Ông thầm cảm ơn số phận đã trao nàng vào vòng tay của ông. Sau này trong những ngày đen tối của cuộc đời, ông luôn nghĩ về nàng và hình ảnh của nàng làm trái tim giá băng của ông ấm lại. Ông thiếp đi từ lúc nào không biết nữa, mãi khi đứa cháu bưng thuốc lên lay ông dậy, ông mới tỉnh. Ông ngã bệnh gần một tuần rồi. Buổi tối hôm ấy, xem xong tivi chương trình thời sự, ông cảm thấy nôn nao khó chịu trong người. Nằm vào giường, và sáng hôm sau, ông không dậy được nữa. Toàn thân nhức mỏi, chân tay cứ như của người khác, muốn cử động, muốn tự lật người cũng không được. Ông cảm thấy tức thở, có cảm tưởng như một bàn tay vô hình nào đó bóp chặt lấy tim ông. Và cứ thế, ông nhận ra mình cứ yếu dần và một ý nghĩ đen tối thoáng qua, biết đâu lần này không qua được. Ông lờ mờ nhận ra rằng cái đích vô hình mà cuối cùng bất cứ vận động viên bất đắc dĩ nào của cuộc đời cũng phải đến. Ông rùng mình hình dung ra cảnh thân thể ông bất động, vàng vọt nằm giữa đám con cháu than khóc. Hóa ra, cuộc đời tàn nhẫn và vô nghĩa. Ông đau đớn giấu hai giọt nước mắt mờ đục sau làn da nhăn nheo của tuổi tác. Khó nhọc nuốt xong viên thuốc đứa cháu trao cho, chiêu một ngụm nước, ông đưa mắt bảo đứa cháu vào nhà, khép cửa lại. Người nhà khuyên ông đi bệnh viện dành cho cán bộ dạng ưu tiên, nhưng ông không muốn. Ông sợ bức tường trắng xóa của bệnh viện, sợ mùi cồn muôn năm cứ tỏa ra quanh chiếc giường không biết bao nhiêu bệnh nhân kẻ mất, người còn vẫn nằm lên đó. Ông chỉ muốn nằm lại một mình trong căn phòng nhỏ của mình, nơi ông đã gắn bó, quen thuộc và có lẽ ông sắp phải chia tay. Cơ thể ông như một cỗ máy “quá đát”, không phụ tùng nào có thể thay thế được. Ông xót xa, ân hận cho cuộc đời đầy uẩn khúc của mình. Ông đã từng dự định viết một cuốn hồi ký, không phải để xuất bản mà đơn thuần để nhớ lại, để trang trải lòng mình với quá khứ. Bây giờ thì e không kịp nữa rồi. Ông nấc lên cay đắng vì bất lực. Chừng như viên thuốc đã có tác dụng, ông thở có vẻ đều hơn và ngủ chập chờn trong mộng mị. Ông cảm tưởng như ông đang ngồi trên một con thuyền gỗ, trôi về một xứ xa xăm. À, mà ông nhớ ra rồi, phía trước là cái quán chợ, bên cạnh là gốc đa, là đình làng ông học từ tấm bé. Cái đình làng này đối với ông cơ man là kỷ niệm. Mẹ ông đã phải khổ sở biết bao với tính ngỗ ngược của ông. Ông đã phải nếm đòn của các thầy giáo làng, của các ông chú nghiêm khắc, của mấy ông chủ vườn bị ông vặt ổi, leo khế. Cái đau của những trận đòn thì sau đó ông quên, còn nguyên nhân của nó thì ông nhớ mãi. Thế mà cái tính khí lêu lổng, ngang bướng của ông dần dần biến mất, nhường chỗ cho một khuôn mặt điềm tĩnh, có phần đạo mạo khi ông trở thành một sinh viên và nhất là khi ông trở thành một cán bộ nghiên cứu. Cũng xuất phát từ chiêm nghiệm cuộc đời mình, về sau ông không mấy thành kiến với đám trẻ trèo me, leo sấu. Cứ nhìn vào khuôn mặt của đứa trẻ nào có đôi mắt sáng và nhân hậu là ông hình dung ra sự trưởng thành của nó. Mặc dù ông đại lượng với đám trẻ, có một cái nhìn nhân hậu với thế hệ kế cận, nhưng có một lần, do sự đố kị mà ông đã gây nên tội. Không bao giờ ông tha thứ cho mình điều đó. Hồi đó, ông đã được đề bạt làm Viện trưởng. Có năng lực, học vị và có khả năng tổ chức, ông nhanh chóng trở thành một nhà chuyên môn có uy tín, một nhà lãnh đạo khoa học tên tuổi. Người ta nói về ông với một sự tôn trọng, kể cả những tay nhà báo nổi tiếng cạnh khóe cũng không dám hỗn hào trong ngôn từ, mặc dù lúc đó ông mới bốn mươi. Người ta nhìn vào ông như nhìn vào một người đạo cao và đức trọng. Thế nhưng, có lẽ chỉ ông mới thấy sự hèn hạ của mình. Chuyện là thế này. Một buổi sáng, lúc ông đang yên vị ở phòng làm việc thì có tiếng gõ cửa. Cửa mở, trước mặt ông là một thanh niên cao, hơi gù và cận thị, xin phép được gặp ông. Người thanh niên đó tự giới thiệu mình là tiến sĩ khoa học, vừa bảo vệ luận án ở nước ngoài và xin vào công tác ở Viện của ông. Ông tiếp nhã nhặn, đề nghị anh thanh niên để lại cho ông bản tóm tắt lý lịch khoa học, ghi số điện thoại rồi ông sẽ trả lời. Đêm hôm đó, đọc xong bản kê khai công trình, bản tóm tắt luận án của tiến sĩ tân khoa, ông toát mồ hôi. Lẽ ra cái ghế của ông phải là của anh ta. Ông phát hiện sự kém cỏi của mình qua sự xử lý đề tài táo bạo và thông minh trong luận án của anh. Nếu nhận anh ta về Viện của ông, chẳng chóng thì chầy, uy thế và chuyên môn của ông sẽ giảm đi trước mặt đồng nghiệp. Mà điều này thì ông không muốn. Không nhận anh ta, thì mình bị coi là nhỏ nhoi, khác với sự cao thượng và phong độ mà người đời vẫn quen ve vuốt ông. Thôi thì, nhất cử, lưỡng tiện, cứ nhận anh ta để lấy tiếng là quan tâm, nâng đỡ thế hệ trẻ; để anh ta hàm ơn rồi lại tính sau. Sự chăm chỉ, mẫn cán và khả năng của nhà khoa học trẻ này thật sự làm ông lo ngại cho danh tiếng đang nổi như cồn của mình. Bề ngoài, ông vẫn tỏ ra quan tâm, giúp đỡ vô tư, nhưng thực ra thì ông đang tìm dịp để chuyển anh ta sang một chuyên môn trái cựa. Dịp đó đã đến với ông khi Viện nhận được chỉ thị thành lập một đoàn khảo sát ở miền tây. Ông đề cử anh ta làm trưởng nhóm với những lời động viên sặc mùi đạo đức giả mà chỉ có ông biết. Chưa được nửa năm, nhà khoa học trẻ bị tai nạn nặng không qua khỏi. Trước khi mất, anh còn nhờ đồng nghiệp chuyển tới ông những kết quả phân tích như là lời trăng trối. Sau cái chết của anh, ông bị mất ngủ thường xuyên bởi sự giày vò, ân hận, thậm chí có lần ông định xin từ chức, đề nghị Ủy ban cử một cán bộ trẻ thay ông. Nhưng rồi ông lại tặc lưỡi, chẳng qua anh ta mất là tại số mệnh, mà đã là số mệnh thì làm việc ở thủ đô cũng không tránh khỏi. Suốt mấy chục năm làm việc, chẳng thiếu chi chuyện bực mình, những chuyện trái khoáy. Nhưng có một chuyện làm ông hết sức xấu hổ, thậm chí ngày hôm kia, lúc thằng con cả đến thăm, ông đã nói với nó là ông có mệnh hệ gì, thì đừng có đăng tin ở báo, chẳng thiếu gì kẻ xưa kia, lúc ông đang chức lặng lẽ trù dập họ, thì giờ đây sẽ cười khẩy và rủa rằng, người ấy thì cho nó chết, buồn với chả buồn! Số là khi khoanh vùng Viện ông, có một gia đình, nghe đâu là vợ liệt sĩ, nằm sát hàng rào. Chỉ cần dấn ra một tí thì phần đất của nhà đó thuộc về của Viện. Thực ra, ông chẳng quan tâm đến đất đai làm gì, chỉ quan tâm tới mỗi phòng làm việc. Nhưng chẳng biết tay trưởng phòng hành chính rỉ tai với vợ ông thế nào mà mấy lần vợ ông bàn với ông là trả lại phòng tập thể để chuyển về xây nhà cạnh Viện đi làm cho nó tiện. Ở gần Viện thì là nhà riêng, có vườn, có cây, khi về già còn được yên tĩnh... Đủ thứ lý do, lý trấu. Muốn thế, ông phải ký đơn xin Sở Nhà đất và Quy hoạch đô thị tường trình về khu vực quản lý của Viện. Và khi mọi việc đã rồi thì ông mới hay là gia đình ông đã nhẫn tâm chiếm chỗ đất của mấy mẹ con liệt sĩ, mặc dù họ kêu đơn cầu cứu khắp nơi. Kiện củ khoai, khi biết đến tên tuổi của ông, thì phần thắng về ông và về Viện. Mấy mẹ con đáng thương đó nghe đâu chỉ được đền bù chút đỉnh rồi trôi dạt về tận ngoại thành, dựng lều quán. Chỗ của họ chính là ngôi nhà bề thế của ông tọa lạc. Nhà cao, cửa rộng để làm gì nhỉ, vì bây giờ ông chỉ nằm trên một cái giường cá nhân, mai này có mệnh hệ nào thì cũng ra đi với hai bàn tay trắng. Ông chỉ muốn gào lên cho lũ trẻ biết đừng có tham lam làm gì, vô nghĩa tuốt. Giá bây giờ ông đang còn sức lực, ông sẽ tìm đến người đàn bà góa, phủ phục xuống đàn con đói khát của chị để xin tha lỗi và sẵn sàng nhường lại cho chị toàn bộ tài sản của ông. Chắc chắn bây giờ trong tâm khảm của đám mẹ góa, con côi ấy, ông vẫn chỉ là thằng đê tiện. Họ nghĩ như thế cũng đáng kiếp cho ông lắm. Ông buồn quá. Những kỷ niệm cứ hiện ra tầng tầng lớp lớp như một cuốn phim. Ông đang xem lại lần cuối cùng cuốn phim tài liệu mà mấy chục năm xếp xó. Trong đám hoang mạc của ký ức, ông vẫn tìm thấy những ốc đảo xanh tươi của kỷ niệm. Ông thấy lòng thanh thản trở lại khi ông nhớ về thời tu nghiệp ở Nga. Giá như trong chuyện cổ tích cho một điều ước thì ông chỉ ước là được sống lại quãng đời tươi trẻ đó. Ông đã sống hết mình như một nhà thơ nói là “thả tâm hồn trôi trong ngày hè sáng chói”. Ông làm việc say mê, đánh vật với luận án, trong khi đại đa số đồng bào chỉ bận rộn với sinh kế. Có một buổi chiều thu, sau này mỗi khi nhớ lại, ông vẫn đặt tay lên ngực hồi hộp, khi ở nhà ăn tập thể về phòng ở, ông nhận được bức điện của nàng. Bức điện cho hay là nàng sắp sang Mátxcơva công tác trong một thời gian ngắn. Suốt mấy ngày, ông như kẻ mộng du, không viết nổi lấy một trang, trong lòng thấp thoáng nghĩ về cuộc hội ngộ mà ông không ngờ tới. Ông không ra đón nàng ở sân bay, vì nàng đi theo đoàn, và nàng cũng không muốn thế, nàng không muốn ai biết quan hệ giữa nàng với ông. Khi liên hệ được với nàng, nàng hẹn gặp ông ở Mátxcơva. Sau hơn chục năm cách biệt, nàng không còn là một cô bé nhỏ nhắn của một mùa hè xa xưa nữa. Nhưng dường như những nét đặc biệt của nàng thì không hề thay đổi, nó vẫn gợi lên cho ông một tình cảm nguyên vẹn và thầm lặng mà bao năm ông vẫn dành cho nàng. Nàng thật sự ngạc nhiên khi biết bao nhiêu năm qua, mặc dù không nói một lời, không một mối liên hệ, ông vẫn luôn hướng tới nàng với một trái tim không nghĩ đến sự đền đáp. Theo nguyện vọng của nàng, cả hai người làm một chuyến viễn du xuống Kiép, thành phố nàng yêu thích nhất. Nàng đã tách khỏi đoàn để cùng đi với ông, để sống những ngày thực sự tự do, không một sự ràng buộc. Ông và nàng thuê một phòng ở khách sạn và suốt ngày rong ruổi trên những nẻo đường mưa thu tầm tã. Đó là những ngày hạnh phúc nhất của đời ông. Ông thầm cảm ơn số phận đã trao nàng vào vòng tay của ông. Sau này trong những ngày đen tối của cuộc đời, ông luôn nghĩ về nàng và hình ảnh của nàng làm trái tim giá băng của ông ấm lại. Và ngay lúc này, trong ánh chiều tà của năm tháng, hình ảnh của nàng vẫn hiện lên rõ mồn một. Giá như được gặp nàng, ông sẽ nói với nàng rằng nếu như sự tái sinh thì cuộc đời của ông sẽ thuộc về nàng. Ông buông cánh tay như người thiếp ngủ. Khi đứa cháu vào gọi, cánh tay già nua đã lạnh từ bao giờ. Trên khuôn mặt, ánh sáng buổi chiều hắt lên đôi môi hé mở như một nụ cười