Tai bay vạ gió trong ngoại giao? Những nỗi truân chuyên của Việt Nam trên con đường hội nhập Phong trào Quốc tế Cộng sản (1945-1950)

“Tai bay vạ gió” trong ngoại giao? Những nỗi truân chuyên của Việt Nam trên con đường hội nhập Phong trào Quốc tế Cộng sản (1945-1950)
Lời toà soạn: Số đầu tiên của Tạp chí Việt học (Journal of Vietnamese Studies), số mùa Thu năm 2006, do Mariam Beevi Lam và Peter Zinoman đồng chủ biên, đã ra mắt độc giả vào tháng 11 vừa rồi. Chủ trương của tạp chí là “khuyến khích và xuất bản những nghiên cứu chưa công bố về lịch sử, chính trị, văn hoá và xã hội Việt Nam. Tạp chí cũng sẽ nhận in các nghiên cứu về những đề tài quan trọng liên quan đến Việt Nam, chẳng hạn như về cộng đồng người Việt ở hải ngoại, hoặc về lịch sử chính trị, văn hoá và xã hội của Cuộc chiến Việt Nam, những đề tài vẫn thường bị tách khỏi lĩnh vực nghiên cứu khu vực. Sự phát triển của ngành Việt Nam học đã bị ảnh hưởng vì sự chia cách giữa các ngành chuyên môn này, và một trong những nhiệm vụ quan trọng của tạp chí là làm một cây cầu nối những chia cách giả tạo ngăn cách các ngành đó. Tạp chí cũng hoan nghênh những nghiên cứu có tính sáng tạo về mặt lý thuyết hoặc về những đề tài vốn ít được quan tâm đến trong ngành Việt Nam học: Dục tính và giới tính (sexuality and gender), văn học, lịch sử nghệ thuật, lịch sử trí thức, văn hoá học, trình diễn học, đô thị học, truyền thông học (media studies), môi trường học và các ngành nghiên cứu về chính trị và kinh tế chính trị. Ðôi khi tạp chí cũng sẽ chọn dịch và đăng các tài liệu, các thư tịch gốc hoặc các văn bản văn học có giá trị học thuật hoặc được quan tâm đặc biệt.” [Thư chủ biên, Tạp chí Việt học, Số 1, mùa Thu 2006: trang 1]. talawas xin giới thiệu một vài bài viết đã đăng trên số đầu.
Christopher Goscha là Phó Giáo sư (Assistant Professor), Khoa Sử, Trường Đại học Québec, Montréal. Tác giả xin cảm ơn ông Benoît de Tréglodé đã nhiệt tình chia sẻ những tài liệu thu thập được từ văn khố nước Nga. Tác giả cũng muốn cảm ơn ông David Marr, bà Julie Phạm, bà Sophie Quinn-Judge, và bà Judy Stowe đã đóng góp những ý kiến quý giá, giúp biên tập và chỉnh lý bài viết này.
Tóm tắt
Bài viết này lập luận rằng nền ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã cận kề thất bại hơn chúng ta từng nghĩ. Trong thời gian từ năm 1945 đến năm 1950, những người cộng sản Việt Nam đã gặp khó khăn chồng chất trong khi hội nhập phong trào cộng sản quốc tế. Hơn ai hết, chính Stalin đã nghi ngại Hồ Chí Minh, người mà ông ta cho là không đáng tin vì đã “giải tán” Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1945. Bài viết này kết luận rằng, nhờ có sức ép của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà Stalin mới đồng ý công nhận VNDCCH. Nếu không có sự kiện này, những người cộng sản Việt Nam sẽ chịu thế cô lập gần như hoàn toàn ngay vào thời điểm sống còn của cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc.
Năm 2004, Việt Nam kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Hiển nhiên mọi người đều biết rằng vào ngày mùng 7 tháng 5 năm 1954, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã thắng một trận chiến lịch sử trước Đoàn quân Viễn chinh Pháp tại một thung lũng hẻo lánh ở vùng Tây bắc Việt Nam. Với sự trợ giúp của cộng sản Trung Quốc, vào năm 1950, quân đội Việt Nam đã xây dựng, trang bị và điều động được 6 sư đoàn để đối đầu trong cuộc chiến với người Pháp. Nếu như chiến thắng của người Nhật tại Tsushima vào năm 1905 đã đánh dấu chiến thắng đầu tiên của “dân da vàng” trước một lực lượng “Tây trắng” trong thế kỷ 20, năm 1954 người Việt đã chứng tỏ “thuộc địa” có thể chiến thắng được “thực dân” trong một trận chiến dàn quân đối mặt. Kể từ đó, chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam đã trở thành biểu tượng, tại Việt Nam và nhiều nơi khác trên thế giới, cho sự tàn lụi của chủ nghĩa thực dân Âu Châu và sức mạnh của các nước thuộc địa nhằm khôi phục lại tên quốc gia của mình trên bản đồ thế giới.
Tuy nhiên, trên mặt trận ngoại giao, năm 1954 không vẻ vang như vậy. Dù đã giành được thắng lợi quân sự tại Điện Biên, phái đoàn ngoại giao Việt Nam ở Geneva chỉ giành được một nửa nước Việt Nam trên bản đồ thế giới. Vì sao vậy? Lý do thứ nhất, quân đội Việt Nam đã thắng một trận lớn, nhưng chưa hẳn đã thắng cả cuộc chiến. Như Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam Trường Chinh đã phân tích lý do Việt Nam phải thoả hiệp vào tháng 7 năm đó: “Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, tương quan lực lượng đã thay đổi có lợi cho chúng ta. Tuy nhiên, sự thay đổi này chưa dẫn đến xoay chuyển toàn diện về cán cân lực lượng đôi bên”. Những cuộc giao tranh nặng nề liên tiếp trong 2 năm 1953 và 1954 có vẻ như đã gây một số tổn thất nhất định; quân đội cũng cần phải dưỡng sức. Lý do thứ hai, tình hình tương quan lực lượng quốc tế không thuận lợi cho một chiến thắng trọn vẹn về mọi mặt cho Việt Nam với tư cách là một quốc gia. Trên thực tế, những người cộng sản Việt Nam đã đi đến nhất trí với đối tác phía Liên Xô và Trung Quốc rằng một thoả thuận ở Geneva là để nhằm ngăn không cho Mỹ thế chân Pháp. Thực vậy, những nhà ngoại giao Việt Nam hiển nhiên đã ký hiệp ước dưới sức ép từ phía Liên Xô và Trung Quốc. Tuy nhiên, như kết quả nghiên cứu mới đây bắt đầu cho thấy, Việt Nam không hẳn đã bị các đồng chí Trung Quốc “bán đứng” như nhiều người đã kết luận, sau khi Việt Nam và Trung Quốc trở nên thù địch với nhau vào năm 1979 .
Để tránh đúc lại quá khứ theo khuôn hiện tại, bài viết này xin trở lại với thời điểm khởi đầu, với nội dung trọng tâm là chính sách đối ngoại của đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 9 năm 1945 - khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) ra đời, tới tháng 1 năm 1950, khi Bắc Kinh và Moscow trao tư cách ngoại giao quốc tế cho nhà nước này bằng việc công nhận chính thức về mặt ngoại giao. Điểm thứ hai, thay vì tập trung vào những chiến thắng hùng tráng, bài viết này đề cập đến những nguyên nhân thất bại. Trong giai đoạn từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 1 năm 1950, cộng sản Việt Nam đã phải đối mặt với nguy cơ sát sườn là bị loại ra khỏi cộng đồng quốc tế cộng sản vào thời điểm then chốt trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc. Nếu chú trọng nghiên cứu những thất bại có thể lý giải được, thay vì những chiến thắng tất yếu, chúng ta có thể hiểu được rất nhiều điều về nguồn gốc chính sách ngoại giao của cộng sản Việt Nam và sự hội nhập đầy khó khăn của họ vào hệ thống quốc tế nói chung và khối cộng sản nói riêng. Một điều trớ trêu là, chính đảng Cộng sản Trung Quốc - chứ không phải Liên Xô - đã cứu Việt Nam khỏi tình trạng gần như trắng tay về ngoại giao vào năm 1950. Mối liên hệ Việt - Trung này xem ra có lý, nhưng chỉ khi chúng ta phân tích từ điểm khởi đầu chứ không nên suy luận là sự kiện năm 1979 là hậu quả của những nguyên nhân đã hình thành từ năm 1950. Không phải như vậy.
Quyết định “Giải tán Đảng” năm 1945 và dư âm của nó trong khối Cộng sản
Trung tâm của sự khủng hoảng về ngoại giao của cộng sản Việt Nam trong giai đoạn sơ khởi là quyết định tự giải tán Đảng Cộng sản Đông dương (ĐCSĐD) vào tháng 11 năm 1945 và vai trò chủ đạo của Hồ Chí Minh trong việc đưa ra quyết định trên. Oái oăm thay, trong khi những người chống cộng và phản đối ông Hồ không tin là đảng đó đã giải thể (và họ hoàn toàn đúng - chưa từng có chuyện như vậy), thì những lãnh tụ của phong trào quốc tế cộng sản lại không chắc là ĐCSĐD còn tồn tại hay đã giải thể. Một vài vị đã bắt đầu thắc mắc về nghị lực cách mạng của chính bản thân Hồ Chí Minh: Một người theo chủ nghĩa quốc tế có khi nào lại giải thể đảng, và ai lại làm thế mà không hỏi ý kiến các đồng chí lãnh đạo phong trào cộng sản trước đã? Những nghi vấn tương tự về Hồ Chí Minh không phải lúc đó mới phát sinh. Năm 1930, Trần Phú, đương kim Tổng Bí thư đảng, một người có đầu óc rất nặng về tư tưởng quốc tế chủ nghĩa đã chỉ trích Hồ Chí Minh về thiên hướng dân tộc chủ nghĩa của ông ta . Thực ra, trong suốt cuộc đời, Hồ Chí Minh biết cách trình ra hai khuôn mặt với dân chúng trong nước và trước quốc tế: một dân tộc chủ nghĩa, một quốc tế chủ nghĩa, tuỳ theo nhu cầu của hoàn cảnh từng lúc. Chúng ta biết được tính cách dân tộc chủ nghĩa của ông đã gây khó chịu cho những người chống cộng đến thế nào. Đối với họ, ông không phải là người ái quốc. Đằng sau huyền thoại “Cha già dân tộc” là một nhà cộng sản quốc tế chủ nghĩa thâm căn cố đế, vô tình và tàn nhẫn. Tuy nhiên, đối với nhiều tín đồ cộng sản Việt Nam trẻ tuổi và nhiệt tâm, Hồ Chí Minh không phải là một nhà quốc tế chủ nghĩa chân chính, mà chỉ đơn thuần là một người theo chủ nghĩa dân tộc tư sản. Cùng với sự giải thể ĐCSĐD năm 1945, những mối nghi ngờ về phẩm chất quốc tế chủ nghĩa của Hồ Chí Minh lại nổi lên, cả trong nội bộ đảng và thế giới cộng sản bên ngoài.
Vậy nguyên nhân do đâu Hồ Chí Minh lại có một động thái đầy kịch tính như vậy vào năm 1945? Một đáp số hiển nhiên là để duy trì sự tồn tại về mặt chính trị. Bất chấp mọi nỗ lực che giấu bản chất cộng sản của VNDCCH, chính phủ và mặt trận dân tộc của nó, Việt Minh, thực chất là do ĐCSĐD điều hành. Và cho đến thời điểm đó, rất nhiều người đã biết điều này; sự chi phối của đảng cộng sản đã gây rất nhiều bức xúc cho những nhà dân tộc phi cộng sản, nhiều người trong số đó không lạ gì các nhà lãnh đạo cộng sản và đã đoạn tuyệt với họ từ thời kỳ giữa hai cuộc Thế chiến, khi còn ở Hoa Nam. Trở lại Bắc Việt vào cuối năm 1945, các đảng dân tộc phi cộng sản như Đồng Minh Hội và Việt Nam Quốc dân Đảng (VNQDĐ) xúc tiến phong trào tuyên truyền và chiến dịch báo chí chống cộng và miêu tả Hồ Chí Minh như một nhân vật cộng sản sẵn sàng bán đứng nước Việt cho Pháp. (Chủ nghĩa cộng sản cũng gây mối lo ngại cho chính phủ Quốc dân Đảng Trung Quốc). Theo nghị quyết Potsdam, quân đội Trung Hoa Quốc dân Đảng (THQDĐ) đã bắt đầu đổ bộ vào miền bắc Đông Dương từ tháng 9 năm 1945. Trong khi quân đội THQDĐ đang triển khai ở miền Bắc Việt Nam, các đảng phái phi cộng sản Việt Nam dựa thế Trung Quốc để mạnh tay hơn trong cuộc đối đầu với những người cộng sản. Mức độ căng thẳng tăng nhanh. Các tờ báo đối lập công khai thoá mạ lẫn nhau. Các vụ bắt cóc, ám sát diễn ra ngày một nhiều.
Phải hy sinh cái gì đó để thoát hiểm. Vào ngày 8 tháng 11 năm 1945, Nguyễn Hải Thần, người lãnh đạo Đồng Minh Hội, yêu cầu Chủ tịch Hồ Chí Minh phải từ chức ngay lập tức, cởi bỏ “sự độc tài độc đảng” và thành lập một chính phủ mới, một bước tiến hướng đến phá bỏ sự kiểm soát của đảng cộng sản. Tối hậu thư của ông Hải Thần cần có sự chuẩn y của Tướng Lư Hán, tổng chỉ huy đội quân Trung Hoa đang đóng trên đất Việt, trước ngày vị tướng này sắp về lại Trung Hoa. Có thông tin cho rằng Nguyễn Hải Thần đã tuyên bố với phía Trung Quốc rằng ông ta sẽ phủ nhận mọi trách nhiệm trong trường hợp có xung đột xảy ra giữa Việt Minh và các đảng phái phi cộng sản khác nếu Hồ Chí Minh không chấp nhận tối hậu thư. ĐCSĐD có lý do để lo ngại rằng phía Trung Quốc sẽ ủng hộ kế hoạch của Nguyễn Hải Thần. Vào thời điểm cuối năm 1945, lực lượng QDĐ hẳn sẽ không gặp mấy khó khăn nếu muốn đánh bại quân đội VNDCCH. Một mặt vẫn nỗ lực không mệt mỏi nhằm lấy lòng các sĩ quan “Hoa quân nhập Việt”, trong tính toán, Hồ Chí Minh không bao giờ loại trừ khả năng xảy ra một cuộc đảo chính có sự hậu thuẫn của Trung Quốc.
Chính trong bối cảnh đó, Hồ Chí Minh và ít nhất là một phần trong ban lãnh đạo đảng cộng sản đang đóng tại Hà Nội vào thời điểm đó đã đưa ra quyết định phi thường là giải tán ĐCSĐD vào ngày 11 tháng 11 năm 1945. Có mặt tại thời điểm đó, Hoàng Văn Hoan sau này có phát biểu rằng nguyên nhân quan trọng nhất để đi đến quyết định nói trên là nhằm lấy lòng tướng Lư Hán, người vốn lâu nay đã không tin tưởng cộng sản Việt Nam. Nếu quả đúng như vậy, thì Hồ Chí Minh đã giải tán ĐCSĐD để duy trì quyền lực của nhà nước VNDCCH. Việc ĐCSĐD tự giải tán đã làm cho “tình hình bớt căng thẳng” và rõ ràng đã giúp cho đảng cộng sản câu thêm thời gian. Đảng vẫn tồn tại trong bí mật, và bị cấm không được nhắc đến trong bất kỳ một văn thư giao dịch nào, kể cả ở cấp cơ sở thấp nhất (tuy việc này có khó khăn hơn ở miền Nam). Cựu đảng viên của cố ĐCSĐD, thay vì tiếp tục sinh hoạt đảng, giờ được mời tham gia vào một nhóm “Nghiên cứu Mác-xít” mới được hình thành thế chỗ . Tờ báo của ĐCSĐD, Cờ Giải Phóng, bị đóng cửa, hay đúng hơn là đã hoá thân thành 1 tờ báo mới, tờ Sự Thật.
Vào tháng 8 năm 1948, tại kỳ đại hội cán bộ chính trị lần thứ 5, Lê Đức Thọ, một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất của đảng cộng sản lúc bấy giờ, đã nêu trong diễn văn của mình rằng, sau khi đảng “tự giải tán” vào năm 1945, “nhiều đồng chí vẫn có đầu óc chia rẽ, và (đã) đưa ra đề xuất khôi phục đảng trở lại hoạt động công khai”. Một số người đã chỉ trích rằng việc nguỵ trang ĐCSĐD trên thực tế đã làm tổn hại đến uy tín của đảng. Lê Đức Thọ giải thích rằng biện pháp này là cần thiết, xét theo 2 nguyên nhân chính. Về đối ngoại, biện pháp này được đưa ra nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của các quốc gia chống cộng, những nước hẳn sẽ can thiệp sâu hơn vào nội tình Việt Nam nếu thấy đảng vẫn ra mặt cầm quyền. Về đối nội, việc “giải tán” đảng là cần thiết để có thể duy trì sự ủng hộ của các tầng lớp tư sản, địa chủ và công giáo trong cuộc chiến chống Pháp. Khi các điều kiện bên trong và bên ngoài cho phép, đảng sẽ lập tức ra công khai.
Xin nhắc lại, trong khi các sĩ quan tình báo Pháp cười nhạo vào màn “tự giải tán” của ĐCSĐD, thì nhiều nhà lãnh đạo các đảng cộng sản nước ngoài vẫn phân vân không hiểu có phải các đồng chí Việt Nam đã đánh mất ý chí cách mạng của mình không. Trong lịch sử chủ nghĩa cộng sản - ngoại trừ hai trường hợp ngoại lệ của Mỹ và Nam Tư - không có một đảng cộng sản nào từng tự nguyện giải tán. Quyết định này đã gieo rắc nghi kỵ, dẫn đến bất hoà ngay trong nội bộ ĐCSĐD như chúng ta sẽ cùng xem xét sau đây. Điều này cũng làm nảy sinh những sự nghi ngờ trong đảng cộng sản Pháp, Trung Quốc và Liên Xô về thực chất màu cờ ý thức hệ của những người cộng sản Việt Nam và cá nhân ông Hồ. Riêng một sự kiện đơn lẻ này - từ khi được khởi xướng và sau này bị đào xới lại dưới tay nhiều nhân vật khác nhau trong bối cảnh lịch sử đầy biến động của những năm cuối thập kỷ 40 - cũng đủ gây nên nhiều tác động quan trọng cho quá trình hội nhập của Việt Nam vào phong trào cộng sản quốc tế, cho đến tháng 1 năm 1950.
Quan hệ đầy trắc trở của ĐCS Đông Dương với ĐCS Pháp và ĐCS Liên Xô
Trong Chiến tranh Thế giới thứ II, những người cộng sản Việt Nam đã gần như bị tách biệt hoàn toàn với phong trào cộng sản quốc tế. Không có gì đáng ngạc nhiên về điều này. Cơ quan đầu não của đảng cộng sản Trung Quốc còn đang phải chui lủi ở vùng Diên An hẻo lánh, trước khi rút lên trú ẩn ở Mãn Châu, tận trên mạn Bắc xa xôi. Đúng là đã có diễn ra những cuộc tiếp xúc với các phái đoàn địa phương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Hoa Nam, nhưng hoàn cảnh chiến tranh đã khiến cho việc duy trì liên lạc trở nên khó khăn. Liên hệ với Đảng Cộng sản Pháp (ĐCS Pháp) ngày càng thưa hơn sau khi chiến tranh lan rộng ở châu Âu. Liên Xô cũng đang tham chiến, và trong năm 1943, Stalin đã giải tán Quốc tế Cộng sản. Khi nhà nước VNDCCH ra đời vào tháng 9 năm 1945, các lãnh đạo cộng sản Việt Nam dường như mất liên lạc hoàn toàn với các đảng cộng sản anh em chủ chốt, quan trọng nhất là bộ ba ĐCS Liên Xô, Pháp và Trung Quốc. Tất nhiên, những người cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục đấu tranh, nhưng không có sự dẫn dắt từ trên. Sự tàn phá của chiến tranh khiến cho việc liên thông quốc tế và mô hình liên lạc quốc tế cộng sản khó thực hiện được.
Ðã có nhiều bài viết chi tiết về vai trò của Mỹ đối với VNDCCH tại thời điểm này (tuy vậy, tôi cũng sẽ trở lại vấn đề này, vì nó có liên quan tới chính sách ngoại giao của Việt Nam vào năm 1949). Ở đây, điều làm chúng ta quan tâm là bằng cách nào mà đảng cộng sản đã tiến tới khôi phục được quan hệ, trên lập trường quốc tế chủ nghĩa với ĐCSLX, ĐCS Pháp và ĐCSTQ vì đó là một nội dung quan trọng trong nỗ lực bảo toàn nền độc lập trên mặt trận ngoại giao và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Hồ Chí Minh không bỏ phí giây phút nào. Ông ta viết một bức thư cho Stalin, thông báo về sự ra đời của nhà nước Việt Nam và cuộc chiến giành lại độc lập từ tay người Pháp. Trong một bức thư khác, ông Hồ đã yêu cầu Liên Xô đưa vấn đề Việt Nam ra nghị sự trước Liên Hiệp Quốc (LHQ). Tất cả các bức thư này đều không được hồi âm; cũng như Truman (ông này cũng không phúc đáp thư của Hồ Chí Minh), Stalin không hề trả lời. Khi yêu cầu của Hồ Chí Minh được chuyển đến bàn làm việc của S.P. Kozyrev, phụ trách Khối Âu châu của Bộ Ngoại giao Liên Xô tại Moscow, ông này đã bút phê ngắn gọn: “Không trả lời”. Ngày 28 tháng 8 năm 1945, A.E. Bogomolov, khi đó đang làm Đại sứ Liên Xô tại Paris, đã viết cho cấp trên của ông ta rằng, có lẽ không nên hỗ trợ việc gây dựng lại chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương. Theo Bogomolov, vấn đề Đông Dương có thể giải quyết bằng cách đặt Đông Dương dưới một cơ chế đồng minh giám hộ, một sự ám chỉ lộ liễu tới ý tưởng của Tổng thống Franklin Roosevelt. Tuy nhiên, đề xuất này không thuận tai với những người coi thế cuộc châu Âu là mối quan tâm ưu tiên hơn. Stalin chắc sẽ không đi nước cờ đòi độc lập cho Việt Nam để chuốc lấy nguy cơ phải hy sinh một số quyền lợi của Liên Xô trên đất Pháp. Và trên thực tế, Bogomolov đã nhận được chỉ thị theo hướng này.
Nhà nước VNDCCH, dù phải hay không phải của những người cộng sản, cũng không giành được vị trí đáng quan tâm đối với Moscow tại thời điểm sau Thế chiến II. Ngược lại, nước Pháp, nơi đảng cộng sản là một lực lượng quan trọng ở chính trường quốc gia, mới thật sự là một ưu tiên. Đúng là Moscow có khuyên người Pháp không nên khôi phục lại thuộc địa kiểu cũ ở Đông Dương, nhưng họ chỉ dừng ở đó mà thôi. Trong một lần trả lời phỏng vấn với Tướng Georges Catroux vào tháng 1 năm 1947 ở Moscow, trong khi chiến sự tại Hà Nội đang leo thang và Hồ Chí Minh đã di chuyển chính phủ lên miền sơn cước phía Bắc, V. Molotov nói rằng “ông hy vọng rằng Pháp và Việt Nam có thể đạt được một thoả thuận khiến cho cả đôi bên đều hài lòng,” và không dẫn đến việc tái thiết “một chế độ cai trị thực dân”. Liên Xô đã không làm gì hơn ngoài những phát ngôn trên; đương nhiên là họ không đưa vấn đề Việt Nam ra bàn nghị sự LHQ vào lúc này. Vào đầu năm 1947, phe bảo thủ Pháp đã cảm ơn phe cộng sản và Liên Xô vì đã không can thiệp vào cuộc chiến ở Đông Dương. Đó là một mắt xích hé lộ, như Bernard Fall chỉ ra sau này. Phía Liên Xô không hề thúc ép Pháp trên bình diện ngoại giao, cho tới mãi tận tháng 1 năm 1950, và thậm chí ngay cả lúc đó, thái độ của họ rõ ràng là rất miễn cưỡng.
Tuy nhiên, phải khẳng định đã từng có những cuộc tiếp xúc giữa VNDCCH và Liên Xô. Trong một bài báo dựa trên những tư liệu lưu trữ của Bộ Ngoại giao Liên Xô cũ, Benoît de Tréglodé đã chỉ cho chúng ta thấy các đại diện của Việt Nam ở Thái Lan đã gặp gỡ định kỳ các nhà ngoại giao Liên Xô trong thành phần phái đoàn được thành lập ở đó vào tháng 3 năm 1948. Tuy nhiên, như De Tréglodé đã đề cập, dù phái đoàn Liên Xô có trợ giúp tài chính cho phái đoàn VNDCCH ở Bangkok, không thể suy luận rằng họ chọn phương án đối đầu với người Pháp ở Đông Dương.  Lá thư của một cán bộ Việt Nam gửi từ thủ đô Thái Lan cho một đồng nghiệp ở Moscow, dù ngày gửi tận tháng 11 năm 1950, vẫn cho biết “quan hệ của chúng ta với Đoàn Liên Xô không mang lại một kết quả nào hữu ích hay hữu hiệu”.
Có một hướng khác nữa là Paris. Năm 1946, trước khi Hồ Chí Minh rời Pháp (sau nỗ lực đàm phán nhằm tháo bỏ ách thực dân cho Việt Nam một cách hoà bình), ông đã cử Hoàng Minh Giám và Trần Ngọc Danh lãnh đạo “Phái đoàn Thường trực VNDCCH.” Lý lịch của cả hai người đều khiến họ trở thành sự lựa chọn xứng đáng. Hoàng Minh Giám là một trí thức Tây học, có tư tưởng tự do và là một trong số ít người Việt có chân trong Đảng Công nhân Quốc tế, Chi nhánh tại Pháp (Section Française de l’Internationale Ouvrière) từ thời thuộc địa. Chắc hẳn ông ta được chọn để thu hút các đảng viên Xã hội Pháp đang tranh cãi về vấn đề Đông Dương lúc đó. Trần Ngọc Danh là em trai Trần Phú, tổng bí thư, đồng thời là một trong những người sáng lập ra ĐCSĐD. Trần Ngọc Danh từng được hưởng nền giáo dục của Pháp ở thuộc địa Đông Dương trước khi theo học trường cách mạng tại Moscow. Ông nói tiếng Pháp trôi chảy và hiển nhiên cũng biết chút ít tiếng Nga. Ông ta bị bắt sau khi trở về Đông Nam Á vào đầu thập kỷ 30 và bị giam giữ trong nhà tù thực dân Pháp hơn mười năm cho đến khi được trả tự do vào năm 1945, và lập tức trở thành uỷ viên Trung ương ĐCSĐD.
Cũng giống như anh trai, Trần Ngọc Danh luôn tự coi mình là một người cộng sản có hạng, đồng thời là một người theo quốc tế chủ nghĩa nhiệt thành. Khó mà tìm ra được lý do khác để ông Hồ chỉ định ông ta lãnh đạo phái đoàn VNDCCH ở Paris ngoài mục đích xây dựng lại quan hệ với các nhà cộng sản Pháp và Liên Xô trên đất Pháp cũng như ở Âu châu. Đáng tiếc là, cho đến nay chúng ta vẫn chưa tìm hiểu được thông tin chắc chắn về các cuộc tiếp xúc của Trần Ngọc Danh với phía Pháp và Liên Xô trên đất Paris. Tin tức tình báo Mỹ năm 1947 có ghi nhận rằng, đại sứ Liên Xô tại Paris, ông Bogomolov, có tiếp một đại diện VNDCCH vào ngày 22 tháng 11 năm 1946. Cuộc tiếp xúc này đã mở ra khả năng cho phía Việt Nam gặp gỡ thường xuyên hơn với Cục trưởng Cục thông tin Liên Xô phụ trách vấn đề Việt Nam.
Vừa phải đối mặt với một cuộc chiến toàn diện chống Pháp, lại không đạt được cam kết hỗ trợ cụ thể của Mỹ, đảng cộng sản thấy cần phải khởi động lại nền ngoại giao cộng sản và tái thiết quan hệ với khối cộng sản. Nhưng nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Trước tình thế miền Nam Trung Hoa còn đang ở trong tay THQDĐ mãi tới giữa năm 1949 và Cơ quan Ngoại giao Liên Xô tới tận tháng 3 năm 1948 mới bắt đầu hoạt động ở Bangkok, chỉ còn lại châu Âu là con đường khả thi nhất để liên lạc với Moscow. Vào tháng 9 năm 1947, VNDCCH cử một đặc sứ, Phạm Ngọc Thạch, để xúc tiến liên lạc với ĐCS Pháp và Liên Xô. Theo Phạm Ngọc Thạch, Bộ Chính trị đảng cộng sản cử ông đi trước hết là để liên hệ với giới lãnh đạo ĐCS Pháp. Chúng ta biết được ông là đại diện của Văn phòng Chủ tịch nước, tức là của Hồ Chí Minh. Phạm Ngọc Thạch không nói rõ nội dung ông ta được giao nhiệm vụ bàn bạc những gì với ĐCS Pháp, nhưng ai cũng có thể hình dung được một trong những điểm quan trọng trong bản nghị sự của ông ta sẽ là thất bại của ĐCS Pháp trong việc phản đối cuộc chiến ở Đông Dương. Sau khi gặp gỡ các nhà lãnh đạo ĐCS Pháp, Jacques Duclos và Maurice Thorez, Phạm Ngọc Thạch đi sang Bern, để gặp đặc sứ Liên Xô tại Thuỵ Sĩ, ông Koulajenkov. Tại cuộc gặp vào tháng 9 năm đó, Phạm Ngọc Thạch đã trình bày với phía Liên Xô nhận định về cuộc chiến tranh Pháp-Việt và tình hình cuộc cách mạng ở Đông Nam Á và tóm tắt các vấn đề cộng sản ở Việt Nam. Đáng lưu ý là Phạm Ngọc Thạch đã nhắc đi nhắc lại rằng ĐCSĐD là “một lực lượng rất mạnh ở trong nước, dù đã tuyên bố giải tán vào năm 1945.” Quyết định giải tán đảng được đưa ra là, theo giải thích của ông, để tránh gây nghi ngờ cho phía Mỹ. Ông ta tuyên bố rằng đảng cộng sản hiện có khoảng một trăm ngàn đảng viên các cấp và chi phối, thông qua mặt trận dân tộc, nhiều đoàn thể và tổ chức quần chúng. Trước mắt, nhiệm vụ chính của đảng là kháng chiến chống Pháp giành độc lập.
Chuyển sang các vấn đề khu vực và quốc tế, Phạm Ngọc Thạch giải thích rằng, trong thời điểm hiện tại, người Mỹ tỏ ra khá trung lập, thậm chí đôi khi nghiêng về phía VNDCCH trong cuộc kháng chiến chống thực dân. Ông ta thông báo cho đồng nhiệm phía Liên Xô về những lần đã gặp gỡ trực tiếp với phái đoàn Mỹ tại Bangkok. Chiến lược của Mỹ, theo ông, là muốn mở rộng tầm ảnh hưởng ra toàn khu vực Đông Nam Á bằng cách đưa hàng hoá vào tràn ngập khu vực, đồng thời tạo ấn tượng là họ ủng hộ phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Có lẽ, trong khi đang cố gây ấn tượng với Koulajenkov về nhu cầu có sự hỗ trợ của Liên Xô, Phạm Ngọc Thạch đã giải thích rằng người Mỹ đang sẵn lòng “ủng hộ phong trào kháng chiến (của Việt Nam) tuy nhiên, không phải bằng biện pháp gây sức ép lên phía Pháp.” Thông điệp mà ông đưa ra rất rõ ràng: Chính sách của Mỹ là nhằm mở rộng ảnh hưởng ở châu Á đồng thời làm suy yếu phong trào cộng sản quốc tế.
Phạm Ngọc Thạch cũng thông báo vắn tắt về tình hình cách mạng ở Đông Nam Á và vai trò tiên phong của Việt Nam trên mặt trận đó. Phạm Ngọc Thạch đã từng gặp gỡ các nhà lãnh đạo cộng sản ở Malaysia, và nhận xét rằng đảng cộng sản ở đó rất mạnh và năng động. Dù chưa từng tới Indonesia, ông cũng trình bày rằng chính phủ ở đó rất “tiến bộ”. Phạm Ngọc Thạch nói với Koulajenkov rằng Việt Nam đã dự định tổ chức một hội nghị các đảng cộng sản Đông Nam Á vào năm 1947 để xây dựng một đường lối chung đối với phương Tây, nhưng không thực hiện được vì cuộc chiến tranh Đông Dương đã nổ ra. Về cuộc gặp của mình với ĐCS Pháp, Phạm Ngọc Thạch tránh đề cập đến và chỉ nói rằng “Duclos có nói với ông ta rằng Việt Nam phải làm tất cả những gì có thể trong cuộc kháng chiến giành độc lập, nhưng ĐCS Pháp đã không làm gì để ngăn không cho cuộc chiến này nổ ra”. Những màn ngoại giao dạo đầu của nhà nước VNDHCH với các nước châu Á phi cộng sản cũng chẳng mang lại kết quả gì khả quan hơn. Thủ tướng Ấn Ðộ Nehru có hứa sẽ “ủng hộ về mặt tinh thần,” nhưng từ chối thực hiện các việc cụ thể hơn. Nehru thậm chí còn không chấp thuận đề nghị của Phạm Ngọc Thạch về việc đưa chương trình Việt Nam ra trước LHQ (mặc dù ông ta có ủng hộ cho chương trình của Indonesia).
Tóm lại, nền ngoại giao Việt Nam thời kỳ hậu thuộc địa năm 1947 có rất nhiều điều để bàn, chỉ thiếu thành công. Điều đó giải thích vì sao Phạm Ngọc Thạch muốn sử dụng chuyến đi châu Âu của mình để cố gắng mở ra một kênh liên lạc với chính quyền Xô viết. Ông ta nói với Koulachenkov rằng Duclos và Thorez đã hứa chuyển lời tới các đồng chí Liên Xô, thông qua Đại sứ quán tại Paris, về nguyện vọng của ông muốn được đi thăm Liên Xô để trao đổi về tình hình Đông Nam Á. Koulachenkov không hứa gì. Như chúng ta sẽ xét ở phần sau, phía Liên Xô ỉm luôn việc này đi.
Tất nhiên, cuộc tiếp xúc này cần phải đặt trong bối cảnh quốc tế và trong nước. Xét tình hình trong nước, nhà nước VNDCCH đang ở thế bị tấn công. Kể từ khi cuộc chiến lan rộng trên phạm vi toàn quốc vào cuối năm 1946, quân Pháp đã tìm cách cắt đứt mọi liên hệ về ngoại giao và quân sự của VNDCCH với khu vực và thế giới. Vào mùa thu năm 1947, trong khi Phạm Ngọc Thạch đang gặp gỡ đối tác Liên Xô ở Thuỵ Sĩ, lính dù Pháp mở cuộc tấn công trứ danh tại tỉnh Bắc Kạn và thiếu chút nữa đã bắt được cơ quan đầu não của chính phủ VNDCCH. Trên bình diện quốc tế, chuyến đi của Phạm Ngọc Thạch trùng vào thời điểm Andrei Zdanov có bài diễn thuyết nổi tiếng về thế giới đã phân cực thành hai phe đối lập, một phía là cộng sản do Liên Xô và Stalin đứng đầu, phía bên kia là tư sản và đế quốc do Mỹ cầm đầu. Cũng chính vào thời điểm này, Văn phòng Thông tin Quốc tế các Đảng cộng sản (Cominform) được ra đời để chỉ đạo và điều hành phong trào cộng sản quốc tế.
Tháng 12 năm 1947, Phạm Ngọc Thạch gửi một bộ tài liệu cho phía Liên Xô trong nỗ lực giành được sự hỗ trợ của họ. Trong bản “Báo cáo về tình hình Đảng cộng sản ở Việt Nam” của mình, ông viết rằng mặc dù ĐCS Pháp chưa làm được gì đáng kể cho ĐCSĐD vì tình hình chính trị tại nước Pháp, ông hoan nghênh việc thành lập Văn phòng Thông tin quốc tế (Cominform) và rằng “báo cáo của Zdanov đã làm sáng tỏ tình hình thế giới và góp phần củng cố tình đoàn kết giữa các đảng cộng sản anh em.” Phạm Ngọc Thạch nhắc lại về điều kiện cách mạng thuận lợi ở Đông Nam Á và nhấn mạnh ĐCSĐD và Hồ Chí Minh có thể đóng vai trò lãnh đạo để đưa các đảng cộng sản trong khu vực thành một khối. Trong khi Phạm Ngọc Thạch lạc quan vì Văn phòng Thông tin quốc tế đã có nhắc đến cuộc kháng chiến chống thực dân của Việt Nam và Indonesia, ông cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam đang cần sự hỗ trợ cụ thể, và tức thời. Thực vậy, đi kèm với bản báo cáo của ông gửi phía Liên Xô là một loạt các yêu cầu viện trợ quân sự và kinh tế, trong đó có cả yêu cầu viện trợ ngoại tệ mạnh (tốt hơn hết là đô-la Mỹ), yêu cầu về chuyên gia quân sự để cộng tác với cán bộ của VNDCCH, tăng cường tuyên truyền quốc tế có lợi cho Việt Nam, và triển khai một chiến lược ngoại giao nhằm đưa Việt Nam tham gia LHQ, khi các “đảng anh em” thấy có thời cơ thích hợp. Ngày càng bị cô lập hơn ở trong nước và quốc tế, VNDCCH hiển nhiên cần sự trợ giúp của Liên Xô như trời hạn mong mưa:
“Tóm lại, chúng tôi yêu cầu các đồng chí Xô viết quan tâm hơn đến Việt Nam. Từ trước đến nay, Việt Nam hoàn toàn đơn độc trong cuộc kháng chiến. Báo cáo của đồng chí Zdanov có đề cập đến Việt Nam cho phép chúng tôi hy vọng các đồng chí Liên Xô đã hiểu được tầm quan trọng của cuộc kháng chiến chống đế quốc trên đất nước chúng tôi, đồng thời cũng là cửa ngõ của Đông Nam Á. Thắng lợi của cuộc kháng chiến ở Việt Nam và Indonesia sẽ thể hiện sức mạnh của thành trì chống đế quốc ở châu Á. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á có đảng cộng sản nắm được thực quyền”.
Moscow không nhìn nhận vấn đề như vậy. Phạm Ngọc Thạch trở lại châu Á tay trắng, cuối cùng về lại Bắc Việt vào mùa thu năm 1948. Để thực hiện sứ mạng ngoại giao thay cho ông, ĐCSĐD đã cử một trong những nhân vật quan trọng của mình, Hoàng Văn Hoan, một cán bộ cao cấp của đảng và một người thân cận của Hồ Chí Minh từ những năm 1920. Giỏi tiếng Trung, ông đã từng được bố trí tham gia hệ thống QDĐ, ĐCSTQ và ĐCSĐD trải dài từ Nam Trung Hoa tới Đông Bắc Thái Lan. Hoàng Văn Hoan vượt sông Mê-kông vào Thái Lan khoảng giữa năm 1948 và điều hành tất cả mọi hoạt động ngoại giao của đảng và chính phủ với tư cách là người lãnh đạo một cơ quan tuyệt mật và đầy uy quyền: Ban Cán Sự Hải Ngoại.
Vậy, tại thời điểm này, tín hiệu đánh tiếng của VNDCCH được hệ thống ra-đa ngoại giao của Moscow tiếp nhận ra sao? Tôi nghĩ là rất yếu. Ta chỉ cần xem xét mức độ quan tâm mà Moscow đã dành cho chính phủ Cộng hoà Indonesia non trẻ ở Đông Nam Á cùng thời kỳ này thì thấy rõ ngay. Từ những năm 1945 đến 1948, chính sách ngoại giao của Liên Xô ngày càng thiên về ủng hộ cuộc kháng chiến của Indonesia chống lại Hà Lan hơn cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam. Đương nhiên, ở thời điểm cuối năm 1945, Liên bang Xô viết đã rất thận trọng khi hồi đáp những thăm hỏi ban đầu của nước Cộng hoà Indonesia mới thành lập. Chủ tịch Soekarno, cũng như Hồ Chí Minh, không bao giờ nhận được hồi âm cho bức điện ông đã gửi phía Liên Xô từ tháng 11 năm 1945. Tuy nhiên, tình hình này đã thay đổi khi các bên bắt đầu cảm nhận được về Chiến tranh Lạnh. Đơn cử như, đầu năm 1946, Liên Xô phát biểu có lợi cho Indonesia tại Hội Đồng Bảo An LHQ để đối lại hành xử của Tây phương về I-ran. Tất nhiên, Stalin có nhiều quyền lợi ở Pháp hơn ở Hà Lan; điều này giúp giải thích vì sao Moscow chấp nhận ý tưởng tiến tới, dù thận trọng, công nhận Cộng hoà Indonesia. Hướng đi này càng được ủng hộ, khi ông Amir Sjarifuddin, một người thiên tả, lên lãnh đạo một chính phủ mới ở Indonesia vào năm 1947. Đầu năm 1948, Liên Xô công nhận thực tế (de facto) và thiết lập ngoại giao cấp lãnh sự với Cộng hoà Indonesia.
Dù người Việt Nam biết rất rõ rằng Pháp có một vị trí quan trọng hơn Hà Lan trong chính sách đối ngoại của Liên Xô về Âu châu, cũng như ý thức đầy đủ được vị trí nhỏ bé của mình trong chiến lược tổng thể của Liên Xô, họ vẫn thất vọng sâu sắc trước sự im hơi lặng tiếng của Liên Xô đối với Việt Nam khi so sánh với Indonesia. Lê Văn Hiến, một lãnh đạo cao cấp của đảng kiêm bộ trưởng tài chính VNDCCH lúc bấy giờ, đã thể hiện điều này rất rõ trong nhật ký về cảm giác “sốc” của mình khi ông biết tin Liên Xô đã công nhận thực tế Cộng hoà Indonesia. Chắc hẳn có khá nhiều người Việt nghĩ rằng, nếu Liên Xô công nhận VNDCCH vào tháng 5 năm 1948, dù chỉ ở cấp lãnh sự, thì Việt Nam hẳn đã có một vũ khí đáng kể để chiến đấu với người Pháp trên mặt trận ngoại giao. Hẳn cũng phải có nhiều nhà lãnh đạo cộng sản trong đảng tự hỏi, làm sao Stalin có thể không đoái hoài tới Việt Nam, những nhà quốc tế chủ nghĩa nhiệt thành đã đấu tranh không mệt mỏi vì sự nghiệp cách mạng Đông Nam Á từ năm 1930? Cuối cùng, có hai người cộng sản Việt Nam - Lê Hy và Trần Ngọc Danh - quyết định tự mình hành động. Như De Tréglodé đã ghi nhận, những động thái ngoại giao tự phát của hai ông này hướng tới Liên Xô chỉ khẳng định thêm tình trạng tuyệt vọng của nền ngoại giao Việt Nam đương thời. Những chuyến đi của họ còn cho thấy tình thế bị cô lập khá rõ của VNDCCH/ĐCSĐD với thế giới cộng sản.
Ngoại giao “tự tung tự tác” của Việt Nam
Chuyến xuất dương của Lê Hy
Thông thạo cả hai thứ tiếng Anh và Pháp, Lê Hy đến Bangkok vào cuối năm 1945 để quảng bá sự nghiệp của Việt Nam với khu vực và thế giới. Ông ta giúp thành lập và điều hành phòng thông tin VNDHCH ở đó từ năm 1945 đến năm 1948, và thường xuyên gặp gỡ với các nhà ngoại giao Mỹ làm việc tại đó. Đầu tháng 8 năm 1948, ngay sau khi ĐCS Nam Tư vừa bị khai trừ khỏi Quốc tế Cộng sản, Lê Hy lên đường sang Thượng Hải cùng với một người cộng sản Úc, Alexander Brotherton. Ở đó, ông ta đã gặp đại diện lãnh sự Liên Xô, một ông Sergiev nào đó. Nhờ có sự giúp đỡ của ông này và của Serge Niemchine, trưởng phòng lãnh sự Liên Xô ở Bangkok, Lê Hy xin được giấy tờ cần thiết để dừng chân tại Moscow trước khi đến điểm cuối của hành trình, Praha. Ở đó, ông ta được chính phủ uỷ quyền thành lập một văn phòng thông tin.
Lê Hy tới Moscow ngày 30 tháng 8 năm 1948, và không tiếp tục lên đường tới Praha ngay. Ngược lại, ông đã cố gắng thiết lập quan hệ trực tiếp với chính quyền Xô viết, hy vọng sẽ xin được viện trợ về tài chính và quân sự cho VNDCCH. Lê Hy nhờ Liên Xô thông báo cho VNDCCH về sự kiện ông ta tới Moscow thông qua đoàn ngoại giao Bangkok. Ông thông báo với một đại diện Vụ Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao Liên Xô rằng ông đã được ĐCSĐD uỷ quyền không chính thức để đàm phán về viện trợ quân sự và tài chính có thể được từ phía Liên Xô. Tuy nhiên, ông ta không có bất cứ một tờ giấy giới thiệu hay uỷ nhiệm thư chính thức nào do ĐCSĐD hoặc nhà nước VNDCCH cấp, trừ một thực tế là ông đã từng làm việc trong đoàn đại diện chính phủ ở Bangkok. Theo ghi chép của phía Liên Xô về buổi làm việc, Lê Hy đã cố tổ chức “những cuộc họp sơ bộ” nhân danh nhà nước Việt Nam. Theo biên bản phía Liên Xô ghi lại, ông ta giải thích như sau: “Giờ đây chính phủ Việt Nam nhận thấy nếu không có bàn bạc sơ bộ thì việc thảo luận trực tiếp với Liên Xô về vấn đề viện trợ sẽ không có tác dụng. Chính vì vậy chúng tôi đã đặt ra câu hỏi một cách không chính thức để xem khả năng Liên Xô có thể giúp Việt Nam những gì, dưới bất kỳ hình thức nào.” Sau đó ông nói tiếp, “Nếu [VN] không thể biết được ý kiến từ chính phủ Liên Xô, điều này có thể thực hiện qua sự trung gian của ĐCS Liên Xô”.
Đại diện Vụ Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao Liên Xô đã thông báo với đại diện VNDCCH ở Bangkok, ông Nguyễn Đức Quỳ, về chuyến thăm của Lê Hy tới Moscow và chuyển yêu cầu của ông ta, muốn xin chỉ thị về các nội dung cần trao đổi với phía Liên Xô trong các “buổi làm việc” này. Theo Niemchine, Nguyễn Đức Quỳ tỏ vẻ rất ngạc nhiên và phát biểu rằng mình không hề biết gì về mục tiêu của chuyến “công du” này. Nguyễn Đức Quỳ khẳng định với đồng nghiệp của mình rằng sẽ báo cáo việc này ngay lập tức với chính phủ Việt Nam. Ngày mùng 5 tháng 9, Nguyễn Đức Quỳ thông báo với Niemchine rằng chính phủ mình muốn triệu hồi Lê Hy từ Moscow.
Tuy nhiên, nhu cầu tiếp xúc với Liên Xô và xin được viện trợ hiển nhiên là rất thực tế. Trong hai tối ngày 19 và 20 tháng 9, Nguyễn Đức Quỳ liên lạc với Niemchine về nhu cầu gấp rút của ĐCSĐD cần lập quan hệ với ĐCSLX. Nguyễn Đức Quỳ giải thích rằng, ở Bern, Phạm Ngọc Thạch đã chuyển một lá thư của Hồ Chí Minh cho phía Liên Xô, xin viện trợ và đề nghị Liên Xô đưa vấn đề Việt Nam ra trước LHQ. Rõ ràng là Moscow chưa hề đáp lại. Nguyễn Đức Quỳ thông báo với Niemchine rằng Đảng vừa cử ông Hoàng Văn Hoan (bí danh: Phóng, hoặc Thái Lương Nam) đi Moscow để xúc tiến bàn thảo về các vấn đề đó.  Đáng lưu ý, trong buổi gặp này, Nguyễn Đức Quỳ nhắc lại với đồng nghiệp phía Liên Xô rằng “Đảng chúng tôi nắm toàn bộ sinh mệnh nền Cộng hoà [VN]”. Trở lại câu hỏi trước mắt, Nguyễn Đức Quỳ công nhận Lê Hy đã được uỷ quyền mở một văn phòng thông tin tại Đông Âu, nhưng cũng tuyên bố rằng ông ta không phải là đại diện chính thức do ĐCSĐD cử đi đàm phán với Liên Xô về vấn đề viện trợ quân sự. Hoàng Văn Hoan mới là người sẽ thực hiện việc này.
Trong lúc đó, Lê Hy trở nên bức bối, bất bình trước sự im lặng từ phía đảng trong khi ông đã đánh tiếng xin chỉ thị. Trong một văn thư gửi các cán bộ Vụ Đông Nam Á, Bộ Ngoại giao Liên Xô, Lê Hy bắt đầu bộc lộ con người thật và tính không chuyên của mình. Ngày 20 tháng 9 năm 1948, ông ta viết bằng tiếng Pháp, tự nhận rằng chính mình đã gỡ thế bí cho Đảng trong việc liên hệ với Liên Xô thông qua chuyến đi tới Moscow và mở ra những cuộc bàn bạc giữa hai bên. Khi Đảng chỉ bàn bạc trong lúc cần phải hành động, chính ông, Lê Hy, đã làm việc cần phải làm. Hãy xem cách ông ta nêu yêu cầu với phía Liên Xô:
“Đương nhiên với sự giúp đỡ của các đồng chí, công việc của tôi sẽ thuận lợi hơn rất nhiều (dù không được như vậy, tôi cũng vẫn tiếp tục làm, nhưng sẽ khó khăn hơn rất nhiều) […] Thật là không may nếu ý kiến của tôi không được tiếp nhận. Như thế sẽ là một điều đáng tiếc, nhưng tôi còn biết làm gì hơn? Tôi đã tự vấn xem mình có làm gì có hại cho đảng của mình không? Thời gian sẽ phán quyết điều này. Thành thật mà nói, tôi không được sự chấp thuận tuyệt đối của Nguyễn Đức Quỳ trước khi xuất phát [từ Bangkok], vì theo ý ông ta, chúng tôi phải chờ Trung ương Đảng họp [ở Việt Nam] và đưa ra quyết định [trước khi tiến hành công việc này], có nghĩa là phải chờ thêm một tháng nữa, trong khi tình hình ở Xiêm đang xấu đi từng ngày. Nên tôi đã tự mình quyết định khởi hành sớm. Tôi sẽ tự kiểm điểm trước cấp uỷ phụ trách về hành vi vi phạm kỷ luật này, nhưng tôi tự nghĩ, dù phải trả giá bằng sự hy sinh như vậy, tôi cũng quyết phải đẩy mạnh tiến bộ trong công việc của Đảng. Tôi hy vọng các đồng chí hiểu được tình thế nan giải của tôi".
Nguyễn Đức Quỳ yêu cầu đồng nghiệp phía Liên Xô coi cuộc tiếp xúc này [của Lê Hy] là vô hiệu và nhắc nhở Lê Hy rằng ông ta đang tự ý hành động và phải trở về nước ngay lập tức. Tuy nhiên, điều này không cản trở Nguyễn Đức Quỳ thông báo với Niemchine rằng Lê Hy đã được chính phủ yêu cầu tìm hiểu khả năng gửi 50 cán bộ Việt Nam đi tập huấn tại Liên Xô! Niemchine báo lại với Nguyễn Đức Quỳ rằng Hoàng Văn Hoan sẽ phải tới Moscow để thảo luận về những vấn đề như thế. Một lần khác, Nguyễn Đức Quỳ và Hoàng Văn Hoan thậm chí còn đề nghị Niemchine giúp đỡ họ về tài chính ở Thái Lan. Việc này khiến Niemchine khó chịu, và ông ta đã nhanh chóng chấm dứt cuộc trao đổi này.
Chuyến công du của Trần Ngọc Danh
Lê Hy không phải là đảng viên duy nhất cố bắt tay với Liên Xô dù không được uỷ quyền. Một khủng hoảng ngoại giao nữa đã xảy ra với Việt Nam vào năm 1949, khi Trần Ngọc Danh đơn phương giải tán đoàn ngoại giao Việt Nam ở Pháp, mà ông đã lãnh đạo từ tháng 11 năm 1946. Bị cảnh sát theo dõi, ông ta liền thu xếp hành lý và chạy sang Praha, nhờ vào sự giúp đỡ của lãnh đạo ĐCS Pháp là ông Jacques Duclos. Nhưng cũng giống như Lê Hy, Trần Ngọc Danh có một kế hoạch khác khi đã đặt chân đến Đông Âu. Trên thực tế, ông này gây ra tác hại lớn hơn nhiều cho nền ngoại giao cộng sản Việt Nam vốn đã nghiêng ngả. Ông ta muốn liên hệ với ĐCSLX để thông báo với các đồng chí lãnh đạo Xô viết về sự lạc hướng tư tưởng của Đảng mình và của cá nhân Hồ Chí Minh.
Nguyên nhân chính xác của sự thay tâm đổi tính này thật khó xác định. Quyết định khai trừ Tito ra khỏi Quốc tế Cộng sản rõ ràng đã tác động đến ông ta, có thể đã mở ra cho ông ta một cơ hội phát biểu lại những ý kiến phê bình của anh trai mình đối với xu hướng thiên về dân tộc chủ nghĩa trong đảng. Cũng giống như Trần Phú, Trần Ngọc Danh đánh giá Hồ Chí Minh là thiếu bản lĩnh quốc tế chủ nghĩa và tin rằng quyết định giải tán đảng vào năm 1945 là bằng chứng rõ ràng cho nhận định trên. Dưới đây là phần quan trọng trong nội dung bức thư ông ta gửi ĐCSLX vào tháng 10 năm 1949, đúng lúc ĐCS Trung Quốc đang giành được quyền lực, Stalin bị ám ảnh về vụ Tito, và đảng cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị bình thường hoá quan hệ với hai đảng “anh cả”:
“1. Theo nhận xét của QTCS, giờ đây tôi hoàn toàn phản đối đường lối chính trị cơ hội của đảng mình kể từ khi công khai giải tán (ngày 11 tháng 11 năm 1945) theo quyết định của Trung ương ĐCSĐD.
Việc tự giải tán, trái với ý nguyện đã được bày tỏ nhiều [lần] của các đồng chí của chúng ta chỉ có thể xảy ra do sự can thiệp tích cực của đồng chí Hồ Chí Minh, đương kim chủ tịch nước VNDCCH. Vai trò của đồng chí Hồ Chí Minh đương nhiên là rất quan trọng đối với nhân dân Việt Nam, những người luôn coi đồng chí ấy là biểu tượng của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và người đi đầu trong phong trào dân chủ. Sự tin tưởng này còn được củng cố hơn nữa do các đảng viên cộng sản Việt Nam vẫn nhìn nhận đồng chí ấy là một cựu Ủy viên Đông phương Bộ, thuộc Ban chấp hành QTCS, hay nói theo một thuật ngữ Việt Nam, “Đó là một con người của Quốc tế.” Và chính sách thụ động hiện đang được áp dụng rõ ràng có ảnh hưởng từ lý thuyết đồng chí ấy đã khởi xướng từ năm 1931 trong Đại Hội Tours.
2. Khi dịch những tài liệu này, tôi đã đi ngược lại quyết định của lãnh đạo đảng ngăn tôi không nên làm như vậy. […]
4. Với nhận thức chắc chắn rằng sự thay đổi nghiêm trọng về đường lối của đảng mình sẽ gây tổn hại đến phong trào cộng sản và sự phát triển của cuộc Cách mạng tại Việt Nam, dù biết rằng mỗi hành động của mình bị coi là nông nổi, nóng vội và vô kỷ luật, có thể mang lại những hậu quả nghiêm trọng, tôi tự nhận trách nhiệm phải báo cáo cho các đồng chí về tình trạng thực tế của đảng mình”.
Ông ta kết thúc bằng lời cam kết trung thành với Stalin: “Nay tôi xin long trọng tuyên thệ ‘luôn trung thành với ngọn cờ của Stalin và Lê-nin’.” Đáng lưu ý là, Trần Ngọc Danh đã yêu cầu phía chủ nhà Tiệp Khắc chuyển thư và tài liệu của ông tới Trung ương ĐCS Liên Xô, Pháp và Trung Quốc. Ông ta cũng gửi bản dịch và bản nhận xét về các văn kiện của ĐCSĐD, vạch ra những sai lầm của đảng mình. Trong một lá thư khác, ông giải thích về hành động của mình, kèm theo một tiểu sử vắn tắt.
Trần Ngọc Danh cũng gửi một “nghiên cứu” tương tự về ĐCSĐD tới Moscow, và được chuyển tới tay Pavel Fedorovich Iudin trong Bộ Ngoại giao. Văn bản này đề ngày 10 tháng 1 năm 1950. Hiển nhiên là tài liệu này rất giống, nếu không nói chúng chính là các văn bản ông ta đã nhắc đến trong hai lá thư ngày 11 và 12 tháng 10 (năm 1949 - ND). Trong các văn bản này, Trần Ngọc Danh chỉ trích Hồ Chí Minh và xu hướng thiên về dân tộc chủ nghĩa trong đảng. Theo cách ông ta phân tích cho các đồng chí Liên Xô: “Vào thời điểm tự giải tán, ĐCSĐD đã bị các thành phần tiểu tư sản dân tộc lũng đoạn, vốn sau nhiều thời kỳ nằm im, luôn giữ tư tưởng ly khai, từ bỏ và thiếu lòng tin vào lực lượng cách mạng của giai cấp vô sản. Yếu tố gây bất ổn định lớn nhất là chính cá nhân Hồ Chí Minh. Để hiểu về điều này, chỉ cần các đồng chí xem lại đường lối của ĐCSĐD đưa ra năm 1941, tức là, đúng thời điểm ông Hồ bắt đầu tham gia trực tiếp vào vũ đài chính trị Đông Dương".
Trong bản dịch tài liệu nội bộ đảng, Trần Ngọc Danh liên tiếp trích dẫn lời của Hồ Chí Minh và một số ít hơn, của Trường Chinh, để giải thích tại sao ông Hồ lại là một người dân tộc chủ nghĩa và có tư tưởng trung lập, và tại sao Trường Chinh rõ ràng đã không duy trì được đường lối cách mạng đúng đắn cho đảng. Cũng giống như anh trai mình trước đây, Trần Ngọc Danh nhìn nhận Hồ Chí Minh như một nhà quốc tế chủ nghĩa không chân chính, một người theo chủ nghĩa dân tộc tư sản. Trần Ngọc Danh kết luận rằng tất cả những điều này thể hiện “một sự lệch lạc, đi ngược với chủ nghĩa Mác-xít, Lê-nin-nít, Stalin-nít, nên đã khiến ông ta [Hồ Chí Minh] trở thành người chống đảng và thù nghịch với Liên Xô.” Đối với Trần Ngọc Danh, ĐCSĐD nói chung và Hồ Chí Minh nói riêng đã từ bỏ “chủ nghĩa quốc tế vô sản” và “lý thuyết Mác-xít về giai cấp và đấu tranh giai cấp.” Trần Ngọc Danh, đương nhiên, là nhà cộng sản chân chính trung thành với Stalin.
Sự kiện này xảy ra vào đúng lúc tồi tệ nhất cho Hồ Chí Minh: ông đang trên đường đến Bắc Kinh để tìm kiếm sự công nhận ngoại giao Xô-Trung và cho Việt Nam hội nhập vào thế giới cộng sản. Dù chúng ta không biết liệu Hồ Chí Minh đã được thông báo về những việc làm của Trần Ngọc Danh hay chưa, chúng ta có thể đoán rằng ông đã cảm thấy đến lúc ông phải đích thân lên đường, trước tình hình suy thoái về ngoại giao của đảng kể từ năm 1945 và những nguy cơ sát sườn. Những nỗ lực ngoại giao ngoài luồng của Trần Ngọc Danh và Lê Hy cũng giúp ta hiểu rõ hơn nguyên nhân Hồ Chí Minh gặp phải thái độ lạnh nhạt của Stalin vào tháng 1 năm 1950. Dù hành động của họ không phải là nguồn gốc của mọi nguyên nhân, như chúng ta sẽ thấy, rõ ràng Trần Ngọc Danh và Lê Hy đã làm ảnh hưởng xấu đến đường lối đối ngoại của Việt Nam rất nhiều đúng vào thời điểm mà ĐCSTQ lên nắm quyền.
Hoàng Văn Hoan trực tiếp đến Praha để ngăn chặn hai kênh phát sóng ngoài luồng này. Ông báo cáo với ĐCS Tiệp Khắc rằng cả hai người này đều đang gặp rắc rối nghiêm trọng vì đã tự tiện hành động trái thẩm quyền; rằng họ đã bị triệu hồi và không được coi là đại diện chính thức của chính phủ hoặc của đảng. Hồ Chí Minh đã trực tiếp yêu cầu Trần Ngọc Danh phải ngay lập tức trở về Việt Nam. Kết cục, Lê Hy bị khai trừ khỏi đảng vì đã tự tiện đi Tây Âu và có những mối quan hệ mờ ám trong công tác.  Ông ta bị buộc tội đã nói xấu một vị lãnh đạo, không thấy nêu tên trong quyết định kỷ luật (nhiều khả năng là một cách đề cập gián tiếp đến Hồ Chí Minh) và chê bai đường lối của đảng. Điều này đã “tạo nên những sự chia rẽ ngoài ý muốn trong nội bộ Đảng”. Đảng khai trừ Trần Ngọc Danh vì ông ta đã giải tán đoàn đại biểu VNDCCH ở Paris mà không có lệnh trên, đồng thời đã mắc rất nhiều lỗi lầm giống như Lê Hy trong thời gian ở Đông Âu. Trung ương Đảng giải thích như sau: “Cùng với Lê Hi [Hy], [Trần Ngọc Danh] đã phê phán, một cách thiếu cơ sở và dẫn chứng nghiêm túc, những hoạt động của Đảng và của Trung ương. Đồng chí đã vô tình gây bất đồng trong các cấp uỷ Đảng và tạo chia cách khiến Đảng và Chính phủ bị xa rời các chính đảng khác có xu hướng ủng hộ chúng ta, cũng như các lực lượng có cảm tình mà Đảng và Chính phủ cần tranh thủ sự hỗ trợ và giúp đỡ”.
Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý là, hai ông này mãi tới giữa năm 1950 mới bị khai trừ, tức là rất lâu sau khi mắc lỗi và Việt Nam đã được Moscow công nhận ngoại giao. Liệu có phải vì đảng muốn chờ cho họ trở về trong nước rồi mới kỷ luật? Hay Hồ Chí Minh ngại không muốn kỷ luật họ trước khi có cơ hội trực tiếp sang Moscow và giành được sự tin tưởng tuyệt đối của Stalin đối với cá nhân ông?. Điều này có thể giải thích tại sao Hồ Chí Minh, trong chuyến đi Moscow vào đầu năm 1950 lại quyết tâm đem về một chữ ký và một bức ảnh của Stalin đến như vậy. Đó sẽ là những bằng chứng để ông có thể chứng minh tư cách quốc tế chủ nghĩa của mình, và loại bỏ mọi nghi ngờ trong chính ĐCSĐD về khả năng lãnh đạo của ông. Trong khi sự kiện Stalin bí mật thu hồi lại tờ báo có chữ ký của mình trong hành lý của ông Hồ trước khi ông ta lên đường về Việt Nam được rất nhiều người biết, thì có một khía cạnh ít được biết đến hơn là sự ngỡ ngàng (tôi rất muốn dùng từ “đau xót”) của Hồ Chí Minh khi biết có ai đó đã lấy trộm tờ báo đó, và suy ra rằng “người lấy đó” chắc hẳn phải hành động theo lệnh của “một người nào đó” rất quan trọng.
Chúng ta biết chắc chắn là quyết định “giải tán” ĐCSĐD vào tháng 11 năm 1945 đã gây nên rất nhiều rắc rối không lường trước được trong quan hệ của Việt Nam với thế giới cộng sản. Ít nhất, điều này cũng trở thành vũ khí cho những người chống lại ông Hồ sử dụng để công kích ông ta. Đơn cử như, trước khi rời Praha vào tháng 5 năm 1950, Trần Ngọc Danh nói với những người bảo vệ ông ta rằng ông đã có những bất đồng sâu sắc với “người đứng đầu của Đảng, nhất là về tính chất bất hợp pháp của đảng”. Và hậu quả của điều này là Hồ Chí Minh bị buộc phải giải quyết mối bất đồng này trong nội bộ đảng. Phát biểu trước Đại hội Đảng II, vào đầu năm 1951- một kỳ đại hội hết sức quan trọng, đã chính thức gắn chủ nghĩa cộng sản Việt Nam vào khối cộng sản quốc tế chủ nghĩa - Hồ Chí Minh giải thích rằng, dù việc “giải tán” ĐCSĐD có gây những “thắc mắc” trong giới lãnh đạo cộng sản, đảng vẫn luôn tồn tại trong bí mật và “vẫn lãnh đạo nhà nước và nhân dân.” Hồ Chí Minh dường như, qua bài phát biểu này, đang tự biện minh khi lý giải thêm rằng “chúng ta có thể thấy sự việc Đảng tuyên bố tự giải tán (thực tế là rút vào bí mật) là đúng đắn”. Dù những lời giải thích này có ngắn gọn và xác đáng đến mấy, có thể thấy Hồ Chí Minh đã buộc phải đề cập đến vấn đề đó.
Nối lại liên lạc giữa Hoa kỳ với VNDCCH ở Bangkok?
Mark Bradley mới đây đã loại bỏ giả thuyết cho rằng phía Hoa Kỳ đã nghiên cứu một cách nghiêm túc khả năng hướng đến một thoả thuận “trung lập” với VNDCCH, kiểu như với Tito. Khả năng đó có thể có, nhưng một quyết định kiểu như vậy chính là điều mà phong trào quốc tế cộng sản rất sợ. Vấn đề là ở chỗ, những nỗ lực tiếp cận của Hoa Kỳ, thậm chí chỉ là cảm giác bóng gió về sự tiếp cận của Hoa Kỳ với phía VNDCCH trong những năm cuối thập kỷ 40 cũng góp phần làm dày thêm đám mây nghi ngờ của giới quốc tế cộng sản đang phủ trên đầu ĐCSĐD và Hồ Chí Minh. Từ năm 1945, giới ngoại giao Hoa Kỳ đã duy trì một thái độ gần như là trung lập đối với VNDCCH, hậu quả của sự khác biệt ý kiến trong nội bộ Bộ Ngoại giao [Mỹ], giữa những người chủ trương hỗ trợ Pháp trong Ban châu Âu và những người ủng hộ xoá bỏ chế độ thực dân trong Ban Đông Nam Á. Tuy nhiên, như Mark Lawrence mới đây đã chứng minh, vào cuối thập niên 40, Hoa Kỳ bắt đầu “phân lại” Việt Nam thành một vấn đề của cuộc Chiến tranh Lạnh. Và hiển nhiên, sự sụp đổ của chính phủ Quốc dân Đảng Trung Quốc vào cuối năm 1948 đã khiến các chiến lược gia Hoa Kỳ phải có một quan điểm rõ ràng hơn về Việt Nam.
Rất nhiều người trong ĐCSĐD lúc bấy giờ đương nhiên rất phấn khởi trước những tin tức về thắng lợi của ĐCSTQ ở phía Bắc. Chiến thắng của những người cộng sản Trung Quốc ở đại lục sẽ mở ra cánh cửa từ biên giới phía Bắc của Việt Nam, chấm dứt sự cô lập về quân sự và ngoại giao, mang lại nguồn viện trợ cần thiết để chiến đấu với Pháp trên mặt trận Đông Dương. Tuy nhiên, vẫn còn mắc mớ ở chỗ, những người cộng sản Việt Nam phải thận trọng khi bình luận về chiến thắng đang trong tầm tay của Trung Quốc, vì sợ gây kích động khiến Mỹ sẽ hậu thuẫn, thậm chí can thiệp vào Đông Dương trước khi VNDCCH chắc chắn giành được sự ủng hộ từ phía Xô-Trung. VNDCCH không thể công khai công kích phía Hoa kỳ trên mặt trận tư tưởng trong khi vẫn còn đang bị cô lập về quân sự và ngoại giao. Chính quyền Việt Nam vẫn phải giữ đường lối cân bằng cho tới khi tình hình quốc tế trở nên thuận lợi hẳn cho VNDCCH. Đây chính là điều Hồ Chí Minh đã duy trì một cách có hệ thống, thể hiện qua các bài trả lời phỏng vấn thực hiện từ năm 1945 đến 1950. Nhưng vấn đề này còn có thêm một góc cạnh nữa. Như chúng ta đã thấy ở trên, những dấu hiệu dù nhỏ nhất về đường lối trung lập của Hoa Kỳ cũng sẽ củng cố thêm những nghi ngờ vốn sẵn có từ phong trào quốc tế cộng sản bên ngoài lẫn bên trong nội bộ ĐCSĐD về sự chệch hướng của những người cộng sản Việt Nam khỏi quỹ đạo của Moscow. Từ những mâu thuẫn với Tito, Stalin không thể chấp nhận những người cộng sản bắt cá hai tay. Và đó chính là hình ảnh mà Trần Ngọc Danh đã cố gắng mô tả về chính sách đối ngoại của Hồ Chí Minh trong “báo cáo” của mình vào cuối năm 1949 đầu năm 1950.
Trước khi xem xét những cuộc tiếp xúc Việt-Mỹ vào năm 1949, cần phải đặt chính sách của Hoa Kỳ trong bối cảnh quốc tế rộng hơn. Vì một lẽ, Hoa Kỳ đã từng hy vọng bình thường hoá quan hệ ngoại giao với CHND Trung Hoa, là một phần trong nỗ lực nhằm giữ Trung Quốc ở thế trung lập trong cuộc Chiến tranh Lạnh đang dần hình thành với phía Liên Xô. Người Mỹ hiểu rằng khối cộng sản không hẳn là hòn đá tảng thuần chất, bất di bất dịch. Trường hợp Tito ở châu Âu đã chứng tỏ điều đó. Tuy nhiên, như Chen Jian đã chứng minh, vấn đề là những người cộng sản Trung Quốc mới giành được quyền lãnh đạo không muốn dính dáng đến đường lối trung lập của Hoa Kỳ. ĐCSTQ từ chối những nỗ lực tiếp cận bí mật của Hoa Kỳ và lên án Tito cùng với đường lối trung lập của ông ta. Điều này phù hợp với đưòng lối cách mạng mới của Trung Quốc trong chính sách đối ngoại của ĐCSTQ; một dấu hiệu quan trọng về sự trung thành với phe quốc tế cộng sản dưới ngọn cờ của Stalin; và đó cũng là một nền tảng chủ chốt cho tính chính danh cách mạng. Vào giữa năm 1949, ĐCSTQ lên án chủ nghĩa Tito. Đồng thời, Mao tuyên bố Trung Quốc sẽ “theo một bên” trong hệ thống thế giới mới, bên Liên Xô. Sẽ không có một “cuộc ngã giá” nào hết với Hoa Kỳ, vì Mao không phải là Tito của châu Á.
Những người cộng sản Việt Nam cũng phải chọn bên. Nhưng lựa chọn của họ sẽ khó khăn hơn nhiều. Trong thực tế, chủ nghĩa Tito đã xảy ra trong phong trào quốc tế cộng sản vào một thời điểm rất bất lợi cho ĐCSĐD. Khác với Trung Quốc, những người cộng sản Việt Nam vẫn còn đang trong cuộc chiến, và đã bị nghi ngờ về sự kém trung thành với phong trào quốc tế cộng sản ở một mức độ khá nặng. Tệ hơn nữa, trong khi Hồng quân Trung Quốc đang Nam tiến vào mùa xuân năm 1949, một vài nhà ngoại giao Mỹ bắt đầu tiếp cận đại diện của VNDCCH ở Bangkok để xem xét Việt Nam đứng ở đâu trong lằn ranh giữa hai khối. Trợ lý Tuỳ viên Hải quân ở Bangkok, Trung tá William H. Hunter, là người rất tích cực trong việc này. Ông là một trong những chuyên gia tình báo hàng đầu về vấn đề Đông Dương, tiếp xúc được với cả hai phía Pháp và VNDCCH. Ông ta quen biết với nhiều đại diện quân sự, chính trị và tình báo của Pháp ở Đông Dương. Từ năm 1947, ông ta đã thường xuyên có những chuyến đi tới đông bắc Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia và nhất là Việt Nam. Ông quen biết Lê Hy, Nguyễn Đức Quỳ, và những người Việt công tác trong đoàn đại biểu VNDCCH ở Bangkok. Ông ta thậm chí còn gặp gỡ với một số thành viên trong đoàn ngoại giao Liên Xô ở Bangkok. Hunter là một người quan hệ rất rộng.
Trong một cuộc nói chuyện với trợ lý của Serge Niemchine tại đoàn ngoại giao Xô viết ở Bangkok vào tháng Hai năm 1949, Nguyễn Đức Quỳ cho biết “có một đợt tiếp cận mới của Hoa Kỳ” với phía chính phủ Việt Nam. Ông ta lưu ý về các chuyến thăm viếng thường xuyên hơn của Hunter tới đoàn đại biểu VNDCCH. Người đối thoại với ông ta, một ông Usatchov nào đó, đã ghi lại những ý dưới đây trong báo cáo về Bộ Ngoại Giao của mình:
“Cuộc nói chuyện sau đó chuyển sang các vấn đề khái quát. Nguyễn Đức Quỳ đề cập đến sự gia tăng hoạt động của người Mỹ. Ông ta nói rằng trợ lý tuỳ viên quân sự, Trung tá Ranter [gần như chắc chắn 100% là Hunter] đã bắt đầu tới thăm ông ta. Ranter nói với Quỳ rằng họ sẽ quên đi quá khứ. Người đó cũng hứa rằng Hoa Kỳ sẽ viện trợ, và gửi tới Nguyễn Đức Quỳ lời đề nghị cử một đại biểu tới Washington để thảo luận với đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Theo Nguyễn Đức Quỳ, sự tử tế hơn cả mong đợi này từ phía Ranter xuất phát từ tham vọng tìm ra những người ôn hoà trong phái đoàn Việt Nam, tiếp xúc với những thành phần này để gây ảnh hưởng lên những thành phần ôn hoà ở Việt Nam".
Đã từng từ chối không sắp xếp những công việc tương tự cho phía VNDCCH, những người Xô viết ở Bangkok đặc biệt quan tâm tới ẩn ý đằng sau mối quan tâm đang được hâm nóng lại của người Mỹ đối với chính phủ của Hồ Chí Minh. Ngày 10 tháng Ba năm 1949, Usatchov yêu cầu Nguyễn Đức Quỳ phân tích cho ông ta nghe mục đích của những đề nghị mờ ám này từ phía Mỹ. Ông này trả lời rằng, các thành viên trong đoàn ngoại giao Hoa Kỳ ở Bangkok, cũng như các đại diện doanh nghiệp Mỹ, “đang cố gắng tìm hiểu quan điểm của Việt Nam về Trung Quốc.” Theo Nguyễn Đức Quỳ, chính sách của Hoa Kỳ bao gồm “tăng cường ảnh hưởng của mình đối với các thành phần ôn hoà” trong VNDCCH, một nỗ lực để giữ Việt Nam đứng trung lập trong cuộc Chiến tranh Lạnh đang lan rộng. Phía Hoa Kỳ thậm chí đã đưa ra lời mời VNDCCH cử một phái đoàn tới Washington. Ông ta giải thích trong cuộc nói chuyện với đồng nghiệp Xô viết của mình rằng động thái này là do Washington thiết kế nhằm “tìm cách gây sức ép với chính phủ Việt Nam.” Sau đó, Nguyễn Đức Quỳ giải thích một cách lắt léo rằng ông ta muốn tranh thủ lời mời này để mở một văn phòng thông tin ở Hoa Kỳ và đi nước cờ dùng Mỹ để chống lại Pháp. Nhưng để làm điều này, họ cần “một người đáng tin cậy, có thể làm vừa lòng Mỹ mà vẫn có thể tin cậy được”.
Nỗ lực tiếp xúc lần này của phía Hoa kỳ còn có yếu tố kinh tế, hay ít nhất đó cũng là nhận định và nội dung báo cáo của Nguyễn Đức Quỳ với các đồng nghiệp Liên Xô. Công ty Fox, một tập đoàn xuyên quốc gia lớn của Mỹ hình thành sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, cũng đã từng cố tiếp xúc với VNDCCH trong năm 1949. Theo ghi chép của đại diện Liên Xô về ý kiến phân tích của Nguyễn Đức Quỳ:
“Công ty FOX đề nghị những điều kiện có lợi cho chính phủ Việt Nam để đổi lấy quyền khai thác quặng phốt-phát trong nước. Một mặt, Nguyễn Đức Quỳ nhận định, đề xuất này có thể mang lại những lợi ích đáng kể [cho VNDCCH]. Công ty hứa sẽ chi ba triệu đô la để giúp mua vũ khí từ bên ngoài. Mặt khác, chính phủ Việt Nam nhận định, đề xuất liên doanh do một công ty danh tiếng như vậy đưa ra không thể không có sự phê chuẩn của giới cầm quyền Mỹ [chính phủ]. Vì thế, việc ký kết hợp đồng giữa chính phủ Việt Nam và công ty FOX, dưới nhiều góc độ, sẽ tạo mối quan hệ thân thiện, hướng tới việc Hoa Kỳ công nhận thực tế VNDCCH. Nhưng chính phủ Việt Nam từ chối đề nghị này, viện cớ tình hình chiến sự phức tạp ở Bắc Bộ. Phía Mỹ khẳng định rằng hợp đồng có thể ký mà không cần chính phủ Việt Nam cam kết bảo đảm an ninh. Mặc dù vậy, phía Việt Nam vẫn không chấp nhận và lại lấy cớ an ninh tại khu vực phía Bắc không đảm bảo […]. Cùng với những thông tin này, Nguyễn Đức Quỳ nói rằng, nguyên nhân thật sự khiến chính phủ Việt Nam từ chối là họ e ngại một văn phòng của Fox có thể trở thành một trung tâm liên kết các lực lượng phản động [trong lãnh thổ của VNDCCH/ĐCSĐD]”.
Mặc dù đại diện Liên Xô rất quan tâm tìm hiểu về những đề xuất nói trên của phía Mỹ, rõ ràng là ông ta đã không thể thu xếp cho một đoàn đại biểu VNDCCH đến Moscow, và khả năng đưa ra cam kết từ phía chính phủ Xô viết về trợ giúp tài chính dưới bất kỳ hình thức nào thậm chí còn mờ mịt hơn. Việc này phải để cho hai đảng nói chuyện với nhau.
Còn khó giải thích hơn nữa là lời tuyên bố rằng phía Mỹ sẵn sàng mời một đại diện VNDCCH tới Washington vào giữa năm 1949 để thảo luận về vấn đề nào đó. Ngay từ ngày 23 tháng Hai năm 1949, Thao Oun Sananikone, một cựu lãnh đạo Ít-xa-ra của Lào, đồng thời là bạn thân và đối tác kinh doanh của James Thompson, nhân viên Văn phòng OSS [tiền thân của CIA - ND] tại Thái Lan trong Thế chiến II, có báo với trưởng phòng mật thám Pháp phụ trách về Lào rằng một phái viên đặc biệt của Hoa Kỳ vừa bí mật ghé Bangkok và có đề nghị VNDCCH cử một phái đoàn ngoại giao tới Hoa Kỳ, tốt nhất là do Phạm Ngọc Thạch làm trưởng đoàn. Theo Thao Oun Sananikone, Nguyễn Đức Quỳ có trình bày với vị đặc sứ này rằng VNDCCH không cần viện trợ của Hoa Kỳ, nhưng ông ta sẽ đệ trình vấn đề này lên chính phủ của mình xem xét.  Nội dung báo cáo này có vẻ phù hợp với văn bản do Nguyễn Đức Quỳ gửi phía Liên Xô tại Bangkok. Và chúng ta đã làm quen với Phạm Ngọc Thạch rồi. Chắc hẳn lời mời từ phía Mỹ đề nghị VNDCCH cử một phái đoàn sang Washington vào giữa năm 1949 phải được sự chuẩn y của ai đó từ Washington. Phải chăng Hoa Kỳ tin rằng việc ngăn chặn sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á bằng nỗ lực Tito hoá Hồ Chí Minh và chính phủ của ông ta thì sẽ dễ dàng hơn? Hay là họ coi nỗ lực tiếp xúc với VNDCCH này là một phần trong nỗ lực quy mô lớn hơn của người Mỹ nhằm vào Mao Trạch Đông? Hay là người Mỹ sốt ruột vì Pháp không chịu trao trả độc lập sớm hơn cho Bảo Đại, Sihanouk, và Sisavang Vong? Và tình báo Hoa Kỳ hiểu biết đến mức nào về sự thiếu tin tưởng của giới cộng sản quốc tế đối với Hồ Chí Minh và nhà nước VNDCCH? Nếu quả như vậy, liệu họ có nhìn nhận Hồ Chí Minh như một cơ hội để gây “rạn nứt” trong nội bộ giới cộng sản, hay để tạo một vùng đệm ở châu Á giữa Washington và Moscow? 
Trong khi tất cả các giả thuyết trên đều đang bỏ ngỏ, điều quan trọng chúng ta cần xem xét ở đây là, liệu giới lãnh đạo cộng sản quốc tế có đặt ra những giả thuyết tương tự về vấn đề này không. Nếu câu trả lời là có, điều đó chỉ rắc rối cho ĐCSĐD và Hồ Chí Minh mà thôi. Rất tiếc, tôi vẫn chưa tìm hiểu được quan điểm của ĐCSĐD về những động thái “ve vãn” này của người Mỹ. Tuy nhiên, cho đến tận tháng 1 năm 1950, VNDCCH/ĐCSĐD không hề muốn quay lưng lại với Mỹ. Quả thật là Phòng Thông tin cộng sản Quốc tế đã chia thế giới làm hai phe và gọi Mỹ là kẻ thù số 1 của tất cả các đảng cộng sản. Quả thật là Phạm Ngọc Thạch, năm 1947, đã cố thuyết phục các đồng chí Liên Xô rằng Việt Nam có tiền đồ cách mạng sáng sủa nhất Đông Nam Á. Và đúng là Trường Chinh đã viết những điều xấu xa về đế quốc Mỹ trên những trang báo Sự Thật. Nhưng tất cả chỉ là chuyện nội bộ. Trên diễn đàn công khai, ĐCSĐD vẫn phải giữ mồm giữ miệng. Đang trong cuộc chiến với Pháp, những người cộng sản Việt Nam không muốn gây ra những nguy cơ có thể khiến Mỹ sáp lại gần Pháp và ủng hộ việc thành lập một nhà nước phản cách mạng do Bảo Đại đứng đầu - ít nhất là cho đến lúc ĐCSTQ giành thắng lợi. Năm 1948, đảng nhắc nhở các cấp uỷ kiềm chế không công kích Hoa Kỳ trong các tài liệu tuyên truyền và duy trì đường lối trung hoà:
“Đường lối ngoại giao của nhà nước ta đối với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ trong thời điểm hiện tại, và chừng nào Hợp chủng quốc Hoa Kỳ không phản bội lại lợi ích của chúng ta, là không chủ trương đối nghịch với họ, hay có những hành động có thể gây ra thái độ thù địch nơi họ. […] Dù sao chăng nữa, khi ra công luận, nghiêm cấm viết, trong bất kỳ văn bản, xuất bản phẩm nào, một dòng hay một chữ có thể gây ảnh hưởng xấu đến chính sách ngoại giao của chính phủ về quan hệ với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”.
[ÐCSÐD] phải đi trên một ranh giới thật mỏng manh, nhất là khi Đảng và Hồ Chí Minh đang bị rắc rối với phong trào quốc tế cộng sản. Ngày 30 tháng Giêng năm 1950, ngày mà Liên Xô công nhận VNDCCH, một thông tư bí mật của Đảng được ban hành, cho phép thể hiện xu hướng chống Mỹ trên các tài liệu tuyên truyền chính thức. Cho đến trước thời điểm đó, đường lối của VNDCCH/ĐCSĐD đối với Hoa Kỳ chưa thể hiện tư tưởng chống Mỹ như nhiều người chống cộng từng quan niệm. Nhưng một lần nữa, vấn đề là ở chỗ, khi được nhìn từ phía bên kia của lằn ranh tư tưởng, đường lối trung lập đó có thể bị diễn dịch theo những cách khác trong bối cảnh phong trào quốc tế cộng sản đang bị ám ảnh bởi hiện tượng Tito và phần nào vốn đã bị ảnh hưởng bởi quyết định giải tán ĐCSĐD của Hồ Chí Minh.
Nguy cơ của “chủ nghĩa Tito” đối với sự hội nhập của cộng sản Việt Nam
Nỗi ám ảnh của Stalin về Tito năm 1948 đã khiến tình hình trở nên nan giải hơn cho Việt Nam, trong khi đang bị cô lập với phong trào quốc tế cộng sản. Thực ra, Stalin luôn là một trong số những người nghi ngờ Hồ Chí Minh. Maurice Thorez, tổng bí thư ĐCS Pháp lúc bấy giờ, đã từng nhiều lần thuyết phục Stalin rằng Hồ Chí Minh là một con người tin cậy được và một tín đồ cộng sản chân chính. Nhưng theo Thorez, Stalin thấy Hồ Chí Minh đã đi quá xa trong việc hợp tác với người Mỹ trong Thế Chiến II và bất bình vì ông Hồ không chịu hỏi ý kiến Stalin trước khi quyết định những vấn đề lớn. Cũng trong văn bản đó, Stalin nhắc lại quyết định của Hồ Chí Minh giải tán ĐCSĐD năm 1945. Thorez có phát biểu rằng, ông ta gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục Stalin hiểu rằng việc làm đó của Hồ Chí Minh chỉ đơn thuần là giải pháp tình thế nhằm duy trì quyền lực và tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng trong cuộc đối đầu với các kẻ thù của đảng. Theo Ilya Gaiduk, trong một bản ghi nhớ đề cập đến VNDCCH ngày 14 tháng Giêng năm 1950, Bộ Ngoại giao Liên Xô nhận xét rằng trong các bài trả lời phỏng vấn của Hồ Chí Minh “có những điều không rõ ràng… Khi được hỏi về thái độ của chính phủ Việt Nam đối với Mỹ, Hồ Chí Minh né tránh nói đến chính sách của Mỹ đang chủ động mở rộng ảnh hưởng đối với Việt Nam… Cho đến giờ, Hồ Chí Minh vẫn tránh không khẳng định bản chất đế quốc của Hiệp ước Bắc Đại Tây dương và âm mưu của Mỹ muốn hình thành một khối bên bờ Thái Bình Dương để làm chi nhánh cho khối Hiệp ước nói trên”.
Trong thế giới của Stalin, rõ ràng là chính những hành động của Hồ Chí Minh đã gây ra hiểu nhầm. Trong một loạt bài phỏng vấn thực hiện cuối những năm 1940, sau khi bài phát biểu của Zdanov được công bố, Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì ý kiến trung lập về mâu thuẫn đang tăng lên giữa hai khối Đông - Tây và về nguy cơ Hoa Kỳ, vì các lý do đã phân tích ở trên. Tuy nhiên, đến thời điểm này, giữ thế trung lập là một việc càng ngày càng khó thực hiện trong vòng ảnh hưởng của phe quốc tế cộng sản, ngay cả đối với một người như Hồ Chí Minh. Sau khi đọc bài trả lời rất công phu của Hồ Chí Minh với phóng viên Harold Isaacs của tờ Newsweek’s vào mùa xuân năm 1949, một nhà ngoại giao rất tinh tường của Mỹ đã chỉ ra ranh giới mỏng manh này: “Điều gây ngạc nhiên nhất có lẽ là những câu trả lời rào trước đón sau của ông ta (Hồ Chí Minh) về các vấn đề mà không một nhân vật kế cận trung thành của Stalin, ở bất cứ nước nào, dám trả lời vòng vo, như về Khối Tây bán cầu, Kế hoạch Marshall, Tito. Khi nói về những vấn đề này, Hồ hoặc là bỏ lửng hoặc tỏ ra không mấy hiểu biết. Vì rõ ràng là ông ta không thể không biết - người Việt luôn theo dõi tin tức thế giới tốt nhất trong tất cả các nhóm ở Đông Nam Á - hiển nhiên là ông ta không muốn nói thẳng những suy nghĩ của mình. Nhiều lãnh tụ cộng sản ở một số nơi khác đã từng bị phế truất vì những lý do đơn giản hơn thế nhiều”.
Công bằng mà nói, Hồ Chí Minh không phải là nhân vật duy nhất bị chụp chiếc mũ này. Stalin cũng đã từng nghi ngờ Mao Trạch Đông có tư tưởng Ti-tô-ít. Stalin sợ rằng các lãnh tụ “châu Á” này, về bản chất, vốn thiên về dân tộc chủ nghĩa hơn là quốc tế chủ nghĩa, và như Tito, không hẳn sẽ phục tùng đường lối Xô viết, hay nói cách khác, đường lối của Stalin. Năm 1948, ĐCSTQ ủng hộ Liên Xô khai trừ Tito khỏi Cominform. Nhưng Mao vẫn phải thuyết phục Stalin, trong chuyến thăm lịch sử của ông ta tới Moscow năm 1949-1950 rằng Mao không phải là Tito. Năm 1958, năm năm sau cái chết của Stalin, Khrushchev có nói cho Mao biết rằng Stalin đã từng có ý nghĩ “Trung Quốc là Tito thứ hai”.
Đối với VNDCCH, nhận định, thậm chí mới chỉ là mối nghi ngờ rằng họ đang ngả theo con đường của Tito, cũng làm tồi tệ hơn tình hình vốn đã rối ren về ngoại giao của đảng cộng sản. Nỗi ám ảnh của Stalin về Tito trùng hợp với, bên cạnh nhiều yếu tố khác, những ý kiến công kích của Lê Hy và Trần Ngọc Danh đối với ĐCSĐD và Hồ Chí Minh. Và bất kỳ một bức điện tín nào của phái đoàn Liên Xô gửi về từ Bangkok đề cập đến những cuộc tiếp xúc và lời mời của phía Mỹ dành cho VNDCCH trong nửa đầu năm 1949 cũng góp phần củng cố thêm mối nghi ngờ của Moscow về khả năng những người cộng sản Việt Nam đang muốn đi “con đường thứ ba” theo vết của Tito. Dù vẫn chưa có được tài liệu chứng minh cụ thể, tôi cho rằng vấn đề này rất quan trọng để tìm hiểu nguyên nhân vì sao nhà nước VNDCCH tiến gần đến nguy cơ sụp đổ về ngoại giao đến như vậy vào năm 1950. Nhìn tổng thể, tất cả những vấn đề này gộp lại đủ để làm trật bánh đoàn tàu Việt Nam trên đường ray hội nhập khối cộng sản và ngăn cản khả năng được Liên Xô công nhận ngoại giao. Không có gì đảm bảo rằng Stalin sẽ công nhận chính thức VNDCCH vào năm 1950.
Ít nhất cũng có một vài người Việt Nam hiểu được nguy cơ tiềm ẩn của khả năng này. Chẳng hạn, vào ngày mùng 9 tháng 11 năm 1949, một cán bộ cao cấp của ĐCSĐD tại Thái Lan xuất bản một bài viết có nhan đề “Thế nào là chủ nghĩa Tito?” Hẳn biết rất rõ về các nỗ lực tiếp xúc của phía Mỹ trong nhiều tháng qua tại Bangkok, ông ta phân tích “cần phải luôn trung kiên với chủ nghĩa Mác-xít, Lê-nin-nít, với quê hương cách mạng, của giai cấp vô sản là Liên Xô". Thậm chí dù nếu các đề nghị của Hunter không có liên quan gì tới ý định của Hoa Kỳ nhằm trung lập hoá Hồ Chí Minh theo kiểu Tito, rõ ràng là các nhà lãnh đạo cao cấp của ĐCSĐD ở Thái Lan e ngại sẽ bị mang tiếng như thế. Và cũng nên nhớ rằng lúc đó Hoàng Văn Hoan đang chỉ đạo công việc đối ngoại của đảng từ Ban Cán Sự ở Thái Lan. Kết quả là, tại Phiên họp toàn thể lần thứ ba - một kỳ họp quan trọng, tổ chức từ ngày 21 tháng Giêng đến mùng 3 tháng 2 năm 1950 (trong khi Hồ Chí Minh đang ở Moscow), ĐCSĐD đã triển khai một đường lối quốc tế chủ nghĩa chính thống, cả về đối nội lẫn đối ngoại. Việt Nam bắt đầu ca ngợi Stalin, lên kế hoạch cải cách ruộng đất, thanh lọc các phần tử xấu trong đảng, đẩy mạnh hoạt động ở Lào và Cam-pu-chia theo mô hình quốc tế chủ nghĩa Ðông Dương do Quốc tế Cộng sản quy định trước đó, và tiến thêm một bước trong việc phê phán chủ nghĩa Tito: “Quét sạch bè lũ mật thám Tito-ít, tay sai đế quốc”. Sự thay đổi về đường lối của đảng lần này là điều kiện tiên quyết để tái hoà nhập với phe quốc tế cộng sản.
“Người Việt Nam muốn ngồi vào chiếc ghế nào?” Câu hỏi nổi tiếng này là của Stalin đặt ra với Hồ Chí Minh tại Moscow năm 1950. Liệu sẽ là chiếc ghế cộng sản chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa? Thông điệp của Stalin khá rõ ràng: Dù Việt Nam có đang ở trong hoàn cảnh chiến tranh hay không, muốn được sự công nhận của Liên Xô và sự hỗ trợ quốc tế cộng sản, người Việt, kể cả bản thân Hồ Chí Minh phải chọn chiếc ghế cộng sản.
Tháng Tư năm 1950, tổng bí thư ĐCSĐD, Trường Chinh, khẳng định Việt Nam, cũng giống như Trung Quốc, đã lựa chọn một bên, là khối cộng sản chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Stalin. Ông ta tuyên bố không chỉ với đảng viên trong nước mà với cả thế giới cộng sản rằng Việt Nam kiên quyết loại bỏ tư tưởng trung lập theo kiểu Tito: “Chúng ta không chấp nhận quan hệ với Tito. Nhà nước của chúng ta là một nhà nước dân chủ. Chúng ta chiến đấu trong hàng ngũ hoà bình và dân chủ trên thế giới, do Liên Xô dẫn đầu. Bè lũ Tito đã phản bội Liên Xô và các quốc gia dân chủ nhân dân. Tito và đồng bọn là tay sai của đế quốc Mỹ […] Chúng ta sẽ không quan hệ với những loại như vậy”.
Giống như Trường Chinh, Hồ Chí Minh cũng phải thực thi ngón nghề trung thành với ý thức hệ. Ông ta không thể “lừng chừng” thêm về vấn đề Hoa Kỳ hoặc cải cách ruộng đất. Ngày 20 tháng 7 năm 1950, trong khi trả lời cuộc phỏng vấn hết sức quan trọng với Léo Figuères, đại diện ĐCS Pháp được cử tới Trung Quốc và Việt Nam, Hồ Chí Minh phát biểu rằng ông ta công khai lên án chủ nghĩa đế quốc Mỹ và sự can thiệp của nó vào vấn đề nội bộ Việt Nam. Các hành động của Mỹ mang tính phản dân chủ và cũng tương đương như một hành động xâm lăng. Nhờ có chuyến thăm của Léo Figuères, quan hệ của ĐCS Pháp và ĐCSĐD được cải thiện. Tháng 7 năm 1950, ĐCS Pháp đồng ý “thúc đẩy phong trào phản chiến trên đất Pháp và trong hàng ngũ binh sĩ” trong một “trận chiến tổng hợp” chống lại cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Đông Dương. ĐCS Pháp đồng ý hỗ trợ Việt Nam mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống kẻ thù chung: “Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”. Thời điểm việc này diễn ra không hề mang tính ngẫu nhiên. Và đương nhiên, trong chuyến đi tới Moscow, Hồ Chí Minh hết lời ca ngợi Stalin và chủ nghĩa Sta-lin-nít. Thậm chí ông ta còn sáng tác một bài thơ ca ngợi vị lãnh tụ vĩ đại của khối cộng sản quốc tế.
Kết luận: Khi được Trung Quốc giúp một tay
Tình thế gần như bị gạt ra ngoài lề thế giới cộng sản của Việt Nam vào thời điểm đó giải thích vì sao Việt Nam phải phụ thuộc chặt chẽ đến như vậy vào ĐCSTQ, không những để phá thế cô lập về quân sự ở thời điểm sống còn này, mà còn để cứu vãn nguy cơ sụp đổ về ngoại giao. Những người cộng sản Việt Nam phải trông chờ ở sự giúp đỡ của các đồng chí Trung Quốc mới có thể hội nhập thế giới cộng sản. Nếu ĐCSTQ cũng đồng tình với Stalin và từ chối công nhận VNDCCH và chính phủ của Hồ Chí Minh vào năm 1949-1950, thì VNDCCH đã có thể phải nhận một đòn chí tử trong sự nghiệp kháng chiến giành độc lập dân tộc.
Tổng bí thư ĐCSĐD Trường Chinh hiểu rất rõ rằng Trung Quốc sẽ là chìa khoá cho sự sống còn của Việt Nam. Tại kỳ Hội nghị Lần thứ 6 của cán bộ ĐCSĐD tổ chức vào tháng 1 năm 1949, ông ta phát biểu điều mà mọi người đều biết: “Có thể một ngày không xa, phong trào Dân Chủ Mới sẽ lan đến biên giới Đông Dương của chúng ta. Chúng ta phải sẵn sàng cho thời khắc đó. Chiến thắng của cuộc cách mạng sẽ giải phóng gần một nửa dân số thế giới khỏi xiềng xích của chủ nghĩa tư bản và tạo điều kiện cho nền Dân Chủ Mới lan toả suốt một dải liên tục từ Trung Âu tới mũi Cà Mau [miền Nam Việt Nam]”. Tuy nhiên, ĐCSĐD cần phải hành động gấp, trong khi THQDĐ đang sụp đổ ngày càng nhanh. Ngày 22 tháng Tư năm 1949, VNDCCH nhận được tin THQDĐ đã rút khỏi Nam Ninh và Hồng quân đã bắt đầu vượt sông Dương Tử. Họ đang tiến dần xuống phía Nam Trung Quốc và biên giới Việt-Trung. Như Lê Văn Hiến đã viết trong nhật ký, đảng bắt đầu “tích cực chuẩn bị ở khắp mọi vùng, miền để sẵn sàng tận dụng thời cơ này”.
Phía Việt Nam cũng cần phải bày tỏ sự quan tâm tới cuộc kháng chiến của những người cộng sản Trung Quốc và chứng minh tư tưởng quốc tế vô sản chân chính của mình. Vào giữa năm 1949, Việt Nam cử khoảng một ngàn người sang phía Nam Trung Hoa để phối hợp truy quét THQDĐ với địa phương quân của ĐCSTQ. Quyết định đưa người sang giúp ĐCSTQ tại thời điểm đó chắc hẳn xuất phát từ lòng mong muốn thực sự được hỗ trợ một đồng minh trên tinh thần quốc tế vô sản. Nhưng điều đó cũng giúp xoá đi những mối nghi có thể vẫn đang ám ảnh các nhà lãnh đạo ĐCSTQ về bản lĩnh quốc tế chủ nghĩa của ĐCSĐD. Dù vì lí do gì đi nữa, quyết định giúp ĐCSTQ giành chính quyền đã được đưa ra đúng thời điểm. Trong các lần gặp gỡ đại diện Việt Nam ở Trung Quốc vào đầu tháng Giêng năm 1950, Chu Ân Lai và Lưu Thiếu Kỳ đều khen ngợi sự giúp đỡ đầy “tinh thần quốc tế” của quân đội Việt Nam tại miền Nam Trung Hoa vài tháng trước đó.
Chính tại thời điểm này, Lưu Thiếu Kỳ, Mao Trạch Đông và tất nhiên là cả Chu Ân Lai đã giúp một việc có thể nói là vô giá đối với ĐCSĐD nói chung và Hồ Chí Minh nói riêng. Thứ nhất, Lưu Thiếu Kỳ đã khẳng định với vị sứ giả đặc biệt của ĐCS Pháp, ông Léo Figuères, rằng ĐCSĐD và Hồ Chí Minh là những người theo chủ nghĩa quốc tế cộng sản chân chính, xứng đáng với sự tin cậy của toàn khối cộng sản. Đương nhiên, quyết định giải tán ĐCSĐD vào tháng 11 năm 1945 vẫn còn là vấn đề nổi cộm. Lưu Thiếu Kỳ đã biện hộ cho Hồ Chí Minh như sau: “Các đồng chí Việt Nam đã đưa ra quyết định đó (giải tán Đảng) để ngăn không cho quân đội Tưởng Giới Thạch đang đóng trên Bắc Việt lúc đó có cớ (can thiệp). Quyết định này, trên thực tế, không hề ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo kháng chiến của đảng cộng sản. Vai trò này luôn càng ngày càng được củng cố vững chắc”.
Cũng giống như những đồng chí của mình ở Pháp và Liên Xô, một số đảng viên của ĐCSTQ cũng đặt dấu hỏi về quyết định giải tán ĐCSĐD vào năm 1945 của Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, theo sử gia Trung Quốc Yang Kuisong, Mao Trạch Đông đã biện hộ cho Hồ Chí Minh với ý kiến cho rằng các đồng chí Việt Nam giải tán ĐCSĐD nhằm mục đích bảo vệ đảng trong tình thế nguy ngập. Mao còn phát biểu thêm rằng quyết định này chưa hề gây bất cứ một tổn thất nào cho cuộc cách mạng. Động thái này còn mang một ý nghĩa lớn hơn, vì ngay từ giữa năm 1949, chính Lưu Thiếu Kỳ đã lên án ĐCS Nam Tư thiếu tinh thần quốc tế và khẳng định Trung Quốc sẽ đi theo con đường của Stalin trong hệ thống quốc tế mới.
Dù sao chăng nữa, nếu không có sự ủng hộ của các lãnh đạo cao cấp trong ĐCSTQ như Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông, và với lá phiếu tín nhiệm của họ tại Moscow, Hồ Chí Minh chắc sẽ vất vả hơn rất nhiều trong nỗ lực hoá giải mối hiềm nghi đối với ĐCSĐD và cá nhân mình. Trên thực tế, ông ta hẳn sẽ gặp vô vàn khó khăn trong việc giành được sự công nhận đối với chính phủ VNDCCH từ các quốc gia thuộc phe cộng sản, trước hết là Liên Xô, sau đó là ĐCS Pháp vốn mang nặng tư tưởng Sta-lin-nít. Với kinh nghiệm từ chính bản thân họ rút ra được từ khi bắt đầu quan hệ với Stalin từ những thập niên 20 và 30, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đến Liên Xô trong hai năm 1949 và 1950 chắc hẳn có vai trò tích cực trong việc biện hộ cho Hồ Chí Minh trước những cáo buộc do Trần Ngọc Danh và Lê Hy đưa ra. Trong chuyến đi tới Moscow, Mao lên tiếng bảo vệ cho Hồ Chí Minh trước một Stalin đầy ngờ vực và góp phần thúc đẩy quá trình công nhận ngoại giao giữa hai đảng và hai ban lãnh đạo lúc đó còn chưa mấy thân thiết. Trong một bức điện Mao gửi Lưu Thiếu Kỳ ngày 27/1/1950-tức là ba ngày trước khi Liên Xô chính thức công nhận VNDCCH - Mao giải thích rằng hai lỗi của Hồ Chí Minh, giải tán ĐCSĐD và chủ trương trung lập trong đường lối đối ngoại, là nhằm bảo toàn cuộc kháng chiến chống Pháp và không hề gây bất kỳ một tổn thất nào cho phong trào cộng sản.  Về hành động của Hồ Chí Minh trong hai năm 1945-1946, Mao viết cho Lưu Thiếu Kỳ như sau: “Hồ Chí Minh đã một lần rút đảng vào hoạt động bí mật và tuyên bố VNDCCH giữ thế trung lập. Vẫn còn quá sớm để kết luận rằng hai chủ trương trên là sai lầm về nguyên tắc, vì cuộc kháng chiến của Việt Nam không hề bị một ảnh hưởng nào từ quá trình thi hành các đường lối đó".
Ngược lại với những gì được viết ra do thiên kiến về sự kiện năm 1979 muốn chúng ta tin, ĐCSTQ hẳn đã giữ vai trò quyết định trong việc đưa ĐCSVN từ thế chầu rìa nhập cuộc với phe cộng sản, vào chính thời điểm cốt tử trong cuộc chiến tranh Pháp-Việt. Dù không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng lịch sử của chiến thắng quân sự tại Ðiện Biên Phủ năm 1954, chúng ta cũng nên tránh đề cao kết quả cuối cùng mà quên đi cả quá trình, vì trong năm 1950 những người cộng sản Việt Nam đã cận kề thất bại trên mặt trận ngoại giao hơn chúng ta tưởng. Nếu Liên Xô không công nhận VNDCCH vào năm 1950, có lẽ đã không có trận Ðiện Biên Phủ. Quan điểm của tôi ở đây là, chúng ta không nên e ngại nghiên cứu về “thất bại”, thậm chí thất bại của “người chiến thắng”. Một công trình như vậy sẽ đưa ra một cách tiếp cận hữu ích mới đối với quá khứ của Việt Nam cũng như các quốc gia khác. Với cách nhìn này, những thất bại trong ngoại giao của nhà nước VNDCCH từ tháng 9/1945 đến tháng 1/1950 giúp chúng ta hiểu thêm được vì sao nhiều người cộng sản Việt Nam lại thở phào nhẹ nhõm khi thấy tình hình Chiến tranh Lạnh rốt cuộc cũng đã diễn tiến theo chiều hướng có lợi cho họ. Hơn nữa, nguy cơ sắp trắng tay về ngoại giao với giới cộng sản năm 1950 của Việt Nam giúp chúng ta hiểu rõ hơn vì sao đảng cộng sản lại chú trọng đến việc áp dụng các biện pháp cách mạng xã hội cấp tiến [chắc ý tác giả muốn nói tới phong trào cải cách ruộng đất - ND] và giành quyền điều hành nhà nước từ trước khi hoàn thành cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc với Pháp. Xu hướng cộng sản hoá nhà nước VNDCCH như vậy đã góp phần làm tăng số lượng những người quốc gia phi cộng sản đào ngũ “về thành” với chính quyền Liên minh Việt Nam thuộc Pháp. Sau cùng, việc xét lại phẩm chất quốc tế chủ nghĩa của Hồ Chí Minh trong giới cộng sản đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn vì sao những nhân vật khác trong ĐCSĐD có thể khẳng định mình một cách cởi mở hơn kể từ sau năm 1950. Christophe Giebel đã rất chính xác khi xác định thời điểm đảng “huyền thoại hoá” vai trò của Tôn Đức Thắng trong vụ nổi loạn Biển Đen năm 1919 vào các năm 1947 và 1950. Đó chính là các thời điểm những người cộng sản Việt Nam muốn cố cho bằng được để hội nhập vào phe quốc tế cộng sản và, nhờ có Tôn Đức Thắng, kết nối với nguồn gốc sáng lập cộng sản-cuộc Cách Mạng Nga. Tuy nhiên, dường như chính Trường Chinh mới là người hưởng lợi nhiều nhất từ những rắc rối của ông Hồ từ năm 1945 đến năm 1950, cũng như từ sự ly khai của những nhà quốc tế chủ nghĩa với cái đầu nóng gốc Nam, lại qua đào tạo ở Moscow trước Thế chiến II, như Trần Ngọc Danh, em trai của người sáng lập Đảng. Theo những nguồn tin được tiết lộ, không phải Trường Chinh tiếp thu mô hình Xô viết, mà chính là mô hình Mao-ít. Điều này có lý, nhưng chỉ đúng với thời điểm khởi sự từ năm 1945 chứ không phải năm 1979.
Các chữ viết tắt
ĐCSTQ:Đảng Cộng sản Trung Quốc
ĐCSLX:Đảng Cộng sản Liên Xô
VNDCCD: Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
ĐCS Pháp: Đảng Cộng sản Pháp
THQDĐ: Trung Hoa Quốc dân Đảng
ĐCSĐD: Đảng Cộng sản Đông Dương
LHQ: Liên Hợp Quốc
LX: Liên Xô - Liên bang các nước cộng hoà Xô viết
VNQDĐ: Việt Nam Quốc dân Đảng
Bản tiếng Việt © 2007 talawas
Nguồn: Bản gốc tiếng Anh đăng trong Journal of Vietnamese Studies, Berkeley 11.2006.

Xem Tiếp: ----