Dịch giả: Lê Khánh Trường
P13 - 11

17.
Một lần nữa, Zhivago ra ga và trở về mà chẳng đạt được kết quả gì. Mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ. Chàng và Lara vẫn chưa biết rồi sẽ ra sao. Trời hôm ấy rét và u ám như trước cơn mưa tuyết đầu mùa. Phía trên các ngã tư, nơi bầu trời mở ra thoáng rộng hơn so với phía trên các đường phố dài, trông như trời đã sang đông.
Lúc Zhivago về đến nhà, chàng thấy Lara đang có khách. Đó là Seraphima. Câu chuyện giữa hai người giống như bài diễn thuyết mà khách đang giảng giải cho chủ nghe. Zhivago không muốn làm phiền họ. Hơn nữa, chàng cũng muốn ngồi một mình ít phút. Họ trò chuyện với nhau ở phòng bên. Cánh cửa thông hai phòng hé mở, có chiếc rèm buông xuống tận sàn nhà. Mọi lời nói ở phòng bên ấy, chàng đều nghe rõ.
Em sẽ ngồi khâu, xin chị cứ tự nhiên, đừng để ý đến em, chị Seraphima ạ. Em vẫn lắng nghe. Hồi trước em có nghe giảng giải về lịch sử và triết học. Cách trình bày tư tưởng của chị, em rất thích. Ngoài ra, được nghe chị nói, em thấy nhẹ lòng hơn. Những đêm gần đây, chúng em ít ngủ và lo nhiều chuyện, nhất là về cháu Katenka. Bổn phận làm mẹ của em là phải bảo đảm an toàn cho cháu trong trường hợp hai đứa chúng em gặp chuyện chẳng lành. Phải tỉnh táo lo liệu cho cháu. Nhưng về mặt đó, em lại vụng về. Em rất buồn khi nhận thức chuyện ấy. Em đang buồn vì mệt mỏi và thiếu ngủ. Chị nói chuyện khiến em thấy tâm hồn lắng dịu lại. Hơn nữa, chắc tuyết sắp rơi. Trong lúc nhìn tuyết rơi mà lại được nghe những cách lập luận thông minh hàng giờ thì còn gì thú bằng. Nếu liếc ra cửa sổ lúc tuyết rơi, thì bao giờ ta cũng tưởng như có ai đang đi qua sân về phía nhà mình, phải không chị? Chị nói đi.
- Em nghe đây.
- Lần trước ta dừng lại ở chỗ nào nhỉ?
Zhivago không nghe rõ câu trả lời của Lara. Chàng bắt đầu lắng nghe các câu hỏi của Seraphima.
Có thể dùng các danh từ "văn hoá", "thời đại". Nhưng mỗi người hiểu một cách. Vì ý nghĩa lẫn lộn của chúng, ta sẽ không sử dụng chúng, mà thay bằng các cách nói khác.
Tôi có thể nói rằng con người gồm hai phần, Chúa và công việc Sự phát triển của tinh thần con người được chia nhỏ ra thành những công việc riêng biệt có độ dài thời gian vô cùng lớn. Các công việc ấy được thực hiện bởi các thế hệ và cứ nối tiếp theo nhau mãi. Một trong những công việc đó là Ai Cập, một công việc khác là Hy Lạp. Sự nhận thức về Chúa của các nhà tiên tri trong Kinh thánh cũng là một công việc. Công việc cuối cùng xét về mặt thời gian, chưa có việc nào khác thay thế, một công việc được thực hiện bởi toàn bộ cảm hứng hiện đại, ấy là đạo Kitô.
Để có thể hình dung cái mới mẻ, chưa từng thấy mà đạo Kitô đã đem lại, hình dung một cách bất ngờ, mới mẻ, đơn giản và trực tiếp khác hẳn với cái cách mà cô đã biết và quen nghe, tôi sẽ phãn tích với cô một số đoạn trích từ các bài thánh lễ, ngắn gọn và vắn tắt thôi.
Đa số các bài thánh lễ thường đem liên kết các quan mệm của Cựu ước và Tân ước lại với nhau. Những luận điểm về thế giới cũ, bụi cây không cháy, nguồn gốc Israen từ Ai Cập, những thiếu niên trong lò lửa, Iôna nằm trong bụng cá voi v v… được trình bày song song với các luận điểm về thế giới mới, chẳng hạn, với quan niệm về sự thụ thai của Đức mẹ Đồng Trinh và về sự sống lại của Kitô.
Sự sắp xếp thường xuyên và gần như cố định ấy làm nổi bật tính cố cựu của thế giới cũ và tính tân kỳ của thế giới mới, cùng sự khác nhau giữa chúng.
Trong vô số thánh ca, sự làm mẹ trinh bạch của Maria được so sánh với việc dân Do Thái vượt qua Hồng Hải. Ví dụ, trong câu: "Trên biển Đỏ đôi khi nổi lên hình ảnh tân giai nhân trinh bạch" có lời rằng: "Biển, sau khi dân Israen đi qua, không ai còn vượt được; Đức Mẹ, sau khi sinh hạ Emmanuên, vẫn đồng trinh. "Nghĩa là, sau khi dân Israen đã đi qua hết, thì biển không cho ai qua nữa, còn cô gái sau khi sinh ra Đấng cứu thế ở cùng ta, vẫn không hề mất trinh. Những việc gì xảy ra được đem đối chiếu ở đây? Cả hai sự việc ấy đều là siêu nhiên, đều được coi là phép lạ như nhau. Vậy thì cái gì đã được coi là phép lạ ở hai thời đại khác nhau như vậy - thời thượng cổ, nguyên thủy, và thời đại mới, sau khi La Mã ra đời, mãi tận sau này?
Trong trường hợp thứ nhất, theo lệnh vị thủ lĩnh của dân chúng là tộc trưởng Moisơ ( Moïse ) lúc vị này vung cây gậy thần, biển liền giãn ra, để cho cả một dân tộc đông không kể xiết, hàng trăm ngàn người, đi qua, và khi người cuối cùng vừa qua, thì biển lập tức khép lại như cũ, dìm chết những quân Ai Cập đuổi theo. Một cảnh tượng đúng theo tinh thần cổ xưa, thiên nhiên ngoan ngoãn tuân theo thầy phù thủy, từng đám đông tập hợp lại như quân đội La Mã lúc hành binh, dân chúng và thủ lĩnh, những vật thể ta có khả năng nhìn rõ, nghe thấy, váng cả tai.
Trong trường hợp thứ hai, cô gái, - một hiện tượng bình thường mà thế giới thời cổ chả buồn để ý, - lặng lẽ và bí mật sinh ra một hài nhi, sinh ra sự sống, phép màu đời sống, "sự sống của hết thảy mọi người", như sau đó người ta gọi Ngài. Sự sinh đẻ này là trái luật, không chỉ theo quan điểm của các nhà luật học, là ngoài hôn phối. Mà còn đi ngược lại các quy luật của thiên nhiên. Cô gái ấy sinh con không phải theo cách tự nhiên, tất yếu, mà nhờ phép lạ và Thánh linh. Đó chính là thứ Thánh linh mà Phúc âm muốn dựa vào nó để dựng nên đời sống, trái với mọi sự cưỡng bức, bởi lẽ Phúc âm vẫn đem đối lập cái phi thường với cái phàm thường, ngày lễ hội với ngày bình thường.
Sự thay đổi có ý nghĩa mới lớn lao làm sao? Bằng cách nào mà cái công việc riêng tư của loài người ấy, một công việc hết sức tầm thường theo quan niệm thời cổ xưa, lại trở nên ngang giá với cuộc di cư của cả một dân tộc, ngang giá với trời (bởi vì cần đánh giá việc đó bằng con mắt của trời, trước trời, toàn bộ việc đó diễn ra trong khung cảnh thiêng liêng độc nhất).
Có một cái gì đã chuyển dịch thế gian. La Mã đã cáo chung. Quyền lực của số đông, cái nghĩa vụ do vũ khí bắt buộc người ta phải sống đồng loạt, sống hợp quần như toàn bộ dân tộc không còn nữa. Các thủ lĩnh và các dân tộc đã lùi về dĩ vãng.
Thay vào đó là cá nhân và sự truyền bá tự do. Mỗi đời sống cá nhân con người, đã trở thành chuyện của Thượng đế, làm cho không gian vũ trụ tràn ngập nội dung của nó. Như đã được nói trong thánh ca vào dịp lễ Tin Lành, Adams muốn trở thành Thượng đế và đã phạm sai lầm không trở thành Thượng đế, còn ngày nay thì Thượng đế trở thành con người, để làm cho Adams thành Thượng đế ("Thiên Chúa hoá người, đặng biến Adams thành Thiên Chúa").
Seraphima nói tiếp:
- Tôi sẽ còn trình bày với cô đôi điều về chủ đề này. Nhưng bây giờ tôi muốn nói ra ngoài một chút. Về phương diện quan tâm đến nhân dân lao động, bảo vệ bà mẹ, đấu tranh chống thế lực đồng tiền, thì thời đại cách mạng hiện nay là thời đại chưa từng thấy, đáng nhớ, với những thành tựu sẽ còn lại rất lâu, mãi mãi. Còn về phần quan mệm đời sống, triết lý hạnh phúc như cách diễn giải phổ biến hiện nay, thì không thể tin rằng nó được nói một cách nghiêm túc, vì nó chính là tàn tích nực cười. Những câu nói hoa mỹ ấy về các lãnh tụ và các dân tộc rất có thể đẩy ta lùi lại thời cựu ước của các bộ lạc chăn nuôi và các tộc trưởng, giả dụ những câu nói ấy có sức đảo lộn cuộc sống và đẩy lùi lịch sử lại hàng ngàn năm. May thay, điều đó không thể có đượe.
Xin nói đôi lời về Kitô và Madelen. Không phải lấy từ chuyện trong Phúc âm kể về Madelen, mà từ các bản kinh cầu nguyện trong tuần Thánh, hình như vào ngày thứ ba hay thứ tư gì đó Nhưng tôi không nói thì tự cô cũng thừa biết tất cả chuyện đó. Ở đây tôi chỉ muốn nhắc cô nhớ lại, chứ tôi không định lên lớp cho cô.
Như cô biết rõ, chữ "Thống khổ" theo tiếng Slavơ, trước hết có nghĩa đau khổ, các nỗi đau khổ của Chúa, "Chúa tự nguyện tiến tới thống khổ" (Chúa chấp nhận nỗi đau khổ tự nguyện). Ngoài ra, danh từ đó được sử dụng trong tiếng Nga sau này với nghĩa các "tật xấu" và các "ham muốn", "Bắt phẩm giá của linh hồn tôi làm nô lệ cho các ham muốn, là biến tôi thành súc vật", "Bị đuổi khỏi thiên đường, hãy tiết chế các tật xấu để được trở lại" v v… Có thể tôi hư hỏng, nhưng tôi không ưa những bài kinh đọc trước lễ Phục Sinh theo hướng đấy, nói về việc tiết dục và hành hạ thể xác. Tôi luôn có cảm tưởng rằng những bài kinh ấy thô thiển, vô vị, thiếu bản chất thơ thường thấy trong các bản kinh khác, chính là do những lão thầy tu béo tốt mỡ màng làm ra. Rất có thể đám thầy tu ấy cũng sống đúng theo lương tâm. Song vấn đề không phải ở họ, mà là ở nội dung của các đoạn kinh ấy. Những lời đả phá ấy đã quan trọng hoá quá mức những sự yếu đuối của thể xác và vấn đề thể xác có béo tốt hay tiều tụy. Nghe rất ghê tởm. Ở đây một vài điều tầm thường, thứ yếu, bẩn thỉu đã được đưa lên tầm cao không tương xứng với nó. Xin lỗi cô, tôi nói dài dòng như thế trước khi đề cập phần chủ yếu. Bây giờ, tôi xin bù lại sự chậm trễ ấy.
Tôi luôn luôn quan tâm xem tại sao người ta lại nhắc đến Madelen vào ngay đêm trước lễ Phục Sinh, trước khi đấng Kitô qua đời và sống lại. Tôi chưa rõ lý do, nhưng sự nhắc nhở thế nào là cuộc sống là rất kịp thời vào giây phút từ giã cuộc sống và vào lúc chuẩn bị phục sinh. Bây giờ cô hãy nghe, việc nhắc nhở ấy được thực hiện một cách thực sự say sưa và vô cùng thẳng thắn như thế nào.
- Người ta còn tranh luận đó có đúng là Maria Madelen, hay Maria Ai Cập, hoặc một Maria nào khác. Song dù là Maria nào đi nữa, thì nàng cũng đã cầu xin Chúa: "Thầy hãy gỡ nợ như gỡ tóc". Nghĩa là "Xin thầy giải tội cho con, như con gỡ tóc rối!. Sự khao khát xin được tha thứ và hối cải đã được diễn tả mới cụ thể làm sao. Như có thể chạm tay vào nó.
Rồi tiếng cầu xin tương tự cũng còn ghi trong một bài kinh khác cụ thể hơn, đọc cùng ngày, và ở đó hiển nhiên là nói về Madelen ở đó nàng sám hối một cách cực kỳ cụ thể về quá khứ, về việc đêm đêm bóng tối lại khêu gợi các ham muốn dai dẳng trước đây của xác thịt nàng. "Vì đêm đen làm bùng cháy dục vọng tội lỗi của con, nên khi bóng tối buông là con lại muốn phạm tội". Nàng xin Chúa chấp nhận các giọt nước mắt ăn năn của nàng và cúi xuống nghe tiếng lòng nàng thở than, để nàng có thể dùng mái tóc lau hai bàn chân thanh khiết của Người, mái tóc mà Eva đã lánh vào đó khi khiếp sợ và tủi hổ trên Thiên Đường. "Thầy cho con dùng dầu thơm rửa chân Thầy và dùng tóc lau hai bàn chân thanh khiết của Thầy, như Eva giữa ban ngày bị váng tai và kinh sợ trên thiên đường đã xoã tóc che thân. Và đột nhiên, sau mấy câu nói đến mái tóc ấy, bỗng bật ra tiếng thốt: "Ai có thể dò được muôn vàn tội lỗi của con, dò tới đáy sâu số phận của Người?". Cô đọng xiết bao, bình đẳng xiết bao giữa Chúa và cuộc sống, Chúa và con người, Chúa và người đàn bà?
18.
Sau khi từ nhà ga về, Zhivago rất mệt mỏi. Hôm nay là ngày nghỉ thường lệ trong mỗi tuần làm việc mười ngày. Thông thường, vào các ngày nghỉ, chàng ngủ bù cho chín ngày kia.
Chàng nửa nằm nửa ngồi trên đi-văng, đôi khi ngã hẳn xuống đó Tuy trong lúc nghe Seraphima nói, cơn buồn ngủ cứ chốc chốc lại kéo đến, song cách lập luận của chị ta khiến chàng rất thích thú. "Tất nhiên, tất cả những cái đó cô ta tiếp thu được ở cậu Nicolai, - chàng nghĩ - Nhưng cô ta thật là tài năng và thông minh!".
Chàng nhảy xuống khỏi đi-văng và bước tới cửa sổ. Cửa sổ trông xuống sân, cũng như cửa sổ phòng bên cạnh, nơi Lara và Seraphima đang ngồi với nhau, tiếng nói của họ bây giờ nghe tiếng được tiếng mật.
Thời tiết xấu thêm. Ngoài trời đã nhập nhoạng tối. Hai con chim ác là bay đến hang tìm chỗ đậu. Gió thổi bồng bồng lông của chúng. Chúng đậu xuống nắp thùng rác, bay lên hàng rào, đoạn sà xuống đi thơ thẩn dưới sân.
"Chim ác là báo hiệu tuyết sắp rơi", - Zhivago nghĩ thầm.
Đúng lúc ấy, chàng nghe tiếng Seraphima nói với Lara:
- Chim ác là báo hiệu có tin. Nhà ta sắp có khách, hoặc có thư.
Lát sau, ở bên ngoài có người giật chuông cửa. Mấy ngày trước Zhivago đã sửa dây chuông xong xuôi. Từ phòng trong, Lara đi ra mở cửa. Căn cứ lời nói của nàng ở ngoài ấy, Zhivago hiểu rằng người khách vừa đến là Galina, chị ruột của Seraphima.
- Chị đến tìm chị Seraphima phải không? - Lara hỏi. - Chị ấy đang ở nhà em.
- Không, tôi không kiếm cô ấy. Nhưng nếu cô ấy về ngay bây giờ thì chị em tôi sẽ cùng đi. Không, hoàn toàn không phải vì lý do đó mà tôi đến đây. Tôi mang thư đến cho ông bạn của cô Thật may cho ông ấy, vì có dạo tôi đã làm ở bưu điện. Thư này đã qua tay rất nhiều người, cuối cùng một người quen đã trao cho tôi. Thư gửi từ Moskva. Mất năm tháng mới tới. Người ta không tìm ra địa chỉ người nhận. Nhưng tôi, tôi biết người ấy là ai. Có lần ông ấy đã được tôi hớt tóc.
Bức thư dài mấy trang, nhàu nát, nhem nhuốc, bỏ trong một cái phong bì đã bị bóc và mủn cả ra. Đó là thư của Tonia.
Zhivago không ý thức được cái việc bức thư đã nằm trong tay chàng theo cách nào, Lara đã đưa cho chàng ra sao. Lúc bắt đầu đọc, chàng vẫn nhớ mình đang ở nhà ai, tại thành phố gì, nhưng càng đọc, chàng càng mất ý thức về điều đó. Seraphima bước ra chào từ biệt, chàng chỉ đáp lại như một cái máy, nhưng không hề để ý đến chị ta và không rõ chị ta về từ lúc nào. Dần dần chàng quên hẳn mình đang ở đâu và có những gì xung quanh chàng.
Tonia viết:
"Anh Yuri ơi, anh có biết chúng mình có một đứa con gái không? Ba và em đặt tên cho nó là Masa để kỷ niệm người mẹ quá cố của anh.
Bây giờ nói sang chuyện khác. Mấy nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, các giáo sư thuộc đảng Kadet và các nhà xã hội cánh hữu, Mengunov, Kidevet, Cuskov và vài người khác, kể cả bác Nicolai Gromeko, ba và mẹ con em (bị coi là thân nhân của bác) bị trục xuất khỏi nước Nga.
Đó là điều bất hạnh, nhất là lại vắng anh, nhưng cũng đành cam chịu và phải cảm ơn Chúa đã cho hưởng hình thức lưu đày nhẹ nhàng như thế giữa thời buổi khủng khiếp này, bởi có thể gặp tình huống xấu hơn nhiều. Giá anh ở đây, hẳn anh đã cùng đi với cả nhà. Nhưng hiện giờ
anh ở đâu? Em gửi thư này tới địa chỉ của Lara, chắc cô ấy sẽ trao cho anh, nếu tìm ra anh. Em lo khắc khoải vì chưa biết sau này, khi tìm được anh, người ta có cho phép anh, với danh nghĩa một thành viên của gia đình em, ra nước ngoài như cả nhà đã đi hay không. Em tin rằng anh vẫn còn sống và rồi người ta sẽ tìm thấy anh. Lòng em yêu anh vẫn mách bảo em như vậy và em tin vào tiếng nói của nó. Có lẽ khi tìm thấy anh, điều kiện sống ở nước Nga sẽ dễ chịu hơn, tự anh có thể chạy được giấy phép riêng để ra nước ngoài, lúc đó cả nhà lại được đoàn tụ đông đủ. Em viết như thế, song chính em lại không tin có thể đạt tới một hạnh phúc như vậy.
Toàn bộ đau khổ là ở chỗ em yêu anh, còn anh lại không yêu em. Em cố tìm ý nghĩa của bản án ấy, cố lý giải nó, cố biện hộ cho nó, em lục lọi, soát xét lại toàn bộ cuộc đời của hai đứa mình và tất cả những gì em biết về bản thân em, song em vẫn không tìm ra căn nguyên và không thể nhớ mình đã làm gì để đến nỗi chuốc lấy điều bất hạnh ấy. Anh cứ nhìn em bằng con mắt ác ý, sai thực tế, anh thấy em méo mó như nhìn qua một chiếc gương cười.
Còn em, em yêu anh. Trời ơi, em yêu anh biết mấy, giá như anh có thể tưởng tượng ra được? Em yêu hết thảy những gì đặc biệt ở anh, tất cả những cái có lợi và bất lợi, tất cả những khía cạnh thông thường của anh, song lại rất quý báu trong sự kết hợp khác thường; em yêu khuôn mặt anh, một khuôn mặt trở nên cao quý nhờ đời sống nội tâm, mà nếu không có nội dung ấy, có lẽ xem ra nó không được đẹp, em yêu tài năng và trí thông minh của anh là hai thứ dường như thế chỗ cho cái ý chí hoàn toàn thiếu vắng ở anh. Tất cả những điều đó đều thân thiết đối vôi em, và em không biết có người nào hoàn hảo hơn anh.
Nhưng anh ạ, anh có biết em sẽ nói gì không? Giả dụ anh không thân thiết đối với em đến mức ấy, giả sử em không thích anh đến mức ấy, thì em cũng không bao giờ tìm thấy tình cảm của em bị nguội lạnh đi như một thực tế phũ phàng, thì em vẫn nghĩ là em yêu anh. Không yêu, ấy là một hình phạt gớm ghiếc và nhục nhã, và chính vì sợ nó, mà trong tiềm thức em tránh nghĩ rằng em không yêu anh. Cả em lẫn anh không bao giờ nhận biết điều đó. Trái tim em hẳn sẽ che giấu điều đó, bởi vì không yêu thì cũng gần như là việc sát nhân, mà em chả đủ sức dùng thủ đoạn ấy với bất cứ ai.
Tuy chưa có gì là quyết định dứt khoát, nhưng chắc chắn cả nhà sẽ đi Paris. Em sẽ trôi giạt tới xứ sở xa xôi kia, nơi người ta đã cho anh đến
hồi bé và cũng là nơi bác Nicolai với ba em được nuôi dưỡng. Ba gửi lời từ biệt anh. Xasa đã lớn, không khôi ngô lắm nhưng là một cậu bé to khỏe và mỗi khi nghe nhắc đến anh, thì con nó lại khóc nức nở cay đắng không ai dỗ được. Em không thể viết thêm nữa. Lòng em tan nát, nước mắt dâng lên nghẹn ngào. Thôi vĩnh biệt anh. Xin anh để em cầu chúc cho anh gặp may mắn trong suốt cuộc chia ly bất tận, trong những thử thách và bất trắc, trong cả chặng đường dài đằng đẵng, lận đận và mờ mịt anh phải trải qua. Em không kết tội hoặc trách móc anh điều gì, anh hãy thu xếp cuộc sống của anh theo ý anh muốn, chỉ mong anh được sung sướng:.
Trước khi rời khỏi cái xứ Ural đáng sợ và vô cùng xui xẻo đối với chúng ta ấy, em đã có dịp quen biết sơ sơ với Lara. Cám ơn cô ấy đã luôn luôn ở bên em lúc em gặp khó khăn và đã giúp đỡ lúc em sinh nở. Phải thành thực công nhận cô ấy là người tốt, nhưng em cũng phải nói thật rằng cô ấy hoàn toàn trái ngược với con người em. Em sinh ra đời để làm cho cuộc sống trở nên giản dị hơn và để tìm lối thoát đúng đắn, còn cô ấy thì để làm rắc rối thêm cuộc sống và khiến người ta lạc đường.
Vĩnh biệt anh, em phải ngừng bút thôi. Người ta đã đến lấy thư và cũng tới lúc em phải gói ghém hành lý. Ôi, Yuri yêu dấu, người yêu của em, chồng em, cha của các con em, thế này là thế nào hở anh? Chúng mình sẽ chẳng bao giờ, không bao giờ còn được gặp nhau, anh ơi. Đấy, em vừa viết những lời này, liệu anh có hiểu hết ý nghĩa của chúng không? Anh có hiểu không, hiểu không anh? Người ta đang giục giã em, y như họ đến dẫn em đi hành hình ấy. Yuri! Yuri!".
Yuri Zhivago ngẩng lên. Mắt anh ráo hoảnh vì đau đớn, không nhìn thấy gì cả, không nhìn đi đâu cả, hoàn toàn trống rỗng. Chàng không ý thức được bất cứ gì xung quanh.
Ngoài kia, tuyết bắt đầu rơi. Gió đẩy tuyết bay xiên xiên trong không trung, mỗi lúc thêm mau hơn, dày hơn, như luôn luôn muốn bù đắp một cái gì, còn Zhivago thì cứ nhìn ra cửa sổ trước mặt, tựa hồ đấy không phải cảnh tuyết rơi, mà là chàng đang tiếp tục đọc lá thư của Tonia, và không phải những bông tuyết khô nhỏ đang bay qua, thấp thoáng, mà là những khoảng giấy trắng nho nhỏ giữa các dòng chữ đen nho nhỏ, - những khoảng trắng, trắng toát, bất tận không cùng.
Zhivago bất giác rên lên một tiếng và ôm lấy ngực. Chàng cảm thấy mình sắp ngất, bèn loạng choạng đi vài bước về phía đi-văng rồi ngã xuống đó bất tỉnh.