Hai vị công tử ăn mặc y hệt binh sĩ quân đội Anh hoàng, khoác súng săn bóng loáng trên vai, dắt theo hai con chó to như gấu trắng, đang đạp lá khô rào rạo, bước trên con đường khá sâu trong núi. Họ vừa đi vừa tán gẫu: - Cái vùng núi rừng này sao mà quái thế! Chả có lấy một bóng chim bóng thú. Bây giờ tớ muốn gặp bất cứ thứ gì miễn là pằng pằng được cho đỡ ngứa tay thôi. - Nếu mà có con nai nào nằm phơi cái bụng vàng ra đây để tụi mình nện hai ba phát hỏi thăm sức khỏe thì hết ý nhỉ. Tớ cứ tưởng tượng lúc nai chạy loanh quanh mấy vòng rồi ngã đánh ầm. Hiện họ đã đi khá sâu vào trong núi đến nỗi người thợ săn chỉ đường cho họ cũng lạc mất dấu. Họ không biết mình đang loanh quanh ở đâu. Tệ hơn nữa, cảnh núi rừng khủng khiếp quá thể nên hai con chó săn to như gấu trắng kia bỗng thấy đầu óc choáng váng một loạt, hộc lên hộc xuống rồi sùi bọt mép lăn quay ra chết. - Thế là tớ mất toi hai nghìn bốn trăm đồng yên bỏ ra mua con nỡm này. Một trong hai vị công tử lật sơ mí mắt một con chó chết, vừa xem vừa bình phẩm. - Còn phần tớ thì thiệt mất những hai nghìn tám vì con này cơ đấy! Công tử thứ hai lắc đầu ngán ngẫm. Sắc mặt công tử thứ nhất bỗng nhợt nhạt, cậu kia nhìn mặt bạn rồi bảo: - Tớ muốn quay về thôi, cậu ạ! - Ừ, tớ cũng thấy gây gây lạnh và hơi đói. Thế mình về nhé! - Hôm nay chấm dứt ở đây được rồi. Có gì trên đường về mình ghé cái nhà trọ tôi qua, bỏ mười yên mua vài con chim núi đem về cùng là được. - Ở đó, bọn họ còn bán cả thỏ rừng. Rốt cuộc, không phải vậy mà cũng giống vậy. Thôi, mình về! Thế nhưng kẹt cho hai cậu là dù họ có muốn về cũng không biết phải đi lối nào. Gió giật từng cơn, cỏ xào xạc, lá lao xao và cành cây rung lách cách. - Đói bụng quá đi thôi. Từ nãy giờ đói đau thắt cả ruột. - Tớ có hơn gì cậu đâu. Thiếu điều bước hết nỗi rồi. - Sức đâu mà đi. Tớ muốn có cái gì dằn bụng ngay thôi. Hai công tử nói với nhau như thế khi họ đứng giữa đám cỏ lau. Cũng vừa lúc đang nhìn dáo dác chung quanh, họ chợt thấy một căn nhà gạch sang trọng cất theo lối Tây Phương hiện ra. Ngoài hiên nhà có tấm biển đề: Restaurant Hiệu Cơm Tây Wild Cat House - Quán Mèo Rừng (2) -Này cậu! Vừa vặn quá! Sao ở chốn này lại có được cái quán. Mình vào đi nhé! -Tớ ngại quá, tiệm nào mà mở ra nơi đây. Nhưng thôi, chắc phải có cái gì ăn chứ! -Dĩ nhiên. Không thấy biển đề kia à? -Ta vào đi vậy. Tớ mà không có cái gì vào bụng là xỉu ngay bây giờ! Hai người đứng trước tiền sảnh.Nơi này lợp toàn ngói bằng sứ trắng, trông thật hoa lệ. Thế rồi họ thấy trên cánh cửa kính để mở có khắc một hàng chữ vàng như sau: Bất cứ vị nào cũng mời bước vào trong. Xin đừng e ngại.
Hai người hết sức mừng rỡ, nói với nhau: -Cậu thấy không. Mọi sự rồi cũng suông sẻ thôi. Suốt ngày mình thiếu may mắn bao nhiêu nhưng bây giờ cũng có cái hên như thế này. Coi bộ họ muốn nói ở tiệm này mình cứ ăn mà chẳng phải lo trả tiền. -Có lẽ cậu nói đúng. Câu nói của họ chắc ngụ ý như thế. Hai người mới đẩy cửa vào trong và gặp ngay cái hành lang. Đằng sau cánh cửa kính, họ lại thấy khắc mấy chữ vàng: Đặc biệt hoan nghênh các vị khách trẻ và béo tốt. Hai người thấy viết được đặc biệt hoan nghênh, không khỏi vui mừng. -Này cậu, cứ như bọn mình là hết sức được hoan nghênh đấy nhé! -Tụi mình đáp được cả hai điều kiện kia mà! Họ đi xâm xâm dọc hành lang thì vừa vặn gặp một cánh cửa sơn màu xanh dương. -Cái nhà này kỳ ghê ta! Sao mà nhiều cửa nẻo vậy kìa! -Nhà kiểu Nga đó. Ở trong núi sâu lạnh lẽo nên phải bố trí như thế. Khi họ dợm mở cánh cửa thì thấy trên đó lại ghi một giòng chữ màu vàng: Quán chúng tôi đòi hỏi lắm chuyện. Dám mong quí khách niệm tình. -Làm ăn khá quá hả! Ở giữa rừng -núi như thế này! -Nhằm gì! Mấy hiệu ăn lớn ở Tôkyô cũng đâu nằm ngay ở ngay phố chính. Hai người vừa nói với nhau vừa mở cánh cửa thì ở mặt trái của nó, họ thấy viết: Khách đặt món ăn rất đông. Cảm phiền đợi đến phiên mình. -Viết thế này là muốn nói cái gì? Một trong hai cậu hơi nhăn mặt. -Hừm. Chắc họ muốn cho biết không hở tay vì nhiều khách đặt món ăn nên xin lỗi trước. -ƯØ, chắc thế. Tớ chỉ muốn họ nhanh nhanh đưa mình vào cái phòng nào đó. -Rồi sắp cái bàn để mình ngồi nhỉ! Có điều rắc rối là hai người bỗng thấy một cánh cửa khác hiện ra và bên cạnh nó có treo tấm kính. Dưới chân đã bày sẵn một bàn chải có cán dài. Trên cánh cửa thấy ghi một hàng chữ đỏ. Yêu cầu quí khách chải tóc và gạt bùn sạch giày nơi đây. -Phải đàng hoàng sạch sẽ như thế chứ.Hồi nãy ngoài tiền sảnh, tôi đã nghĩ đây không phải là quán cho dân rừng rú. -Tiệm này đòi hỏi khắt khe. Chắc chắn thể nào cũng thường có khách hạng sang tới ăn. Cả hai bèn chải tóc gọn gàng rồi gỡ bùn dính vào đôi ủng. Sau đó thì sao? Vừa khi họ đặt lại bàn chải lên kệ gỗ thì thoáng cái nó đã tan biến đâu mất. Một luồng gió thổi thốc vào gian phòng. Hai người ngạc nhiên, tựa sát nhau rồi mở cánh cửa bước vào gian bên kia. Bọn họ nghĩ thầm nếu bây giờ không ăn một món gì nóng để lấy sức thì không làm tiếp được những gì có thể đòi hỏi sau đó. Đằng sau cánh cửa, họ lại thấy có viết mấy chữ kỳ lạ: Hãy để tất cả súng đạn nơi đây. Nhác thấy bên cạnh đã có cái kệ đen. Một trong hai cậu mới nói. -Đúng rồi, đi ăn mà lại mang súng thì đâu phải phép. -Chính thế. Tớ nghĩ dân tới đây ăn toàn là mấy ông lớn. Hai cậu công tử mới tháo súng và cởi băng đạn. Họ đặt tất cả lên cái kệ. Họ thấy tiếp đó một cánh cửa màu đen. Làm ơn cởi bỏ giày mũ và áo khoác. -Sao, cởi ra nhé! -Đành làm theo chớ biết sao giờ. Chắc khách đang ngồi trong kia toàn mấy ông lớn. Hai cậu cởi áo ngoài và mũ khoác lên cái đinh treo, xong tháo cả giày rồi lẹt bẹt đi vào sau cánh cửa. Đằng sau, đã thấy viết thêm hàng chữ: Kẹp ghim cà vạt, cúc cài tay áo, kính mắt, ví tiền, tất cả những vật làm bằng kim loại hay có đầu nhọn đều phải bỏ lại. Xế ngang bên cánh cửa là một tủ sắt uy nghi sơn đen, cửa đã mở sẵn. Có cả chìa khóa cài lên đàng hoàng. -Chắc họ nấu nướng bằng điện nên không cho mang kim loại vào sợ nguy hiểm. Đặc biệt những vật nhọn. Tớ đoán thế. -Có lẽ. Thấy thế thì biết là khi ra về họ sẽ tính tiền ở chỗ này. -Không khéo là như vậy! -Chắc chắn phải thế thôi. Hai người hết tháo kính, lại cởi bộ cúc trên ống tay?rồi cho tất cả vào trong tủ sắt, sập khóa cẩn thận. Đi thêm một quãng, cả hai lại gặp một cánh cửa khác. Đằng trước cánh cửa thấy có đặt cái vò. Trên cửa viết như thế này: Xin dùng kem trong vò thoa kín mặt mũi tay chân. Nhìn lại thấy đúng là trong vò có chứa một loại kem sữa bò: -Bảo bôi kem là để làm gì thế nhỉ? -Này nhé! Bên ngoài lạnh, trong nhà thì ấm, da mình làm gì chẳng nứt nẻ. Bôi kem là để đề phòng hờ đó. Mới biết quán này tiếp toàn hạng người sang trọng. Không chừng chúng mình sẽ có dịp gần gũi với những nhà quí tộc. Hai cậu mới lấy kem trong vò bôi lên mặt, lên tay. Xong lại cởi cả tất để thoa chân. Bôi bao nhiêu mà vẫn còn thừa kem thành thử họ lại vờ bôi thêm lên mặt để nhân đó thử nhấm nháp. Sau đó họ vội vã mở cánh cửa và tiến vào bên trong. Đằng sau cánh cửa thấy viết: Quí vị thoa kem đầy đủ chưa? Đã bôi lên cả hai tai chưa nào? Nơi đó lại có để một vò kem nhỏ. -Đúng, đúng. Tớ quên mất, không bôi kem hai tai. Suýt nữa thì bị nẻ tai. Cái ông chủ hiệu này chu đáo thật. -ƯØ, ông ta để ý cả đến từng chi tiết. Có điều là tớ đang đói đây mà đi suốt hành lang nãy giờ vẫn chưa tìm ra được cái ăn Vừa nói đến đó, họ đã đến nơi có cánh cửa kế tiếp. Cơm sắp xong xuôi. Quí vị chỉ còn đợi khoảng mười lăm phút. Sẽ được xơi thôi. Trong khi chờ đợi, xin rưới nhanh ít nước hoa lên đầu hộ cho. Trước cánh cửa đã để sẵn một một bình đựng nước hoa vàng ánh. Hai người thi nhau tưới lên đầu mình thứ nước hoa đó nhưng sao thứ này lại thoảng mùi giấm. -Nước hoa này chua như giấm. Sao lại thế nhỉ? -Chắc người ta lộn thôi. Chị giúp việc có lẽ bị cảm mạo chi đó mà chế nhầm chăng? Hai người mở cửa rồi bước vào bên trong. Đằng sau cánh cửa, có viết một giòng chữ lớn như thế này: Quán đòi hỏi lắm chuyện chắc làm phiền quí khách. Xin thứ lỗi. Chỉ quấy quả bấy nhiêu thôi. Bây giờ xin quí khách vào trong xát muối lên người nhiều vào. Hai cậu công tử đã thấy một vại gốm đựng đầy muối để ngay ngắn. Nhưng sau khi hết chuyện này chuyện khác lại xảy ra, trong lòng các cậu đã dậy mối ngờ. Hai cái mặt bóng đầy kèm ngoảnh lại nhìn nhau. -Có thấy kỳ không nào? -Tớ cũng lấy làm lạ! -Quán có thể đặt lắm món nhưng đó là phía bên quán họ đòi hỏi mình làm. -Cho nên theo ý tớ, khi gọi là Quán Cơm Tây không phải có nghĩa chỗ làm cơm Tây cho người ta đến xơi mà ngụ ý là nơi bắt khách làm thành món ăn rồi dọn họ ra. Cho nên cái quán này là ừ à........nó là.....ừ à....... Cậu ta không đủ sức nói tiếp nữa, chỉ run lập cà lập cập, nói cà lăm... -Thế thì chúng mình...à mà........ Cậu kia cũng lắp ba lắp bắp, không thêm được lời nào cả.. -Thôi, trốn cho mau....! Một trong hai cậu lẩy bẩy muốn đẩy cánh cửa sau lưng nhưng cửa vẫn không nhúc nhích một phân. Phía trong cùng hãy còn một cánh cửa nữa, trên đó tạc hình dao và nĩa bạc, có hai lỗ khóa thật to. Ôi chao, quí vị đã bỏ nhiều công sức. Nhưng mọi sự đâu vào đấy cả rồi. Xin mời vào bên trong ngay cho. Trên cửa không những ghi như vậy thôi đâu mà từ hai lỗ khóa có hai đôi mắt xanh lè đang dò xét họ. -Ôi chu choa...! Một cậu lập cà lập cập... -Ôi chu choa...! Cậu kia cũng lập cà lập cập theo. Hai cậu bỗng khóc òa. Thì cùng lúc, phía bên kia cánh cửa lại vọng ra tiếng nói: -Không xong. Hai đứa nó biết rồi.Coi bộ tụi nó không chịu xát muối. -Chứ gì nữa! Ông chủ mình viết bậy quá. Sao lại ngu đến nỗi tội nghiệp chúng nó nọ kia! -Viết thế cũng đâu nhằm gì. Tụi mình có được mẩu xương nào đâu! -Thế thì thế nhưng tụi nó mà không chui vào đây, mọi trách nhiệm sẽ đổ lên đầu mình đấy chứ! -Gọi nhé? Gọi chúng nó nhé? Kìa, quí khách ơi, đến đây với chứ. Chén bát đã rửa sạch, rau đã bóp muối sẵn sàng rồi.Bấy giờ chỉ còn cần sắp quí khách với rau lên mấy cái đĩa trắng tinh kia thôi. Đến đây nhanh lên nào! -Nầy, đến nhanh đi, đến đi. Hay quí khách không thích rau? Nếu không thích rau sống thì để bắc lửa xào nó lên nhé. Nhưng bề gì cũng đến gấp cho. Hai cậu công tử lòng đau như cắt, mặt dúm dó ra như tờ giấy nhàu, đưa mắt nhìn nhau run rẩy, thút thít khóc. Phía trong cửa lại nghe như có ai cười khúc khích, rồi ở đó vọng ra tiếng gọi: -Mời vào, mời vào. Khóc làm gì? Đã cất công bôi kem lại để cho nó vữa ra à? Này, đến giờ rồi đấy nhé. Vào đây mau! -Nhanh lên nào. Ông chủ đã đeo khăn ăn, cầm dao lên và thè lưỡi liếm môi rồi đấy. Chỉ còn đợi quí khách vào thôi. Hai cậu công tử chỉ biết khóc, khóc, khóc và khóc! Vừa vặn lúc đó thì đằng sau họ có tiếng gâu gâu rồi gầm gừ...và hai con chó săn, to như gấu trắng, phá toang cửa nhảy xổ vào phòng. Hai cặp mắt trong lỗ khóa bỗng biến mất. Lũ chó xộc mũi đánh hơi, sục qua sục lại trong phòng. Đùng một cái, chúng gâu một tiếng rõ to rồi phóng vào phía cánh cửa bên trong. Cánh cửa bật ra đánh ầm, nuốt chửng hai con chó đang chạy bay vào. Trong khoảng tối đen đằng sau cánh cửa, nghe có tiếng meo, meo, rù rù... rồi có tiếng xô xát và rền rĩ. Căn phòng chợt biến mất như một ngọn khói và hai cậu công tử của chúng ta thấy mình đang đứng giữa đám cỏ, lạnh lẽo và run như cầy sấy. Từ áo khoác, đồ ghim cà vạt, đôi ủng cho đến ví tiền của họ, tất cả vẫn còn treo lủng lẳng trên cành cây hay bày ra giữa đám rễ cây. Một luồng gió thổi qua làm đám cỏ lại xào xạc, vòm lá lao xao và cành cây rung lên lách cách. Lũ chó đã quay lại, chúng thở hồng hộc và từ sau lưng chúng, có ai đang lên tiếng gọi: -Mấy cậu! Mấy cậu ơi! -Ới, ơi! Hai cậu công tử đã lấy lại chút thần hồn, cũng gọi trả. -Chúng tôi ở đây này. Đến mau lên! Người thợ săn dẫn đường đội cái mũ bện bằng rơm cũng vừa đến nơi làm hai cậu cảm thấy an tâm. Xong, hai cậu ngốn nghiến mấy cái bánh bao người thợ săn mang đến cho rồi lên đường trở lại Tôkyô, dọc đường không quên bỏ mươi đồng Yen mua ít con thịt đem về. Thế nhưng lúc đến nhà và sau khi đã ngâm người trong bồn tắm, hai cái mặt đã có lúc dúm dó như tấm giấy vò nhàu kia không còn bao giờ trở lại bình thường như trước nữa. (Dịch xong ngày 8 tháng 10 năm 2006)