Tôi đợi tàu. Tôi mặc một áo sơ mi. Khăn, mũ, áo len, áo khoác trong túi du lịch. Tôi lo tàu đến ga khi tôi đang ngủ. Tôi không dám ngồi. Tôi biết chỉ cần một bậc thềm là tôi cũng sẽ ngủ ngon lành. Tôi không đi hỏi giờ tàu. Tôi cũng không đi mua vé tàu. Tôi lo ông trưởng tàu thổi còi rồi mà tôi vẫn ở trong phòng vé. Tôi lo giá vé tăng năm lần từ năm năm nay. Tôi lo tiền Việt lạm phát năm mươi lần từ ngày tranh tôi được khách du lịch nước ngoài mang về làm lưu niệm. Tôi lo xếp hàng hai tiếng mới đến lượt. Tôi lo nói nhầm mua một vé đi Hà Nội, xuống ga Hàng Cỏ chứ không phải ga Yên Viên. Cô bán vé sẽ cầm mi-cờ-rô gọi đội bảo vệ. Tám nhân viên sẽ xúm lại nhét cổ tay tôi vào một ổ khoá số tám, nhét toàn bộ thân thể tôi vào một cái xe ô tô chùm kín rồi chở cả người cả khóa sang bệnh viện thần kinh Châu Quì. Tám giờ tối ngày mai, xem xong chương trình văn hóa nghệ thuật ở đài truyền hình Hà Nội, nhận được điện thoại, Loan mới mang hộ khẩu và hồ sơ bệnh án của tôi tới gặp giám đốc bệnh viện. Vết nứt ở hộp sọ, bệnh viện Hà Nội còn trả lại thì bệnh viện Châu Quì cũng chẳng có lý do gì mà giữ. Tôi sẽ theo Loan về điều trị tại gia. Mọi việc sẽ trở lại như cũ. Bản hợp đồng đã hủy hóa ra vẫn còn hiệu lực. Còn hiệu lực đến bao giờ, tôi không dám nghĩ tiếp. Loan rất ghét ngồi tàu. Cô ấy bảo không muốn dính dáng tới ngành đường sắt. Khi tranh tôi chưa bước được vào gallery thì chúng tôi chỉ quanh quẩn Hà Nội. Khi tranh tôi bắt đầu được năm chục đô la một bức, Loan bảo phải về quê ra mắt họ hàng. Họ hàng không trách móc gì. Họ hàng vẫn gửi cho vải thiều và bánh đậu xanh. Nhưng phải ra mắt. Cô ấy gọi hai xe ôm. Hai tiếng sau, hai cái xe đã đỗ trước cổng nhà ở thị xã Hải Dương. Chúng tôi vào chào hỏi mấy chục người trong gia đình Loan, ăn hết hai chùm vải thiều với hai hộp bánh đậu xanh Rồng Vàng, đầu giờ chiều lại ôm lưng hai anh lái quay về Hà Nội. Khi còn độc thân, tôi đã đi nhiều nơi. Bắc, Trung, Nam, không miền nào xa hơn miền nào, không giọng nào khó nghe hơn giọng nào. Một năm vài chục lần, tôi đeo ba lô nhảy tàu. Tôi quen hết các ông kiểm vé. Ông kiểm vé nào cũng chỉ lấy của tôi vài điếu thuốc, vỗ vào vai tôi mấy cái rồi để tôi tự thân vận động, còn ghế thì ngồi, hết ghế thì đứng, hết cả chỗ đứng thì vào nhà vệ sinh, nhà vệ sinh mà khóa bên trong thì sang rửa bát, lau bàn giúp cô cấp dưỡng. Một năm vài chục lần nhảy tàu, tôi thuộc mặt thuộc tên gần hết các cô cấp dưỡng ngành đường sắt. Tôi gặp Loan ở Hải Phòng. Loan là cô cấp dưỡng cuối cùng của ngành đường sắt mà tôi chưa biết mặt biết tên. Tôi giúp Loan rửa bát lau bàn cho tàu Hải Phòng-Lạng Sơn. Chỉ một lần nhảy tàu đi Lạng Sơn mà tôi mất trọn năm năm. Ba mươi chín tuổi, tôi dè chừng tất cả các cô cấp dưỡng ngành đường sắt, tất cả các cô tên Loan, cô nào tên Loan cũng từng là cấp dưỡng nghành đường sắt. Tôi không nhớ tôi đã lên tàu lúc mấy giờ. Tôi cũng không nhớ tàu tới ga nào thì chị ta đến ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Trong toa vẫn còn vài chỗ. Mọi người ăn uống, nói chuyện như pháo rang. Tôi tìm một góc nhìn ra cửa sổ. Từ nửa ngày nay, tôi hút thuốc. Khói thuốc giúp tôi khỏi phải ngửi mùi đồ ăn, khỏi phải nhớ những bữa cơm của Loan năm năm qua bao giờ cũng đủ dinh dưỡng đúng tiêu chuẩn cấp dưỡng ngành đường sắt. Đủ dinh dưỡng nhất trong năm mươi ngày cuối cùng, trong món trứng không hiểu bao nhiêu quả, không hiểu rán hay xào hay nấu canh hay luộc, nhưng chắc chắn là đúng tiêu chuẩn, chắc chắn đến độ nó trở thành thực đơn duy nhất cho một trăm năm mươi bữa ăn cuối cùng của tôi. Tôi phải hút thuốc năm ngày nữa mới thèm cầm đũa và cơm, rồi phải hút năm mươi ngày nữa mới dám động đến các món trứng. Loan rất chính xác trong cách trừng trị tôi. Chị ta ngồi nhìn ra cửa sổ. Người ta vẫn ăn uống nói chuyện như pháo rang. Người ta vẫn lên xuống như trong chợ. Tôi tưởng chị ta phải đi từ lâu. Tôi sang toa bên cạnh đi vệ sinh, xếp mấy lần hàng, xì mũi nhổ nước bọt mấy cái quay về vẫn thấy chị ta ở đấy. Tôi dập thuốc lá, theo ông kiểm vé vào phòng trưởng tàu, uống vài chén rượu, nghe vài chuyện giời ơi đất hỡi. Ở ga Nam Định tôi gặp lại một thằng bạn cùng hội nhảy tàu. Bây giờ nó vẫn nhảy tàu nhưng mỗi lần nhảy mang theo mấy chục lon bia với một phích đá. Nó bảo phải nuôi vợ nuôi con. Từ ngày lấy vợ, nó nhảy thêm xe khách. Từ ngày vợ nó đẻ con, nó nhảy thêm cả xe vận tải lẫn xe du lịch. Nó bảo như đại ca là sướng nhất. Thời nhảy tàu vô tư ngày xưa là sướng nhất. Tàu chuẩn bị chạy thì nó nhảy xuống, khéo léo hơn cả cách đây năm năm. Cách đây năm năm, một năm nó nhảy tàu mười lăm lần. Bây giờ, một ngày có mười lăm chuyến tàu qua ga Nam Định, năm mươi cái xe khách đỗ trước cửa nhà ga Nam Định, và bao nhiêu xe vận tải, xe du lịch chạy ngang nhà ga Nam Định. Tôi lang thang khắp các toa nhưng toa bếp thì tôi tránh từ xa. Ông kiểm vé đi qua vỗ vai sợ làm rể đường sắt rồi hả. Tàu đến Vinh lúc nửa đêm. Trong toa người lớn dựa vào ghế, trẻ con nằm thẳng xuống sàn, ai cũng mê mệt ngủ. Thành phố Vinh dập dờn ngoài cửa sổ. Tôi đã từng ở đây một tuần. Một tuần không kỉ niệm. Chữ kỉ niệm khiến tôi díp cả mắt. Hai cái nhà năm tầng do Liên Xô xây dựng, hai cái Twin Towers của Vinh, là hình ảnh cuối cùng trước khi tôi làm một giấc dài vô tận. Chưa bao giờ tôi ngủ ngon lành đến thế. Chưa bao giờ tôi thức dậy khoan khoái như vậy. Hình như chị ta mấp máy môi chào. Tôi giơ tay vẫy vẫy. Tôi không hiểu tại sao tôi có hành động ấy. Cả toa vẫn mê mệt ngủ. Hóa ra tôi chỉ chợp mắt có một lúc. Hóa ra một giấc ngủ không có Loan bên cạnh còn dễ chịu hơn cả tôi tưởng. Chẳng ai buồn chú ý đến cái vẫy tay của tôi. Tôi lại giơ tay vẫy vẫy. Tôi vẫn không hiểu tại sao tôi có hành động ấy. Chị ta đặt tay vào ngực mình rồi lại chỉ về ngực tôi. Tôi nhún vai. Tôi cũng không biết tôi sẽ xuống ga nào. Chị ta nhún vai theo. Tôi nhìn chị ta dè chừng. Tôi tự nhắc tôi biết mùi tự do mới được quá một ngày. Tôi bỏ thuốc lá ra hút. Đầu kia chị ta lại mấp máy môi. Tôi lờ. Tôi cảnh giác. Loan ngày đầu tiên cũng không dám lộ liễu như thế. Tôi đốt hết điếu này sang điếu khác. Hành khách trong toa tỏ thái độ. Một dàn khách nhà quê bật dậy bảo tôi chán đời đi chỗ khác mà tự tử. Tôi dập thuốc, cho khăn mặt vào túi du lịch, buộc lại dây giầy, chụp mũ lên đầu. Hành khách trong toa lại tỏ thái độ. Họ chúc tôi thượng lộ bình an. Tôi phẩy tay. Loan cũng chúc tôi thượng lộ bình an. Bọn nhảy tàu chuyên nghiệp không bao giờ nói với nhau câu đấy. Chúng tôi thoáng thấy nhau trên tàu là tránh nhau từ xa. Thằng lên sau tự động nhường tàu cho thằng lên trước. Luật nhảy tàu thằng bạn lúc nãy vẫn còn nhớ. Chạy dưới đất được một đoạn, nó mới ngoái cổ giơ tay vẫy vẫy. Tôi cũng giơ tay vẫy vẫy. Chúng tôi đã từng làm thế với nhau ít nhất mười hai lần trong quá khứ. Lần nào lên tàu Nam Định tôi cũng chạm mặt nó. Nó lên trước tôi nhường nó. Nó lên sau nó nhường tôi. Cứ theo luật mà quyết. Về sau tôi gọi nó là thằng Nam Định. Thằng Nam Định trẻ nhất trong hội nhảy tàu chuyên nghiệp. Vừa trẻ vừa đẹp trai. Tôi lớn tuổi hơn. Chắc vì thế mới được gọi là đại ca. Thằng trắng nhất là thằng Ninh Bình. Đã trắng lại hay đeo kính râm, đội mũ phớt. Nó đứng ở sân ga, các cô thò cả người ra cửa sổ vẫy khăn mùi xoa rối rít. Nhưng thấy tôi đã ở trên tàu nó chẳng dám lên. Các cô lại ngẩn tò te xem nó và tôi vẫy nhau như trong phim tình báo Liên Xô nhiều tập. Tôi nhờ nó được thơm lây. Tàu đến ga Ninh Bình là tôi vuốt tóc vuốt áo chuẩn bị chút nữa vẫy tay cùng nó cho oai. Thằng đen nhất là thằng Đồng Hới. Hôm nào tàu qua Đồng Hới mà đúng vào đêm thì khó mà nhận ra nó. Nó biết ý, nó châm một điếu thuốc rồi đứng ngay ở cửa ra vào mà hút. Thằng tôi hay chạm mặt ở Huế vừa cao vừa gầy. Tàu đến ga Huế nếu không nghe thấy nó đang rập rình ghi-ta thì anh em khác mới nhảy lên. Mười năm, tôi chỉ nghe nó hát độc một bài Diễm Xưa. Chỉ cần nó hắng giọng một cái là những người xung quanh không ai dám động đậy. Ông kiểm vé đi qua vỗ vai nó bảo giá tàu nào cũng có một vài ca sĩ như nó thì các đội bảo vệ được ngồi chơi xơi nước cả ngày. Mấy cô nữ sinh cũng hay mua vé lên tàu Huế. Ngồi nghe nó hát một lần Diễm Xưa, ngước mắt nhìn nó một cái rồi lại lủi thủi lấy tàu quay về. Có lần tôi đứng dưới đất dòm lên thấy cả toa tím lịm, cứ như trường Đồng Khánh mới chuyển về đây. Quay sang bên cạnh chạm phải mấy chục nam sinh, sơ mi trắng, tóc chẻ ngôi, cũng đang dựa gốc cây nghe mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ. Nó là thằng duy nhất tôi không gọi theo tên ga. Trong trí nhớ của tôi, nó là thằng Diễm Xưa. Về sau có dịp nghe Diễm Xưa thế nào tôi cũng nhớ đến nó. Thằng Nha Trang cũng tài tử không kém. Cũng rập rình ghi ta trên tàu suốt ngày suốt đêm. Cũng hát độc một bài duy nhất. Không biết có phải của Trịnh Công Sơn hay không nhưng cũng bồi hồi lắm. Tôi đứng đợi bên dưới lần nào cũng nghe thấy nó tha thiết ôi Nha Trang mùa thu lại về, trong nụ cười và trong ánh mắt say mê, cờ đỏ tung bay, cuộc đời mới, mùa thu gió lộng, thuyền ra khơi xa, biển quê ta rực rỡ chân trời. Hành khách trên toa vỗ tay rầm rập. Nhiều cô còn nằn nì xin được hát cùng với nó. Nó song ca cũng tài tử không kém đơn ca, giọng ai nó cũng điều khiển được, cũng tìm cách đệm nhạc cho duyên dáng. Hát cùng nó, cô miền Bắc không dám lên cao chót vót, cô miền Nam tự động bỏ bớt nốt trầm, cô miền Trung cố phát âm cho thật chuẩn. Ông kiểm vé đi qua vỗ vai cả hai bảo nhớ nộp đơn xin vào đoàn ca múa nhạc nhẹ Đường Sắt. Thằng Sài Gòn suốt đời diện quần bò áo bò, chân đi tông Thái, ví da to đùng nhét ở mông. Tôi với nó chạm mặt nhau bao giờ cũng dừng lại vài phút, bắt tay đàng hoàng. Nó gọi tôi là đại ca Hà Nội. Tôi gọi nó là đại ca Sài Gòn. Tôi rút một điếu Thủ Đô đưa cho nó thì nó nhất quyết rút bật lửa châm cho tôi một điếu ba số năm. Có lần bỏ bao thuốc ra chẳng còn điếu nào, nó bảo tôi đợi rồi chạy vào quán cà phê ngay cạnh ga, hai phút sau đã thấy bưng ra một khay nhựa nhà hàng cho mượn, trên khay một bao thuốc ba số năm chưa bóc tem và hai ly cà phê Trung Nguyên thơm phức. Tôi ngại. Tôi bảo nó đừng gọi tôi là đại ca Hà Nội. Thằng Hà Nội, thằng Bắc kì, thằng Rau Muống, thằng Đồng ý nhất trí nhưng không tán thành, thằng gì gì cũng được nhưng đừng đại ca Hà Nội. Nó im lặng cười. Tôi hỏi lẽ gì mà nó gắn bó với hội nhảy tàu. Nó cũng im lặng cười. Tôi bảo tôi ngờ nó có điều muốn tâm sự. Nó vẫn im lặng cười. Tôi không biết tiếp tục như thế nào. Chúng tôi chia tay nhau. Mấy tháng sau gặp, lại đại ca Hà Nội, đại ca Sài Gòn. Thằng Thanh Hóa tôi cũng không quên. Nó có khuôn mặt tròn, tóc cắt ngắn, vẻ thư sinh. Lần cuối cùng gặp nó khi tôi đã chễm trệ trên tàu từ nửa ngày. Nó lại gần. Nó bảo nó biết luật nhưng bây giờ mà nhẩy xuống tìm tàu khác thì nó không về kịp. Cô người yêu đang đợi nó ở ga Vinh. Cô người yêu đã trốn gia đình đi lại với nó. Ngày mai cả hai chúng nó lên tàu vào Nam. Mua vé hẳn hoi. Nó chán nhảy tàu rồi. Cô người yêu bắt nó hứa phải giải nghệ hoàn toàn. Chúng nó sẽ vào Nam xây dựng cuộc sống mới. Nó cũng muốn nhân tiện chào tôi. Anh em mang tiếng chạm mặt nhau san sát thế mà chưa có dịp nói với nhau câu nào. Nó bảo bao giờ vào Nam nhớ ghé nhà nó chơi. Nhưng kể chuyện vui chứ đừng kể chuyện cũ. Nó buồn mà cô người yêu cũng không bằng lòng. Cô người yêu bắt nó hứa phải quên hết quá khứ nhảy tàu. Đến ga Thanh Hóa, nó nhảy xuống. Từ dưới đất nó giơ tay lên nắm tay tôi, lắc lắc mấy cái bảo đại ca đi thượng lộ bình an. Xong nó cười, nó hỏi đại ca thấy em đã hoà nhập với cuộc sống mới chưa. Nó định kể tiếp về cô người yêu thì tàu chuyển bánh. Nó giơ tay vẫy vẫy, vừa vẫy vừa kêu đại ca đi thượng lộ bình an. Loan không trốn gia đình theo tôi. Loan cũng chưa bao giờ bắt tôi phải hứa quên hết quá khứ nhảy tàu. Đăng kí kết hôn xong, về đến nhà, Loan quẳng ba lô của tôi vào một cái chậu nhôm. Loan bình tĩnh lấy ra một can xăng. Tôi không hiểu Loan mua xăng từ lúc nào. Cả hai chúng tôi xe đạp còn đi mượn nói gì đến xe máy. Tôi giằng lấy can xăng. Tôi dọa Loan hỏa hoạn. Một năm mấy chục lần nhẩy tàu tôi biết tất cả các cô cấp dưỡng ngành đường sắt đều từng nhận kỉ luật vì tội đốt tàu. Tàu Thống Nhất vài quí lại bị đốt mất mấy toa không do hạn hán, cháy rừng thì cũng do các cô cấp dưỡng. Loan bảo vứt mấy cái của nợ đi đâu thì vứt. Nói xong, cô ấy vứt chiếc ba lô vào sọt rác để làm mẫu. Những gì liên quan đến quá khứ nhảy tàu của tôi đều được Loan gọi là mấy cái của nợ. Chiếc ba lô, bộ quần áo công nhân, cái bàn chải đánh răng gẫy cán là những cái của nợ. Ngáy, hút thuốc lá, húp mì ăn liền, tắm không xoa xà phòng, ngáp không che mồm là mấy thói quen của nợ. Các ông kiểm vé ngày xưa cũng nhận thêm biệt danh là mấy ông của nợ. Mấy ông của nợ lại đến ám. Mấy ông của nợ nhổ đầy bã chè ra sàn. Mấy ông của nợ châm đóm thuốc lào châm luôn cả khăn giải bàn. Mấy ông của nợ cho con bé con cái bánh thiu làm bụng nó sôi sùng sục cả đêm. Mấy ông của nợ xe đầy bùn mà dắt vào nhà. Mấy ông của nợ khăn hôi rình rình dám treo cạnh áo người ta. Mấy ông của nợ suốt tuần không tắm vừa bước chân đến cửa đã chui vào chăn, chưa đặt lưng đã ngáy như máy cày. Hôm qua khi tôi rời khỏi nhà, Loan vừa cười vừa nói lại giang hồ cùng với mấy ông của nợ hả. Từ giang hồ Loan chỉ sử dụng nội bộ. Trước mặt đồng nghiệp, người quen, Loan giới thiệu tôi là họa sĩ tốt nghiệp đại học mỹ thuật Hà Nội, từng có nhiều triển lãm cá nhân và tập thể. Hôm về ra mắt gia đình cô ấy ở Hải Dương, Loan bảo một tác phẩm của nhà con giá trị bằng một tạ vải thiều. Anh nhà báo đến tìm tin viết bài nhân bảy mươi năm thành lập trường Mỹ Thuật, Loan chỉ tranh tôi giải thích nghệ thuật phải được đúc kết từ kiến thức hàn lâm và kinh nghiệm thực tế. Không biết Loan còn giải thích những gì mà hôm sau trong báo Lao Động, anh nhà báo ca ngợi tôi là một họa sĩ đích thực, sau khi đạt thành tích xuất sắc ở trường đại học đã đeo ba lô lặn lội khắp mọi miền đất nước. Cả từ nhảy tàu lẫn từ giang hồ đều không có mặt trong bài báo. Loan gọi đấy là phương pháp quảng cáo. Loan bảo quảng cáo như thế cũng chưa tế nhị bằng các họa sĩ khác. Các họa sĩ khác bán được một bức hai trăm đô thì quảng cáo vừa đẩy đi một chục bức, bức nào cũng trên một nghìn. Các họa sĩ khác ra nước ngoài móc hai cái tranh cạnh hai mươi cái nón lá trong cửa hàng nón lá Đông Nam Á thì quảng cáo đã được một gallery nghệ thuật nổi tiếng thế giới mời trưng bày tác phẩm cá nhân. Loan bảo các ngành khác mất ba mươi phần trăm tổng chi phí mới được người ta để mắt đến, chỉ mỗi ngành hội họa là quảng cáo vô tư. Loan là cấp dưỡng đường sắt đầu tiên chuyển ngành sang quảng cáo hội họa. Loan sẽ trở thành bất tử. Mọi tính toán của Loan đều chính xác, đều hướng về sự bất tử. Chị ta không hiểu bằng cách nào cũng đứng ngay cạnh tôi. Tôi bỏ thuốc ra hút. Ông kiểm vé đi qua vỗ vai xin một điếu, vỗ thêm cái nữa chúc thượng lộ bình an. Tàu đến một ga nhỏ. Nhà ga thông báo tàu chỉ dừng ba mươi giây. Phịch một cái hai chân đã chạm đất. Thói quen hóa ra cũng không bị Loan vứt vào sọt rác cùng với cái ba lô. Tôi nhón chân định bước. Chị ta ú ớ. Chị ta giơ tay về phía tôi vẫy vẫy. Chị ta loay hoay mãi không dám nhảy. Hành khách trong toa thò cổ ra nhìn. Thêm cả cái cần cổ của ông kiểm vé. Không ai buồn động đậy. Tôi đành quay lại giơ tay cho chị ta nắm. Tôi vẫn cảnh giác. Tôi tự nhắc tôi biết mùi tự do mới được quá một ngày. Đứng thẳng người, chị ta đã bảo tôi đi đâu cho chị ta theo với. Hóa ra chị ta cũng biết nói. Mặt khó đăm đăm nhưng giọng không đến nỗi. Ba bốn tạp âm trộn vào nhau nhưng không đến nỗi. Tôi cảnh giác cao độ. Giọng Loan ngày xưa mềm như bún. Về sau nó còn mềm hơn cả bún mỗi khi gặp các chủ gallery và các anh nhà báo. Loan cũng bảo đấy là phương pháp quảng cáo. Tôi tự nhủ tôi cần cảnh giác hơn nữa. Tôi nhún vai. Tôi bảo chị ta tôi cũng không biết đi đâu, thậm chí không biết ga này tên gì. Chị ta nhún vai theo. Tôi điên tiết. Tôi quay lưng bỏ đi. Chị ta chạy theo. Chị ta bảo tôi đi đâu cho chị ta theo với. Chị ta càng tha thiết, tôi càng điên tiết. Tôi dập thuốc lá. Tôi hỏi chị ta có biết nhà tù là gì không. Chị ta gật đầu. Tôi bảo tôi vừa hết hạn tù. Chị ta gật đầu. Tôi bảo tôi chỉ muốn được đi cho đến lúc chân mỏi dừ, được ngủ khi nào mắt díp lại, được hút thuốc lá trừ cơm, được ngáp bao nhiêu lần cũng không phải lấy tay che mồm, rồi cười rồi xin lỗi rồi cảm ơn. Chị ta gật đầu. Tôi bảo tôi ghét tất cả các qui tắc. Chị ta gật đầu. Tôi bảo tôi coi khinh tất cả các phép lịch sự. Chị ta gật đầu. Tôi bảo tôi kị nhất câu thượng lộ bình an. Chị ta gật đầu. Chị ta có vẻ hiểu hết. Tôi cúi đầu đi tiếp. Chị ta lại chạy theo. Tôi làm như không nghe thấy. Tôi bước mải miết. Chị ta vẫn lon ton chạy theo. Một tháng liền Loan cũng lon ton sau tôi. Bây giờ tôi cảnh giác cao độ. Tôi thề sẽ không lùi một bước. Tôi đi được một đoạn. Rồi một đoạn rất xa. Rồi một đoạn không biết xa đến mức nào. Đường xá ngoằn ngoèo biến mất trong màu đen. Tôi đã từng đi như thế bao nhiêu lần. Rồi lại nghĩ tới nó bao nhiêu lần năm năm vừa qua. Loan rất ghét ngồi tàu. Loan thề không còn dính dáng đến ngành đường sắt. Loan không thích một phương tiện giao thông nào. Cả công cộng lẫn cá nhân. Chuyến về quê cô ấy bằng xe ôm là lần duy nhất chúng tôi rời Hà Nội. Sau này, khi tranh tôi, nhờ phương pháp quảng cáo của Loan, lên một trăm đô la một bức, cô ấy cũng không chịu đi đâu. Bố Loan tôi không bao giờ gặp lại. Mẹ cô ấy đến bệnh viện hôm Loan vừa đẻ, đặt lên bàn hai chùm vải thiều, ngồi bế cháu nửa tiếng rồi đi. Loan không nói gì. Tôi cũng không hỏi. Mẹ Loan đến thăm thêm một lần nữa. Một năm sau. Mẹ Loan mang cho con bé con hai hộp bánh đậu xanh Rồng Vàng, bế nó nửa tiếng, bón cho nó nửa bát cơm, xong lại đi. Đó là lần cuối cùng tôi gặp mẹ vợ. Bà cũng là người duy nhất trong gia đình đến thăm Loan. Tôi gợi ý cô ấy mang con bé con về chơi Hải Dương. Để nó biết mùi vải thiều. Loan vừa cười vừa bảo bao giờ tranh tôi lên giá một nghìn đô, nhà có ô tô thì về một thể, chở hẳn hai sọt vải thiều ra Hà Nội ăn dần. Tôi không hiểu Loan nói thật hay nói đùa. Tôi không bao giờ hiểu Loan nói thật hay nói đùa. Cô ấy rất giỏi vừa nói vừa cười. Cô ấy có tài làm người khác chột dạ. Các chủ gallery và các anh nhà báo cũng nhiều khi chột dạ. Loan bảo đấy cũng là phương pháp quảng cáo. Tôi cũng chột dạ khi nghe Loan nói tranh tôi có ngày lên giá một nghìn đô. Loan theo dõi thị trường tranh Việt Nam như các doanh nghiệp Việt Nam theo dõi thị trường đô la quốc tế. Thứ bảy hàng tuần, cô ấy mặc váy, đeo kính râm đi khảo sát tình hình gallery Hà Nội. Loan gọi đấy là mác két tinh. Chủ nhật, cô ấy ngồi nửa ngày lên danh sách những thứ tôi phải vẽ cho tuần tới. Loan gọi đấy là đơn đặt hàng. Những năm đầu, có lúc trong nhà chật ních tĩnh vật, có lúc tháp Rùa lại xếp thành mấy hàng, rồi trừu tượng chạy cả vào bếp nằm giữa nồi niêu xoong chảo, rồi hoàng hôn trên biển đoàn thuyền đánh cá tấn công các gậm giường, gậm bàn, gậm ghế, gậm tủ, gậm chạn. Thời ngây ngô cũng qua rất nhanh, y hệt như cái buổi sáng Loan gọi điện cho ba chục quán cà phê toàn Hà Nội đến khuân ba tiếng hết sạch cả tĩnh vật lẫn tháp Rùa lẫn trừu tượng lẫn đoàn thuyền đánh cá. Thời thơ ngây cũng qua rất nhanh, tranh của tôi bắt đầu được các gallery nhơ nhỡ để mắt tới, được các anh nhà báo nhơ nhỡ viết cho vài bài, được các khách du lịch nước ngoài nhơ nhỡ mua về trang trí phòng khách. Sáng thứ hai, trước khi đi làm, bao giờ Loan cũng tự tay pha cho tôi một tách cà phê, rồi lại tự tay đưa cho tôi cái đơn đặt hàng cô ấy lên hôm trước. Từ hai năm nay hợp đồng của chúng tôi là hai ngày một tranh. Tôi có nhiệm vụ sản xuất. Loan có nhiệm vụ chuyển nó thành đô la. Từ hai năm nay, Loan đoán đâu trúng đó. Loan bảo năm mươi cái phố cổ Hội An đi trong ba tháng thì đến đến ngày thứ chín mươi mốt các gallery nhơ nhỡ đã eo éo gọi điện. Loan bảo công ty du lịch Bình Trị Thiên vừa ra quyết định lùa khách nước ngoài của cả nước đến nhìn mái thư viện vua Thành Thái mới thay ngói đầu năm, y như rằng một trăm cái chiều Đại Nội chưa cái nào kịp treo lên tường đã bị mang thẳng ra sân bay. Loan bảo em bé với hoa sen cứ mỗi bức một tông, hoa trước, hoa sau, hoa phải, hoa trái, em bé trai, em bé gái, em bé ba tuổi, năm tuổi, bảy tuổi, em bé áo ngắn tay, em bé áo dài tay, áo hoa, áo trơn, làm thế nào thì làm, bịa thế nào thì bịa, phải ra được năm mươi cái trong vòng một trăm ngày. Tôi sợ. Năm mươi em bé mà không ra được khỏi nhà thì biết nhốt vào đâu. Loan vừa cười vừa nói mác két ting của cô ấy đã vào thẳng ủy ban nhân dân thành phố, đã dò được mười cái giấy phép xây dựng của mười khách sạn du lịch, mác két tinh của cô ấy nhận định chỉ cần mỗi khách sạn nhận cho năm em bé là xong. Một trăm ngày sau, tôi đang tỉa áo hoa cho em bé cuối cùng thì một khách sạn đánh xe đến nhấc đi hai mươi em bé gái từ ba đến bảy tuổi. Một tuần sau, một khách sạn khác gọi điện đặt mười em bé, trai hay gái, đậm hay nhạt, buồn hay vui, không quan trọng. Một tháng sau, con bé con nhà tôi thẫn thờ bảo chẳng còn bạn nào mà chơi với nó. Cách đây năm năm, khi Loan còn chưa biết cả phương pháp quảng cáo lẫn mác két tinh, trên đường đi đăng kí kết hôn, tôi bảo cô ấy nếu thay đổi ý kiến cũng chẳng muộn. Loan vừa cười vừa nói bạn cô ấy là nhà báo, bạn cô ấy nhận định vẽ tranh là nghề dễ sống nhất hiện nay, hơn cả buôn bán bất động sản, hơn cả mở ngân hàng tư thương. Một lúc sau, cô ấy lại vừa cười vừa nói bạn cô ấy đánh máy cho công ty BMW, bạn cô ấy nhận định BMW xịn nhất hiện nay ở trong tay các hoạ sĩ chứ không phải các ủy viên bộ Chính Trị, cũng không phải các chủ đường dây buôn lậu hờ-rô-in. Đêm hôm qua trước khi tôi vĩnh viễn rời khỏi nhà, Loan lại vừa cười vừa nói vịnh Hạ Long dự đoán mùa hè tới sẽ có thêm năm lần khách du lịch nước ngài đến bơi thuyền, năm mươi bức tranh tôi vẽ năm mươi ngày vừa qua có thể ghi giá không những hai trăm đô la mà thậm chí năm lần hơn thế. Năm mươi bức tranh ấy giống vịnh Hạ Long đến mức nào Loan không cần biết, nhưng năm mươi bức tranh ấy có thể giúp Loan mang con bé con về Hải Dương ra mắt họ hàng. Để nó biết mùi vải thiều. Loan bảo tôi đã nhầm. Cô ấy không thích ngồi tàu, không thích đi xe máy, nhưng BMW là phương tiện giao thông cô ấy chấp nhận được. Cô ấy chỉ thấy BMW đâm xe máy chứ chưa thấy xe máy đâm BMW bao giờ. Năm mươi ngày qua trong lúc tôi bận rộn sản xuất vịnh Hạ Long, cô ấy đã thi xong bằng lái, bạn cô ấy cũng đã chọn cho cô ấy một cái BMW xanh lá mạ gắn hộp tự động. Bằng lái xe chỉ để đưa cho cảnh sát giao thông ngắm chứ BMW xanh lá mạ của cô ấy không cần lái cứ thấy đèn đỏ thì dừng, đèn xanh thì đi, thấy ô tô tải thì lùi trước, thấy xe đờ rim thì xông lên. Hộp tự động là phát minh của thế kỉ. Khi tôi đặt chân lên tàu Thống Nhất cũng là lúc hai mẹ con cô ấy đi xích lô đến thử hộp tự động. Cô ấy là cấp dưỡng ngành đường sắt đầu tiên đi BMW gắn hộp tự động. Cô ấy là người Việt Nam đầu tiên có trong tay phát minh thế kỉ. Cô ấy sẽ trở nên bất tử. Mọi tính toán của Loan đều chính xác. Mọi tính toán của cô ấy đều hướng tới sự bất tử. Tôi đeo túi du lịch lên vai, vừa đeo vừa tiếc cái ba lô Loan vứt vào sọt rác. Tôi đã đi được một đoạn xa. Xa bao lâu tôi không cần biết. Về hướng nào tôi cũng không cần biết. Tôi cắm đầu bước. Thỉnh thoảng dừng lại bấu vào tai. Tai đau nhói. Tôi đã ngồi tàu mười hai tiếng, sân ga Hàng Cỏ đã ở lại sau lưng mười hai tiếng. Loan có phóng BMW theo tàu Thống Nhất mười hai tiếng cũng không ngờ tôi nhảy xuống ga này. Loan đi qua Vinh thế nào cũng ghé thăm hai cái Twin Towers. Hai cái Twin Towers thế nào cũng đang có triển lãm BMW toàn quốc trưng bày mười mẫu xe gắn hộp tự động và mười họa sĩ đại diện tỉnh Nghệ An. Mười tác phẩm sơn dầu, sơn mài, thuốc nước, lụa, mực tàu, giấy gió, khảm trai, tượng gỗ, tượng đồng, đục đá, mười tác phẩm theo chủ đề Làng Sen. Mười tác phẩm thế nào cũng được các Việt kiều làng Sen trân trọng trả một triệu đồng một bức, trân trọng vác về Pháp treo lên tường, qua hải quan sân bay Nội Bài trân trọng chìa giấy chứng nhận của hai Vinh’s Twin Towers không công an nào dám sờ đến tác phẩm nghệ thuật. Loan sẽ rút máy di động hỏi ý kiến cô bạn mới mở Gallery phố Tràng Tiền. Cô bạn sẽ khuyên lấy bức khảm trai, mang về ghi giá năm lần hơn thế. Việt kiều làng Sen ghé Hà Nội thăm Tháp Rùa sẽ trân trọng trả bằng thẻ tín dụng quốc tế, trân trọng bọc bông với nhồi mút, trân trọng gửi hàng chậm, trân trọng bảo người nhà đem xe ô tô ra đón ở Charles de Gaulle, đợi ngày mười chín tháng năm lại trân trọng vác đến tặng sứ quán, sứ quán sẽ trân trọng tháo bông tháo mút, đóng hai cái đinh treo cạnh hai mươi bức khảm trai, bức nào cũng trân trọng ghi bên dưới hai chữ Làng Sen. Cô bạn Loan phá luật. Cô bạn Loan thân với thằng cũng phá luật của hội nhảy tàu chuyên nghiệp. Thằng đấy tôi đã chạm mặt hồi mới vào nghề. Thằng đấy chưa thấy người đã thấy tiếng. Tàu đến ga Quảng Bình, không cần ngó qua cửa sổ, chỉ nghe thấy tiếng nó oang oang là ai cũng tự động đánh bài chuồn mà nhường tàu cho nó. Nó tuyên bố là thằng duy nhất dám phá luật, luật nhà nước ban hành nó còn chẳng do dự nghĩa là cái luật nhảy tàu không văn tự này. Một thời gian sau không hiểu nó biến đâu mất. Anh em trong hội nhẹ cả người. Năm ngoái, một lần đi giày, thắt ca-vát theo Loan đến dự lễ khánh thành gallery của cô bạn, tôi nhìn thấy nó. Nó cũng đi giày, thắt ca vát. Nó cũng nhìn tôi. Tôi và nó chưa kịp mở miệng thì Loan gọi tôi ra một góc. Loan bảo tôi nên mở miệng ra mà bắt chuyện với nó. Nó là Việt Kiều Đức về nước đầu tư. Nó nắm trong tay đường dây thuốc lá lậu ở Đông Béc-Linh. Nay mai người Đông Béc-Linh tràn sang Tây Béc-Linh thì đường dây thuốc lá lậu của nó cũng sẽ từ Đông Béc-Linh tràn sang Tây Béc-Linh. Loan bảo Loan không lạ gì nó. Nó cũng từng giúp Loan lau bàn, rửa bát trên tàu. Nó cũng từng hứa sẽ giúp Loan một chân lau bàn rửa bát ở Đông Béc-Linh. Loan bảo bây giờ thời cuộc thay đổi, đừng có đưa quá khứ ra mà hành nhau, đừng có mang các lời hứa ra mà hỏng việc. Loan bảo tôi không mở được miệng thì để Loan mở miệng. Tôi đứng một góc nghe nó oang oang giữa phòng. Khách đến dự lễ khánh thành một lúc sau tự động đánh bài chuồn mà nhường phòng cho nó. Cô bạn Loan không giận nó. Một năm sau ngày bức tường Béc-Linh sụp đổ, người Tây Đức giúp người Đông Đức phá đi một triệu cái lò sưởi than, cô bạn Loan rời xí nghiệp than Lauhamer cũng đang đợi người Tây Đức mang máy ủi sang ủi. Cô bạn Loan định leo lên máy bay về nước phục vụ tiếp xí nghiệp than Quảng Ninh. Cô bạn Loan gặp nó ở sân bay. Nó xé cái vé máy bay, vứt mấy đôi tất da chân và đống kẹo sô-cô-la vào sọt rác. Nó bảo cô bạn Loan đừng tiếc mấy cái của nợ này. Nó bảo cô bạn Loan theo nó. Em theo nó thật, cô bạn Loan kể, em lau bàn, rửa bát cho đường dây thuốc lá lậu của nó ở Đông Béc-Linh. Nhiều khi còn phải lau thêm mấy cái xác người chết. Em sợ quá. Được mười năm em bảo nó em giải nghệ thôi. Nó bắt em hứa không quay về xí nghiệp than Quảng Ninh. Nó bảo nó cũng không bao giờ quay lại Quảng Bình. Sau này còn nhớ tới nhau cứ Hà Nội, Béc Linh mà tìm. Nó trả em mấy chục nghìn đen mác công em lau bàn rửa bát ngần ấy năm. Nó lại thưởng thêm mấy chục nghìn nữa công em lau ngần ấy cái xác người chết. Nó bảo hơn trăm nghìn với nó không là cái gì. Vài triệu đối với nó cũng không là cái gì. Phá luật Việt Nam nó được mấy xào ruộng. Phá luật nước Đức thống nhất nó được mấy tài khoản ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ. Muốn thành công là phải phá luật. Em nghe lời nó, em ở lại Hà Nội. Em nghe lời nó, gallery em là gallery duy nhất dám phá luật. Thị trường tranh Hà Nội chỉ nhăm nhăm bán vịnh Hạ Long với chân dung tự họa cho khách du lịch nước ngoài. Gallery của em một nửa bày vịnh Hạ Long và chân dung tự họa, một nửa bày khảm trai phục vụ khách Việt Kiều. Khách Việt Kiều chỉ thích khảm trai. Mẹ bồng con, cô gái Thái, thiếu nữ Hà Nội, nai uống nước, chùa Một Cột, cầu Tràng Tiền, chợ Bến Thành, Phù Đổng Thiên Vương bay về trời, Trưng Trắc Trưng Nhị cưỡi voi ra trận, Hưng Đạo Vương đánh giặc trên sông Bạch Đằng... truyền thống cũng được, hiện đại cũng không sao, nhưng phải khảm trai. Khảm càng nhiều trai Việt Kiều càng thích. Tiễn em ra sân bay, nó dặn đi dặn lại muốn thành công phải biết phá luật. Đấy là chân lý. Chân lý phá luật em sống tạc dạ chết mang theo. Đường xá ngoằn nghèo mất hút trong màu đen. Tôi nghe rõ những bước chân sau lưng. Không quay lại tôi cũng biết là của chị ta. Tôi rút thuốc lá ra hút. Tôi tự nhắc tôi tự do mới được quá một ngày. Tôi lắc lắc túi du lịch. Không có tiếng leng keng. Tôi mở nắp túi, cho hẳn tay vào bên trong, khua khoắng một lúc vẫn chỉ thấy cái bàn chải và hộp thuốc đánh răng. Chiếc chìa khoá bây giờ nằm sâu dưới cống. Tôi yên tâm đi tiếp. Thỉnh thoảng dừng lại bấu vào tai. Tai đau nhói. Tôi cắm đầu bước. Vừa bước vừa nhẩm lại hai mươi chín thằng cùng hội nhảy tàu. Không biết bây giờ lưu lạc nơi đâu. Không biết có thằng nào phải phục vụ vợ con hơn thằng Nam Định, có thằng nào dám phá luật hơn thằng Quảng Bình. Nếu đi tiếp đến ga Bình Triệu không biết có gặp được thằng Sài Gòn. Năm năm qua tôi vẫn hút thuốc lá Thủ Đô. Thuốc lá ba số Loan nhét sẵn một bao trong túi, gặp nhà báo hay chủ gallery Loan mới đưa ra. Loan bảo đấy là phương pháp quảng cáo. Thuốc lá ba số nhờ thế cũng có dịp đến tay tôi vài ba lần. Vài ba lần không đủ để tôi phân biệt ba số thật với ba số Chợ Lớn nhưng vài ba lần đủ để tôi nhớ thằng Sài Gòn. Vài ba lần đủ để tôi nghĩ nó cũng nhét sẵn một bao trong túi, gặp các đại ca nó mới đưa ra. Phương pháp quảng cáo hóa ra lan rộng toàn quốc từ thời đó. Vài ba lần đủ để tôi nghĩ tôi là cái quái gì mà nó phải áp dụng phương pháp quảng cáo. Hà Nội là cái quái gì mà Sài Gòn phải áp dụng phương pháp quảng cáo. Nó lịch sự nó gọi tôi là đại ca. Nó lịch sự nó không trả lời các câu hỏi lẩn thẩn của tôi. Nó lịch sự nó nhìn tôi im lặng mỉm cười. Hà Nội lịch sự một thì Sài Gòn lịch sự mười. Tôi có nhảy tàu vài lần mười năm cũng không chắc hiểu hết tính lịch sự của người Việt Nam. Đêm hôm qua, trước khi tôi ra khỏi nhà, Loan vừa cười vừa nói năm năm ra Hà Nội, cô ấy học được ở người Hà Nội tính lịch sự. Nói năng đi đứng nhẹ nhàng đã đành, cảm ơn xin lỗi đã đành, đến chào về chào đã đành, chốc chốc mở miệng cười đã đành, nhưng khả năng làm như không biết, làm như không có chuyện gì xảy ra là đáng học nhất. Loan bảo chỉ những người có hộ khẩu năm năm Hà Nội mới có khả năng đó. Loan bảo người nhà quê lúc nào cũng bô bô phát biểu ý kiến, mở mồm ra là mếch lòng người khác lại còn vỗ ngực tính em nó thực thà chất phác, tính em nghĩ gì nói nấy. Loan bảo chúng tôi cũng nên chia tay một cách lịch sự như những người thủ đô chính cống, chúng tôi cũng nên làm như không có chuyện gì xảy ra. Tôi cứ giang hồ cùng mấy ông của nợ. Loan sẽ thông báo cho các gallery nhơ nhỡ là tôi đi ở ẩn một thời gian. Họa sĩ Hà Nội hồi này có phong trào về quê xây phủ nên chuyện ở ẩn của tôi sẽ không đặt ra vấn đề. Tôi cứ giang hồ cùng với hội nhảy tàu chuyên nghiệp. Loan sẽ thuê một thằng sinh viên năm cuối đại học Mỹ Thuật sao y bản chính năm mươi bức tranh bán chạy nhất của tôi, sau đó cứ theo kết quả mác két tinh mà quyết cho nó nhân lên bao nhiêu lần. Loan chụp cả âm bản lẫn dương bản. Bảo đảm gallery cũng không nhận ra, khách hàng cũng không nghi ngờ, các anh nhà báo nhơ nhỡ cũng không đặt câu hỏi. Chỉ cần tôi sử sự như người Hà Nội chính cống, chỉ cần tôi làm như không có chuyện gì xảy ra. Sông không đủ rộng, nước không đủ trong, tôi cũng không đủ dũng cảm bơi sang bờ bên kia. Chị ta đứng cạnh tôi từ lúc nào. Chị ta bảo tôi đi đâu cho chị ta theo với. Chị ta càng tha thiết, tôi càng điên tiết. Tôi dập thuốc lá. Tôi hỏi chị ta có hiểu tôi cũng không biết đi đâu bây giờ không. Chị ta bảo các thị trấn từ bắc vào nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Tam kì, Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Phan Thiết... chị ta để tôi tự chọn. Hóa ra chị ta cũng biết tên vài cái ga. Mặt khó đăm đăm nhưng giọng không đến nỗi. Tôi hỏi nếu tôi leo lên xe khách để leo tiếp lên Buôn Mê Thuột, rồi từ Buôn Mê Thuột leo tiếp lên Đắc Lắc, chị ta có leo tiếp được nữa không. Chị ta bảo chị ta thề không bao giờ kêu chóng mặt. Tôi hỏi nếu tôi đi cả tháng cả năm, chị ta có đi được không. Chị ta bảo chị ta sẽ lẽo đẽo theo tôi cả tháng, cả năm. Máy bay, tàu hỏa, tàu thuỷ, xe khách, xe ôm chị ta không bao giờ cần túi nôn và thuốc chống say sóng. Tôi thấy giọng chị ta pha ba bốn tạp âm nhưng không đến nỗi. Tôi sợ chị ta từng rửa bát, lau bàn trong ngành đường sắt. Tôi hỏi chị ta đã làm những nghề gì. Chị ta bảo nghề chị ta là làm một bạn đồng hành lý tưởng. Tôi hỏi lý lịch ẩm thực của chị ta như thế nào. Chị ta bảo mười bảy năm chè đỗ đen, óc lợn hấp nồi cơm Hà Nội ; năm năm bắp cải thịt cừu căng tin đại học tổng hợp Leningrad; mười năm sáng mì ăn liền, trưa bánh mì, tối bánh mì hoặc mì ăn liền, Paris và các vùng lân cận. Tôi thấy lý lịch ấy tôi cũng khó đạt nổi. Tôi nhìn thấy óc lợn hấp nồi cơm, cơm thường hay cơm nếp, nồi gang hay nồi điện, là tôi nôn thốc nôn tháo. Bắp cải với mì ăn liền tôi chẳng thích cũng chẳng sợ nhưng tôi mà nhảy tàu sang được Leningrad và Paris thì tôi phải ăn hẳn trứng cá đen với pa tê gan ngỗng, bánh mì tôi bẻ làm đôi, một nửa ăn ngay cho giòn, nửa kia quận giấy báo đút vào túi du lịch sáng mai tàu tới Luân Đôn bỏ ra ăn nốt. Một cái bánh mì ở Luân Đôn mua được ba cái bánh mì ở Pháp, mua được ba trăm cái bánh mì ở Việt Nam. Tôi tự nhắc không được mất cảnh giác. Lý lịch ẩm thực của chị ta vô địch thật nhưng không chỉ họa sĩ mới có biệt tài tự quảng cáo. Tôi hỏi còn vấn đề tiện nghi. Chị ta bảo tôi chỉ nên lo lắng cho bản thân mình. Chị ta đã có thói quen gật gù ba tiếng một ngày ngay giữa những giờ buồn ngủ nhất, ngay giữa những lúc đổi xe buýt chuyển tàu hỏa gay cấn nhất. Chị ta cũng không lạ gì cảnh đang ăn cơm thì mất điện, đang tắm thì hết nước nóng, đang dưới âm độ thì lò sưởi nằm quay đơ. Tôi nhìn chị ta nghi ngờ. Tôi đã từng ở Đồng Hới. Tôi đã biết tại sao thằng Đồng Hới đen nhất trong hội ba mươi thằng nhảy tàu chuyên nghiệp. Nhưng nhiệt độ dưới âm thì tôi chịu. Làm sao chị ta có thể lăn ra giữa ngăn đá tủ lạnh mà ngủ. Tôi hỏi chị ta là ai để tôi có thể tin được. Chị ta bảo tôi sẽ thấy, chị ta không là cái gì nhưng là bạn đồng hành dễ tính nhất. Tôi bảo chị ta có điều kiện gì thì cứ đặt. Chị ta bảo đi đâu cũng được nhưng không đến Chợ Lớn. Tôi nhún vai. Tôi chẳng có lý do nào để đến Chợ Lớn. Chị ta bảo làm gì cũng được nhưng không biến tôi thành thụy. Tôi hỏi thụy là cái gì. Chị ta bảo thụy là điều bí ẩn chứa những điều bí ẩn. Chỉ phút hấp hối chị ta mới hiểu được thụy. Tôi nhún vai. Có sống tới một trăm tuổi tôi cũng còn nhiều điều chưa kịp hiểu. Sông không đủ rộng. Nước không đủ trong. Tôi cũng không đủ dũng cảm bơi sang bờ bên kia. Chị ta bảo tôi đi đâu cho chị ta theo với. Chị ta tha thiết. Mặt khó đăm đăm nhưng giọng không đến nỗi. Tôi bỏ thuốc ra hút. Chúng tôi leo lên đò, đi bộ thêm một ngày nữa, hai ngày nữa, một tuần nữa, rồi bao lâu tôi cũng không biết. Tôi không nhất thiết phải biết. Chị ta cũng không hỏi. Ngần ấy ngày qua không mở miệng nói câu nào. Chúng tôi bước mải miết. Ngày đi đêm nghỉ. Những con sông ở lại sau lưng. Những cánh rừng ở lại sau lưng. Hà Nội đã hoàn toàn ở sau lưng.