Trước khi Vronxki đi dự cuộc bầu cử, Anna nghĩ những cuộc cãi vã cứ tái diễn giữa hai người mỗi lần chàng đi khỏi nhà, chỉ khiến Vronxki trở nên lạnh nhạt chứ không gắn bó được chàng với mình, nên đã quyết định cố hết sức tự chủ để bình tĩnh chịu đựng cuộc chia tay. Nhưng con mắt lạnh lùng và nghiêm nghị đăm đăm nhìn nàng khi chàng báo tin lên đường, đã làm nàng phật ý, thành thử lúc chàng chưa đi, nàng đã mất bình tĩnh rồi. Ngồi một mình, suy nghĩ về cái nhìn nói lên quyền được tự do ấy, như mọi lần nàng lại đi đến chỗ phải thú nhận là mình đã xuống giá. "Chàng có quyền đi bất cứ lúc nào và nơi nào chàng muốn. Không những có quyền đi mà còn có quyền bỏ mình nữa. Chàng có đủ mọi quyền, còn mình chẳng có quyền gì cả. Nhưng dù biết vậy, chàng cũng không nên đối xử như thế. Vả chăng, chàng đã làm gì kia chứ?… Chàng đã nhìn mình với một vẻ lạnh lùng và nghiêm nghị. Thật là mơ hồ, không cụ thể, tuy nhiên trước kia điều đó có xảy ra bao giờ đâu và cái nhìn đó nói lên rất nhiều, nàng nghĩ thầm. Nó chứng tỏ chàng bắt đầu lạnh nhạt với mình". Và mặc dầu đinh ninh rằng chàng bắt đầu lạnh nhạt với mình, nàng vẫn không thể làm gì, không thể thay đổi thái độ đối với chàng. Cũng như trước kia, nàng chỉ có thể giữ chàng bằng tình yêu và duyên sắc của mình thôi. Và cũng như trước kia, chỉ có cách bận bịu suốt ngày rồi đến đêm uống mooc phin, nàng mới có thể dẹp được những ý nghĩ kinh khủng về những gì sẽ xảy tới nếu một ngày kia chàng không yêu nàng nữa. Thật ra cũng còn một cách: không phải là giữ chàng (nàng chỉ ao ước được chàng yêu), mà là nhích lại gần chàng, tạo một tình thế khiến chàng không thể bỏ mình được. Cách đó là li dị với Karenin và kết hôn với chàng. Nàng bắt đầu ao ước giải pháp đó và định bụng hễ Vronxki hoặc Xtiva bàn lại việc này là nàng ưng thuận ngay. Nàng đã sống một mình trong tâm trạng đó suốt năm ngày chàng vắng nhà. Nàng tiêu thì giờ bằng cách dạo chơi, chuyện trò với quận chúa Vacvara, đến thăm bệnh viện và nhất là đọc sách không ngừng, hết quyển này đến chuyển khác. Nhưng đến ngày thứ sáu, khi gã xà ích trở về một mình, nàng thấy không còn đủ sức cũng như không còn cách nào tránh nghĩ đến chàng, đến việc chàng đang làm ở nơi kia. Giữa lúc ấy thì con ốm. Anna tự cưỡng ép mình săn sóc nó, nhưng việc ấy cũng chẳng làm nàng khuây chút nào, hơn nữa bệnh con bé cũng không nặng gì. Dù cố gắng đến đâu, nàng vẫn không thể yêu con bé và cũng không thể làm ra bộ yêu nó được. Chiều đến, ngồi một mình, Anna băn khoăn về Vronxki đến nỗi đã định lên tỉnh; nhưng sau khi suy nghĩ, nàng viết bức thư đầy mâu thuẫn mà Vronxki đã nhận được, và không hề đọc lại, nàng cho người cầm tay mang đến tận nơi. Hôm sau nhận được thư Vronxki, nàng đâm ra ân hận về bức thư của mình. Nàng hãi hùng chờ đợi chàng sẽ lặp lại cái nhìn lạnh toát hôm ra đi, nhất là khi chàng biết con bé không ốm nặng. Nhưng dù sao, nàng cũng vẫn bằng lòng vì đã viết bức thư ấy. Anna giờ đây cũng vẫn phải tự thú rằng Vronxki đã chán mình, chàng tiếc rẻ phải từ bỏ tự do để trở lại bên nàng, tuy vậy nàng vẫn sung sướng thấy chàng về. Chàng cứ việc buồn chán, miễn là chàng ở đây bên nàng để nàng trông thấy chàng, biết rõ từng cử chỉ của chàng. Nàng ngồi trong phòng khách, dưới ngọn đèn, với một cuốn sách mới của Ten, vừa đọc vừa lắng nghe gió rít bên ngoài và từng giây từng phút đợi cỗ xe tới. Nhiều lần nàng tưởng nghe thấy tiếng bánh xe, nhưng đã lầm; cuối cùng, nàng nghe thấy không những tiếng bánh xe mà cả tiếng xà ích kêu rồi tiếng xe lăn khe khẽ phía dưới thềm nhà phủ thảm. Cả quận chúa Vacvara đang chơi sắp bài cũng xác nhận thế. Anna đỏ bừng mặt, đứng dậy, nhưng đáng lẽ đi xuống như hai lần trước, nàng lại đứng sững tại chỗ. Nàng bỗng thấy xấu hổ về sự trí trá của mình và nhất là lo ngay ngáy không biết thái độ chàng khi thấy nàng sẽ ra sao. Cảm giác bị xúc phạm biến mất; nàng chỉ còn sợ chàng không bằng lòng thôi. Nàng chợt nhớ là từ chiều hôm qua, con gái đã khoẻ hoàn toàn. Thậm chí, nàng còn bực mình vì con bé đã bình phục vào lúc nàng gửi thư đi. Rồi nàng sực nghĩ chàng đã ở đây, toàn vẹn, vòng tay, cặp mắt. Nàng nghe thấy tiếng chàng nói. Và quên hết tất cả, nàng vui vẻ chạy bổ ra đón. - Thế nào, Anna ra sao rồi? - chàng rụt rè từ dưới hỏi vọng lên và nhìn Anna đang chạy lại. Chàng ngồi trên ghế tựa cho gã hầu phòng cởi đôi ủng lót lông thú. - Con đã khá hơn. - Còn mình? - chàng lắc lư người nói. Nàng đưa cả hai tay nắm lấy tay chàng kéo về phía mình, mắt vẫn không rời chàng. - Tốt, anh rất hài lòng, - chàng nói và lạnh lùng đưa mắt nhìn từ bộ tóc đến chiếc áo mà chàng biết nàng đã mặc để đón chàng. Tất cả cái đó làm chàng vui thích, nhưng nỗi vui thích ấy đã nhàm rồi! Và cái vẻ khắc khổ lạnh lùng mà nàng xiết bao kinh sợ, bỗng in rõ trên mặt chàng. - Anh rất bằng lòng. Còn mình, mình có khoẻ không? - chàng nhắc lại, lấy khăn tay lau bộ râu bị ướt và hôn tay nàng. "Không sao, nàng tự nhủ, mình chỉ cần chàng có mặt ở đây thôi; khi ở đây rồi, chàng không thể không yêu mình, chàng không dám thế".Họ vui vẻ qua buổi tối cùng quận chúa Vacvara, bà này phàn nàn về việc Anna uống moóc phin trong khi Vronxki đi vắng. - Biết làm thế nào? Cháu không tài nào ngủ được… Cứ nghĩ vẩn vơ, mắt chong chong. Khi anh ấy ở đây, cháu có uống bao giờ đâu. Phải, hầu như không bao giờ. Chàng kể chuyện bầu cử và bằng những câu hỏi khéo léo, Anna đã lái Vronxki nhắc đến thành công của mình là điều chàng khoái nhất. Nàng kể mọi chuyện nhà mà chàng quan tâm. Nàng chỉ báo cho chàng biết những việc tốt lành.Nhưng đến đêm khuya, khi còn lại một mình với nhau, Anna thấy đã lại thu phục được chàng hoàn toàn, nên muốn xoá bỏ ấn tượng khó chịu do bức thư gây nên. Nàng nói: - Có đúng là anh đã bực mình khi nhận được thư em và không tin lời em, phải không? Vừa nói vậy, nàng đã hiểu, dù có sẵn lòng yêu thương nàng đến mấy, chàng cũng không tha thứ được. - Phải, - chàng nói. - Bức thư của em thật kì lạ quá đỗi: Anni ốm mà em định đi. - Tất cả đúng như vậy. - Anh không ngờ vực gì. - Có, anh có nghi ngờ. Em thấy anh đang bực mình. - Hoàn toàn không mà. Có điều làm anh phật ý, là em không muốn thừa nhận có những bổn phận… - Bổn phận phải đi nghe hoà nhạc… - Thôi không nói chuyện ấy nữa, - chàng nói. - Có chứ, tại sao lại không nói chuyện ấy? - Anh chỉ muốn nói, ở đời, người ta có thể gặp những việc cần thiết phải chạy vạy. Chẳng hạn, anh sắp phải đi Moskva vì chuyện nhà cửa… Chao, Anna, tại sao em dễ hờn giận đến thế? Em há chẳng biết anh không thể sống thiếu em hay sao? - Nếu như vậy, - Anna nói, giọng đột nhiên khác hẳn, - có nghĩa là em là gánh nặng cho anh… Mà đúng thế, anh về một ngày, rồi anh lại đi, như thói thường của những… - Anna, nói thế thật tàn nhẫn. Anh sẵn sàng hi sinh cả đời anh… Nhưng nàng không nghe chàng. - Nếu anh đi Moskva, em cũng theo đi. Em sẽ không ở lại đây đâu. Hoặc là chúng mình phân li, hoặc là phải sống cùng nhau. - Em thừa biết đó là mong ước duy nhất của anh. Nhưng muốn thế… - Thì cần phải li dị? Em sẽ viết thư cho lão ta. Em thấy không thể sống thế này được nữa… Nhưng em sẽ đi Moskva với anh. - Thật cứ như em doạ anh ấy. Dù sao, anh cũng không mong muốn gì hơn là không phải xa em, - Vronxki mỉm cười nói. Nhưng trong khi nói lời âu yếm đó, thì chính cái nhìn lạnh lùng, hằn học của con người bị hành tội đến phát cáu, lại long lên trong mắt chàng. Nàng bắt gặp cái nhìn ấy và đoán được ý nghĩa của nó. "Nếu quả như vậy thì thật bất hạnh!", cái nhìn đó nói. Đó là một cảm giác thoáng qua, nhưng nàng không bao giờ quên được. Anna viết thư cho chồng xin ly dị và cuối tháng mười một, sau khi chia tay với quận chúa Vacvara có việc phải đi Petersburg, nàng đến ở Moskva với Vronxki. Giờ đây, họ sống như vợ chồng, ngày này qua ngày khác đợi Alecxei Alecxandrovich trả lời đồng ý ly dị.