Chương 16

Phu nhân ngồi lặng thinh trong ghế bành, tươi cười; lão quận công ngồi cạnh; Kitti đứng bên ghế bành của cha, cầm tay ông. Mọi người đều im lặng.
Phu nhân là người đầu tiên gọi tên sự việc lên và kéo tình cảm, ý nghĩ của họ trở lại thực tại. Thoạt tiên, điều đó có vẻ khó chịu và kỳ dị với mọi người.
- Vậy thì bao giờ đấy? Phải làm lễ đính hôn và báo hỉ chứ. Nhưng bao giờ thì cưới? Ông nghĩ sao, Alecxandr?
- Chuyện đó phải hỏi anh ấy chứ, - lão quận công chỉ Levin nói. - Chính anh ấy mới là người chủ chốt trong việc này.
- Bao giờ ạ? - Levin đỏ mặt nói. - Ngày mai. Nếu bố mẹ hỏi ý kiến con, thì con nghĩ chúng con có thể đính hôn hôm nay và cưới ngay ngày mai...
- Thôi đi, con thân yêu(1), đừng có nói tầm bậy...
- Vậy thì trong vòng tám hôm nữa.
- Đúng là nó điên rồi.
- Không đâu, tại sao?
- Nhưng này! - bà mẹ nói, vui vẻ mỉm cười vì sự nóng vội ấy, - còn quần áo cô dâu?
"Vậy ra phải có quần áo cưới và tất cả mọi cái khác, Levin sợ hãi nghĩ thầm. Nhưng, quần áo cưới, việc làm phép cưới ở nhà thờ và tất cả mọi cái khác liệu có thể làm bợn hạnh phúc của mình không nhỉ?
Không, chẳng có gì làm tổn thương tới nó được!". Chàng nhìn Kitti và thấy ý kiến về quần áo cưới không làm nàng phật ý mảy may. "Vậy thì đó là chuyện cần thiết", chàng tự nhủ.
- Con chẳng hiểu gì về chuyện đó cả, ba mẹ biết đấy, con chỉ nói lên điều mong ước của con với ba mẹ thôi, - chàng nói tiếp để cáo lỗi.
- Ta sẽ tính chuyện đó sau. Bây giờ có thể làm lễ đính hôn và báo hỉ được rồi đấy.
Phu nhân lại bên chồng, hôn ông và định đi, nhưng ông giữ bà lại, ôm bà vào trong tay, và như một gã tình lang trẻ tuổi, âu yếm hôn bà nhiều lần, vừa hôn vừa mỉm cười. Đôi vợ chồng già rõ ràng tâm trí để đi đâu và không còn biết đích xác rằng họ đang yêu hay là con gái họ nữa. Khi họ đi khỏi, Levin lại gần vợ chưa cưới và cầm tay nàng.
Chàng đã định thần và có thể nói nên lời. Chàng có biết bao điều cần nói với nàng. Nhưng chàng lại nói khác hẳn điều cần nói.
- Trước đây, anh đã biết là chuyện này sẽ đến! Anh chưa bao giờ dám hy vọng, nhưng trong thâm tâm, anh đinh ninh như vậy, - chàng nói. -Anh tin là số mệnh đã định như thế.
- Còn em? - nàng nói. -Ngay cả khi... - nàng ngừng lại và quả quyết đưa cặp mắt chân thật nhìn thẳng vào mặt chàng, nói tiếp: - ngay cả lúc em xua đuổi hạnh phúc của mình, em cũng chỉ yêu mình anh thôi, nhưng hồi đó em đã dại dột nghe theo một sự cám dỗ. Em cần hỏi anh... Anh có thể quên chuyện đó chứ?
- Có lẽ thế thì hơn. Em còn nhiều cái phải tha thứ cho tôi... Tôi muốn nói với em rằng...
Đó là một lời thú tội chàng định nói với nàng. Chàng đã quyết định phải thú tội với nàng ngay từ ngày đầu, là chàng không trong trắng như nàng và chàng không tin đạo. Thật khổ tâm nhưng chàng cho rằng mình phải thú với nàng cả hai điều đó.
- Không, tôi không nói bây giờ đâu, để sau vậy! - chàng nói.
- Được rồi, sau hãy hay, nhưng thế nào anh cũng phải nói cho em biết nhé. Em không sợ gì hết. Em cần biết tất cả mọi chuyện. Bây giờ thì xong xuôi rồi.
Chàng kết thúc:
- Xong xuôi có nghĩa là em lấy tôi y nguyên như con người thực của tôi... Em sẽ không bỏ tôi chứ? Có phải không?
- Vâng, vâng.
Cuộc trò chuyện bị ngắt quãng vì cô Linong đến mừng cô học trò yêu bằng một nụ cười âu yếm và yểu điệu. Bà chưa kịp lui ra thì bọn người làm đã đến chúc tụng. Rồi người trong họ tới và bắt đầu cái giai đoạn đầy hạnh phúc và vô lý mà mãi đến hôm sau ngày cưới Levin mới thoát khỏi. Levin luôn thấy gò bó, chàng chán ngấy, tuy nhiên hạnh phúc vẫn chỉ có tăng lên. Chàng cảm thấy người ta đòi hỏi chàng từng cách đi đứng, cư xử mà trước đây chàng không hề nghĩ tới, chàng làm tất cả những điều người ta bảo và điều đó cũng khiến chàng sung sướng. Chàng tin rằng lễ đính hôn của mình tuyệt nhiên không giống với lễ đính hôn của những người khác, rằng nếu nó diễn ra như thường lệ, thì hạnh phúc sẽ vì thế mà tổn thương, nhưng thực ra chàng cũng làm giống hệt mọi người và hạnh phúc chỉ có lớn thêm, trở thành một diễm phúc cá nhân không một hạnh phúc nào khác có thể sánh bằng.
- Bây giờ, ta sẽ ăn kẹo, - cô Linong nói, thế là Levin chạy đi mua kẹo.
- Xin nhiệt liệt chúc mừng anh, - Xvyajxki nói. - Tôi khuyên anh nên đặt mua hoa ở hàng Fomill.
- à vâng, cần phải như thế à? - thế là chàng bổ đến nhà Fomill.
Ông anh bảo chàng phải vay tiền để chi tiêu những món trước mắt, mua quà tặng...
- Phải tặng quà ư? - thế là chàng lập tức đến nhà Funđa.
ở hàng bánh kẹo, ở hàng Fomill, ở nhà Funđa, chàng đều thấy họ đang chờ mình, họ hài lòng được thấy chàng và họ hỉ hả cũng như mọi người chàng phải liên hệ giao dịch trong những ngày đó đều hỉ hả. Lạ thay, không những mọi người đều yêu mến chàng mà cả những người xưa nay thường lạnh lùng và thờ ơ, cũng đều có vẻ phấn khởi khi thấy mặt chàng, chiều mọi ý muốn, tỏ ra tế nhị đối với mối tình của chàng và thừa nhận chàng là người sung sướng nhất đời vì vợ chưa cưới của chàng quả là toàn thiện toàn mỹ. Đối với Kitti cũng vậy. Khi nữ bá tước Norxton mạo muội nói bóng gió đến những đám hiển hách hơn mà bà ta vẫn nhắm nhe cho cô bạn, Kitti bèn nổi nóng và hết sức hùng hồn vạch cho bà ta thấy trên đời này không có chàng rể nào ưu tú hơn Levin, đến nỗi nữ bá tước Norxton phải thừa nhận là đúng và từ đó trở đi, mỗi lần gặp Levin trước mặt Kitti, bà không bao giờ quên chào chàng bằng một nụ cười ngây ngất.
Riêng có cuộc giãy bày tâm sự Levin đã hứa với Kitti là sự việc nặng nề duy nhất trong giai đoạn này. Theo ý lão quận công mà chàng nhờ chỉ bảo, Levin trao cho Kitti quyển nhật ký đã ghi tất cả những điều giày vò chàng. Chàng viết cuốn nhật ký ấy với ý định dành riêng cho vị hôn thê tương lai của mình đọc. Có hai điểm khiến chàng băn khoăn: chàng không còn trong trắng và không tin đạo.
Nàng vốn ngoan đạo, không bao giờ nghi ngờ chân lý của tôn giáo nhưng cái vẻ ngoài không tín ngưỡng của chồng chưa cưới không làm nàng băn khoăn mảy may. Tình yêu đã giúp nàng thâm nhập hoàn toàn vào tâm hồn Levin và nhìn thấy trong đó tất cả những gì nàng muốn thấy; nhưng việc đặt tên tâm trạng đó là vô tín ngưỡng, đối với nàng hoàn toàn không quan trọng. Trái lại, lời thú tội thứ hai khiến nàng khóc cay đắng.
Trao nhật ký cho nàng, đâu phải Levin không trải qua đấu tranh tư tưởng. Chàng biết giữa chàng với nàng, không thể và không nên có điều gì giấu nhau nên quyết định làm như vậy, nhưng chàng không biết điều đó có thể tác động đến Kitti như thế nào; chàng đã không đặt mình vào địa vị của nàng. Mãi đến chiều hôm đó, khi tới nhà nàng trước giờ đi xem hát, bước vào phòng và thoáng thấy bộ mặt xinh đẹp sầu não và đẫm nước mắt, chàng mới hiểu cái tai hại không thể cứu chữa mình đã gây cho nàng và cái vực thẳm ngăn cách quá khứ đáng xấu hổ của chàng với cái trong trắng bồ câu kia. Chàng hoảng hốt vì việc mình đã làm.
- Anh hãy cầm lấy quyển vở kinh khủng này đi! - nàng nói, vừa đẩy tập giấy đặt trước mặt trên bàn. - Tại sao anh lại đưa nó cho tôi!... Không, làm thế mà tốt hơn, - nàng nói tiếp vì thương hại bộ mặt tuyệt vọng của chàng. - Nhưng thật là kinh khủng, kinh khủng!
Chàng cúi đầu nín lặng. Chàng không thể nói gì được.
- Em sẽ không tha thứ cho tôi ư? - chàng thầm thì.
- Có chứ, em tha thứ cho anh rồi mà. Nhưng thật là kinh khủng!
Hạnh phúc của Levin lớn đến nỗi lời thú tội đó chẳng những không hề làm nó tổn hại chút nào, mà còn điểm thêm vào đó một màu sắc mới. Nàng đã tha thứ cho chàng; nhưng từ hôm đó, chàng càng cho mình không xứng với nàng, càng rạp mình, về mặt tinh thần, trước mặt nàng và càng đánh giá cao cái hạnh phúc chàng không đáng được hưởng.
(1) Mon cher (tiếng Pháp trong nguyên bản).

- Đội ơn Chúa, ông đây rồi! Bà nhà chỉ nhắc đến ông thôi, - bà ta nói.
- Mang nước đá lại ngay cho tôi! - trong phòng ngủ, có tiếng bác sĩ gọi.
Alecxei Alecxandrovitr đến phòng riêng Anna. Vronxki ngồi ghé trên chiếc ghế tựa thấp cạnh bàn, đang khóc, tay ôm đầu. Chàng giật bắn người khi nghe thấy tiếng bác sĩ nói, buông tay ôm mặt ra và thấy mình đang ở trước mặt Alecxei Alecxandrovitr. Trông thấy ông chồng, chàng luống cuống đến nỗi lại ngồi xuống, rụt đầu giữa đôi vai như muốn biến đi; nhưng chàng cố trấn tĩnh và nói; - Bà nhà đang hấp hối. Các thầy thuốc bảo không còn hy vọng gì nữa. Số phận tôi do ông định đoạt, nhưng xin ông cho phép tôi được ở lại đây... tôi hiện ở trong tay ông, tôi...
Thấy Vronxki khóc, Alecxei Alecxandrovitr đâm bối rối như mọi lần đứng trước đau đớn của người khác. Ông quay đi và không nghe Vronxki nói hết, vội vã đi về phía cửa. Trong buồng ngủ, có tiếng Anna đang nói. Giọng nàng vui vẻ, hoạt bát, âm sắc rõ ràng. Alecxei Alecxandrovitr bước vào phòng và đến gần giường. Nàng quay mặt về phía ông. Má nàng đỏ ửng, cặp mắt long lanh, đôi tay nhỏ nhắn trắng muốt thò ra ngoài tay áo ngủ và đang vân vê góc chăn. Không những nàng có vẻ tươi tỉnh và khỏe mạnh mà còn rất vui nữa. Nàng nói nhanh, sang sảng, uốn giọng rất chính xách và đầy tình cảm.
-...Bởi vì Alecxei, - tôi đang nói về Alecxei Alecxandrovitr (lạ lùng và ác nghiệt thay, cả hai người lại cùng tên là Alecxei cả, có phải không?) - Alecxei hẳn sẽ không cự tuyệt tôi. Tôi sẽ quên đi, nhà tôi sẽ tha thứ cho tôi... Nhưng sao nhà tôi chưa về nhỉ? Nhà tôi tốt lắm, chính ông ấy không biết là mình tốt đến chừng nào. Ôi! Lạy Chúa, tôi lo sợ biết mấy! Cho tôi uống nước nhanh lên! à phải, nhưng thế không tốt cho cháu, cho con gái tôi! Thôi đành, cứ kiếm cho nó người vú nuôi. Phải, tôi bằng lòng thế, có khi thế lại tốt hơn. Nếu nhà tôi về, trông thấy nó, ông ấy hẳn khổ tâm lắm! Hãy mang nó đi!
- Anna Arcadievna, ông nhà tới rồi. Ông đây, - bà hộ sinh nói, cố lưu ý nàng đến Alecxei Alecxandrovitr.
- Chao! Ngốc thật! - Anna nói tiếp, vẫn Carenin trông thấy chồng.
Phải, đưa cháu cho tôi, đưa con gái tôi cho tôi nào! Nhà tôi chưa có đây. Các người bảo nhà tôi sẽ không tha thứ cho tôi là vì các người không hiểu ông ấy. Chẳng ai hiểu nhà tôi cả. Trừ có tôi, vì vậy mà tôi càng khổ tâm. Các người nên biết mắt Xerioja giống hệt mắt nhà tôi và chính vì thế mà tôi không thể nhìn vào mắt nó được nữa. Họ đã cho Xerioja ăn cơm chưa? Chắc mọi người lại bỏ quên nó rồi. Phải xếp cho Xerioja ở phòng đầu góc và bảo Mariet ngủ với nó.
Đột nhiên, nàng co quắp người, nín bặt và đưa cánh tay lên ngang mặt như để đỡ đòn, vẻ khiếp sợ. Nàng đã trông thấy chồng.
- Không, không! - nàng nói tiếp, - tôi không sợ nhà tôi đâu, chính là tôi sợ chết đấy. Alecxei, mình lại đây. Em vội lắm vì thời gian gấp rồi, em chẳng còn sống được bao lâu, cơn sốt sắp trở lại và em sẽ chẳng biết gì nữa đâu. Lúc này thì em biết: em biết tất cả và em trông thấy tất cả.
Bộ mặt nhăn nheo của Alecxei Alecxandrovitr lộ vẻ đau đớn dữ dội; ông cầm tay nàng và định nói, nhưng không thốt nên lời, môi dưới ông run lên; ông vẫn cố nén xúc động và thỉnh thoảng lại nhìn nàng. Mỗi lần thế, ông lại thấy mắt nàng đăm đăm nhìn mình với một vẻ dịu dàng, hồ hởi mà ông chưa từng thấy ở nàng bao giờ.
- Khoan đã, mình không biết... Các người hãy khoan, hãy khoan đã...
- nàng dừng lại như để tập trung ý nghĩ. - Phải, - nàng bắt đầu nói... - Phải, phải, phải. Em muốn nói thế này đây. Mình đừng ngạc nhiên nhé. Em vẫn như xưa thôi... Nhưng trong em, có một con đàn bà khác và em sợ ả ta. Chính ả đã phải lòng anh ta. Em muốn thù ghét mình, nhưng em không tài nào quên nổi cái người đàn bà trước kia là em. ả kia, không phải là em. Bây giờ, em mới đúng là em toàn vẹn. Em đang hấp hối, em biết em sắp chết, mình chỉ việc hỏi anh ta thì rõ.
Em lại thấy nằng nặng ở bàn tay, bàn chân, ngón tay, ngón chân đấy.
Mình nhìn xem ngón tay em to biết chừng nào! Nhưng tất cả cái đó đều sắp kết thúc... Em chỉ cần mỗi một điều là mình tha thứ cho em, tha thứ hoàn toàn! Em là một con đàn bà ghê tởm, nhưng chị bảo mẫu của Xergei đã kể cho em nghe chuyện một bà thánh tử vì đạo, bà ta tên là gì nhỉ? Hình như bà ta còn tệ hơn em. Em sẽ đến thành Rôm, ở nơi ấy có một bãi sa mạc, tại đó em sẽ không làm rầy ai, em chỉ mang theo Xerioja và con gái nhỏ thôi... Không! Mình không thể tha thứ cho em được! Em biết, người ta không thể tha thứ chuyện ấy được! Không, không mình đi đi, mình hoàn hảo quá! - nàng cầm tay chồng trong bàn tay nóng bỏng, còn tay kia thì đẩy ông ta ra.
Nỗi bối rối của Alecxei Alecxandrovitr cứ tăng mãi và cuối cùng lên đến mức ông thôi không tự đấu tranh nữa; ông bỗng cảm thấy điều ông tưởng là bối rối, trái lại, chính là một tâm trạng đầy diễm phúc, nó đột nhiên mang đến một niềm sung sướng mới lạ ông chưa từng thấy bao giờ. Ông không hề nghĩ luật lệ đạo Gia tô mà suốt đời ông không muốn theo, đã ra lệnh cho ông phải tha thứ và yêu kẻ thù địch; nhưng một tình cảm yêu thương và khoan dung xán lạn tràn ngập tâm hồn ông. Ông quỳ xuống cạnh giường, áp đầu vào chỗ khoeo tay Anna, cảm thấy cơn sốt hầm hập qua lần áo ngủ và nức nở như một đứa con nít. Nàng đưa tay ôm cái đầu hói của chồng, ghé lại gần và ngước mắt lên với một vẻ tự hào khiêu khích.
- Nhà tôi đây, tôi biết mà! Bây giờ thì vĩnh biệt tất cả, vĩnh biệt...
Họ trở lại, tại sao họ lại không đi hẳn đi?... Cởi những cái áo lông này cho tôi!
Bác sĩ gỡ tay nàng ra, nhẹ nhàng đặt lên gối và đắp chăn kín vai nàng. Nàng ngoan ngoãn nằm ngửa và giương đôi mắt long lanh nhìn trân trân về phía trước.
- Mình nhớ rằng em chỉ cần mình tha thứ thôi, em chẳng ước ao gì khác nữa... Tại sao anh ta không lại đây? - nàng nói tiếp và quay về phía cả căn buồng Vronxki đang ngồi. - Lại đây anh, lại đây! Đưa tay cho nhà tôi!
Vronxki đến tận chân giường và khi thấy Anna, chàng lại lấy tay che mặt.
- Buông tay ra anh, hãy nhìn nhà tôi đây. Đó là một vị thánh, - nàng nói. - Buông tay che mặt ra nào! - nàng nói tiếp, giọng bực tức. - Alecxei Alecxandrovitr, mình gỡ tay anh ta ra. Em muốn nhìn anh ta.
Alecxei Alecxandrovitr cầm lấy tay Vronxki và nhấc ra khỏi bộ mặt biến sắc vì đau đớn và tủi nhục.
- Mình đưa tay cho anh ta. Hãy tha thứ cho anh ấy.
Alecxei Alecxandrovitr chìa tay cho chàng, để mặc cho những giọt lệ từ khoé mắt lăn xuống.
- Đội ơn Chúa! Đội ơn Chúa! - nàng nói. - Bây giờ, mọi sự đã sẵn sàng. Tôi chỉ còn phải duỗi chân ra một chút. Đây này, thế, tốt lắm.
Những bông hoa kia vẽ thật chẳng nhã tí nào, chẳng giống hao viôlet tí nào, - nàng vừa nói vừa chỉ những màn cửa. - Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi! Bao giờ cho nó xong đi! Tiêm moócphin cho tôi đi, bác sĩ! Tiêm moócphin cho tôi đi nào. Ôi! Lạy Chúa tôi, lạy chúa tôi!
Và nàng bắt đầu quằn quại trên giường.
Các thầy thuốc đã chẩn đoán là bệnh sốt sản hậu mà trăm người mắc họa may mới có một người thoát khỏi. Cả ngày hôm đó, nàng mê man bất tỉnh. Đến nửa đêm, bệnh nhân nằm sóng sượt gần như mất hết tri giác, mạch đập rất yếu, gần như không thấy.
Người ta đợi lúc lâm chung từng phút.
Vronxki trở về nhà nhưng sáng sau lại đến nghe ngóng tin tức.
Alecxei Alecxandrovitr ra đón chàng ở phòng chờ và bảo: "Ông hãy ở lại, có thể nhà tôi sẽ hỏi ông đấy" và ông thân hành dẫn chàng vào phòng riêng Anna. Buổi sáng, nàng lại bắt đầu bị khích động, nói huyên thuyên hết chuyện này sang chuyện nọ, rồi lại thiếp đi bất tỉnh. Ngày hôm sau nữa, cũng như thế và các thầy thuốc bảo là có chút hy vọng.
Hôm đó, Alecxei Alecxandrovitr đến phòng riêng Anna lúc Vronxki đang ở đấy và sau khi khóa trái cửa, ông ngồi xuống trước mặt chàng.
- Alecxei Alecxandrovitr, - Vronxki nói, cảm thấy sắp đến lúc phải phân giải sự tình, - tôi đang ở tình trạng không nói gì được, không hiểu gì được. Xin ông miễn cho tôi! Dù ông đau khổ đến đâu, xin ông tin rằng, đối với tôi, còn khủng khiếp hơn nữa kia.
Chàng định đứng dậy. Nhưng Alecxei Alecxandrovitr nắm lấy cánh tay chàng nói:
- Xin ông hãy nghe tôi nói cho hết đã, đó là điều cần thiết. Tôi phải cắt nghĩa cho ông rõ những tình cảm đã dẫn dắt tôi cho đến nay và sẽ quyết định thái độ đối xử của tôi sau này, để ông khỏi hiểu lầm tôi.
Ông biết rằng tôi đã quyết định ly dị và thậm chí tôi đã tiến hành những thủ tục bước đầu. Tôi không giấu ông là khi đi vào con đường ấy, tôi đã do dự, tôi đã đau khổ; xin thú thật với ông, tôi đã bị ám ảnh bởi mong muốn trả thù nàng và trả thù ông. Khi nhận được điện, tôi đã tới đây, vẫn với tình cảm ấy. Hơn thế nữa: tôi mong nàng chết.
Nhưng... - ông ta im lặng, do dự không muốn phơi bày hết ý nghĩ với Vronxki. - Nhưng tôi đã gặp lại nàng, tôi đã tha thứ cho nàng, và niềm hạnh phúc trong sự khoan dung vạch cho tôi thấy bổn phận mình. Tôi đã tha thứ cho nàng không chút dè dặt. Tôi muốn chìa má bên kia, cho nốt chiếc sơ mi khi người ta lấy mất áo choàng của tôi. Tôi chỉ cầu Chúa để Người đừng tước đi của tôi cái hạnh phúc nằm trong sự khoan dung.
Ông rơm rớm nước mắt và cái nhìn rạng rỡ, bình thản của ông làm Vronxki sững sờ.
- Hoàn cảnh của tôi là thế đó. Ông có thể giày xéo tôi xuống bùn, biến tôi thành trò cười cho thiên hạ, tôi cũng sẽ không bỏ nàng và không trách ông lời nào, - Alecxei Alecxandrovitr nói tiếp. - Bổn phận tôi đã được vạch ra rõ ràng: tôi phải ở lại với nàng. Nếu nàng muốn gặp ông, tôi sẽ cho người báo, nhưng tôi nghĩ, giờ đây, tốt hơn hết là ông nên lánh xa đi.
Ông đứng dậy và tiếng nức nở ngắt lời ông, Vronxki cũng đứng dậy nhưng không dướn thẳng người lên mà hơi lom khom, chàng ngước nhìn ông: chàng không hiểu nổi những tình cảm của Alecxei Alecxandrovitr. Nhưng chàng cảm thấy trong đó có cái gì cao thượng, không thể dung hòa với nhân sinh quan của mình.
(1) Thành ngữ La tinh có nghĩa là: "Thần Jupite định hại ai thì trước hết làm kẻ đó mất trí". Thường áp dụng vào trường hợp những cá nhân hoặc chính phủ do hành động lầm lẫn, thiếu chín chắn mà làm hỏng việc lớn. Cả câu là: "Quos vult perdere jupiter dementat prius" khi dùng người ta thường bỏ chữ prius đi.
(2) Prestige (tiếng Pháp trong nguyên bản).
--!!tach_noi_dung!!--

nhị ca - Dương tường dịch
Được bạn: mọt sách đưa lên
vào ngày: 16 tháng 8 năm 2004

--!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!--
Truyện Cùng Tác Giả Anna Karenina Bản Sonata Kreutzer CHIẾN TRANH VÀ HOÀ BÌNH PHỤC SINH Truyện thơ ngụ ngôn