Khi chiếc vuốt hổ còn ấm nóng được treo kẹp giữa hai bầu vú của người con gái khiến nàng run lên vì hạnh phúc thì cũng là lúc Sùng A Chít đổ gục xuống lòng bạn tình, ngất lịm vì mặt và toàn thân bê bết máu, rách tướp do những vết cào của hổ dữ.
Sương núi hãy còn trắng đặc như sữa bắp non, con gà rừng choàng thức, cất tiếng gáy vừa vội vã vừa ngái ngủ thì vợ chồng A Sinh đã lên đường xuống chợ. Cả đêm qua A Mí cứ trằn trọc, háo hức bởi lâu lắm rồi, từ ngày gieo hạt bắp lên nương bây giờ những túm bắp to, dài thây lẩy, đỏ au đã treo đầy gác bếp A Mí mới lại được cùng chồng xuống chợ.
Gùi của A Sinh đầy ắp cà dái dê, những trái cà non mấng và tím bóng trồng ở vườn nhà được A Mí hái chiều qua. Tiếng khèn bè cất lên gọi nắng hòa với tiếng lanh canh của vòng bạc, tiếng gót chân nhún nhảy, tiếng váy áo loạt soạt và những cặp hông nở nang đung đưa tạo nên vũ điệu Mông duyên dáng và mạnh mẽ khi họ nhập vào đoàn người trên một bãi nghỉ ven đường. Người vùng cao đi chợ còn giữ được phong cách “lãng du”. Vẫn bán mua đấy nhưng mà đi chơi chợ nhiều hơn.
Chợ phiên đã nhộn nhịp hẳn lên khi sương tan với tiếng mời chào, ngã giá. Chưa có tiếng khèn, chưa có tiếng thanh la cùng những đám nhảy múa bởi các hũ rượu còn đầy, chưa hâm nóng dòng máu Mông trong huyết quản.
- A Mí à! Mày đi bán cà rồi đem tiền mà mua áo mua khăn, mày ăn uống cái gì cho thích cái bụng mày cho khỏi thèm khỏi khát, rồi đi mà hát hay gặp ai mà chuyện trò cho thỏa những ngày cặm cụi trên nương. Nhớ tìm tao ở quán rượu dưới gốc trám kia A Mí à!
A Sinh uống chưa hết ba bát rượu đã thấy A Mí trở lại. Hỏi sao không đi mua gì, sao không đi hát, không đi tìm ai thì A Mí phụng phịu:
- Mày biết hết rồi sao còn hỏi. Mười lăm tuổi tao đã bị mày bắt mất hồn rồi, nghe tiếng khèn của mày bụng tao như có lửa đốt, chân tay như chẳng phải của mình, nhiều hôm tao quên cả cài cúc áo đấy. Bây giờ tao đã là ma của nhà mày rồi, tao chả thiết gặp ai đâu A Sinh à.
- Thôi! Mày uống bát rượu này đi mày sẽ hiểu cái bụng tao muốn nói gì A Mí à!
A Sinh nhìn vợ đắm đuối. Cạn hết bát rượu, gò má A Mí như hai vừng mặt trời mới nhô lên khỏi đỉnh núi trước nhà. A Sinh cứ mải mê say ngắm vẻ đẹp rực rỡ và pha chút hoang dã của vợ, lòng A Sinh lại xốn xang, sóng sánh như bát rượu đầy. Chợt có một bàn tay ai đó đặt lên cánh tay mình, A Sinh quay về phía người đối diện. Bây giờ A Sinh mới kịp nhìn, anh ta đến từ lúc nào A Sinh cũng không rõ. Một khuôn mặt ngắn hoằn, râu quai nón và đôi mắt chỉ nhìn một lần A Sinh cũng biết là rất khôn ngoan.
- Mày là người giàu có nhất bản Mông đấy!
- Chưa đâu. Phải khi nào rừng mận của tao khép kín tán, cho nhiều quả kia.
Người đó cười. Tiếng cười ngắn và đanh như ném một hòn đá to xuống khe suối cạn vọng lại.
- Mày có một núi bạc trắng đấy thôi! - Rồi người ấy đưa mắt nhìn về A Mí.
A Sinh ngớ người, phải một lúc mới vỗ vỗ tay lên đầu mà cười.
- Cái bụng tao chậm hiểu quá! Mà mày nói như đi đường vòng quanh chân núi thế!
Người đó rót hai bát rượu đầy rồi bảo:
- Uống với tao một bát làm quen.
Cả hai đều cạn.
Quệt ống tay áo ngang miệng, người đó rót ba bát rượu đầy lại bảo:
- Bát này uống mừng vợ mày, mau có một thằng con trai cho mày dạy nó mài dao, bẫy thú.
A Mí ngần ngại. A Sinh phẩy tay, giục vợ:
- Mày uống đi. Đừng phụ cái lòng tốt của bạn tao.
Rượu ngấm vào người. Rượu ngấm vào rượu. A Sinh và người bạn mới quen cùng cười, cùng nói và cùng say nghiêng ngửa.
Chờ lúc A Mí đi chơi chợ, người đó mới hỏi:
- Mày có không?
Anh ta nghiêng đầu, áp một tay vào bên má còn tay kia thì cầm một chiếc tăm phác một cử chỉ vừa hơ vừa xoay xoay trên một ngọn đèn dầu tưởng tượng.
Bây giờ thì cái bụng A Sinh lại nhanh hiểu, qua cử chỉ A Sinh biết nó muốn gì.
- Không có đâu. Cả bản tao từ mấy năm nay nghe theo cái chính quyền, nghe theo cái cán bộ công an lên tăng cường đã phá hết cây thuốc phiện để trồng mận hậu với mơ, mai rồi. Thật đấy!
Người đó không hỏi thêm chỉ bảo:
- Sắp tới cái Chính phủ nó làm đường lên tận ủy ban của mày. Mày phải mua một chiếc xe máy mà chở mận đi bán, chở vợ mày xuống chợ. Nó đẹp thế mà phải gùi nặng và xa như thế, làm ăn vất vả thì chả mấy mà xấu và già đi đấy, A Sinh à!
- Nhiều tiền lắm. Tao lo không nổi đâu!
- Phải biết cách làm ra tiền chứ. Mày không nghe cái đài nó nói đấy thôi, phải biết nuôi con gì, trồng cây gì cho có hiệu quả kinh tế à. Chỉ có trồng thuốc phiện thôi. Người Mông của mày đã bao nhiêu đời nay làm bạn với cây thuốc phiện mà, lẽ nào…
- Không được đâu. Mọi người trong bản đều làm vậy, mình làm khác thì nhìn mặt nhau sao được.
- Làm mà không ai biết chứ. Người ta chỉ thấy mày mang mận đi bán chứ chẳng ai biết mày còn có cả… Thế mới là khôn ngoan. Bé bằng cái bắp tay như con chiết còn biết cách bắt gà con êm nhẹ cho con gà mẹ không biết nữa là. Nếu mày cần tiền thì tao cho vay trước, sau trả tao bằng mủ quả cũng được.
- …
Khác với mọi lần, trên đường về bản A Sinh cứ lặng lẽ, đăm chiêu như vừa để quên cái gì nơi phiên chợ.
Mấy ngày nay A Sinh uống rượu nhiều, say nhưng không ngủ được. Trong ánh sáng chập chờn từ bếp lửa hắt tới, hai vồng ngực A Mí cứ nhấp nhô, nhấp nhô theo nhịp thở. Cái thằng “mặt ngang” gặp dưới chợ nói phải. Đấy là hai núi bạc trắng giời cho A Sinh. Phải biết giữ lấy nó, làm cho nó đầy hơn, làm cho nó phau phau giàu có… Nghĩ mà thương A Mí, từ tinh sương đến lúc gà lên chuồng cứ lụi cụi cuốc xới trên nương. Kéo chăn đắp kín người cho A Mí, A Sinh đem quả bầu khô đựng rượu lại ngồi bên bếp lửa. Những giọt rượu ủ lâu ngày cùng với ngọn lửa đã hâm nóng dòng máu ba đời nhà Sùng A Chít.
Nghe A Chen là cha mình kể lại:
Thời trẻ, A Chít được giời cho cái sức khỏe phi thường. Đốn cây, vần đá cả ngày không biết mệt. Trèo qua năm bảy ngọn núi, đi nửa ngày đường mà cái chân A Chít vẫn dẻo mềm theo tiếng khèn ngày hội. Nhiều đứa con gái Mông đã phải ra rừng, ôm gốc cây vì không lấy được A Chít. Cha mẹ mất sớm, A Chít nghèo lắm chẳng có gì ngoài cây nỏ của cha cùng chiếc gùi của mẹ để lại. Có một người con gái thương A Chít hơn cả thương mình đã bảo A Chít:
- Tao đã giấu một gói muối to, đêm mai A Chít hãy đến cướp tao làm vợ, hai đứa cùng bỏ trốn vào rừng, chẳng cần vòng bạc, chẳng cần rượu thịt ăn khao, mình ăn ở với nhau như đôi chim trĩ, sống đời hươu nai nhơ nhởn A Chít à!
- Được. Cướp được một đứa con gái về làm vợ thì chẳng khó gì, tao muốn cướp được cả cái bụng của mày. Hãy cố chờ để cho tao rửa nỗi nhục vì cái nghèo của thằng con trai Mông. Tao không đeo được cho mày chiếc vòng bạc trước ngực thì cũng phải đeo cho mày một chiếc vuốt hổ. Tao đã rình mấy đêm nay ở Khe Gió, có con hổ xám đang còn quanh quất. Chắc nó vẫn đợi tao.
Đêm ấy trăng lu.
Bụng người con gái như bếp nhà sàn bùng lên hoa lửa cồn cào, nôn nao đợi bạn.
Quá nửa đêm.
Khi chiếc vuốt hổ còn ấm nóng được treo kẹp giữa hai bầu vú của người con gái khiến nàng run lên vì hạnh phúc thì cũng là lúc Sùng A Chít đổ gục xuống lòng bạn tình, ngất lịm vì mặt và toàn thân bê bết máu, rách tướp do những vết cào của hổ dữ.
Săn được con hổ, Sùng A Chít đủ tiền làm đám cưới nhưng rồi họ vẫn rủ nhau trốn biệt vào rừng bởi khuôn mặt A Chít bây giờ trông méo mó, rách nát và dị dạng đến dễ sợ.
… Không biết là bao nhiêu mùa bắp họ đã sống bên nhau hồn nhiên và nhơ nhởn như muông thú. Cho đến một ngày chôn cất A Chít xong, người đàn bà đành dứt lòng đưa đứa con trai là A Chen về lại bản Mông.
Cái vùng đất mà họ từng sống, vùng đất mà A Chít mãi mãi ở lại được xem là điều bí mật của ba đời nhà A Sinh. Bố mẹ A Sinh cũng đã về trời, vùng đất ấy như thuộc về cổ tích, cả bản Mông không ai còn muốn nghĩ tới, không ai có thể biết ngoài một người duy nhất là A Sinh.
A Sinh ngửa cổ, dốc ngược quả bầu khô chờ cho giọt rượu cuối cùng chảy hết rồi tới chỗ A Mí nằm, úp mặt vào hai quả núi bạc phau phau cùng ý nghĩ:
“Điều bí mật ba đời họ Sùng đã khai mở ứng với điều thằng “mặt ngang” nói với mình hôm xuống chợ”.
A Sinh giấu vợ, lặng lẽ cùng con chó gié luồn rừng về khu đất theo lời cha kể. Đó là một khoảng đất bằng phẳng nằm lọt trên đỉnh núi Cua Pả. Xung quanh khu đất là vách đá dựng đứng, chỉ có con diều hâu bay ở lưng trời mới nhìn thấy được. Không có lối lên nếu không biết một cái hang bí mật xuyên ngược qua vách đá. Đứng ở khu đất nhìn ra xung quanh như đứng trong lòng một chiếc cốc lớn.
A Sinh mở nắp bầu rượu cúng lạy thần núi, cúng lạy hồn ma ông nội rồi đi khắp khu đất rải hết bầu rượu. Vốc một nắm đất trên tay, A Sinh như vừa chạm vào xương cốt của A Chít và được truyền thêm sức mạnh của một con người có đôi bàn tay sắt, từng bóp chết con hổ xám. A Sinh lạc vào một thế giới huyền hoặc đầy ma lực. Và, A Sinh đã làm theo lời của gã “mặt ngang”.
Một lần “mặt ngang” đưa cho A Sinh một gói tiền. A Sinh bảo: “Đường chửa làm xong, tao mua xe rồi cũng phải thuê người vác lên để ở trái nhà thôi”.
“Mặt ngang” rót rượu rồi nhìn thẳng vào mắt A Sinh:
- Để mày tin tao.
- Không cần phải thế. Cái bụng tao mày biết rồi còn gì.
- Mày bảo đã trồng được nhiều rồi, mày sắp giàu to rồi đấy A Sinh ạ. Nghe nói có thằng công an hay lui tới nhà mày, mày phải cẩn thận. Nó đến là có hai việc đấy.
- Việc gì?
- Nó muốn dò xem mày làm gì mà hay vắng nhà và nó muốn…
- Mày lại thích đi đường vòng quanh núi rồi.
- Nào. Uống đi. Vợ mày đẹp lắm, nó cũng như con gấu đen liếm mép thèm mật ong rừng mà.
A Sinh thấy gai hết người vì giận dữ. Thảo nào, có lần nghe A Mí bảo có cái cán bộ công an tới nhà… A Sinh tu vội bát rượu rồi bảo về ngay. Thằng “mặt ngang” kéo tay rồi bảo:
- Mày đi săn thú mà quên tắt đống lửa trong bụng, cái chân cái tay nhấp nhổm thì thế nào cũng bắn trúng cái củi mục A Sinh à. Hôm nay tao lên thăm nhà mày xem sự thể ra sao.
- Ừ, phải đấy. Mày phải lên để uống thử rượu của vợ tao cất chứ!
… Những lần đi vắng về, A Sinh lại có thói quen của người thợ đi săn biết cách tìm và lần theo vết chân con thú. A Sinh săm soi nhìn xuống vườn, nhìn quanh nhà tìm những dấu chân lạ.
Và một lần, từ xa A Sinh đã thấy cái cán bộ công an đang ngược dốc đi về nhà mình… Như một con thú biết cách ẩn mình, A Sinh nhanh chóng tiến sát ngôi nhà.
… Thằng “mặt ngang” nói phải… Mày muốn ăn mật ong hả cán bộ công an… Có mũi tên tẩm thuốc độc cho mày đây… Có tiếng vật lộn huỳnh huỵch trên nền nhà, tiếng A Mí líu lưỡi kêu cứu… A Sinh nhảy vọt qua mấy bậc cửa ghép bằng những đoạn tre, đứng giang chân trước cửa ra vào. A Mí một tay ôm đôi ngực trần, một tay túm giữ chiếc váy bị xé rách toang, đôi mắt hoảng sợ như mắt nai bị dồn đến đường cùng.
- Bắn đi A Sinh. Nó là con gấu ăn trộm mật, nó đã làm nhục vợ mày - Tiếng thằng “mặt ngang” thúc giục.
Mũi tên của A Sinh chĩa thẳng về phía cán bộ công an. Không gian như đông cứng. Đôi mắt A Sinh ngùn ngụt ngọn lửa hận thù.
A Mí vội đứng lên, quên cả chiếc váy đã tụt xuống dưới chân:
- Đừng bắn A Sinh ơi! Không phải nó. Thằng bạn mày ác độc hơn con rắn hổ mang. Mày hãy nhìn xem, nếu tao không cắn được vào tay nó, nếu không có cái cán bộ công an đến kịp thì… chắc tao phải ăn lá ngón mới hết cái nhục này.
Trên mu bàn tay của thằng “mặt ngang” toe toét máu, còn hằn rõ vết răng của A Mí. Thằng “mặt ngang” đảo mắt, biết không thể mọc được cánh nó đành sụp xuống và lạy như tế sao xin A Sinh tha tội chết.
Tiếng anh cán bộ công an dõng dạc:
- A Sinh! Không được bắn! Nó có tội thì để pháp luật trị tội. Công an và chính quyền xã đã làm rõ hành tung của hắn trong mưu đồ xúi giục bà con người Mông tái trồng cây thuốc phiện.
Rồi anh hạ giọng:
- Đừng nghe theo lời kẻ xấu A Sinh à!
A Sinh nghiến răng, bẻ đôi mũi tên tẩm độc vứt vào bếp lửa. Một làn khói xanh lục bốc lên u uất. A Sinh nheo mắt như bị chói nắng khi nhìn theo anh cán bộ công an dẫn giải thằng “mặt ngang” đang dần khuất dưới chân đồi.
A Mí thở dài buồn bã.
Chuyện xảy ra hôm qua khiến A Mí giận chồng, chỉ tại A Sinh không biết con đường thẳng, không biết nghe lời nói phải và không biết chọn bạn mà chơi nên mới đem cáo về nhà.
… Nó đến nhà đòi được uống rượu. Không có A Sinh nó bảo A Mí uống với nó cho khỏi lẻ bạn. Không được đâu. Con gái Mông cũng uống rượu tài, nhưng khi uống rượu thì phải chờ chồng uống trước, không có A Sinh không uống được đâu. Nó đành uống một mình. Uống rượu rồi thấy mắt nó như đôi bàn tay sục sạo, sờ mó khắp người A Mí. A Mí đã dè chừng nhưng không kịp…
Chuyện chẳng vui rồi cũng như trời mưa sẽ tạnh. Nhưng A Mí lại càng buồn vì A Sinh vẫn quen theo đường cũ, vẫn chưa hết cơn say. Sáng nay A Sinh lại dẫn con chó gié, lại mang rượu cùng dao, nỏ vào rừng…
Mặt trời đi ngủ đã lâu thì A Sinh mới về nhà. Chân tay A Sinh sướt sát, nhiều vết máu khô còn bám chặt.
A Mí mang thuốc nắn chân cho chồng, định nói với A Sinh những lời gan ruột thì thấy A Sinh bảo:
- Tao giết chết nó rồi.
- Mày giết thằng “mặt ngang” à? Mày lại gây thêm tội rồi A Sinh ơi!
- Không. Tao chặt hết, phá hết cái cây chết người ấy rồi. Từ mai tao không phải vắng nhà lâu nữa.
A Mí thở dồn. Từ phiền muộn, lo âu, bàng hoàng chuyển sang vui sướng khiến đôi vồng ngực cứ nhấp nhô như sóng.
A Sinh mở rương.
Chiếc vuốt hổ là báu vật ba đời của họ nhà Sùng. Nó là bùa hộ thân và mãi mãi tượng trưng cho lòng dũng cảm của những người đàn ông trong dòng họ. Nó sẽ được lần lượt trao cho những người đàn bà góp phần nuôi giữ dòng máu Mông của A Chít.
A Sinh lại trân trọng làm cái việc mà ngày xưa A Chít đã làm. Khi chiếc vuốt hổ nằm gọn giữa hai bầu vú, A Sinh lại gục xuống lòng bạn tình nhưng không phải vì thương tích mà bởi tình yêu của A Sinh bây giờ đang chao nghiêng như bát rượu đầy. Lênh láng.

Xem Tiếp: ----