Françoise Sagan tên thật là Françoise Quoirez. Bà sinh ra trong một gia đình tư bản công ngiệp giàu có tại Cajarc - một ngôi làng vùng tây nam nước Pháp. Năm 1953, buồn chán vì trượt thi tú tài, Quoirez tập trung vào viết cuốn tiểu thuyết đầu tay như một cách nổi loạn của cô gái 18 tuổi với thế giới xung quanh. Tựa đề cuốn tiểu thuyết - Bonjour tristesse - được trích từ một câu thơ của Paul Eluard (Adieu tristesse/Bonjour tristesse/Buồn ơi vĩnh biệt/Buồn ơi xin chào). Bút danh Sagan xuất phát từ tên một nhân vật trong kiệt tác Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust – nhà văn Pháp mà Françoise rất mến mộ. Câu chuyện về một nỗi buồn mang tên Cécile nhanh chóng trở thành best-seller không chỉ ở nước Pháp. Tác phẩm được dịch ra 20 thứ tiếng, tiêu thụ trên 2 triệu bản và được chuyển thể thành phim năm 1958 với sự tham gia của các diễn viên như Jean Seberg, David Niven và Deborah Kerr. Nhà văn Françoise Sagan. “Kỳ lạ thật” vừa bước chân xuống cầu thang nhà ông y sĩ tốt bụng anh vừa nói “Cái chân tôi sao mà kỳ lạ thật. Chúng bước thẳng xuống cái cầu thang xinh xắn tiện nghi. Chúng xuống thẳng tới cái chết dứt khoát và miễn bàn.” Chân anh, chính đôi chân anh đã thấy chúng khi thì mềm mại giữa đôi chân một người đàn bà, lướt những bước nhảy, khi thì trần trụi bình thản trên bãi tắm. Và ở đây, với vẻ chán chường, kinh hãi và ngạc nhiên, anh ngắm chúng, vẫn những bàn chân ấy, bước xuống cầu thang nhà ông y sĩ quá tử tế ấy. Quả là vật vô tri, là cái chết. Chính anh, Marc, anh không thể chết. Có cái gì đó là lẫn lộn, là trừu tượng giữa cái nhìn của người thầy thuốc trên phim (cuối cùng phim chụp thân thể anh - và anh không muốn biết nó - một cái phim mờ theo quan điểm của anh, cái mà người ta gọi chúng là X quang) và cái nhìn của bản thân anh. Ở đó có một khoảng trống lố lăng, nhợt nhạt, xanh, ngốc. Không thể hình dung được cái chàng Marc lên cầu thang, đi chậm, thở hổn hển kể cả lo lắng cho con tim của mình, và chàng Marc đi xuống bình thản, đến chết đi được cũng vẫn những bậc thang ấy, vừa ý thức vừa vô thức về số phận của mình, cũng không hình dung được chỉ mới có nửa giờ. Một nửa giờ với một người đàn ông lạnh lùng, cô độc và lễ độ và nhiệt tình toát ra từ vẻ lạnh lùng của anh. “Ba tháng, anh nói, lá phổi, ông biết đấy…” Và Marc, mà không ai nghĩ cũng không ai mong rằng hôm sau chết, Marc cảm thấy da mình nhăn nheo dẫn đến cái ý nghĩ về lời giải thích rõ ràng: “Tôi, tự tôi, sắp chết.” Tuy nhiên anh đã làm tất cả để ép người thầy thuốc đến sự thành thực ấy, đó chưa phải là thói quen ở Châu Âu. Anh đã nói rõ rằng vợ anh và anh đã ly thân, rằng cha mẹ anh không chịu trách nhiệm, và rằng vài đứa con anh mà anh trót cho ra đời không chịu trách nhiệm trước pháp luật về bất cứ trường hợp nào về anh. Hẳn là vì lời giải thích rõ ràng trong tình trạng không rõ ràng mà anh bị phán xét dứt khoát đến thế. Có lẽ, kết cục, những thầy thuốc, ngay trong các ca gọi là bi kịch ấy họ cảm thấy có phần chán ngấy đối với những khách hàng thảm hại đến như vậy? Quả là anh thật thảm hại. Nhờ ơn Chúa, khối ung thư ấy đặt đúng chỗ. Có những khối u nực cười: ở xương cùng cụt, ở ngoài da và những bộ phận khác của cơ thể. Khối u của anh được dành riêng cho những người đặc biệt: anh sẽ chết sau ba tháng, trường hợp cổ điển, ung thư phổi. Anh khẽ bật cười, cảm thấy mình trẻ và vui, và đúng mốt thời trang. Anh bật cười ghê rợn và gần như chiến thắng, nghĩ rằng, rút cuộc rất có thể đó là một khối u đường ruột. Khối ấy (và anh còn chưa biết nó, cũng chưa muốn thú nhận nó) có thể ác liệt hơn, phức tạp hơn. Phép ẩn dụ nào có thể bao vây lấy cái cơ quan đổ đốn ấy, nó gây cho mọi kiếp nhân sình những ký ức về ỉa chảy trẻ con hoặc những cơn đau ngoại lai? Anh có sự may mắn trong nỗi bất hạnh của mình. Anh đã không từ chối, dù chỉ một lần, cũng không quyết định dứt khoát để có thể nói: “Tôi chết từ chỗ này” nếu anh suy sụp. Anh sẽ không nói như mọi khi “Nếu anh lìa bỏ em, anh bỏ em vì cái này” hoặc “nếu anh ra đi là bởi vì cái kia” - cả hai “cái này” hay “cái kia” đều sai. Chỉ một lần, nếu anh thắng được sự yếu đuối tình cảm và sự mạnh mẽ của tính huênh hoang thì anh cũng chẳng cần biện giải cho cái chết của mình. Đến chỗ ngoặt của cầu thang và bỗng cuộc Đời với chữ Đ anh thấy hiện lên trên bậc cửa, và anh ngừng lại một lát Có ánh nắng bên ngoài và anh thấy bồng bềnh trong bóng tối những buồng bệnh nhân, những người bạn cả tin và những thầy thuốc đăm chiêu. Mặt trời thực sự là thứ thuốc đổi mầu, một nuối tiếc to lớn, và dĩ nhiên ở đó, lần đầu tiên trong đời, Marc có một lúc can đảm, thực sự can đảm. Anh lao lên vỉa hè như một người điên, nhìn phố phường, cuộc sống, thành phố, và dừng một lát trên vỉa hè, như mù và điếc, trước khi lặng lẽ bước vào quán cà phê góc phố. Một quán cà phê mà trước kia chưa bao giờ anh để ý đến, nhưng anh vẫn biết là luôn ghi nhớ trong đầu; và vì anh nghĩ đến nó anh thấy rằng cái “vĩnh cửu” chỉ biểu hiện bằng ba tháng, và rằng tất cả đều nực cười, đáng ghét, đáng cười và đáng buồn. Điều làm anh ngạc nhiên đó là không nghĩ đến ai cả. Vì cuối cùng, một bé gái chạy lại với mẹ nó, một người đàn ông đến với người đàn bà của anh ta, người thầy bói bàn về số phận của mình đều là chuyện đời thường. Anh không đi đâu hết, trừ cái quán cà phê cổ điển lát phoóc-mi-ca, đầy công chức và bia. Anh tựa phần háng vào bar, và cảm thấy trong chốc lát điều an ủi xưa cũ và cổ điển là bản thân anh bao giờ cũng ngồi trên chiếc ghế gỗ hay ghế đá như thế này. Vắng người.trong quán và anh coi đó như được món quà tặng. Anh gọi hầu bàn và cậu bé tức khắc lướt tới như chiếc thuyền buồm, trước hết gọi một Pernod: anh vốn ghét cái vị hồi. Rồi anh nhận ra rằng cái mùi ấy làm anh nhớ lại những bãi tắm, những da thịt đàn bà, những vỏ ốc, tảo biển, món xúp cá, những cuộc bơi crawl thành công và rằng cái mùi ấy đã trở nên mùi vị cuộc đời. Anh cũng có thể yêu cầu hầu bàn một Calvados, với những bãi cỏ và ván trượt, những cơn giông và những quãng đường dài bị gió làm tắc nghẽn. Anh cũng có thể yêu cầu một si-rô hạnh: làn tóc và vú mẹ, cái mùi gỗ ẩm ướt khi anh còn nhỏ, trong buồng “của họ”. Anh cũng có thể yêu cầu trong cốc rượu của mình, tại quầy tính tiền này, số 5 của nhà Chanel (Anne) cô hầu gái của Rochas (Heidi), làn gió xanh của… tên cô nàng ấy là gì nhỉ? Và rồi mùi y! nước mắt của chính anh làm anh nhớ lại người đàn bà của nhà Guerlain mà anh không bao giờ gặp lại, nàng tên là... Inès? Thật ngông cuồng tất cả cái ma lực của đường phố, của mùi mỹ phẩm, của không khí nóng bức Paris. Có điều lạ là mọi khách hàng của cái bar ấy vừa là bạn cũ xưa nay, vừa là những người xa lạ. Bản thân anh không mắc chuyện gì lớn mà phải lấy làm tiếc. Anh đã nhiệt thành, như cách nói của mọi người, kéo lê đôi bốt từ chỗ này đến chỗ khác, từ giường ngủ này đến giường ngủ khác, từ cuộc đam mê này đến cuộc đam mê khác. Và bao giờ cũng đụng đầu nhau, xâu xé nhau khắp nơi, không hề vô cảm, không hề chán chường, đôi khi trắng trợn, luôn luôn điên loạn, vỗ cánh như những con chim mòng biển già bay quanh cũng những con tầu kéo lê, nhưng chạy theo tầu không bao giờ mệt mỏi. Anh là một con người ù lì tốt bụng, việc gì cũng sẵn sàng, và thực ra nghĩ lại những chuyện ấy anh thấy chẳng có gì đáng ân hận, vả lại cái chết gần kề đã được định ngày, anh không coi đó là điều tai tiếng. Ngược lại anh muốn thúc nó đến nhanh hơn, chấm dứt hẳn nó đi để khỏi phải chịu đựng những điều không thể tránh khỏi sẽ xảy tới: gầy gò, trụi tóc và loạng choạng trong khi chờ đợi một mũi tiêm. Chẳng thà anh chấm dứt một lần cho xong, có điều là có tin chắc mình có đủ can đảm làm vậy hay không. Những lúc ấy, anh trở lại là Marc hiên ngang, tuyệt vời và thú vị, anh chàng Marc ngọt ngào, và anh nâng cốc, và anh khoát một động tác làm trò cười với nhân viên phục vụ. “Anh bạn của tôi ơi” anh nói oang oang, và cả bọn tám hay mười người khách ngừng nói chuyện, trong đó có hai cô bạn tình phục vụ sững sờ nhìn anh. “Anh bạn tôi ơi”, tôi thích chiêu đãi mọi người một chầu. Các người bạn biết là tôi vừa thắng cá ba con ngựa ở Saint Cloud mà tôi mới được tin tức thì”. Một chút sững sờ nhanh chóng trở nên vui nhộn và cuối cùng mọi người, cả mười người ấy - những người chứng cuối cùng - quay lại phía anh, nhiệt liệt vỗ tay. Anh uống với họ, chúc sức khỏe mọi người - trong đó có sức khoẻ của anh – thanh toán tổng số tiền thật đầy đủ và lên xe cách cổng nhà ông y sĩ mười mét. Vì anh còn khoẻ, đủ sức mạnh và sáng suốt để lao vào cái cây, cứ như là ngẫu nhiên, phía trước Mantes-la-Jolie và nghe nói suýt chết. PHÙNG ĐỆ dịch