậm rạp. Niềm an ủi của tôi là thi thoảng được nhìn thấy bà chủ qua khe lá, nhưng lại đau lòng phải nghe những tiếng la hét, chửi mắng khá thường xuyên của ông chủ. Đôi khi tôi nhìn thấy dấu vết những ngón tay của ông ta trên má bà, khi bà nhẹ nhàng ngồi xuống vuốt ve những bụi tóc tiên đang phủ kín lấy tôi.Vào những ngày cuối đời, tôi luôn quay cuồng với bao câu hỏi: Vì sao một người đàn bà dịu dàng, xinh đẹp như Kim Thanh lại không thể nào tìm được hạnh phúc? Vì sao bà không chọn Duy Phương làm bạn đời của mình cho dù vẫn yêu ông say đắm? Vì sao bà lại chấp nhận cuộc sống của một nô lệ bên người chồng tồi tệ như ông chủ vũ đoàn? Mãi mãi tôi không hiểu nổi thế giới loài người với những niềm vui và nỗi bất hạnh của họ. Mọi phỏng đoán của tôi về họ đều sai cả. Càng già đi tôi lại càng thấm thía điều này.