Tôi nhủ lòng chớ dại chọn đi đâu lúc ngày tư, ngày tết. Vừa mệt nhoài người, rách cả áo, toạc cả quần, mất toi tiền vì chen lấn vào được tận cửa bán vé rồi mà tay còn bị nhiều người đè nghiến chẹt đau điếng, đành phải xòe ngửa bàn tay ra mà rút kui ra, kẻo bị gãy, mặc kệ tiền vãi mất. Ấy là chưa nói có khi còn bị đè đầu, cưỡi cổ. Nếu chỉ bị ông anh, chú nhóc leo lên chỗ đội nón còn đỡ, vô phúc nhìn ngước lên lại thấy nguyên một cái mông chè bè của cô, mợ nào đang chông chênh trên vai và (xin lỗi) từ đó đang bay ra mùi mồ hôi thum thủm, đặc biệt lâu ngày chưa tắm thì xui ít là ba, bốn năm luôn. Thế nên chả dại, các cụ ạ. Cả năm mình mệt nhọc vì cơm cháo gạo tiền rồi, cuối năm cũng nên để mình thảnh thơi dễ thở một chút. Chốn đông người vốn cõi bon chen, dù là rạp xi nê hay chốn vũ trường cũng vậy. Vào những nơi đó, không dưng độp phải sức nóng vào người, gặp nội dung tuồng lăng nhăng, càng chán chết. Có bò vào sở thú xem đười ươi, khỉ đột cũng chẳng nên, đi mình ên thì ỉu xìu, còn rước đèn thêm em nào bên cạnh, nhỡ bọn khỉ khọt ghen tuông dở trò xàm xỡ, phải lo kéo nhau chạy cho sớm. Dạo này phương tiện tiêu khiển hà rầm. Ti vi, cát xét, ì-pot linh tinh, chương trình đầy lá cành, trăm hoa đua nở, trăm nhà đua chen, lại chẳng phải tốn đồng xu nào, ở nhà cứ phanh trần ra, nướng dăm con khô mực, vài nạm tôm khô và lưng rượu đế, vừa ăn vừa xem, vui đáo để. Chỗ nào ca sĩ hát bài khen thuộc thì nghêu ngao theo, cũng nghệ sĩ kém chi ai. Ấy, dặn lòng thì dặn thế, mà tết vừa rồi tôi cũng không kềm giữ lời hứa nổi lại cũng mon men lên tàu. Của đáng tội nào tôi có ý định này đâu, vậy mà lang thang qua cửa ga, thấy tàu ngày xuân vắng vẻ, nên chân ngứa ngáy cũng muốn làm chuyến phiêu lưu vặt một phen. Mặc dù chưa có ý niệm về một nơi nào sẽ đến, tôi quyết định cứ lên toa rồi sẽ liệu sau. Tay soát vé thấy tôi lừng lững bước lên, chặn ngay lại đòi xem vé, tôi lắc đầu chưa mua, nhưng hứa sẽ trả tiền. Anh ta ừ ào một lát rồi đưa tay chỉ tôi lên toa. Chon một phòng cửa còn để ngỏ của toa giường nằm, tôi ung dung bước vào. Một cô bé choai choai chễm chệ sẵn trong toa. Nhìn thấy tôi, cô ta “ hai “ một tiếng. Ðáng lẽ tôi nên đổi sang một phòng khác cùng dãy ngay từ đầu mới phải, đằng này chợt thấy chân nổi sự buồn buồn nên ngồi phệt luôn ở giường đối diện với cô. Tàu cà xịch cà xang chạy, nỗi dại càng lúc càng lan mạnh. Thôi lỡ rồi, bây giờ bò lên giường trên chung dãy với cô em, cầm chắc cô bé sẽ nghi tôi là tay mắc dịch trắc nết. Bằng ngồi yên vị tại chỗ thì cay đắng ơi là cay đắng. Con nhỏ, trái lại, cứ rục rịch hoài, hết ngồi lại nằm. Con gái con nứa gì mà trống tuếch trống toác. Chiếc quần gin sổ gấu, ngắn cũn cỡn cứ biểu diễn trò trêu người. Mỗi lần cô ả đổi thế là y như tôi phải nhắm tịt mắt lại, e bị nổ con ngươi.Nói các cụ thứ tha cho, chứ đùi nó ngồn ngộn, thấy mà tóe lửa. Ấy chẳng thà con nhỏ để thông thốc có khi còn đỡ xốn mắt, đắng này tơ lơ mơ nửa kín nửa hở, cái đó mới hại điện ở thời buổi hiện đại này. Thoáng một cái, quần xì bẹo ra loang loáng, mớ hồng hồng hun hút bổng bay. Bỗng cô gái biết vừa nhỡ tàu hớ hênh lại cười ngoại giao ngặt nghẽo mới chết. Lát sau, lại giả vờ làm thân hỏi tôi vung vít: chú đi đâu bữa “ nai “, giọng đặc biệt miền tây Nam bộ. Tôi ú ớ không biết trả lời ra sao nữa vì cho đến phút này tôi nào đã biết nơi tôi sắp đến là đâu. Tôi ậm ờ trả lời xuội lơ: thì đi một chỗ nào cũng được. Con nhỏ tưởng tôi ghẹo nên ngửa cổ lên cười hềnh hệch, liền dện cho một câu đau điếng: xí, lãng nhách. Tôi tự giận mình. Thân quê mùa thì sống đâu biết đó, bày đặt dở giói “ đi cho biết đó biết đây “ làm chi để đầu năm bị mắng, vuốt mặt không kịp. Tôi quê một cục, mặt nặng như chì, con nhỏ lom lom dòm, có vẻ lạ lùng. Thấy tôi không muốn bắt chuyện thêm, con nhỏ khích vô: sao khi không im lặng vậy, tía. Tía má gì, tao còn độc thân tại chỗ, nhỏ ơi, tôi định phản đối với nhỏ như thế, song nghĩ sao lại im. Con nhỏ lại hiểu lầm khi thấy cái mặt chù bụ của tôi. Nó xí một cái, đuôi mắt sắc liếc tựa lưỡi lam, miệng dẩu ra rồi tán một hơi: giỡn một chút mà làm mặt giận. Tôi phải bật cười, con nhỏ khen: như vậy coi được hôn. Tôi chịu thua sự lí lắc của nó. Tôi ngồi lên nghiêm trang. Hắng giọng, xoay tròn lưỡi đến bảy lần, gãi đầu gãi tai, rụt rè hỏi cô bé: nhỏ còn cái quần nào khác hôn. Nhỏ cười khục khục: chèn ơi, người ta bận cho mát mà tía hối thay cái khác là sao. Nếu tía sợ thì đổi sang toa khác đi. Tôi lắc lắc cái đầu. Con nhỏ moi cái máy i-pot, gắn bộ phận nghe vào tai. Chả biết bản nhạc nào lình xình trong đó mà thấy bé búng búng ngón tay, đít ẹo qua ẹo lại, miệng lâm râm nhún nhảy. Tôi cảm rõ sự ngờ nghệch của mình, vội đưa mắt quay nhìn ra phía ngoài đường tàu. Tàu đang chạy qua một con sông dập dềnh, tiếng bánh sắt nghiến trên rầm cầu nghe khua động lên. Tôi thoáng thấy dăm bà, dăm chị đang tắm đầu năm xả xui, thấy tàu dăng dăng chạy qua, vội hụp xuống dấu ngực. Gió mát hây hây, chút da sáng lóng lánh màu nước, thấy muốn ngắm nhìn hoài. Con nhỏ nhướn lên nhìn, vội cười rich rich chọc tôi: coi bộ đã con mắt hả, ông chú. Tôi hổng trả lời trả vốn gì cả, cứ gằm gằm cúi mặt làm thinh. Con nhỏ móc ở túi ra cái bật lửa Jippo, mở lên mở xuống kêu lách cách. Nó mằn mò hết túi này sang túi khác tìm gì đó, rồi e hèm hỏi tôi: tía có thuốc lá hôn. Tôi lắc đầu, con bé tỏ ra thất vọng. Tàu vẫn cà xịch cà đụi chạy, khè khè thở như người bị suyễn. Toa dập dềnh lên xuống bực cả mình, chậm như rùa và hôi mùi kỳ lạ. Con nhỏ nằm tréo ngoảy trên nệm, vẫn nhét cái ống nghe vào lỗ tai. Nó nằm hớ hênh, tôi bực bảo nó: bé làm ơn khép bớt giò lại, có được hôn. Con nhỏ bĩu môi dài thòn, xỉ vả tôi: ai biểu tía dòm chi. Tôi chịu thua, quay đi. Con tàu băng ngang một trạm nào đó, có tiếng lao xao giọng người Hời. Con nhỏ nằm hỏi ngang: qua đâu rồi vậy, tía. Con nhỏ lười chảy thây, vậy mà tôi cũng lồm cồm nghiêng mình ra dòm. Trời chạng vạng tối, tàu chạy băng băng, tôi chỉ kịp lướt thấy chữ Lâm ở cuối, tôi nói đại cho con nhỏ: Ma Lâm rồi. Con nhỏ than: tàu chậm gì mà chậm dữ. Tới nhà chắc người ta đã ăn Tết xong. Tôi ghét con nhỏ nên không thèm đẩy đưa vô. Con nhỏ tỏ ra xắc mắc. Chừng như để im cái miệng lâu hổng được, nên lẹo nhẹo hỏi tôi một điều xưa lơ xưa lắc: tía thiệt hổng có chỗ nào để dìa sao. Tôi gúc gúc cái đầu. Con nhỏ tai vẫn nghe nhạc, hai chưn giựt giựt mà miệng cũng cất tiếng hát giễu tôi: ôi, ta buồn, ta đi lang thang bởi vì đâu. Tôi rầu thúi ruột vì bị phá rầy từng chặp. May đâu có hai người khách do tay soát vé dẫn vào. Họ chiếm hai giường còn để trống. Thời buổi thiệt vui, khách mua vé hạng nào cũng kệ, miễn xịt xủi cho tay kiếm soát chút tiền là có chỗ nằm dựa lưng ngay. Hèn chi mấy bà đi buôn có thể nghỉ luôn ở buồng dành riêng cho nhân viên đi tàu. Con nhỏ dáo dác dòm. Tay nhân viên chỉ hai người khách leo lên hai giường trên. Tôi định phản đối vì khi không bị người nằm trên đầu, song trên tàu mấy cha kiểm soát là thượng đế nên tôi vội im bặt. Con nhỏ thấy tôi cà hoay thì tủm tỉm cười. Nó còn chọc giận tôi nữa: ối, đàn ông đàn ang có leo lên nhau cũng chẳng sao, chớ tui mà bị mấy tía đè chắc là ná thở. Nói xong, nó co hai vai cười hí hí. Thiệt dễ ghét. Sực nhớ lại tôi, tay nhân viên xòe tay ra gọn lỏn: vé. Tôi cũng chơi chữ với chả: nhiêu. Chả nhấm nhẳng: xuống ga nào? Tôi ngập ngừng lúng túng: chưa tính nữa. Chả hơi bực mình: cha nội, đầu năm mà lằng nhằng, thôi, có nhiêu đưa ra. Tôi thọc tay vô túi, mân mê mấy tờ giấy bạc, sớt ra một mớ đưa cho chả. Chả đếm đếm rồi nhét gọn vô túi, dặn tôi: chú muốn ghé đâu thì kiếm tôi nhận vé. Tôi phản đối chả kịch liệt: rủi mà không gặp ông thì lấy chi tôi ra khỏi ga. Hắn cười bò lăn bò càng: chừng đó ông lại giúi cho họ ít tiền là xong hết. Tôi tỏ ra ngán ngẩm về hệ thống vòng vo tam quốc này. Nhưng tôi cũng hỏi thêm: lỡ mà họ hổng nghe thì sao. Cha nhân viên có vẻ bất mãn: họ chỉ làm khó ai định đi quịt vé, còn ông trả tiền mà. Con nhỏ nãy giờ nằm theo dõi, tháo bỏ ống nghe ra khỏi tai, tham gia vô câu chuyện: thì chú ghi cho ổng cái vé xuống Ðà Nẵng cho ổng yên chí. Hồi nãy tôi có rủ ổng dìa ăn Tết với tôi, ổng lình xình chưa chịu. Giờ chú ghi dzậy, chắc bề gì ổng cũng xuống đó thôi. Tôi chịu cái nước cà tửng của con nhỏ. Nó lanh giàng trời. Tôi không theo kịp nó một bước nhỏ. Tôi nhìn nó, con nhỏ coi bề còn biết giữ một phương để lấy chồng, nên đã nằm khép bớt giò lại. Nó lại cẩn thận kéo cái váy kẹp dưới bắp chưn. Tôi gật đầu ngầm khen nó. Con nhỏ cười mím chi cọp. Tay nhân viên ngoáy ghi vài ba chữ rồi xé cái rẹt đưa cho tôi một tờ. Tôi cầm đọc lẩm nhẩm: nơi ga đi chỉ cách Ðà Nẵng chừng 2 ga, vậy là chả bỏ túi một số khá. Tôi nhét vé vô túi, dựa lưng ra nghỉ. Tôi chưa muốn nằm xuống dù đã mỏi vì ngại phải lùng bùng với cái váy của cô em. Con nhỏ nhét ống nghe vào tai và mông lại ngoáy ngoáy đánh nhịp. Trời tối xuống một cái rầm. Toa tàu lem nhem nhòe nhoẹt, và tàu rầm rầm chạy vào hầm, tiếng thông thốc rít róng. Gió hun hút u u, thổi tuềnh toàng khắp toa, mùi khói hăng hăng của ma dút đốt không cháy hết nghe khét lẹt. Con nhỏ nằm nói lớn tiếng: toa giường nằm mà tối như… Tôi loáng thoáng nghe một tiếng rất tục, nhưng tôi không dám lập lại. Còn chưa trả vốn, trả lời ra sao thì con nhỏ tiếp theo: kệ, càng dễ ngủ, lỡ có làm sao cũng hổng ai gây. Tôi chưng hửng sao con nhỏ giọng đặc sệt Nam bộ mà lại bò dìa miền Trung ăn Tết. Tôi khó hiểu con nhỏ thiệt tình. Ðã vậy nó còn hát ông ổng nữa: trời khuya tối hít, tối hù, nằm đâu yên đó, bậu đừng đi bậy, lù rù mà té dzô em. Rồi, cười cà hích, cà hích, thiệt nực. Tàu vô ga Ðà Nẵng quá khuya. Ngày Tết mà hàng rong vẫn gánh bán nhộn nhịp. Con nhỏ nhắc tôi: xuống đây chớ, tía. Tôi lắc đầu, ngồi rị lại. Con nhỏ nói: tôi vô Huế, tía nên đi một lần cho biết. Chưa nói hết, nó đã kéo dài họng ra hát: ai vô xứ Huế thì vô, ai về là về Bến Ngự, ai về là về Nam Giao. Tiếng nó loãng dần nơi cuối toa. Tôi nằm ngả đùng ra chỗ giường. Tàu cà rịch cà tang chờ tránh và đổi nhóm soát vé. Chạy lại khi trời tối mịt mùng. Ðoàn tàu chạy vòng theo đường ray bao quanh ga để băng qua một hướng khác, thẳng ra phía Bắc. Trời rét mạnh lên, gió đổi khác hoàn toàn. Ðột nhiên, tôi thấy buồn, thật buồn. Vì mùa xuân đang chạy lui theo con tàu về muộn. Một phần tôi thấy thiếu con nhỏ, một phần tôi lại tự hỏi vì sao còn ngồi đây. Cứ thế tôi xàng xê theo bánh sắt và nát rữa lần đi theo tiếng gió xé dưới gầm toa. Tôi quay nhìn xung quanh. Tiếng thở đều của mọi người say ngủ. Chiếc đèn vàng ệch lao chao khua lắc lư theo những nhịp tàu chạy. Có chăng chỉ còn mình tôi thức. Thế là những giọt nước mắt cứ ứa ra, ứa ra… Ðỗ Thành