Hết một năm, tôi quyết định lấy tiền dành dụm mua chiếc xích lô mà trước đây tôi phải thuê của dì Sáu. Nhưng không phải thuê xe thì thuê chỗ ở, bởi cuối cùng tôi cũng không đủ gan lì để đêm đêm vác chiếc xích lô về ký túc xá. Nhờ cô Mai ở toà soạn mà tôi nhận giao báo chỉ cho, tôi thuê được một phòng nhỏ trong chung cư của một nữ nhà thơ.
Một căn phòng dường như đã bị bỏ quên lâu lắm. Tuy nhiên bàn ghế vẫn y nguyên, một cái giường tầng vẫn y nguyên và cả bốn giò phong lan đã héo khô nhưng nhìn kỹ vẫn thấy một chút lõi xanh xanh còn thoi thóp. Căn phòng nhỏ xíu với khung cửa sổ chiếm gần hết bức tường. Buổi chiều hôm mới dọn tới, tôi làm móc treo bốn giò phong lan lên cánh cái quạt trần cổ lổ sĩ đã hư, cứ nghĩ biết đâu có ngày nữ nhà thơ lại nhớ tới nó, rồi trèo lên bệ cửa sổ, thõng hai chân ra ngoài, nhìn xuống khoảng sân ximăng đã sụp lở, lồi lõm, mọc đầy rêu của cái chung cư bốn tầng hình chữ U này.
Hoá ra căn phòng ở lầu bốn của tôi là một đầu nhánh của chữ U. Cứ ngồi nấn ná tới trời tối mịt thì tôi biết thêm rằng, chung cư này đã bỏ trống hơn một nửa, lác đác những căn phòng ở lầu dưới sáng đèn, còn ở lầu bốn chỉ duy nhất có căn phòng ở đầu nhánh kia của chữ U, tức là có cửa sổ đối diện với cửa sổ phòng tôi. Và, mặc dù cách một khoảng, bên dưới là mảnh sân sâu hút, tôi vẫn thấy rõ ràng hai dãy kệ sách lớn với bộ bàn ghế bằng gỗ, qua khung cửa sổ đó. Sau nữa tôi biết được, người ở bên đó là một nhà văn mà mới nghe tên tôi đã thầm vị nể. Nhà văn ấy, lần đầu tôi được bắt chuyện là lúc ông đang viết.
Hôm đó, lúc đứng ở ngoài cửa kêu "chú ơi", tôi thật sự rất hồi hộp. Một lúc sau mới có tiếng mở cửa, ông nhà văn ở trần, mặc quần cụt xuất hiện sau hai cánh cửa mở toang, tóc ông đã có nhiều sợi bạc và ông không đẹp, nhìn biết ngay là người không lao động chân tay. Tôi móc thẻ sinh viên ra rồi nói: "Con là sinh viên sư phạm văn, con ở cái phòng ngang mặt chú nè, chú cho con mượn sách đọc, chừng rồi con đem qua trả".
Ông nhà văn nhìn cái thẻ, nhưng vẻ như không phải muốn coi mà chỉ thắc mắc đó là thẻ gì, rồi ông nói: Ờ, cháu vô nhà đi". Ông còn dang tay đẩy thêm cánh cửa, nhưng nó đã rộng hết cỡ rồi. Vô phòng, ông lại chỗ bệ cửa sổ đứng, tôi ngồi xuống cái ghế gỗ tròn, ngó quanh quất. Tới khi, thấy ông nhìn ra ngoài cửa sổ, tôi đứng dậy chỉ cho ông thấy tôi ở bên kia, nhưng ông chỉ khẽ gật đầu, còn mắt ông cố với nhìn ánh đèn hắt ra từ căn phòng ngay dưới phòng ông, tức là ở lầu ba. Cuối cùng ông nhà văn cho tôi mượn hai cuốn văn học Liên Xô, còn mấy tập thơ tôi hỏi thì ông nói vì nó mỏng lắm, ông không lục liền được, nhưng ông sẽ kêu "con Thương" - con gái ông - lục cho, khi nào có ông sẽ "hú" tôi. Tôi dặn ông đừng "hú" tôi ban ngày vì tôi đi học, còn đi làm nên thường khuya mới về. Ông nhà văn vừa đuổi theo đập kỳ được con gián chui ra từ lỗ trống mà ông mới rút mấy cuốn sách, vừa nói: "Ờ, chú cũng có thằng con trai, nó cũng vừa học vừa làm vất vả lắm".
Đêm đó về, tôi cứ trằn trọc. Tôi có mấy bài thơ và hai cái truyện ngắn chỉ mình tôi biết, chắc bữa nào tôi sẽ đưa ông góp ý giùm, ờ mà khi học, có gì không hiểu, tôi sẽ nhờ ông lý giải, tôi mừng lắm. Tới lúc thiu thiu, tôi vẫn còn bồng bềnh trong cái ánh sáng vàng ấm của chụp đèn bàn rọi lên phím máy chữ trong phòng ông nhà văn mà quên khuấy mấy câu ông trả lời tôi, thực ra ông có trả lời tôi đâu, ông toàn nhắc con ông thôi.
Sau này tôi nhớ lại, trước đó tôi đã gặp ông hai lần. Một lần ở con hẻm dẫn vô chung cư. Đêm đó tôi đạp xe về khuya, trời lại vừa đổ cơn mưa, hẻm lầy lội và hiu hắt, thì có hai chiếc Honda nghiêng ngửa chạy ào vô, bốn người trên xe hát vang dậy. Đến sân, họ thả xuống một người rồi quay ra. Người đó là ông nhà văn. Ông còn đứng đó la: "Ừ, tụi mày về đi", rồi mới xiêu vẹo đi vô. Tới ngang nhà xe, ông cười toe, nói lớn với bác giữ xe già nua: "Chào bác Ngộ nghen!". Còn lần thứ hai, là ở ngay cầu thang chung cư, tôi thấy rõ ràng ông xỉn bét nhè đang rượt đuổi một bà, nhưng ông chạy không nổi, nên ngật ngừ một lúc rồi thôi. Lúc đó tôi chưa biết ông là ông nhà văn ở đối diện phòng tôi và tôi cũng vô cùng khó chịu, nhưng tôi không dám có thái độ gì, vì e dè nghĩ, nhiều khi là giỡn.
Rồi từ đó về sau, tôi rất hay gặp ông, vì tôi đã quen với ông và hễ ở đâu có dáng ông là tôi rất chú ý. Lúc thì tôi với ông nói chuyện rất thân ái mỗi khi tôi đọc được tên ông trên báo hay sách ông vừa in, mặc dù ông hay lơ đễnh còn tôi lễ phép thái quá. Lúc thì tôi thấy bạn bè đưa ông về, và cũng nhiều lần tôi chứng kiến lại vụ rượt đuổi khi say khướt của ông, khi là bà này, khi lại là cô kia. Đúng là tôi cũng khó chịu, nhưng lại muốn đưa ra những lý do bênh vực cho ông, bởi vì tôi cảm mến chữ nghĩa của ông lắm. Và có điều khiến tôi cũng yên tâm cho ông, không như thói thường ở chung cư, ở đây rất lạ, mọi người cứ sống rất tự do, mà chẳng thấy cảnh tụm năm tụm ba xì xào to nhỏ. Sau này tôi mới biết, đây là một chung cư trước cấp cho ngành văn hoá, rồi những ai thức thời khá giả đều đã ra mua nhà riêng, còn lại hình như đều là những người lận đận. Ông nhà văn và gia đình ông thuộc nhóm tới đây sớm nhất và còn ở tới bây giờ.
Khi tôi tới lui mượn sách tới lần thứ ba, thì tôi gặp Thương, con gái ông. Bữa đó đã khuya, tôi vừa gõ, cửa đã mở, không phải ông mà là một cô gái, cũng còn trẻ như tôi, cao, tóc dài rẽ ngôi với một khuôn mặt ngây thơ và xanh xao. Tôi thấy cô hơi yếu đuối nhưng rất đáng yêu. Cô không nói gì, nhưng vẻ mở cửa có ý là "vô nhà đi". Ông nhà văn nằm dài trên sàn gạch bông ngáy khò khò, trên giường cái mùng đã sập xuống nhưng chưa vén góc. Trong khi tôi nói trả sách và hỏi mượn mấy cuốn mới thì Thương leo lên giường tấn mùng rất tự nhiên. Xong xuôi rồi, cô bước xuống kêu: "Ba ơi" rất lớn, ông nhà văn đứng dậy trèo vô mùng như người máy. Thương kéo hai chân ông lại cho ngay ngắn, cho ông ôm gối, tấn mùng xong mới lại cầm mấy cuốn sách tôi trả, nói: "Học sư phạm mà anh cũng chịu đọc quá". Rồi cô để sách vô kệ.
Tôi để ý thấy cô để đúng ngay chỗ mà hôm trước ba cô đã lấy ra. Từ đó đến lúc lấy sách mới cho tôi, Thương không nói thêm gì nữa. Rồi cô lấy cái thùng nhựa đỏ, tôi đoán là chứa nước đá, để ngay dưới gầm giường của ông nhà văn, cẩn thận đóng bớt cánh cửa sổ. Tôi nhìn Thương, còn cô thoáng nhìn ra trời đêm đầy sao. Khi quay lại nhìn thẳng vào mắt tôi đang chăm chú đứng ngó, tôi thấy cô lộ vẻ khó chịu, nên vội từ giã ngay.
Từ đó, tôi không đến phòng ông nhà văn vào buổi tối nữa mà qua vào buổi sớm mai. Đối diện với phòng ông nên tôi biết, dù đêm qua có say đến mức nào, cứ bốn, năm giờ sáng là phòng ông đã sáng đèn và khẽ vang tiếng máy chữ. Tôi tránh đối mặt với Thương, mặc dù từ đó cô vô tình đã thành mục tiêu chú ý mà tôi không cách gì cưỡng lại được.
Tôi biết được Thương với mẹ và em trai ở trong căn phòng ngay dưới phòng của ông nhà văn. Ở đó, mẹ Thương hàng ngày ngồi làm những con búpbê bằng len để bỏ mối cho một cửa hàng bán quà lưu niệm. Một diễn viên múa sớm bỏ nghề và bỏ cả nhan sắc vì căn bệnh rụng tóc, mà theo lời Thông - em trai của Thương - nói với tôi khi chúng tôi đã tạm thân nhau là: "Mấy nghề bạc bẽo đó, vướng vô rồi thì có tài hay không, đến kết cục cũng một cuộc đời tàn tạ mà thôi". Tôi cũng có hỏi lại: "Tàn tạ là sao mậy?", nó trả lời: "Thì có giống ai đâu". Thật sự tới lúc này, trong tôi vẫn còn cái cảm giác bồng bềnh mỗi khi nhớ tới ánh sáng vàng của chụp đèn bàn rọi trên phím máy chữ, cả cái mùi say say của khoanh nhang muỗi đặt bên cạnh. Và tôi im lặng. Thông tiếp: "Chắc ba em cũng biết vậy, nên lúc thường bắt con cái học kinh tế, vậy mà nhỡ xỉn lên là ổng nói khác".
Cho nên, Thông học kinh tế, Thương cũng học kinh tế, nhưng Thương thi đại học hai năm mới đậu, vào đại học lại lưu ban một năm, kết cuộc là hai chị em học chung một khoá. Thông còn kể: "Vô giảng đường hơn bốn năm bả không có một người bạn, không bắt chuyện, người ta hỏi thì cười, ai mà chơi với mình, học mà không vô trường làm sao giỏi nổi".
Còn Thông, ba năm đại học, đã làm được ra tiền giúp đỡ rất nhiều cho mẹ. Tôi cảm thấy khâm phục Thông, tôi đạp xíchlô chỉ đủ nuôi tôi ăn học, còn Thông kiếm tiền một cách khôn ngoan bằng việc kinh doanh. Thông cùng bạn đấu thầu dịch vụ photocopy ở thư viện trường. Thông bất mãn với cha, giúp mẹ nhẹ việc tiền nong, cũng cố ý quyết làm cho Thương "sáng mắt".
Hơn nữa, Thông chán ngấy chung cư cũ rích này, nơi mà mỗi ngày lên đến lầu một phải chịu đựng tiếng đàn cò ò e của ông thầy đờn mù đã hết thời, lên đến lầu hai phải chạm mặt những cuộc nhậu dai dẳng ở phòng cạnh cầu thang của một tay hoạ sĩ trẻ. Thông khổ sở với những cuộc rượt đuổi của cha trong cơn say xỉn, thành ra chán luôn chỗ trú ngụ của mình, cái nơi mỗi ngày mẹ Thông ngồi đan búpbê len mà mặc áo váy đẹp như đi múa. Thông ghét cái máy hát cứ rền rĩ những khúc ca Nga rồi tới nhạc giao hưởng, cái nơi mà Thương có nhà thì chỉ biết chúi mũi đọc sách. Thông chẳng thấy có gì hay, thậm chí khó hiểu sao người ta lại thích những điều vu vơ ấy cả một đời người được? Nhất là đối với Thương, Thông cho rằng cô sống không ra gì. Hằng ngày, sớm mai và tối khuya Thương đều lên "thăm" cha, còn trong ngày thì đi biệt. Chính Thương đã dẹp không cho cha đi xe nữa, nên tôi mới thường gặp cảnh bạn bè ông nhà văn đưa ông về. Thương ít nói thành lời, đôi khi lời nói có vẻ kiêu, nhưng hình như ý của Thương không phải vậy.
Có lẽ Thương ít nói là vì không biết làm cho người đối diện thông hiểu, chứ không phải là cô không biết nói gì. Thương rất hay nói chuyện với cha, nhiều đêm tôi đứng ở phòng mình nhìn sang thấy hai cha con ngồi nói chuyện tới khuya, thỉnh thoảng còn vung vẩy đôi tay. Đó là khi ông nhà văn không say.
Thường thì mỗi khi tôi ghé nhà chơi (đây là căn phòng ở lầu ba), lúc nào cũng gặp mẹ Thương. Khi thì bà ngồi đan, mình mặc áo váy rất duyên dáng, nhưng tôi ngại nhìn lên mặt bà, với mái tóc giả mềm, ép sát vào đầu, đôi mắt cực kỳ dò xét và nét mặt thay đổi rất lẹ. Lúc nào cạnh bà cũng có cái máy hát cũ kỹ du dương những bài ca lạ lẫm với tôi. Một vài lần, bà ngủ, mắt khép nhưng vẫn ngồi trên ghế dựa, tôi vẫn cứ sợ bà chỉ giả vờ ngủ thôi.
Còn Thương, lâu lắm tôi mới gặp cô ở nhà một lần, mà những lúc hiếm hoi đó, Thương lại dọn dẹp, nói đúng hơn là đánh bóng nhà cửa sạch đến nỗi tôi thật sự e dè khi bước chân vô. Thông nói Thương ít khi tới trường. Tôi nghĩ, không biết cô gái mỏng mảnh với khuôn mặt ngây thơ kia sẽ đi đâu cả ngày này tháng nọ?
Thỉnh thoảng tôi lại thấy cô đi ngoài đường cùng một người, hoặc một người đưa về tới cổng, toàn bạn trai, quanh đi quẩn lại cũng chỉ vài khuôn mặt, áo quần trông có vẻ xốc xếch nhưng không phải rách rưới, một đôi người râu tóc xồm xoàm. Nhưng không hiểu sao tôi cứ nghĩ, cô gái ấy làm sao có thể là bạn gái để nắm tay hay chở đi chơi, rồi dẫn về ra mắt gia đình của riêng một ai được?
Đôi lúc gặp Thương ở nhà, thường thì tôi phải ngại ngần làm kẻ dàn xếp giữa sự dằn dỗi vì bẽ mặt của mẹ Thương và sự im lặng vô lối của cô, và còn phải trân mình chịu luôn những câu bóng gió giả tạo của bà. Còn nếu như có thêm Thông thì sẽ thành cái tựa như một trận chiến. Khi đó, Thương quên hết mọi thứ và chĩa mũi dùi về mọi phía. Và tôi thấy rõ ràng sự khinh miệt trong từng câu nói của cô, lần nào tôi cũng vừa buồn vừa sửng sốt. Bà mẹ đa phần đứng về phía con trai trong những chuyện về đời sống. Nhưng có một vài lần hiếm hoi, bà lại bất ngờ quay hẳn về phía con gái, đó là ở những chuyện gọi nôm na là tinh thần.
Tôi cảm thấy bà thật sự hiểu và đôi lúc thấy thương cho sự lạc lõng của Thương, nhưng nhiều lần bà lại có vẻ thầm ganh cả với con gái của mình. Còn đối với Thông, bà thông đồng và hay ra vẻ sợ nó, nhưng thực ra bà đâu có sợ. Những lúc khác, trong căn nhà đó hoàn toàn im lặng, ai cũng có suy ngẫm của riêng mình, nhưng ác thay, chúng lại lệch nhau một cách mỉa mai.
Có một điều đặc biệt, hầu như trong căn phòng tầng ba không bao giờ nghe nhắc đến ông nhà văn của tôi, người cũng là một thành viên trên danh nghĩa. Hình như đã thành một quy ước bất thành văn, ông đã là của riêng Thương, cả quyền và trách nhiệm. Chỉ có một lần tôi chứng kiến họ nhắc tới ông. Hôm đó, tôi xuống giúp Thông đóng lại những tấm nilông che nước thấm xuống từ trên nóc. Ở nhà có đủ ba người. Tôi leo lên đóng, còn Thông đứng trên thang và đưa đinh. Vô tình, Thông buông một câu trống không: "Tiền trong ngân hàng cũng gần đủ rồi, bữa nào rút ra cất nhà nghen?". Xung quanh im lặng, Thông tiếp tục: "Nhà nhỏ thôi, rồi dọn khỏi chỗ quỷ này cho rồi!". Bất ngờ, nó quay hẳn người lại trên cái thang: "Mẹ nín thinh vậy, mẹ cũng chịu mà?". Bà mẹ giật mình như người bị lật tẩy, liếc nhìn Thương, rồi ậm ừ: "Sao cũng được!".
Thông tiếp: "Vậy sẵn đây nói luôn, chị Thương, bữa nào chị nói với ba, nhà mình tính cất nhà trên miếng đất ở chân cầu Sài Gòn đó, để ổng tính!". Tôi cảm thấy mẹ Thương đang soi mói nhìn tôi rồi trừng mắt với Thông, nhưng tôi vẫn làm ra vẻ bình thường, ngoắc Thông đưa tiếp đinh. Thương vẫn lơ đãng như mọi khi với vẻ "thật ra là vậy, nên anh có biết hay không cũng có sao đâu". Nhưng tôi cố chờ, vẫn không nghe Thương nói gì. Lúc ấy bà mẹ tự nhiên nói lớn: "Đất đó là của mình mà, phải không?". Thương nói "không" một tiếng lạnh, lại thấy cô cười vu vơ. Im lặng thật lâu, tôi đã đóng hết đinh mà vẫn trù trừ chưa xuống. Lại nghe Thương tiếp: "Đất đó cô Sáu mua để chôn cất ông bà, rồi làm đất chung luôn!".
Bà mẹ cố dịu giọng: "Nhưng mà lúc đó ba mày cho mượn tiền!". Thông chêm vào: "Từ đó tới giờ có trả đồng nào đâu". Giọng Thương tự nhiên lớn hẳn: "Tôi không biết mấy chuyện đó, vậy ba không phải con ông bà nội à?", rồi cô giật tới giật lui mấy trang sách. Thông cũng lên giọng: "Chị không biết thì thôi, tôi chỉ nhờ chị nói với ba chớ không cần chị đóng góp gì thêm đâu. Cất nhà mới chị cũng ở, có chút chuyện chị không giúp được sao?". Thương gấp sách: "Ai cần thì nói, tôi không biết nói mấy chuyện này!". Mẹ Thương giọng uất ức: "Hồi đó, lúc mang bầu mày, ổng còn kêu tao phá bỏ...". Tôi nghe buồn. Thương giọng vẫn tĩnh, lạnh lùng: "Ba chưa bao giờ nói xấu mẹ một lời!".
Nói xong cô thong thả bước tới cái móc treo, với lấy chiếc áo ấm có những chấm hoa nhỏ li ti, và đi ra cửa. Tôi cũng ngại ngần nói với Thông, tôi về bắt nồi cơm rồi qua. Tôi có chào mẹ Thương, bà có gật đầu nhưng dường như không hay. Thật ra tôi đi theo Thương, tôi đi trộm, núp ló theo sau. Tôi theo cô ra khỏi chung cư, đi vòng vèo qua những dãy nhà cũ chập choạng trong ánh chiều, qua những gờ tường lâu lâu lại bất ngờ có một chậu bông rực rỡ, rồi tự dưng cô đứng lại, ngó quanh quất rồi lại đi.
Và, cuối cùng, cô chui vào một buồng điện thoại công cộng. Tôi đứng một lúc lâu, núp sau thân cây to vệ đường mà nhìn Thương. Giữa đám lá vàng lác đác rơi vòng, cô đứng trong khung kính trong veo, mặc cái áo lấm chấm hoa, tóc rẽ ngôi, điện thoại cầm tay và khóc. Còn tôi, một đứa trẻ mồ côi lăn lộn mà sống cô đơn giữa đời đã hai mươi mấy năm nay, lần đầu tiên trong đời mơ hồ biết được cảm giác cô độc là thế nào.
Sau lần đó, không hiểu sao tôi e ngại không dám đến căn nhà tầng ba và cả căn tầng bốn bên trên. Nhưng tất cả những người trong nhà tình cờ gặp tôi đâu đó, thái độ họ vẫn bình thường như không có chuyện gì. Tôi nhân tiện có dịp gặp ông nhà văn ở cầu thang mà gởi trả ông mấy cuốn sách. Thông thỉnh thoảng vẫn gặp tôi và vẫn kể này kể kia cho tôi nghe.
Riêng Thương, chẳng hiểu sao tôi vẫn cứ dõi theo mỗi lần cô đi về chung cư, mỗi lần cô ngồi trước cửa sổ căn phòng tầng bốn đối diện phòng tôi. Riết rồi tôi biết gần như chính xác lịch trình đi về của Thương. Và tôi vẫn có những lần đi trộm theo cô mà không biết để làm gì. Tôi càng lúc càng hoang mang, vì nghĩ có ngày cái bước chân trộm theo của mình sẽ bại lộ.
Rồi tôi tự hỏi, hay nữ nhà thơ cho tôi thuê nhà cũng bỏ quên tôi như bốn giò phong lan của bà? Tôi mong bà lắm, để tôi trả cho rồi tiền thuê nhà chất chồng đã nhiều tháng. Và tôi sẽ dọn khỏi chỗ trọ buồn bã ở chốn văn chương này. Nhưng những người tôi thoáng gặp ở đây, biết đến khi nào tôi mới quên cho được?

Xem Tiếp: ----