Tôi về Sài-Gòn hơn hai tuần lễ nhưng vẫn chưa liên lạc và tìm gặp Vành Khuyên. Giấy tờ bề bộn và chuyện tình buồn với Jackie gặp gỡ trên phi cơ cũng làm tôi một chút thẫn- thờ. [1] Tôi bỏ nhiều thì giờ chiều chiều ra bờ sông nhìn dòng nước trôi để  nhớ tới một thời đã qua.
Email Vành Khuyên nhắc tôi “Chú về tới Sài Gòn chưa?” Tôi như chợt tỉnh cơn mê, nhớ lại mục đích của chuyến về, nên gạt bỏ những phiền muộn, cố gắng theo đúng chương trình đã bàn với Thắng, người bạn  mời tôi về VN dạy học.
 
Tôi lớn lên ở Đà Lạt, thành phố mù sương trên cao nguyên, nên tâm hồn có chút  yếu mềm. Tôi muốn theo bước chân của Pascal nhưng dòng đời đưa đẩy, càng ngày tôi càng xa những ước mơ thời thanh-xuân. Sau bao năm làm việc miệt mài trên xứ người tôi muốn trở về, tìm một chút hương xưa, và đóng góp một chút gì cho quê hương và tuổi trẻ.
Một người bạn tôi đã trở về, đang xây dựng một đại học kỹ thuật, và đúng lúc đó công-ty điện toán nơi tôi làm việc nhiều năm nay quyết định di chuyển ra khỏi Cali trong năm tới, tôi thông báo cho văn phòng nhân viên là lúc đó tôi  sẽ xin thôi việc, trở về VN phụ giúp người bạn một tay. Cơ sở của người bạn ở cả Đà-Lạt lẫn Sài Gòn nên càng làm tôi phấn khởi. Đà Lạt là của tuổi thiếu thời còn Sài Gòn là nơi tôi đã sống, đã trôi theo dòng đời.
 
Tôi xa Việt-Nam nhiều năm nên không còn bạn bè ở bên đó. Tôi cũng rất mù mờ về giáo dục và học đường thời nay nên có ý định làm quen với một vài sinh viên để hiểu thêm về hiện tình, nhất là biết tuổi trẻ bây giờ sống và nghĩ ra sao. Sau nhiều lần do-dự tôi vào một web-site Việt Nam và đăng mấy dòng tìm bạn:
“Người viễn-xứ, muốn tìm hiểu về quê hương. Tìm bạn trong giới sinh viên để trao đổi ý-kiến. Nam hoặc nữ, miễn là dễ thương. Thăm viếng khi đã thân tình. Xin email cho VienXu_73@yahoo.com
Mấy dòng tìm bạn đó rất là ngắn ngủi  nhưng tôi nhận được nhiều hồi âm. Nhiều thư đùa rỡn tôi không muốn trả lời, kể cả những thư của một vài gia-đình đề nghị một cách dứt khoát một món tiền nếu tôi về VN làm đám cưói với thân nhân của họ để cô gái có thể sang Hoa-Kỳ. Vài lá thư có vẻ chân thật, nhưng ở những tỉnh xa xôi, đang đi tìm kiếm cơ hội thoát khỏi đời sống buồn tẻ, nên tôi cũng chỉ lịch sự trả lời một lần rồi thôi.
Trong lúc tôi không còn hy vọng tìm được một người bạn như ý muốn thì tôi nhận được thư của Vành Khuyên.
“Vành Khuyên đang học khoa kinh-tế tại đại học Tổng Hợp, thành Phố Hồ Chí Minh. Ước vọng mai sau là có dịp du-học tại Hoa-Kỳ nhưng VK không có người thân và bạn bè bên đó. Viễn-Xứ, tin tức về VN trên mạng nhiều lắm, nhưng bạn cần biết về một vấn đề đặc biệt nào thì VK xin tìm hiểu dùm.  Bạn cũng có thể giúp VK  tìm hiểu về các đại-học liên quan tới môn học của mình ở bên đó.
Vài hàng làm quen thôi. Viễn-Xứ nhận VK làm bạn thì chúng mình có thể tìm hiểu về những vấn đề của chúng ta nhiều hơn.”
Vành Khuyên không nói gì nhiều về mình ngoài chuyện đang theo học kinh tế và muốn đi du học Hoa Kỳ trong tương lai nhưng lời lẽ có vẻ chân thật và thẳng thắn. Tôi cũng không rõ Vành Khuyên là trai hay là gái nhưng căn cứ vào  tên và email address vanhkhuyen_21@yahoo.com thì có lẽ đây là một nữ sinh viên sắp sửa ra trường.
Email tôi trả lời  cũng rất ngắn:
- Rất vui được biết và làm bạn  với Vành-Khuyên. Bạn là dân ‘kẹp-tóc’ phải không? Nói qua về bạn đi.
Hình như đây là một cô gái thông minh và lém lỉnh, thư trả lời rất dễ thương
- Viễn-Xứ, Viễn-Xứ: Bạn ‘xưa’ quá đi. Con gái bây giờ ai kẹp tóc. Bạn cũng khôn ‘thí mồ’, viết ‘nói qua về bạn đi’ mà cũng chẳng nói gì về mình. VK chẳng đã nói hết về mình rồi đó thôi. Bạn muốn biết gì thêm VK sẽ cố gắng … nói dối. OK?
Đọc thư Vành-Khuyên tôi bật cười. Đúng là con gái dễ thương. Để rồi xem còn ra ‘chiêu’ nào nữa không.  Tôi trả lời:
- Không biết gì nhiều, nhưng để đoán thêm: Bạn 21 tuổi. Tên bạn là VanhKhuyen_21 thì 21 tuổi là cái chắc, phải không?
- Hi hi, tên bạn là VienXu_73 vậy ‘bạn’ phải 73 tuổi rồi. Từ nay Vành-Khuyên gọi Viễn-Xứ là ‘Sư Tổ’ nhé.
Khi chọn cái email addreess VienXu_73@yahoo.com để liên lạc tôi có ý muốn ghi lại một mốc thời gian vì năm 1973 là năm tôi xa xứ, chứ ai lại ‘khoe’ mình 73 tuổi bao giờ. Tôi trả lời:
-  Vành-Khuyên đoán sai rồi, đoán lại đi.
-  Vậy chắc Viễn Xứ sinh năm 1973. Eo ơi, già quá! Hơn ‘người ta’ cả chục tuổi.
Tôi nghĩ thầm, đúng ra mình còn già hơn thế nhiều, nhưng thôi, cứ để Vành-Khuyên hiểu sao cũng được. Tôi không cải chính, tiếp tục trao đổi email, bàn luận với Vành-Khuyên về các hệ thống đại-học tại California, tìm các dữ-kiện Vành-Khuyên cần, và ngược lại Vành Khuyên nhí nhảnh kể cho tôi những sinh họat của giới sinh viên bên nhà.
Không nói gì về mình nhưng Vành Khuyên nói rất nhiều về bạn bè. Bạn con gái có Thu Gà Tồ, tốt bụng nhưng bạ đâu nói đó, có Thúy Ngựa gặp ai cũng liếc mắt cười tình nhưng không chịu yêu ai, và có Liễu, con nhà giàu, nhảy đầm hết xẩy và dám đua xe với cả con trai. Ðám bạn con trai của Vành Khuyên cũng không ít, và theo như Vành Khuyên viết thì “Họ đều muốn gặp Viễn Xứ, người ở xa nhưng có lòng với quê hương Việt-Nam.”
Tôi hỏi:
- Thế còn Vành-Khuyên thì sao?
Thư trả lời của vành Khuyên chỉ là một hàng ‘happy face’.
Tôi không có được những ngày thanh bình trên sân trường đại học vào tuổi đôi mươi, khoảng thời gian đẹp nhất trong đời người. Vào tuổi đó tôi đã lang bạt đây đó, và cho đến bây giờ lúc nào tôi cũng cứ ước ao giá mình có được những ngày mơ mộng thần tiên của tuổi thanh-xuân. 
Tháng ngày trôi qua, càng ngày tôi càng bị lôi cuốn vào nếp sống của Vành-Khuyên và bạn bè, nếp sống tôi không bao giờ có, nếp sống tôi muốn tìm hiểu để trở về nguồn. Email trở nên chậm trễ, và quá nhiều junk nên chúng tôi dùng cả ‘Instant Message’ để có thể hỏi và trả lời nhau tức thì.
Sài-Gòn sớm hơn Cali 15 giờ đồng hồ. Tôi lúc nào cũng ‘on-line’ trong lúc Vành-Khuyên phải vào thư-viện hay tới Internet café để ‘chat’ vào buổi sáng. Bao giờ tôi cũng nhận được lời chào trước “Hi Viễn Xứ”, và bao giờ tôi cũng đáp nhận “Vành Khuyên, Vành Khuyên … ”.  Thường thì chúng tôi trao đổi tin-tức hoặc bàn cãi về một đề tài nào đó, nhưng đôi khi cũng chỉ là nhưng câu chuyện vớ vẩn của hai người bạn thân:
VanhKhuyen: Bạn chưa ngủ sao?
Chưa. Chờ bạn mà.
VanhKhuyen: Xí. bạn đâu có biết tôi lên ‘net’ mà chờ.
Không biêt mới chờ chứ. Tôi chờ bạn đã 21 năm.
VanhKhuyen: Xạo.
Không có giờ học sao?
VanhKhuyen: Có, nhưng trốn.
Oh my god. Không sợ ba đánh đòn?
VanhKhuyen: Học triết VN còn đáng sợ hơn.
 
Tôi biết Vành Khuyên muốn nói tới môn ‘Tư Tưởng HCM’ nhưng không dám viết rõ ràng. Tình bạn của chúng tôi càng ngày càng đằm thắm nhưng chúng tôi không biết thêm gì về nhau. Có lần tôi email cho Vành Khuyên:
- Hay là bạn cho tôi tấm hình đi. Chắc là rất dễ thương”.
Vành Khuyên gửi cho tôi tấm hình … con chim vành khuyên, và hỏi tôi là “Xem có ai dễ thương hơn không?”
Chưa hết, Vành Khuyên còn đòi hỏi:
- Bây giờ tới lượt bạn gửi hình cho VK. Không được ‘bắt chước người ta’, gửi hình … con khỉ  đấy nhé.
Tôi nghĩ tới chuyện gửi đại một hình tài tử Hồng Kông nào đó nhưng rồi  tôi bắt đầu thấy e ngại, không muốn tiếp tục thiếu thành thật trong việc giao tiếp với một người bạn tôi bắt đầu thấy quí mến.
 
Trong email trả lời tôi viết về một chuyến viễn du xuống Nam Mỹ trên một du thuyền và gửi cho Vành Khuyên tấm hình tôi đang ngắm hoàng hôn trên biển. Tôi đứng quay lưng về phía ống kính,  gió thổi mái tóc bồng, cô đơn và lãng mạn như một người lang bạt giang hồ. Lẽ dĩ nhiên là Vành Khuyên không biết thêm gì về tôi, nhưng có lẽ tấm hình đã gợi cho Vành Khuyên những ước mơ thầm kín, những chân trời xa, và một chút cảm tình lãng mạn của tuổi thanh xuân.
- Viễn Xứ, bạn ‘ăn gian’  nhé. Ai lại gửi cho bạn bè hình ‘cái lưng’ mình bao giờ.  Thấy bạn đi đến nhưng chân trời xa lạ, ngắm nhìn trời đất bao la mà Vành-Khuyên thèm. Ước gì VK cũng đưọc đi như bạn, được đứng bên bạn, cho bạn không còn cô đơn.
Tôi bắt đầu thấy sợ. Có lẽ là tôi đã đi quá trớn. Tôi không bao giờ có ý-định phiêu lưu tình cảm với một người chưa biết mặt. Tôi biết rất rõ là nhưng cuộc tình như vậy không bao giờ đưa đến hạnh phúc lâu dài. Vả lại hoàn cảnh và lương tâm tôi đâu cho phép tôi làm những chuyện như thế. Sau nhiều đêm suy nghĩ tôi viết cho Vành-Khuyên một lá thư dài.
Vành Khuyên thân mến,
Tôi sẽ hết sức thành thật với Vành Khuyên trong lá thư này. Quả tình thì tôi chưa bao giờ nói dối, nhưng từ lúc khởi đầu cho tình bạn của chúng ta tôi đã không nói hết về  mình để có thể đưa đến hiểu lầm.
Tôi không sinh năm 1973 như Vành Khuyên tưởng. Khi chọn VienXu_73 làm địa chỉ email tôi chỉ muốn ghi lại một móc thời gian khi tôi xa Việt Nam sang du học tại Hoa-Kỳ, đó là năm tôi trở thành người viễn xứ, miệt mài trên xứ lạ nhưng lúc nào cũng tơ tưởng đến quê nhà.
Năm ngoái tôi có trở về VN, lần đầu tiên sau nhiều năm xa cách. Tôi đã đi thăm lại ‘đường xưa lối cũ’, và tôi đã bồi hồi.  Tôi đã gặp lớp người mới lớn sinh sau chiến tranh điêu tàn, và tôi xúc động. Tôi muốn trả cho đất nước nơi tôi sinh ra một chút ân tình, góp một bàn tay cho tuổi trẻ VN, nên tôi đã quyết định sẽ trở về dạy học tại một trường đại học kỹ-thuật của một người bạn.
Vành-Khuyên đã biết vì sao tôi tìm bạn trong giới sinh viên. Tôi cần tìm hiểu tuổi trẻ bên nhà vì trong ít lâu sắp tới tôi sẽ miệt mài với công việc mới, và nếu tôi không hiểu đuợc đối tượng của mình thì không bao giờ tôi có thể thành công, dù chỉ là công việc nhỏ nhoi, hướng dẫn kỹ thuật trong lãnh vực hạn hẹp của mình.
Vành Khuyên đã cho tôi cơ hội, và trong lúc tiếp xúc, dù chỉ qua thư tín, tôi đã có lúc quên đi tuổi tác của mình. Tôi đã thực sự hoà mình vào những sinh hoạt của đám bạn trẻ trung bên đó, dù chỉ qua tâm tư. Tôi đã sống bằng ảo giác, tưởng như mình còn đang ở trong tuổi thanh xuân.
Thực ra thì tôi đã ở vào tuổi xế chiều. Tôi có một gia-đinh  êm ấm, các con tôi đã lớn khôn và đã đi xa. Tôi xin Vành-Khuyên tha lỗi vì thực ra tôi không bao giờ có ý định dối trá. Tôi sống tới tấm lòng vị tha, và sống bằng triết lý ‘yêu người để yêu mình’. Tấm hình  đính kèm thư nầy Trinh, vợ tôi, chụp cho tôi trong vườn sau nhà vào tháng trước.  Vành Khuyên xem, tóc tôi đã có nhiều sợi thay màu. Xin coi tôi là người bạn vong niên ở xa, và nếu Vành-Khuyên muốn, xin gọi tôi bằng chú, chú Duy với một tấm chân tình.
Vài tháng nữa là đến ngày tôi trở về V.N.  Nếu Vành Khuyên cho phép và vẫn còn coi tôi là bạn thì tôi xin được gặp mặt. Lúc nào tôi cũng tha thiết với  Vành-Khuyên và đám bạn-trẻ. Còn nếu không tiện, vì bất cứ lý do gì,  tôi cũng xin gửi một lời cám ơn vì quả tình các bạn đã cho tôi những giây phút tưởng như không bao giờ tìm lại được của một thời đã qua.
 
Thành thật,
Viễn Xứ: Trần Quang Duy”
 
Hơn một tuần tôi vẫn không thấy Vành-Khuyên trên mạng hoặc email trả lời. Tôi nghĩ thầm là kết thúc như vậy cũng hay. Tôi không có gì hổ thẹn với lương tâm, dù có đôi chút luống tiếc, như đánh mất một cái gì mình vẫn nâng niu.
Ðêm đó tôi làm việc khuya, gần muốn log-off thì Vành Khuyên bắt liên lạc lại. Vẫn những lời chào tôi đã thân quen “Hi Viễn Xứ”.
Tôi trả lời “Vành-Khuyên, Vành Khuyên …” và ngần ngại không biết bây giờ mình phải đối thoại với Vành-Khuyên sao cho đúng mức. Tuy nhiên những dòng chữ trao đổi với người bạn từ bên kia đại dưong sau đó lại rất bình thường:
- Nhận được email chưa?
- Chưa. Gửi bao giờ?
- Mới gửi 5 phút trước đây.
Tôi bật cười, cố gắng đánh máy dòng chữ thật nhanh:
- Chưa tới đâu… Có gì quan trọng không?
- Không, à có. Ðọc rồi trả lời nhé. VK đi đây.
- Ði đâu?
- Ăn bánh xèo với Thu. Hích hích... Good night & bye.
Tôi vào Outlook, tìm và thấy message của vanhkhuyen_21@yahoo.com  vừa tới:
 
Chú Duy,
Tụi cháu họp bàn và ‘xét đơn’ của chú rồi. Thu nói chú ‘vô tội’, Thúy khen hình chú ‘trông còn ngon lành’,  Liễu thấy chú đạo mao, nhưng mà có vẻ … hơi cù-lần. Riêng VK thấy vườn sau nhà chú đẹp quá, có cả tượng Phật nên VK chắc là chú … tu cũng  sắp thành chánh quả! Chú thấy đó, tụi cháu đã chấp nhận chú làm người bạn vong niên thân mến bên kia bờ đại dương.
Thành thật mà nói thì VK có hơi ngỡ ngàng khi đọc thư chú. VK cảm thấy như mất mát một chút gì mong manh nhưng đồng thời cũng thấy nhẹ người vì ‘hình như chưa có gì phải xót xa’.
Có lẽ giống như chú, VK cũng đã để cho trí tưởng tượng của mình bay qua đại đương, đến với những hình ảnh mơ hồ nhưng lôi cuốn. Mà tuổi trẻ nào không vậy, chú nhỉ. Chú cháu mình đều ‘vô tội’ như nhau.
Bao giờ chú về tới Sài-Gòn, nhớ liên lạc với Vành Khuyên.  Nhà cháu khó tìm lắm nên chú sẽ phải hẹn VK ở một nơi nào cho bọn cháu dễ tìm. 
Vành-Khuyên
T.B. Cháu định gọi chú bằng ‘Sư Tổ’, nhưng con Thúy nó bác. Nó nói gọi bằng ‘Ðại Sư Ca’ cũng còn được nữa là. Chú có đọc ‘Tiếu Ngạo Giang Hồ’ không?”
 
Tôi trả lời vắn tắt “Cám ơn Vành Khuyên. Sẽ tìm gặp khi chú về đến Sài-Gòn”, và thở nhẹ một hơi dài, nghĩ thầm “Con chim vành khuyên vẫn hót bình thường. Chắc không có gì quan trọng nữa. Bây giờ mình cần một giấc ngủ bình yên.”

*

Sài Gòn trời nắng chói chang. Tôi email cho Vành Khuyên và hẹn gặp nhau ở Brodard vào lúc 3 giờ chiều thứ Bảy sắp tới. Khách sạn Palace nơi tôi cư ngụ cũng gần đó nhưng tôi không dám hẹn Vành Khuyên tới nơi này, sợ bất tiện, nhất là chúng tôi chưa gặp nhau bao giờ.
Tôi đến Brodard vài phút trước giờ hẹn, chọn một bàn gần cửa kính để Vành Khuyên dễ nhìn. Vành Khuyên đã có hình của tôi, và tôi đã cho biết là tôi sẽ mặc áo màu xanh biển, nên chắc là không khó nhận ra. Quả tình tôi cũng có một chút nôn nao. Tôi chưa biết mặt Vành Khuyên, rất mong gặp được một người dễ thuơng để làm bạn trong những ngày mới trở lại quê nhà.
Khi tôi bắt đầu thấy sốt ruột, nhìn đồng hồ xem giờ, thì một thanh niên còn trẻ tiến lại bàn tôi,  cúi đầu chào, và xin phép ngồi xuống cùng bàn. Tôi hơi ngạc nhiên vì bàn trống còn nhiều nhưng cũng lịch sự, chìa bàn tay ra dấu mời ngồi.  Anh ta mỉm cưới, tự giới thiệu:
- Chú Duy, cháu là Vành Khuyên.
 Tôi gần như cứng người trên ghế:
- Vành Khuyên? Tôi cứ tưởng …
- Cháu biết, chú nghĩ Vành Khuyên là con gái. Chắc chú thất vọng lắm?
Tôi vội vàng cải chính:
- Không, không … Ngạc nhiên thì có, nhưng thất vọng thì không. Trong mấy dòng tìm bạn tôi có nói rõ là ‘trai hoặc gái, miễn là dễ thương’, và Vành Khuyên không bao giờ khẳng định mình là con gái khi liên lạc với tôi. Tôi chỉ cảm nhận vậy thôi. Hân hạnh được biết Vành Khuyên.
Tôi chìa bàn tay, bắt tay người bạn mới. Anh ta xiết chặt bàn tay tôi:
- Tên cháu là Hữu.
- Cám ơn Hữu đã tới. Cuối cùng chúng ta đã gặp nhau. Hữu uống gì nào.”
Hữu gọi một chai Coca, và chúng tôi bắt đầu chuyện trò một cách cởi mở. Tôi nói một chút về tôi, về những dự tính tương lai ở quê nhà, như những gì tôi đã viết cho ‘Vành Khuyên’. Hữu lặng lẽ ngồi nghe, thỉnh thoảng hỏi thêm vài điều, và hầu như không nói gì về mình.  Khi đã thấy khá thân tình tôi hỏi Hữu:
- Còn cháu thì sao? Cuối năm nay ra truờng rồi. Đã có gia đình hoặc ‘có một nơi nào’ chưa?
Hữu mỉm cười:
- Cháu còn trẻ quá, với lại cháu muốn đi du-học nên không muốn vương mắc lúc nầy. Chia tay sẽ khổ lắm.
Tôi đồng ý:
- Cũng phải. Ba mươi tuổi chú mới lập gia đình. Tuy nhiên thanh niên ở vào tuổi cháu mà không có tình yêu thì cũng hơi hiếm.
Hữu lại cười:
- Có chứ chú, nhưng chỉ nhẹ nhàng gần như là bạn mà thôi.
Tôi nghĩ thầm:
- Thằng bé ngoan.
Hữu uống cạn ly nước, nhìn tôi đắn đo:
- Cháu muốn mời chú về nhà cho biết. Không rõ chú có rảnh không.
- Rảnh chứ. Chiều thứ Bảy mà. Cám ơn cháu nhiều.
- Chú ngồi sau xe Honda cho cháu chở nhé?
Tôi thú thật:
- Hơi sợ, lâu lắm rồi chú không ngồi xe gắn máy, nhưng Hữu chạy chầm chậm thì chú sẽ không hốt hoảng đâu.
Nhà Hữu ở cuối một con hẻm sát rạch Thị Nghè. Căn nhà nhỏ nhưng khang trang, có sân và cây hoa huỳnh-anh trước nhà. Tôi nghĩ gia-đình Hữu thuộc loại khá giả nên Hữu mới có ý-định xuất ngoại tiếp tục việc học. Hữu mời tôi ngồi ngoài phòng khách và xin phép tôi vào nhà trong có chút việc. Tôi kín đáo quan sát xung quanh trong lúc chờ đợi, và thật sự hài lòng là mình đã đạt được một mục đích nho nhỏ, bắt đầu một giai đoạn mới của cuộc đời như dự tính.
Cô gái, tôi nghĩ là người làm, vén tấm màn cửa ngăn cách phòng khách và nhà trong, rón rén bưng khay nuớc trà. Cô ta cúi đầu chào, mái tóc xõa che gần kín khuôn mặt, đặt tách trà nóng còn bốc khói trước mặt tôi:
- Mời chú Duy dùng trà.
Tôi mỉm cười:
- Cám ơn -  và tần ngần không biết nói gì thêm.
Thay vì trở vào nhà trong, cô gái ngồi xuống chiếc ghế đối diện, liếc mắt nhìn tôi, tủm tỉm cười:
- Chú Duy không muốn gặp Vành Khuyên sao?
Tôi giật mình, nghĩ thầm:
- Vành Khuyên nào nữa đây?
Thấy tôi ngơ ngác cô gái che miệng cười:
- Cháu mới là Vành Khuyên. Hữu chỉ là anh họ, thuộc đám bạn con trai mà cháu thường đề cập với chú.
Thấy tôi vẫn ngồi ngẩn ngơ. Vành-Khuyên nói tiếp:
- Bộ tưởng ‘người ta’ là người làm trong nhà sao mà ‘hổng’ thèm nói chuyện.
Tôi bật cười, đúng là Vành Khuyên đây rồi. Bỗng dưng tôi trở nên hoạt bát:
- Chú đang ngẩn ngơ không biết gia-đình này làm cách gì mà lại mướn được một cô người làm dễ thương như vậy.
- Hứ, mới gặp mà chú đã ‘xạo’ rồi. Tên cháu là Phương Thảo. Đừng gọi Vành Khuyên ở nhà. Ba nghe thấy lại tưởng là cháu đòi đổi tên.
Tôi rơi từ ngạc nhiên này qua ngạc nhiên khác, nhưng lúng túng một hồi rồi tôi cũng hiểu hết. Chỉ vì con gái rụt rè nên Phương Thảo không dám tới gặp tôi ở chỗ lạ. Hữu được đề cử làm đại diện, nhận là Vành-Khuyên để xem thái độ của tôi như thế nào. Nếu tôi thất vọng, hoặc có thái độ và hành động như mấy ‘ông’ Việt Kiều kiêu căng thì ‘cho đi chỗ khác chơi’.  Hữu chấp nhận nên tôi mới được mời về nhà gặp Vành-Khuyên thứ thiệt!
Cô bé làm lành:
- Cháu xin lỗi vì đã không ‘tín nhiệm’ chú ngay từ phút đầu. Nhưng mà chú đã từ một thanh niên biến thành ‘sư tổ’, ý quên, thành chú Duy, thì cũng để cho cháu ‘hóa phép’ chút xiú chứ.
Tôi cười xòa:
- OK. Thế là huề cả làng. Bây giờ cháu còn gì nghi ngờ nữa không?
Phương Thảo tươi cười lắc đầu, gọi với vào trong nhà:
- Hello, bây giờ các bạn ra được rồi!
Hữu bước ra, theo sau là một cô gái khác. Phương Thảo giới thiệu:
- Thu đấy, còn Hữu thì chú đã gặp rồi.
Chúng tôi vui vẻ chuyện trò, và càng lâu tôi càng thoải mái, thấy mình không xa cách lớp người trẻ bao nhiêu, trái lại còn có cảm tưởng như là đã quen biết với Hữu, với Thảo và Thu rất lâu ngày. Thu hỏi tôi:
- Chú về Sài Gòn mấy tuần rồi sao bây giờ mới tìm gặp tụi cháu?
Tôi đắn đo một chút rồi tóm tắt kể cho Phương Thảo và bạn bè của Thảo nghe về  những ngày tôi ‘đi hoang’ với Jackie:
- Chú muốn thành thật với các cháu nên không dấu diếm, dù có chút riêng tư. Đó là lý do tại sao bây giờ chú mới đi tìm các cháu.
Thu phê phán thẳng thừng:
- Chú Duy bê bối quá. Mới ra khỏi nhà đã lăng nhăng!
Phương Thảo nạt Thu:
- Con Gà Tồ nầy!
Nhìn tôi Thảo hỏi:
- Jackie yêu chú vậy mà đành đoạn bỏ đi. Chú không biết cô ấy bây giờ ở đâu thật sao? Tội quá. Khổ vì tình chú nhỉ.
Tôi lắc đầu:
- Không, chú không biết Jackie bây giờ ra sao. Mà thôi cháu ạ. Một đoạn đời đã qua.
Hữu góp chuyện:
- Khổ thế thì Hữu cũng muốn khổ! Thu làm cho Hữu ‘khổ’ chút xíu đi.”
Chúng tôi cười vang trong khi Thu còn ngơ ngác. Tôi nhận xét:
- Hữu đẹp trai thế nầy thì trước sau gì rôi cũng ‘khổ’ thôi. Có qua Mỹ đừng tới San Francisco!
Thu hỏi:
- Tại sao?
Tôi tủm tỉm cười:
- Sợ mấy anh con trai khác sẽ bắt cóc Hữu. San Francisco là tổ của mấy chàng.
Hiểu ra Thu cười lăn lộn, còn Hữu mặt đỏ rần. Phương Thảo cũng cười:
- Chú Duy cái gì cũng biết, nếu qua được bên đó bọn mình cứ theo chân chú là chắc ăn.
Thấy đã khá lâu nên dù còn đang vui chuyện tôi đã định đứng lên cáo từ thì ba Phương-Thảo đi chơi đâu đó mới trở về. Phương Thảo giới thiệu chúng tôi:
- Đây là chú Duy, bạn của chúng con, ở Mỹ mới về nước dạy học, còn đây là ba cháu.
Tôi đưa tay bắt tay người đàn ông đã luống tuổi, có vẻ như đã già hơn tôi khá nhiều:
- Hân hạnh biết anh.
Ba Phương Thảo niềm nở:
- Tôi là Sáng. Mời anh cứ tự nhiên,  - rồi như có chút ngần ngừ - Tôi trông anh quen lắm. Hình như đã gặp anh đâu đó.
Phương Thảo cười:
- Chú Duy mới về nước, và  bận đi ‘giang hồ’ tuốt ngoài Hà-Nội, ba gặp thế nào được!
Tôi cười khổ:
- Phương Thảo đang kể tội tôi đó. Thực ra tôi trông anh Sáng cũng quen lắm.
 - Xạo. Chú Duy lại xạo nữa rồi. Phương Thảo không tin.
 Sáng xin lỗi, anh quay lưng vào nhà nhưng chỉ bước đi vài bước anh chợt quay lại:
- Xin lỗi anh Duy nếu tôi tò mò không đúng, tên anh có phải là Trần Quang Duy, ‘ngày xưa’ ở Đà Nẳng?
Tôi ngỡ ngàng:
- Vâng, tôi … tôi…
Sáng bật kêu lên:
- Commandant, trời ơi, Commandant!
Khi nghe Sáng gọi ‘Commandant’ thì tôi đã nhận ra anh. Chúng tôi ôm lấy nhau nghẹn ngào. Hơn 30 năm rồi còn gì. Ngày đó Sáng và tôi cùng ở trên một khinh tốc đĩnh do tôi chỉ-huy. Sáng là cánh tay phải của tôi. Chúng tôi vẫy vùng ngoài biển Bắc, vào sinh ra tử có nhau, và nhiều lần uống rượu chung với nhau đến say mềm. Sáng quay sang đám trẻ đang đứng như phỗng nhìn chúng tôi:
- Tụi bây vô trong cho ba nói chuyện với Commandant.
Tôi can:
- Anh Sáng, cứ để cho các cháu ngồi đó. Chúng nó cũng cần biết thêm về mối liên hệ của chúng mình.
Phương Thảo năn nỉ:
- Nói con nghe đi ba. ‘Commandant’ là  làm sao.
Sáng hình như vẫn còn xúc động, anh nói không ra lời. Tôi giải thích cho đám nhỏ:
- Lớp người của ba cháu và chú ít nhiều chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp nên thường dùng những  từ ngữ Pháp thông dụng trong câu chuyện hàng ngày. Trong quân chủng ba cháu và chú phục vụ ngày xưa, người chỉ huy được gọi là ‘Commandant’, cũng như ‘thủ trưởng’ bây giờ vậy.
Quay sang Sáng tôi tiếp:
- Anh Sáng à, thôi đừng gọi tôi là Commandant nữa, gọi tôi là chú Duy như bọn trẻ này cũng được rồi.
Hữu vỗ tay:
- Đúng rồi chú Tư. Ba cháu ngày xưa cũng hay nói cái gì ‘Đại Bàng” với ‘Mặt Trời’. Bây giờ ai ổng cũng ‘anh anh, tui tui’ hết trọi.
Sáng lắc đầu:
- Ba mầy khác, tao khác, quân chủng của tao khác, -  và quay ra lũ trẻ anh ‘ra lệnh’  - Tụi bây ngồi yên đó. Không được làm phiền Commandant.
Phương Thảo bĩu môi nói nhỏ:
- Bạn con chứ bộ.
Sáng kể lể:
- Khi Commandant rời Đà Nẳng về Sài-Gòn anh em ai cũng buồn. Sau đó nghe tin Commandant qua Mỹ du-học, rồi bặt tin luôn. Vật đổi sao dời, không ngờ lại có ngày gặp nhau. Commandant không khác xưa bao nhiêu, nên mới thấy mặt là tôi ngờ ngợ liền.
Thu chen vào:
- Bác Tư nói hồi chú Duy rời Đà Nẵng ai cũng buồn. Có cô nào trong đó không?
Sáng cười:
- Cái đó thì có. Đêm giã từ Commandant uống say mèm, chẳng còn biết trời đất gì, tụi tôi phải đưa về nhà ‘cô ấy’ nhờ săn sóc. Lâu ngày quá quên mất tên.
Thu lại kết tội:
- Chú Duy bê bối quá.
Riêng Phương Thảo chỉ nhìn tôi, cười bằng mắt. Tôi ân cần thăm hỏi:
- Còn anh Sáng. Từ độ đó tới giờ đời sống ra sao?
Sáng vắn tắt:
- Thì cũng trôi theo dòng đời, nhiều lúc đói khổ, nhưng nhờ có nghề electronics cũ nên bây giờ tôi đang làm làm việc cho một hãng ngoại quốc, cũng khá sung túc, và còn dành dụm được ít tiền bạc cho con cái đi học.
Chỉ Phương Thảo, Sáng tiếp:
- Nó là con gái út của tôi. Chỉ được có hai đứa. Con chị nó đã lấy chồng, yên bề gia thất, tôi cũng mừng. Riêng nó cuối năm nay ra trường, cứ đòi đi du-học chứ không chịu chồng con gì cả.
Tôi ngập ngừng:
- Thế còn chị nhà đâu không thấy.
Phương Thảo cướp lời:
- Mẹ cháu qua đời lâu rồi. Chú coi cháu côi cút ‘zậy’ đó mà ba cháu ‘hổng’ thương.
Tôi thở dài:
- Xin chia buồn với anh, và vớí cháu. Phương Thảo à, chắc ba cháu phải yêu thương mẹ cháu và các cháu lắm nên mới gà trống nuôi con mấy chục năm nay.  Cháu cám ơn ba cháu đi.
Sáng đưa tay dụi mắt:
- Nhà tôi cũng người Bắc như Commandant. Tới lúc các con tôi sắp nên người thì bả không còn. Thôi Commandant à, mình nhậu một chầu nghe.
Những bất ngờ chiều nay vẫn còn làm tôi choáng váng nên tôi tìm cách kiếu từ:
- Để lúc khác, anh Sáng. Tối nay tôi có hẹn nên phải đi bây giờ. Mình còn nhiều ngày giờ. Nếu anh cho phép tôi sẽ lui tới thường hơn. Ngoại trừ một đứa cháu, tôi cũng không còn có ai là người thân ở Sài-Gòn.  Xin phép anh. Phương Thảo và các cháu, chú về nhé.
Phương Thảo nắm cánh tay tôi:
- Chú Duy.
Tôi im lặng đợi chờ. Thảo nhìn vào mắt tôi:
- Nhớ đường tới nhà cháu chưa?
Tôi nhìn vào đôi mắt long lanh trìu mến ấy, và nhẹ gật đầu:
- Làm sao quên được.
Sáng và Phương Thảo đưa tôi ra đến tận đầu ngõ, đứng đợi cho đến lúc chiếc taxi mang tôi đi lẫn vào bóng chiều nhạt nhoà.
 
Trần Quang Thiệu
______________________
[1] Xin đọc Gió Thoảng Tây Hồ - Cùng tác giả.

Xem Tiếp: ----