10 Khi tự hỏi mình là cái gì và tại sao mình sống, Levin không tìm ra được câu trả lời và đâm tuyệt vọng; nhưng khi thôi không đặt câu hỏi đó nữa, chàng lại cảm thấy như biết được mình là cái gì và tại sao mình sống, vì chàng vẫn tuân theo một đường lối hành động kiên quyết và chính xác, thời gian gần đây càng kiên quyết và chính xác hơn. Việc chàng quay về đồng ruộng dạo đầu tháng sáu cũng là quay về những công việc thường lệ của mình. Công việc sản xuất của ấp trại, quan hệ với nông dân và láng giềng, việc trông nom nhà cửa, những công việc của ông anh, bà chị mà chàng phải cáng đáng, những liên hệ với vợ và họ hàng, đứa con và thú say mê mới nuôi ong đã chiếm tất cả thời giờ của chàng.Sở dĩ bận rộn như thế, đó không phải vì chàng muốn chứng minh sự đúng đắn của những công việc đó với chính mình bằng quan điểm chung chung như thường làm trước đây: trái lại, phần chán nản vì thất bại của những cố gắng trước kia nhằm phục vụ lợi ích công cộng, phần quá bận bịu, mải mê dồn hết tâm lực vào những suy nghĩ và trăm công nghìn việc từ khắp nơi đổ lên đầu, chàng đã hoàn toàn dứt bỏ những ý nghĩ về lợi ích công cộng và giờ đây chàng quan tâm đến mọi hoạt động đó chỉ vì thấy hình như phải làm thế và không có cách nào khác. Xưa kia (điều này hầu như bắt đầu từ hồi còn bé và càng đến tuổi trưởng thành, càng phát triển) khi cố gắng hoạt động để đem lại lợi ích cho mọi người, cho nhân loại, cho nước Nga, cho xóm làng, chàng thấy loại tư tưởng đó rất thú vị, nhưng sự hoạt động xuất phát từ đó lại không làm chàng vừa ý: chàng không tin mình đã làm một công việc cần thiết và sự hoạt động lúc đầu dường như rất quy mô ngày càng thu hẹp và rốt cuộc chẳng còn gì; bây giờ, từ khi lấy vợ, chàng chỉ co lại sống cho bản thân, mặc dầu không còn chút hứng thú gì khi nghĩ tới chuyện hoạt động, chàng lại tin chắc mình đang hoàn thành một công việc cần thiết, đem đến những kết quả ngày càng mãn ý và rồi đây sẽ càng phát triển. Bây giờ, gần như ngược với ý muốn, chàng như cái lưỡi cày, mỗi lúc một cắm sâu xuống đất và chỉ rút ra được sau khi cày xong luống. Sống như xưa kia cha mẹ và ông bà đã sống, với một trình độ kiến thức nhất định, và ít nhiều có giáo dục con cái, tất nhiên là cần. Nó cũng cần như đói bụng thì phải ăn; và cũng vì cần phải sửa soạn bữa ăn nên phải quản lí sản xuất ở Pokhrovxcoie theo cách nào để có thể sinh lợi. Cũng như vì cần phải trả nợ cha ông nên phải giữ gìn ruộng đất hương hoả tổ tiên sao cho về sau, đứa con trai, khi thừa hưởng gia tài, cũng sẽ cảm ơn chàng như Levin đã từng cảm ơn ông nội vì tất cả những gì Người đã xây dựng và trồng trọt. Và muốn thế thì không được phát canh mà phải tự mình khai khẩn ruộng đất, chăn nuôi súc vật, bón ruộng, trồng cây. Chàng cũng không thể từ chối không trông nom công việc của Xergei Ivanovich, của bà chị, của nông dân thường đến hỏi han ý kiến, họ quen thế rồi: làm thế có khác nào từ bỏ đứa bé đã trót ẵm trên tay. Chàng phải chăm lo đời sống đầy đủ cho chị vợ cùng các cháu trong thời gian họ ở nhà chàng, cho cả vợ chàng cùng con trai, và ít nhất hằng ngày cũng phải ở cạnh họ vài giờ. Tất cả những cái đó cộng với việc săn bắn và niềm say mê mới là nuôi ong đã choán đầy cái cuộc sống mà mỗi khi suy nghĩ, chàng đều thấy chẳng có ý nghĩa gì.Levin không những biết chắc những công việc cần làm, mà còn biết chắc cả cách thức tiến hành cùng thứ bậc quan trọng của những công việc đó nữa.Chàng biết là phải thuê mướn thợ thuyền càng rẻ càng tốt; tuy nhiên, không nên nô dịch họ bằng cách ứng trước công non thấp hơn mức tiền công bình thường, mặc dù làm thế rất có lợi. Chàng có thể bán rơm rạ khi nông dân thiếu cỏ ăn cho gia súc tuy rất thương họ; nhưng chàng phải đóng cửa quán ăn và cửa hàng rượu, mặc dầu đó là một nguồn lợi. Phải trừng phạt hết sức nghiêm khắc việc đốn gỗ, nhưng trái lại không thể phạt vạ nông dân nếu gia súc của họ xâm phạm ruộng vườn chàng hoặc bắt giữ những gia súc đó, mặc dầu tuần canh thường bực tức về chuyện đó. Chàng có thể cho Petr vay tiền để anh ta thoát khỏi nanh vuốt một tên cho vay nặng lãi, đòi mỗi tháng mười phân; thế nhưng chàng không thể gia hạn hoặc miễn giảm cho những nông dân không nộp địa tô. Chàng nhất định không tha thứ nếu quản lí lơ là không cho cắt hết khoảnh đồng cỏ, nhưng lại tự ngăn cấm không đụng chạm tới tám mươi mẫu đã trồng cây non. Nếu thợ bỏ về nhà giữa mùa gặp vì bố chết, Levin tuy trong lòng không muốn vẫn khấu trừ tiền công những tuần lễ nghỉ việc; nhưng chàng tiếp tục trợ cấp cho những đầy tớ già không làm được việc nữa.Levin cũng hiểu là một khi về tới nhà, nếu Kitty ốm, nhiệm vụ đầu tiên là phải thăm vợ; còn những nông dân đã chờ chàng ba tiếng đồng hồ, hãy chịu khó chờ thêm lát nữa; mặt khác, tuy rất thích gây tổ ong, chàng vẫn phải gác thú vui đó lại nhường cho ông già phụ trách vườn ong làm việc đó một mình, để bàn luận với những nông dân đến gây phiền hà chàng ngay giữa lúc bận bịu ấy.Nhưng chàng không biết mình hành động như vậy là đúng hay sai, và không những chàng không tìm lí lẽ tự bào chữa mà còn tránh cả chuyện trò và suy nghĩ về vấn đề đó nữa. Sự suy nghĩ dồn chàng đến chỗ nghi hoặc và khiến chàng không nhìn thấy việc gì nên làm và không nên làm. Trái lại, khi sống không suy nghĩ, chàng luôn cảm thấy trong tâm hồn có một viên quan toà tối minh, chỉ cho thấy giữa hai việc có thể làm, đằng nào tốt hơn, và mỗi khi hành động không đúng, chàng thấy ngay. Cho nên chàng sống mà không tự biết và thậm chí cũng không thấy khả năng có thể tự biết mình là cái gì và tại sao mình lại sống trên trái đất này. Chàng khổ sở vì tình trạng không tự giác đó đến nỗi sợ mình có thể đi tới chỗ tự tử, tuy nhiên chàng vẫn tiếp tục kiên quyết vạch lấy con đường riêng trong cuộc sống. 11 Hôm Xergei Ivanovich đến Pokhrovxcoie là một trong những ngày buồn bực nhất của Levin. Đó là thời kì công việc bận rộn nhất trong năm: thời kì mà toàn thể nông dân bộc lộ một tinh thần lao động quên mình phi thường, không bao giờ thấy trong những hoàn cảnh sinh hoạt khác, tinh thần này ắt được đánh giá rất cao nếu bản thân những người nêu cao gương đó cũng coi trọng nó, nếu điều đó không lặp lại hằng năm và nếu kết quả của sự cố gắng đó không đến nỗi quá mỏng manh. Hái và gặt lúa đại mạch và yến mạch, xe rơm về, cày lượt thứ hai, đập lúa, gieo lúa thu, mọi việc đó đều có vẻ giản đơn và bình thường; nhưng muốn cho mọi việc xong kịp thời vụ, tất cả dân làng từ già đến trẻ đều phải làm việc không ngừng ròng rã từ ba đến bốn tuần lễ với cường độ gấp ba ngày thường, ăn uống chỉ có rượu kvat, hành tỏi và bánh mì đen, vừa đập lúa vừa chở lúa ban đêm và mỗi ngày không ngủ quá hai, ba tiếng đồng hồ. Và đó là việc hằng năm vẫn xảy ra trên khắp nước Nga.Levin hầu như thường xuyên sống ở nông thôn, vốn có quan hệ chặt chẽ với nông dân, đến vụ mùa cũng lây niềm phấn khởi chung đó.Sáng hôm đó, chàng đi trông coi việc gieo lúa loã mạch và đánh đống lúa yến mạch; chàng trở về nhà lúc vợ và chị vợ đã ngủ dậy, cùng uống cà phê với họ và lại đi bộ tới trại, ở đó sắp cho chạy một máy xay lúa kiểu mới.Suốt ngày, trong khi nói chuyện với quản lí cùng bà con nông dân cũng như với vợ, với Đôly, lũ trẻ và bố vợ ở nhà, Levin chả suy nghĩ về cái điều làm chàng bận tâm, mặc dầu đang phải lo toan công việc trong cương vị chủ gia đình, và tất cả đều dẫn tới câu hỏi: "Ta là cái gì? Ta đang ở đâu? Tại sao ta ở đây?"Đứng trong một gian nhà kho mới lợp lại, hàng rào cây trăn còn phủ đầy lá thơm được cột chặt với những thân hoàn diệp liễu đã tước vỏ dùng để đỡ mái rạ, Levin hướng tầm mắt qua cánh cửa mở toang, ở đó lớp bụi khô và hắc từ chỗ xay lúa đang quay cuồng thốc vào, khi nhìn lớp cỏ trên khu đất rào kín chói lọi ánh nắng nóng bỏng và đống rơm tươi vừa ở kho đưa ra, khi nhìn đàn chim én bụng trắng và đầu lốm đốm đến núp dưới chái nhà, chiêm chiếp kêu hoặc đập cánh bay tới đậu trong lỗ cửa con khoét ở cánh cổng, khi lại nhìn đám đông chen chúc trong nhà kho tối tăm và bụi mù, và những ý nghĩ kì lạ đến với chàng. "Mọi công việc này liệu có ích gì? Chàng thầm nghĩ. Tại sao mình lại đứng gác ở đây mà thúc ép họ làm việc? Tại sao bọn họ đều lăng xăng để tỏ vẻ tận tâm trước mặt mình? Bà lão Matriôna này mình biết rất rõ (mình đã thuốc men chạy chữa cho bà khi bà bị một cái rầm nhà rơi xuống người trong đám cháy), tại sao bà ta làm cật lực như vậy? Chàng thầm nghĩ vànhìn bà lão nông dân xương xẩu đang giạng đôi chân cháy nắng, gò người trên nền sân phơi gồ ghề, cào thóc. Bà ta giờ đã khỏi, nhưng nay mai hoặc mươi mười năm nữa, người ta sẽ chôn bà và sẽ chẳng gì còn lại nơi bà và cả nơi cô gái đỏm dáng trong chiếc váy ngắn vải đỏ kia, cái cô đang gạt rơm khỏi vỏ trấu, động tác thật khéo léo và uyển chuyển biết bao. Cả cô ta nữa, người ta cũng sẽ chôn cô và con ngựa lang trắng kia sẽ đi đời sớm hơn, chàng thầm nhủ và ngắm con ngựa chở nặng luôn hít không khí bằng đôi lỗ mũi nở to và tiến bước chậm chạp kéo theo sau cái bánh xe nghiêng nghiêng. Cả con ngựa đó, người ta cũng sẽ chôn nó, cũng như sẽ chôn anh chàng thợ xay Fedor kia với bộ râu xoắn tít đầy vỏ trấu và chiếc sơ mi rách hở ra cái vai trắng. Nhưng giờ đây, anh ta đang cởi bó lúa, sai bảo hò hét đám phụ nữ và nhanh nhẹn chỉnh lại dây da chuyền ở tay lái. Và nhất là, người ta cũng sẽ chôn cả mình và không còn lại chút gì nữa. Vậy thì, liệu có ích gì?"Bụng nghĩ vậy, nhưng chàng vẫn nhìn đồng hồ để tính số lượng lúa xay trong một giờ. Chàng cần biết số lượng đó để ấn định công việc trong ngày. "Thế là sắp được một giờ mà mới bắt đầu xay đến đống lúa thứ ba", Levin nhận xét. Chàng lại gần gã thợ xay và nói to át cả tiếng máy chạy rầm rầm, bảo anh ta mỗi mẻ đổ thóc vơi hơn. - Fedor, anh đổ nhiều thóc quá! Anh thấy không, nó tắc lại và không chạy được nữa. San đều nữa ra!Đen nhẻm dưới lớp bụi dính bết vào bộ mặt ướt đẫm mồ hôi, Fedor kêu lên câu gì đó để trả lời, nhưng không làm theo lời Levin chỉ dẫn. Chàng đến gần thùng xay, gạt Fedor ra và tự mình đổ thóc vào. Sau khi làm việc tới bữa ăn trưa của nông dân vào một lát sau đó, chàng ra khỏi kho lúa cùng với gã thợ xay và bắt chuyện với anh ta. Họ dừng lại cạnh một đống lúa loã mạch chất cẩn thận, dành cho vụ gieo hạt. Gã thợ xay ở một làng xa tới, nơi Levin đã thí nghiệm việc hợp tác sản xuất. Giờ đây, ruộng đất ở đó phát canh cho một người cai chợ tên là Kirilov.Levin lái câu chuyện sang vấn đề đó và hỏi Fedor xem Platon, một nông dân giàu và tốt cùng làng với anh ta, có định lĩnh canh ruộng đất của chàng không. - Địa tô cao quá, Platon không làm được đâu, ông Konxtantin Dimitrievich ạ, - gã nông dân trả lời, nhặt cuộng rơm lọt vào giữa áo sơ mi và lồng ngực đẫm mồ hôi. - Thế tại sao Kirilov lại làm được? - Mitiuc ấy à? (Đó là cái tên tắt có ý khinh miệt mà gã nông dân đặt cho lão cai chợ). Ông Konxtantin Dimitrievich ạ, thằng cha ấy làm gì mà chẳng xoay xở được kia chứ? Hắn chỉ biết bóp nặn người ta thôi. Hắn chẳng thương xót gì chiên lành, còn bác Focanitr (gã gọi ông lão Platon như vậy) không phải là kẻ đi cứa cổ dân nghèo. Nơi thì bác ấy phát canh cho chịu tô, nơi thì giảm tô. Thật chỉ vừa đủ thu về tiền vốn. Nhưng bác ta cũng chỉ là con người. - Tại sao ông ta lại làm như vậy? - Ông Konxtantin Dimitrievich ạ, vì mọi người không phải đều giống nhau; có người chỉ nghĩ đến lợi ích của mình, như Mitiuc chỉ lo nhét cho đầy bụng; Focanitr thì khác: đó là một ông già có phẩm cách. Bác ta sống cho linh hồn mình và không quên Chúa. - Ông ta không quên Chúa! Ông ta sống cho linh hồn! Anh định nói gì vậy? - Levin thốt ra gần như kêu lên. - Thì chính ông cũng biết như tôi đấy: như thế có nghĩa là bác ta sống theo chân lí, theo đạo Chúa. ồ, không, mọi người không phải đều giống nhau. Cả ông nữa, ông cũng không làm gì có hại cho đồng loại… - Phải, phải, tạm biệt! - Levin nói, nghẹn ngào và xúc động. Chàng quay lại cầm lấy chiếc can và rảo bước về nhà. Khi gã nông dân nói Focanitr sống "cho linh hồn, theo chân lí, theo đạo Chúa", những tư tưởng hỗn độn nhưng quan trọng, từ ngóc ngách nào đó trong lòng chàng, chợt bật ra và xô cả về một mục đích, quay cuồng trong đầu làm chàng loá mắt vì cái ánh chói ngời của chúng.